Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

11/01/200900:00:00(Xem: 2982)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

...Vả lại, dù mới lên trại hơn 3 tháng cũng đủ cho tôi thấy: Sống ở trong bất cứ một tập thể nào, nhất là ở trong nhà tù càng đầy rẫy những người chung quanh muốn trèo, muốn đạp mình xuống để họ vươn lên. Bởi thế, để khỏi bị đè đầu, chèn ép: Một là anh phải tìm mọi cách để vươn lên ở cái thế lãnh đạo, chỉ huy trật tự, toán trưởng, tổ trưởng. Hai là anh đi làm chó tố cáo anh em để có thế của cán bộ, không ai dám đè mình.
Nếu cả hai thứ trên, không phải là mục tiêu hành xử của anh thì chỉ còn có một con đường duy nhất: Anh phải có một cái nghề vững, một tay nghề mà ít người làm được như anh. Như vậy mới có thể tránh được những đè ép của đời tù. Tôi nhớ lại một sự việc, cho đến bây giờ vẫn chưa mờ nhạt được trong lòng tôi:
Chừng khoảng nửa tháng, sau vụ trại bán mía cho tù. Vào một buổi chiều Chủ Nhật, tôi loay hoay quét dọn, làm vệ sinh ở chỗ tôi nằm. Phan Thanh Vân đang tắm giặt ở dưới giếng. Khi tôi kéo cái bọc quần áo cũ của tôi trên cái kệ phía trên đầu sàn. Một cái túi con vải nâu, bé tí bằng bàn tay đứa bé lên 3, đột nhiên rơi xuống sàn. Tôi vội vàng nhặt lấy mở ra, choáng hồn, bên trong có 4 tờ giấy bạc một đồng, tiền của trại. Trời! Ai có nhiều tiền thế! Những 4 đồng có phải ít đâu. Tôi đoán chắc là của Phan Thanh Vân, nhưng sao lại sang chỗ tôi" Có thể Vân đã vô tình để vương sang chăng" Tôi liếc nhìn Lù Chằn Páng và bác Chánh già ở cách đấy mấy chiếu, đang ngồi khâu vá. Chẳng ai để ý đến tôi cả. Tim đập hơi khác thường, tôi đấu tranh giằng co giữa hai vấn đề: Chốc nữa hỏi Vân xem có mất tiền hay không" Hoặc cầm chiếc túi giơ cao, rao to ở trong buồng: Ai có chiếc túi này, hãy nói bên trong có gì, nếu đúng tôi sẽ trả. Hay cứ im đi, cất kỹ nếu có ai kêu mất thì mình sẽ đưa ra. Tôi ngồi thừ ra một lúc, một ý tưởng lờ mờ, lởn vởn lẻn vào trong óc: Nếu mình có 4 đồng này sẽ ưu tiên cho 2 cái cần thiết là thuốc lào và xà phòng. Cả một năm, mình sẽ ung dung không phải lo đến hai thứ đó nữa.
Ôi, bốn đồng, số tiền lớn quá! Tôi thấy bấn hết cả người lên, vội vàng quét dọn sơ sơ rồi tôi chạy hộc tốc xuống giếng. Thực ra lúc tôi chạy xuống giếng, cũng không biết để làm gì nữa chứ" Có lẽ để nhìn mặt Phan Thanh Vân xem sao, thế thôi! Tôi có cảm tưởng là chỉ cần nhìn mặt Vân là tôi đã biết được ngay tiền đó là của Vân hay không.
Gặp Vân, thấy anh đang lom khom kéo chiếc gầu tôn nước dội xối xả vào người. Tự nhiên tôi thấy vui hẳn lên. Tôi ca ngợi Vân chịu lạnh tốt, vì trời vẫn còn lành lạnh của những trận heo may cuối mùa. Tôi cười nói huyên thuyên với Vân một lúc, rồi tôi lại chạy về buồng, lấy chăn ra đắp, nằm suy tính cho dứt khoát. Anh chàng Vân, nếu tinh ý, sẽ thấy ngạc nhiên tại sao hôm nay tôi lại vui thế, và Vân sẽ phải tự hỏi, tôi xuống dưới giếng để làm gì chứ" Chả lẽ, trời lạnh như vậy tôi chạy hộc tốc xuống giếng chỉ để nói vài câu bâng quơ với Vân rồi lại chạy về ư" Nhưng nỗi niềm ở trong lòng mỗi người, bên ngoài ai mà biết được! Và mỗi người là một cuộc đời riêng, ai để ý làm gì" Cho tới lúc Vân đã phơi quần áo xong, về chỗ đang lục đục ngay bên cạnh tôi, thì tôi đã quyết định dứt khoát: Tôi sẽ cất kỹ cái túi, im bặt. Nếu Vân hay bất cứ ai trong buồng kêu mất cái túi thì tôi sẽ lấy ra trả lời, nói rằng thấy rơi ở phía đầu giường.
