Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Vũ Khí Lậu Lan Tràn

16/08/200900:00:00(Xem: 3775)

Thời sự nước Úc: Vũ khí lậu lan tràn - Hoàng Đ.Thư

Tuần qua cả nước Úc bàng hoàng chấn động khi hay tin một tổ chức khủng bố ở Melbourne âm mưu làm cuộc tấn công quyết tử vào ngay trại lính ở Holsworthy, nơi đội quân đặc nhiệm chống khủng bố đồn trú. Tuy cảnh sát đã tóm trọn ổ bọn người bị tình nghi là khủng bố, nhưng người dân Úc vẫm không khỏi lo âu là nguy cơ khủng bố tấn công giết hại người vô tội vẫn còn tồn tại, đặc biệt là khi súng ống đủ loại có thể dễ dàng mua được từ giới giang hồ xã hội đen, đặc biệt là từ giới du đãng xe gắn máy. Sau đây, mời quý độc giả theo dõi bài phóng sự của phó biên tập nhật báo The Age, ký giả Andrew Rule, tựa đề  “Where Are The Guns" In frighteningly easy reach”, được đăng tải ngày 08/08/09 vừa qua.

*

Trong suốt bảy tháng trước ngày 04/08/09 vừa qua, các chuyên gia thám sát đã trông chừng nhất cử nhất động và kiểm soát từng cú điện thoại của nhóm người gốc Somali và Li-Băng bị tình nghi là khủng bố đang âm mưu tấn công một trại lính của Úc. Những chuyên gia này không còn sự lựa chọn nào khác cả. Cảnh sát và các tổ chức an ninh không thể nào làm ngơ trước những nguồn tin mật từ những người đã âm thầm trà trộn len lỏi vào các nhóm khả dĩ sản xuất một lô cảm tình viên cho bọn khủng bố hoặc có khả năng thực hiện những hành vi bạo động, kể cả việc tàn sát tập thể những người vô tội. Trước khi bình minh ló dạng hôm thứ Ba 04/08/09, nhà chức trách đã bố ráp 19 căn nhà và câu lưu 4 người đàn ông. Tòa án sẽ thẩm định bằng chứng về hành vi phạm pháp của bốn người mà cho đến bây giờ vẫn được xem là vô tội.
Nhưng có một sự thật hiển nhiên không ai có thể cãi lại được: Cảnh sát đã không tìm thấy một khẩu súng nào trong tay những người bị tình nghi là quân khủng bố. Nếu cảnh sát có tịch thu được súng trong buộc bố ráp này thì một tổ chức vốn thường xuyên bị tiết lộ bí mật như Lực Lượng Cảnh Sát Liên Bang (Australian Federal Police – AFP), sẽ khó bề giữ bí mật. Những bức ảnh cảnh sát liên bang ôm từng bó súng bị tịch thâu đăng trên trang nhất của mọi tờ nhật báo ở Úc là một cơ hội mà cảnh sát AFP luôn khao khát gây được tiếng vang, sẽ không bỏ qua, và cộng sự mật thiết của họ trong chiến dịch này là cảnh sát Victoria cũng rất mong muốn.
Dường như nhóm người lao động và tài xế taxi cùng với một võ sĩ kickboxing bị cho là những tay khủng bố, đã không có được một món vũ khí nào cả chứ đừng nói gì đến súng trường bán tự động hoặc súng máy cầm tay  được sử dụng ở Mumbai, Ấn độ hồi tháng 11/2008.
Có lẽ vì thế mà biện luận của phe công tố khi chứng minh tội khủng bố sẽ bị yếu đi vì bằng chứng của cảnh sát dường như chỉ là việc các nghi phạm thảo luận về việc mua những thứ vũ khí giống như những thứ mà người dân bình thường mê môn thể thao bắn súng sử dụng mà thôi. Có lẽ còn nhiều tháng, hoặc nhiều năm nữa, tòa án mới quyết định xem những kẻ bị tình nghi là khủng bố này có thực sự làm những việc nguy hiểm, mờ ám hay không. Thế nhưng, có một điều hiển hiện rõ rệt: mặc dù tại Úc đã có luật lệ khắt khe về súng ống kể từ sau vụ tàn sát ở Port Arthur năm 1996, bất kỳ một nhóm âm mưu khủng bố nào muốn vũ trang đến tận răng đều có thể toại nguyện mà không cần phải đi xa khỏi nơi chúng trú ngụ.
