Hôm nay,  

Truyện Ngắn: Bình Kem Không Đông Lạnh Của Chị Tôi...

28/04/200800:00:00(Xem: 4620)

Tặng Chị Hương và Chị Trinh tôi, những thiên thần của Thượng Đế.

*

Tôi là con trai trưởng, sinh ra đời sau một loạt 4 người chị gái nên tôi rất được nuông chiều. Bốn người chị lớn của tôi tên là Trinh, Mai, Hương và Lan. Chị Lan tôi mất đi khi còn rất bé nên tôi cũng chẳng nhớ được mặt mũi của chị như thế nào. Tôi nghe nhiều người kể lại rằng chị Lan rất dễ thương.
Một người nữa, chị Mai, mất lúc tôi được 6, 7 tuổi nên cũng tôi còn nhớ chị chút chút, và đặc biệt, một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được trong đời tôi.
Hồi đó, thầy mẹ tôi còn làm ăn khá giả, bố tôi làm Dân Biểu Quốc Hội nhiệm kỳ đầu tiên là nhiệm kỳ thành lập Hiến Pháp. Tôi nhớ mãi, chị Mai tôi không biết bị đau bệnh gì mà phải vào nằm nhà thương nhiều ngày.
Một ngày, đúng hơn, một buổi sáng, tôi nhớ mãi, tôi và thằng em ruột tôi, nhỏ hơn tôi một tuổi, thằng Bích (sau này tử trận ở Tân Cảnh năm 1972) thức giấc vào lúc trời còn rất tối. Hai đứa đang còn nằm trong mùng vì nhà hôm ấy không hiểu sao có rất đông người và ồn ào quá sức. Tôi thì không biết gì nhưng thằng Bích, không biết lượm được tin tức ở đâu, nằm trong giường nói lớn cho tôi biết tin là chị Mai đã chết.
Tôi bàng hoàng chưa biết nghĩ như thế nào thì thằng em ngu dốt và tội nghiệp đã phang thêm một câu kinh hoàng:
-Chị Mai chết là đáng kiếp Nhị hén, ai biểu hồi còn sống chỉ cứ đánh tụi mình hoài.
Nghe như thế, đáng lẽ ra tôi đã phải ngồi dậy mà tát cho nó một cái bợp tai nhưng không hiểu sao, tôi vẫn nằm im không làm gì, và, dù lòng tôi nghĩ khác nhưng tôi cũng đành "ừ" một tiếng cho nó vui lòng. Không ngờ hai câu trao đổi này được người nào đó nghe được và truyền đi đầy nhà và tôi bị mấy bà chị chê trách, bảo "Thằng Bích nó nhỏ nó không biết gì nên nói thế, còn em lớn rồi, em lại "ừ" với nó nghĩa là làm sao""
Tôi chẳng trả lời câu hỏi này được và mãi cho đến bây giờ, đã 50 năm qua đi, tôi vẫn không thể nào quên được sự thờ ơ của mình vào buổi sáng hôm đó...
Lại thêm một kỷ niệm khác với chị Mai.
Hồi đó các bà chị có bổn phận phải cho tôi ăn cơm. Hôm ấy, không hiểu vì một lý do nào đó, tôi nhất định không chịu ăn cơm. Chị Mai đi theo tôi, dỗ dành, năn nỉ, hứa hẹn, nhưng tôi nhất quyết không ăn là không ăn.
Thấy chị Mai dỗ dành quá, tôi đành chỉ một đĩa cá chiên không có nước gì cả và bảo:
-Chỉ đổ cho em nước... cá chiên thì em mới chịu ăn.
-Cá chiên không có được gì cả, làm sao đổ cho em được"
Tôi lắc đầu bướng bỉnh:
-Không đổ nước thì em không ăn...
Tội nghiệp chị tôi, phần vì thương em, phần vì sợ bị la rầy nếu tôi không ăn cho nên chị đưa hết đĩa thức ăn này đến đĩa thức ăn khác để dụ tôi.
