Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

20/12/200900:00:00(Xem: 4785)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Chính ông, đã tỏ ra tự trách đã không để ý đến và không ngờ, lại nghiêm trọng như vậy. Nhiều những ý kiến giống nhau và khác nhau, cuối cùng đều thấy cần thiết, phải có một người, điều hành quản lý nước.
Ồn ào, xôn xao bàn tán, ý kiến đa số, kể cả ông Cường, chỉ định tôi là người chịu trách nhiệm, quản lý và điều hành. Tôi tự thấy không thể đảm nhận được, vì tôi say sóng, nhiều lúc ngắc ngư "con tầu đi", tôi thấy chính ông Cường làm công viêc này là đúng và thích hợp. Nhưng ông Cường đã giẫy nẩy từ chối, vì hiện nay vợ của ông đang sốt nặng. Hai ngày nay không ăn uống gì, ông thường xuyên phải săn sóc.
 Tôi hiểu chẳng một ai muốn làm cái công việc "không đâu"này. Bận rộn và mất thời gian, nhất là trong lúc cuộc đời có thể đi "đứt" nay mai. Phải là một người có ý thức trách nhiệm, với tập thể chung quanh mình. Ông già bạc đầu, hõm má khi nãy đã để hai tay vào hai vai tôi, nói khàn khàn không ra hơi:
- Anh đừng ngại khó, ngại khổ giúp bà con trong thuyền đi!
Tôi đã thấy chẳng nên lằng nhằng, một sự việc không nên. Tôi giơ tay, nói với mọi người:
- Tôi sẽ đảm nhận với điều kiện: Tất cả mọi người trong thuyền đều phải chấp nhận thực hiện, những điều đã cùng thỏa thuận đồng ý, cả chủ thuyền và cả tôi"
Mọi người nhao nhao lên đồng ý. Tôi nói tiếp:
- Số phận của con thuyền chưa biết được kéo dài bao nhiêu ngày nữa, nước ở trong bồn đã gần cạn, chỉ còn một phần ba. Ông bà mình đã dậy: Lúc còn thì chẳng ăn de, đến khi hết thì ăn dè, cũng chẳng ra. Vậy bắt đầu từ ngay hôm nay: Người lớn mỗi ngày hai ly (tôi cầm một cái ly, loại tám ly bằng một lít) một ly lúc 8 giờ sáng và một ly lúc 4 giờ chiều, trẻ con thì một ly.
Ngay bây giờ, mấy cậu Triết, Bạch và Thâu, cùng với tôi tìm cách khóa cái bồn nước. Chỉ mở lúc 8 giờ sáng, và 4 giờ chiều mỗi ngày.
Ông Cường, cứ nhìn theo tôi và các cậu loay hoay làm việc, tôi biết ông chỉ đoán tôi là một khách hàng. Tôi thì hiểu, ông chỉ có một nửa khẩu phần của con thuyền, còn của thằng Lợi một nửa, mà hiện giờ tôi là đại diện, nhưng tôi cũng chả cần phải nói ra làm gì. Khoảng gần tối có tiếng hô hoán ầm ầm:
- Có tầu to lắm! Đang đến gần!
Tôi và nhiều người đều leo lên sàn thuyền, trong cái tối đen của nước và trời, rõ ràng có mấy ánh đèn sáng. Với sự ước lượng, phán đoán các điểm sáng đó, cách xa khoảng từ 8 - 10 cây số. Có người nói: "sao chúng ta không đốt lửa lên!" Ý kiến thật hay! Thế là mọi người moi móc giấy đủ loại, giấy báo, gói đồ v.v… Đốt lên một đống trên sàn thuyền, trong một chiếc mâm bằng nhôm, niềm hy vọng như tràn dâng trong lòng mọi người. Một cánh tay quàng ôm vào cổ, tôi quay lại: Ồ, cháu Thủy! Thảo nào cánh tay thật là mềm và mát. Tôi cầm lấy, hỏi giật giọng:
- Mấy bữa nay, các cháu ở đâu"
Cháu Thủy nói như khóc:
- Cháu và thằng Thắng, nằm mãi trong góc phía đầu mũi thuyền.
