Hôm nay,  

Việt Nam: Ông Nói Gà Bà Nói Vịt

07/05/200400:00:00(Xem: 4888)
Trâu bò húc nhau người dân chết
Hoa Thịnh Đốn .- Chuyện những người làm báo ở Việt Nam tố nhà nước là việc rất hiếm nhưng khi nhà nước tố lại thì lại hóa ra chuyện ông nói gà bà nói vịt rồi hòa cả làng.
Việc này được chứng minh trong cuộc tiếp xúc giữa Nông Đức Mạnh Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam với một số "cử tri báo chí" Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình hôm 4-5-2004.
Theo báo Người Lao Động thì cuộc "thăm dân cho biết sự tình" của Mạnh nằm trong khuôn khổ "chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XI vào ngày 11-5."
Nguyễn Thành Văn (Văn Thành), Tổng Biên Tập báo Lao Động Thủ Đô nói với Mạnh: "Có ba điều người lao động hết sức quan tâm. Thứ nhất, tệ tham nhũng, thất thoát trong việc cấp và sử dụng ngân sách nhà nước, trong xây dựng cơ bản. Tình trạng lãng phí trong thời gian làm việc dẫn đến chất lượng làm việc của các cơ quan công quyền còn thấp. Thứ hai, sự nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền, kể từ cấp phường trở đi. Có thể nói hiện có tình trạng các chủ trương của Đảng, nhà nước thì rất đúng nhưng việc thực hiện các chủ trương ấy ở cấp cơ sở lại không tốt. Thứ ba, đồng lương thực tế của người lao động hiện nay chưa bảo đảm được mức sống cần thiết cho bản thân và gia đình."
Văn Thành còn nói rằng "tâm lý người dân rất ngán khi có việc phải đến ủy ban nhân dân hay công an phường". Ông lấy ví dụ cụ thể dù Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã quán triệt bán hết nhà cho dân nhưng: "Cứ theo cung cách bán nhà của một số đơn vị hiện nay thì đến 100 năm cũng chưa bán hết vì bản thân họ không muốn bán."
Chính bản thân Văn đã nộp đơn và tiền xin mua nhà từ tháng 7 / 2003, đi lại "năm lần bảy lượt" nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Nguyễn Đức Thà của báo Hà Nội Mới nói thẳng với Mạnh: "Chúng ta đang lúng túng không biết chống tham nhũng bắt đầu từ đâu."
Thà đề nghị với Mạnh "nên tổ chức một hội nghị của các vị lão thành cách mạng, các nhà khoa học về vấn đề này." (VietNamNet, 5-5-04)
Mạnh hứa với làng báo Hà Nội là sẽ chuyển những ý kiến của họ tới quốc hội, nhưng cũng cho báo chí hay rằng chống tham nhũng là vấn đề lâu dài "chứ không phải xử các vụ án là xong." Và rằng: "Chống tham nhũng phải bắt đầu từ cấp cơ sở."
Nhưng làm sao có thể bắt đầu từ cấp cơ sở khi mà người dân không được quyền giám sát, kiểm tra hồ sơ khai báo tài sản của cán bộ" Điển hình như trong cuộc bầu cử các hội đồng nhân dân mới đây (25-4-04) cho thấy việc kê khai tài sản của các ứng cử viên đã không được thực hiện đầy đủ hoặc có nơi không chịu làm vì nghị quyết bắt đầu làm việc này của quốc hội đưa ra trễ so với thời gian chuẩn bị việc thi hành. Đã thế việc thi hành nghị quyết lại phải có thêm nghị định của Phan Văn Khải, Thủ Tướng ký ngày 1/4/2004 rồi phải đợi cho đến khi nghị định này được đăng vào Công Báo rồi mới có hiệu lực nên toàn bộ vấn đề đã chồng chéo lên nhau không thi hành được.
Có nơi đã công khai chống lại lệnh của trung ương với lý do chưa đăng Công Báo thì chưa có hiệu lực!
Đã thế nghị định của Khải cũng như nghị quyết của quốc hội lại chỉ bảo khai tài sản để nộp vào hồ sơ chứ không cho phép công bố nên đã gặp chống đối của người dân.
