Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

10/01/201000:00:00(Xem: 4012)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Nhiều người chạy xô lên sàn thuyền. Đúng rồi xa xa rõ ràng có ánh đèn lấp loáng ở phía Bắc. Tôi cũng xô đến, tiếp tay chèo với mấy cậu thanh niên, điểm sáng càng ngày càng rõ ra, thậm chí tôi đã nhìn thấy cả bóng người đi lại.
Mấy chị phụ nữ nhanh nhẩu, cho hai tay lên miệng làm loa, gào to:
- Xin cứu chúng tôi với!
- Chúng tôi không còn nước uống!
Tiếng gào lẫn vào tiếng sóng, thuyền của họ to gấp hai thuyền của chúng tôi. Có hai, ba người nhấp nhô cũng hướng về thuyền chúng tôi, nghe những tiếng ó é lẫn vào sóng gió của biển khơi. Tôi giơ một tay che gió ở tai, cố lắng nghe xem họ nói tiếng gì" Cao Miên hay Thái Lan" Vì xa đến hàng trăm mét nên không thể phân định được. Thuyền của tôi, bà con xô lên càng đông, nhiều tiếng gào réo lên của cả đàn ông lẫn đàn bà:
- Cứu chúng tôi với! Chúng tôi không có nước uống!
Thuyền chúng tôi càng gần, đã trông rõ họ mặc quần áo đen và nâu, bây giờ thì đã nghe rõ:
- Làm sao mà cứu"
Câu hỏi bất chợt, làm chúng tôi ớ cả ra, không ai trả lời được. Chẳng lẽ nói chúng tôi đi vượt biên" Riêng tôi thì buồn và vui lẫn lộn. Tưởng rằng sẽ nghe tiếng ngoại quốc: Thái Lan hay Miên, dù không hiểu nhưng lòng tôi sẽ vui biết mấy! Ai ngờ đâu lại là tiếng Việt, tiếng Việt lúc này, là tê tái lòng, chúng tôi vẫn còn trong khu vực của Việt Cộng. Rõ ràng con thuyền đó là đánh cá, cũng là lúc, tôi đã nhìn thấy một khẩu CKC ở bên vách thuyền. Tôi kéo vội tay cậu Triết, Thâu và Bạch ra sau, nói nhanh:
- Nếu họ sang thuyền mình, tôi sẽ thuyết phục họ vượt biên với chúng ta, nếu không được, tôi sẽ cướp súng của họ rồi cướp tàu. Các cậu phải nhanh trí, ứng tiếp tôi nhé! Lúc này phải liều, để tự cứu mình!
Cả ba bốn cậu đều sốt sắng đồng ý! Tôi vỗ vào vai cậu Thâu và Triết, nói nhẹ như khích lệ:
- Hai cậu đã là dân vệ xứ Bình An, của cha Quỳnh mà!
Khi thuyền chúng tôi chèo cách chừng hơn 10 mét, một người cao lớn, nói giọng chỉ huy, giơ cả hai tay, xòe ra như đẩy lại:
- Ngừng lại đấy! Không được đến gần!
Như vậy, họ đã có kinh nghiệm với những người vượt biên. Họ không sang thuyền chúng tôi, và cũng không cho thuyền chúng tôi, đến gần. Bên thuyền ấy bẩy, tám người tiến ra nhìn chúng tôi, thuyền chúng tôi bây giờ nhiều bà mẹ đã mang cả con nít lên, ồn ào hỏi han qua lại. Họ đã biết chúng tôi vượt biên, thuyền chết máy đã một tuần, bây giờ xin nước uống!
Phiá trên buồng lái, mấy người ra mũi thuyền, gào sang thuyền đánh cá, để nói chuyện. (Tôi chỉ quan sát chứ không hề lên tiếng). Nội dung những trao đổi:
Nếu ai sửa được máy, chúng tôi chạy được" Chúng tôi có hiện vật là đồng hồ, một ít tiền, vàng v.v… Để trả công" Họ cung cấp nước, nhưng không thể sửa máy.
Chúng tôi cũng đã biết: Vùng biển này ở bên ngoài Hòn Khoai, chỉ cách HK chừng 25 cây số. Tôi hiểu HK cũng đã sát với vùng biển của Cam Bốt, nhưng vẫn thuộc hải phận của Việt Nam.
