Hôm nay,  

Chuyện Dài Karzai

05/11/200900:00:00(Xem: 4275)

Chuyện Dài Karzai

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Hamid Karzai, Tổng Thống Afghanistan, đã được chính thức tuyên bố tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tin bất ngờ này được loan báo vào đầu tuần, mặc dù tuần trước Ủy hội bầu cử đã cho biết sẽ có bầu cử lại vào ngày 7 tháng 11, vì cuộc bầu cử ngày 30 tháng 8 vừa qua đã có gian lận, bị phe đối lập của ứng cử viên Abdullah tố cáo. Chủ tịch Ủy hội bầu cử Azizullah tuyên bố: "Ngài Hamid Karzai là người đã thu được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử lần đầu, nay không có việc bầu lại nên Ngài đã trở thành Tổng Thống Afghanistan". Ứng viên Abdullah đã không chịu ra tranh cử lại.
Ngay sau khi tin này loan ra, TT Obama đã gọi phôn mừng, nhưng cũng cảnh giác Karzai phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bài trừ nạn tham nhũng và tích cực chuẩn bị để Afghanistan có đủ khả năng gánh vác sứ mạng tự bảo vệ lãnh thổ. Obama thuật lại câu chuyện điện thoại: "Tôi nhấn mạnh đã phải đến một giai đoạn chúng ta bắt đầu viết một chương sử mới". Khi Karzai đưa ra lời cam kết như trên, Obama đã nói với ông ta rằng: "bằng chứng không nằm trong lời nói, mà nằm trong hành động". Obama đã có những lời nhắn nhủ thiện cảm nhưng khá cứng rắn với Karzai, vào lúc Mỹ phải xét đến việc gửi thêm hàng chục ngàn quân Mỹ nữa đến chiến trường nước này. Sứ quán Mỹ tại Kabul chúc mừng và nói sẽ tiếp tục làm việc với Karzai "để ủng hộ các chương trình cải cách và tăng cường an ninh". Đồng thời nước Anh và LHQ đã lên tiếng chúc mừng.
Rất có thể những phản ứng như trên đã giải thích phần nào sự thay đổi vào giờ chót để Karzai tiếp tục giữ chức Tổng Thống. Trước mắt sự thay đổi đó đã làm nhẹ nhõm những người có nhiệm vụ tổ chức bầu lại vì họ sợ sẽ có một loạt những làn sóng bạo lực đẫm máu ập tới. Taliban đã tuyên bố sẽ tấn công những người đi bầu. Về phía quân đội Mỹ và đồng minh NATO ở Afghanistan, một Karzai quen thuộc vẫn tốt hơn một Abdullah lạ hoắc, chưa biết có thực tâm như thế nào. Sau vụ khủng bố bin Laden tấn công Trung tâm Mậu dịch Thế giới New York ngày 11 tháng 9 năm 2001 (vẫn gọi là vụ 9/11), quân đội Mỹ và Anh đã tấn công Afghanistan vào cuối tháng 10 năm đó. Năm 2004 bắt đầu có bầu cử, Karzai lên làm Tổng Thống.
Vào sáng thứ hai, khi Karzai được chính thức tiếp tục làm Tổng Thống, ông Ban Ki-mon Tổng thư ký LHQ, tình cờ có mặt tại Thủ đô Kabul chỉ vì tuần trước như tin đã loan, khu vực nhà khách của LHQ đã bị Taliban tấn công, giết chết 6 nhân viên LHQ, trong đó có 1 người Mỹ. Ban Ki-mon tỏ ý hoan nghênh việc bãi bỏ vụ bầu cử lại. Ông nói: "Afghanistan đã từng có một tiến trình bầu cử rất khó khăn. Cần phải học những bài học đó. Nước này đang phải đối phó với những thách thức rất gay go và vị Tổng Thống tiếp tục sứ mạng cần phải tiến hành gấp để lập chính phủ mới có khả năng được sự ủng hộ của dân chúng trong nước cũng như cộng đồng quốc tế".