Nhưng tôi vốn là một thằng bé lém lỉnh, bao nhiêu món ngon vật lạ ở trên bàn, trong tủ Garde-manger (hồi đó chưa có tủ lạnh) mà chị lấy ra để dụ tôi, tôi đều lắc đầu từ chối. Tôi chỉ muốn ăn cơm với nước... cá chiên vì tôi biết cá chiên không có nước. Rắn mắt như thế đấy...
Bỗng dưng, chị Mãi nghĩ ra một chuyện và nói:
-Nếu em muốn quá thì để chị lấy nước cá chiên cho em ăn...
Nói xong, thay vì lấy muỗng để múc nước cá chiên, chị lấy một đôi đủa rồi cầm đĩa cá chiên lên, nghiêng đĩa cá, lấy đủa kề vào miệng đĩa như người ta vẫn thường làm để nước chảy theo đũa mà xuống, khỏi đổ ra ngoài. Đổ nước cá chiên... tưởng tượng xong, chị cầm lấy chén cơm của tôi lên, dùng muỗng trộn ngon lành y như là vừa đổ nước cá chiên vậy...
Xong rồi, chị đưa chén cho tôi, bảo:
-Chị trộn hết nước vào trong chén rồi đó, ăn đi cho nó ngon. Ăn xong chị cõng em đi chơi.
Dĩ nhiên là cái trò dùng đũa để đổ như thế làm sao qua mắt một thằng bé tinh quái như tôi được, tôi cầm chén cơm lên rồi vặn hỏi:
-Nước cá chiên đâu sao không thấy"
-Chị trộn hết rồi.
-Chỉ nói láo.
-Đây, để chị đổ thêm một lần nữa cho em thấy...
Tôi không nhớ rõ chuyện ấy chấm dứt như thế nào, tôi có ăn hay không, nhưng tôi nhớ mãi chuyện này dù 50 năm trời đã trôi qua. Tình yêu của gia đình tôi dành cho tôi thật không thể nào nói được...
Chị Mai đi rồi, nhà cửa càng ngày càng trở nên sa sút cho đến khi chúng tôi lớn khôn thì gia đình chẳng còn gì. Gia đình bắt đầu lâm vào cảnh nghèo đói. Nghèo đói đến độ, buổi sáng đi học, nhiều khi không có gì để ăn. Thành phố Ban Mê Thuột mùa đông trời lạnh, con nít tuổi còn đang lớn mà buổi sáng nhịn đói ngồi trong lớp học chỉ nghĩ đến mấy ổ bánh mì thịt thơm lừng mà đám bạn bè chung quanh đứa nào hầu như cũng có một khúc...
Nhưng dù nghèo hay dù sang, chị em chúng tôi vẫn được nuôi cho đi học đầy đủ và chúng tôi lớn dần lên với nhau trong tình thương của cha mẹ, trong tiếng cầu kinh ở giáo đường vào mỗi buổi sáng, và chị em đùm bọc lẫn nhau để sống với đời. Nhiều khi, chúng tôi phải sống trong sự khi dễ của hàng xóm và cả bạn bè. Phải sống trong sự nghèo khổ rồi mới hiểu thấm thía được sự cay độc cũng như sự bao dung của con người...
Nhưng ngồi nghĩ lại, chính nhờ những chuyện này, ngay từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã học được cách "coi thường dư luận." Dĩ nhiên rằng vì nhà tôi nghèo, tôi bị hàng xóm và bạn bè trong lớp coi rẻ, và chuyện đó theo tôi, cũng là một chuyện thường tình thôi. Bởi vì gia đình mình như thế cho nên người ta mới coi mình như thế, và ai muốn coi thường tôi, muốn khinh tôi hay thậm chí, nói xấu chế nhạo tôi sau lưng tôi, tôi không cần nghĩ đến. Lý do dễ hiểu là những chuyện gì xảy ra... trong đầu của người ta thì mình làm gì được mà lại thắc mắc để làm gì. Những gì xảy ra sau lưng mình cũng thế, mình không biết thì đành chịu. Vấn đề quan trọng là, trước hết, tôi không bao giờ tự khinh mình và thứ hai, tôi không thể nào để người ta khinh tôi được. Nhất định không bao giờ thèm mở miệng xin ăn hay ăn ké, hay giả vờ như nhà tao cũng có của có tiền như nhiều thằng bạn khác trong lớp...
