Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

11/08/200800:00:00(Xem: 2758)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

Nghĩa là, suốt ngày tiếng kẻng, chát chúa khua đập vào tai mọi người. Có thể chính ngay lũ cán bộ cũng điên đầu, đinh tai, nhức óc suốt ngày đêm với tiếng kẻng. Bởi thế, bây giờ bỏ sót, nên mỗi ngày chỉ còn lại 9 lần kẻng mà thôi...

Thông thường, buổi trưa tù đi lao động về, chia chác cơm nước, ăn uống chỉ trong vòng nửa giờ. Do đấy, từ 11 giờ 30 phút cho đến 12 giờ 30 phút là lúc kẻng tập họp đi làm. Mọi người phải nằm nghỉ, ngủ trong một giờ để hồi sức tiếp tục lao động buổi chiều. Trong một giờ ngủ trưa này, nếu anh không ngủ được thì tuyệt đối không được gây một tiếng động làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Đó cũng là nội quy của trại và trong những điều khoản của 12 điều "nếp sống văn hóa mới".

Chương Mười Hai: MỘT CHIỀU VẤN VƯƠNG

Trong buổi nói chuyện với Lê Sơn, Lý A Chén này, tôi thấy rằng: Lê Sơn là một con người có kiến thức, khá lanh lẹ, bén nhậy. Vì thế, anh đã nhìn sâu, nhìn sát được nhiều vấn đề nên có nhiều hiểu biết về cái chế độ mà anh đã nhiều năm xả thân phục vụ, cũng như hiện nay đang nằm trong nhà tù của nó. Bản tính của anh lại ngông cuồng, hơi kiêu ngạo. Một người như vậy thì không thể nịnh bợ, xun xoe, báo cáo lập công một cách hèn nhát. Còn Lý A Chén là người dân tộc. Tuy anh không nói rành tiếng Kinh, nhưng anh có cái láu cá, khôn lanh riêng của người thiểu số. Những chuyện lớn như trốn tù, phá trại, ăn cắp lớn của trại thì anh ta sẽ không ngần ngại, gì mà không báo cáo. Chứ còn những chuyện vặt vãnh như: vài lời nói phản động, dăm ba củ sắn, cái lược v.v… thì hẳn anh ta cũng biết dành ra một cách sống thích hợp.

Cũng một phần do sự chân thành nhã nhặn của tôi, nhưng cũng do sự hiểu biết và hiếu đượm tình người của các anh nữa nên buổi nói chuyện cởi mở có ít nhiều tin tưởng. Tuy vậy, từ sớm ý định của tôi muốn biết về anh Khải bị đi cùm sáng nay và còn nhiều điều nữa muốn thăm dò, hiểu biết, nhưng xét ra chưa vội. Hãy để những ngày tới cho tôi có thể nhìn kỹ hơn; vả lại thời gian buổi trưa cũng đã gần tàn.

Buổi chiều ở ngoài lán thủ công. Lê Sơn thấy tôi cũng làm được nhiều việc trong vấn đề sơn, vẽ và kẻ băng khẩu hiệu, phần nữa do phong cách sống trọng người của tôi nên anh đã thể hiện sự quan hệ thân mật hơn:

- Anh làm như vậy, chỉ ít ngày nữa là công việc chạy lắm. Mình phải biết điều chế cho vừa phải thôi, kẻo mệt về sau.

Anh cũng cho tôi biết, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Tết, vì vậy những khẩu hiệu này là để chuẩn bị treo dán cho trại cũng như cho cơ quan trong dịp Tết. Lê Sơn còn khoe: cứ vào dịp này hàng năm anh sẽ phải lên cơ quan để trang trí nhiều ngày, và như vậy có nghĩa: trà và thuốc lá là không chạy đâu được. Anh cười, nói thêm:

- Bộ đội và cán bộ có biết chó gì đâu!

Vừa để hưởng ứng, và cũng vừa muốn đề cao Sơn một tí cho anh vui, tôi cũng cười:

- Họ phải như vậy thì anh mới nổi bật và mới èo ọt với họ được chứ!

Không ngờ anh lại lắc đầu quầy quậy, nói giọng hơi bực:

- Thế mà có được cái chó gì đâu. Sang, hẩu lắm là một gói trà Đoàn Kết 2 hào, hay gói thuốc lá Trường Sơn 3 hào là hết bã.

