Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Bishop Từ Chức Phát Ngôn Nhân Kinh Tế!

22/02/200900:00:00(Xem: 2556)

Thời sự nước Úc: Bishop từ chức phát ngôn nhân kinh tế! - Hoàng Đ.Thư

Thứ Sáu tuần qua, sau khi chính phủ Rudd đã tìm được phương cách để thỏa mãn yêu sách của TNS Xenophon và được ông này yểm trợ thông qua kế hoạch kích hoạt kinh tế trị giá 42 tỷ Úc Kim, thì sự bối rối trong hàng ngũ phe đối lập liên bang lại càng rõ rệt hơn. Cho đến bây giờ, gần sáu tháng kể từ sau khi ông Malcolm Turnbull được bầu lên thay thế ông Brendan Nelson làm lãnh tụ và bà Julie Bishop vẫn được tín nhiệm trong chức phó lãnh tụ đảng Tự Do thì phe liên minh vẫn không giật lại được uy tín đối với cử tri. Tệ hại hơn nữa, trong tất cả mọi cuộc thăm dò dân ý, chính phủ Rudd vẫn được xem là có khả năng hơn phe liên minh đối lập trong việc điều hành kinh tế của Úc. Và vì là người nắm giữ chức phát ngôn nhân kinh tế cho phe đối lập nên bà Julie Bishop đã phải hứng chịu nhiều sự tấn công, từ cả giới truyền thông lẫn trong nội bộ đảng.
Cuối tuần qua, bà lại bị đổ lỗi cho sự suy sụp uy tín về khả năng kinh tế của phe đối lập trong khi, công bằng mà nói, sự suy sụp uy tín gần đây của phe đối lập liên bang, phần lớn là do dân chúng không thích việc ông Turnbull cương quyết không ủng hộ kế hoạch kích hoạt kinh tế của chính phủ liên bang. Có nhiều nguồn tin cho rằng bà Bishop sẽ bị dồn vào thế chẳng đặng đừng và phải trao lại chức phát ngôn nhân kinh tế cho người khác hầu giữ được chức phó lãnh tụ của mình.
Theo giới truyền thông Úc thì ông Joe Hockey, phát ngôn nhân tài chánh, và ông Andrew Robb, phát ngôn nhân về hạ tầng cơ sở, là hai người sáng giá nhất có thể đảm nhận chức vụ quan trọng này, đặc biệt khi tình hình kinh tế của thế giới, và của Úc, sẽ luôn là tin hàng đầu từ giờ cho đến kỳ tổng tuyển cử liên bang sắp tới.
Theo nữ ký giả Kerry Anne Walsh thì trong suốt tuần vừa qua bà Bishop đã cố gắng liên lạc với tất cả 31 thượng nghị sĩ và 54 dân biểu Tự Do để thăm dò ý kiến của họ hầu có thể quyết định dứt khoát, vì bà cương quyết không chịu bỏ cuộc nếu chỉ có “một vài kẻ đầy tham vọng” muốn giành chức và phóng đại hóa sự bất mãn của bạn đồng liêu đồng đảng về khả năng của bà.
Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài phân tích tựa đề “Julie Bishop can’t sit and wait” - của nữ ký giả Michelle Grattan, chủ biên về chính trị của nhật báo The Age, được đăng tải trên tuần báo The Sun Herald ngày 15/2/09 vừa qua.

