Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

22/02/200900:00:00(Xem: 3142)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Anh đó cầm lấy cuốn sách, nụ cười riễu cợt lại càng xòe rộng thêm ra. Anh quay lại cũng vừa bắt gặp cái cười đồng tình của tôi. Khi tôi nhìn chiếc bao tải nằm một đống trên cái kệ phía đầu nằm của anh tôi mới chợt nhớ lại. Hôm tên Cẩn khám, đổ bao tải ra chỉ toàn là sách, đủ loại to, nhỏ, dầy, mỏng, nặng chịch. Đến bây giờ tôi mới hiểu toàn là sách toán. Cho nên khi thấy anh muốn mời tôi ngồi nói chuyện, tôi đã sà ngay xuống, rồi chúng tôi quen và thân nhau từ đấy.
Chúng tôi quen và thân nhau, phải nói vì nhiều lý do Gôm tỏ ra rất sắc sảo, khôn quái. Anh có những cái nhìn bén nhậy, sâu sắc về Cộng Sản. Về mặt nào đó anh cũng là một con người có chí. Anh tâm sự với tôi: “Chương trình toán cao cấp, bên ngoài thường phải học 8 năm. Nhưng trong tù thiếu sách vở lại không có thầy, tôi chủ trương sẽ đeo đuổi ròng rã 12 năm cho xong. Tôi sẽ đi được, bởi vì toán học độc lập với chính trị, càng lại không có tư tưởng cho nên chúng sẽ chẳng làm gì tôi được.” Gôm đã đeo đuổi được 4 năm rồi.
Thấy một người có chí dài như vậy tôi càng khích lệ, động viên để họ đi đến đích. Tôi ngưỡng mộ và mến Gôm vì Gôm là con người sắc sảo và có chí. Ngược lại, Gôm có thiện cảm với tôi chỉ vì từ lâu anh rất thích ngành điệp báo. Anh đã từng xem nhiều sách, báo phim ảnh về loại này, nay anh gặp tôi một điệp viên do CIA đào tạo, huấn luyện từ trong Nam ra. Theo cái óc tưởng tượng có sẵn của anh trước đây, hẳn tôi cũng phải ít nhiều có cái gì đó khác người, nhất là trí thông minh. Anh có biết đâu rằng, nếu anh đọc rõ được những suy nghĩ trong óc tôi, anh sẽ thấy tôi đang ngưỡng mộ, phục anh sát đất. Tôi đang buồn và tự trách tôi: “tại sao trong cuộc đời lại có nhiều người thông minh, thế mà cái óc của mình lại tồi như vậy.”
Chính vì những cái lắt léo của tình đời như trên, nên đã đẻ ra một kỷ niệm khó quên giữa tôi và Gôm. Tôi còn nhớ Gôm có một trò chơi ngộ nghĩnh, để thử thách tôi trong những buổi ban đầu chúng tôi quen nhau; để rồi đến hàng chục năm sau chúng tôi còn buồn cười khi nhắc tới.
Một buổi sáng, tôi và Gôm ngồi bên nhau trong hàng đôi của toán tù, chờ tên Cẩn gọi xuất trại đi lao động. Gôm quay sang tôi nhỏ nhẻ, tỉ tê. Đại cương như sau: để cho đỡ buồn, để óc đỡ phần nào suy nghĩ về những cảnh đen tối của đời tù. Gôm sẽ đố chơi tôi một bài toán, nội dung: có một nhà tư sản Mỹ đi công cán kinh doanh ở Âu Châu. Sau một số ngày, ông ta gặp được một chuyện làm ăn không dự trù trước. Ông ta phải cần có thêm một số tiền, vì thế ông ta gửi một bức điện gấp về Mỹ cho ông tổng quản lý của ông ta, bảo cần gửi ngay tiền cho ông ta. Óc thực tế của người Mỹ đã trở thành truyền thống “không trả tiền, dù một xu cho những cái gì thừa thải, vô ích.” Vì vậy bức điện càng ngắn gọn bao nhiêu, để càng trả ít tiền thì càng tốt bấy nhiêu. Với điều kiện công việc hết quả thỏa đáng. Hơn nữa, ông ta cũng tin vào khả năng minh mẫn, bén nhậy của người quản lý thân tín mà ông đã thử thách, thực nghiệm nhiều lần.