Mặc cho Vân vẫn cứ hì hục bên cạnh, tôi nằm lan man suy nghĩ hết hướng nọ ngả kia. Từng mảnh đời to nhỏ ngược xuôi, có lúc lững lờ lảng vảng, có lúc vùn vụt chạy qua óc tôi. Tư tưởng diễn tiến của một con người cũng thật phức tạp, kỳ lạ. Mới nửa giờ trước còn định cầm cái túi rao to lên để trả lại cho người mất, thế mà giờ đã thay đổi khác rồi, đã thấy mình có một phần quyền lợi trong cái 4 đồng, thực tế là của người khác. Tôi nhớ vào khoảng năm 1958 ở thành Đô đầy hương sắc và tình người.
Vào một buổi tối tôi và đứa em trai 15 tuổi đèo xe đạp nhau đi xem ciné ở rạp Nam Quang trên đường Lê Văn Duyệt. Chúng tôi xem suất cuối, từ 9 giờ đến 11 giờ đêm. Hôm ấy chiếu phim gì cho tới nay tôi không còn nhớ rõ, nhưng một sự việc trong buổi tối ấy vẫn hằn lên trong lòng tôi không thể phai mờ.
Trong rạp, khi phim vừa hết, đèn bật sáng, mọi người đều lũ lượt theo nhau ra phía cửa rạp để về nhà cho sớm. Tôi và thằng em đứng lên sau cùng. Chúng tôi đều nhìn thấy ở hàng ghế phía trên, một chiếc ví da dầy cộm đang nằm phơi mình trên một chiếc ghế. Nhìn quanh, suốt mấy hàng ghế đó chả còn ai. Tôi nghiêng cúi người sang cầm lấy chiếc ví, mắt ngơ ngác nhìn theo những giòng người đang chen chúc nhau ra về.
Tôi chờ, tôi tưởng như sẽ có một người hốt hoảng trở lại hàng ghế để tìm chiếc ví của mình. Vì thế, tôi vẫn cầm nguyên chiếc ví ở tay chẳng dám mở ra để biết cái gì bên trong. Mãi cho tới lúc người ta đã ra hết, tôi ra hiệu cho thằng em cũng ra ngoài cửa, trước con mắt chằm chằm của nó đang nhìn vào chiếc ví.
Khi ra đến ngoài, cửa rạp đã lưa thưa, vãn hẳn bóng người. Trời đã vào khuya, 11.30 đêm rồi! Một tay tôi vẫn cầm chiếc ví, một tay dắt chiếc xe đạp. Tôi còn bấn loạn tâm hồn chưa biết quyết định ra sao trước một việc bất ngờ thế này. Thằng em trai cứ liu ríu theo tôi, nó vẫn tin và làm theo những quyết định của tôi. Dùng dằng, do dự một lúc, tôi quyết định phải mở chiếc ví ra xem bên trong có cái gì" Tôi thấy dollar Mỹ. Có khoảng 10 tờ giấy $10 Mỹ kim, hơn một chục dollar loại giấy 1 đồng, và một tờ dollar 50 đồng. Ngăn bên kia, hơn 20 tờ giấy một trăm tiền của VNCH. Còn nhiều giấy tờ nữa, nhét đầy trong các ngăn của chiếc ví mà tôi không dám và không muốn lục lọi kỹ. Tôi vẫn có cảm tưởng là không được xục xạo chuyện riêng tư của người khác. Tôi nhìn thấy một tấm thẻ tên Võ Văn Ba số nhà 50B đường Lê Văn Duyệt, Gia Định.
