Hôm nay,  

Tội Ác: Vụ Cướp Vàng Lớn Nhất Anh Quốc

16/08/200900:00:00(Xem: 3395)

Tội ác: Vụ Cướp Vàng Lớn Nhất Anh Quốc - Vũ Hải

Câu chuyện về vụ cướp vàng lớn nhất lịch sử Anh Quốc cũng là một sự cảnh giác người đời về giá trị của cái được gọi là “danh dự trong giới giang hồ”, đặc biệt là khi liên quan đến một số vàng trị giá hơn 26 triệu bảng Anh (hơn$52 triệu Úc Kim). Tuy nhiên, dường như mọi phe đều không tránh khỏi sự ngu xuẩn đần độn. Mặc dù một vài tay tội phạm dự phần trong vụ ăn hàng này đã quá ngu xuẩn để tiêu tiền như nước, gây sự chú ý rồi cuối cùng bị tóm bắt, thế nhưng cảnh sát chẳng những đã không bắt được phần lớn những tay anh chị tham gia trong vụ cướp cũng như trong việc phân phối vàng sau đó mà còn không tìm lại được phần lớn số vàng nữa.
Vào 6g30 sáng ngày 26/11/1983, một băng cướp có vũ trang ở Nam LuânĐôn, dưới sự chỉ huy của Brian Robinson và Mickey McAvoy, đã đột nhập vào nhà kho của Brink Mats tại phi trường Heathrow với ý tưởng rằng chúng sẽ cướp được khoảng 3 triệu bảng Anh tiền mặt. Nội gián của chúng là Anthony Black, một nhân viên bảo an của Brinks Mat lúc ấy là nhân tình của em gái Brian Robinson. Sự hướng dẫn của Black đã giúp cho băng cướp dễ dàng đột nhập vào hiện trường, trấn áp được nhân viên bảo an và buộc mấy người này phải cho biết mã số mở khóa két sắt bằng cách tưới xăng lên người họ rồi hăm dọa sẽ đốt sống họ.
Tin tình báo của Black cũng giúp chúng tắt được nhiều hệ thống an ninh điện tử tối tân. Thế nhưng, khi két sắt an toàn được mở ra thì số tiền mặt mà chúng cho rằng sẽ nằm trong két lại biến thành 6,800 thỏi vàng được chia làm 76 thùng cộng thêm một số lượng kim cương thô và kim cương đã mài giũa trị giá 100 ngàn bảng Anh, tất cả đều sẵn sàng để được chuyển sangmiền Viễn Đông.
Bọn cướp nhanh chóng nhận thức được rằng việc ăn cướp và chuyên chở nhiều tấn vàng quả nhiên rất khó khăn. Vì vậy kế hoạch “chụp giật rồi chạy” biến thành một chiến dịch tốn nhiều thời gian vì nhiều thành viên của băng phải chạy đôn đáo để tìm phương tiện chuyên chở vững chãi hơn. Tuy bọn cướp dùng cái xe cần bốc dở hàng (forklift) của nhà kho để chất vàng lên chiếc xe thùng của chúng, nhưng cũng phải tốn gần hai giờ đồng hồ để dọnsạch két sắt an toàn. Đến 8g15 sáng thì chúng mới rời nhà kho Brink Mats và khoảng 15 phút sau đó, lúc 8g30 thì nhân viên an ninh bấm còi báo động.
