Hôm nay,  

Tạp Ghi: Buồn Vui Chuyện Y Tế

30/08/200900:00:00(Xem: 3994)

Tạp ghi: Buồn vui chuyện y tế – Huy Phương

Nói đến chuyện cải tổ y tế, tôi muốn trở lại một câu chuyện cũ, một chuyện có lẽ đến khi nhắm mắt tôi không thể nào quên. Số là vào nột ngày đẹp trời hơn bốn năm về trước, tôi có nhận được thông báo hằng tháng như thường lệ của cơ quan Medicare về những dịch vụ và số phí tổn y tế mà tôi đã thụ hưởng. Đặc biệt lần này, một vị bác sĩ Việt Nam đồng hương của tôi có phòng quang tuyến tại vùng Bolsa, quận Cam, tính cho tôi một số tiền cho một dịch vụ không hề có. Buồn nhất là muốn đem về một số tiền lớn cho túi tham của ông, vị bác sĩ này đã chọn cho tôi một dịch vụ đắt tiền nhất là chụp X- Ray bộ xương và làm MRI não bộ của tôi phí tổn là $3,400.00, mà vào ngày tháng đó, tôi chưa bao giờ có bệnh hoạn gì hay chưa bao giờ bước chân đến văn phòng của ông. Khi mở thư ra, tôi giận run lên vì sự việc quá trắng trợn, khó tin này. Thoạt tiên, tôi muốn nhấc điện thoại lên gọi đến phòng mạch, nhưng nghĩ lại nhiều lắm là tôi chỉ gặp được một cô thư ký nhấm nhẳng, vì ông bác sĩ nào chả bận rộn với bệnh nhân, chẳng may mà mình đang cơn nóng giận, sơ suất lại bị ghép vào tội hăm dọa cũng không chừng.
Cuối cùng tôi quyết định “vạch áo cho người xem lưng”, đem sự việc này báo cáo cho cơ quan FBI tại địa phương để khiếu nại và xin nhờ chính phủ Mỹ giải quyết việc một người Việt Nam bị một ông bác sĩ “đồng hương” đã tính tiền với cơ quan y tế về một dịch vụ mà ông ta không hề làm cho bệnh nhân. Sau đó tôi đã được gọi lên tiếp xúc, phỏng vấn để ghi nhận và mở một hồ sơ về vụ này. Tuy vậy, đã nhiều năm trời trôi qua, không có ai bị điều tra hay truy tố ra tòa án về việc “đục khoét” quỹ y tế này. Người ta nói rằng những vụ lớn có thể đem về cho công quỹ hàng triệu đồng thì các cơ quan trách nhiệm mới bỏ tốn phí ra điều tra, và như vậy là vị bác sĩ này vẫn yên ổn cả hai mặt pháp lý và lương tâm chăng" Cứ theo kiểu làm ăn này thì ông bác sĩ của tôi chẳng mấy chốc đã giàu có nhờ những quỹ phúc lợi của chính phủ.
Hồi còn đi làm ở Virginia, tôi cũng đã bị một chị nha sĩ charge hết tiền trong thẻ bảo hiểm về răng của tôi khi biết trong tháng 5 tôi phải đổi về California. Về đến đây tôi mới biết là tôi được thêm những dịch vụ mà tôi không hề được hưởng. Những “từ mẫu” này càng ngày càng giàu có, tích luỷ của cải, tậu cửa tậu nhà nhiều hơn, ung dung trước những việc làm mà họ nghĩ là không ai biết, vì nạn nhân cũng là bệnh nhân của ông đều là những người Việt Nam hiền hòa “một sự nhịn, chín sự lành” hay “chín bỏ làm mười” không ai muốn thưa gởi, mà thưa gởi như tôi cũng chẳng đi đến đâu, kiểu “con kiến mà kiện củ khoai”. Hiện nay việc lợi dụng, thất thoát từ các quỹ y tế lên cao đến hàng trăm tỷ đô la mỗi năm, nếu tiếp tục rồi đây, các quỹ medicare hay medicaiad cũng không còn tiền trả cho cho những người thụ hưởng.
Bây giờ người ta lại nại cớ khi có nền y tế toàn dân thì sẽ không có cạnh tranh, không có sáng kiến. Không có cạnh tranh, không có sáng kiến thì làm sao có được tiến bộ" Lúc bây giờ các chuyên viên y tế đều trở thành công chức, lãnh lương hằng tháng của nhà nước, mà là một số lương nhất định. Nếu tất cả bác sĩ đều lãnh lương chính phủ, tất cả dược phòng đều đong đếm đủ số thuốc cho bệnh nhân nhất định thì đâu có ai giàu hơn ai, cũng đâu có cần quảng cáo phòng mạch trên báo chí, truyền hình chi cho tốn thêm tiền hay gian lận y tế như trường hợp tôi đã từng là nạn nhân. Chuyện trên là chuyện công chức, chuyện dưới là chuyện thương mãi, không làm thương mãi thì khó giàu (phi thương bất phú).