Tôi hơi dong dài một chút như thế để bắt đầu vào chuyện cái ly kem lạnh của chị tôi...
Tuổi học trò có nhiều cái thú và một trong những cái thú lớn nhất là thú... ăn quà vặt. May mắn thay cho những thằng con nhà giàu, đến giờ ra chơi thì ùa ra khỏi lớp, sà tới những xạp bán hàng dạo rồi móc tiền ra mua nào là kẹo, bánh, cà rem, xoài, ổi, quít vân vân và vân vân... Ngược lại, đối với những thằng học sinh con nhà nghèo thì cần phải lánh xa cái đám này càng xa càng tốt để khỏi bị thèm muốn và ... đau lòng. Suốt gần chục năm đi học tiểu học rồi đến trung học, hình như tôi chỉ có tiền được một hay hai lần để mua quà vặt mà ăn.
Về đến nhà, lâu lâu, chị em chúng tôi cũng đem chuyện ở trường ra kể với nhau và một lần nào đó, tôi vô tình nhắc đến chiếc xe bán Kem dạo ở trường...
Chiếc xe là một cái thùng thiếc lớn được đặt vừa vặn lên một chiếc xe ba gác. Để điều khiển, người bán hàng đạp xe hoặc đôi khi phải đẩy vì đường Ban Mê Thuột có chỗ có nhiều dốc cao. Khi đến trường, người bán hàng mở một cái dù ở ngang hông cắm lên cao, lấy ba bốn chiếc ghế bố nhỏ để xuống chung quanh, bưng ra một thùng nước nhỏ để ngâm cây xúc kem ở trên đầu thùng. Sau đó, ông ta để một đĩa đựng kem làm bằng bột với đủ thứ màu xanh đỏ tím vàng ở bên cạnh thùng nước nhỏ. Chưa hết, ông cúi xuống, lấy ra một hộp đậu phụng, một hộp sữa đặc (toàn là những thứ ngon chết người) để ngay bên cạnh những thứ kia.
Thế là một tiệm kem lạnh dã chiến đã hình thành...
Xong xuôi, ông đi qua đi lại, thỉnh thoảng thò tay cầm cái đĩa xúc kem rất là ... khoa học tối tân ra, bóp cách cách vài cái nghe rất là êm tai để làm tăng thêm phần... long trọng của chiếc xe kem.
Cái cảnh này đơn giản như thế nhưng mỗi lần nhìn ông bán kem hì hục đạp chiếc xe kem tới thì chúng tôi, dù không ai bảo ai, nhưng ai cũng lẳng lặng quan sát...
Nội nhìn cái hình vẽ ở ngoài thùng là đủ thấy hấp dẫn rồi, đến những cái bánh bột đủ màu dùng để đựng kem coi sao mà xinh quá không biết. Nhìn không cũng đủ chết người rồi, nói gì đến chuyện cầm một ly kem lên mà ăn.
Ban Mê Thuột là một thành phố nhỏ và hình như chỉ có một hay hai chiếc xe kem như thế cho nên, anh bán xe kem này thường đi hết trường này đến trường kia để làm cho những thằng học sinh con nhà giàu sung sướng và con nhà nghèo thèm thuồng đau khổ.
Chị Hương tôi cũng có một tâm trạng giống y như tôi. Chúng tôi chỉ kể cho nhau nghe như thế thôi, bởi vì, chúng tôi biết rằng sống trên đời, một cách đừng làm cho mình đau khổ là đừng bao giờ mơ ước những gì mình không thể có được. Đành phải chờ đến tết vậy...
Một hôm, chị Hương tôi đi học về, hí hửng bảo chúng tôi rằng tuần tới chị sẽ được chỉ dẫn cho làm kem lạnh. Số là, trường chị học có một cái giờ gọi là giờ "Nữ Công Gia Chánh" hay "Nấu Nướng Gia Đình" gì đó, thỉnh thoảng trường cũng chỉ cách cho học sinh làm vài món ăn để về nhà làm thử. Trời xui đất khiến thế nào không biết, chị Hương tôi được chỉ cho cách làm kem...