Nói rồi, anh cúi xuống chỉ cho tôi làm tiếp một số công việc. Xong rồi anh hạ giọng:

- Bình làm đi, làm vừa phải thôi. Để ý thấy cán bộ hay người lạ lên đây, ho 2 tiếng báo động cho tôi.

Dặn tôi xong, anh quầy quả đi khuất vào phía trong nhà. Một lúc sau, tôi vào trong góc nhà chỗ Lê Sơn đang cắm cúi, hì hụi tôi mới hiểu: anh đang cưa một chiếc lược bằng nhôm. Thấy tôi vào, ngừng tay, anh rút trong túi áo nâu ra một cái bọc con bằng vải đen, bên trong là một cái lược nhôm sáng bóng. Anh nương nhẹ bọc nó trong miếng vải sợ tay sờ vào làm mờ cái bóng soi gương được của chiếc lược. Anh đưa cho tôi xem rồi nói trong dáng tự hào:

- Hiện nay lược nhôm này đang được anh em trong trại ưa chuộng lắm, để làm quà khi gia đình lên thăm. Ngay cán bộ, bộ đội cũng có người lén lút nhờ làm, cũng để làm quà cho thân nhân mỗi khi họ được về phép. Nhất là trại nữ tiêu thụ mới nhiều.

Tôi cầm, ngắm nghía chiếc lược: phía đầu có một cành hoa hồng cả nụ, hoa, lá uốn éo, mềm mại; phía chuôi là hai con thỏ say đắm ôm nhau. Nét khắc thật là điêu luyện, tuyệt vời. Nghe những chuyện anh nói tôi đã hiểu. Nhiều phạm nhân ở trại này cũng như ở các phân trại khác không thể làm lược được như Lê Sơn vì nhiều lý do: thời gian, uy tín, nguyên liệu là nhôm và dura, lại không biết liều lượng pha chế giữa nhôm và dura của máy bay Mỹ để cho lược vừa cứng vừa bóng, chưa nói là khả năng cưa và khắc nữa. Rất nhiều điều không thể, nên chỉ có mình Lê Sơn làm được chiếc lược tuyệt hảo như vậy. Điều đáng nói nữa là Lê Sơn biết kìm chế ở mức điều kiện cho phép, tham thì đổ, vỡ. Tất nhiên anh phải bắt mối với những anh tự giác để chạy nguyên liệu cũng như tiêu thụ. Giá Lê Sơn bán là: cái nhỏ 2 đồng, cái vừa 3 đồng, cái lớn 4 đồng.

Để có ý niệm thì một đồng bạc ở trong trại E hay trại trung ương số I lúc này thật là không nhỏ. Lương cả tháng của một người tù tập trung cũng chỉ có 1 đồng. Một ngày công lao động là 4 hào. Nếu ai lao động làm về một cái gì đó như mộc, rèn, xẻ. Có làm chết cha, chết mẹ gầy cả người đi thì một tháng mới may ra vượt được 3 - 4 ngày công. Như vậy cũng chỉ có 1 đồng 20 hay 1 đồng 60. Nhưng cả toán cũng chỉ dăm ba người làm được thôi.

Qua chuyện trò với Lê Sơn về việc này, tôi cũng có suy nghĩ: tôi mới lên trại được vài ngày, Lê Sơn và tôi tiếp xúc với nhau chưa nhiều, vậy hẳn anh cũng có cái nhìn về tôi như thế nào. Tôi cũng hiểu về kinh nghiệm sắc sảo, tinh tế xét đoán con người thì tôi chỉ là học trò của anh. Mới lên trại tù lạ, chung quanh toàn những người e dè, lấm lét, câm lặng trong một bầu không khí ngột ngạt mà lại được gặp ngay Lê Sơn. Tôi còn được hưởng cái thích thú nữa là có người đã hiểu mình và dám tin mình. Chính vì vậy mà ngay chiều hôm ấy tôi đã hỏi Lê Sơn và anh Quý có cánh tay cụt là tổ trưởng lán vernie này. Vì anh chỉ có một tay nên toàn trại đều gọi anh là Quý Cụt. Tôi không thể ngờ Quý Cụt lại cùng vụ với Phạm Huy Tân. Cả câu chuyện về cái đảng "Tân cách mạng Việt Nam phong trào" gọi tắt là TÂN PHONG từ trong hố sâu của thời gian 4 năm xưa ở Hỏa Lò lại ùa về tràn ắp lòng tôi. Chợt nhớ đến ông Chương chủ tịch đảng mà tôi ngưỡng mộ từ lâu; săn đón tôi hỏi Lê Sơn:

- À, vụ của Quý Cụt, nghe đâu còn người nữa là Chương thế nào"

Lê Sơn ngước đầu lên nhìn tôi, hơi một chút ngạc nhiên, rồi chẳng hiểu anh nghĩ sao, cúi đầu chậm rãi:

- Ông Chương đang ở toán 3 ấy!