Nguyên văn bức điện như sau: SEND MORE MONEY. Nếu đúng theo trọn ý của câu thì phải viết: “Send me more money.” Nhưng bỏ chữ “me”, người quản lý vẫn hiểu đầy đủ bức điện mà không phải trả tiền cho chữ “me.” Với sự sáng suốt của ông tổng quản lý, nhà tư sản tin chắc chắn sẽ nhận được đúng số tiền mà ông ta muốn.
Nếu bạn là người quản lý, bạn sẽ gửi bao nhiều tiền" Toán thì chỉ có một đáp số, vậy số tiền phải là duy nhất. Theo Gôm, bài toán này, trước đây có người đã đố Gôm. Sau một tuần Gôm đã tìm ra đáp số. Bây giờ, do nhiều năm tháng tù đầy đau thương khổ cực, đầu óc sẽ giảm sự linh anh, bén nhậy; do đấy Gôm sẽ cho tôi thời hạn là một tháng. Nếu trả lời đúng, Gôm sẽ thưởng cho một gói thuốc lào hai hào.
Tuy trong lòng vẫn đầy ắp mối băn khoăn, lắng lo vì sự hiểu biết và trình độ của mình chỉ có hạn. Nhưng dù sao thời gian ấy, tôi vẫn còn cái tính sục sạo, háo thắng của người thanh niên. Vì thế sau khi hỏi lại biết là không còn một chi tiết nào nữa bổ sung cho bài toán, tôi đã bắt tay Gôm nhận lời.
Như trên tôi đã trình bầy, do bản tính hãy còn sôi nổi; điều gì còn mập mờ, ẩn giấu trước mặt, tôi sẽ phải tìm cho ra với khả năng tối đa của mình. Ngoài khả năng và điều kiện thì chịu. Chính vì vậy, từ buổi nhận lời với Gôm, bất cứ ở đâu hay làm gì; lúc lao động cũng như lúc ăn uống; ỉa đái tắm rửa, thậm chí ngay trong giấc ngủ; bài toán cũng chen lấn vào làm cho giấc ngủ không yên. Còn một điều nữa, tuy không rõ nét nhưng nó nằm sâu trong một ngách của lòng tôi, cũng thúc đẩy sự quyết tâm, tôi phải tìm ra đáp số của bài toán. Đó là tôi cứ tưởng như nếu tôi không giải được bài toán này không những Gôm chỉ coi thường cá nhân tôi mà Gôm còn coi thường dù không nhiều cả cái miền Nam tự do thân yêu của tôi nữa.
Chính vì có nhiều những cái ngấm ngầm kéo lôi như vậy nên chỉ tới ngày thứ ba tôi đã tìm Gôm để giải bài toán này. Gôm đã vồ cả hai tay vào vai tôi đập bành bạch, chào mừng một người bạn trí óc hãy còn tương đối tốt. Dĩ nhiên là tôi không quên nhận gói thuốc lào hút cho nó đã, cho nó sướng cái đời gió mưa.
Kỳ này trong trại cũng có một câu chuyện buồn cười, dù nho nhỏ nhưng tôi vẫn không quên được. Chẳng hiểu từ bao giờ và do ai bắt đầu thì cũng khó mà ai biết. Về cái tục lệ lưu cữu từ hàng bao nhiêu năm nay là đêm đêm bất cứ trại viên nào muốn dậy đi đái, đi ỉa đều phải báo cáo cán bộ, dù có cán bộ hay không cán bộ. Nếu ai phát giác được anh nào dậy vào nhà xí mà không báo cáo là anh đó bị vi phạm nội quy. Bị kết tội là có ý tưởng mờ ám hoặc định trốn tù.
Vấn đề này đã gây ra biết bao nhiêu cảnh cấu xé, chụp mũ cho nhau; thậm chí gây thành thù oán muôn đời. Bởi thế hàng đêm, khúc nhạc đi ỉa, đi đái đã làm quen tai mọi người cũng như tiếng ho tiếng hắng dặng.
“Báo cáo ông cán bộ, tôi xin đi ỉa!”
Phải nói rằng trong lòng mọi người tù, dù là ai; tiến bộ hay không tiến bộ thì cũng đều ít nhiều tức bực cho cái việc phải báo cáo phiền toái, miễn cưỡng này. Có lẽ vì vậy, câu báo cáo, điệu nhạc đêm đi ỉa, đi đái cứ rút ngắn lại dần theo năm tháng.
- Báo cáo ông, tôi xin đi đái!
