Hôm nay,  

Chuyện Thể Thao: Futsal – Tiền Đạo

30/11/200800:00:00(Xem: 2583)

Chuyện Thể Thao: Futsal – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, chúng tôi xin cùng quý độc giả tìm hiểu tiếp về môn “Futsal” tức “Túc Cầu trên sân nhỏ”.
Hiện nay, sức hấp dẫn của môn “Futsal” cũng không kém là bao nếu so với môn Túc Cầu, và ngày càng được phổ biến trên toàn thế giới qua sự kiện có nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp được thành lập. Đặc biệt hơn, “Giải Vô Địch Futsal Thế Giới” (FIFA Futsal World Cup) cũng được tổ chức 4 năm 1 lần xen kẽ vào giữa 2 năm của giải World Cup. Qua đó, chi tiết về các giải chuyên nghiệp quốc nội của một số cường quốc “Futsal” được ghi nhận như sau:
Ba Tây: Tại Vương Quốc Túc Cầu Ba Tây, “Futsal” là môn thể thao phổ biến và gần gũi nhất với giới lao động bình dân và từng cống hiến cho đội tuyển quốc gia những cầu thủ xuất sắc như Ronaldinho, Robinho v.v…Thông thường, các tuyển thủ tham gia môn “Futsal” xem đây là bước đầu tiên để tự mình rèn luyện và trau dồi kỹ thuật cá nhân, sau đó nếu phát triển tài năng sẽ được các câu lạc bộ chuyên nghiệp “Futsal” lẫn Túc Cầu mời gọi vào đội tuyển, tức có cơ hội tạo dựng sự nghiệp và trở thành nổi tiếng thế giới.
Ngoài giải chuyên nghiệp toàn quốc “Liga Naciónal”, tại các tiểu bang ở Ba Tây còn có những giải chuyên nghiệp địa phương được khán giả ái mộ rất nồng nhiệt. Đồng thời, các giải chuyên nghiệp ở Ba Tây cũng là một thị trường săn lùng nhân tài của những câu lạc bộ chuyên nghiệp “Futsal” của Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha, Đức Quốc v.v…
Những câu lạc bộ chuyên nghiệp “Futsal” nổi tiếng nhất tại Ba Tây là: Carlos, Barbosa, Ulbra, Malwee v.v… Cùng với niềm tự hào là một quốc gia đứng đầu thế giới về Túc Cầu, môn Futsal của Ba Tây cũng chứng tỏ thế lực hùng mạnh của mình qua thành tích nhiều lần đoạt cúp vô địch thế giới. Tuy trong 8 năm vừa qua họ đã để đội tuyển Tây Ban Nha lấn lướt, nhưng tại “Giải Vô Địch Futsal Thế Giới 2008” tổ chức tại sân nhà từ ngày 30/9, Ba Tây đã tái đoạt danh hiệu này.
Tính đến nay, những thành tích của Ba Tây về môn “Futsal” gồm có: Từ năm 1965 đến năm 1979: Vô Địch Nam Mỹ. Năm 1980, năm 1984: Vô Địch giải “Pan America Cup”. Năm 1982, 1985, 1988: Vô Địch giải “FIFUSA World Cup”. Năm 1989, 1992, 1996, 2008: Vô Địch Thế Giới (FIFA Futsal World Cup).
Tây Ban Nha: Môn “Futsal” tại Tây Ban Nha được gọi là “Futbol Sala” với mức độ thịnh hành không kém gì túc cầu qua giải chuyên nghiệp LNFS (Liga Naciónal Fulbol Sala), quy tụ rất nhiều tuyển thủ ngoại quốc xuất sắc. Hiện nay, LNFS được xem như là một giải chuyên nghiệp đứng hàng đầu thế giới của môn “Mini Soccer” với 2 đẳng cấp hạng 1 và hạng 2.