Cả một tuần lễ, con thuyền chúng tôi lênh đênh, trôi đi, dạt về vẫn còn loanh quanh trong hải phận của VN. Họ đồng ý cho nước uống, họ ném sang một đầu cuộn dây thừng, buộc giằng giữa hai con thuyền, buộc những can nhựa, thùng nhựa lân chuyền giữa hai thuyền, họ cho được sáu can nhựa nước uống.
Phải thừa nhận giòng máu Việt trong con người của họ, vẫn còn hơi hướng, mầu sắc của Âu Lạc, vua Hùng. Họ chưa mất hết như những tên Việt Cộng bị những giòng máu lai căng cộng sản, pha trộn vào để cạn hết tình người, không còn nghĩa đồng bào, nhìn những tình tự dân tộc như một sự cổ hủ, lạc hậu.
Bây giờ họ cho chúng tôi ba điều kiện để tự quyết định. Thuyền của họ trong đội thuyền đánh cá quốc doanh. Tôi hiểu, cái vòi hút của Đảng phải thò tới những thuyền đánh cá này. Có nghĩa, trên thuyền ấy phải có một tên, của cái Đảng lai căng mất gốc: 1) Nếu muốn tiếp tục ra đi thì cứ tự tiện. 2) Nếu muốn họ kéo vào Hòn Khoai (họ không có trách nhiệm gì, vì họ không quen biết. Họ cứ kéo thuyền vào, giao cho đồn công an). 3) Họ sẽ kéo thuyền về Minh Hải, cũng giao cho đồn công an. Nhưng là nơi họ về, địa phương của họ.
Chúng tôi, kéo hết xuống khoang giữa của thuyền để lấy ý kiến chung. Tôi tranh thủ trao đổi vận động các thanh niên, bác Kiệt, cả gia đình của ông Cường. Bây giờ đã có nước rồi (Dè dặt cũng được bốn, năm ngày), lương thực dè xẻn cũng còn năm sáu ngày, vậy hãy quyết tâm ra đi tiếp, cứ chèo sang phía vịnh Thái Lan. Một số thì im lặng, mấy bà có con dại, cứ nằng nặc phải quay về, tôi cao giọng nói mấy nét chính:
- Thưa bà con trong thuyền, chúng ta đã mất bao nhiêu công lao, ngày tháng chuẩn bị. Chúng ta đã bị hơn một tuần lễ lênh đênh, đói khát trên con thuyền vô định giữa biển khơi, vì chúng ta đã xác định, chúng ta không thể sống dưới chế độ hà khắc sắt máu vô thần của Việt Cộng. Chúng ta ra đi chấp nhận mọi gian khổ, thậm chí cả mạng sống của chúng ta để đổi lấy tự do cho mình, và cho gia đình con cháu của chúng ta, vậy đây mới là một trở ngại bước đầu, chúng ta đã nản lòng, sợ sệt quay về"
Ba chị phụ nữ dẫn năm cháu nhỏ ra giữa, một chị đã quỳ xuống trước mặt tôi mếu máo:
- Tôi lậy ông, hãy cứu mấy đứa nhỏ này!
Tôi choáng người, vội vàng đỡ chị đứng dậy ngay, chị nói sụt sùi trong nước mắt:
- Đi về, đàn ông thanh niên bất qúa bị tù một đến hai năm sẽ được tha, đàn bà con gái thì một vài tháng, rồi cũng được về. Nhưng nếu đi, thuyền không có máy, chẳng biết đến ngày nào, không chết vì bão tố, thì cũng chết đói, chết khát. Xin các ông hãy thương mấy đứa nhỏ, chúng nó có tội tình gì, mà bắt chúng nó chết!
Cái cá tính tình cảm lố bịch của tôi lại nổi lên, tôi nhắm mắt, ngửa mặt nhìn lên phía trời cao. Đời tôi đi chiến đấu chịu bao nhiêu gian khổ là cho người khác, trường hợp này cái cá nhân của tôi đã trở thành con số không. Tôi mệt nhọc, bước sang khoang bên, về chỗ nằm, tai tôi còn nghe nhiều tiếng: Thôi quay về! Quay về! Trong đó có cả những tiếng của những người khi sớm: Quyết ra đi!
Tôi nằm, tính toán lo lắng cho phận mình: Sẽ để tuỳ theo tình huống để ứng biến!