- Báo cáo ông, xin đi đái!
Nhưng từ ít lâu nay, chẳng biết có ai bảo ai mà hầu như buồng nào cũng vậy. Khúc nhạc đi đái đã đổi nốt thành như sau:
- Báo cáo ông….. đi đái!
- Báo cáo….. ông đi đái!
- Báo cáo….. ông đi ỉa!
Cứ thỉnh thoảng khúc nhạc lại được tấu lên giật đùng đùng trong đêm khuya. Bất cứ ai nghe thấy cũng phải buồn cười, thinh thích. Mà tụi cán bộ đi tuần đêm bên ngoài, chắc sẽ tức ói mật, lộn ruột ra ngoài. Lúc đầu ban giáo dục còn chỉ thị xuống toán, buồng sinh hoạt, tìm cho ra kẻ nào lại dám báo cáo láo lếu như vậy. Nhưng có thể đây là một quyền lợi chung của mọi người tù, dù cho là loại chó má, antenne, chỉ điểm cũng không muốn cho nên các buồng đã cọ sát, sinh hoạt mấy buổi tối liền nhưng đều vô hiệu. Hơn nữa, vấn đề này rất tế nhị, người ta có muôn ngàn lý do để trả lời. Thí dụ rõ ràng tôi nói: “Báo cáo ông, xin đi ỉa!” nhưng ai đó, một khi đã có ấn tượng trước nên mới nghe ra thế khác; hoặc đang báo cáo thì bị nghẹn v.v…
Tóm lại, khi mọi người đã ít nhiều đồng tình thì chả bao giờ tìm ra thủ phạm cả. Và từ đấy, cho đến sau này, chúng tôi không còn ai nghe thấy khúc nhạc đêm “bất đắc dĩ” ấy nữa. Chắc rằng ban giáo dục cũng thấy khó mà tìm ra được thủ phạm; vậy thà cho chúng nó miễn báo cáo đi, còn đỡ tức. Chứ cứ đêm đêm nghe chúng nó báo cáo, về nhà lòng cuộn lên anh ách, ăn cơm cũng mất cả ngon.
Chương Ba Mươi Chín: Chiếc "hồ lô" Của Thân Lân
Có lẽ trời đã vào giữa hay cuối Thu. Những chiếc lá nứa từng ngày đổi thành mầu vàng đậu phụ rán. Một vài làn heo may lảng vảng làm ráo hoảnh những đám rêu đầu hè, làm những làn da tay chân căng ra lăn tăn, gờn gợn ngứa. Hương Thu nồng nồng, ngai ngái thấp thoáng trong bụi chuối đầu giếng. Hẳn trong rừng sâu đã có những chú nai vàng ngơ ngác đang đạp trên những lá vàng khô.


Sáng hôm nay đang lúc trại chia sắn sớm, có tiếng một con chim kêu rất lạ trong bụi nứa già phía cuối hội trường. Cứ một đợt 3 tiếng một: hù lú… hù lú… hù lú…
Gợi trí tò mò, cầm đĩa sắn luộc chạy về phía bụi nứa, tôi vừa ăn vừa ngấp nghé nhìn trong đám lá nứa rậm xì. Kìa rồi, cho tới lúc nó hót tôi mới nhìn thấy. Những hai con, mà chỉ có một con hót. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy loại chim này. Chiếc mào mầu nâu tươi gồ lên, một chiếc lông trắng như bông đang ngoe nguẩy với gió trên chỏm của chiếc mào, trông như chiếc ngù của một vị hầu tước. Đặc biệt là cái đuôi mầu xanh cánh chả dài thuổng, nhọn hoắt, cứ ưỡn lên rồi hạ xuống liên hồi. Cái con mình hơi nhỏ hơn, cứ thỉnh thoảng lại cất tiếng hót lạ; trong khi con lớn hơn đứng bên cạnh, có lẽ là con trống, thỉnh thoảng lại quay nhìn con mái. Mỗi khi con mái hót, tôi nhìn và lắng nghe kỹ; rõ ràng con trống lại hơi gật gật cái đầu và có tiếng ừ ừ… rất nhỏ.
Cứ mỗi lần con mái kêu “hù lú” thì con trống lại “ừ” rồi chúng cùng nhìn xuống chiếc hè phía sau hội trường. Ở đấy có anh chàng Thân Lân, người tù đơn độc, cách biệt hết với mọi anh em tù trong trại. Anh đang ngồi một mình nhai sắn, bên cạnh chiếc lọ thần kỳ mà từ anh em trong trại cho đến những tên cán bộ đều gọi là chiếc “hồ lô” của Thân Lân.