Mọi tâm tư lúc này của tôi, đang hướng về mấy điểm sáng mơ hồ trong đêm đen, của biển trời. Tôi lấy một thanh gỗ, khều cho đám giấy trong chiếc thau, cháy to lên. Nhưng những điểm sáng, của chiếc tầu xa xôi cứ bé dần lại, để rồi mất hút vào cái tối đen vô cùng, của trời và nước. Nó cũng mang theo, cả những nguồn hy vọng sôi nổi, của mọi người trong con thuyền vô định.
Tôi quay lại, sàn thuyền đã vãn người. Nhìn chiếc thau đốt lửa, bây giờ chỉ còn vài túm giấy cháy dở đã tằt ngúm. Những tàn than, gió lộng của biển khơi đã quét sạch, rắc trên những lớp sóng bạc đầu, đang ưỡn lên gào, gọi lại "nàng gió" ngày đêm. Tôi lần mò về chỗ, mệt nhọc chìm dần vào giấc ngủ, nhiều khắc khoải lắng lo.
Hôm nay là ngày thứ năm, lênh đênh dật dờ, trong con thuyền vô định. Nhiều người đã nằm liệt luôn, ít còn nghe những tiếng bàn tán chuyện trò. Người tôi cũng như nhão ra, chẳng muốn bò dậy nữa, hộp sữa ông Thọ tôi đã dùng qúa một nửa rồi, mỗi ngày hai lần, tôi chỉ mút chừng hai thìa con, rồi tôi uống nước. Tôi xin cúi đầu cảm tạ ân nhân, đã cho tôi điều kiện để tồn tại.
Tôi nhớ buổi tối hôm qua, một chị chừng ba mươi tuổi, bế đứa con trai khoảng ba tuổi đến bên tôi, có vẻ lấm lét. Tay chị cầm một chiếc ca nhôm, to chừng ba phần tư lít. Chị đặt chiếc ca xuống cạnh tôi, tay chị moi túi lấy ra một chiếc nhẫn vàng chừng một chỉ, chị ghé sát gần tôi nói khe khẽ:
- Em biếu anh chiếc nhẫn này! Anh giúp con em, một ca nước, nó cần pha sữa!
Tôi hơi đẩy tay chị ra một chút, nhìn nét mặt nhăn nhó của chị và cháu nhỏ, lòng tôi xót xa như quắt lại, tôi lắc đầu và nhẹ nhàng: "Không được chị ơi! Đây là của chung chứ có phải của tôi đâu!"
Thái độ quyết liệt của tôi, chị đứng dậy, bế con đi luôn. Chính ngay bản thân tôi, vì chỉ có ba thìa sữa, tôi cần có đủ nước để trang trải trong cơ thể, nên thiếu nhiều lắm. Hàng ngày tôi phát nước cho mỗi người, có người uống vội vàng ly vẫn còn đọng lại vài giọt, tôi đã uống tại đấy, để lấy ly đong cho người khác. Mỗi ngày nỗi tuyệt vọng trên nét mặt mọi người càng làm tái đi, mắt của mọi người cùng trắng nhợt ra, tóc tai, quần áo càng lôi thôi, lếch thếch hơn. Đến ngày thứ năm tiêu chuẩn nước, chỉ còn một ly cho cả ngày. Nước gần cạn rồi ông trời ạ!
Gần một chục chiếc tầu, tùy theo xa gần qua lại, ngày, đêm, trưa, chiều, nhưng rồi hình như những chiếc tầu đó (không biết của những nước nào). Chúng không hề có mắt, coi như trên đại dương này, chỉ có một chiếc tầu của họ mà thôi.