Hỏi Sơn sang một chuyện khác, vì tôi chủ trương sẽ có một buổi gặp ông ta khi điều kiện cho phép. Nói chuyện với Sơn tôi được biết thêm: chẳng hiểu khi bị bắt, nội bộ đảng này có mâu thuẫn khai báo ra sao đó. Hiện giờ, giữa thằng Tân và Quý Cụt chẳng bao giờ nói chuyện với nhau, như muốn tránh nhau.

Mới khoảng 4 giờ chiều mà mặt trời đã đi đâu mất. Trong nhà vernie, ánh sáng nhạt đi rồi thẫm dần. Ngoài hiên đã có những hạt mưa li ti, trăng trắng như rây bột. Nhìn những hạt mưa bay đang quấn quít, dẫy dụa trên cây nứa cụt phía chái hồi như vẫy gọi, như nhắc nhở tôi về cái thú xưa. Cái thú ngay từ những ngày hoa mộng còn cắp sách đến trường mà bạn bè thân của tôi ai cũng đã biết. Dù đang làm gì, hễ cứ thấy mưa phùn bay là tôi mặc quần áo ra khỏi nhà, đi dưới mưa bay. Tại sao lúc này tôi lại không hưởng cái có thể của tôi, dù chỉ từ đây ra đến nhà cầu phía cuối lán thủ công" Nghĩ thế, tôi đứng dậy ra ngoài. Không được cái thú đi đường dài dưới mưa, thì ngồi nhìn mưa bay vậy. Thà chịu mùi hôi, tôi lên nhà cầu ngồi. Trong mưa bay dầy hạt, tôi đưa mắt nhìn toàn bộ khu thủ công. Nó là một hình thang méo, cạnh dài là phía cổng, nhìn xa xa là lá cờ và khu giám thị. Giữa khu giám thị và khu thủ công là một con đường đất rộng, dẫn ra phía trại xây đã hoang tàn mà tôi đã nhìn thấy trên đường vào đây, mấy ngày trước.

Chung quanh khu thủ công rào bằng những cây nứa chẻ đôi. Nứa dựng đứng, ghép sát vào nhau; buộc, kên chặt vào những chiếc cọc gỗ to chôn sâu xuống đất. Tuy rào nứa, nhưng chỉ có một lượt, lại thưa mắt cáo nên đứng ở trong lán nhìn ra ngoài đường, nếu có người đi lại cũng thấy thấp thoáng. Khác hẳn với hàng rào của trại giam, được kên chặt 2 lần của cả cây nứa, nên kín mít giữa trong với ngoài; vững chải, kiên cố như tường xây.

Trong khu thủ công gồm có hai lán dài chính và mấy chiếc nhà phụ. Lán dài nhất là lán làm mộc. Một gian đầu có vách kín dùng để kho chứa đồ, còn lại là 7 - 8 gian trống trơn không có vách. Mỗi gian có 4 cầu bào làm mộc đặt phía hai bên, để ở giữa có một lối đi rộng dọc theo nhà. Một lán chính giữa ngắn hơn là của toán xẻ gồm chừng năm sáu gian. Mỗi gian có 3 cặp xẻ với những khúc gỗ lớn dựng hơi nghiêng. Hai người một cặp với chiếc cưa to, dài ngoẳng. Một người đứng cao bên trên, một người đứng dưới, suốt ngày cứ kéo cưa lừa xẻ. Anh nào làm khỏe thì ăn 18 kg chất bột; anh nào làm vừa thì ăn 15 kg, còn anh nào làm yếu thì về….. không được bú mẹ mà được đi kỷ luật cùm.

