Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Nhóm Tân Bằng Hữu Trong Chính Trường Úc

09/08/200900:00:00(Xem: 2932)

Thời sự nước Úc: Nhóm Tân Bằng Hữu Trong chính trường Úc - Hoàng Đ.Thư

Khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, hầu như mọi người Úc đều biết đến tiếng tăm của nhóm người từng là chủ đề cho quyển sách của nữ ký giả Fia Cummings, tựa đề “Mates” (Bằng Hữu). Quyển sách nói về 5 người bạn cùng chí hướng thuộc cánh Hữu của đảng Lao động NSW và nỗ lực của họ từ khi mới quen nhau trong tuổi thanh niên xuyên suốt nhiều thập niên để trở thành những nhân vật quyền thế nhất của chính trường Úc, với một người trở thành thủ tướng, một người trở thành thủ hiến NSW, và ba người còn lại đều nắm giữ chức vụ tổng trưởng liên bang hoặc chủ tịch hạ viện. Đó là các ông Paul Keating, Bob Carr, Graham Richardson, Laurie Brereton và Leo McLeay. Hiện nay, trên chính trường liên bang Úc cũng vừa xuất hiện một nhóm tân bằng hữu mà giới phân tích chính trị nhận xét, sẽ là những kẻ thực sự nắm quyền lèo lái tương lai của Úc. Họ là ai" Sau đây mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài viết “Fellowship of the ring of new mates” - Nhóm Tân Bằng Hữu- của Peter van Onselen được đăng trên The Weekend Australian ngày 01/08/09 vừa qua.

*

Nỗ lực của TT Kevin Rudd trong việc đánh đổ các bè phái trong nội bộ đảng Lao Động và áp đặt hệ thống quyền lực theo lối quân giai (từ trên xuống, do lãnh tụ chỉ huy) – thay vì do tập hợp quyết định chung – đã được biểu hiện rõ rệt trong đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Lao động trong tuần qua. Trong bài diễn văn khai mạc ở Sydney với các đại biểu, ông Rudd đã đòi hỏi phải có một kỷ luật chính trị tuyệt đối hầu cải thiện kỷ lục nắm chính quyền của đảng Lao động (với thời gian tổng cộng vỏn vẹn chỉ bằng 1/3 của lịch sử 108 năm của đảng này).
Thông điệp của ông Rudd rất đơn giản: không để những cuộc tranh luận và những sự chia rẽ trong nội bộ đảng bị lọt ra ngoài công chúng. Việc tuyệt đối giữ chặt sự kiểm soát và đồng thời chuyên chú vào chuyện quảng bá thông điệp sẽ mang đến thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chỉ vài giờ đồng hồ sau bài diễn văn khai mạc, người tín cẩn của ông Rudd, đồng thời là một trong những tay trùm của cánh Hữu NSW, ông Mark Arbib đã bị vấp váp quá nặng nề khi ông lên chương trình truyền hình Sky News để quảng bá về sáng kiến tạo thêm công ăn việc làm có lợi cho môi sinh (green jobs initiative) của chính thủ tướng Rudd.
Ông Arbib bị người phỏng vấn quay tơi bời vì những sai sót, thiếu hiểu biết về một vấn đề trong lãnh vực trách nhiệm của ông. Cho dù có biện minh cách mấy thì đấy vẫn là một sự sai sót tệ hại. Một số đại biểu xem buổi phỏng vấn được trực tiếp truyền hình đã nhận xét một cách âm thầm rằng ông Arbib, người vừa mới được thăng cấp từ bạch đinh lên bộ trưởng trong kỳ cải tổ nội các vừa qua, vẫn còn nhiều điều để học hỏi.
Thế nhưng, thay vì bị quở mắng tàn tệ như việc ông Rudd thường làm đối với bất kỳ một ai trong đội ngũ của ông bị sai sót tệ hại như thế, thì ông Arbib lại nhận được một cú điện thoại an ủi từ văn phòng thủ tướng. Chỉ vì ông là một trong những người được ông Rudd ưa thích, một trong những người quan trọng nắm giữ túc số cho ngài thủ tướng.
Thật ra thì ông Arbib là lãnh tụ bán chính thức của một nhóm tân bằng hữu thuộc cánh Hữu NSW vốn đang tìm cách biểu hiện quyền lực của họ đối với những bạn đồng liêu đồng đảng tại quốc hội liên bang, và họ được sự yểm trợ của TT Rudd trong vấn đề này.
