Hôm nay,  

Thời Sự Úc: Những Chủ Nhân Gốc Á

29/11/200900:00:00(Xem: 3050)

Thời sự Úc: Những Chủ Nhân Gốc Á - Hoàng Đ.Thư

Trong thời gian gần đây, hầu như không có một thương xá nào ở Úc lại không có ít nhất một vài cửa tiệm do người Á Châu làm chủ, quản lý, quán xuyến công việc. Sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy người gốc Á Châu, đặc biệt là người gốc Hoa, ngày càng chen chân mạnh mẽ hơn vào thương trường chính mạch Úc chứ không còn thu gọn vào thị trường nhỏ bé của riêng họ nữa. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài viết của ký giả Simon Mann, một cây viết thâm niên của nhật báo The Age, về vấn đề này, được đăng tải trên số báo ra ngày 21/11/09, tựa đề “From Factories To Franchises – Từ Hãng Xưởng Lên Tiệm Buôn”.

*

Những người Úc gốc Á với cao vọng trở thành thương nhân cùng với quyết tâm làm việc nhiều giờ mỗi ngày đã trở thành luồng sóng mới trong giới tiểu thương làm chủ những cửa tiệm trong các thương xá cũng như các khu phố chợ của nước Úc. Họ là khuôn mặt mới biểu hiệu cho sự táo bạo dám làm ăn, với châm ngôn “phi thương bất phú”. Những người Úc gốc Á hiện nay là tầng lớp thương nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ và họ không phải chỉ mở những tiệm mì hay quán ăn mà thôi.
Thay vào đó, họ mua quán chạp phô (milkbar), tiệm bán đồ ăn (takeaway), tiệm bán báo và những đại lý Lotto. Họ điều hành bưu điện, tiệm giặt ủi, tiệm trái cây, tiểu siêu thị. Họ đứng sau quầy của tiệm bánh mì, tiệm video, tiệm bán cá rán và khoai tây chiên (fish & chip shop), tiệm cà phê . Họ làm chủ và điều hành các thương hiệu được người ta mua lại để hoạt động (franchises).
Sự hiện diện ngày càng nhiều của họ đánh dấu một sự thay đổi đầy tính tiến hóa bởi vì những người Úc gốc Á- đại đa số đến Úc như những người có tay nghề, người tỵ nạn hoặc qua những chương trình đoàn tụ gia đình trong suốt 20 năm qua- bắt đầu bước ra khỏi các hãng xưởng và những công việc lương thấp để bước vào một loạt thương nghiệp khác nhau mà trong số những ngành thương nghiệp ấy có nhiều ngành vốn là cần câu cơm của những người di dân từ Âu Châu sau Thế Chiến II (và con cháu của những người này).
Một ông chủ tiệm takeaway gốc Hoa ở North Ringwood cười khanh khách rồi nói: “Ai nói là chỉ có người Hy Lạp mới điều hành mấy cửa tiệm cá rán khoai tây chiên chứ" Người Anh làm chuyện này trước nhất, rồi sau đó mới đến người Hy Lạp. Cái công việc này đâu có đòi hỏi tay nghề tinh xảo gì đâu. Tôi có thể dạy cho anh những công việc ấy trong vòng một ngày mà thôi”.
Rất nhiều những người chủ mới này là những người đến từ Trung Hoa lục địa. Một số đáng kể trong số này là những kẻ được hưởng lợi từ lời cam kết mà cựu thủ tướng Bob Hawke đưa ra cho sinh viên người Hoa trong thời gian xảy ra vụ tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989. Đối với rất nhiều người trong số 40,000 sinh viên người Hoa lúc ấy ở Úc thì đặc ân của ông Hawke đã giúp họ trở thành công dân Úc.
Thế nhưng, càng ngày người ta càng thấy ngoài những người làm lụng cực nhọc, dành dụm tiền bạc để ngoi lên từ sàn làm việc ở các hãng xưởng còn có thêm một thế hệ mới của những người di dân gốc Hoa dùng lợi nhuận từ nền kinh tế thị trường mới ló dạng của đất nước họ để mua thương nghiệp trên toàn cõi nước Úc.
