Hôm nay,  

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (phan Quân Dịch Thuật)

08/02/201000:00:00(Xem: 9232)

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Phan Quân dịch thuật)

LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu tiếp những sự thật được ông tiết lộ trong tác phẩm  "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York.

*

(Tiếp theo...)

Bỗng nhiên, tôi thấy hối tiếc đã nói ra như vậy. Tôi biết rõ là cái bóng ma chiến bại và đầu hàng sẽ làm cho cụ già dễ thương kia đau khổ. Tôi thấy rằng ông đang khóc thầm, thu người hẳn vào chiếc ghế dựa. Chẳng còn gì để ông làm nữa cả. Không hành động được nữa nên niềm hy vọng đang vỗ cánh bay đi càng thêm khó chịu. Những giọt nước mắt của ông có thể là vì vỡ mộng, vì căm phẫn, vì chán ghét, vì bị phản bội hay chỉ vì tuyệt vọng. Tuy nhiên, ông kiên quyết bám lấy một chút hy vọng mong manh, dù biết rằng chẳng còn gì để hy vọng nữa. Cũng như nhiều người ở Sài Gòn, cụ Hương dễ mến kia cứ hy vọng một cách mù quáng và kiên trì vào việc cứu vãn và duy trì cái chính phủ “hợp hiến” của Việt Nam Cộng Hòa. Ông không còn hy vọng đến một ước mơ nhỏ nhoi nào hay một điều mơ tưởng nào khác.
Đã hai thập niên qua, nhiều người ở Nam Việt Nam đã được động viên để hiểu biết và tin tưởng rằng tự do là quyền sống và lẽ chết, là một cái gì để người ta phấn đấu và hy sinh mạng sống. Nhưng cụ Hương không còn tin tưởng như thế nữa vì chính phủ của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, lãnh tụ của Thế Giới Tự Do, có vẻ như chẳng còn suy nghĩ như thế nữa. Họ đã cắt đứt quan hệ cuối cùng nối liền họ với tiền đồn rồi.
Sau rốt, tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải xin cáo biệt. Vừa qua là một cuộc hội kiến vừa ngọt bùi vừa cay đắng và đau thương. Cả hai chúng tôi đều thấy rõ rằng có nói nữa cũng bằng thừa. Nguồn hy vọng cuối cùng của ông Hương trong đêm lịch sử đó chỉ có thể là ông đại sứ Hoa Kỳ, Graham Martin, nhưng lại là người chẳng đem đến cho ông điều gì nữa. Trước khi khép cánh cửa ra về, tôi nhìn ông lâu dài, thiết tha mong muốn giúp đỡ ông nhưng biết rằng tôi chẳng còn làm gì được nữa. Tôi không thấy vị tổng thống của một đất nước nào bất động và cô đơn như vậy, với một nét mặt hoàn toàn tuyệt vọng và hai vai khòm xuống vì buồn rầu. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông Trần Văn Hương.
Tôi biết rằng ông Hương không thực sự ước mong tôi đem lại cho ông chút hy vọng gì. Điều mà ông cần ở tôi nhiều nhất là một sự an ủi thân hữu để trám đầy khoảng trống to lớn đang bao quanh ông. Điều này tôi có thể làm được. Hôm đó, tôi trở về Sài Gòn đặc biệt là để có mặt cùng với ông, nhưng tôi có thể chia sẻ cảm nghĩ của ông, cũng như những cảm nghĩ mà tôi chia sẻ với cha mẹ già nua của tôi sau đó trong đêm. Cha mẹ tôi vui mừng khi thấy tôi trở về nhà để ở cạnh hai ông bà trong khi nhiều người muốn đi tỵ nạn lưu vong.
Tổng Thống Hương không biết chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được cứu vãn như thế nào, có hay không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông cũng không nghĩ là “Minh Lớn” có thể cứu vớt được chính phủ đó, nhưng vì không còn cách nào khác, Tổng Thống Hương đành nhượng bộ các áp lực buộc ông phải từ chức, thế là Tướng Minh nhận lấy vai trò lãnh đạo ở Nam Việt Nam vào giờ phút cuối cùng.