Lúc này, tim tôi càng xốn xang đập mạnh hơn. Trời lại càng khuya, đường phố đã vắng hẳn bóng người. Tôi có ý định, hay đem vào gửi người coi rạp ciné để cái ông Ba này sẽ trở lại hỏi, tìm chiếc ví. Nhưng khi hai anh em tôi trở lại trước cửa rạp thì họ đã đóng chặt hết các cửa rồi, im ắng, chả còn ai ở đấy. Đầu tôi chợt lóe lên một ý tưởng, tại sao không mang đến trình nộp cho bốt cảnh sát" Nghĩ thế, tôi bàn với thằng em, rồi dẫn xe đạp xuống đường, háo hức đèo nhau vế bốt cảnh sát quận nhất.
Đường khuya, phố vắng, phần vì thấy lòng hân hoan vui thích cứ tưởng như chúng tôi đang làm một chuyện tốt, một chuyện được nhiều người khác khen ngợi là đã làm đẹp cho cuộc đời. Vì vậy, tôi càng gò lưng miệt mài đạp chiếc xe phóng như bay trong đêm khuya.
Đến đồn cảnh sát, đã 12giờ rưỡi khuya, vắng lặng, chả thấy ai ở bàn trực. Hai anh em tôi trở ra, trở vào thập thò một lúc mới thấy ông cảnh sát ở trong buồng đi ra. Thoáng thấy chúng tôi, ông ta quát lớn:
- Mấy cậu kia đi đâu"
Tôi vào, đặt chiếc ví lên bàn và trình bày lý do đã nhặt được nó. Cuối cùng, tôi nhờ cảnh sát trả lại chiếc ví cho người chủ của nó. Ông ta cầm ngay chiếc ví, mắt ông ta chuyển ngay từ màu vàng, cái mầu của hách dịch, lạnh lùng sang cái mầu xanh lam êm dịu nhìn chúng tôi. Rồi tới khi ông ta mở chiếc ví thì mắt ông ta như lồi thêm ra, mồm há hốc. Tay ông ta run rẩy lôi những tờ dollars ra để xuống bàn, mắt ông ta lại ra vẻ lấm lét nhìn chúng tôi. Tay ông ta chỉ hàng ghế dọc theo phía tường trước bàn, miệng ông ta nói trong nỗi xúc động tràn ứ:
- Các cậu hãy ngồi xuống đó cho khỏi mỏi chân.
Cũng là lúc một ông cảnh sát nữa từ ở phía trong đi ra. Hai ông vừa đếm tiền, vừa xem xét các giấy tờ. Thỉnh thoảng các ông liếc nhìn về phía chúng tôi. Chừng 10 phút sau, các ông nói nhỏ với nhau một lúc, rồi cùng tiến lại phía chúng tôi. Ông cảnh sát ra lần sau, đặt một tay lên vai tôi nói rất nhỏ nhỏ, êm dịu:
- Chắc các cậu vẫn còn là học sinh phải không" Các cậu đã làm một việc đáng khen, bây giờ, các cậu có thể về nhà nghỉ kẻo khuya rồi. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm mang chiếc ví lại trả cho người chủ, và chúng tôi thay mặt người chủ chiếc ví cảm ơn các cậu.


Hai ông cảnh sát rất vồn vã, tiễn hẳn chúng tôi ra đến cửa, còn đứng nhìn theo chúng tôi đạp xe đi xa rồi mới quay vào.
Về đến nhà, đã 2 giờ khuya, tuy mệt nhọc nhưng lòng chúng tôi thênh thang như mở hội. Tôi vẫn thấy cuộc đời toàn gấm hoa rồi mơ màng chìm dần vào giấc ngủ muộn của tuổi đôi mươi.
Mấy hôm sau, tôi có đem chuyện nhặt được chiếc ví khoe với mấy người bạn. Họ đều nêu lên vấn đề là có thể các ông cảnh sát sẽ lấy hết tiền, rồi chỉ trả cho người chủ chiếc ví những giấy tờ mà thôi. Họ trách tôi, sao không để hẳn lại ngày hôm sau mang lại nhà trả lại cho ông Võ Vă Ba.