Một số người này dễ dàng hội đủ tiêu chuẩn bởi vì tài sản đáng kể của họ ở ngoại quốc. Một số người khác đầu tư những số vốn nhỏ hơn qua chương trình di dân diện bảo trợ thương nghiệp (sponsored business migration program) vốn khuyến dụ thương gia ngoại quốc đầu tư vào Úc với lời hứa hẹn sẽ cấp tư cách thường trú nhân.
Trong tài khóa 2008-2009 có hơn 1800 người đến Victoria theo diện này. Đại đa số những người này đến từ Trung Hoa và những thương nghiệp mà họ ưa thích đầu tư là công ty xuất nhập cảng, hoặc cửa hàng bán lẻ hay những thương nghiệp trong lãnh vực phục vụ khách hàng như nhà hàng, quán nhậu, khách sạn.v.v. Cho dù họ đến Úc bằng cách nào đi nữa thì những người chủ thương nghiệp mới này đều có nhiều đặc điểm chung.
Ông Ian Wollerman, giám đốc Wollermann and Associates, một trong những công ty môi giới thương nghiệp (business broker) hàng đầu, cho biết: “Họ sẵn sàng làm việc thật cần cù cho thương nghiệp của họ. Họ xem nước Úc là một quốc gia tuyệt vời, đầy dẫy cơ hội. Họ có thể mua một thương nghiệp, họ có thể quản trị nó, họ có thể kiếm được tiền từ nó và họ có thể làm việc thật lâu, thật dài, thật cần cù theo ý thích của họ”.
Ông Peter Cowley, tổng giám đốc Hiệp Hội Chủ Tiệm Báo Victoria (Victorian Association for Newsagents) cho biết: “Khoảng 8, 9 năm về trước thì người Úc gốc Á bắt đầu mua tiệm bán báo. Họ rất siêng năng cần cù và rất chuyên chú vào việc phục vụ khách hàng bởi vì họ nhận thức được rằng sự phục vụ là một việc tối quan trọng. Họ quả thật rất tốt cho kỹ nghệ này”.
Ông Cowley bán cửa tiệm báo ở Baldwin của ông cách đây 6 năm cho một người Á Châu từng làm kỹ sư cho một hãng xưởng ở Trung Hoa. Ông nói thêm: “Bây giờ anh ta có hai tiệm và anh ta mua đứt luôn cả tòa nhà ấy luôn”.
Các cửa tiệm trong những thương xá lớn hoặc ở những dãy tiệm ven đường (kerb-side strips) tạo cơ hội cho người di dân nhảy vào thương trường. Phần lớn những người này dần dần tiến lên từ những thương nghiệp đơn giản căn bản lên những thương nghiệp phức tạp hơn và nhiều thử thách hơn sau khi họ hiểu biết được tiếng Anh và phong tục tập quán địa phương.
Một dãy sáu cửa tiệm sát nhau trên đường Warrandyte ở North Ringwood là thí dụ điển hình của xu hướng nói trên. Trong nhiều năm qua tất cả 6 tiệm đều trở thành tiệm của người Úc gốc Á.
Ông Wei, 54 tuổi, điều hành tiệm bán báo trong suốt 4 năm trước khi ông và vợ là bà Rena sang lại bưu điện. Ông Huaping ''Peter'' Tang, 56 tuổi, mua tiệm gà quay- đây là lần thứ nhì ông thử thách với thương nghiệp loại này. Ông Qing ''Charlie'' Zhou, 52 tuổi, cùng vợ là bà Ji, 46 tuổi, sang lại tiệm bán báo cùng với một vài người hùn hạp gốc Hoa sau khi bán pizza một thời gian và sau khi thất bại lúc mở quán cà phê. Bà Frances Lu, 55 tuổi, học tiếng Anh từ những người di dân khác khi làm thợ may trong một xưởng may cũng như học lóm từ các mẩu đối thoại trong quán cà phê, và bây giờ là chủ tiệm giặt ủi (dry cleaning) mở cửa 6 ngày một tuần. Bà nói: “Tôi không ngại làm việc cực nhọc. Càng bận rộn chừng nào thì tôi cành hạnh phúc chừng ấy”. Bà Chao Ying Wang, 50 tuổi, và chồng là Kaicheng, đã điều hành tiệm tạp hóa milkbar trong suốt ba năm qua, chuyên bán thuốc lá, nước ngọt và kẹo.