Theo những nguồn tin chính xác thì một trong những bí mật ít người biết đến của Úc là một thị trường súng ống chợ đen. Như nha phiến, súng ống vẫn đầy dẫy thị trường và người ta chỉ cần có sự quen biết và thật nhiều tiền là có thể mua được chúng dễ dàng.
Cách đây hai tháng, chỉ trong tầm đạn bay từ những nơi bị bố ráp ở khu ngoại ô miền Bắc Melbourne trong tuần qua, một con buôn súng lậu với nhiều mối liên hệ với băng du đãng xe gắn máy Hells Angels rao bán hai thùng lựu đạn. Mỗi thùng có 25 quả lựu đạn được nguồn tin này miêu tả “cùng loại lựu đạn được dùng ở Việt Nam”. Giá cả là bao nhiêu" Mỗi quả $250 Úc Kim, hoặc $12,500 cho cả lố. Ngay cả khi trừ ra tiền lãi của trung gian thì đây quả là một món tiền thật hời và vô cùng dễ dàng đối với người lính tham tiền đã ăn trộm hai thùng lựu đạn đem bán.
Lựu đạn có thể giết hại và tạo thương tích cho rất nhiều người, thế nhưng, vẫn còn một sự an ủi nho nhỏ là người mua lựu đạn, thường chỉ là những kẻ “chỉ thích trưng” mà thôi. Những người “sưu tầm” kiểu này thường giữ một trái để khoe khoang với bạn bè và có thể cất giấu thêm một trái nữa mà thôi. Thành viên của những băng du đãng xe gắn máy ngoài vòng pháp luật (Outlaw Bikie Gangs – OBGs) thường thích tồn trữ những dụng cụ quân sự như thế để đổi chác với nhau. Thế nhưng, chúng cũng lợi dụng việc leo thang giá cả từ khi có luật lệ khe khắt hơn về súng ống để cung cấp vũ khí, đặc biệt là súng ngắn cầm tay (hand guns) cho bọn tội phạm và những kẻ mê bắn súng vốn sẵn sàng vi phạm luật lệ để thỏa mãn tự ái. Ở vòng ngoài của nhóm này là một vài người lính đang tại ngũ hoặc đã giải ngũ, một vài cai ngục và cảnh sát viên.
Bọn du đãng xe gắn máy thường được biết đến với những vụ bào chế và mua bán nha phiến amphetamine, nhưng mối ràng buộc giữa chúng và súng ống lại càng lâu đời hơn và bí mật hơn. Mỗi khi cảnh sát bố ráp sào huyệt của bọn du đãng xe gắn máy để tìm nha phiến thì không phải lúc nào họ cũng tìm được nha phiến cả, tuy nhiên, họ thường tìm thấy võ khí bất hợp pháp.
Trong một vụ bố ráp sào huyệt của băng Nomads ở Thomastown, Victoria, một cảnh sát viên vô tình đá trúng một bực thang, khiến nó bị vỡ để lộ ra 5 khẩu súng ngắn. Một cuộc bố ráp trước đó ở miền quê Victoria đã tóm bắt được một khẩu đại bác, 2 khẩu súng máy và nhiều mắt kiếng hồng ngoại để sử dụng ban đêm. Những bằng chứng này cho thấy sự hiện hữu của một thị trường vũ khí chợ đen ngày càng dính líu nhiều đến những nhóm tội phạm sắc tộc, đặc biệt là tội phạm gốc Li-Băng ở Sydney chuyên buôn bán nha phiến. Giới thẩm quyền, kể cả Ủy Ban Bài Trừ Tội Ác Úc (Australian Crime Commission – ACC) có thể không quảng bá rộng rãi, nhưng họ rất lo ngại, sự dính líu với người gốc Li-Băng có thể khiến cho những vũ khí quân sự lọt vào tay  những tổ chức quá khích.