Nhóm “tân bằng hữu” này gồm có: Ông Arbib, Tổng trưởng Nhân Dụng và Bộ Trưởng Phụ Tá Thủ Tướng về thi hành Dịch Vụ Chính Phủ (Minister for Employment Participation and Minister Assisting the Prime Minister on Government Service Delivery), ông cũng từng là tổng bí thư chi bộ NSW của đảng Lao Động; Ông Tony Burke, Tổng trưởng Nông Lâm Ngư Nghiêp (Minister for Agriculture, Fisheries and Forestry); Ông Chris Bowen, Tổng trưởng Dịch Vụ Tài Chính, Qũy Hưu Bổng và Luật Doanh Nghiệp kiêm tổng trưởng Dịch Vụ Nhân Văn (Minister for Financial Services, Superannuation and Corporate Law and Minister for Human Services); Ông  Karl Bitar, tổng bí thư quốc gia của đảng Lao động (ALP national secretary); và ông Jason Clare, Thư ký Quốc hội về Nhân Dụng (Parliamentary Secretary for Employment).
Họ đều nằm trong lứa tuổi 30 và họ cùng trưởng thành trong nội bộ cánh Hữu của Thanh Niên Lao Động (Young Labor Right) trước khi bước ra đóng nhiều vai trò khác nhau trong chính phủ NSW dưới thời thủ hiến Bob Carr. Và bây giờ thì họ đang cố được thăng tiến trên bình diện liên bang.
Khuôn khổ mà ông Arbib đã bắt chước, qua việc liên kết với bốn khuôn mặt cùng thuộc cánh Hữu để gia tăng tối đa quyền uy và thế lực của họ trong nội bộ đảng Lao động liên bang, đã được sử dụng trước đó.
Trong năm 1991, ký giả Fia Cumming viết một quyển sách tựa đề “Bằng Hữu” (Mates), để thuật lại sự thăng hoa của một nhóm 5 người bạn hữu quen nhau khi còn là thành viên của Thanh Niên Lao Động. Hầu hết bọn họ đều trở thành những tên tuổi quen thuộc với dân chúng Úc.
Họ gồm có ông Paul Keating, kẻ ngay từ đầu đã công bố cao vọng muốn trở thành thủ tướng. Thứ đến là  ông Graham Richardson, sau này trở thành tổng bí thư chi bộ NSW và tổng trưởng liên bang đồng thời là một người rất có bề thế vốn đã biến câu “bất kỳ điều gì cần thiết” trở thành châm ngôn cá nhân để miêu tả phương cách hành động của mình. Kế đến là ông Laurie Brereton, kẻ đã từ chính trường tiểu bang bước sang chính trường liên bang và ở cả hai chính trường đều nằm trong nội các với chức vụ bộ trưởng. Tiếp theo là ông Bob Carr, người ở ngoại vi của nhóm trở thành thủ hiến NSW gần như vì sơ sót và không bao giờ thực hiện được giấc mơ vào chính trường liên bang của mình. Và cuối cùng là ông Leo McLeay, lúc nào cũng là người thân cận trung thành của ông Richardson, sau này được tưởng thưởng với ghế chủ tịch hạ viện.
Nhóm bằng hữu này giật quyền lèo lái đảng Lao động liên bang trong thập niên 80 và biến cánh Hữu NSW thành cột trụ vững chắc của đảng. Những người trong nhóm tân bằng hữu  này biết rất rõ thành tích của các vị tiền bối của họ và họ đang trên đà lập lại những kỳ tích đó. Thế nhưng, đảng Lao động đã thay đổi và đương kim thủ tướng hoàn toàn khác hẳn những lãnh tụ lao động mà nhóm Ngũ Hữu thuở xưa từng sát cánh hoạt động.
Một dân biểu Lao động nhận xét như sau: “Bất kỳ một ai nghĩ rằng các bè phái, phe cánh trong đảng Lao động đã chết thì người đó tự lừa dối mình mà thôi. Ông Kevin đang tự lừa dối mình nếu ông thật sự tin như thế. Họ đang nằm yên chờ thời, đợi khi có dịp là sẽ bùng dậy. Có thể chuyện này sẽ không xảy ra trong một thời gian, nhưng nó sẽ xảy ra. Chắc chắn như vậy. Chúng ta hiện đang ở trong thời kỳ mà các phe phái tạm đình chiến trong lúc cánh Hữu NSW cố gầy dựng lại cơ sở quyền lực của họ”.
