Hôm nay,  

Tổng Kết Cuối Năm: Thế Giới Không Kẻ Lái

03/12/200500:00:00(Xem: 5271)
-Ông Bush yếu thế mới là mối nguy. Người dân Hoa Kỳ chưa thấy như vậy….

Cuộc khảo sát ý kiến do hệ thống Fox News công bố hôm Thứ Năm cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George W. Bush có tăng chút đỉnh, từ 36 lên 42%. Đây là tin mừng cho chính quyền Bush vì nhen nhúm hy vọng phục hồi cho năm tới, khi một số đơn vị đầu tiên của Hoa Kỳ tại Iraq có thể trở về… Ông Bush rất cần điều ấy và, rút tỉa bài học Bão lụt Katrina và Harriet Myers, ông sẽ phải thận trọng hơn.

Nếu không, Hoa Kỳ mất dần thế lực trên thế giới, điều ấy mới là một bất ổn lớn.

Thói quen tự bắn vào chân Hoa Kỳ

Trong tuần qua, tình hình kinh tế Hoa Kỳ đã khả quan hơn mọi dự đoán, với đà tăng trưởng và năng suất tăng vọt và số thất nghiệp sụt giảm đáng kể. Nếu nhớ lại năm tranh cử vừa qua và lập luận của ứng cử viên John Kerry, rằng kinh tế Mỹ suy sụt đến mức tệ hại nhất kể từ cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933, ta thấy là giới chính trị có biệt tài xào nấu thống kê và bất chấp thực tế kinh tế.

Tuy nhiên, dù kinh tế khả quan, năm đầu tiên của nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush là một năm u ám, và chính ông phải chịu trách nhiệm về sự suy sụp ấy. Lý do là dư luận quyết định theo ấn tượng hơn là thực tế, nhất là những ấn tượng tỏa sáng từ một thủ đô đầy đòn phép chính trị, với một chính quyền rất kém khả năng về thông tin và tuyên truyền.

Trong năm tranh cử 2004, người ta đã có thể dự đoán là nếu ông Bush thất cử thì không do kinh tế sa sút mà vì dư luận thấy tình hình Iraq không cải tiến. May cho ông Bush là đảng Dân chủ đã lầm lẫn đề cử một ứng viên kém khả năng lẫn tư cách là John Kerry nên cuối cùng ông Bush tái đắc cử. Rồi từ đấy mắc bệnh chủ quan, ông tưởng rằng mình có một số vốn liếng chính trị đáng kể để thi hành hàng loạt biện pháp cách mạng trong nhiệm kỳ hai.

Những gì ông Bush tranh thủ được - chế độ phân phối dược phẩm, tự do mậu dịch hoặc chánh sách năng lượng - bị lãng quên nhanh chóng, những gì ông không làm được - cải cách An sinh Xã hội - lại được nhắc nhở thường xuyên. Việc cải cách cơ chế Liên hiệp quốc cũng vậy.

Trong khi ấy, cục diện Iraq vẫn gây ấn tượng "bất phân thắng bại", làm dân chúng hoài nghi nhất là khi số tử vong của lính Mỹ vượt qua ngưỡng cửa tâm lý là 2.000 người. Dân Mỹ không cần biết là 20.000 tay khủng bố có thể đã bị loại khỏi vòng chiến mà chỉ được truyền thông nhắc nhở là hai ngàn binh lính Mỹ đã hy sinh. Mãi đến tuần qua, Tướng Peter Pace, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Mỹ mới nói ra một điều đã thấy từ lâu là quân lực Mỹ kém về thông tin nên không giúp cho dư luận hiểu rõ hiện tình Iraq.

Tuy nhiên, không phải tình hình Iraq đã khiến ông Bush tuột dốc.

Trong khi phe phản chiến và cực tả bắt đầu huy động dư luận thì ông Bush nghỉ hè một tháng trong nông trại Crawford. Ông vẫn làm việc trong thời gian này, nhưng dư luận không cần biết mà chỉ thấy là ông đã chậm phản ứng với thiên tai Katrina: tổng thống thiếu chuẩn bị khi New Orleans bị khủng hoảng. Biến cố ấy là giọt nước tràn ly.