Cả thuyền, người tích cực vẫy vời tầu cứu nhất, cũng phải nản lòng, hình như lương tâm của thế giới, đã bị đóng băng rồi. Tối khuya hôm đó, một trận mưa miền nhiệt đới rào rào như đổ nước xuống, dù nhiều người đang mệt, đang ngủ đều xô lên sàn thuyền. Ai cũng ngửa đầu, hả miệng mặc cho những hạt mưa tự do rắc vào cho nó đã, nó sướng, bù lại những ngày, nước được coi như những giọt nhựa sống của con người.
Mấy đêm nay, tôi cứ nằm trằn trọc, quằn quại mãi nhìn con thuyền với 43 mạng người, cứ tiến dần đến chỗ chào từ giã cuộc đời. Bất khả kháng, nghĩ lối nào, mặt nào cũng tắc tỵ. Con thuyền từ bốn năm ngày nay cứ trôi đi, dạt về không có một điểm nào là "chằng" là "cứ" ở giữa cái mênh mông của biển cả. Ngày nào tôi cũng lên sàn thuyền, nhìn ra khắp chung quanh, cũng chỉ nước và trời.


Điều tâm lý lạ kỳ, cũng là nước biển xanh, cái mầu của những cặp thương yêu nhau mặn nồng, đã gọi là mầu xanh của "ái ân". Nhưng sao lúc này, tôi nhìn cái mầu xanh của bể khơi, tôi thấy nó đen ngòm, chứa chất bao nhiêu những huyền bí, linh thiêng đe dọa. Vì nó sắp đưa tất cả chúng tôi, sang bên kia thế giới, sẽ ngoạm và nuốt trửng, tất cả chúng tôi nay mai vào mồm nó.
Đêm khuya tôi ngồi một mình, dựa vào vách buồng hoa tiêu, để nghe những âm thanh của biển đêm. Bỗng một đàn cá to tướng, đen như mun, nhổm lên mặt nước đuổi nhau. Tôi thấy rùng mình, lạnh xương sống, tưởng như một lũ ma quỷ của Hà Bá, Diêm Vương lên giễu cợt, như báo cho chúng tôi biết: "Chúng tao sắp được ăn xác chúng mày". Cũng những con cá ấy ở bể nuôi cá, hay những vùng biển khi đi trên tàu du lịch, thấy chúng hiền lành, như một lũ trẻ em nô đùa. Thế mà giờ đây tôi lại rùng mình nổi gai ốc, vì cái uy lực huyền bí, đe dọa của chúng.
Khắc khoải, trằn trọc mãi trong đêm thâu, gần sáng tôi chợt nghĩ đến một ý niệm: Tại sao không làm những cái bơi chèo" Trong thuyền có nhiều đàn ông thanh niên, mỗi người hay hai người một cái để chèo" Do mặt trời từ mấy ngày nay, chúng tôi đã xác định được Đông Tây Nam Bắc, như vậy, ít ra còn chủ động phần nào.
Chứ không như mấy ngày nay, là cái kiểu tiêu cực: "nằm ngửa há miệng, rồi chờ sung rụng". Sáng sớm hôm sau, tôi tập hợp các cậu thanh niên và chủ tàu, tôi đưa ra ý kiến. Hầu hết đều hoan nghênh và chúng tôi xúc tiến. Chủ tầu còn mấy hộp đinh năm phân khi đóng tầu còn thừa, với những thanh gỗ có thể lấy ra được của con thuyền. Tôi lại là thợ mộc, nên chả khó khăn gì, chỉ hai giờ sau đã có bốn cái "bơi chèo" cứng chắc, do chế biến. Tất cả đều đồng ý là cứ chèo về hướng Bắc, rồi tùy theo cơ trời. Chúng tôi dù muốn hay không cũng tự nguyện, xin giao cuộc sống cho đấng tối cao quyết định.
Đặc biệt những người chèo, tiêu chuẩn nước gấp đôi, nghĩa là họ được mỗi người một ly. Không có điểm tựa làm chuẩn, nhưng rõ ràng ai cũng thừa nhận con thuyền có lướt đi trên sóng. Tôi cũng được vinh hạnh mó tay chèo, tuy mệt, nhưng tinh thần của mọi người trong thuyền, được nâng cao rõ rệt. Còn thuyền đã có những nụ cười và tiếng nói, chứ không im lìm, như những ngày hôm trước.