Đẳng cấp 1 của LNFS gồm có 16 đội dự tranh hàng năm theo phương thức đụng nhau vòng tròn với 2 trận lượt đi và về. Sau đó, 8 đội thứ hạng cao nhất sẽ tiếp tục tranh tài ở vòng “play-off” để tuyển chọn ra đội vô địch. Trước đây, vòng đấu “play-off” của giải chuyên nghiệp LNFS quy định mỗi đội gặp nhau 5 trận, đội nào thắng 3 trận sẽ tiến vào bán kết, nhưng từ mùa bóng 2006-2007 hình thức này đã thay đổi và giảm xuống còn 3 trận.
Bước vào mùa bóng 2008-2009 năm nay, LNFS quy tụ 16 câu lạc bộ tham chiến với: Autos Lobelle F.S, Azkar Lugo F.S, Benicarló Aeroport Castelló, Carnicer Torrejón, Carnicer Torrejón, FC Barcelona Mobicat, Gestesa Guadalajara, Inter Movistar, Marfil Santa Coloma, Peinsa F.S. Cartagena, Playas de Castellón, P. Millenium Pinto.
Ngoài ra, đội tuyển “Futsal” Tây Ban Nha còn chiếm giữ ngôi vị hạng Nhất Châu Âu qua các thành tích: Năm 1996, 2001, 2005, 2007: Vô Địch giải “Futsal Châu Âu” (UEFA Futsal Championship). Năm 1999: hạng Nhì giải “Futsal Châu Âu” (UEFA Futsal Championship). Năm 2000, 2004: Vô Địch Thế Giới (FIFA Futsal World Cup).
Bồ Đào Nha: Tại Bồ Đào Nha, giải chuyên nghiệp quốc nội Bồ Đào Nha cũng là một vũ đài hào hứng với những sự góp mặt của các câu lạc bộ khét tiếng khu vực Châu Âu như: Benfica, Sporting Lisbon v.v…
Qua các mùa bóng hàng năm, giải chuyên nghiệp Bồ Đào Nha thường có khuynh hướng bị LNFS của Tây Ban Nha lôi kéo nhiều tuyển thủ xuất sắc nên phải tăng cường lực lượng tuyển thủ trẻ đến từ các quốc gia Nam Mỹ, đặc biệt là từ Ba Tây.


Bồ Đào Nha cũng từng tiến vào vòng bán kết giải “Vô Địch Futsal Châu Âu 2007” với thành tích hạng Tư sau khi bại chiến trước Cộng Hòa Nga.
Đức Quốc: Các trận đấu của môn thể thao “Hallen Futbal”, tức “Futsal” tại Đức được tổ chức hàng năm vào thời điểm giải chuyên nghiệp Túc Cầu quốc nội “Bundesliga” nghỉ đấu mùa đông. Vì vậy, cũng có nhiều danh thủ túc cầu tham gia vào những trận đấu này.
Vì môn “Futsal” được truyền bá tại Đức có phần chậm trễ so với các quốc gia trong cùng khu vực nên đến nay Đức là cường quốc túc cầu Châu Âu duy nhất không có đội tuyển “Futsal”. Tuy nhiên, vào năm 2006 giải “Vô Địch Futsal Đức Quốc” tổ chức lần đầu tiên tại Berlin cũng được xem là một dấu hiệu tích cực thúc đẩy sự phát triển môn “Futsal” tại đây.
Ý Đại Lợi: Tương tự như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, giải chuyên nghiệp quốc nội tại Ý Đại Lợi cũng tập trung được nhiều tuyển thủ ngoại quốc mang tài nghệ cá nhân điêu luyện và đa số xuất thân từ Ba Tây. Giải chuyên nghiệp “Futsal” tại Ý Đại Lợi còn có danh xưng giống như môn túc cầu là “Serie A Calcio”. Ngoài ra, còn có đẳng cấp “Serie B” và giải chuyên nghiệp dành cho các câu lạc bộ nữ gọi là “Serie A Feminnile”.