Sự e ngại này hoàn toàn có căn cứ, theo nguồn tin của nhật báo The Age. Trong 7 tháng cảnh sát theo dõi kiểm soát nhóm bị tình nghi là khủng bố al-Shahab, rất nhiều vũ khí tối nguy hiểm đã được bán với giá thật cao ở Melbourne. Món võ khí đáng e ngại nhất được rao bán cùng khắp các vùng ngoại ô miền Bắc Melbourne là súng tự động loại Colt AR15 với giá $7,000 đến $8,000 Úc Kim mỗi khẩu.
Và cũng ở vùng ngoại ô miền Bắc Melbourne một khẩu súng ngắn bán tự động, bắn 10 viên mỗi lần bóp cò (10 shot semi-automatic) hiệu Browning, có đóng mộc của quân đội Hoa Kỳ cũng được chào mời cho khách hàng. Giá chính thức của khẩu súng này là $1,400 Úc Kim, và ít hơn thế nếu mua ở Hoa Kỳ, thế nhưng, nó đã được bán với giá $5,000 Úc Kim, mặc dù có kẻ ở Sydney đã trả giá $7,000 nhưng người bán không muốn mang nó sang tận Sydney để giao hàng!
Và còn 3 khẩu súng máy “Tommy guns” loại súng máy từng được sử dụng hồi Thế Chiến II – được những tay chuyên buôn súng lậu là Hells Angels mua. Rất nhiều thành viên nguyên thủy của những băng du đãng xe gắn máy là cựu quân nhân quá quen thuộc với súng ống để rồi không thể sống mà không có súng ống bên mình được. Băng Hells Angels ở Úc đã mang phương thức bào chế amphetamines từ Hoa Kỳ về đây trong thập niên 1980 và các băng đảng xe gắn máy này đã thao túng kỹ nghệ nha phiến “speed” này từ đó đến nay. Thế nhưng, súng ống, một nguồn lợi nhuận lớn lao khác của chúng, vẫn phải được nhập cảng vì chúng không thể nào chế tạo được tại Úc.
Theo một nguồn tin thì đối với những người mua hàng có đủ tiền, từ $5,000 đến $7,00 Úc Kim, súng cầm tay loại siêu lực (high powered) có thể được buôn lậu theo đơn đặt hàng. Nguồn tin này cho biết “Beretta rất được ưa chuộng, kế đến là Glock bởi vì cả hai loại này đều có 15 phát”. Đôi khi có cả một khay súng cầm tay và người ta có thể mua hàng với giá giảm thiểu là 5 cây mà chỉ tốn $20,000.
Theo những nguồn tin trong xã hội đen và từ các cựu cảnh sát viên thì phương pháp buôn lậu súng phổ thông nhất là giấu những khẩu súng ngắn trong các khối máy xe và phụ tùng xe được nhập cảng từ Hoa Kỳ. Một cựu thám tử thuộc đội đặc nhiệm bài trừ nha phiến nói: “Bọn du đãng xe gắn máy luôn luôn dính líu đến xe hơi và xe vận tải. Chúng thích mang những xe bự như Cadillac để sửa lại rồi lái chạy vòng vòng. Chúng thường nhét súng ngắn đã được tháo gỡ vào bình dầu nhớt”. Thêm vào đó là phụ tùng xe gắn máy cùng đầu máy xe vận tải vốn được chuyển đến cho những đường xe vận tải mà thân hữu của các băng này làm chủ hoặc kiểm soát.
Chó cảnh sát không thể nào đánh hơi được các bộ phận của súng bị phủ dầu nhớt. Và khi được giấu trong những đầu máy xe thì những bộ phận này cũng không thể nào bị khám phá bằng quang tuyến X. Phương cách duy nhất để tìm được chúng là phải tháo gỡ từng cái đầu máy một ở tất cả mọi bến cảng. Đây là một chuyện bất khả thi bởi vì tỷ lệ số kiện hàng bị khám xét  ít hơn 1/20.


