Hôm nay,  

Câu Chuyện Thay Đổi

03/07/200800:00:00(Xem: 5150)
Khi thấy bất mãn hay nhàm chán về cuộc sống hiện tại, mỗi cá nhân đều mong muốn có sự thay đổi. Đó là lẽ thường của con người, nhưng khi nói đến thay đổi chính trị, chính quyền hay sách lược của cả một nước, vấn dề không đơn giản. Ở một nước dân chủ, sự thay đổi theo định kỳ đều do lá phiếu của người dân quyết định, ở một nước độc tài độc đảng vấn đề không phải dễ dù chính người dân nước đó nổi lên tạo thay đổi bằng bạo lực, máu sẽ đổ và nội chiến có thể kéo dài. Nhưng nếu một nước bên ngoài dùng vũ lực đánh vào để lật đổ một chế độ, vấn đề càng phức tạp hơn nhiều. Dù lực lượng bên ngoài rất mạnh có thể lật đổ mau lẹ một chế độ độc tài, nhưng khi có quân ngoại quốc đóng ở một nước, vừa dùng vũ lực ổn định vừa giúp xây dựng dân chủ, đó chỉ là một ảo tưởng. Tình hình hiện nay ở Iraq là một thí dụ điển hình.

Chiến tranh Iraq là một sự đã rồi. Mỹ không thể nào kết thúc "sự đã rồi" này bằng cách bỏ cuộc, rút hết quân về nước. Đánh Iraq là một sai lầm chiến lược của Tổng Thống Bush nhưng sau khi lật đổ Saddam Hussein, Mỹ còn phạm vào những sai lầm tai hại hơn nữa. Chiến sử chính thức của quân lực Mỹ công bố cuối tuần qua đã cho thấy sự quan ngại của giới sĩ quan cao cấp Mỹ phục vụ ở Iraq, từ lúc khởi đầu cuộc chiến tháng 4 năm 2003 cho đến tháng 1 năm 2005. Tướng Jack Keane, lúc đó là Phó Tham mưu truởng Lục quân Mỹ nói đến quyết định vào tháng 6 năm 2003 chuyển hết quyền chỉ huy liên quân ra khỏi bộ Chỉ huy các lực lượng Lục quân Mỹ sau khi liên quân đã chiếm được Iraq. Tướng Keane nói vì sự thay đổi này bộ Tư lệnh Mỹ đã phải mất từ 6 đến 8 tháng mới hoàn tất được một đại bản doanh mới có khả năng làm việc được. Trong thời gian đó quân đội Mỹ ngoài mặt trận đã nhìn thấy sự biến đổi trong thái độ của người dân thường Iraq, từ hoan hô Mỹ đổi sang thù ghét Mỹ chỉ vì nạn rối loạn cướp phá, làm mất sự an toàn của họ. Đồng thời các nhóm nổi loạn chống Mỹ bắt đầu thành hình. Khi mới chiếm Baghdad xong, quân đội Mỹ đã có thời cơ tạo tình thế mới, nhưng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội.

Ngay lúc đó, tướng Keane và tướng John Abizaid, Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Iraq, đã đặt thẳng vấn đề với với bộ Tổng Tham mưu ở Washington và nói: "Hãy nhìn đó. Hành động ngay đi. Hãy để chúng tôi có một đại bản doanh của cả liên quân ở đây. Chúng tôi có nhiều việc phải làm và Jerry Brenner (quản trị dân sự ở Iraq) có rất nhiều trách nhiệm, ông ta cần phải có sự giúp đỡ." Bản phúc trình dầy 720 trang của Viện Nghiên cứu Chiến đấu tại Fort Leavenworth, Kansas, cho thấy rõ các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã phạm phải từ sai lầm này đến sai lầm khác. Bản báo cáo đã nhấn mạnh đến hậu quả của việc thiếu hẳn quân đồng minh trong các trận đánh trên bộ ở Baghdad sau khi chiếm được Iraq. Có lẽ lúc đó ông Mỹ thấy đã thành công nên không muốn các ông bạn đồng minh của mình có mặt để dây máu ăn phần chăng" Đến khi tình hình thực tế ở Baghdad khác hẳn với dự liệu trước thì đã muộn.

