Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

15/06/200900:00:00(Xem: 3623)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Chừng hơn một tháng sau, gần Tết âm lịch, chúng tôi cũng tưởng sẽ ăn Tết ở K1. Chắc giai đoạn này, diễn tiến ở bàn hiệp nghị Paris, chúng đã thấy có chiều hướng chắc chắn, giấu bớt tù được. Một buổi sáng khoảng 8 hay 9 tháng 1-1973 tên Tập vào bảo chúng tôi, mang hết chăn màn v.v… Ra tới cổng đã có một công an võ trang với một cán bộ lạ; họ đưa chúng tôi lên một chiếc xe tải không có mui. Họ khóa tay cả 3 người lại với nhau, chỉ định tôi ở giữa anh Bưởi và Lương. Có nghĩa anh Bưởi và Lương còn một tay, riêng tôi cả hai tay đều bị còng, vì ở giữa hai người. Trên con đường gập ghềnh, chiếc xe lắc lư, chao đảo như trong cõi lòng héo úa, của chúng tôi.
Khoảng hơn 3 giờ chiều, tôi nhìn về phía trước là một khu có nhiều nhà tre nứa, nhất là lại thấy một khu rộng có hàng rào nứa dựng đứng thật cao. Chúng tôi đều hiểu đấy là một trại giam. Xe đi tuột vào trong khu hàng rào nứa; khi xe ngừng tên cán bộ vẫy tay bảo, chúng tôi xuống. Phần tôi, cả hai tay đều lằng nhằng, với anh Bưởi và Lương, nên loay hoay mãi 3 chúng tôi mới xuống đất được.
Tên cán bộ mở khóa cho chúng tôi, ra hiệu tay, hãy ngồi tại chỗ, ngay sân trại. Y quầy qủa đi ra khỏi cổng, vào một căn nhà ngay trước cổng. Tôi đưa mắt nhìn vào phía trong, rất nhiều nhà lán sàn, lại chia ra làm nhiều khu. Một tên công an lạ, tay cầm miếng giấy từ cổng đi vào, mắt y lừ đừ nhìn chúng tôi, rồi lạnh lùng:
- Ba anh là ĐCB, Lưu nghĩa Lương và Lê văn Bưởi phải không"
Chúng tôi đều "dạ" nhè nhẹ.
Y cộc lốc:
- Bỏ tất cả đồ đạc, chăn màn ra, khám!
Cũng lúc đó một tên tù từ phía trong đi ra, ôm theo một chiếc hộp hắc ín. Sau này tôi biết tên là Bằng, trật tự của trại. Anh Bằng lục lọi quần áo, chăn màn chúng tôi. Bằng thấy có dấu đầy đủ nên khẽ hỏi:
- Các anh ở trại nào chuyển đến:
Tôi cũng nói nhỏ:
- Trung ương số 1 phố Lu, rồi hỏi lại - Đây là trại gì thế anh"
Bằng nói vừa đủ để 3 chúng tôi nghe:
- Trung ương số 2 Phong Quang, Yên Bái.
Theo lệnh của tên trực trại, Bằng dẫn cả 3 chúng tôi vào một cái lán ở gần đấy, ngay ngoài sân trại. Qua Bằng, tôi biết tên trực trại là Hường, y chỉ định cho chúng tôi 3 chỗ nằm, rồi ngắn gọn:
- Sáng mai sẽ được phân bổ tổ, toán!
Nhìn thoáng cả một căn lán dài, cũng giống như những lán tù bên trại 1, có hai, ba, người đang nằm, chắc là bịnh. Như tôi đã nói, phần vì mệt, phần khác cũng là phần chính, lòng đang ôm một mối sầu rười rượi, nên mỗi người đều về chỗ nằm, cho hồn dập dềnh vào biển đen, vùng Địa Trung Hải.
Những tiếng ầm ầm xôn xao, tôi bò dậy, các toán đi làm về, đầy buồng ồn ào cơm nước. Cho tới tối, ngồi nói chuyện với một anh chủng sinh tu sĩ bên cạnh, là Trần thế Khải người Hà Nội. Anh cho biết, cha anh là Trần tứ Hải cũng bị bắt và cũng ở trại này, nhưng ở toán khác, khu II ở bên kia. Qua anh Khải tôi biết sơ: Đây là phân trại B của trại Phong Quang, phân trại A xây, là trại chính ở phía ngoài cách đây hơn 5 cây số.