Cho đến chiều ngày thứ sáu, tức là (ngày 20/ 1), vẫn cứ thay nhau tiếp tục chèo, cả đêm hôm ấy. Sáng ngày thứ bẩy, kể từ đêm 14/1, trời hôm nay đẹp lạ lùng! Nhất là vào khoảng 7 giờ sáng, có một con chim lạ, to như con chim câu, chân và mỏ đều đen tuyền, cổ có một khoanh vàng và một khoanh đỏ, cánh và đuôi màu trắng toát. Nó không hót, không kêu, chẳng biết từ đâu bay đến đậu ở cái chĩa ngang trên ngọn, của cây cột ở giữa thuyền.
Mấy ông bà già tin rằng nó mang theo cái may, cái hên cho những nơi nó đến. Nhưng tôi lại nghĩ, chim không thể ở giữa biển, mà phải ở chỗ có đất, có cây, như thế đất liền hay đảo, phải ở gần đâu đây. Chúng tôi đều căng mắt ra, nhìn khắp bốn phương nhưng vẫn chỉ là trời với nước. Tôi quay ra nói với các bạn, đang chèo:
- Xin các bạn cứ vững tay chèo! Phần thưởng sẽ đến với những người, có ý chí miệt mài, kiên định.
Con chim cứ vẫn đậu yên chỗ cũ, bản thân tôi không có cái gì, tôi quay nói to với mọi người:
- Chắc con chim này nó cũng đói! Nó phải từ ở nơi xa xôi, chỉ có một con thuyền này giữa đại dương, nên đậu đại xuống nghỉ cánh. Nó cũng có hoàn cảnh lỡ "cơ" như chúng ta, bà con ai có còn thức ăn ngô, gạo hay mì cũng được, cho tôi xin một chút cho nó!
Mọi người nhìn nhau, chẳng ai nói một câu. Tôi hiểu, chẳng còn ai có lương thực, nên tôi ngửng lên nói to với con chim. Cứ coi như là, nó hiểu:
- Chim ơi! Thông cảm nhé! Chúng tôi cũng sắp chết đói và chết khát rồi! Chúng tôi cũng lỡ "cơ" như chim thôi!

Chương Ba mươi: Cố gắng, cố gắng, cố gắng nữa

Một bà già tay run rẩy (chắc vì đói và mệt) đưa cho tôi hai miếng mì khô bé tí, mắt bà lại nhìn con chim! Tôi hiểu, cầm hai miếng mì khô, tôi cũng không biết làm sao cho nó ăn. Tôi buộc vào đầu một cái que một miếng, rồi giơ lên, chẳng hiểu vì sao, con chim cứ nhìn trân trân vào miếng mồi, nhưng vẫn lạnh lùng đứng yên, nó không thích ăn hay nó không ăn được" Nó cũng chẳng có thái độ gì, trong khi chính tôi, sáu bảy ngày nay chỉ có một hộp sữa, nhìn miếng mì khô, tôi cũng thèm lắm, nhưng phải mang vào trả lại bà cụ, với lời cảm ơn thay cho con chim. Khoảng gần trưa, tôi đang nằm lim dim vì mệt, thì có tiếng cậu Bạch kêu lên, như reo mừng:
- Ối trời ơi! Ở đây có một hòm to lương thực!