Nhưng rồi cuộc bầu cử cứ diễn ra và nhà nước thì vẫn hân hoan báo cáo kết quả có tới 95 hay 99,9 phần trăm người dân đi bầu và quên luôn chuyện các ứng cử viên phải kê khai tài sản. Các ứng cử viên là nhà doanh nghiệp hay các chức sắc tôn giáo lại được ưu tiên "bầu trước khai sau" rồi không khai báo gì cả mà Đảng thì cứ khơi khơi ca ngợi: "Thắng lợi của cuộc bầu cử là sự khẳng định tính nhất quán xây đựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân..." (Tạp chí Cộng Sản, số 57-2004)
Cơ quan lý luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam còn viết: "Thắng lợi của cuộc bầu cử là sự khẳng định chế độ tốt đẹp của chúng ta do Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo - một chế độ hết lòng vì nhân dân với mục tiêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh..."
Tuyệt nhiên tờ tạp chí Cộng Sản không đả động gì đến "cái tốt đẹp" của lệnh buộc các ứng cử viên phải kê khai tài sản vì ngay đến các ứng viên vào quốc hội cũng chỉ khai để gửi vào kho của hội đồng tổ chức bầu cử nên người dân cũng không biết phải xử trí ra sao khi đến phòng phiếu, ngoài chuyện bỏ cho xong để tránh bị rắc rối.
Vì vậy mà trong cuộc tiếp xúc với báo chí Hà Nội, Mạnh đã phải nhìn nhận than phiền của báo chí về nạn lãng phí trong nhiều lãnh vực là có thật. Nhưng Mạnh không đưa ra được chiếc đũa thần nào để giải quyết mà chỉ nói: "Vì thế sắp tới phải trở lại với pháp lệnh về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm," đã công bố cách nay mấy năm rồi!
TRẢ ĐŨA
Sau khi đã chịu trận với báo chí như thế, Mạnh không quên đá giò lái mấy anh nhà báo cán bộ rằng họ "chưa xây dựng những tờ báo vừa giữ vững được tôn chỉ mục đích mà vẫn hấp dẫn bạn đọc."

Mạnh nói với họ rằng người làm báo cũng phải thiết thực vì "Qua nhiều tờ báo, thấy có tình trạng mỗi số chỉ có vài bài đáng đọc, số còn lại đọc cũng được không đọc cũng không sao." (VietnamNet, 5-5-2004)
Mạnh còn chỉ trích đã có báo không để ý đến mặt tích cực của xã hội mà lại khai thác những đề tài theo thị hiếu người đọc hoặc khai thác các hiện tượng tiêu cực "để khái quát lên cái mặt xấu của xã hội ta."
Phê bình báo chí của Mạnh chỉ là một khía cạnh nhỏ trong "cuộc chiến" đang diễn ra âm thầm giữa người làm công tác báo chí và nhà nước. Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương và Hồng Vinh, Phó Trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương kiêm Chủ Tịch Hội Nhà Báo Việt Nam đã từng lên mặt "dạy dỗ" cán bộ báo chí trong nhiều trường hợp về những việc làm được gọi là "sai trái" của họ, trong đó quan trọng nhất vẫn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp và bổn phận phục vụ Đảng của báo chí.
Những ngôn từ như "chạy theo thị hiếu," "xa rời tôn chỉ mục đích," "coi báo chí như mọi hàng hóa thông thường" đã được phủ lên đầu làng báo Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong báo cáo ngày 1-4-2004, Hồng Vinh nhìn nhận bên cạnh những cái tốt và những việc làm được, báo chí vẫn còn những yếu kém chưa vượt qua được, nhất là trong lãnh vực "quản lý và lãnh đạo của các cơ quan chủ quản (làm chủ tờ báo) và cơ quan báo chí còn nhiều bất cập, thể hiện rõ ở việc quản lý báo điện tử, công tác quy hoạch báo chí..."
Trong khi đó Ban Bí Thư Trung Ương Đảng lại giáng thêm búa xuống báo chí: "Nội dung phương thức hoạt động của Hội Nhà Báo Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, sức cuốn hút và tập hợp của hội chưa cao. Ý thức xây dựng hội của một số hội viên còn mờ nhạt..."