Khi ông Cường và một số đông xin họ kéo thuyền về Minh Hai, họ nói, còn cần ở lại đánh cá đêm nay, hai giờ chiều mai, bắt đầu quay về. Tôi cần phải ngủ, để lấy lại sức của những ngày vặn vò với số mệnh.


Sáng hôm sau, mặt trời đã dậy từ lâu, ồn ào, xôn xao ở trên sàn thuyền, người tôi cũng đã phần nào tỉnh táo, tôi mò lên và được biết thuyền bên ấy họ đã buộc hai cái thúng đậy bao tải, dù xa hàng chục mét, cũng còn thấy khói mơ hồ. Họ có nhã ý nấu cơm nóng cho bà con thưởng thức sau một tuần không có cơm. Qủa như tôi đã suy nghĩ: Giòng máu của họ hãy còn trong lành, tinh khôi chưa bị pha thuốc mê, thuốc độc của chủ nghĩa ngoại lai cộng sản. Tôi chợt nghĩ đến những can dầu ở dưới hầm thuyền, không dùng đến, tôi gợi ý với ông Cường và các cậu thanh niên, nếu họ muốn, xin tặng họ, nếu không về đồn CA, chúng tịch thu cả thuyền. Mãi, họ đồng ý lấy năm, sáu can dầu trong hàng chục can không dùng đến (mỗi can hai chục lít).
Đúng hai giờ như lời họ đã nói, họ ròng dây để kéo, cách xa thuyền họ chừng 7 mét. Qủa máy thuyền của họ thật là khỏe, họ kéo thuyền chúng tôi đi băng băng. Qua một vài sự việc tiếp xúc, tôi hiểu bên thuyền ấy có những người có tình, có nghĩa, có trước có sau. Tôi rất tiếc, không có điều kiện tiếp cận để tâm tình, trao đổi về kiếp sống của con người. Cho nên, điều kiện quyết định mọi sự việc trong cuộc đời. Qua thăm dò, được biết họ sẽ kéo thuyền của chúng tôi về thẳng đồn công an của Minh Hải (vì cuộc sống, vì nồi cơm, họ không thể làm gì khác hơn). Tình huống này tôi cân nhắc và quyết định. Được biết thuyền kéo về đến Minh Hải, sẽ vào khoảng 10 giờ đêm. Tôi hiểu: phải làm những cái gì người ta chưa, hoặc không nghĩ tới thì mới dễ, khi mà thuyền đã về đến đồn CA, thì khó trốn thoát. Có thể chúng có súng và còng tay mang theo xuống thuyền, chúng sẽ bắt đàn ông xuống hết hầm thuyền, rồi lần lượt chúng khóa tay từng người v.v… Vậy tốt nhất, bất ngờ nhất, khi thuyền kéo về đến gần đồn CA, họ phải đánh tín hiệu cho nhau (đêm tối) bằng đèn bấm, xác định khoảng cách, tôi sẽ xuống biển, lặn rồi bơi chéo về hướng xa đồn CA. Không ai nghĩ là tôi dám xuống ở ngoài biển, khi còn xa bờ về ban đêm.

Ba mươi mốt: Nỗ lực để sinh tồn

Tính toán, cân nhắc rồi tôi âm thầm chuẩn bị, đôi dép không cần thiết, tôi bỏ vào một góc khuất, cởi chiếc quần "jean" rách, đã bạc màu, thắt chặt hai ống lên cổ. Cái giấy ra trại, cái nhẫn chị Lợi đưa, chiếc đồng hồ Seiko 5 của thầy tôi cho, tất cả tôi túm lại trong một cái túi nylon, đút gọn vào trong một cái túi con khâu ngầm trong quần đùi, rồi cài kim băng.
Nghĩ đến đôi dép để đấy không tiện, sau này CA khám thấy đôi dép, chúng nghi ngờ có người trốn, tôi đi đôi dép đàng hoàng. Trời đã cập quạng tối, tôi đến rủ mấy cậu Bach, Thâu và Triết có theo tôi bơi vào bờ ngay từ còn ngoài biển" Cả ba cậu thấy tôi chuẩn bị, bằng những con mắt sợ sệt, e ngại, cuối cùng các cậu đều nói: Thôi anh ơi! Bị bắt một, hai năm về, tính chuyến khác, bây giờ xuống biển đêm, chả biết thế nào. Nguy hiểm lắm!