*

Cái đảng của ông Malcolm Turnbull giống như một con ngựa lúc nào cũng sắp sửa sổng chuồng vậy. Khi ông Malcolm Turnbull trở thành lãnh tụ đảng thì bà Julie Bishop đã đánh một ván bài táo bạo: bà đã dùng quyền ưu tiên của phó lãnh tụ để giành chức phát ngôn nhân kinh tế.
Khi bà được bầu làm phó lãnh tụ đảng dưới thời ông Brendan Nelson thì bà đã không thể làm như thế. Vào thời điểm ấy, tuy bà có quyền ưu tiên, nhưng rõ ràng là ông Malcolm Turnbull mới là người duy nhất trong phe liên minh có đủ tư cách để nắm chức vụ này.
Một vài dân biểu Tự Do nghĩ rằng lẽ ra bà Bishop nên để cho cơ hội ấy bay qua mà không nên tóm bắt lấy nó. Đấy là một chức vụ hết sức khó khăn và họ nghĩ rằng bà khó thể nào nắm bắt trọn vẹn được vấn đề để chu toàn trách nhiệm. Chuyện rất dễ hiểu là bà muốn thử cho biết. Thế nhưng, không bao lâu sau đó thì ai cũng thấy được là bà đã có một quyết định quá sức sai lầm.
Những sự tấn công của bà về kinh tế thiếu sự khả tín. Thêm vào đó, bà cũng bị mất uy tín bởi nhiều vấn đề linh tinh, chẳng hạn như những lời cáo buộc rằng bà đã đạo văn (plagiarism) cóp ý của người khác, rằng một bài viết ký tên bà được xuất bản trong một cuốn sách thật ra do nhân viên của bà sáng tác! Và chính phủ Lao Động nhanh chóng chĩa mũi dùi liên tục tấn công bà.
Bà có cơ hội để tái tạo uy tín trong thời gian quốc hội tạm ngưng họp hành trong mùa Hè vừa qua, nhưng bà đã không thể làm được việc ấy. Để rồi, cho đến ngày cuối cùng của phiên họp quốc hội (parliament sitting) trong hai tuần qua thì hầu như toàn bộ phe Tự Do xầm xì xôn xao về bà Bishop, vì bà đã vô tình trao vũ khí cho chính phủ Lao Động tấn công phe đối lập, đặc biệt với lời đề nghị chúng ta phải “ngồi yên và chờ đợi để xem” tình hình kinh tế như thế nào rồi mới đưa ra chính sách.
Vì thế, hiện nay, có một sự tuyệt vọng trong nội bộ đảng nói chung về khả năng của bà. Thêm vào đó, một số người trong đảng Tự Do đã lên tiếng cảnh cáo, nếu bà không tự nguyện ra đi thì sẽ có nhiều chuyện tệ hại xảy ra để rồi dẫn đến sự thách thức chức phó lãnh tụ với bà. Nếu bà Bishop biết điều và yêu cầu được chuyển qua một nhiệm vụ khác thì người ta có thể đủ hài lòng để bà vẫn nắm chức phó lãnh tụ.