Các quân sử gia Mỹ viết trong bản phúc trình những kinh nghiệm trước đã vạch ra rất rõ đáng lẽ Mỹ phải tăng thêm quân trong thời hậu Saddam ở Iraq. Về chương gọi là "Sự chuyển đổi sang chiến dịch mới", có đoạn viết "Liên quân đồng minh đã bất lực trong việc ngăn chặn trộm cướp, bảo vệ an ninh biên giới Iraq và canh gác các kho vũ khí khổng lồ ngay sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Bản phúc trình cũng ghi nhận: "Khoảng 150,000 quân Mỹ và đồng minh đã có mặt ở Iraq sau trận đánh chiếm Baghdad, vào thời điểm các kế hoạch gia Mỹ còn cho rằng chính quyền dân sự của Iraq sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành sau khi Saddam Hussein bị hạ và sẽ không có phong trào nổi loạn nào lớn lao. Thế nhưng đến khi chúng ta có đầy đủ phương tiện để thi hành kế hoạch đó, bọn phiến loạn đã đóng lại cánh cửa để chúng ta thực hiện kế hoạch."

Các nhà quân sử Mỹ viết: "Trước khi xẩy ra cuộc chiến Iraq, các kế hoạch dự liệu một sự giao chuyển quyền hành mau lẹ cho người Iraq để Mỹ có thể sớm rút quân ra khỏi nước này, cho người dân Iraq quyết định lấy tương lai chính trị của họ, một dự tính về sau đã cho thấy không thể nào thực hiện được". Tướng William Walace, đã từng là Tư lệnh Binh đoàn Lục quân V của Mỹ khi tấn công chiếm đóng Iraq, nói với các tác giả phúc trình: "Chúng ta đã có những dự đoán sai lầm, bởi vậy chúng ta đã thực thi một kế hoạch sai lầm." Nhưng các quyết định tai hại nhất đã được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2003, mà một số giới chức quân sự Mỹ tham gia gọi đây là thời kỳ có một cánh cửa mở ra để có cơ hội tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng mau lẹ một nước Iraq mới."

Trong số những quyết định thường bị chỉ trích nhiều nhất mà vào thời điểm cuối năm 2003 người ta đã thấy đăng tải trên báo chí Mỹ. Đó là việc giải tán mau lẹ quân đội Iraq và hệ thống Cảnh sát cũ của thời Saddam Hussein, đồng thời ra lệnh cấm những cựu đảng viên đảng Baath được tham gia làm nhân viên dân sự trong chính quyền mới. Chính những sai lầm đó đã đưa nước Mỹ vào con đường độc đạo ở Iraq, chỉ có tiến mà không thể quay đầu trở lại và cũng không thể ngừng lại để dậm chân tại chỗ. Quay đầu trở lại có nghĩa là bỏ cuộc ngang xương, tức là thua và bỏ chạy. Và nếu đã rêu rao từ trước nói đánh Iraq là đánh khủng bố, bỏ cuộc còn có nghĩa là thua bọn khủng bố. Một biến chuyển như vậy sẽ có hậu quả lớn lao trong mặt trận chống khủng bố trên toàn thế giới.

Còn dậm chân tại chỗ là đánh cầm chừng, không tiến mà cũng không lùi. Điều này kèm theo một câu hỏi: Mỹ còn chịu trận ở Iraq đến bao giờ" Cho đến nay đã có 4,113 quân Mỹ tử trận ở Iraq và hàng chục ngàn quân bị thương. Mặt khác Thượng viện Mỹ đã chấp thuận cấp cho chính phủ Bush 162 tỷ đô la để chi cho các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan cho đến khi Tổng Thống mới tựu chức vào đầu năm tới. Như vậy vị Tổng Thống mới của Mỹ sẽ có hân hạnh được làm thế nào giải quyết "sự đã rồi" để đưa nước Mỹ ra khỏi con đường độc đạo ở Iraq, một còn đường đầy rẫy chông gai hiểm ác của nạn nội chiến hệ phái tôn giáo và sắc tộc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.