Tôi ngồi bần thần, đôi khi đưa mắt nhìn đôi chim vẫn đu đưa trong bụi nứa. Tai thẫn thờ chờ nghe tiếng chim hót lạ hòa với gió heo may như tiếng của mùa Thu gọi nhịp cho núi rừng. Tiếng chim hót lúc này tôi lại nghe ra là hồ hô… hồ lô… hồ hô… vì cũng là lúc Thân Lân đã ăn sắn xong, anh đang dốc ngược chiếc “hồ lô” vào miệng để đón nhận một ngụm đầy cái nước đùng đục, lờ lờ mầu cánh cam phía bên trong.
Chiếc “hồ lô” có sức kéo tôi khỏi bụi nứa, rời đôi chim lạ để tiến về chỗ Thân Lân. Hơn nữa gần 4 tháng nay, từ ngày Thân Lân ở trại Vĩnh Tiến chuyển về, hầu như anh chẳng nói chuyện với ai. Anh chỉ thích lủi thủi riêng biệt một mình nên càng gợi trí tò mò của tôi.
Ngay từ những ngày đầu tôi đã để ý thái độ lạnh lùng, cách ly với mọi người của anh. Gôm và các anh em ở trại Vĩnh Tiến về cho biết, anh là cán bộ tập kết, hình như ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi gì đó. Người ta không biết cấp bực của anh, chỉ biết anh là bộ đội chính quy. Anh bị bắt vì tội phát biểu rộng rãi, bậy bạ, không đúng đường lối chính sách của đảng nên bị ghép vào tội có tư tưởng xét lại v.v… đã ở tù 6 – 7 năm rồi. Anh cũng mang cái án cao su tập trung cải tạo 3 năm. Trông người của anh rất khó đoán tuổi. Có thể 30 mà cũng có thể 40 (1968). Bởi vì anh không có râu, nước da lại mai mái, chỉ cao khoảng 1 mét 55 hay 57. Ngay cái tên Thân Lân, từ các cán bộ cho đến anh em cả trại đều gọi như vậy, cho nên không rõ “Thân” là họ của anh, hay chỉ là tên đệm"
Mùa Hè, bất cứ ngày hay đêm lúc nào anh cũng cởi trần trùng trục, mặc mỗi chiếc quần đùi từ chiếc quần dài cũ của trại xé ra. Đặc điểm là anh có cái bụng tương đối vĩ đại. Thành ra nhiều lúc trông người của anh nó giống hệt con ễnh ương. Về tính tình của anh cũng có cái đặc biệt. Anh lao động trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Nghĩa là có cán bộ cũng vậy, không có cán bộ cũng thế. Tổ, toán hay cán bộ giao cho anh ta làm phần việc gì (làm riêng), anh làm có ý thức trách nhiệm cho tới xong. Ai ngồi chơi mặc, anh chưa làm xong thì cứ lầm lủi làm. Ngược lại, ai làm cứ làm, xong việc là anh ngồi chơi. Hoặc khi thấy bụng đói quá là ngồi, dứt khoát không làm nữa dù có đưa anh ta vào cùm. Anh không hề gian tham hay tố giác bất cứ một ai bao giờ.
Chẳng biết từ khi nào, và anh kiếm ở đâu; ngay từ ở trại Vĩnh Tiến, anh đã có một cái chai thủy tinh trắng, cổ rụt, cao độ 25 phân, dung tích khoảng chừng một lít rưỡi. Không có nút nên anh đã nhờ ai hay chính anh đã làm một cái nút bằng gỗ thay vào.
Chiếc chai này đã làm cho Thân Lân phải đi cùm mấy lần ở trại Vĩnh Tiến cũng như ngay ở trại E này. Khi anh mới về đây được hơn nửa tháng cũng đã phải vào nhà kỷ luật 12 ngày vì cái chai đó mà Hoàng Thanh cuối cùng phải nhượng bộ. Chiếc chai của anh dùng để chứa tất cả những cái gì có thể ăn hay uống được trên cái cõi đời này. Bữa cơm anh đi lang thang nhìn các chỗ, nơi người ta ăn uống. Có những anh tài ba xoay xở kiếm chác được con cá, lá rau, đôi khi con chuột hoặc bồ nhông v.v… Đĩa bát của họ ăn rồi thừa tí chút anh đến xin rồi trút, vét hết vào chiếc lọ của anh: mấy cái xương cá, tí nước rau thừa, dăm ba cái xuơng chuột, xương ếch. Đôi khi anh bắt được con gián, con ngóe, con bọ xít… nghĩa là bất kể con gì; ngay những đồ ăn của chính anh; những ngày trại có tươi, ngày lễ, ngày Tết, còn bao nhiêu anh đều dồn vào chiếc lọ đó.