Đội tuyển “Futsal” của Ý Đại Lợi cũng là một khuôn mặt thường xuyên tiến vào vòng bán kết giải “Vô Địch Futsal Châu Âu” như trường hợp của Tây Ban Nha và thành tích cao nhất của họ tại vũ đài này là: vô địch giải năm 2003, hạng Nhì giải năm 2007, hạng Ba giải năm 1999 và năm 2005, hạng Tư giải năm 1996 và năm 2001
Hòa Lan: Tuy không được nổi bật bằng môn Túc Cầu nhưng môn “Futsal” tại Hòa Lan cũng có nhiều bước phát triển vững mạnh và được gọi tắt bằng danh xưng “Zaal”. Đặc biệt, các luật lệ do UEFA đặt ra cho môn “Futsal” trong khu vực Châu Âu chính là dựa vào nền tảng căn bản luật lệ của môn “Zaal”.
Hoa Kỳ: Qua giải chuyên nghiệp quốc nội MISL (Major Indoor Soccer League), “Futsal” được xem là một môn thể thao hấp dẫn và hình thức trải những lớp cỏ nhân tạo trên các sân Ice Hockey (Băng Cầu) để làm sân đấu cho bộ môn “Futsal” cũng rất phổ biến tại Hoa Kỳ.
Ngoài một số ít tiểu bang vẫn còn xa lạ với môn “Indoor Soccer”, hầu như trên toàn quốc Hoa Kỳ đều rất thịnh hành môn thể thao này qua các giải đấu ở địa phương và các trường đại học.
Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đội mạnh trong khu vực Bắc Trung Mỹ với thành phần đội hình chọn lọc những tuyển thủ xuất sắc từ giải đấu MISL.
Nhật Bản: Môn “Futsal” được một số tuyển thủ người Ba Tây truyền bá tại Nhật Bản vào đầu thập niên 1970. Vào thời điểm này, “Futsal” có danh xưng là “Mini Soccer” và sau khi tổ chức lần đầu tiên giải “Vô Địch Mini Soccer Toàn Quốc” vào năm 1973, thì đến năm 1977 “Hiệp Hội Mini Soccer Nhật Bản” (hiện nay là Hiệp HộI Futsal Nhật Bản) được sáng lập dưới sự vận hành của “Hiệp Hội Túc Cầu Nhật Bản”.
Hơn nữa, từ năm 1976 đến năm 1980, các giải đấu dành cho những đội nữ với quy định mỗi bên 8 tuyển thủ, cũng được tổ chức hàng năm tại Nhật Bản thúc đẩy sự hình thành giải chuyên nghiệp câu lạc bộ túc cầu đội nữ sau đó gọI là “Nadeshiko League”. Năm 1989, đội tuyển Nhật Bản ra quân ở giải “FIFA Futsal World Cup” lần thứ Nhất tổ chức tại Hòa Lan và bị loại ngay vòng 1.
Bước vào thập niên 1990, số người tham gia môn “Futsal” bắt đầu gia tăng nhiều và thực sự lan rộng trên toàn quốc từ năm 1994. Năm 1996, Nhật Bản tổ chức giải “Vô Địch Futsal Toàn Quốc” với sự tham dự đông đảo của các đội bóng đại diện các tỉnh và khu vực, tạo thành phong trào ái mộ “Futsal” rất cuồng nhiệt tại xứ Phù Tang.
Năm 2004, đội tuyển Nhật Bản cũng bị loại ngay vòng 1 tại giải “FIFA Futsal World Cup” tổ chức ở Đài Loan.
Tháng 4/2006, đội bóng “Taiyo Yakuhin/BANFF” là câu lạc bộ chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản được thành lập. Vào tháng 5/2007 giải “Vô Địch Futsal Châu Á” (AFC: Asian Futsal Championship) được tổ chức tại hai thành phố” Osaka và Amagasaki.
Giải chuyên nghiệp quốc nội Nhật Bản được chính thức thành lập từ tháng 9/2007 qua danh xưng “Nihon Futsal League”
Tính đến thời điểm tháng 11/2008, thứ hạng của các đội “Futsal” trên thế giới được FIFA sắp xếp như sau: 1. Ba Tây, 2. Tây Ban Nha, 3. Ý Đại Lợi, 4. Iran, 5. Bồ Đào Nha, 6. Cộng Hòa Nga, 7. Á Căn Đình, 8. Ukraine, 9. Paraguay, 10. Nhật Bản.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.