Hôm thứ hai, Ban Ki-mon hứa LHQ vẫn tiếp tục công tác ở Afghanistan mặc dù có những vụ giết chóc. Ban cũng nói Karzai đã bảo đảm với ông nhân viên an ninh Afghanistan sẽ làm việc để bảo vệ người của LHQ. Ban nói với các phóng viên: "Chúng tôi không nản lòng, không thể nản lòng". Dù vậy cũng vào đầu tuần, LHQ loan báo sẽ cho phép một số nhân viên LHQ hiện làm việc ở Pakistan được về nước và ngưng những công tác phát triển dài hạn đang thực hiện dọc biên giới của Pakistan với Afghanistan, vì những vụ bạo động đã tăng mạnh ở vùng này sau khi quân đội Pakistan mở cuộc hành quân lớn để tiễu trừ bọn Taliban đã lén xâm nhập từ Afghanistan để cùng al-Qaida gây ra nhiều vụ đánh bom tàn bạo nhằm vào dân Pakistan.
Ngoài ra LHQ cũng đã từng có một Bản doanh lớn đặt ở Baghdad, thủ đô Iraq. Vào tháng 8 năm 2003, một xe bom khủng bố đã đánh thẳng vào trụ sở LHQ ở đây, giết chết 22 người trong đó có vị Trưởng phái bộ là Sergo Vielra de Mello. Nhưng vào tháng 10 năm 2003 sau trận đánh bom thứ hai, LHQ đã ngưng mọi hoạt động ở Iraq. Xét tình hình trên, bọn khủng bố al-Qaida và nhóm Taliban vẫn nhằm tấn công những người nước ngoài, dù không phải là quân đội mà chỉ là những nhân viên dân sự làm công tác cứu trợ cho dân chúng địa phương. Mục tiêu chiến lược tối hậu của khủng bố vẫn là loại trừ người nước ngoài có mặt ở những nước Hồi giáo mà chúng muốn nắm toàn quyền kiểm soát.
Sáng thứ ba tuần này, sau khi được chính thức chấp nhận là Tổng Thống, Hamid Karzai đáp lời cảnh giác của TT Obama, nhìn nhận Afghanistan "mang tiếng xấu vì tham nhũng" và hứa sẽ giải trừ nạn tham nhũng đã tràn lan trong nhiệm kỳ 5 năm trước của ông. Karzai nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng dùng mọi biện pháp để gột bỏ vết nhơ trên tấm áo của chúng tôi. Chúng tôi cần xét lại luật pháp, đó là nơi chúng tôi có vấn đề và cần soạn thảo lại luật lệ". Tóm lại Karzai muốn nói vấn đề tham nhũng không phải chỉ vì một số viên chức chính phủ, mà còn là sự thiếu sót của luật lệ cũng như việc thi hành luật.
Karzai đã tuyên bố như vậy trong khi có tân Phó Tổng Thống đứng cạnh. Ông này trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng đã từng bác bỏ những lời tố cáo có liên hệ đến vấn đề buôn lậu ma túy và tham nhũng. Trong khi đó Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nói Karzai "phải làm cho rõ ông sẽ có hành động ngay tức khắc đối với vấn đề tham nhũng". Brown tuyên bố nước Anh "muốn thấy Afghanistan có một chính phủ mới không tham nhũng, một chính phủ bao gồm nhiều thành phần, một chính phủ đem lại thịnh vượng cho người dân của nước này".
Vụ kết thúc lộn xộn cuộc bầu Tổng Thống vừa qua đã để lại cho Mỹ và các đồng minh một sứ mạng khó khăn làm thế nào tái lập được tính hợp pháp của chính phủ Afghanistan đối với trong nước cũng như đối với dư luận thế giới. Hiện nay công luận ủng hộ cuộc chiến đang giảm xuống tại Mỹ và những nước đồng minh có quân tham chiến ở Afghanistan, chỉ vì những vết nhơ đã bám lấy chính quyền mà họ muốn giúp. Ngoại trưởng Pháp Bernard Koucher nói Pháp sẽ tiếp tục sứ mạng. Nhưng các nhà phân tích tỏ ý nghi ngại về khả năng của các chính phủ phía Âu châu chứng minh được lý do tiếp tục tham gia một cuộc chiến làm mất lòng dân.
Hugo Klin, một chuyên gia lão thành của khối "Cố vấn Clingendael" ở The Hague (Hòa Lan) nói: "Cuộc tranh luận ở phần lớn các nước Âu châu về việc mở rộng thêm sứ mạng ở Afghanistan đã rất khó khăn bất kể sự thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua". Nền tảng cốt yếu của sứ mạng khối NATO là mở rộng thêm thế lực của chính phủ hợp pháp ở Kabul, nhưng cho đến nay đã trở thành một vấn đề.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.