Ngay cả khi những cuộc kiểm soát có hệ thống được thực hiện ở những bến cảng lớn như Melbourne và Sydney thì giới hữu trách ở những cảng nhỏ hơn, như Burnie và Devonport ở Tasmania, có thể sẽ không hữu hiệu bằng những cảng lớn. Huyền thoại trong giới xã hội đen cho rằng phần lớn những khẩu súng mới của thị trường súng chợ đen đến Melbourne từ Tasmania, bên kia eo biển Bass. Đối với nước Úc thì Tasmania quả thật là miền Nam hoang dại. Trước cuộc thảm sát ở Port Arthur thì Tasmania là một trong bốn tiểu bang và lãnh thổ có luật lệ dễ dãi hơn, cũng như kiểm soát lỏng lẻo hơn hai tiểu bang đông dân là Victoria và NSW.
Với mật độ dân số thấp trải rộng diện tích rừng núi hoang vu rộng lớn, với truyền thống săn bắn và câu cá cùng một nền kinh tế thiên về nông nghiệp (rural economy), Tasmania có nhiều điểm tương đồng với Queensland và Lãnh Thổ Bắc Úc hơn là với Victoria. Và mức độ sử dụng súng ống hợp pháp ở mọi tầng lớp xã hội cũng phản ảnh chuyện này.
Ở một nơi mà rất nhiều người có họ hàng với nhau hoặc có quan hệ mật thiết với nhau thì những người mê súng bao gồm cả cảnh sát, cai ngục và nhân viên quan thuế cũng như nông dân, ngư phủ và nhân viên lâm nghiệp. một vài người trong số này thấy bất mãn vì đạo luật được đưa ra sau vụ thảm sát Port Arthur đòi hỏi họ phải giao nộp nhiều loại vũ khí nhất định. Không phải mọi người đều giao nộp như luật pháp đòi hỏi. Nhiều người giấu súng, tạo nên nhiều kho đựng súng “mồ côi” (súng không đăng bộ) và qua đó trở thành bộ phận của thị trường súng chợ đen ngày càng lớn mạnh nối liền những tay bắn súng hợp pháp nhưng có tính cao bồi với xã hội đen.
Theo một nhà buôn súng có giấy phép muốn giấu tên thì mặc dù có luật lệ khe khắt hơn, nhưng nhiều ngàn cây súng đã lọt qua những kẽ hở của luật pháp để thành hàng bán chợ đen.
Một nhầm lẫn quá rõ rệt trong đạo luật trước năm 2003 đã khiến cho những khẩu súng ngắn có báng súng được gỡ bỏ đi có thể được bán như “phụ tùng” mà không có một sự hạn chế nào cả. Những tay buôn súng gian manh, thiếu lương tâm ở NSW sẽ mua hàng ngàn khẩu súng ngắn với báng đã được tháo gỡ đi từ các nhà buôn súng ở tiểu bang khác như “phụ tùng”, rồi sau đó những tay buôn khác mua những cái báng được tháo ra như “phụ tùng”. Thế là những kẻ muốn mua súng mà không có giấy phép, có thể dùng tiền mặt để mua những “phụ tùng” này rồi ráp lại thành súng trong vòng vài phút, dễ như bỡn. Một cái mánh khác để qua mặt luật pháp là hàn những điểm nhất định (spot-weld) của một khẩu súng để vô hiệu hóa rồi bán nó như một thứ đồ sưu tầm vô hại. Nhưng những vết hàn này được hàn bằng một phương pháp mà bất kỳ một người thợ chuyên môn nào cũng có thể cạy nó đi và sau đó sửa lại thành một vũ khí nguy hiểm. Nhà buôn súng này nói: “Tôi biết rằng trong vòng 5 năm có khoảng 28,000 khẩu súng ngắn được mang lên NSW và Queensland để rồi biến mất như thế”.