Như thế là ... trúng số rồi. Chuyện mình không bao giờ dám nghĩ đến lại sắp sửa xảy ra cho tôi. Tôi hỏi, chị trả lời một cách hãnh diện:
-Cô giáo bảo làm kem dễ lắm. Mình cần phải có bột mì, có trứng, có sữa, có bơ, có đường rồi một một phần nước đá là có thể làm được. Cô giáo chỉ nói sơ sơ có thế thôi, phải chờ đến giờ gia chánh tuần tới cô mới đưa cho công thức và chỉ cho chị làm. Chủ nhật tuần sau là chị có thể làm kem cho em ăn được...
Nghe như thế thì mắt tôi sáng lên. Cái đầu ngu dại liền nghĩ rằng nếu chị tôi làm kem hay thật thì không chừng tôi sẽ nghỉ học và mượn tiền đi đóng một cái xe như xe của lão... kem để đi bán kem cho thiên hạ ăn, và cả tôi cũng được ăn nữa...
Thằng em tôi nuốt nước bọt:
-Phải đến chủ nhật tuần sau mới làm được à"
-Ừ, chị phải đi mua đồ, phải chuẩn bị kỹ càng, phải mượn thêm một ít đồ lặt vặt mới làm được. Làm kem dễ nhưng mất nhiều công phu, chị phải có một ngày nghỉ mới làm được.
Tôi lên mặt anh cả nói, dù trong lòng cũng rất háo hức chẳng kém gì nó:
-Không ăn trước thì ăn sau, trước sau gì cũng được ăn mà.
Rồi ngày chủ nhật mong đợi cuối cùng cũng đến. Chị Hương tôi không biết đi mượn ở đâu, lễ mễ đem về nhà một cái sô bằng nhôm khá lớn, đổ đầy nước đá vào, rồi nấu bột, pha trứng, bận rộn liên tay một lúc khá lâu...
Anh em tôi đi ra đi vào, thấy chị cân cân đo đo, bao nhiêu bột, bao nhiều nước, bao nhiêu sữa, bao nhiêu đường vân vân và vân vân, mọi người ai nấy đều cảm thấy vừa bồn chồn vừa hí hửng. Chúng tôi thấy chị Hương tôi... tài hoa quá.
Mấy tiếng đồng hồ sau, đầu tóc còn dính đầy cả bột, tạp dề còn đầy cả lòng đỏ và lòng trắng trứng gà, chị tôi đưa tay cầm một cái bình gì lớn bằng một đòn bánh tét và hãnh diện bảo chúng tôi:
-Kem đây. Bây giờ chị chỉ cần ngâm vào cái sô đá này chừng 3 tiếng đồng hồ thì cả nhà mình sẽ có kem ăn ngày hôm nay.
Cái bình giống đòn bánh tét được ngâm vào trong chậu, lấy bao bố ủ lại cẩn thận. Và cái thời gian chờ đợi nó dài làm sao. Tôi và mấy đứa em cứ đi qua đi lại, hết nhìn đồng hồ rồi đến nhìn xuống cái bịch kem, rồi đến nhìn bà chị bây giờ thấy cũng có vẻ đang lo lắng một việc gì đó...
Thỉnh thoảng, mấy thằng em tôi, chờ không nổi, đành len lén mở bao bố và mở nắp... đòn bánh tét nhìn vào để xem thử kem đã thành chưa. Hết thằng này đến thằng kia, cuối cùng chị tôi phải hét lên, đuổi hết chúng nó đi, bảo:
-Mấy em cứ mở ra mở vào như thế thì làm sao kem đông lạnh được.
Tôi phải dắt chúng nó ra sau nhà hái ổi để chờ cho kem đông lạnh...
Chúng tôi chơi ngoài vườn lâu lắm, dễ chừng đến gần chiều mới trở vào nhà, mặt mày hí hửng, sẵn sàng đón nhận những ly kem ngọt lịm từ tay chị tôi...
Nhưng những gì anh em chúng tôi thấy là một chuyện hoàn toàn khác hẳn. Chị tôi ngồi ngay bên cạnh cái sô làm kem, mặt mày méo xệch đi một cách thảm nảo.