Hy vọng... giờ tôi nhớ lại hai năm trước đây tôi đã có cảm tưởng về một niềm hy vọng lớn lao cũng do chính phủ Hoa Kỳ đem lại, một chính phủ hôm nay đã bỏ rơi chúng tôi. Ngày đó, ở phi trường Orly (Pháp) vào trung tuần tháng giêng năm 1973, chính ông Henry Kissinger, lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, đã cho tôi có cảm tưởng như vậy. Ông sắp sửa trở lại Hoa Thạnh Đốn để diện kiến Tổng Thống Nixon, sau khi đã tiếp xúc lần nữa với Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị Hà Nội. Cuộc tiếp xúc đã diễn ra sau chiến dịch ném bom mười hai ngày đêm của Mỹ xuống Hà Nội vào dịp Giáng Sinh 1972, một mưu lược nhằm gây áp lực buộc Hà Nội phải chấp nhận Hiệp Định Ba Lê (rốt cuộc được ký kết khoảng hai tuần lễ sau đó, vào ngày 27 tháng giêng năm 1973).
Trước khi bước lên chiếc phi cơ đặc biệt dành cho ông, tại phòng khách danh dự, tiến sĩ Kissinger phải gặp báo chí. Mọi người đều biết cả hai chúng tôi rất rành vì họ đã theo dõi hòa đàm Ba Lê trong mấy năm qua. Đến gần máy vi âm, với một tâm trạng vui vẻ, tiến sĩ Kissinger khôi hài giới thiệu tôi với phóng viên: "Quý vị đều biết ông Phong, phụ tá đặc biệt của tôi về Châu Mỹ La Tinh”, ám chỉ đến tình trạng căng thẳng lúc bấy giờ giữa Mỹ và một vài nước La Tinh láng giềng.
Các phóng viên nghĩ rằng những cuộc “mật đàm” giữa Kissinger và Thọ đang đến giai đoạn cuối cùng và rồi đây sẽ dẫn đến một thỏa hiệp. Thế nên lời tuyên bố của tôi có đoạn như sau: "Chúng tôi đã mở lại hòa đàm Ba Lê với phía bên kia trong tinh thần của một niềm “hy vọng mới”, nhằm đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được cho cuộc chiến ở Việt Nam”. Một lúc sau, Kissinger cũng nói đến “hy vọng mới” trong lời tuyên bố của ông.
Liệu ông Kissinger có cùng chia sẻ niềm hy vọng mới hay chỉ là một cách nói gọn ghẽ để thu hút dư luận, dành cho phương tiện truyền thông" Tôi nghĩ rằng ngay một kẻ hùng mạnh trên cõi đời này đôi khi cũng hy vọng, khi công việc vuột khỏi tầm tay. Tôi cũng nghĩ rằng những nhà lãnh đạo uy thế cũng có thể có hy vọng và nói ra rõ ràng một cách dễ dàng hơn những con người tầm thường ngoài đường phố. Lúc bấy giờ, tôi hy vọng nhiều và một cách cụ thể là Hiệp Định Ba Lê sẽ được ký kết. Một trong những lý do để cho tôi hy vọng như vậy là sự hiện diện của tiến sĩ Kissinger bên cạnh tôi, như là đại diện cho một bộ máy chiến tranh vĩ đại trên địa cầu. Tổng Thống Nixon rất cần có được Hiệp Định Ba Lê vì nhu cầu trong nước cho cuộc vận động để tái đắc cử, chưa kể các lý do khác. Hy vọng đặc thù của tôi không tồn tại lâu dài. Nó tan biến với vụ từ chức của ông Nixon vào ngày 9 tháng 8 năm 1974 vì vụ tai tiếng Watergate, một biến cố đã trở thành “phát súng ân huệ” cho việc Mỹ can thiệp ở Việt Nam và cho số phận của Nam Việt Nam. Hy vọng, thực tế và phần số.
[...] Trong đêm định mệnh 25 tháng 4 năm 1975 đó, liệu ông Đại Sứ Graham Martin có lợi thế gì hơn Tổng Thống Trần Văn Hương để đem lại một hy vọng nào đó cho sự tồn tại của chính phủ Sài Gòn không" Hoặc có hy vọng gì cho những chính khách đầy tham vọng của Sài Gòn không" Hay là hy vọng gì cho sự an toàn của những người vô tội ở thủ đô cũ của Việt Nam Cộng Hòa không" Có lẽ là không. Ông đại sứ Hoa Kỳ đã biết được những diễn biến liên quan đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Nhất định là ông đã làm mọi cách trong khả năng của ông để cứu vãn, không những cái “Tiền Đồn Thế Giới Tự Do” trên tuyến chống cộng, mà còn cái ý niệm nào đó về một Nam Việt Nam không cộng sản để cho dân chúng được sinh sống mà không bị giết hại hay tiêu diệt thêm nữa.