Tôi thật ngạc nhiên: Cậu Thâu và Triết đều gốc chài lưới, mà cũng rụt rè, sợ sệt như vậy. Tôi đã thấy một điểm sáng, từ trong chỗ đen ngòm lóe lên, như thế sắp tới đất liền rồi.
Rồi ánh đèn bấm từ thuyền trước cũng lóe lên, biển lúc này tuy có động, sóng to, gió lớn hơn, lại có trận mưa đêm nữa, như vậy là càng tốt cho kế hoạch của tôi. Tôi phỏng đoán cách bờ chỉ khoảng một cây số hay một cây số rưỡi là cùng, tôi lại bơi bỏ xa chỗ đèn pin lóe lên, thì cho đến hai cây là hết cỡ. Tôi đã được ăn một bát cơm và một gói mì khô. Có nguy hiểm, nhưng xét cơ thể của tôi, có thể chịu đựng được cái lạnh, ở dưới biển.
Tôi hỏi lại các cậu lần nữa, các cậu vẫn e ngại lắc đầu, không thể chần chờ, bắt tay các cậu, tôi xuống vào chỗ người ta vẫn đi cầu phiá khoang cuối. Xác định phương hướng, tôi tụt xuống biển, trừ ba cậu, cả thuyền không ai hay. Chìm nghỉm, sóng to gió lớn, tôi sải bơi theo sóng, áng chừng nửa giờ, tôi lặn sâu xuống, sờ chân xem có thấy đất chưa. Lặn đã hết cả hơi, chân tôi không hề chạm vào một vật gì. Tôi nhổm lên, nhìn vào phiá trong, vẫn một mầu đen kịt, tôi cũng chẳng nhìn thấy hai con thuyền đâu, chỉ thấy sóng biển trắng đầu nhầp nhô.
Cứ xác định hướng ấy, bơi nữa (nếu không xác định đúng, mà lại bơi trở ra biển, thì tôi chẳng còn ngồi viết những dòng này). Tôi lại bơi nữa, cũng áng chừng nửa giờ, bỗng có một loạt súng AK 47 pằng... pằng... pằng... vang réo vào tiếng gào của sóng. Tôi lặn vội xuống biển, tôi tưởng trong bờ CA đang nhằm bắn tôi, nhưng thấy yên. Tôi cũng thấy mệt qúa rồi, vì sự sống, tôi cố bơi nữa, tay chân của tôi đã rã rời, tôi tưởng phen này đành buông xuôi, tay chân cho hết một kiếp người nhiều cực nhọc.
Giữa lúc tôi nghĩ đến mẹ tôi mù lòa, bố tôi lẩn thẩn thì chân của tôi chạm đất, tôi đã đứng được lên, nhưng người yếu qúa! Một cơn sóng đánh tôi đổ nằm ra, bây giờ cả tay tôi cũng đã chống sờ thấy đất cát, tôi cố lết vào thêm để có thể nằm ra được, mà không có nước. Tay tôi vừa chạm vào mấy cành lá con con, tôi hiểu là loại " đước" con thường mọc ở bờ biển. Hai tiếng súng pằng... pằng... lần này là của CKC réo vào không khí, từ ở phía phải.
Tôi suy đoán là lúc này cả thuyền đã bị bắt, sau khi CA tra xét, biết là có người trốn, nên chúng tản ra các bờ để truy lùng. Vì nghĩ như thế, nên tôi vẫn cứ phải nằm ngâm, trong nước biển lạnh hàng giờ nữa. Người tôi rét run, hai hàm răng đánh vào nhau cằm cặp, lúc này tôi mới chợt thấy cái quần jean buộc ở cổ đã gửi nó trong lòng biển, cả đôi dép cũng không còn. Quần đùi, chân không giầy, dép với một cái sơ mi mầu "gụ" đã sờn vai, tuy tôi ở miền Nam từ 1954, nhưng chỉ ở Sài Gòn. Có một lần xuống Hồng Ngự thăm mộ người em mới đây, chỉ ở một đêm sáng hôm sau đã trở về. Nói chung ở những tỉnh khác của miền lục tỉnh, tôi chưa hề đặt chân.