Sau đấy, khi niềm tin quần chúng đang lung lay, ông Bush tự gây vấn đề cho mình với việc bổ nhiệm Harriet Myers làm thành phần cử tri truyền thống của ông bất mãn. Hai lỗi lầm ấy xảy ra cùng lúc với các vụ xì căng đan chính trị là Dân biểu Tom Delay và Đổng lý Lewis "Scooter" Libby của Phó Tổng thống bị truy tố.

Là người đầy mưu lược và đáng sợ cho đảng Dân chủ, Tom Delay phải tạm từ bỏ vai trò Lãnh đạo Hạ viện (theo nguyên tắc luân lý đảng Cộng hòa tự đặt cho mình, đảng Dân chủ không có kỷ luật ấy). Dù tội danh của cả hai vẫn còn mơ hồ và kết quả pháp lý chưa ngã ngũ về pháp lý, nhưng hậu quả chính trị vẫn là điều bất lợi cho Tổng thống.

Từ tháng 11, ông Bush mới bắt đầu tổng phản công và trình bày sự thể Iraq một cách rõ ràng, mạch lạc hơn nên có thể phần nào giành lại niềm tin của quần chúng. Nhưng trong khi chờ đợi, ông vẫn ở vào thế yếu. Và nhìn từ quốc tế, Hoa Kỳ cũng ở vào thế yếu. Đấy mới là điều đáng lo ngại.

Về hồ sơ Iraq, chính quyền Bush đã công bố một chiến lược có nhiều chi tiết phản ảnh sự liền lạc của lý luận lẫn những điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế. Trong mười năm tham chiến tại Việt Nam, chưa khi nào lãnh đạo Mỹ lại trình bày mục tiêu phương hướng chiến tranh một cách gãy gọn và chi tiết như vậy. Trong hai tuần tới, ông Bush tiếp tục khai triển chiến lược này để giải thích cho dư luận Mỹ và cả dư luận Iraq về những gì Hoa Kỳ sẽ thực hiện.

Nếu mọi việc diễn tiến như dự tính thì sau cuộc bầu cử ngày 15 tới đây, qua năm tới một số đơn vị Mỹ có thể đã nói đến chuyện hồi hương, trễ lắm kể từ tháng Sáu.

Nếu lạc quan, đảng Cộng hòa có thể tin là trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (tổng thống) vào tháng 11 năm tới, đảng vẫn giữ được đa số tại Quốc hội, điều này không phải là ảo tưởng vì đảng Dân chủ thực ra chưa có được một kế sách rõ rệt gì về nội chính và có khi còn tách đôi vì vụ Iraq. Nếu bi quan, đảng này có thể e ngại là nhiều cử tri sẽ nản chí ở nhà mà không đi bầu, và cuộc tranh cử năm tới sẽ đạt nhiều kỷ lục về mức kỳ cục của nền dân chủ Mỹ.

Trong mọi giả thuyết, đảng Dân chủ chỉ có hy vọng đạt đa số tại Quốc hội nếu tình hình kinh tế bỗng sa sút bất ngờ, là điều có thể xảy ra, nhưng với xác suất ngày càng thấp so với tình hình mấy tháng vừa qua.

Tuy nhiên, đấy là chuyện nội bộ của nước Mỹ.

Nhìn từ thế giới bên ngoài, các nước đang vui mừng hoặc âu lo về khả năng tự mình hại mình của giới lãnh đạo Hoa Kỳ, trong và ngoài chính quyền, kể cả truyền thông.