Tôi cũng thấy ý kiến của các bạn cũng có khía đúng, nhưng phần vì tôi không muốn mang chiếc ví lại nhà họ, để ra cái vẻ mặt người làm ân đứng trước một người thọ ân. Phần khác, tôi vẫn cho rằng, tôi đã làm tròn, làm đẹp cái khâu trách nhiệm của mình rồi. Nghĩa là nhặt được của rơi đã đưa đến nộp cho cảnh sát. Vậy còn những khâu khác, nếu họ không làm tốt, làm đẹp thì thuộc về cuộc đời rồi, tôi làm sao ma lo hết"
Từ chuyện cái ví năm xưa, giòng tư tưởng của tôi lại chảy dài về một sự việc khác, 7 năm sau đó, ở Hỏa Lò Hànội: Giai đoạn này tôi đang ở xà lim I (xà lim án chém). Xà lim lúc đó do ông Dư phụ trách. Một sự v iệc mà tôi vẫn thấy lòng bâng khuâng, buồn buồn mỗi khi đến. Tôi nhờ vào một buổi, tôi cũng vào nhà tắm để đổ bô như thường lệ. Trong khi tay tôi vẫn khoắng bô tráng nước thì mắt tôi liếc đây đó, nhất là cái thùng đựng giẻ chùi (tôi đang tìm giẻ để khâu đồ chống muỗi). Tôi thoáng thấy ở mé bậu cửa có một miếng xà bông thơm, mầu xanh to bằng 2/3 hộp diêm. Phải nói là từ mấy năm rồi nằm ở xà lim, tôi ước mong có một miếng xà bông con như vậy, nhưng chưa bao giờ được. Tôi có cái bàn chải đánh răng, từ bao lâu chỉ đánh bằng nước lã. Tuy tôi không nhìn thấy, nhưng tin chắc là răng tôi bẩn lắm, sợ có thể bị sâu, hơn nữa hôi mồm. Tôi cần một miếng xà bông bất kể là loại gì, chả cần to lắm. Mỗi ngày tôi chỉ cần cọ một tý cho có bọt rồi đánh răng cho nó sạch miệng.
Thế mà hôm nay, bất ngờ lại nhìn thấy, tôi suy đoán, có thể của một nữ cán bộ nào vào tắm rồi quên. Và cũng có thể là của một buồng nào đó họ để quên không chừng. Tôi đã nhét vào cạp quần, rồi băn khoăn lại moi ra định để lại chỗ cũ. Nhưng sau không cưỡng nổi với lòng tham của tôi, vì một miếng xà bông này, tôi có thể dùng ít ra được một năm, trong khi không còn một cơ hội nào để tôi có cả. Vì vậy, tôi lại nhét trở lại cạp quần và mang về buồng.
Vào buồng, tôi đang hý hửng với một món đồ quý, ngẫu nhiên lại có, thì buồng số 14 báo cáo giọng Quảng Nam trọ trẹ:
- Béo céo cán bộ, buồng tôi để quên miếng xà bông trong nhà tắm!
Tôi vừa hồi hộp, vừa ngần ngừ lắng nghe. Tiếng báo cáo 2-3 lần mới thấy tên Dư vào mở cửa buồng:
- Để quên đâu vào mà lấy!
Tôi ngập ngừng, giằng co giữa muốn báo cáo trả, nửa không muốn trả. Cuối cùng giọng số 14 vừa từ nhà tắm đi ra vừa báo cáo:
- Béo céo, buồng nào đã lấy mất rồi!
Tiếng tên Dư rành rẽ:
- Miếng xà bông to không"
- Bằng bao diêm, bánh xà bông hoa nhài, vợ tôi mới gửi vào, tôi cắt đôi.
Tôi biết xà bông hoa nhài giá 4 hào một bánh. Đây là 1/2 bánh nhưng đã dùng nhiều lần rồi chỉ còn bằng 1/3 thôi. Giọng tên Dư lại cất cao:
- Buồng nào lấy nhầm miếng xà bông của người ta, báo cáo trả lại cho người ta. Nếu không, tôi vào từng buồng khám thấy thì đừng trách.
Tôi đã lưỡng lự, định báo cáo trả, nhưng khi nghe y đe doạ sẽ khám các buồng thì tôi lại không muốn trả nữa. Để xem y có khám được không! Tôi cúi nghiêng xuống, sờ tay xuống mặt dưới của sàn ciment. Vì là mặt dưới nên họ đổ ciment hãy còn lỗ chỗ, sần sùi sỏi lẫn cát. Tôi lấy miếng xà bông ra, mò tay xuống ấn ngược lên, miếng xà bông dính chắc. Như vậy có trời mà tìm, trừ trường hợp có cái máy ngửi xà bông thì mới hoạ chăng. Tên Dư cũng chỉ phách lối, doạ như vậy, chứ cũng không đi khám buồng nào cả.