Tôi có cảm tưởng như từ thuyền đổ bộ, xâm nhập vào để hoạt động tình báo, chống CS của 1981, so với đầu 1962 tôi đổ bộ vào Hà Tĩnh của miền Bắc, nhưng lần này khó khăn hơn vì không được trang bị quần áo, và lương thực. Một điều tôi không ngờ, và chưa bao giờ thấy, đó là muỗi. Muỗi như những đàn ong, vo vo quấn lấy mặt, lấy cổ, lấy tay và lấy chân của tôi, vỗ, đập, đuổi, người cứ phải giẫy lên khoa chân múa tay, để xua đuổi muỗi. Đứng cũng không yên, cứ như tập võ, múa Mai Hoa Quyền. Tôi chợt nhìn mấy cành đước, tôi bẻ hai cành, mỗi tay một cành, đập và xua đuổi muỗi. Tuy có khá hơn, đỡ mệt hơn là làm bằng hai bàn tay, tôi đành chịu trận để chờ trời sáng. Thật là may, khi mặt trời bắt đầu thò lên, thì những con muỗi cũng đi đâu mất tiêu. Miền Bạc Liêu, Minh Hải, tôi đáng ghi nhớ nhất là muỗi.
Vừa quan sát, vừa nghe ngóng tôi cứ tiến dần vào phía trong, vì có một chút kinh nghiệm hoạt động nên lòng tôi cũng có phần tự tin, khi vào miền đất lạ. Tôi suy đoán, trong vùng vì có người trốn vượt biên, nên ở các chặng đường có thể có CA để ý người lạ, nhưng chắc rằng chả quan trọng như tù trốn, tuy vậy, tôi vẫn luôn luôn để ý mọi hiện tượng trên đường đi. Thực sự, tôi cũng chẳng biết đi về đâu" Chỗ nào cũng sông ngòi hay rừng non. Mãi gần trưa, chân tay đã mỏi rời, tôi đã đến một con sông to, nước phù sa cuồn cuộn chảy, có chỗ rộng năm sáu chục mét, rải rác hai bên bờ có những chiếc vó rất to.
Tôi cứ theo bờ sông, đã có lúc tôi định bơi sang bên kia bờ, nhưng chưa biết hướng ấy đi về đâu" Điều cần là tôi phải gặp người, để lựa lời thăm hỏi. Nhìn phía trước có một căn nhà tranh con con ở mé sông, từ xa tôi thoáng thấy bóng một người đi vào. Đến gần, nhìn cái cửa phên tre khép hờ, căn nhà trơ vơ bên một bờ sông trống trơn, không có nhà cửa cây cối. Sát phía bên trong, là những ruộng bắp đã thu hoạch, sâu vào trong nữa là những cây rừng non. Chung quanh thật vắng vẻ, cạnh cái nhà nhỏ chỉ có một cái am con để một bát hương, nhưng đã tàn lạnh. Tôi chậm chạp lê chân tiến đến cánh liếp khép hờ, tôi lên tiếng cũng rề rà lửng thửng, tay đẩy cánh cửa liếp:
- Có.... ai....không"
Thoáng nhìn thấy khẩu CKC dựng mé vách, một người mặc chiếc quần ka ki xám, cởi trần chừng 35- 36 tuổi, tay đang cầm cuốn sách: "Thép Đã Tôi Thế Đấy" tôi hơi chột dạ, nhưng đã vào thì phải tiến tới.
- Chào anh! Nằm đây...…đọc sách là số "dách"!
Anh ta định cho chân xuống dép, với tay lấy cái áo sơ- mi nâu có cầu vai, tôi ngồi ghệ xuống chiếc giường tre, tay lắc lắc:
- Anh cứ nằm đi! Tôi xin ngụm nước uống thôi!
Anh ta vẫn đứng lên, vào góc buồng cầm cái ấm nhôm, rót ra cái chén ở chiếc bàn con. Anh ta nhìn tôi từ đầu đến chân, chỉ qua ánh mắt tôi đã thấy anh ta đã đặt vấn đề. Đúng như vậy! Anh ta nhìn ra phía sông, nói một câu:
- Đêm qua, được báo có người vượt biên trốn!
Hơi điếng người, nhưng tôi vờ như chuyện đó, không có liên quan. Tôi cầm chén uống nước, rồi cũng nhìn ra phía sông, như nói với mình... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.