Nhìn trên toàn cảnh, ông Bush là vị tổng thống đã có quyết định ảnh hưởng đến toàn cầu hơn hẳn các vị tiền nhiệm sau thời Richard Nixon, kể cả Ronald Reagan. Ông sẽ còn cầm quyền cho đến tháng Giêng năm 2009. Trong ba năm tới, chưa ai biết là tình hình thế giới sẽ xoay chuyển ra sao nhưng nếu Tổng thống tiếp tục tự bắn vào chân, nói theo thành ngữ Mỹ, với tỷ lệ ủng hộ là đà dưới mức 50%, thì những gì có thể xảy ra"

Một thế giới không người lái

Đồng minh cố hữu của Hoa Kỳ là Liên hiệp  châu sẽ tiếp tục bị tê liệt sau những khủng hoảng liên tục vừa xảy ra cho Pháp và Đức. Sự suy yếu gần đây của chính quyền Tony Blair, đồng minh chiến lược của ông Bush, khiến Âu châu rất khó sát cánh với Hoa Kỳ để đề ra những giải pháp cần thiết cho thế giới. Một số quốc gia Âu châu tự coi là đối thủ của Hoa Kỳ cũng không thể khai thác sự suy yếu hiện nay của chính quyền Bush để đưa ra sáng kiến có tính chất chiến lược cho thế giới. Một thí dụ điển hình là đối sách với Iran chẳng hạn. Mà Iran là một phần của bài toán Iraq của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hiện vẫn phải đảm đương vai trò trọng yếu cho an ninh thế giới, nhất là giữa cuộc chiến toàn diện và phức tạp với xu hướng Hồi giáo cực đoan. Một số lãnh tụ Dân chủ, như John Kerry thì cho rằng vụ Iraq cản trở nỗ lực ấy. Đồng ý hay không với lý luận này thì người ta cũng phải thấy là một số quốc gia trên thế giới có khi lại rất hài lòng với việc Hoa Kỳ đang bù đầu với nạn khủng bố thì lại tự gieo họa cho mình vì những chuyện nội bộ.

Đã thế, khi Tổng thống Mỹ bị suy yếu làm giảm sút thế lực của Hoa Kỳ thì các quốc gia này không lỡ dịp khai thác.

Không ai quên là khi Tổng thống Vladimir Putin bị suy yếu trong nhiệm kỳ đầu, toàn khối Đông Âu đã được (hay "bị") Tây Âu hóa và là thành viên của Minh ước NATO khiến Liên bang Nga thấy như bị hở bụng. Trong khi ấy, Hoa Kỳ rồi cả Trung Quốc đã xấn vào Trung Á và cuộc cách mạng dân chủ muôn màu đã lan rộng từ Georgia, Ukraine qua tới Kyrgyzstan.

Lần này, khi ông Bush bị suy yếu trong nhiệm kỳ hai, người ta không nên chờ đợi bất cứ một sự nhân nhượng nào của các quốc gia vẫn coi Hoa Kỳ là một đối thủ.

Gần Mỹ thì có Venezuela và lãnh tụ cực tả Hugo Chavez. Ngồi trên kho dầu, Chavez đã chọc quê nước Mỹ, với sự đồng lõa của các Nghị sĩ Dân chủ, để đòi trợ cấp xăng dầu cho dân nghèo tại Massachusetts qua hệ thống phân phối Citgo của Venezuela tại Mỹ. Trực diện đối đầu với Mỹ tại Mỹ châu La tinh, Chavez vừa ủng hộ Fidel Castro vừa quấy rối tại Colombia, Bolivia và Honduras. Tổng thống Brazil thì kín đáo hơn nhưng cũng phá vỡ kế hoạch mậu dịch tự do cho Tây bán cầu (Nam Bắc Mỹ) do Hoa Kỳ đề xướng. Kế hoạch Nam Mỹ của ông Bush tan thành mây khói sau Thượng đỉnh tháng trước.

Xa hơn một chút thì có Bắc Hàn, Trung Quốc và cả Việt Nam. Đương khi ông Bush vấp ngã thì tội gì mà quan tâm đến những khuyến cáo của Hoa Kỳ về võ khí hạch tâm hay dân chủ nhân quyền" Kế hoạch ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc mà Hoa Kỳ từng nói đến đã trở thành kế hoạch trên giấy.