Mấy thằng em tôi nhao nhao lên hỏi kem, chị chỉ lắc đầu trả lời một cách chán chường:
-Kem chưa đông. Phải chờ chút nữa đi.
Thế là những tiếng ồn ào phản đối trong đám em tôi nổi lên. Nào là "sao ăn có tí kem mà bắt chờ lâu thế," nào là "Chờ gãy cả cổ ra rồi mà còn phải chờ nữa sao," nào là "biết thì làm, không biết thì đừng làm," vân vân và vân vân, toàn là những lời lẽ chẳng tốt đẹp gì của những đứa con nít đói ăn và đang sợ không được ăn kem.
Phần tôi, tôi cũng giật mình, liền hỏi bằng một giọng lo sợ của một thằng bé.... có thể mất kem ăn như mấy đứa em tôi:
-Chị nói ba giờ, bây giờ đã quá ba giờ rồi sao kem vẫn chưa đông"
-Ừ, chị cũng biết thế nhưng cô giáo nó có khi lâu hơn 3 giờ kem mới đông được. Mấy em ráng chờ chừng tiếng đồng hồ nữa đi...
Như thế thì đành phải chờ thôi nhưng không hiểu sao, tôi ngờ ngợ có cảm giác rằng kem sẽ không đông được. Lúc đó tôi chẳng biết gì về nghệ thuật làm kem nhưng không hiểu sao lại có cảm giác như thế.
Chị tôi ngồi nhìn lên cái kim đồng hồ nhích từng từng nấc một và lòng chị hình như cũng chùng xuống đi một chút theo những nấc của cái kim đồng hồ. Mặt chị buồn rời rợi, buồn như vừa bị mất một cái gì lớn lắm...
Cuối cùng, một ông mãnh nào đó trong đám em tôi nhảy dựng lên, chỉ vào cái kim đồng hồ và la lên thật lớn:
-Một giờ nữa rồi. Chúng mình cùng... ăn kem đi thôi.
Cả bọn ông mãnh còn lại cùng nhao nhao lên, sẵn sàng tấn công cái hộp kem... giống như đòn bánh tét của chị tôi...


Chậm rãi và với một bộ mặt rầu rỉ, chị Hương tôi đi tới cái sô, dở bao bố và bưng cái ... đòn bánh tét ra. Chị mở nắp, nhìn vào nó rất cẩn thận, rất tỉ mỉ...
Anh em chúng tôi nín thở chờ đợi.
Chị nhìn như thế một lúc rồi bỗng nước mắt chị ứa ra, quay lại nhìn chúng tôi vừa khóc buông một câu nói mà tôi nghĩ là câu buồn nhất đời chị:
-Kem không đông rồi...
Mấy thằng em tôi phản đối ầm ỉ vì viễn ảnh đen tối của ly kem, tôi phải tát cho thằng gần nhất một cái rồi hỏi chị tôi:
-Chị có biết tại sao không đông không hở chị"
Chị Hương để đòn bánh tét lên bàn, chùi nước mắt:
-Chị cũng không biết tại sao nữa. Cô giáo dặn như thế nào, chị làm y như thế đó, không sai một chút, không thừa một cái gì. Thế mà, không hiểu tại sao nó vẫn không chịu đông.
Tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc:
-Thế thì mình ngâm nó thêm một tiếng đồng hồ nữa được không"
Chị tôi lắc đầu:
-Nước đá tan hết rồi, ngâm cũng chẳng được gì...
Nói xong, chị tôi quay người cất bước, đi ra phía sau nhà...
Tôi hỏi vọng:
-Tụi em cứ... đớp đại nhé. Đông hay không đông cũng thế...
Chị nói mà không quay lui:
-Ừ ăn hết đi, đừng để dành cho chị.
Thế là bọn anh em chúng tôi, đứa ly đứa chén, xông vào làm thịt cái bình đựng kem như một đàn hổ đói...
Tôi là anh cả, chia cho chúng nó mỗi đứa hai muỗng thật lớn. Có thằng còn lanh mồm bảo:
-Sao cho ít thế" Chị Hương bảo ăn hết đi đừng để dành cho chị mà.