Một chiếc lán nhỏ hơn, ngay cạnh lán của toán xẻ; có một số bác già yếu, tật nguyền, đan lát ở một bên. Còn một bên là một chiếc bễ lò rèn, cứ thở phì phò suốt ngày. Có lúc như cãi nhau với tiếng khò khè xẻ gỗ của toán 3 bên cạnh. Nhưng có lúc lại như thủ thỉ, nồng đượm, đắm say của chàng với nàng. Thực vậy, bất cứ ai đã vào đến khu thủ công này đều không thể quên được bản hợp xướng vĩ đại của trại E nơi núi ngàn Hoàng Liên Sơn.

Dài theo cả ngày, tiếng pắc pắc liên tục như tràng pháo tép của dùi đục, của búa con thuộc lán mộc. Tiếng pang pang của búa tạ lò rèn; tiếng khò khè than thở của toán xẻ; tiếng phì phò, phì phò hổn hển của đôi bễ cứ quyện vào nhau, quấn quít lấy nhau, xoáy lên một cộng hưởng tuyệt vời của bản đại hòa tấu: "lao động là vinh quang muôn đời".

Nhìn ra phía hai đầu, có hai gian nhà được dựng tách rời, riêng rẽ ở hai khu đất trống. Đó là hai nhà làm việc của hai tên cán bộ quản giáo toán hai và ba. Ngoài một căn chòi nhỏ ngay phía cổng có một tên vũ trang gác. Phía sau lán, có hai chiếc chòi cao làm sát vào hàng rào, cũng có hai tên vũ trang. Mỗi đứa một chòi, ngồi trên đó.

Mưa càng lúc càng dầy, càng nặng hạt. Tôi ngồi đã ê cả chân mà lòng vẫn còn muốn ngồi nữa, nếu không thấy 2 bác già đang run rẩy, đứng chờ dưới mưa lạnh thì tôi vẫn chưa về lán. Tôi ngồi viết, vẽ được một lúc lâu, đã mỏi cả người, vậy mà hồn tôi vẫn chưa hết chơi vơi với gió mưa ở ngoài trời. Nhìn những chiếc lá hình quả trám của cây Chò phía hông lán mộc, giẫy lên đành đạch từng hồi như muốn báo cho trại E biết, nàng Đông Bắc đã lại mò về.

Một nỗi nhớ nhung từng cơn như bẹo, chí lòng tôi. Cũng mưa bay, cũng gió thổi, mới buổi sáng hôm qua ở cái miền nhiều thương đau và cũng nhiều ngây ngất ấy; bây giờ xa vời vợi. Chẳng biết rằng, có lúc nào đó, người ấy còn nhớ đến tôi, đến một kẻ phải ôm một kiếp tù. Tay tôi làm việc, thỉnh thoảng tôi cứ nhìn ra mưa bay. Trong làn mưa lung linh ấy, rõ ràng một bóng hình thuôn thuôn, mềm mại với chiếc áo bông loang lổ hoa cà và làn tóc buông lơi vẫn đượm ngát mùi hoa nhài. Một vần thơ chẳng còn nhớ của thi nhân nào cứ lảng vãng trong hồn tôi: Để thương, để nhớ cho đời. Để vương vấn lại cho người xa xôi.

Nỗi nhớ từng cơn, từng cơn cứ cuồn cuộn lồng lên xé nát lòng tôi. Lúc giã từ, tôi cứ tưởng rằng, rồi đây ở nơi núi rừng hoang vắng, trong chỗ đen tối, lầm than của ngục tù; một trái tim đã bị cuộc đời vò xé, băm vằm tả tơi thì còn sá gì chuyện thương yêu. Nhưng người hỡi, tôi đã lầm!

Tôi đang để hồn đắm chìm vào niềm thương, nỗi nhớ thì chợt nghe có tiếng động ở chiếc cửa của hàng rào gỗ phía bên ngoài. Thoáng thấy tên cán bộ toán đang bước lên hè, tôi nhẹ ho 2 tiếng để báo động cho Lê Sơn. Từ lúc sáng do anh Lân, tôi đã biết tên của lão cán bộ toán là Kích, trung sĩ cán bộ tập kết. Khi y bước vào nhà thì Lê Sơn đã cầm bút vẽ đang choài người trên tấm khẩu hiệu như đang mải mê làm việc. Quý Cụt, tay còn cầm chiếc cọ từ phía trong đi ra lên tiếng trước:

- Chào cán bộ ạ!