Tôi cứ nằm bồng bềnh, đầu óc cứ hết cuộn vào rồi lại mở ra. Từ chuyện chiếc ví năm xưa, đến miếng xà bông mới đây ở dưới Hỏa Lò và bây giờ là 4 đồng bạch lúc này thật là giống nhau, nhưng đã thay đổi hẳn hồi kết cục chỉ vì nó cách nhau một thời gian 10 năm. 10 năm trước, tâm hồn của một người thanh niên hãy còn trong trắng, chở đầy chiếc thuyền đời toàn là nhung với lụa. Mười năm sau, cũng người thanh niên ấy, tâm hồn đã vẩn đục như nước mùa Hè.
Như vậy, phải chăng do chính tôi đã làm cho tôi xấu dần theo tuổi đời, hay do xã hội, cuộc đời đã làm bẩn dần tâm hồn của một con người" "Nhân chi sơ tính bổn thiện", từ đấy suy ra, càng người già thì càng nhiều thói xấu, càng đục hay sao" Tôi không tin như vậy! Có thể con người ta sẽ xấu sẽ đục đến một cái mức nào đó, đến một cái tuổi nào đó, rồi người ta lại phải tìm về cái đẹp, cái thiện và lọc dần cho tâm hồn trong lại. Cho nên mới có nhiều ông già, bà già rất phúc hậu đạo đức.
Hàng tuần lễ sau khi tôi vớ được 4 đồng, cũng chả thấy ai kêu mất tiền. Hơn một tuần rồi, phải thành khẩn mà nói rằng: Lúc này dù có ai kêu mất tiền, chưa chắc tôi đã trả, vì tôi đã biết một anh ở toán 6 có một miếng xà bông to. Anh đã bằng lòng bán cho tôi với giá một đồng, hơn nữa, tôi đã dự trù cuối tháng nhờ mua mấy gói thuốc lào nữa rồi.
Tôi quan sát, nghe ngóng từng người sát chung quanh tôi. Tôi có thể đoán gần chắc 4 đồng bạc này là của Phan Thanh Vân, Vân có nhiều tiền nên đã để quên hoặc lại tưởng rơi ở nơi khác nên đã không kêu, không hỏi.

Chương 34: Phỉnh phờ phạm nhân làm chó

Tôi đã được chuyển về tổ học nghề mộc do Nguyễn Huy Lân, toán trưởng dạy hơn một tuần lễ rồi. Tổ này, không kể anh Lân gồm 5 người. Điều làm tôi mừng vui là có cậu Toàn Thái Lan và anh Thành Xuân Yên, những người cùng mâm cơm với tôi từ khi tôi mới lên trại.
Hàng ngày tôi làm quen dần với các loại dụng cụ và những từ chuyên môn của nghề mộc. Anh Lân đã chỉ cho tôi cách mài chàng, mài đục, bướm, lưỡi bào... Dần dần, tôi hiểu được thế nào là cưa mộng, cưa rọc, bào lau, bào phá, bào thẳm. Sau những bỡ ngỡ, chập choạng của những buổi ban đầu, chỉ 3 ngày sau tôi đã có thể tự lấy mực và làm hoàn thành một chiếc ghế đẩu. Chiếc ghế đẩu được Nguyễn Huy Lân khen là đẹp, chắc chắn, nhẵn nhụi, tuy nước bào lau còn cần phải thao tác, nghiên cứu nhiều.
Tôi say sưa nhìn tác phẩm đầu tay của tôi. Tôi trìu mến, ve vuốt nó, hân hoan lòng tự nhủ lòng: chính bàn tay mình đã làm được một sản phẩm hữu ích cho đời dù bé nhỏ. Từ ý thức phải học một cái nghề cho tinh, cho vững ở trên tôi đã trình bày, phần khác cũng do quan điểm: "Nếu trong cuộc sống chưa có cái mình thích, thì hãy thích cái mình đang có". Trong điều kiện hiện nay ở nhà tù thì tôi phải yêu cái nghề mộc này. Tôi yêu cái tôi đang có. Chính vì vậy, tôi đã háo hức hăng say học hỏi và nỗ lực lao động. Chỉ sau hai tuần lễ, tôi đã làm được một chiếc ghế đẩu trong một công lao động (một ngày). Đạt mức khoán, điều mà tổ học nghề, trước đấy chưa ai đạt.