-Câm họng lại và ăn đi.
Trong lúc tôi đang bận rộn chia kem thì một ông mãnh nào đó đã được nếm mùi, liền lớn tiếng phê bình:
-Kem kiếc gì mà ăn chẳng giống ai cả. Chẳng thà đừng làm.
Một thằng khác:
-Mất công chờ nguyên buổi chiều...
Tôi quát lên:
-Câm họng hết, tao không muốn nghe một lời phê bình nào nữa. Đứa nào chê đem đây tao, tao ăn cho.
Một thằng khác lên tiếng như muốn hòa giải:
-Nhưng nó ngọt ngọt bùi bùi ăn thấy cũng ngon ngon...
Cuối cùng, tới phiên tôi, tôi xúc kem và ăn thử. Thật ra thì nó có mùi vị vanila, mùi vị sữa, nhưng hơi tanh tanh. Nhưng ăn cũng không đến nổi tệ.
Anh em tôi, tuy chê bai như thế nhưng chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ, cái bình kem đã được thanh toán sạch sẽ, không còn một chút dấu vết nào...
Tôi phân công rửa chén cho chúng nó rồi đi ra sau nhà tìm chị tôi...
Tôi thấy chị ngồi một mình trên một cái bệ xi măng gần hồ nước, mặt buồn rời rợi, dõi mắt nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm...
Không hiểu sao, tôi thấy tội nghiệp cho chị tôi quá. Chắc chị phải buồn và thất vọng lắm. Chị làm kem để cho chúng tôi ăn chứ không phải cho chị. Bây giờ, chị làm không được, chúng tôi thất vọng, chị buồn...
Tôi tới gần chị nói láo:
-Kem ăn cũng được lắm chứ không đến nổi nào...
Chị tôi không nói gì, mặt vẫn buồn rời rợi, cặp mắt vẫn dõi lên cao. Tôi lại nói:
-Kem ăn rất ... giống kem, chỉ tội cái là nó không đông thôi...
Chị tôi chắc cũng biết tôi nói dối nên cũng chẳng nói gì...
Nhưng lạ lùng thay, sáng sớm hôm sau thức giấc, chị tôi hoàn toàn vui vẻ, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Kể từ ngày đó trở đi, chị tôi không còn có dịp nào làm những thức gì khác cho anh em chúng tôi nữa, và chắc chắn, chuyện làm kem đã chìm vào quên lãng trong lòng mọi người trong gia đình tôi, như những chuyện lặt vặt hằng ngày khác đã xảy ra và được quên đi thật nhanh trong những trí óc thơ dại...
Riêng tôi, không hiểu tại sao, tôi không thể nào quên được câu chuyện nhỏ nhưng hơi buồn này. Có lẽ, tại những giọt nước mắt và bộ mặt thảm sầu của chị tôi mà tôi đã nhìn thấy được khi chị tôi nhận ra là kem đã không đông được. Tôi đã đã bị những giọt nước mắt này ám ảnh mình suốt đời...
Cứ trong một gia đình bình thường thì khi một bà chị làm kem cho các em, kem không đông được thì vất nó đi là xong hết mọi chuyện. Nhưng chị tôi đã khóc. Tôi biết chị tôi khóc vì nhiều lý do và lý do quan trọng nhất là đã làm đám em của chị thất vọng. Lý do thứ hai là tiền mua các thứ để làm kem cũng không phải là nhỏ. Đối với một gia đình bình thường thì chẳng có là bao nhưng với một gia đình nghèo như gia đình tôi, số tiền mua đồ làm kem có thể tất cả những số tiền dành dụm nhỏ nhoi của chị. Những một đồng, hai đồng, thỉnh thoảng được mẹ cho khi đi mua bán về, chị góp nhặt, vuốt từng tờ giấy bạc phẳng phiu, và để dành không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng... Cuối cùng thì móc hết ra để làm kem cho các em ăn. Nhưng kem thì chẳng đông được...