Ông Arbib từng leo thang xuyên suốt guồng máy của chi bộ đảng Lao động NSW, để rồi leo lên đến chức vụ phụ tá tổng bí thư và sau đó là chức vụ lãnh tụ của cánh Hửu NSW là bí thư chi đảng bộ tiểu bang. Một khuôn mặt cao cấp trong đảng Lao động ở NSW nhận xét: “Mark là nhân vật chủ yếu của nhóm này. Không có anh ta thì sẽ không có những tay bằng hữu”.
Điều đáng nhắc lại ở đây là bước đầu vào chính trị của ông Arbib ở Thanh Niên Lao Động thì ông là đại biểu của cánh Tả trước khi ông Joe Tripodi (bây giờ là bộ trưởng ở NSW) khiến ông xoay chiều đổi hướng. Sau đó, ông bỏ ra 8 tháng trong khoảng đầu thập niên 1990 làm gián điệp cho cánh Hữu để báo cáo về hoạt động của cánh Tả trong lúc vẫn trá hình là người của cánh này. Quá trình này giúp cho ông Arbib hiểu được những sự xấu xa trong đời sống chính trị.
Ông Tony Burke, một người từng giật giải hùng biện ở đại học và là một trong những thức giả trong phe chính phủ Lao Động liên bang hiện nay, từng là nghị viên thượng viện  tiểu bang NSW trước khi giành được ghế dân biểu liên bang năm 2004. Trong thời gian là thành viên của Thanh Niên Lao Động thì ông từng làm việc cho ông Graham Richardson, nhân vật quyền thế của đảng Lao động. Tuy ông Burke thân cận với ông Arbib nhưng ông cũng có cơ sở quyền lực riêng của mình, qua công đoàn của những người bán hàng là Shop, Distributive and Allied Employees Association, một công đoàn hữu khuynh.


Trong quốc hội hiện nay, ông được giao trách nhiệm quan trọng là người chủ yếu tấn công lãnh tụ đối lập Malcolm Turnbull, một trách nhiệm mà ông vô cùng thích thú.  Đây quả thật là một sự trớ trêu bởi vì trong bài diễn văn đầu tiên tại quốc hội của mình, ông  Burke  đã tuyên bố rằng ông “có được một mối quan hệ làm việc tốt đẹp với dân biểu thuộc đơn vị Wentworth (LND: có nghĩa là ông Turnbull). Tôi thực tình hy vọng rằng không bao lâu nữa thì  đảng của ông ta sẽ nhận tức được tài năng của ông ta”.
Ông Chris Bowen thì bắt đầu sự nghiệp chính trị qua chính trường địa phương ở Fairfield, một khu vực ngoại ô miền Tây Nam Sydney. Ông được bầu làm nghị viên năm 1995 và đến năm 1998 thì trở thành thị trưởng của HĐTP. Ông Bowen từng làm đổng lý văn phòng (chief of staff) cho ông Carl Scully bộ trưởng giao thông NSW trong suốt bốn năm trước khi thắng cuộc chọn lựa ứng cử viên liên bang cùng lúc với ông Tony Burke.
Ông Karl Bitar là người ủng hộ trung thành nhất của ông Arbib, lúc nào cũng là phụ tá thân cận của ông Arbib trong suốt thời gian ông này leo thang sự nghiệp trong guồng máy đảng Lao động. Hiện nay ông Bitar nắm giữ vị trí quyền thế là chức vụ tổng bí thư quốc gia của đảng Lao động. Ông là người đầu tiên từ cánh Hữu nắm giữ chức vụ này từ thời ông Keating cho đến bây giờ. Khi ông Bitar và ông Arbib còn làm việc chung ở NSW thì họ là một cặp bài trùng chuyên trị ngón “ông thiện, ông ác”, nhưng vai trò của họ thay đổi tùy theo đối tượng mà họ phải đối phó.