Ngồi nói chuyện với anh Khải, tôi để ý cách tôi mươi mét, phía chéo sàn bên kia có một bác già, từ nãy cứ ngồi yên xếp chân bằng tròn nghiêm trang; thỉnh thoảng làm dấu thánh giá. Anh Khải cho biết đấy là bác Túy, chánh trương một xứ đạo, bác chẳng nói chuyện với ai, chỉ thường ngồi một mình đọc kinh lần hạt. Như thế trong buồng hơn 100 người, hầu hết là tù chính trị ở miền Bắc, 1/ 3 là công giáo hoặc tu sĩ chủng sinh.
Sáng hôm sau, còn đang chia sắn sáng, một tên cán bộ lạ đi vào buồng, đi theo có tên Bằng trật tự. Tên cán bộ lạ có đôi mắt tí him nhập nhèm. Y chẳng đeo lon lá gì, chẳng hiểu y có một uy lực như thế nào, khi y bước vào buồng, tiếng râm ran chuyện trò im bặt, ai cũng nem nép khác thường. Y đến thẳng chỗ anh Bưởi và tôi, cười nửa miệng nhìn chúng tôi, giọng Thái Bình rang rảng:
- Anh nào là ĐCB"
Tôi nhổm lên trả lời nhè nhẹ:
- Thưa ông tôi!
Cái cười nửa miệng ngậm lại, rồi y nghiêm giọng:
- Anh đi làm theo toán mộc!
Y nhìn sang anh Bưởi:
- Anh là Lê văn Bưởi" Lưu nghĩa Lương đâu"
Cũng là lúc Lương đang lách khỏi 2 người, đến trước tên cán bộ.
- Thưa ông tôi là LN Lương!
Y nhìn Lương vài giây, rồi rành rọt:
- Anh theo trật tự về toán 5; còn anh Bưởi về toán 10.
Nói xong, lật đật y ra khỏi buồng, bấy giờ buồng mới râm ran, ồn ào trở lại. Qua anh Khải tôi được biết, y tên là Tằng, anh em vẫn gọi là Tằng toét. Y là cán bộ giáo dục, nhưng là một tên Hung thần của trại Phong Quang này. Người ta vẫn thì thầm, thuật lại: Y đã cùm chết chú ruột của y, gần 2 năm trước đây.
Đến giờ trại tập họp đi làm, tôi theo toán ra ngoài sân trại. Trời ! Một cái sân trại to như thế mà ngồi che kín khắp, toàn là tù; có lẫn 3, 4, toán là tù hình sự vì tôi thấy mấy cậu trẻ, rách rưới lau nhau; có cậu đi chân đất.
Toán của tôi chỉ gọi là toán mộc, có chừng hơn 2 chục người do anh Ngô xuân Hòa làm toán trưởng. Khi toán xuất trại, toán rẽ phía trái rồi tiến dần lên một cái đồi con, trên đó có một cái lán mộc nhỏ, chừng hơn hai chục cái cầu bào. Chắc trong hồ sơ của tôi có ghi về tay nghề, nên được cán bộ toán phân công làm cửa chớp. Tên y là Nguyễn đức Khẩn, đeo lon trung sĩ.
Buổi trưa toán về, vào đến trại, thấy một nhóm gần 6 chục người ôm đồm chăn chiếu ở sân; hỏi ra là ở trại Tân Lập chuyển đến. Mấy ngày sau, tôi gặp một anh ở Tân Lập tên Thành. Tôi được biết trại Tân Lập có rất nhiều biệt kích, cũng mới chuyển đến. Họ được ăn bồi dưỡng, chuẩn bị, để trao trả trong hội nghị Paris.