Còn nỗi buồn nào lớn hơn cho một người con gái 13, 14 tuổi trong một gia đình nghèo có đông anh em. Nếu sau này có ai hỏi tôi, nhớ gì về những kỷ niệm thơ ấu với anh chị em trong gia đình, tôi xin nói ngay đó là câu chuyện làm cà rem của chị tôi...
Vài năm sau đó, chị Hương từ giã anh em chúng tôi, lên đường gia nhập một dòng tu ở xa thành phố. Chị em từ đó càng ít gặp nhau hơn nữa...
Năm 1969, tôi đi lính, về Sài-Gòn thăm chị. Chị em mấy năm rồi không gặp, vừa nhìn thấy tôi trong bộ đồ lính, chị òa khóc thật ngon lành trước mặt mọi người làm cho tôi phải ngạc nhiên. Chúng tôi ngồi nói chuyện, chị hỏi han tôi đủ thứ, có vẻ lo lắng lắm vì chiến tranh đang càng ngày càng lớn mạnh. Ngồi một chút chưa... nóng đít, mới có một hay hai phút gì đó, tôi đứng dậy kiếu từ chị để ra đi vì còn nhiều mục ăn chơi phải tham dự, nhiều bạn bè đang còn chờ đợi. (Suốt đời tôi, tôi luôn luôn có bạn bè chờ đợi.) Chị Hương muốn giữ tôi ở lại nói chuyện thêm, muốn biết thêm về tôi, về tương lai của tôi. Có thể, lâu ngày không gặp nhau, chị muốn tâm sự với tôi chút tâm sự riêng của chị. Nhưng tôi không có thì giờ dành cho một bà chị... ma sơ. Tôi nhất định đi. Lúc chia tay, mặt chị tôi buồn rời rợi, như muốn chan hòa nước mắt. Nhưng chị tôi điểm được một nụ cười. Nụ cười trái mùa nhưng đầy hiểu biết và can đảm, đầy những nhẫn nhục của một con người. Chị bảo:
-Chị sẽ cầu nguyện cho em thật nhiều...
Tôi cười, nói đùa:
-Cầu nguyện cho em lên Đại úy lẹ lẹ...
Chị gật đầu nhưng không cười, cặp mắt nhìn tôi như muốn lấy hết hình ảnh của tôi trước khi chia tay. Có lẽ chị nghĩ, sau lần chia tay này thì chị em ít gặp lại nhau...
Và chị đã nghĩ đúng thật. Sau lần chia tay đó, mãi đến 6 năm sau tôi mới về lại Sài-Gòn thăm chị vào những ngày tang thương cuối cùng của đất nước...
Tôi lái chiếc xe Honda vào Đan Viện Thủ Đức vào một buổi sáng chủ nhật chừng tuần lễ trước khi mất nước. Trời hôm ấy oi bức và trên trời, tiếng pháo kích, tiếng bom đạn rầm rỉ vọng về. Sài-Gòn thân mến của tôi đang hấp hối, đang quằn quại sống những ngày tự do cuối cùng trước khi dẫy chết. Sài-Gòn kiều diễm sang trọng và đài các của một thằng bé Ban Mê Thuột ngày nào bây giờ đã biến thành một thành phố của lửa và máu. 7 năm trời mặc đồ lính xông pha trận mạc, tôi đã quen với lửa vào máu chung quanh tôi. Ngày nào chẳng thấy nó, còn sờ được nó nửa kìa, nên chẳng có nhằm nhò gì. Nhưng tôi không thể nào chịu được cảnh nhìn Sài-Gòn yêu dấu của tôi chìm trong lửa và máu. Tội nghiệp và đau đớn quá, Sài-Gòn ơi, tôi đã không làm tròn bổn phận của người lính Cộng Hòa rồi...
Lúc ấy tôi là một người lính cuồng điên vì bất mãn, vì thất vọng, vì nhất định không chịu tin rằng mình sắp thua trận nhục nhã. Tôi còn quá trẻ, quá ngây thơ và quá tự hào để thấy được những chuyện này sắp sửa xảy ra. Tôi mặc bộ áo bay phi công màu xám, hông đeo súng, đeo luôn cả lựu đạn để sẵn sàng tự tử chết, nhất định không chịu để sa vào tay giặc.