Do nhiều ngày tháng dài, tất cả mọi vật trong chiếc lọ đó đều rữa mục, không những thịt, da, rau cỏ mà cả xương chuột, ngóe, rắn v.v… cũng đều tan ra nước hết, chỉ có những mảnh xương ống chân của lợn hay trâu thì mới không thể tan được mà thôi, để thành một thứ nước đùng đục, nhờn nhờn; có khi là mầu xanh xám, có khi là mầu nâu đậm. Chẳng ai biết cái vị của cái nước ấy ra sao.
Khi đến bữa ăn, anh thường tìm một xó hay một chỗ riêng biệt ngồi một mình. Cứ sau mỗi bữa cơm, anh thường tu một ngụm cái nước đó. Nước cứ vơi đi lại đầy lên, bao giờ cũng gần lưng lọ, không bao giờ cạn. Anh chẳng ốm đau, bệnh tật gì, lại không hề làm phiền hà gì ai, do đấy cũng có nhiều người có thiện cảm gọi anh, để cho anh ít thức ăn thừa hay canh thừa.
Chiếc lọ luôn luôn gắn liền với anh như tay hay chân của anh vậy. Ngày đêm, khi ăn, khi ngủ, khi lao động, lúc nào anh cũng đeo nó ở cạnh sườn. Cũng có nhiều lần, nhiều anh em, thậm chí cả cán bộ cũng đồng ý, chờ rình lúc anh ngủ say, lấy chiếc lọ của anh giấu đi. Mục đích giúp anh, ngăn anh, không cho anh dùng cái loại nước mất vệ sinh như vậy. Nhưng khi anh tỉnh dậy, thấy mất cái lọ, anh đã lăn ra giẫy đành đạch kêu ban giám thị, kêu cán bộ, kêu chính phủ trả lại cho anh chiếc lọ đó. Dứt khoát không chịu đi lao động, dù đưa vào nhà kỷ luật; mặc ai nói sao, thí dỗ anh thế nào cũng chỉ một mực yêu cầu trả lại anh chiếc lọ.
Anh em trong tù cũng như cán bộ thấy rằng, anh không hề chống đối ai, lao động thì tốt. Anh cũng không làm ảnh hưởng hay làm mất vệ sinh đến người chung quanh. Cuối cùng rồi mọi người cũng đành trả lại chiếc lọ nước thánh cho anh, và anh lại ngoan ngoãn tiếp tục đi lao động như thường.
Nhưng rồi chắc Hoàng Thanh cũng đã được nghe cán bộ báo cáo về Thân Lân. Và hẳn Hoàng Thanh cũng nghĩ rằng chỉ vì các cán bộ yếu tay, thiếu bản lĩnh cho nên đã không trị được Thân Lân chứ hắn vẫn có bàn tay sắt mà biết bao nhiêu những tên phản động trước đây, mọc bao nhiêu cái sừng. bao nhiêu cái ngà cũng đều hoặc bị tiêu diệt, hoặc lậy van xin chừa. Có một điều Hoàng Thanh đã quên là ở đây Thân Lân không hề chống đối ương ngạnh.
Bởi vậy, một buổi trưa Hoàng Thanh vào trại, y lững thững đến toán 2, tới chỗ Thân Lân đang ngồi ăn cơm một mình ở góc hè. Y cúi xuống cầm chai nước lên hỏi Thân Lân, nước gì bên trong" Thân Lân đã trả lời đấy là nước uống của anh.
Hoàng Thanh quay lại đưa chiếc lọ cho tên trật tự Tân đi theo phía sau, ra lệnh:
- Đem quẳng chiếc lọ này đi! Và tôi cấm anh từ nay không được uống cái nước bậy bạ mất vệ sinh như vậy nữa.