Cũng trong cuộc thảo luận ở Hà Nội ngày 1-4 vừa rồi, Đỗ Quý Doãn, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin đã mổ xẻ những sai phạm của làng báo như: "Tình trạng thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ cao trong những sai phạm của báo chí, một số tờ báo thông tin sai sự thật liên tục và kéo dài, mặc dù đã bị các cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử lý kỷ luật, phạt hành chính và dư luận xã hội phản ứng... Việc cải chính những thông tin sai sự thật trên các báo này cũng thực hiện không nghiêm, không đúng quy định của pháp luật." (VietNamNet, 2-4-2004)
Nguyễn Khoa Điềm chỉ trích báo chí có "xu hướng thương mại hóa, thoái hóa, biến chất và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ làm báo." (VietNamNet, 2-4-2004)
Dưới quyền Điềm là Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Văn Hóa-Thông Tin nói đang có tình trạng báo chí "hùa nhau" viết về một sự việc "không đáng làm ầm ĩ chút nào." Bên cạnh những cố gắng nghề nghiệp, theo lời Nghị, "có khi không phải do nhận thức và năng lực yếu kém mà là có chủ ý hẳn hoi. Tức là khen chê một sự kiện nào đấy vì những động cơ không trong sáng." (VietNamNet, 19/4/2004)
Nghị nói với báo này trong một cuộc phỏng vấn: "Nhiều doanh nghiệp than phiền rằng họ rất sợ báo chí vì có lúc họ bị 'moi móc,' thậm chí 'đe dọa,' nếu như không biết điều... Việc lợi dụng chức năng báo chí để làm những việc tiêu cực từ việc nhỏ như đến doanh nghiệp xin quảng cáo, ép cho quảng cáo, người ta không muốn tuyên truyền nhưng có nhà báo nào đó tự xung phong viết sẵn bài đề cao thành tích, rồi đưa cho doanh nghiệp để người ta phải trả thù lao, trả ơn ngoài ý muốn của người ta, đến việc nhìn thấy sai sót của họ thì viết bài đăng để dọa, hoặc dọa nhưng không đăng. Doanh nghiệp biết cả đấy nhưng người ta 'nhịn' bởi 'một điều nhịn là chín điều lành.'"
Trong cuộc phỏng vấn này, Nghị còn nhìn nhận đang có dư luận về tình trạng báo chí hùa nhau công kênh thành tích ảo của một vài ca, nhạc sĩ và đánh vùi đánh đập những đối thủ của họ để được trả tiền.
Như thế là hòa cả làng rồi còn gì nữa" Vấn đề "ông ăn chả thì bà ăn nem" hay "ông nói gà, bà nói vịt" giữa nhà nước, Đảng và báo chí không còn là chuyện trong thâm cung ở Việt Nam.
Nhưng đây lại không phải là chuyện mới xảy ra mà đã có từ trước khi Bộ Chính Trị đưa ra chỉ thị ngày 17-10-1997 đòi cả làng báo phải sửa sai những khuyết điểm của mình.
Từ đó tới nay, năm nào cũng có đại hội báo chí để rà soát lại thành tích cũng như những khuyết điểm cần sửa sai nhưng nói thì cứ nói, làm thì cứ làm chẳng khác nào chuyện nhà nước và Đảng hô hào chống tham nhũng, quan liêu và lãng phí. Càng nói và càng có nhiều nghị quyết bao nhiêu thì tham ô, mua quan bán chức càng tăng và sa sút đạo đức của cán bộ càng xuống cấp bấy nhiêu.
Vì vậy chuyện người làm báo có xuống cấp, báo chí có đi chệch đường chăng nữa cũng chỉ là tệ nạn chung của cả chế độ, của hệ thống lãnh đạo, không còn là chuyện của mỗi cá nhân.
Có điều nạn nhân của chuyện trâu bò húc nhau không phải là ruồi muỗi chết mà là người dân mới là điều đáng nói.
PHẠM TRẦN (5-04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.