Hôm thứ Bảy 14/2/09 vừa qua, ông Turnbull tuyên bố rằng ông “vững tin” vào khả năng của bà Bishop trong cả hai cương vị phó lãnh tụ và phát ngôn nhân kinh tế. Thế nhưng, chắc chắn là bà đã ở trong một ván cờ tàn. Sáng Chủ Nhật 15/2/09 bà bắt đầu thăm dò ý kiến của uạn bè đồng liêu đồng đảng về tương lai của bà. Và cho dù bà ghét cay ghét đắng chuyện bị bại trận, bà sẽ phải chào thua, nhượng bộ, hoặc sẽ bị quy trách nhiệm là kẻ mang đến nhiều chấn thương, nhiều thiệt thòi cho phe liên đảng sau những thiệt hại mà bà đã tạo ra với sự thiếu khả năng của bà.
Nếu bà Bishop đặt quyền lợi  của đảng Tự do của bà lên trên thì điều này sẽ tạo cho ông Turnbull một cơ hội để củng cố sức mạnh chống lại sự tấn công của phe đối lập về mặt kinh tế. Thế nhưng, vấn đề khó khăn là ông sẽ không có được một sự lựa chọn tuyệt hảo nào khác cả. Ông Joe Hockey có đủ khả năng, có thể đạo đạt được chính sách cho cử tri, tuy nhiên, theo giới bình luận phân tích thì ông không phải thuộc hạng ưu tú (not top-shelf). Ông Andrew Robb tuy rất mạnh về phần trí tuệ nhưng lại không phải là một người sáng chói khi phải đối diện với giới truyền thông. Tuy vậy, một trong hai người này rõ rệt là kẻ sẽ thay thế bà.
Ông Tony Abbott, vốn đã lọt vào một vực thẳm sầu thảm (fallen into a funk) kể từ sau kỳ tổng tuyển cử nhưng bây giờ lại muốn bước ra trước ánh đèn mầu, cũng muốn được giữ chức vụ của bà, nhưng ai dám chọn ông Abbott, người đó phải can đảm lắm.
Một vài người thuộc cánh Hữu và ở Queensland lại muốn đưa ông Peter Dutton lên. Ông này có sự nhạy bén của một sát thủ chính trường thế nhưng, trong tình hình kinh tế nguy ngập thì sự hung hăng thái quá có thể sẽ tạo phản ứng không tốt.
Việc quyết định về chức vụ phát ngôn nhân kinh tế của phe đối lập không phải là vấn nạn duy nhất của ông Turnbull. Kết quả các cuộc thăm dò dân ý quả thật hết sức tệ hại cho phe đối lập và trong một tương lai ngắn hạn không có tí ti cơ hội nào để cải thiện cả: những kẻ cực đoan đang lấn quyền điều khiển các dân biểu bạch đinh và đảng Tự Do thì không khác gì một con ngựa lúc nào cũng chực chờ để giựt đứt dây cương, sổng chuồng chạy đi.
Thêm vào đó, cựu tổng trưởng kinh tế Peter Costello đã lại nhảy vào cuộc chơi, giành được một chỗ đứng khá cao trong cuộc tranh luận về kinh tế, và, như một nguồn tin trong nội bộ phe đối lập cho biết một cách hơi phóng đại là “ông ta bắt đầu nói chuyện lại với những người mà cả 10 năm nay ông không thèm ngó đến”. Những hành động này của ông Costello chẳng biết có dụng ý gì không cho cuộc tranh giành chức lãnh tụ trong tương lai, nhưng nó cũng khiến ông Turnbull không khỏi lo lắng và bực bội.
Sự cứng rắn cực đoan mới mẻ này trong hàng ngũ dân biểu bạch đinh là động cơ chính yếu đàng sau việc phe đối lập quyết định chống lại kế hoạch kích hoạt kinh tế trị giá 42 tỷ Úc Kim của chính phủ Lao Động. Nội các đối lập không có sự đồng thuận về chiến thuật và thế là ông Turnbull mang vấn đề ra cho toàn bộ dân biểu của phe đối lập biểu quyết và họ muốn phải theo đường lối cứng rắn. Từ xưa đến nay hầu như chưa bao giờ có chuyện một vấn đề được đưa ra cho toàn bộ dân biểu thuộc phe liên minh quyết định và không ít người e ngại, ông Turnbull khi làm việc này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Một khi xác định được đa số thì ông Turnbull và nội các của ông không còn sự chọn lựa nào khác. Qyết định chống kế hoạch kích hoạt kinh tế của chính phủ do ông Turnbull xách động đã tạo nên đại họa cho phe đối lập. Nếu TNS độc lập Nick Xenophon không chấp thuận sự thương lượng của chính phủ Rudd về việc trợ cấp cho công tác cứu vãn mạng lưới sông Murray-Darling khiến kế hoạch này bị trì hoãn thêm một tuần lễ thì phe đối lập sẽ bị giới thương nghiệp, vốn đang muốn được kế hoạch cứu vãn, tấn công tới tấp.
Vấn đề ở đây là liệu sự cứng rắn cực đoan này có mang đến nhiều áp lực buộc phe đối lập phải có thái độ cứng rắn hơn về nhiều vấn đề khác hay không" Và nếu có thì ông Turnbull sẽ đương đầu với chuyện này như thế nào"
Sự cứng rắn cực đoan trong hàng ngũ phe đối lập phát nguồn từ tầng lớp dân biểu Tự do trẻ (Liberal young Turks) và phe nổi loạn trong hàng ngũ đảng Quốc Gia do TNS Barnaby Joyce  cầm đầu. Ông Joyce hiện nổi bật hơn cả lãnh tụ của đảng này là ông Warren Truss.
Một sự khó khăn khác nữa là hiện nay có sự lo ngại về phong cách của ông Turnbull, có sự bất mãn trong nội các về chức vụ của mình và có không ít lời than phiền rằng văn phòng ngài lãnh tụ đối lập chỉ chú trọng đến chuyện vẽ vời hơn là chuyện hoạch định chính sách (the leader’s office is too oriented to spin rather than policy).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.