Chúng tôi đều quay lại chào y. Vừa gật đầu, y vừa tiến lại chỗ tôi, nhìn những chữ tôi đang tô vẽ. Mặt y hơi sáng lên, chiếc đầu hơi nhúc nhích gật. Một tia nhỏ hài lòng nhoáng lên trong mắt y. Lê Sơn đứng hẳn lên quay người lại, với giọng Nghệ An khìn khịt:

- Còn 3 băng khẩu hiệu lớn nữa trên ban giám thị mà sơn đỏ và trắng đã gần hết. Đề nghị cán bộ phản ảnh với ban giám thị cho cán bộ đưa sơn vào để chúng tôi còn làm kịp thời gian trên đã ấn định.

Tên cán bộ đã bước gần lại chỗ đống lửa đang âm ỉ cháy giữa nhà. Hai tay y rút ra khỏi túi, quơ quơ trên ngọn lửa vừa lướt nhìn một lượt chung quanh nhà rồi lay lứt giọng miền Nam:

- Các anh phải nhớ, sơn phải về mãi Hà Nội mới mua được, vì thế phải triệt để nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo quản tốt. Dù là ở trong lán mặc lòng, mỗi ngày khi làm xong phải đem sơn bỏ vào tủ khóa lại.

Thấy toàn những chuyện không nhằm nhè gì đến mình, tôi lách mở cửa sau, lại ra nhà xí để đi giải nữa. Bên ngoài gió Đông Bắc càng lúc càng mạnh, những hạt mưa phùn càng to và dầy đặc hơn. Con đường mòn đã lầm bùn lên nhớp nháp, nhiều vết chân đi. Vừa đi giải tôi vừa run cầm cập, càng về chiều, trời càng lạnh. Đã cuối Đông, nàng Xuân sắp về với núi ngàn sao mà còn lạnh thế! Tôi nhìn những ống vầu to tướng cưa vát miệng. Hơn một chục ống dựng hàng loạt, nghiêng dựa vào một cây nứa nằm ngang, được buộc chặt vào hai chiếc cọc gỗ. Ống thì lưng lưng, ống thì đầy nước tiểu. Sáng hôm nay, qua Quý Cụt tôi đã hiểu: đây là một nguồn phân hữu cơ có giá trị kinh tế của trại. Nghe Quý nói, làm tôi nhớ đến buổi sinh hoạt của tổ Phan Thanh Vân tối hôm qua. Một anh đã phê bình một anh là đã đi giải không đúng chỗ quy định, làm lãng phí nhiên liệu. Nghe thấy lạ lùng khó hiểu, tôi cứ tưởng là họ đang phê bình một anh nào đó đi tiểu bậy bạ không đúng chỗ làm mất vệ sinh, chứ đâu có nghĩ là lãng phí nhiên liệu. Một ý nghĩ làm bụng tôi cũng nhúc nhích buồn cười: phải gọi là nhân liệu mới đúng.

Khi tôi trở về lán vernie thì tên cán bộ đã ra rồi. Tiến gần lại đống lửa, hơ tay cho đỡ cóng. Quý Cụt quay lại nhìn tôi, nói rổn rang như rắc sỏi:

- Bình mới nhập trại mà hên thật! Trời này, trong khu thủ công chỉ có lò rèn và lán vernie là duy nhất có lửa sưởi.

Tôi còn ngơ ngác chưa hiểu trọn ý của Quý Cụt, Lê Sơn đã giải thích:

- Mùa Đông rét căm căm, lạnh thun chim lại; được lao động trong lán là hạnh phúc rồi! Những toán làm rau, làm ruộng, vào rừng chặt cây, vác nứa v.v… Bình cứ tưởng tượng là thấy rồi. Trong lán thủ công, cái lửa của lò rèn là cái lửa của nghề nghiệp rồi, không nói. Còn lán vernie, dầu và vernie cần khô mới bóng nên phải đốt lửa.

- Như vậy là chúng ta bị sưởi, chứ không phải được!

Tôi nói tiếp, làm cả 3 đều cười thành tiếng. Trời càng về chiều gió càng lộng. Gió rào rào ở phía rừng cây thổi thốc vào trong nhà từng đợt. Nếu đóng cửa, có đống lửa thì cũng tương đối ấm. Nhưng lại bị tối lờ mờ thì làm sao mà viết với vẽ" Do đấy, dù lạnh đến cứng cả ngón tay không cầm được bút vẽ thì cũng đành phải mở cửa ra. Nhưng mỗi khi nghĩ đến, chẳng phải ở đâu xa, ngay anh em ở dưới lán mộc thôi, chung quanh, trống trơn không có vách, liếp, họ còn lạnh thế nào mà vẫn phải chịu, thì mình đây đã may mắn hơn họ nhiều rồi. Cứ nghĩ như thế là thấy bớt hẳn lạnh đi nhiều.

