Hôm nay,  

Phố Nắng: Đời Là Một Chữ “Hạp”

03/06/200800:00:00(Xem: 2598)
Kính thưa bà con,

Nghe qua những tin tức về sự đàn áp ở Tây Tạng, chiến tranh Iraq, có lẽ phần lớn chúng ta đều đồng ý với câu triết lý bình dân: Đời là bể khổ.

Song "đời là bể khổ" thì cũng không đúng hẳn, vì có lắm người cũng đã tìm thấy hạnh phúc trong đời. Thực ra, thưa bà con, đời không đến nỗi là bể khổ, mà chắc phải nói "Đời là một chữ Hạp". Cả cuộc đời vui khổ của chúng ta xoay quanh một chữ, đó là chữ Hạp. Hễ Hạp thì vui sướng thoải mái, mà không Hạp là khổ ải trầm luân. Hạp là nói theo tiếng miền Nam, người miền Bắc còn gọi là Hợp.

Kính thưa bà con, để hiểu thấu cái kỳ diệu của chữ Hạp, ta cần phải đi từ căn bản. Những cái Hạp căn bản này dựa trên giác quan sinh lý của con người, nghe qua thì phàm tục, nhưng lại là nền tảng cho những cái Hạp cao siêu, cao cấp hơn.

Đầu tiên là Hạp nhỡn, hay Hợp nhãn, nói thế nào cũng cùng nghĩa. Thấy một anh đẹp trai, cô gái len lén ngắm; thấy một phong cảnh hữu tình, người ta thưởng thức. Đó là hạp nhãn. Ăn một món mà cảm thấy ngon là Hạp khẩu. Nghe một bản nhạc mà ta thấy hay thì là vì Hạp tai, hay Hợp nhĩ.

Nhưng thưa bà con, nếu trên đời mà cái gì cũng Hạp hết thì làm gì có khổ. Chỉ lấy vài cái ví dụ nho nhỏ thì chúng ta cũng đã thấy đời không phải chỉ có một chữ Hạp trơ trọi, mà nhiều khi còn có chữ Không Hạp.

Một vật, một việc, một hoàn cảnh có khi Hạp với người này, lại không Hạp với người khác. Thí dụ như trái sầu riêng, có người Hạp thì khen mùi sầu riêng thơm, có người không Hạp thì bảo là thúi hoắc. Ví dụ như nhạc Bolero Chế Linh Thanh Tuyền, có người Hạp thì nghe cảm động sụt sùi, người không Hạp thì bảo là cải lương, hay nhạc Sến. Nhiều khi có một vật Hạp với ta ở chỗ này, mà lại không hạp chỗ khác. Ví dụ như mắm nêm, ăn thì Hạp khẩu, nhưng nếu dùng để ngửi hay xức, như xức dầu thơm, thì e rằng không Hạp lỗ mũi. Chữ Hạp phức tạp vô cùng, thưa quý vị.

Nhưng chữ Hạp mà dừng ở ngũ giác thì đâu có trọn vẹn. Thí dụ, anh A thích nhìn phụ nữ mặc áo dài, mà tôi cũng vậy, anh A thích bàn chuyện chính trị mà tôi cũng thích nghe, vậy gọi là Hạp gout, đó là nói theo tiếng Pháp, thưa quý vị. Nói theo kiểu Ăng Lê là hợp cái taste, còn nếu nói theo tiếng Việt mình, thì là Hạp khẩu vị. Cả ba thứ tiếng, Anh, Pháp, Việt, đều dùng vị giác để diễn tả những cái Hạp về ngoại hình, về đề tài nói chuyện, lạ quá phải không thưa bà con" 

Và thưa bà con xuất thân giống nhau là Hạp bối cảnh, kết nhau là vì Hạp nhãn, thông cảm được nhau là vì Hạp ý, sống với nhau được lâu bền là nhờ Hạp tính, Hạp tình. Nếu Hạp tuổi thì mần đám cưới, mà nếu phải chia tay nhau, vì không còn Hạp nhau nữa, thì nhiều khi, cũng là điều... Hạp lý thôi.