Thân Lân đã nằm lăn ra gào thét đòi lại, để cuối cùng phải vào kỷ luật. Ngày đêm từ nhà kỷ luật, Thân Lân vẫn ầm ĩ kêu xin đảng, nhà nước, ban giám thị xin trả lại cho anh chiếc lọ. Thân Lân bị vào kỷ luật đã được mấy ngày; đêm qua lúc gần sáng, tôi giật mình thức giấc vì một cơn mộng hãi hùng. Nằm ngay cạnh cửa sổ phía sàn trong, trằn trọc mãi tôi vẫn chưa dỗ lại được giấc ngủ còn dang dở. Trong cái vắng lặng của đêm khuya, thỉnh thoảng một vài tiếng kêu của thú rừng văng vẳng vọng về, nhưng tiếng kêu nài than thở của Thân Lân từ nhà kỷ luật lại nghe rỏ mồn một. Giọng anh hơi lạ, đùng đục, khàn khàn như thiếu nước hoặc đã phải nói quá nhiều hay quá mệt. Lúc thì nức nở, tha thiết: Thưa bác Hồ kính yêu, cháu đã phải chia tay với cô Lành, mối tình đầu và rời xa cả bố mẹ của cháu, nghe theo lời bác kêu gọi, trở về quê hương của cách mạng để được gần bác, đến nay đã mười mấy năm rồi.
Nhưng có lúc thì nghe sôi nổi, dứt khoát: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hơn 6 năm dài trong đơn vị, cháu đã nổ lực liên tục phấn đấu gian khổ trong công tác cũng như trong học tập. Kết quả cháu đã được toàn tiểu đoàn bình bầu là chiến sĩ thi đua và vinh hạnh to lớn là được kết nạp vào đảng CS vinh quang. Ngày nay cháu xin trả lại đảng tịch và cả bằng “chiến sĩ thi đua” để đổi lại cái lọ. Xin bác hãy ra lệnh cho ban giám thị trả lại cái lọ cho cháu.
Lòng tôi đã não nuột, ê chề, nằm nghe Thân Lân kể lể, than van trong đêm lạnh càng làm cho hồn rã rời lịm dần vào biển đắng.
Ba ngày, năm ngày rồi cả tuần lễ vẫn thế. Chắc rằng cũng có một số cán bộ mủi lòng nên đã đề ý kiến với Hoàng Thanh chăng" Mãi đến ngày thứ 12, buổi chiều Hoàng Thanh vào nhà kỷ luật. Chả hiểu có cuộc chuyện trò qua lại giữa Hoàng Thanh và Thân Lân sao đó. Chỉ biết, sau đấy Hoàng Thanh ra lệnh thả cùm cho Thân Lân và bắt tên trật tự Tân mang chiếc lọ trả lại cho anh ta. Và từ đấy, không những anh em trong tù mà cả cán bộ đều gọi chiếc lọ ấy là cái “Hồ Lô” của Thân Lân.
Nhìn cái bụng của Thân Lân nhiều lúc tôi và Gôm hỏi đùa nhau: chẳng biết ở trong đó chứa cái gì mà to thế" Mỡ thì chắc chắn chả có rồi; vậy thì giun, sán hay một thứ ký sinh trùng gì khác" Chúng tôi cũng tự bàn tán, đây là một luật trừ, một trường hợp đặc biệt của một con người do hoàn cảnh tạo nên. Chúng tôi tin rằng bất kể một ai, nếu uống cái nước nhờn nhợn đó vào, nếu không ngỏm củ kiệu thì cũng nằm ốm liệt giường, liệt chiếu; vậy mà Thân Lân lại không sao cả. Biết bao nhiêu loại vi trùng và dơ bẩn ở trong nước ấy. Hẳn cơ thể của anh đã tạo lập được một chất miễn dịch đặc biệt, khác với mọi người.
Chưa hết, Thân Lân còn một việc làm đặc biệt nữa mà ai ở trong trại cũng không thể quên được. Anh ta chẳng có thân nhân, nên cả năm chả gửi hay nhận thư của ai. Tuy vậy, suốt năm đi lao động làm việc ở chỗ này hay chỗ khác; thấy từng mảnh giấy to, nhỏ dù dơ bẩn, anh ta cần cù rửa sạch rồi phơi phóng. Những buổi trưa, hay những ngày Chủ Nhật không có lao động xã hội chủ nghĩa, lủi thủi một mình mầy mò, anh ta ghép, dán thành từng tờ giấy to tương đối rồi xếp cất đi.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.