Nhưng, như một cách trả đòn thâm trầm hơn cả, Liên bang Nga của Valdimir Putin đã triệt để khai thác sự suy yếu của Hoa Kỳ để giành lại thế chủ động trong vùng ảnh hưởng của mình, tại Trung Á và cả vùng Baltic lẫn Ukraine và Georgia. Trong một thế giới chưa thể là đa cực, khi siêu cường độc bá bị yếu thế, các cường quốc còn lại đều lập tức phản công. Họ không tranh đoạt với Hoa Kỳ về một nghị trình khác cho thế giới mà chỉ mở rộng ảnh hưởng tại vùng phiên trấn ở ngoại vi dù có khi hợp tác với kẻ thù của Mỹ trên trận tuyến khủng bố. Chính điều ấy có khi lại cản trở chiến lược Hoa Kỳ tại Iraq.

Tình hình Iraq đang ở vào khúc quanh với đà thắng thế của Hoa Kỳ. Nhưng tương lai xứ này còn tùy thuộc vào thiện chí hoặc ít ra là sự bất can dự của các nước trong vùng như Saudi Arabia, Syria hay Iran. Ở vào thế yếu, Hoa Kỳ khó gây sức ép với các xứ này mà cũng chẳng thể trông chờ gì ở các cường quốc khác.

Đứng trên tuyến đầu của trận chiến chống khủng bố, lại đang đề cao việc phát huy dân chủ toàn cầu, Hoa Kỳ bị tuột tay và trong một thế giới không người lái, đấy là sự cổ võ bất ngờ cho các chế độ độc tài. Ngay trước mắt thì điều ấy cũng cản trở chiến lược Iraq của chính quyền Bush. Khốn nỗi dân Mỹ như chưa nhìn ra điều ấy.

Liệu ông Bush có thể đảo ngược nổi tình hình không" Khó tin lắm! Tổng thống Bush tự quàng chân trong một vòng lẩn quẩn: ông phải đạt thành quả tại Iraq nhưng thành quả này trở thành xa vời lâu lắc nếu Hoa Kỳ yếu thế không tạo được những thay đổi trong khối Sunni hay tại hai nước có thể gây loạn cho Iraq, là Syria và Iran.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo CNN, một người đàn ông Đức 63 tuổi đã tử vong do nhiễm trùng hiếm thấy, sau khi được chú chó của mình “liếm yêu”.
NEW YORK (VB) -- Diễn hành mừng Lễ Tạ Ơn do Macy's thực hiện đã tổ chức hôm Thứ Năm 28/11/2019 tại New York, bất kể quan ngại thời tiết
Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Trung Cộng cảnh cáo: sẽ có những biện pháp ứng phó cứng rắn nếu Washington tiêp tục hậu thuẫn dân biểu tình Hong Kong.
Hội nghị hợp tác Hồi Giáo (OIC) giữ im lặng trước thảm cảnh đàn áp người thiểu số Ui-ghur theo đạo Hồi tại tỉnh Xinjiang trong vùng tây bắc Hoa Lục - khoảng 1 triệu người Uighur bị đưa vào trại lao cải trá hình là trại huấn nghiệp.
Dân Iraq chống chế độ tham nhũng, bất lực tiếp tục biểu tình - ít nhất 15 người thiệt mạng hôm 27-11 tại Narisiya thuộc miền nam. Số người bị thương là 150.
Khoảng 1000 máy kéo từ từ tiến vào thủ đô Pháp để phản đối các chính sách của TT Macron –-nông dân nói: các chính sach và giao thương quốc tế gây thiệt hại nông nghiệp và hạ thấp mức sống của người sản xuất.
Di dân từ Liên Âu nhập cư vương quốc UK năm 2019 được ghi nhận ở mưc thấp nhất từ 2003.
Hội nghị của cơ quan không gian châu Âu họp tại Tây Ban Nha tuần này đã biểu quyết chấp thuận ngân sách 14.4 tỉ euro, là dự chi xứng hợp với các nỗ lực phát triển kỹ nghệ không gian của Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Bộ trưỏng hải quân Richard Spencer bị ép từ chức khi định cưỡng lại lệnh khoan hồng của TT Trump dành cho 1 trung đội trưởng SEAL, là đơn vị ưu tú của hải quân
ĐS Hoa Kỳ tại tổ chức Liên Âu bị 3 phụ nữ tố cáo tấn công tình dục.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.