Ông Martin, người đại diện tại chỗ cho siêu cường hàng đầu trên thế giới, cảm thấy mình ở trong một tư thế hoàn toàn bất lực, không thể làm thay đổi tình hình. Ông bị bắt buộc phải đóng một vai tuồng lịch sử của một thảm kịch trăm phần khó khăn hơn vai tuồng đau khổ của Tổng Thống Nam Việt Nam, Trần Văn Hương. Không có cách nào người khác biết được tâm tư và cảm nghĩ thầm kín của ông đại sứ Hoa Kỳ. Thế nhưng, cảnh tượng ở Tòa đại sứ Hoa Kỳ đã nói thay cho ông rồi. Một sự hỗn loạn hoàn toàn mà khung cảnh điển hình là cuộc di tản trên sân thượng của sứ quán. Một cảnh tháo chạy hối hả và lộ liễu như vậy của viên chức chính phủ Hoa Kỳ không làm cho thiên hạ hy vọng gì nữa - dĩ nhiên là ngoại trừ những ai đã leo lên được những chiếc trực thăng kia. Một cảnh tượng làm tăng thêm nổi tuyệt vọng cho nhiều người dân Sài Gòn.


Hai ông Graham Martin và Trần Văn Hương đều là những con người rất tốt. Cả hai đều là những công thần lương thiện đầy thiện chí và ý hướng để đem lại phúc lợi cho người khác. Nhưng cả hai đều ở vào bước ngoặt của lịch sử, nơi mà người tốt phải lãnh việc xấu, còn người xấu thì phần lớn tìm cách lánh xa những hậu quả mà họ đã góp phần tạo ra.
Nhất định là Đại Sứ Martin và Tổng Thống Hương đã cố gắng hình thành những chiến lược có cơ đem lại những tia hy vọng, nhưng cả hai đều phải hành xử chức năng của mình qua một bối cảnh toàn là tuyệt vọng. Hiểu biết được tánh tình của cả hai, tôi có thể hình dung được nổi nhục mà họ phải gánh chịu trong khi đảm trách những vai trò mà lịch sử và hành động của những người khác trong bao năm đã trao lại.
Không như ông Hương, Graham Martin biết rõ tại sao chính phủ Hoa Kỳ bỏ rơi chính phủ chống cộng của Nam Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ là trong những tháng, những tuần lễ và rồi những giờ phút cuối cùng, cá nhân ông Martin càng lúc càng trải qua tình trạng căm phẫn và tuyệt vọng. Đó là những gì mới mẻ và quái gở đối với ông. Mặt nào đó, có thể còn trầm trọng hơn nổi tuyệt vọng của ông Hương, vì ông Martin biết rõ hơn ông Hương mức thoái hóa của tình hình và ông đã không làm được gì để cứu vãn Sài Gòn. Ông đã bám lấy càng lâu càng hay - thực sự là lâu đến khi không còn an toàn cho ông nữa.
Trong hai ngày thứ hai 28 và thứ ba 29 tháng tư, tiến sĩ Kissinger và Tổng Thống Ford không ngớt yêu cầu Đại Sứ Martin nên ra khỏi Sài Gòn, nói rằng chính tại quê nhà Hoa Kỳ cũng cần đến những bậc anh hùng như ông. Nhưng ông Martin đã dùng mọi mưu mẹo mà ông có thể nghĩ ra được để đánh lừa Hoa Thạnh Đốn và Bộ Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội hầu tìm cho được càng nhiều trực thăng càng tốt để cứu vớt những người Mỹ cuối cùng và hàng trăm người Việt Nam còn bị kẹt trong sứ quán của ông. Cá nhân ông Martin đã bị cưỡng bức phải leo lên chiếc trực thăng sau cùng vì người phi công không chịu cất cánh nếu không có ông và cứ lập đi lập lại rằng đã nhận chỉ thị đặc biệt của Tổng Thống Ford là phải đưa ông đại sứ Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn. Lúc đó là vào khoảng 5 giờ sáng ngày thứ tư 30 tháng tư năm 1975, và một ít quân sĩ đầu tiên của Bắc Việt Nam vừa tiến qua cầu xa lộ Sài Gòn, cách sứ quán Hoa Kỳ không đầy mười phút ô tô.