Tất cả những người chủ tiệm này đều đồng ý rằng khả năng đối thoại là một điều cần yếu để thành công. Ông Peter Tang nói: “Nói tiếng Anh giỏi sẽ tốt cho chuyện làm ăn”. Ông đến Úc năm 1988 và làm thợ cắt vải cho hãng quần áo Coogi cho đến khi hãng này đóng cửa xưởng hồi đầu thập niên này. Ông mua cửa tiệm gà quay (Charcoal Chicken) cách đây hai năm và làm việc 7 ngày một tuần sau khi đã điều hành một cửa tiệm tương tự ở Lalor trong suốt 5 năm trước đó.
Ông cho rằng nói đến nước Úc là người ta phải nghĩ ngay đến đây là vùng đất của cơ hội. Nỗ lực của ông đã mang đến nhiều phần thưởng cho ông: con gái ông, bây giờ 26 tuổi, tốt nghiệp luật và thương mại và hiện làm cố vấn thuế vụ cho một công ty lớn và ông có thể về hưu trong vòng ba năm tới.
Như những thường trú nhân lâu năm ở Úc dần dần nâng cấp thương nghiệp của họ thì rất nhiều những người di dân mới được chính phủ bảo trợ theo diện thương nghiệp cũng đầu tư vào những cửa tiệm.
Tưởng cũng nên nhắc lại, chương trình di dân mang tầm vóc quốc gia này được phát động năm 2004 như một phần trong nỗ lực nâng cấp tay nghề ở Úc và đòi hỏi những người mới đến phải có tài sản trị giá tối thiều là $250.000 Úc Kim (ở Victoria thì tối thiểu phải là $400.000 Úc Kim). Những người di dân này có thể đến Úc với giấy chiếu khán tạm thời (provisional visa) có hiệu lực 4 năm. Trong khoảng thời vgian ấy, họ phải chứng minh được tài buôn bán làm ăn của họ. Để có thể lấy được tư cách thường trú nhân thì thương nghiệp của họ phải liên tục có lợi nhuận cao hơn mỗi năm hoặc phải tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở địa phương.
Tuy lối đi có thể khác với lối đi của những người di dân đến đây từ nhiều năm trước họ, nhưng cửa ngõ vào thương trường thường rất giống nhau. Bà Irene Tkalcevic, người điều hành chương trình di dân tay nghề và thương nghiệp trong bộ Sáng Kiến, Kỹ Nghệ và Phát Triển Khu Vực (Department of Innovation, Industry and Regional Development) cho biết: “Đôi lúc người ta chọn những thương nghiệp tương đối khiêm tốn hơn để bắt đầu hầu chứng minh khả năng của họ. Họ đều có căn bản thương nghiệp trước đó rồi chứ không phải là những người mới chân ướt chân ráo vào ngành. Họ chỉ cần làm quen với môi trường ở đây thôi. Một khi đã củng cố rồi thì họ bắt đầu bước lên những công việc có tầm vóc hơn, tốt hơn, dài hạn hơn”.
Ông Wollerman cho biết hiện nay, thân chủ Á châu chiếm 60% những vụ mua, sang tiệm bán báo, tiệm lotto và các chi nhánh bưu điện. Ông nói: “Người ta phải trải qua một tiến trình thật khắt khe. Rất nhiều người mua những thương nghiệp loại này, hay những thương hiệu (franchises) là những người đã mua đến thương nghiệp thứ nhì hay thứ ba rồi và khả năng ngôn ngữ của họ đã tiến bộ rất nhiều”.
Thế nhưng không ít khách hàng của công ty Wollerman cũng đến thẳng từ Trung Hoa, và ông đã thiết lập một văn phòng ở Thượng Hải để làm đầu cầu. Rất nhiều người trong số khách hàng này cuối cùng điều hành thương nghiệp ở Trung Hoa lẫn ở Úc cùng một lúc. Ông Wollerman nói: “Họ có thương nghiệp rất thành công ở Trung Hoa và họ muốn con em họ được hấp thụ nền giáo dục của Tây Phương mà họ vốn trân quý và vì thế, cách duy nhất họ có thể đến đây là bằng chiếu khán thương nghiệp mà thôi”.