Ông Jason Clare được coi là "ngoài rìa" vị trong nhóm bằng hữu hiện nay vì ông đã từng nhảy ra làm việc cho tư nhân sau khi phục vụ trong vai trò cố vấn thâm niên cho ông Carr trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2003. Ông bước vào quốc hội liên bang năm 2007 và vì khoảng thời gian ông cách xa những tranh chấp phe phái trong nội bộ đảng nên ông không có một căn cứ quyền lực nào, như những người bằng hữu kia. Ông hiện nắm giữ đơn vị cũ của ông Keating thuở xưa là Blaxland và vì thế, dễ dàng bị so sánh với vị cựu thủ tướng này. Ông chỉ thắng cuộc tuyển chọn ứng viên nhờ vào sự hỗ trợ của ông Arbib mà thôi. Giá trị của ông Clare đối với nhóm bằng hữu của ông là khả năng trở thành lãnh tụ trong tương lai của ông, với vóc dáng dễ nhìn và tài tranh cãi thuyết phục người khác.
Những mối quan hệ của nhóm bằng hữu với chính trường NSW, đặc biệt là ở nghị viện tại đường Macquarie là chuyện mà hiện nay họ không muốn nhắc nhớ đến nhiều. Chính phủ Lao động ở NSW đang xất bất xang bang và nhóm bằng hữu chỉ muốn nhắc nhớ các bạn đồng liêu đồng đảng về vai trò của họ trong việc gài đưa ông Rudd vào ghế lãnh tụ đảng Lao động liên bang hơn là những mối liên hệ với chính trị tiểu bang hoặc với những khuôn mặt vốn gây nhiều tranh cãi như ông Joe Tripodi.
Ông Rudd thích đưa ra ấn tượng rằng các bè phái trong đảng Lao động không còn quyền lực như thuở xưa nữa. Trên một bình diện nào đó thì đấy là sự thực: ông Rudd không bị trao cho một danh sách tên tuổi của những người phải được đưa vào nội các ở hàng ghế đầu như những lãnh tụ Lao động tiền nhiệm. Thế nhưng người ta không cần phải đào bới sâu để khám phá một cơ sở quyền lực phe phái mà ông Rudd nương dựa vào. Ông Arbib là người buôn quyền bán thế (powerbroker) lèo lái cơ sở ấy.
Tưởng cũng nên nhắc lại sự thăng hoa của ông Rudd vào chức vị lãnh tụ chỉ xảy ra sau một cuộc hội họp với ông Arbib ở Sydney năm 2006, khi ông này vẫn còn là tổng bí thư của chi bộ đảng NSW. Họ gặp nhau ở một nơi không xa địa điểm mà đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Lao Động được tổ chức trong tuần qua, để thảo luận về phương cách mà ông Rudd có thể hất cẳng ông Beazley, lãnh tụ đối lập liên bang lúc bấy giờ. Cánh Hữu NSW đã bị phân hóa trong những năm mà ông Latham giữ chức lãnh tụ liên bang và chỉ miễn cưỡng đoàn kết hậu thuẫn cho ông Beazley khi ông này quay trở lại chức lãnh tụ sau khi ông Latham tự hủy diệt. Thấy rõ được một cơ hội để giành được sự ủng hộ của một lãnh tụ Lao động mới, trẻ trung hơn ông Beazley cũng như cơ hội để củng cố sự đoàn kết trong nội bộ cánh Hữu, ông Arbib điều động túc số mà ông nắm giữ để yểm trợ ông Rudd trong một cuộc đổi chác bao gồm việc đưa bà Julia Gillard lên làm phó lãnh tụ. Những lá phiếu mà bà Gillard nắm giữ rất quan trọng trong bất kỳ một cuộc thách thức tranh quyền nào với ông Beazley.
Chuyện đổi chác, hợp tác với cánh Tả là một chuyện không phải dễ đối với cánh Hữu NSW, thế nhưng ông Arbib đã biến chuyện này thành một thứ nhãn hiệu cầu chứng trong suốt thời gian ông lèo lái phe phái này. Nhiều bộ phận khác trong nội bô cánh Hữu, đặc biệt là những tay buôn quyền bán thế trước đó, e ngại rằng ông Arbib sẽ tạo nguy hiểm cho sức mạnh lâu dài của cánh này để bảo đảm cho quyền lực cá nhân ngắn hạn của ông cũng như cho sự thăng tiến trên đường hoạn lộ của chính ông mà thôi.