Tôi nghĩ rằng dù cho sáng ngày hôm đó ông bay ra khỏi Sài Gòn, Graham Martin vẫn hy vọng còn có thể thương thuyết để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến đẫm máu, nếu như “Minh Lớn” làm tổng thống Nam Việt Nam và chịu dàn xếp ôn hòa với quân lính Bắc Việt của Hà Nội đang tiến vào. Không biết Đại Sứ Martin có cơ sở gì để coi niềm hy vọng của ông là thực tế hay không, nhưng ít ra cũng là nỗ lực liều lĩnh của ông để tìm cách đem lại cho một tình hình gần như tuyệt vọng một “hy vọng để mà hy vọng” với mưu lược và hành động, chớ không phải chỉ là những tuyệt vọng.
Với hai ông Hương và Martin, tuyệt vọng và hy vọng cùng hiện hữu bên cạnh nhau vào những giờ phút nguy kịch và cuối cùng của quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian để có thể hy vọng chẳng còn bao nhiêu nữa trong khi khả năng để tuyệt vọng lại nhiều hơn. Mùa xuân 1975 là thời điểm mà những ai có liên can đến “Chiến Cuộc Việt Nam” đều vừa hy vọng vừa tuyệt vọng một các mãnh liệt. Sự sụp đổ đột ngột, nhanh chóng và đau buồn của chính phủ Sài Gòn vượt quá sức tưởng tượng. Một điều bất ngờ làm cho dân chúng Việt Nam, ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, đều sửng sốt. Có thể nào trường hợp đó là một thực sự bất ngờ đối với chính quyền Hoa Kỳ hay không" Có thể nào các ngành tình báo Hoa Kỳ đã có phần nào thiếu sót" Hoặc giả họ là nạn nhân của những gián điệp hai mang chăng" Có vẻ như các chuyên viên và những nhà lãnh đạo ở Hoa Thạnh Đốn bị bất ngờ trước sự suy đồi quá nhanh chóng của các biến cố.
Thế nhưng, có phải quyết định và hành động của Hoa Thạnh Đốn là động cơ chính đưa tới hậu quả thảm khốc hay không" Hơn hai mươi năm trước, Hoa Thạnh Đốn đã tung ra đủ mọi niềm hy vọng thượng thặng về “Cuộc Chiến Việt Nam”, nhưng chưa bao giờ cho thấy một kịch bản như hồi cuối tháng tư 1975, khi tất cả sẽ chấm dứt bằng một màn tồi tệ, mà hình ảnh tiêu biểu đầy bi thảm là cuộc di tản từ sân thượng của sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn.
Công bằng mà nói thì cũng nên nhìn nhận là biến cố đã hoàn toàn vượt khỏi khả năng của bất kỳ chuyên viên, nhà tiên tri, thày bói toán, người máy hay những bộ óc thông minh nhất của Hoa Thạnh Đốn. Không ai có thể dự kiến hay đoán trước được tiến trình thời sự ở Việt Nam vào đầu năm 1975. Tuy nhiên, rõ ràng là một thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Châm ngôn phổ biến có câu:”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Phải chăng số phận và định mệnh đã cho thấy là đến lúc những người anh em thù nghịch của Việt Nam nên có quyết định và ra tay hành động theo cách nào đó để chấm dứt cuộc phân tranh dai dẳng, cùng với màn chém giết buồn thảm và tương tàn.
[...] Trong bài diễn văn truyền hình ngày 21 tháng tư, ông Thiệu phê phán chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng nguyên nhân chính làm cho tình hình suy sụp là quyết định ngưng can thiệp quân sự và chấm dứt viện trợ thêm nữa cho Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ Sài Gòn thừa biết rằng sẽ không bao giờ tồn tại nổi nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ, về mặt quân sự lẫn kinh tế. Chính phủ này chưa bao giờ có khả năng bù trừ lại sự thiếu hụt then chốt đó. Làm thế nào người Việt Nam chống cộng có thể chiến đấu trong cuộc Chiến Tranh của Mỹ tại Việt Nam mà không có Hoa Kỳ" Thậm chí với tất cả các phương tiện chiến tranh quy ước thừa mứa, tinh vi, với bom Mỹ, với hơn nửa triệu lính Mỹ, một triệu hai trăm ngàn quân Việt Nam Cộng Hòa và hàng tỷ Mỹ kim mà họ cũng chỉ có thể xoay xở trên hai mươi năm qua “để cho khỏi thua” mà thôi. Miền Bắc biết những gì đang xảy ra nên đẩy mạnh và tăng cường guồng máy quân sự, chính trị và tuyên truyền để khai thác tình hình thuận lợi như trời đất ban cho như thế. Càng hiển nhiên hơn nữa là Hoa Thạnh Đốn cắt tuyến liên lạc cuối cùng nối liền với “Tiền Đồn Thế Giới Tự Do”.