Hiện nay có hàng vạn cơ hội và vì thế cũng có hàng vạn cách dàn xếp. Một số di dân thương nghiệp hùn hạp với những người hoạt động ở địa phương, một số gởi con cái đã tốt nghiệp đại học để điều hành thương nghiệp, đôi khi một cặp vợ chồng chia đôi để tìm thế đứng ở hai lục địa- ông chồng tiếp tục điều hành công việc ở Trung Hoa trong lúc bà vợ chăm sóc thương nghiệp ở Úc để các đứa con theo học ở trường học Úc.
Và cũng đã qua rồi cái thời mà người di dân mới đến Úc chỉ dồn vào một khu vực nhất định nào đó. Đợt sóng mới này đang đưa những người Úc gốc Á mê làm thương nghiệp - đặc biệt là người gốc Hoa và Ấn Độ- đi khắp nơi trong thành phố để tìm cơ hội. Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử di trú Úc họ bắt đầu tìm cơ hội ở những tỉnh lẻ khác.
Ông Wollerman nói: “Trước đây chúng tôi không thể nào bán các thương vụ ở miền quê, hoặc tỉnh lẻ cho những người Á Châu. Nhưng, cuối cùng có rất nhiều người gốc Á Châu điều hành các thương nghiệp ở khắp các vùng quê Victoria. Họ là những người khách hàng tuyệt vời. Họ điều hành thương nghiệp của họ thật tốt. Họ đưa thêm nhiều người trong gia đình của họ vào thương nghiệp, mang gia đình họ từ bên ấy qua đây với họ, và họ tiếp tục thu thập thêm nhiều thương nghiệp nữa. Tôi thực sự khâm phục họ”.
Kinh nghiệm của những người chủ thương nghiệp ở North Ringwood là biểu tượng của sự tiến hóa của người di dân. Ông Charlie Zhou có nguyên quán là Phúc Kiến vốn là sinh viên du học học Anh Văn ở Melbourne khi vụ Thiên An Môn xảy ra. Ông vì thế phải đi làm công ở nhiều hãng xưởng. Một cửa tiệm cà phê ở Epping đã khiến ông bị thua lỗ nặng nề. Thế nhưng, tính cần cù làm việc của ông lại đưa ông vào ngành tiểu thương một lần nữa. Kế đến, ông điều hành một tiệm pizza ở Noble Park. Năm năm sau đó thì ông bán tiệm đi để mua tiệm bán báo với quầy bán Tattslotto lúc nào cũng bận rộn.
Người chủ tiệm lân cận của ông Zhou là ông Wei vốn là một chuyên viên kỹ thuật từng làm việc cho hãng Ericsson trong suốt 15 năm và bây giờ là chủ chi nhánh bưu điện. Ông Wei cho rằng thế hệ kế tiếp sẽ được chuẩn bị tốt hơn về môi trường làm ăn ở Úc. Ông nói: “Khi chúng tôi đến đây thì chúng tôi không hiểu hoàn toàn văn hóa của Úc, thế nhưng mấy thằng con của tôi thì, tuy tụi nó có dáng vóc Á Châu, nhưng cách suy nghĩ và những chuyện mà chúng nó làm thì thuần túy Úc”.
Việc chuyển giao kế thừa từ một thế hệ sang thế hệ khác cũng khiến cho người ta có cảm nhận rằng mình thực sự thuộc về nơi này. Thế nhưng, không ít những nhà tiểu thương nguyên thủy, việc bị buộc phải rời bỏ quê hương vẫn còn là nỗi đau kéo dài với họ.
Cửa tiệm milk bar của bà Chao Ying mở cửa rất lâu– mỗi ngày từ 7g30 sáng đến 9g30 tối- và những chương trình truyền hình từ Hương Cảng trực tiếp phát hình qua vệ tinh khiến bà thường xuyên nhớ đến gia đình và quê cũ. Bà nói: “Tôi nghĩ tôi sẽ còn nhớ Trung Hoa thêm 10 năm nữa. Thời gian rồi cũng sẽ trôi qua”. Sau đó, bà xác nhận rằng sự hy sinh của hai vợ chồng bà là để cho những đứa con trai của họ có tương lai tốt đẹp hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.