Hôm nay,  

Cẩm Nang Gia Đình:dạy Con Không Nói Dối...

24/10/200900:00:00(Xem: 4717)

Cẩm Nang Gia Đình:Dạy Con Không Nói Dối...

Nếu nhóc con 3 tuổi của bạn bịa chuyện thì không phải bé cố ý nói dối mà chỉ vì trẻ hay tưởng tượng và chưa phân biệt được với thực tế. Nhưng các bé 6 tuổi thì đã biết nói quanh co để tránh bị phiền toái.
Nói dối là một biểu hiện rất bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Thế nên, thay vì vội vàng áp đặt những bài học về lòng trung thực, hãy tìm hiểu những lý do đằng sau hành vi nói dối của con.
Từ 2 đến 4 tuổi: Nói dối vô thức
Nguyên nhân: Trẻ con 2 - 4 tuổi thường có trí tưởng tượng nhạy bén và lưu giữ trong đầu thế giới của những câu chuyện cổ tích. Bé khó phân biệt được những giấc mơ với hiện thực. Nhiều đứa trẻ mang rất nhiều đồ chơi từ lớp mẫu giáo về nhà và bảo cô giáo nói có thể giữ những thứ đó. Bé cũng bắt đầu bịa ra câu chuyện để tránh bị rắc rối.
Giải pháp: Đặt ra kỷ luật để trừng phạt tội nói dối của một đứa trẻ ở tuổi này chả có tác dụng gì, thậm chí còn có hại. Một bài thuyết trình dài về tính trung thực là vô nghĩa bởi bé sẽ chỉ hiểu nó đã hư hỏng và sẵn sàng nói dối tiếp.
Bạn hãy chỉ ra sai trái của bé kèm những giải pháp, ví dụ: "Mẹ biết con muốn tin rằng những đồ chơi này là của con nhưng sự thực không phải vậy. Đây là đồ chơi của nhà trường, các con chỉ được phép chơi ở lớp, không được mang về nhà. Nếu bạn nào cũng mang đồ chơi về nhà như con thì ở lớp các con sẽ chẳng có gì để chơi cả". Dần dần đứa trẻ sẽ nhận ra khoảng cách giữa thực tế và tưởng tượng.
Nếu trò nói dối của trẻ bắt nguồn từ trí tưởng tượng thì bạn hãy dùng các câu chuyện như một cơ hội để khuyến khích khả năng ngôn ngữ hơn là bắt lỗi bé. Bạn đừng khe khắc phá tan thế giới tưởng tượng của bé nhưng cũng phải chắc chắn những điều đó không có hại cho con. Ví dụ, bạn khuyến khích đứa con ba tuổi tin vào Ông già Noel nhưng cũng nên cho bé biết thực chất con người không thể bay được cho dù họ có mang thêm đôi cánh nhân tạo. Nếu con quay cuồng trong thế giới tưởng tượng thì bạn nên chia sẻ với bé bài học của cậu bé chăn cừu đùa có sói, rồi khi sói đến thật thì chẳng ai tin lời cậu nữa, để bé hiểu tại sao sự thật lại quan trọng đến thế.
Từ 5 đến 7 tuổi: Nói dối để trốn tránh phiền toái
Nguyên nhân: Ở tuổi đến trường, trẻ nhận ra nói dối là một cách giải quyết vấn đề hoặc tránh sự trừng phạt. Một đứa trẻ 6 tuổi biết "Con chó ăn mất cuốn vở bài tập về nhà của em" sẽ không qua mắt cô giáo nên câu nói dối có thể là "Vì tối qua em bị ốm".
Ở tuổi này, con bạn sẽ chẳng ngần ngại thử khả năng dối trá của mình và kiểm tra các ranh giới của chúng. Chúng chưa phân biệt được tại sao nói dối trong trường hợp này thì được nhưng lúc khác thì không.


Giải pháp: Trong một vài trường hợp, bạn có thể cho phép bé nói dối để không làm tổn thương người khác. Chẳng hạn, khi nhóc được mời dự tiệc sinh nhật của cô bạn cùng lớp mà nó không ưa, hãy để con đưa ra lý do "Xin lỗi, Me bận" hơn là sự thực mất lòng: "me không thích you". Bạn nên dạy cho trẻ phải luôn thành thật nhưng cũng giúp bé hiểu cần tỏ ra dễ thương với bạn trong vài trường hợp nói dối có thể chấp nhận được.
Điều quan trọng là bạn phải cho bé thấy lời nói dối không được chấp nhận nếu nó nhằm che giấu một hành động sai trái. Nếu bé nói dối đã đánh răng hay đã rửa tay khi chưa thực sự làm thì bạn nên bắt con phải thực hiện ngay công việc ấy và kiểm soát thường xuyên để bé không còn cơ hội nói dối.
Phản ứng gay gắt bằng những lời chì chiết nặng nề hay đòn trừng phạt có thể biến bé thành kẻ dối trá chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ phạm lỗi nghiêm trọng như ăn cắp đồ của bạn thì cần phải có sự trừng phạt. Dù vậy, bố mẹ cũng nên nhớ đặt lòng tin vào sự tiến bộ của con.
Từ 8 tuổi trở lên: Nói dối để được tự do
Nguyên nhân: Càng lớn, con bạn càng muốn tự mình kiểm soát cuộc sống. Vì thế, nếu bạn xâm lấn một cách thô bạo vào cuộc sống riêng tư của con, đứa trẻ sẽ đối phó bằng cách nói dối để có lợi cho chúng. Vẻ mặt, ngôn ngữ hình thể cùng với miệng lưởùi dẻo quẹo sẽ khiến cha mẹ có thể tin tưởng một cách dễ dàng. Và khi bị phát giác, chúng cũng ít thú nhận hơn lúc còn ít tuổi.
Thói quen nói dối của con bạn cũng có thể bắt nguồn từ việc quan tâm quá kỹ của cha mẹ. Bé có thể sợ bị phạt nếu không đáp ứng đúng yêu cầu cao của bạn. Sự chê bai hay giễu cợt của bố mẹ cũng có khi là gánh nặng buộc nó phải nghĩ cách nói dối.
Giải pháp: Hãy để con cởi mở bộc lộ cảm xúc. Mỗi ngày, bạn nên bỏ ra vài phút để chuyện trò với con. Bé sẽ kể về các chuyện nó gặp ở trường học hay hỏi ý kiến bạn về những phiền toái nó đang gặp. Nếu con tìm thấy ở bạn sự đồng cảm thì nó sẽ chẳng ngần ngại thú nhận những lỗi lầm của mình và bớt dần tật nói dối quanh co.
Một cách khác để khuyến khích con không nói dối  là để con biết bạn luôn tin tưởng nó. Thay vì giám sát, bạn nên dạy con tính tự lập như tập cho con thói quen dọn giường mỗi sáng thức dậy, hay làm xong bài học mới được xem tivi hay chơi games.
Nếu nghi ngờ con đang nói dối một điều gì đó nguy hiểm - chẳng hạn bé đang bị bắt nạt ở trường, bạn hãy hỏi cô giáo thay vì hỏi con để tránh phải nghe những câu vòng vo. Hãy cho con biết không có ai hoàn hảo và bạn luôn ở bên để giúp con chứ không phải để trừng phạt nó.
Cần nhớ rằng nếu bạn muốn con thành thật thì trước hết bạn phải luôn trung thực. Trẻ con thường xem cha mẹ mình là tấm gương nên nếu bạn nói dối thì thật khó mà đòi hỏi con mình phải thành thật.
ST

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.