Có thể do ảnh hưởng những diễn tiến của hiệp nghị Paris, không khí trong trại có một chút cởi mở. Cụ thể những ngày cuối tuần, đã có một vài anh tù mở đường, mò từ khu nọ sang khu kia chơi. Vài ngày sau, lại có một nhóm tù, từ trại Vĩnh Tiến chuyển về, rồi lại một nhóm tù từ trại Nam Hà chuyển lên. Phần tôi tinh thần và thể xác cứ như con gà rù, bao nhiêu diễn tiến của sự việc chung quanh, tôi nhìn như những áng mây trôi trên trời. Tôi nhớ rõ, vào ngày 30 hay 31 tháng 1 năm 1973, ba chúng tôi đã chuyển sang trại Phong Quang khoảng hơn 2 chục ngày. Một buổi sáng sớm, tiếng loa ở cổng trại nheo nhéo những điệu nhạc, cũng khuôn khổ các tiết mục của mỗi ngày như mọi khi (Hầu hết tù nhân chả còn để ý đến); bỗng một bản tin đặc biệt là hội nghị Paris đã được 4 bên long trọng ký kết ngày 27-1-1973 v.v…
Một tia sáng loé lên trong đầu, tôi xốn xang muốn xông xáo, chỗ này, chỗ kia để trao đổi sự kiện này, với các anh em quen biết; nhưng tia sáng đó chợt tắt ngủm trong lòng tôi. Họ đưa chúng tôi đến trại này, tức là họ đã giấu chúng tôi đi. Với sự hiểu biết của tôi, về ý thức và cách làm việc của Mỹ và chính quyền miền Nam, tôi chẳng có một chút hy vọng gì.
Tuy thế, khi tập họp trại đi lao động sáng hôm nay, thái độ của các cán bộ có khác thường; mặt người nào cũng trầm ngâm ít nói hẳn đi. Ngay không khí thái độ, của đám đông tù ngồi ở sân, cũng trầm lắng khác mọi khi. Như vậy hiệp định Paris đã ký 27-1-1973, mà mãi hôm nay ngày 31 đài mới nói tới.
Không hiểu đến bao giờ chúng tôi mới có báo Quân Đội Nhân Dân và tờ báo Nhân Dân của Đảng để đọc, biết qua những điều khoản, trong Hiệp Định. Tôi tin rằng toàn bản hiệp định, sẽ được đăng trên 2 tờ báo này; trường hợp này công khai mà. Vả lại CS đã chủ động, thì họ phải có lợi rồi.
Kế sách giằng co của chúng, đã có kết quả (Hầu hết các bàn cãi để ký, một hợp đồng hay hiệp nghị nào. Kế sách của chúng là lì.... cò cưa). Từ trước đến nay, hầu như chúng ta đều thua, vì chúng ta không có lòng nhẫn nại, cứ bàn cãi những cái cũ nhàm chán mãi, mỗi ngày; có khi cả tháng, cả năm v.v… Sốt ruột, thôi phiên phiến cho xong! Thế là lại rơi vào cái chủ trương, của chúng.


Chiều nay là thứ sáu, tôi sẽ tìm cách lỉnh sang mấy khu 1 và 2. Thật là bao nhiêu người mới, sự việc mới, đặc biệt được gặp lại một số anh em tù chính trị địa phương (Miền Bắc) cũ ở trại phố Lu. Những người của muôn năm cũ, tưởng đã xa rồi.... không còn gặp lại nữa như: Bác Nguyễn văn Tiến, Lê Phiến, Lê Liễu, bác Lẫm, Bùi tâm Đồng, Trần Nhu, Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện. v.v… Anh Vĩnh là một đại úy thời Liên Hiệp Pháp, đã một lần tôi ngồi uống trà với anh. Anh Thiện ở toán già yếu do tên cán bộ Khê phụ trách. Chiều chiều hoặc thứ Bẩy, Chủ Nhật, nhìn dáng anh Thiện cao gầy, xách lon guigoz trà cáu ghét, đi đôi guốc lộc cộc ngoài sân. Mấy anh Lê văn Bưởi, Trần Nhu, Nguyễn Chí Thiện và Phùng Cung hay túm tụm chuyện trò ngoài sân, tôi cũng mặc. Tâm trạng của tôi vẫn chui rúc trong sương mù dầy đặc, như gà rù gặp chướng khí, nên chẳng muốn tiếp xúc tâm tình với ai. Hôm qua tình cờ có một chút niềm vui, tôi mới quen được 4 anh: Nguyễn văn Đằng, Hoàng đình Vinh, Tiệp và Thuần . Hai anh Tiệp và Thuần (mấy năm lục lọi cái trí óc cằn cỗi của tôi mà không thể nhớ, được họ của các anh). Tôi nói về 4 anh này vì có nhiều lý do. Các anh là tù ở bên trại tù quân đội (những người bị bắt ở miền Nam, rồi bị bí mật đưa ra Bắc). Ở trại tù quân đội, hầu hết tù chưa hiểu CS mấy, nên có quy chế tốt hơn. Các anh lập kế vượt ngục, chúng ráo riết truy lùng, nên đã bắt được. Để kỷ luật, chúng cho các anh vào trại tù của CA, ở miền Bắc như chúng tôi, đã hơn một năm rồi.