Việc chuyển số lượng vàng thỏi trị giá 26 triệu bảng Anh thành tiền mặt là một sự nhức đầu cho bọn cướp, và vì thế, chúng phải nhờ cậy một ông trùm xã hội đen, chỉ được biết đến với bí danh “Cáo Già” (The Fox) giúp đỡ. Y là kẻ có tất cả những đường dây móc nối cần thiết trong giới giang hồ để có thể nấu chảy vàng và phân tán, đặc biệt
là với sự trợ giúp của một trong số các tổ chức sừng sỏ, lẫy lừng nhất Luân Đôn là Adams Family (AF). AF tuyển mộ một con buôn kim hoàn tên Solly Nahome và tên này đồng ý sẽ bán những món hàng được nấu chảy này.
Thanh tra trưởng đội đặc nhiệm lưu động của Scotland Yard (Flying Squad Chief Commander), Frank Carter được bổ nhiệm làm người chỉ huy cuộc truy lùng tông tích bọn cướp. Vì vụ làm ăn quá sức táo tợn và vô cùng tinh vi nên cảnh sát đã có thể thu gọn danh sách của những kẻ bị tình nghi xuống còn có hai người là McAvoy và Robinson. Hai tên này trong thời gian trước khi xảy ra vụ cướp đã tỉnh bơ công khai tuyển mộ người hợp tác để làm “một vụ ăn hàng có tay trong trợ thủ” mà chúng đã đặt sẵn âm mưu từ trước. Robinson, với bí danh là “Ông Đại Tá” là một kẻ mà cảnh sát biết quá rõ trong khi McAvoy được xem là một trong những tay cướp có võ trang làm ăn năng nổ nhất ở khu Nam Luân Đôn.
Nhận thức thật nhanh chóng rằng những sự hiểu biết quá tường tận của bọn cướp về cái nhà kho này là bằng chứng rõ rệt cho thấy chúng có tay trong trợ giúp, cảnh sát chẳng mấy chốc đã khám phá ra tên phản thùng Anthony Black, kẻ đã đi làm trễ trong ngày xảy ra vụ cướp, và vì thế, không hề có mặt khi vụ cướp xảy ra. Sau đó, khi mối quan hệ giữa y và em gái của Robinson bị khám phá thì y nhanh chóng thú tội, và qua đó, y đã điểm chỉ hai gã tân phú hào McAvoy và Robinson.
Cả McAvoy lẫn Robinson đều chẳng thèm quan tâm đến việc “nín thở qua sông”, chờ cho hết bị truy đuổi mới xài tiền. Ngược lại, chỉ trong vòng vài tuần sau khi vụ cướp xảy ra thì cả hai đều dọn từ khu nhà chính phủ dành cho