Và hậu quả của luật súng ống lỏng lẻo của Queensland trong quá khứ đã khiến cho nhiều ngàn khẩu súng trường tự động, vốn rất phổ thông và được ưa chuộng trong việc bắn heo hoang, đã không cánh mà bay khỏi tiểu bang này. 
Những phó bản được chế biến thật rẻ ở Trung Hoa của khẩu AK47 thường được bán kiểu “đồ rơi từ xe vận tải” ở vùng quê Queensland trong suốt nhiều năm trước khi luật pháp thay đổi. “Nếu người ta muốn mua một khẩu, chỉ cần đi vòng vòng miền quê Queensland và trả tiền mặt là có ngay”.
Trộm cắp từ các kho vũ khí quân đội cũng là một cách làm ăn từ nhiều thập niên qua. Đôi lúc công chúng có dịp nghe nói đến chuyện này, nhưng nhà chức trách thường không thích quảng bá những vụ trộm cắp bởi vì một quân đội mà không bảo vệ được vũ khí của chính mình thì dân chúng khó lòng tin tưởng được và đó là một sự hổ thẹn cho mọi chính phủ.
Năm 1978, bọn tội phạm chuyên nghiệp với tin tức do tay trong cung cấp, đã đột nhập vào kho vũ khí dự trữ của biệt kích ở Williamstown và cuỗm mất những gì mà một tay súng đã giải nghệ miêu tả là “hai xe vận tải” đầy súng máy và, nguy hiểm hơn nữa, nhiều quả mìn claymore với đầy đủ giấy tờ hướng dẫn cách gài mìn.
Vụ trộm này quá lớn để có thể được công bố. Theo nhiều nguồn tin trong giới xã hội đen thì chủ mưu là một tay sát thủ kiêm buôn lậu nha phiến đã quá cố. Theo một nguồn tin thì một thiếu tướng và một đại tá đã phải thương lượng qua nhiều trung gian - bắt đầu từ một cựu chiến binh - để thu hồi những quả mìn này một cách thầm lặng. Thế nhưng hàng vài tá súng máy (submachineguns) vẫn được giữ lại trong giới xã hội đen. Một vài khẩu sau này được giao nạp cho cảnh sát để đánh đổi lấy sự đối xử dễ dãi hơn về những tội ác khác. Nguồn tin này nói thêm: “Thế nhưng vẫn còn rất nhiều khẩu khác ở ngoài vòng pháp luật”.
Một nhà buôn súng có giấy phép cũng cho biết, một chuyện rất ít được phổ biến cách đây vài năm là cả một kiện súng ngắn bán tự động hiệu Glock bị mất cắp trên đường chuyên chở ở Sydney. Kiện hàng này được đặt mua cho cảnh sát NSW và có đóng mộc “NSW” trên báng súng. Chính vì thế mà giới buôn súng hợp pháp cùng cảnh sát trên toàn quốc đã được yêu cầu thầm lặng kiểm soát cái dấu này trên những khẩu súng Glock mà họ thấy được. Bao nhiêu khẩu" “Tôi nghe nói có thể đến 1,000 khẩu nhưng ít nhất phải khoảng hơn 200 khẩu”.
Điều nguy hiểm ghê rợn của vụ trộm này là rõ ràng có tay trong bởi vì cả một kiện hàng bị thất lạc từ một nơi “an toàn”. Nó được đặt ở một địa điểm mù - nơi không có máy thu hình an ninh nào có thể nhìn thấy cả!
Trong cả hệ thống kiểm soát súng ống của Úc cũng có nhiều điểm mù khác nữa. Chẳng hạn như việc thủy thủ và quân nhân Hoa Kỳ khi viếng Úc không cần phải đi ngang trạm khám xét của quan thuế. Giới hữu trách có thể phủ nhận hoặc làm ngơ vì những lý do ngoại giao, nhưng thực tế thì thủy thủ Hoa Kỳ thường xuyên buôn lậu rất nhiều súng ngắn. Có bằng chứng rõ rệt cho thấy chuyện này đã xảy ra ở Melbourne và có tất cả mọi lý do để nó vẫn xảy ra ở bất kỳ hải cảng nào khi thủy thủ Hoa Kỳ ghé thăm.