Do quan hệ cá nhân, tình người nên các anh và tôi rất qúy mến nhau. Sau đó, các anh và tôi qua lại chuyện trò thường xuyên hơn. Cá biệt, cậu Tiệp và tôi mỗi ngày mỗi tin tưởng nhau hơn, để có thể nói với nhau những chuyện, không thể nói với nhiều người.
Tiệp khoảng chừng 26, 27 tuổi, là thông dịch viên trong quân đội (VNCH). Qua 4 người này, tôi biết thêm trại Phong Quang này có hàng trăm biệt kích gián điệp. Sáu, bảy tháng trước họ chia làm 2, một nhóm chuyển về trại Tân Lập, một nhóm về phố Lu, mà tôi đã trình bày ở trên (52 biệt kích).
Vào khoảng giữa tháng 2, ban thi đua, đưa vào mỗi khu một tờ báo Quân Đội Nhân Dân và tờ Nhân Dân: Đúng là cá đói lâu ngày được ăn, chen chúc, giành giật tờ báo, châu đầu vào đọc ngấu nghiến. Tôi liếc sơ qua thấy có toàn bản các điều khoản của hiệp nghị Paris. Để cho mọi người đọc, tôi trở về lán.
"Muốn ăn két thì phải đi đào giun'', tôi mò lên phòng trật tự thi đua. Chỉ là một phòng xép ở trong, đầu hội trường, chừng 2 x 3 mét, kê vừa một cái bàn với mấy cái ghế. Thoáng nhìn thấy anh Bằng trật tự đang cắm cúi đọc tờ Nhân Dân; tôi chào rồi lách cửa bước vào. Do thái độ tự trọng, nhã nhặn của tôi, anh đã niềm nở tiếp chuyện. Chúng tôi đã quen nhau và ngay chiều ấy, tôi đã mượn được tờ ND rồi mang sang lán bác Tiến ở khu 2, để cùng đọc. Trên đường về lán, nhớ đến lời anh Bằng trật tự dặn khi nãy: "Anh hay vào các khu khác chơi, nếu gặp ông Tằng, đừng để ông ấy bắt gặp, hơi phiền đấy!"
Ông Tằng thì ai mà chả ngán! Anh Bằng là trật tự thi đua, mà tỏ ra một người có tư cách. Nhiều tên trật tự mặt cứ câng câng, thái độ như một tên ác ôn hay xừng xộ, với mọi người.
Hôm nay tôi đã miệt mài đọc tờ báo mãi, có văn kiện Hiệp nghị Paris lập lại hoà bình, ở Việt Nam. Tôi nhớ hình như có 9 chương và khoảng 22 hay 23 điều khoản. Tôi tìm ngay đến chỗ trao trả tù binh, ở chương III. Trong chương này, tôi đọc kỹ điều 8a/ Trao trả nhân viên, quân sự và dân sự cho 4 bên.
Mãi trưa hôm sau, thứ Bẩy tôi mới thuận tiện sang thăm bác Tiến. Chỗ bác có Lê Phiến và Nguyễn quốc Anh đang chuyện trò. Giở tờ báo tôi chỉ vào mục trao trả, những thành phần tù nhân của 4 bên. Để cho bác yên tĩnh đọc và suy ngẫm, tôi liếc nhìn một tấm hình ở trang 3, trang phụ có 3, 4 thanh niên trẻ, mặt tươi hớn hở, đến ghi tên xin nhập ngũ ở bàn giấy thuộc huyện (không nhớ) tỉnh Hà Tây. Với dòng chữ to dưới tấm hình: Hoan nghênh tinh thần xung phong, gia nhập bộ đội của đoàn viên, thanh niên Huyện (Thanh Chương").
Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc, bác Tiến bỏ báo xuống, rồi dịu dàng như nói chuyện với các cháu con:
- Nội dung của bản hiệp định này, không thể mổ xẻ một lúc mà sáng tỏ. Bác chỉ muốn nói những sự việc chung quanh, nhưng nó lại không kém phần quan trọng, đối với CS. Kế sách của chúng là lắt léo, tráo trở, chúng phải tìm mọi kẽ hở, mọi mắt lưới, để chúng đạt những kết qủa, có lợi cho chúng. Dùng những câu văn, những từ ngữ lập lờ, lắt léo, để có thể hiểu theo nhiều hướng. Chúng nghiên cứu kỹ từng dấu phẩy, dấu chấm; chấm chỗ nào và phẩy chỗ nào. Sau hết, bác muốn lưu ý với các cháu, điểm này: Từ thế chiến I, II cho đến bây giờ, hầu hết các chính khách, các nhà quân sự, đều có ý niệm chung về một hiệp nghị hòa bình (đình chiến), là giai đoạn nghỉ ngơi, để lại sức rồi lại tiếp tục chiến tranh (đánh nhau). Đấy là những người có đầu óc cảnh giác, lo xa, nhưng với CS thì phải nhớ điều này: Đình chiến là giai đoạn nỗ lực, đẩy mạnh, xúc tiến cho chiến tranh cao nhất.
Nghe bác Tiến nói tới đây, đúng vào một mối đang băn khoăn trong lòng tôi, cho nên tôi tỏ thái độ muốn nói. Bác hiểu ý, nên nhìn cả 3 chúng tôi, hòa nhã:
- Bác cháu mình gặp nhau là để đổi trao bổ sung, những kinh nghiệm và hiểu biết, cho nên các cháu phải nói, phải hỏi, phải đặt vấn đề.
Tôi cầm tờ báo, nhìn Quốc Anh, Lê Phiến rồi nhìn bác Tiến, mở trang 3, chỉ vào mấy tấm hình đoàn viên:
- Bác ơi! Cháu nhìn tấm hình từ hôm qua, cháu cứ thấy một cái gì nó hơi không bình thường. Hiệp định Paris vừa ký, mà CS vẫn tuyển quân, rồi cháu lại vừa nghe bác lý luận về hiệp nghị hòa bình. Từ chỗ băn khoăn lạ lùng, dần dần đến lo lắng bác ạ. Qua lời bác nói, cháu cứ hình dung ở miền Nam, cuộc chiến vừa qua đã tạo thành những khu vực, bản làng xen kẽ giữa 2 bên. Hầu hết bên phiá VNCH từ trên xuống dưới, hành chính cũng như quân sự; dù người có lòng cảnh giác cao nhất thì cũng phải nghỉ ngơi 1 tuần, mươi ngày, sau một cuộc chiến dằng dai hơn 15 năm. Nhưng với CS chúng chủ động ký bản hiệp nghị này, chúng đã chuẩn bị hàng nhiều tháng, nếu không nói là hàng năm. Cứ nhìn cái đám tù biệt kích gián điệp, chúng đã chuẩn bị hàng năm trước, trước khi ký.
Các lãnh vực khác, nhất là quân sự, có những sự việc do những ngăn chận đối đầu của VNCH và của Mỹ, chúng không thể chuyển hàng (vũ khí) chuyển quân theo yêu cầu, theo ý muốn của chúng. Giờ đây là một giai đoạn, một thuở ngàn năm. Về quân sự: Sư đoàn này, binh đoàn kia, vũ khí lương thực… Chúng cho lệnh bên Paris kéo dài, giằng co điểm này, ý kia v.v… Khi tất cả các nơi, các chỗ tiếp ranh, các binh đội, súng ống, xe cộ chuẩn bị xong chờ sẵn, bấy giờ CS mới cho lệnh bên Paris ký.
Lúc đó là hàng sư đoàn, hàng trăm xe cộ ào ạt tiến. Trong khi các nơi, các quân binh chủng của VNCH, cũng đang chờ giờ ký, giờ hiệp nghị Paris có hiệu nghiệm. VNCH chuẩn bị chờ ký để làm gì" Tiệc đã nấu sẵn; hoa, pháo và cả súng (bắn chào mừng) nữa đã sẵn sàng. Khi giờ G đến, họ đều nhẩy lên, hoan hô, reo hò, mừng rỡ, cắm hoa đầu súng, thì cũng là lúc phía bên CS ngược lại. Để rồi... sẽ mang hận.... ngàn đời.
Chính tôi một buổi khác đã nói trước bác Tiến và Trần Nhu (Tù miền Bắc, hiện đang ở Wichita KS): "Có thể vì hiệp nghị Paris này, miền Nam sẽ mất! Tôi không nói theo ngẫu hứng, mà phải dựa trên những cơ sở cụ thể".