Khi toán tập họp ra về thì trời càng thẫm lại. Đứng ở sân tập họp, anh nào cũng áo bông, áo tơi chằng đụp, lếch thếch lôi thôi. Lại còn những chiếc mũ nữa chứ! Thôi thì đủ kiểu, đủ mầu, từ những mảnh chăn rách, đến những miếng dạ đã rụng hết lông tơ đều có thể túm, véo thành một chiếc mũ để chống cái lạnh của đất trời. Tôi cứ nhìn về phía Vân mãi. Dáng anh đã cao, lại đội một chiếc mũ, chẳng biết do anh hay người khác thiết kế: nửa dạ, nửa vải, tùm hụp che gần kín mặt; chỉ có một con mắt. Mỗi khi anh nhìn về phía này hay phía kia, tôi cứ cảm thấy lấp ló như mắt con cú mèo. Còn anh chàng Nguyễn Huy Lân nữa, thùm thụp khoác một chiếc áo bông tã cũng chằng đụp, không biết nên gọi nó là mầu gì. Chỗ nâu, chỗ đen, chỗ xám nhưng chỗ nào cũng xỉn lại vì vải đã lâu ngày và lâu ngày không giặt. Anh đang ôm một chồng sổ sách đi từ đầu hàng trở xuống dưới mưa bay dầy hạt. Cứ đến một đôi, đầu anh lại gật một cái, môi nhóp nhép như chào; nhưng thực ra anh đang đếm nhẩm số người anh điểm.

Người đứng trong hàng đã run, mà người đi điểm cũng ngắc ngư. Một phần nữa là bụng anh nào cũng chả có cái quái gì để có calo chống lạnh cả. Ai cũng mong cho nhanh, cho chóng, làm lẹ để còn về tổ ấm trong nhà tù. Mưa, gió rét lạnh như vậy mà khi toán về đến cổng trại vẫn thấy một anh đứng cạnh cổng, tay cầm một gói lá giong dại. Trong gói có chừng 3 lạng lá cải bắp già đã luộc rồi. Bên cạnh, là một bác chừng 45 hay năm chục tuổi, hay tay đang ôm 3 - 4 củ sắn nướng, nhiều chỗ đã đen xì. Cả hai cùng khoác áo tơi lá cũng đã tả tơi nhiều chỗ rách. Hai cái mặt thì tái ngoét, hai cặp môi xám xịt, cứ đứng chơ vơ ngoài gió lạnh, mưa Đông. Hai chiếc áo tơi lá cứ rung tít mãi lên, không hiểu vì gió hay vì người" Khi về đến gần ngang buồng, đang đi cạnh anh Bùi Tâm Đồng, tôi hỏi anh giọng băn khoăn:

- Tại sao họ không ăn ở ngay ngoài đồng, mang về trại làm gì để bị phạt, đứng lạnh khổ như vậy"

Anh Đồng quay hẳn sang nhìn tôi đăm đăm một giây, ánh lên vẻ lạ lùng rồi mặt anh trở lại tự nhiên. Chắc hẳn rằng anh đã hiểu, chỉ vì tôi chưa biết mới hỏi. Vừa đi vào buồng, anh vừa nói:

- Đôi khi toán làm ở ngoài đồng được cải thiện. Hoặc anh nào đó lén lút, xoay sở kiếm chác được cái gì cố liều, giấu mang về trại. Nếu may mắn mang thoát được vào trại sẽ ngấm ngầm móc ngược đổi lấy giấy viết thư, tem, phong bì hoặc thuốc lào, mà nếu không thì báo. Thiếu gì người có tiền, nhưng đói muốn mua.

Dù là mưa bay, nhưng mái tranh cũng nhì nhẹt nhỏ giọt. Mặt sân vẫn bùn đất, nhếch nhác vì thế các toán đều phải chia cơm canh ở những mái hiên hay vào trong hội trường. Trong lúc chia cơm, thỉnh thoảng tôi vẫn rõi mắt về hai người bị phạt còn đang đứng run rẩy ở phía cổng trại. Lòng tôi cứ ngậm ngùi, đầy vơi cho một kiếp người. Không biết bạn bè có ai lấy dùm cơm, canh cho họ hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.