Đợt kế tiếp, tôi nhận lãnh 5 chiếc ghế đẩu, tôi chỉ thao tác trong 4 ngày là đã hoàn thành. Như thế tôi đã vượt năng suất một công. Theo qui định của trại, một công lao động của một người tù trị giá 4 hào. Có thể do anh Lân báo cáo thế nào đó với cán bộ Kích, nhiều lần y xuống dưới lán mộc, đứng hàng giờ quan sát tôi miệt mài thao tác lao động, để rồi cuối tháng đó anh Lân nộp danh sách bình bầu mức ăn của toán cho cán bộ toán. Chính tên Kích đã bảo anh Lân ghi tên tôi vào danh sách những người được ăn 18kg để cho y duyệt rồi đưa lên ban giáo dục (Lân về kể riêng cho tôi biết). Trong khi ở toán không ai bình bầu cho tôi cả vì mới lên trại và còn đang ở trong toán không hiểu rõ đã nhìn tôi với vẻ dè dặt, ít thiện cảm. Tôi đành chấp nhận, tôi không thể đi thanh minh với hết mọi người, vả lại tôi phải cần có một số tiền tối thiểu để giải quyết những cái tối thiểu trong cuộc sống tù của tôi. Điều quan trọng, điều chủ yếu là việc tôi làm không trực tiếp thiệt hại đến người khác là được rồi.
Chiều nay, một tin làm cho mọi người choáng váng đờ đẫn. Ngoài lán thủ công, mọi người đang cắm cúi lao động thì anh Lân từ phòng cán bộ xuống lán cắt cử 4 người đóng khẩn trương cỗ quan tài phải xong trước giờ trại về. Anh Phồn Lạc trong nhà kỷ luật từ mấy ngày nay không ăn uống gì được mà chỉ nôn ra máu. Trưa nay, khênh anh xuống bệnh xá cấp cứu, nhưng anh đã trút linh hồn khi vừa đặt anh nằm xuống trên chiếc giường duy nhất của bệnh xá. Anh đã thoát khỏi cảnh đoạ đầy, khổ đau của đời anh.
Người ta rì rầm bàn tán, ngực của khi chết rồi bị tím đen lại. Ngoài ra toán 4 và toán 6 có 3 người nữa vừa phải vào nhà kỷ luật sáng nay. Ngay anh Hải Sơn của toán 2, anh mới được ra kỷ luật đang ốm bịnh ở nhà, chẳng hiểu sao trưa nay cũng phải ôm chăn chiếu vào nhà kỷ luật. Một bức màn đen tối đầy lo lắng, buồn thảm đang bao trùm tâm hồn mọi người.
Đêm nay tôi nằm mãi không ngủ được, tâm tư khắc khoải cứ cuộn vào cái mớ bòng bong bất hạnh của đời mình. Bên ngoài, trận mưa từ chập tối vẫn kéo dài rả rích canh thâu. Tiếng những giọt mưa ở mái hồi sau cứ rơi thõng thượt gợi sầu. Nghe tiếng mưa rơi trong đêm dài không ngủ, dù lòng còn đang tê dại với cảnh đời tăm tối của mình, óc tôi vẫn gợi tưởng tới mấy câu thơ của Huy Cận thì phải:

Lắng nghe giọt nhẹ rơi rơi
Heo may hiu hắt bốn bề tâm tư.
Tâm tư hướng lạc phương mờ,
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về lòng rộng không che...

Phải nói là gối gỗ nằm tê cứng cả đầu, đau cả cổ chứ còn tìm đâu ra gối mộng của đời mình. Giòng tư tưởng cứ bập bềnh nổi trôi; một thoáng về miền Nam xa vời phía bên kia chân trời, một thoáng về Hỏa Lò với dáng hình chiếc lưng ong của người Hưng Yên chập chờn, lẩn quất chìm dần vào giấc ngủ muộn đêm rừng mưa dai.
Sáng nay, tôi đang ngồi chờ trong hàng, đợi gọi đến toán 2 xuất trại thì anh Lân, sau khi gặp cán bộ toán, anh quay xuống chỗ tôi và Lê Khắc Dũng mũi khoằm bảo ở lại gặp cán bộ. Thằng Dũng này trong vụ của Phạm Huy Tân, từ lâu tôi không ưa, vì thế khi trở về buồng nó với tôi chẳng nói với nhau một lời. Một lúc sau tên Cẩn trực trại vào dẫn nó ra khu giám thị trước, rồi y lại trở vào gọi tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.