Mỹ, Anh, Úc, Hạp nhau về nhãn quang và quyền lợi nên liên minh. Trong khi đó cũng vì không hạp nhau về chính kiến, niềm tin hay quyền lợi mà Chechnya nổ trường học Nga Sô, mà Jemaah Islamiyah cho nổ toà đại sứ Úc ở Jakarta. Biết bao nhiêu thương vong. Không Hạp dẫn đến tang tóc, đau khổ, thưa bà con..

Nhưng nói càng xa thì càng dễ lạc đề, trở lại bản thân của chúng ta. Vì không Hạp với chế độ Cộng Sản, mà không Hạp là bất hạnh, nên ta bỏ nước ra đi, tìm chỗ nào Hạp hơn. Một số vị cao niên có lẽ không Hạp về cách cư xử của con, cháu, dâu, rể theo lối Tây phương, và không hạp với đời sống ở đây. Hễ sống thấy Hạp thì ta mới vui vẻ, hạnh phúc, sống mà không Hạp với môi trường thì ta thấy uể oải, bất hạnh ngay.

Nhưng lỡ không may, ta lọt vào một hoàn cảnh không Hạp, thí dụ như tha hương, mất nước, thí dụ như bị tình phụ, bị thi rớt, thì ta phải làm sao" Chẳng lẽ để đời bất hạnh mãi sao"

Thưa bà con, trong cái bất hạnh vì không Hạp hoàn cảnh, người ta có hai cách giải quyết, tuần tự như sau: trước tiên là thay đổi hoàn cảnh, và nếu như hoàn cảnh không thể nào thay đổi được, thì ta tự thay đổi con người mình, cho ta Hạp với hoàn cảnh. Có lẽ ta thường thấy thay đổi người khác, hay hoàn cảnh dễ hơn tự thay đổi bản thân.

Nói về việc thay đổi hoàn cảnh thì lại có hai cách. Một là sửa đổi hoàn cảnh, ví dụ như ta không Hạp chế độ Cộng sản thì lật đổ chế độ, hoặc ta không thích bạn trai làm biếng thì tìm cách làm anh ta bỏ tật làm biếng. Đó là cách thứ nhất, sửa đổi hoàn cảnh. Còn cách thứ hai, cũng là thay đổi hoàn cảnh, nhưng không phải sửa đổi nó, mà bỏ nó, tìm hoàn cảnh mới. Thí dụ như không Hạp chế độ CS thì ta vượt biên, không Hạp với người bạn trai làm biếng thì ta bỏ ảnh.

Nhưng có nhiều khi thưa quý vị, việc thay đổi hoàn cảnh hoàn toàn ngoài tầm tay của chúng ta. Thí dụ như mất mát người thân, thí dụ như bị đứt gân máu, nằm bán thân bất toại. Chắc chắn không ai Hạp với những hoàn cảnh ấy cho nổi, nhưng cũng không ai thay đổi được những hoàn cảnh này. Thường, trong con đường cùng này, người ta nhảy sang bước thứ hai, thay đổi chính mình để Hạp, hay nói văn hoa hơn là để thích nghi, với hoàn cảnh.

Tóm lại thưa quý vị, một là ta thay đổi hoàn cảnh để nó Hạp với ta, hai là ta tự thay đổi để Hạp với hoàn cảnh.

Nhưng làm sao để có thể thay đổi mình để hợp với mọi hoàn cảnh, cho dù có éo le đến đâu" Thưa bà con, khuôn khổ của một bài viết ngắn thực tình không đủ để đi sâu vào câu trả lời cho câu hỏi này, bởi vì nó có thể dài như một lý thuyết tôn giáo. Hôm nay, chúng ta chỉ biết, hễ không Hạp với hoàn cảnh thì thấy Đời là bể khổ, còn nếu Hạp thì Đời cũng đáng yêu. Cho nên, nói "đời là bể khổ" thì chưa hoàn toàn đúng. Đời, thưa bà con, là một chữ Hạp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.