Hiện nay trận nội chiến về bảo hiểm toàn dân ở Mỹ thực sự đã bùng nổ, tuy chưa có đổ máu hay gây thương tích cho ai nhưng đã gây chia rẽ giữa nhân dân Mỹ, dù là Mỹ Đen, Mỹ Trắng hay Mỹ Vàng, Mỹ Cộng Hoà hay Mỹ Dân Chủ. Chúng ta cũng không thể không quan tâm về việc này và cũng không thể đứng ngoài cuộc chiến. Bảo hiểm y tế cho toàn dân là tham vọng của đảng Dân Chủ, có từ thời Tổng thống Bill Clinton, đến nay ông Obama muốn kết thúc. Chuyện này cũng không mới mẻ gì vì ở Canada, ở Pháp, ở Anh người ta đã thực hiện lâu rồi, y tế ở Mỹ như vậy là còn lạc hậu. Nhiều người lên án, ông Tổng Thống Obama lo cho dân Mỹ đen, vì đa số dân đen nghèo. Dù mang màu da đen, họ cũng là người Mỹ, cũng biết đau răng, đau bụng, đau đầu và còn đau hơn người da trắng hay người giàu... Nhà giàu lên án ông Tổng Thống này muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa, thật ra xã hội chủ nghĩa không có nghĩa xấu, chỉ tội cho kiểu XHCN nửa vời và những chế độ lợi dụng đám đông, mị dân, hô hào phục vụ cho mấy chữ nhân dân, quần chúng hay đám đông để độc quyền cai trị.
Nước Mỹ hiện nay có 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, tỷ lệ là cứ 6 người Mỹ thì có một người sợ đau ốm, sợ bệnh viện vì không có tiền mua bảo hiểm y tế. Nếu có bảo hiểm y tế toàn dân thì những người nghèo có lợi tức không quá 133% đối với mức nghèo ($14,404/ năm) sẽ có thuốc men bệnh viện, nhưng nhà giàu có lợi tức từ $280,000/ năm (hay $350,000 hai vợ chồng/ năm) hay các doanh nghiệp sẽ chịu thêm thuế, trong khi đó những người thụ hưởng medicare và medicaid cũng phải hy sinh, san sẻ bớt tiền cho nền y tế toàn dân.
Nước Mỹ thích tự do, không muốn ràng buộc, do vậy như chuyện cho học sinh đến trường mặc đồng phục cũng không được chấp thuận, vì cha mẹ muốn cho con cái được tự do chọn lựa y phục. Và thiểu số người giàu có không muốn san sẻ cho đa số người nghèo. Liệu rồi đây quý vị doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm, các tập đoàn bác sĩ, các tập đoàn chủ nhân bệnh viện, các đại tổ hợp dược phòng... có để yên cho việc cải tổ y tế làm thiệt hại quyền lợi của cá nhân hay công ty của họ không" Mãnh lực tiền tài của các thế lực này sẽ là bước cản cho việc cải tổ y tế và liệu các vị dân cử có bị áp lực từ nhiều phía trong đó có phần của tư lợi không"
Ở Mỹ này hiện nay vẫn có người đói mà không có đủ thức ăn, đau mà không có bảo hiểm y tế, nghĩa là không có cơ hội chữa lành. Nếu có Thượng Đế xếp đặt cõi trần gian này thì quả là Thượng Đế bất công, khi “người ăn không hết kẻ làm không ra”. Chuyện còn lại là những người may mắn hạnh phúc có muốn chia xẻ may mắn đó với những người bất hạnh hơn mình không" Bỏ qua những con số của kinh tế, những thiệt hơn của chính trị, liệu nước Mỹ có bớt đi được những dị biệt, có là nơi tử tế hơn chút nào không"
Năm lên năm tuổi, vì tinh nghịch, thích leo trèo, tôi bị té từ trên cao xuống sàn gạch, tét đầu và được mẹ tôi thuê “xe kéo” chở vào nhà thương cấp cứu. Chờ không lâu lắm, tôi được y tá rửa, sát trùng và băng bó vết thương, tuần sau trở lại thay băng, làm thuốc và hình như không nghe gia đình tôi nói phải có thẻ nhà thương, trả tiền bệnh viện gì. Thời Pháp thuộc, có lẽ người Việt chúng ta chưa biết đến thế nào là bảo hiểm y tế, ai đau ốm, tai nạn thì đã có bệnh viện nhà nước, nhà thương công, mà ở miền Trung gọi là “nhà thương thí”, ở miền Bắc nhã nhặn hơn, gọi là “nhà thương làm phúc”. Dù gọi là “thí” hay “làm phúc” thì nhà thương cũng không thơm tho gì, thậm chí là cho đến ngày nay, tôi như còn tưởng tượng ra được cái mùi bệnh viện đó, trải qua thời gian trước đây trong các bệnh viện Bình Dân, Nhi Đồng hay Hồng Bàng... nhưng ít ra người nghèo chưa phải chết vì thiếu thuốc men. Và cũng không có cha mẹ nào phải bán máu để có đủ tiền mua thuốc cho con. “Thí” hay “làm phúc” thì khỏi trả tiền, cũng là một lối “xã hội chủ nghĩa” nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa thật, thì phải qua “cò bệnh viện”, chạy tiền mua thuốc, mua bác sĩ, y tá, mua giường tốt và phải mua hòm, mướn nhân viên, mướn xe của dịch vụ làm ăn của bệnh viện khi qua đời như ngày nay tại VN dưới chế độ VC.
Sau cơm áo, là thuốc men, hết sợ đói lại sợ đau, chúng ta đi tìm sự yên bình nhưng không bao giờ thấy. Nước Mỹ chưa hẳn là thiên đàng, xin quý vị được may mắn hơn người mở rộng hầu bao và tấm lòng nhân ái thêm chút nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.