người lao động có lợi tức thấp ở NamLuân Đôn đến một cơ ngơi lộng lẫy, xa hoa ở khu vực dành cho người giầu là Kent, và mua bằng tiền mặt. Chẳng những thế, người ta còn đồn rằng McAvoy đã mua hai chú chó Rottweiller thật dữ tợn để trông chừng nhà và đặt tên cho hai chú chó này là Brinks và Mat!
Sau khi biết rằng cuộc chơi đã tàn thì McAvoy hy vọng sẽ dùng cái tài sản đồ sộ của mình để thương lượng, điều đình cho được một bản án nhẹ nhàng hơn. Vì thế, hắn tin vào cái đạo lý về “danh dự giữa chốn giang hồ” và giao toàn vẹn phần vàng của mình cho nhiều người bạn khác nhau, nhờ họ giữ kỹ giùm. Trong số bạn đó có một người tên Brian Perry.
Vào tháng 12/1984, cả McAvoy lẫn Robinson đều bị tuyên án 25 năm tù ở sau phiên tòa xét xử chúng. Vì thế, McAvoy định dùng số vàng mà y đã nhờ bạn bè bằng hữu giấu giùm để đổi chác cho được sự giảm khinh. Oái oăm thay, vàng cũng không còn mà tiền cũng không có. McAvoy quá cay đắng vì cảm thấy mình bị Perry phản bội. Thế là Perry sau đó cũng bị tóm bắt và truy tố với tội đồng lõa trong việc tẩu tán số vàng. Trong lúc phiên tòa xét xử y đang tiếp diễn thì tính mạng của Perry cũng bị đe dọa vì y đã không hoàn trả của cải lại cho McAvoy và Robinson. Sau khi mãn hạn 9 năm tù không bao lâu thì y bị bắn chết trên đường phố vào ngày 16/11/2001.
Mặc dù cả Robinson và McAvoy bị tóm bắt, bị tống giam, bị tuyên án nhưng cảnh sát vẫn không tài nào tìm được số thỏi vàng đã bị chúng cướp mất, mặc dù phần lớn số vàng này vẫn chưa thể nào được đổi thành tiền.
Trước khi bị tóm bắt thì Perry liên lạc, tuyển mộ Kenneth Noye vào cái
vòng ngày càng lớn rộng của những kẻ có liên hệ đến vụ cướp vang Brinks Mat. Noye có vẻ như là một kẻ có kinh nghiệm trong việc nấu chảy vàng đồng thời có quan hệ làm ăn với John Palmer, chủ nhân của một tiệm vàng ở Bristol.
Noye có một sáng kiến thật độc đáo là pha lẫn đồng vào số vàng được nấu chảy để thay đổi tinh độ (carat rating) của nó và qua đó, người ta không tài nào truy dò được gốc tích của số vàng mới nấu chảy này. Thế nhưng, tuy kinh nghiệm chuyên môn của y rất cao, y lại hoàn toàn không có tí ti đầu óc thực tế nào về đời thường và vì thế, y bị tóm bắt khi rút một khoản tiền mặt là 3 triệu bảng Anh từ một chi nhánh ngân hàng ở Bristol. Số tiền được rút này quá lớn cho nên cả bộ Kinh Tế (Treasury) và cảnh sát đều được ngân hàng thông báo cùng một lúc.
Vào tháng 1/1985, Noyce đụng độ với thám tử cảnh sát John Fordham trong vườn nhà hắn trong khi viên cảnh sát đang thi hành một chiến dịch ngầm. Trong vụ cãi vã xô xát, Noyce đâm viên cảnh sát này đến chết. Noye bị tóm bắt và truy tố với tội sát nhân, nhưng trong phiên tòa xét xử y thì bồi thẩm đoàn tin lời biện luận của luật sư rằng y chỉ tự vệ và lỡ tay sát nhân, một phần vì không biết nạn nhân là cảnh sát thường phục đội lốt người thường. Vì thế, y được tha bổng.
Nhưng sau việc cảnh sát khám phá được 11 thỏi vàng trong nhà y thì một lần nữa, Noye lại bị truy tố ra tòa vào năm 1986, cùng với một thành viên của gia đình Adams là Thomas Adams. Trong phiên tòa này, y bị kết tội âm mưu tẩu tán số vàng cướp được từ kho hàng của Brinks Mat, thêm vào đó là tội trốn thuế trị giá gia tăng VAT. Y bị tuyên án 14 năm tù ở và bị phạt vạ tổng cộng là 700,000 bảng Anh.
Noye được trả tự do năm 1990, nhưng 10 năm sau đó y lại phải hầu tòa với tội sát nhân vì y đã giết một người đàn ông trong một cuộc cãi vã liên quan đến xe cộ trên xa lộ. Y hiện đang thọ án tù chung thân.
Cảnh sát ước lượng có ít nhất 15 tên dự phần vào việc sắp đặt âm mưu cướp kho hàng Brinks Mat, thế nhưng chỉ có 3 tên bị tóm bắt và kết tội. Mặc dù cảnh sát đã bỏ ra thật niều công sức trong suốt hơn hai thập niên để điều tra hầu có thể mang những tên kia ra trước công lý, thế nhưng, cuối cùng thì cảnh sát buộc lòng phải chấp nhận một sự thật não nề: phần lớn số vàng bị cướp đã bị tẩu tán sang các quốc gia khác, giấu kín trong những két sắt an toàn ở nhiều ngân hàng hoặc đã được nấu chảy, pha trộn, phát mãi và hiện đang luân lưu trong các cửa tiệm kim hoàn ở Anh như những thứ vàng có xuất xứ minh bạch, và qua đó, trở thành món tiền hưu trí dưỡng già cho những tên tội phạm hiện vẫn còn tại đào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.