Ông Rudd tự mình không có một cơ sở quyền lực nào cả. Ông Arbib đã nhận thức được điều này rất sớm và quyết định rằng mình muốn trở thành một kẻ mang quyền tối cao về cho một kẻ có nhiều triển vọng trở thành thủ tướng. Đấy là một thế cờ khá mạo hiểm nhưng cho đến bây giờ đã mang đến nhiều lợi ích cho ông và nhóm bằng hữu của ông.
Sau khi đắc thắng trong kỳ tổng tuyển cử thì ông Burke được đưa thẳng vào nội các, tuy nhiên việc ông bị chuyển từ phát ngôn nhân đối lập về di trú sang làm bộ trưởng nông nghiệp là một sự nhắn nhe từ ông Rudd rằng ông Burke phải cẩn thận, không nên quá hấp tấp. Như ông Keating thuở xưa, ông Burke không hề che giấu ước muốn trở thành thủ tướng trong tương lai của mình.
Ông Bowen được đưa vào vòng ngoài của nội các và được trao cho chức vụ quan trọng trong việc quản trị kinh tế là thứ trưởng  kinh tế (assistant treasurer). Trong lúc việc quản trị những chương trình như Grocery Watch có thể mang đến kết quả xấu nhất thời cho ông Bowen, ông đã chứng minh rằng ông có đủ tài nghệ chính trị để né tránh được phần lớn, không bị di họa từ vụ việc ấy. Điều này cũng tương tự như khả năng của ông Brereton thuở xưa để tự biến hóa mình cho thích hợp với thời thế.
Tuy nhiên, ông Rudd rất thích sự bình tĩnh, chắc chắn của ông Bowen và phong cách giản dị, không hoa hòe của ông thích hợp với chuyện đưa ra những thông điệp được nhào nắn kỹ lưỡng của chính trường tân thời hiện nay. Khi có được một chỗ trống trong nội các từ sự suy sụp của cựu tổng trưởng quốc phòng Joel Fitzgibbon thì ông Bowen được đưa ngay vào để trám chỗ. Cùng lúc ấy thì ông Arbib cũng được đưa vào vòng ngoài của nội các cho dù chỉ mới vào quốc hội được một năm mà thôi. Và ông Clare nghiễm nhiên trở thành bí thư quốc hội cho ông Arbib trong tư cách người đầu tiên trong thế hệ trẻ tuổi hơn từ nhóm dân biểu vừa vào quốc hội năm 2007 được leo lên hàng ghế trên.
Và cũng trong thời gian này thì người bằng hữu cuối cùng là ông Karl Bitar chuyển từ chức vụ bí thư chi bộ đảng NSW lên làm bí thư quốc gia. Ông Bitar không có tham vọng vào quốc hội như những người bằng hữu của ông, như ông thường nói, thế nhưng việc di chuyển từ tổng hành dinh của chi bộ NSW ở đường Sussex là một chuyện mà ông rất khao khát để thực hiện bởi vì sự sụp đổ quá rõ rệt trong tương lai của chính phủ NSW.
Cho đến bây giờ thì kế sách của ông Arbib đã mang đến cho ông và nhóm bằng hữu của ông sự tin cậy của một vị thủ tướng với uy tín rất cao đối với cử tri, và vì thế, nhóm bằng hữu đã nắm giữ vị thế rất tốt để có thể tạo ảnh hưởng trên sân khấu chính trị quốc gia. Nhưng rõ ràng là họ vẫn còn một quãng đường rất dài trước khi trở thành những kẻ có quyền lực mạnh mẽ như nhóm bằng hữu tiền bối trong những thập niên 1980 và 1990. Vấn đề ở đây là liệu họ có đủ đức tin để quyết định sẽ nhào nặn quốc gia như thế nào hay không" Và quyền lực của họ sẽ kéo dài được bao lâu"
Nhóm bằng hữu trong đảng Lao Động từ NSW đã leo nhanh và leo mạnh để có thể đến được nơi mà họ đã đến hiện nay. Thế nhưng họ vẫn còn một chặng đường rất xa để tiến tới và rất nhiều thử thách để vượt qua nếu một người trong bọn họ có thể leo lên tận đỉnh cao của quyền lực như ông Keating thuở trước. Rõ ràng, được gần gũi với ông Rudd chỉ là giai đoạn đầu tiên trong nỗ lực tranh đoạt quyền hành trên chính trường liên bang của họ mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.