Vào ngày 12/11/1998, chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ USS Abraham Lincoln thả neo ở cửa sông Derwent gần Hobart và phần lớn số 5,500 thủy thủ trên tầu đổ bộ lên bờ trong 5 ngày liên tiếp. Một nhóm thủy thủ mang một thùng gỗ đi ngang qua trạm canh bãi biển thô sơ trên bến Princes, gọi một chiếc taxi để đến một cuộc hẹn ở một hộp đêm. Trong thùng là 40 khẩu súng ngắn bán tự động Colt .45 mới toanh, loại súng phòng thân phổ thông của quân đội Hoa Kỳ.
Chẳng những là loại súng cực kỳ nguy hiểm, những khẩu súng này còn có giá trị trong giới sưu tầm với một cái giá thật đắt, khiến thùng chứa súng ấy trị giá hơn $100,000 trên thị trường chợ đen lúc bấy giờ. Hiện nay, số súng đó có thể trị giá $300,000. Đấy là một biểu hiện cho thấy thị trường chợ đen hiện nay đang bị lạm phát vì tiền bạc dính líu đến kỹ nghệ nha phiến.
Mặc dù buôn lậu súng là cách kiếm tiền dễ dàng cho các chàng thủy thủ Hoa Kỳ, nhưng trong vụ này thì các tay thủy thủ trên hàng không mẫu hạm không cần tiền. Họ trao đổi cả thùng súng ngắn để lấy một thùng gỗ khác, bên trong là một cặp Tasmania Devil, mới bị sa bẫy vài ngày trước đó ở Richmond, phía đông Hobart. Người Mỹ mê loại thú này là một nhân vật mang tên Taz trong loạt phim hoạt họa truyền hình rất ăn khách của hãng Warner Bros. Những con thú này được lén lút mang lên tầu. Còn những khẩu súng thì sao" Gần như hầu hết được mang sang đất liền và bán cho khách hàng trong đó có nhiều người không phải là dân giang hồ tội phạm.
Một cựu cảnh sát viên từng được đưa đến bến cảng ở Melbourne để bảo vệ các tàu chiến Hoa Kỳ không bị tấn công bởi những người biểu tình chống bom nguyên tử trong thập niên xác nhận câu chuyện nói trên. Ông kể lại việc nhiều bạn đồng nghiệp mang áo khoác da của họ để đổi lấy súng được mang ra từ trong kho súng của chiến hạm. Ông nói: “Lần đầu tiên tôi đi là để bảo vệ chiếc USS Sterett. Vì một lý do gì đó mà thủy thủ đoàn rất khoái sưu tầm áo khoác từ mọi nơi mà họ đến. rõ ràng là viên sĩ quan quản thủ kho súng đã có sự thỏa thuận với mấy tay thủy thủ rồi, bởi vì họ sẽ nhận áo khoác của mình rồi chỉ cho mình đến gặp người thủ kho và anh này sẽ trao cho mình súng. Chuyện buồn cười là cứ mỗi lần một chiếc tàu chiến Mỹ ghé bến là mấy anh cảnh sát chạy vòng vòng thu thập áo khoác để đổi lấy súng. Họ lấy được ít nhất cũng vài tá. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là những khẩu Berettas 9mm”.
Kể từ 11/9/2001 thì chiến hạm Hoa Kỳ ít khi ghé Úc. Thế nhưng có rất nhiều tầu du lịch hoặc tầu hàng ghé Úc và không ít ghé vào những bến cảng ở Tasmania. Bằng một cách nào đó, ở một nơi nào đó những khẩu súng phi pháp này tiếp tục rót vào Úc mà không hề bị ngăn chận, chưa nói tới những thứ vũ khí bị đánh cắp từ các kho vũ khí của quân đội Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.