Tôi xông đến ngay, trong một cái góc khuất, sát vào hầm máy dưới đáy của thuyền: mì sợi khô, gạo tẻ, gạo nếp v.v… Tôi hiểu ngay, đây là do thằng Lợi, chuẩn bị cho chuyến đi, ông Cường không hề biết, điều này đã nói rõ. Tôi suy đoán: Chắc thằng Lợi lo mọi chuyện cho chuyến đi, từ máy móc cho tới khâu đóng thuyền. Ông Cường hợp đồng, chỉ là người lo bến bãi, đón khách v.v…
Ông Cường được nhận một số khách nào đó, theo thỏa thuận với thằng Lợi, nhưng tới ngày đi, ông Cường đã đưa qúa nhiều khách để lấy vàng, lấy tiền, vì thế đã xẩy ra xô xát cãi lộn, để rồi thằng Lợi đã mang con cái trở lên bờ.
Lúc này ông Cường, cũng đã xô đến nhớn nhác nhìn hòm lương thực, tôi nhẹ đưa một câu để ông Cường này biết điều một chút. Tôi nói to, cho mọi người cùng nghe:
- Cái này là do thằng Lợi đây, nó không kịp nói với tôi, thì đã lên bờ.
Ông Cường đang chỉ chỏ, định giải quyết những thực phẩm đó, thấy tôi nói như thế, ông ta ngừng lại ngay như bị chạm huyệt. Tôi lờ đi và nói tiếp với mọi người:
- Lương thực này là của chung mọi người trên thuyền. Điều quan trọng bây giờ là nước, nước chỉ còn đủ dùng cho một ngày nữa, ăn nhiều bây giờ, lại càng phải cần nước nhiều. Do đấy, tôi đề nghị hãy chia đều cho mỗi người một chút, rồi từ từ theo điều kiện chúng ta giải quyết dần. Tôi xin minh định rõ ràng: Cũng như nước, qúy vị đã giao cho tôi, lương thực cũng sẽ như thế.
Nói rồi tôi nhìn các cậu Bạch, Triết và Thâu, qua những buổi tâm tình các cậu ấy sẽ ủng hộ tôi. Hơn nữa, tôi làm theo đường chính, thực sự vì mọi người trong thuyền. Cụ thể sau khi tôi đưa ra ý kiến ấy, không những mấy cậu thanh niên giơ tay tán thành, ông già má hõm (sau này tôi đã biết tên là bác Kiệt) và anh chị gần cạnh tôi (người Miên) cũng lên tiếng đồng ý. Dù như thế, để cho nó êm vui, tôi quay lại nói như cùng phe với ông Cường:
- Ông Cường cũng đồng ý, giải quyết như thế phải không"
Ông Cường vừa cười vừa gật đầu, và cũng trở gót về phòng hoa tiêu. Tôi cười bước sang khoang bên, mấy bà, mấy cô, chào ầm lên như đùa:
- Chào ông thần nước!
Tôi biết là các bà đùa vui, nên tôi chỉ cười.
Tôi nhờ bác Kiệt và các cậu phân chia mỗi người một ít lương thực, tôi vẫn lưu ý là hết nước, ăn nhiều càng nguy hiểm, cho nên chỉ từ từ ít một. Mấy ngày trước, trong những lúc ngồi trao đổi chuyện trò với các cậu thanh niên, tình cờ tôi nắm được một ý là: Cái hôm ở bến bãi lên thuyền có xô xát, lộn xộn là vì ông Cường cho khách lên thuyền nhiều qúa. Thuyền có thể bị chìm, nên thằng Lợi cương quyết không đồng ý. Hôm ấy, thằng Lợi đã mang con lên bờ, chứ nếu không, phe cánh bên ông Cường sẽ giải quyết thằng Lợi. Nghĩa là sẽ cho nó đi "mò tôm" ở ngay chỗ bến bãi. Tôi nghe mà người nóng lên và buồn cho lòng con người, dễ dàng phản nhau, chỉ vì đồng tiền. Nghe để biết vừa đủ thôi, bởi vì trong điều kiện hiện nay cứ đóng cái vai không hề quen biết Lợi là chính.
Vừa qua tôi đã hơi vội, nên đã lòi ra một chút, tuỳ theo sau này tôi phải tìm cách hóa giải, với ông Cường. Mặt khác, tôi không hề tỏ ra quen biết Lợi nhiều, mà chi nghe nói, khi đi đóng ghe thuê để kiếm ăn v.v… Vì trách nhiệm chung, cũng như nước, tôi mới có ý kiến. Tôi để mặc bác Kiệt và các cậu giải quyết lương thực, tôi cũng chỉ nhận phần như mọi người.