Sáng hôm nay, cũng như mọi buổi sáng, sân đầy tù đang chờ cán bộ gọi xuất trại, bỗng có tiếng nói trẻ và rất trong:
- Bác Thiệu ơi ! Chúng cháu mong bác ra Hànội lắm!
Mấy tiếng cười rộ lên của mấy cậu choai choai phía bên 4 toán hình sự, nhiều người tù chính trị, cả mấy tên cán bộ đứng gần đấy, đều quay ngoắt sang đám tù hình sự. Nhưng rồi lại chìm vào cái im lặng, với những nét mặt trầm ngâm.
Có lẽ còn rơi rớt cái dư âm, của cái hiệp định Paris vừa ký chăng" Một luồng liên tưởng đã xông vào giòng suy tư của tôi: "Bác Thiệu"! Nghe thật lạ! Có thể trong cái khuôn thước bác Hồ ở miền Bắc, mà lũ trẻ đã bị ấn, nhét vào đầu từ khi còn ấu thơ" Bây giờ chán chường, ghê sợ, kinh tởm bác này, thì tìm một cứu cánh là một bác khác, ở miền Nam" Trong những cái đầu còn nhiều mầu hồng, mầu xanh của các em, chỉ biết nhìn lên mây trời rồi gọi đại; chứ bác Thiệu làm sao xứng! Có chăng là cụ Diệm, một người ít ra có khí phách cương cường, có lòng tự trọng dân tộc. Thà chịu chết nhất định không thể chấp nhận, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Một người có ý chí, đứng thẳng bằng chính đôi chân của mình, dù rằng cụ cũng còn một số điểm, phải sửa đổi.

Hung thần Tằng Toét

Chiều nay tôi đang lửng lơ, khệnh khạng (buồn chán không muốn làm gì cả) lắp ghép một cánh cửa chớp trên lán mộc, thì có tiếng ồn ào ở phiá dưới chân đồi, nơi có toán 4, đa số là tu sĩ chủng sinh, trong đó có bác Túy, một ông chánh trương thường ngồi một mình đọc kinh, lần hạt, mà buổi đầu tôi đến trại đã thấy. Toán đang đào một chiếc ao ngay phía trái của trại, hàng tháng nay rồi, toán này bị hành, làm bùn đất.
Tuy đã giáp Tết nhưng trời vẫn còn lạnh buốt, với những cơn gió mùa Đông Bắc, về muộn. Từ chỗ lán mộc của toán tôi, trên một cái đồi con gần khu ban giám thị, nhìn xuống chỗ đào ao xa, khoảng 6, 7 chục mét. Từ dưới ao chuyển đất lên bờ, tù đứng thành mấy dây, để chuyền đất.
Qua dáng dấp, rõ ràng bác Túy, có thể vì tuổi già, hơn nữa bác đã ốm bịnh mấy ngày ăn cháo, nên không chuyển kịp đất. Tên Tằng (toét) từ cổng trại đi ra, đứng nhìn một lúc, rồi tay y khua khoắng chỉ trỏ gì đó, tôi không nghe rõ; đột nhiên tôi thấy tên Tằng đạp cho bác Tuý một cái, bác ngã sóng soài ra. Mấy anh chủng sinh chạy lại đỡ bác dậy, nhưng tên Tằng không cho một ai đỡ bác; y bắt bác đứng vào đường dây. Tên cán bộ toán, tên công an võ trang đứng gần đấy cũng không có thái độ gì. Bác Túy lặc lè, sớ rớ vừa đứng dậy được; tên Tằng xông đến đạp một cái nữa. Bác lộn từ ở trên bờ cao, lao xuống chỗ đất bùn, đầu cắm ngập xuống bùn. Chân tay bác giẫy chới với ở trên không, mấy người chạy xô xuống định kéo bác lên, nhưng tên Tằng quát to: "Cấm không anh nào được mó vào người anh ta!"
Chúng tôi ở lán đứng nhìn, cùng kêu ồ lên! May qúa, đúng khi ấy Tôn đại úy (người miền Nam tập kết chừng hơn 5 chục tuổi) Giám thị phân trại B, từ trên khu giám thị đi ngang thấy thế, ông ta quát: "Ai kéo anh ta lên, không thì chết!"
Tên Tằng chạy lại kéo tay tên Đại úy Tôn (nói gì nhỏ, xa nghe không rõ), rồi một tay y chỉ về phía cổng trại. Giữa lúc ấy tên Hòa, cán bộ toán mộc ra đuổi chúng tôi về chỗ làm.  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.