Hậu quả là vào cuối tháng tư 1975, Tổng Thống Hương bị rơi vào tình cảnh vô phương hành động, thứ nhất là vì Hoa Kỳ không còn ủng hộ một Nam Việt Nam chống cộng nữa và thứ nhì là vì “quyền hành tổng thống” mà ông thừa hưởng không nặng cân bằng mảnh giấy của ông ký trao quyền lại cho ông Minh. Ông lâm vào một tình thế tuyệt vọng vì vai trò duy nhất dành cho ông là trao quyền hiến định của ông cho cá nhân, mà Mỹ và những người khác trong cấp lãnh đạo của Nam Việt Nam chọn lựa.
Tôi đã trông thấy những gì tôi không muốn thấy, nhưng để chuẩn bị tâm tư, tôi đã mường tượng ra những trường hợp sau đây, khi đáp xuống Sài Gòn: thế bất lực của ông đại sứ Hoa Kỳ, tình trạng hết hy vọng của tướng lãnh chúng tôi và nỗi tuyệt vọng của TT Hương. Những gì tôi thưa với ông Hương là để giúp ông từ chức mà không chần chừ. Vì nhiều lý do và mục đích khác nhau, tôi cũng bắt đầu giúp đỡ mọi người khác trong khả năng của tôi - người Pháp, người Trung Quốc, người Nga, người Mỹ, chính khách Sài Gòn, và thậm chí cả phía bên kia.
Vì không có khả năng khắc phục nghịch cảnh nên tôi cảm thấy bất lực, nhưng không phải tuyệt vọng. Tôi không nghĩ rằng vì Sài Gòn sụp đổ mà quân cộng sản và Việt Cộng sẽ thủ tiêu tôi ngay, nhưng viễn ảnh của một cuộc thất trận đã làm tôi băn khoăn. Cảm nghĩ của tôi cũng giống như tâm trạng của đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa - họ chỉ cần lột bỏ quân phục rồi về nhà sinh sống với gia đình. Họ đã làm thế trong một vài ngày cuối cùng của tháng tư 1975. Ở những đơn vị quân đội của Nam Việt Nam không có nơi nào hoang mang sợ hãi cả. Tôi có cảm tưởng là công chức Sài Gòn hoảng sợ nhiều hơn bên quân đội. Có lẽ vì mấy thập niên qua, họ lãnh phần trách nhiệm lớn lao trong việc tuyên truyền chống cộng nên tự cho mình là thành phần đáng lo ngại. Cuối cùng, có phải vì họ nhìn thấy trước cảnh “tắm máu” khó tránh, đã được đồn đại khá nhiều khi quân xâm lược Bắc Việt tiến vào thành phố Sài Gòn chăng"
Tôi không thấy có biểu hiện nào tuyệt vọng xung quanh tôi trong quần chúng Sài Gòn. Thiên hạ tiếp tục làm ăn, và đường phố Sài Gòn vẫn yên lặng, ngoại trừ một vài nơi ở trung tâm, với người ngoại quốc tụ tập quanh các khách sạn lớn, những cảnh di tản dễ khiếp ở phi trường và ở những điểm hẹn cho trực thăng bốc đi. Náo loạn nhất, dĩ nhiên là sứ quán Hoa Kỳ, nơi mà hàng nghìn người tập trung lại trước cổng, la lối và tranh giành nhau để lọt được vào bên trong. Phần lớn là giới thượng lưu giàu có của Sài Gòn, viên chức cao cấp, sĩ quan quân đội và những người đã xoay xở để làm giàu nhờ Mỹ. Nhiều người cũng nhảy lên được một chuyến bay, cứ liên tục luân chuyển từ sân thượng của sứ quán.
Như đã nói trên đây, Đại Sứ Martin là một trong những người ra đi sau cùng, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào ngoại ô Sài Gòn sáng ngày thứ tư, 30/4/1975. Ông là viên chức cao cấp của Hoa Kỳ có mặt tại hiện trường vào giai đoạn cuối cùng đầy bi thảm và mang tính lịch sử của Cuộc Chiến Tranh Mỹ ở VN. Tôi chắc chắn là ông cảm thấy tuyệt vọng khi ngồi trực thăng nhìn bờ biển Việt Nam mờ dần. Tôi cũng đoan chắc rằng ông cảm thấy lòng buồn thấm thía và không thể nào không nghĩ đến người con trai mà ông đã hiến dâng cho cuộc chiến, đã từng diễn ra ác liệt trên đất nước Việt Nam của chúng ta. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.