Con thuyền vẫn thay nhau chèo về hướng Bắc, khoảng 4 giờ chiều, con chim lạ bỗng bay đi, cũng về hướng Bắc. Như thế, càng chứng tỏ đã có chiều hướng đi đúng hướng, chỉ không biết rõ đấy là Căm pu Chia hay là Thái Lan mà thôi.
Mặt trời đã chui dần xuống biển, bầu trời cũng thẫm dần lại, bỗng từ phía Nam, một luồng sáng từ dưới nước chạy ngược lên trời. Mới chập tối mà đã có sao chổi đổi ngôi, tôi chưa từng được nhìn sao chổi, đổi ngôi ngoài khơi bao giờ, nên mới thấy lạ. Cậu Triết đang chèo, chạy vội xuống khoang gọi kêu rối rít:
- Có tầu đánh cá!
Nhiều người chạy xô lên sàn thuyền. Đúng rồi xa xa rõ ràng có ánh đèn lấp loáng ở phía Bắc. Tôi cũng xô đến, tiếp tay chèo với mấy cậu thanh niên, điểm sáng càng ngày càng rõ ra, thậm chí tôi đã nhìn thấy cả bóng người đi lại. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Việt Nam/VN Photography Club sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật "Ánh sáng và sắc màu" tại Little Saigon, Nam Cali. Buổi triển lãm sẽ diễn ra hai ngày, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 tháng 12 năm 2019 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Hội trường nhật báo Người Việt
Bộ trưởng quốc phòng Nam Han, Jeong Kyeong-doo và đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa đã đồng ý thiết lập thêm những đường dây nóng quân sự giữa hai nước và chuẩn bị cho chuyến công du của bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm 2020.
Ánh nắng chiều đã tắt nhưng tôi vẫn như cảm nhận được cái nóng hừng hực qua cung cách vén ống tay áo để lau mồ hôi trán của người tưới cỏ.
Công Ty Disneyland sẽ chính thức tham dự cuộc Diễn Hành Tết tại Westminster với sự góp mặt của nhiều nhân vật trong đó có Mickey và Mini Mouse.
Thương vụ bán hàng trên mạng tại Hoa Kỳ Ngày Lễ Tạ Ơn đã tăng vọt 17$ tới 4.1 tỉ đôla, theo Salesforce cho biết. Doanh thu bán hàng mạng trên toàn cầu đã tăng còn nhanh hơn.
2 du khách của chiếc du thuyền Carnival Cruise Line đã chdết trong một xe buýt trong thời gian một tua độc lập tại Belize hôm Thứ Tư.
Thủ Tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cho biết hôm Thứ Sáu rằng ông sẽ từ chức theo sau nhiều tuần lễ biểu tình bạo động và lời kêu gọi ông ra đi bởi nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu quốc gia của phái Hồi Giáo Shia.
2 phi đạn được Bắc Hàn phóng đi hôm Thứ Năm “được cho là bắn từ một bệ phóng phi đạn nòng siêu lớn,” theo các viên chức quân sự Nam Hàn cho biết.
Cảnh sát Anh đã bắn chết một người tấn công khủng bố hôm Thứ Sáu tại Cầu London -- một sự kiện đau lòng đã khiến ít nhất một người vô tội thiệt mạng và một số người khác bị thương xung quanh con đường trọng yếu là nơi xảy ra vụ tấn công Hồi Giáo chết người chỉ hơn hai năm trước.
Trấn Cảnh Đồng nằm bên bờ sông Liễu Hạ, xinh đẹp như cảnh thiên thai ở chốn trần gian. Khách thương hồ đến đi mua bán quanh năm. Khách du thanh tú lịch lãm cũng dập dìu trẩy hội…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.