Đường phố Sài-Gòn tràn ngập những khuôn mặt ngơ ngác tội nghiệp của những người di tản từ vùng giặc về. Tôi cũng là dân chạy giặc từ xa về nhưng tôi chẳng có vợ con, cơm nước đã có chính phủ nuôi, tôi thấy tội nghiệp cho họ quá. Những con người di tản này, có thể cách đây vài ngày hay vài tuần đang ăn ở bình yên trong một căn nhà ấm cúng nào đó, với công ăn việc làm vững chãi, con cái đi học, ngày lễ đi chùa hay đi nhà thờ. Đùng một cái, họ biến thành những ngoại nhân lưu vong ở một thành phố lạ, không nhà cửa, không tiền bạc, không phương tiện nuôi thân...
Chiếc xe Honda của tôi rú rền vang như con hổ đói trên đường vào nhà tu nhỏ nơi chị tôi đang học. Tôi gặp chị Hương tôi và chị lớn tôi, chị Trinh khoảng một tiếng đồng hồ. Hai người muốn giữ tôi lại dùng cơm trưa nhưng tôi nghĩ cơm nhà dòng thanh bạch, chẳng có rượu bia thì... chán bỏ mẹ nên kiếu từ đi về. 6 năm trời chị em không gặp nhau, tôi cũng chỉ nói được vài câu vắn tắt. Chứng nào tật đó. Nói chuyện với đào và gái thì sao tôi ngọt ngào và liên tu bất tận đến thế, còn với chị em trong nhà thì như thằng mán học nói tiếng Việt.
Hai bà chị tôi hỏi đủ thứ về thời thế, tình hình, tôi chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Và tôi chửi vung tán lạng. Chửi từ ông Thiệu xuống đến mấy ông tướng làm mất đất. Tôi chửi tất cả, ngoại trừ chửi... tôi. Tôi vẫn còn cho tôi là anh hùng lắm. "Mẹ bố, tao mà chết thì phải có ít nhất vài thằng Việt cộng chết theo tao," tôi vẫn thường tuyên bố với bạn bè như thế.
Tuần lễ sau, Sài-Gòn yêu dấu của tôi nhắm mắt từ trần và đời tôi, cũng như của hàng triệu đồng bào khác, bước sang một khúc rẽ khác, hoàn toàn khác xa con đường cũ...
Mãi cho đến 17 năm sau, năm 1992, tôi mới được gặp lại chị tôi. Chị tôi bây giờ làm lớn rồi, được qua Pháp đi họp và chị em gặp nhau tại đây. 17 năm, bây giờ tôi không giàu có nhưng có chút tiền phủng phỉnh, có máy quay phim cầm tay giống như một du khách, và mang Passport quốc tịch Hoa Kỳ.
Không biết tôi thay đổi như thế nào chứ chị tôi vẫn như xưa, dáng người mảnh khảnh trong chiếc áo tu màu xám, đầu trùm kín, khuôn mặt hiền hậu, ăn nói từ tốn. Tôi hỏi han chị nhiều về đời sống nhà dòng và gia đình ở Việt Nam. Chị trả lời vắn tắt, cho biết cuộc sống tuy có khó khăn hơn nhưng nhờ ơn Chúa, mọi chuyện rồi cũng qua đi. Chị muốn giấu đi những khổ cực ở quê nhà, sợ tôi lo, tôi buồn.
Tôi ngồi nói chuyện với chị tôi lâu nhất được chừng hơn tiếng đồng hồ thì cũng hết chuyện để nói và cảm thấy... ngứa chân lại muốn đi. Tôi rủ chị ra quận 5 coi phố tàu và ăn uống, sau đó ra mấy chỗ thắng cảnh để xem thiên hạ...
Tôi ở trong nhà dòng với chị chỉ được hai ngày và gặp nhau chỉ có mấy tiếng đồng hồ, sau đó buồn quá (và lại sợ ma nữa), tôi xin phép ra nhà một người bạn ở quận 5 ở. Tại đây, tôi mới biết Paris by Nights nó như thế nào. Vui lắm các cụ ơi.
Rồi chúng tôi lại chia tay. Nhưng lần chia tay này, đối với riêng tôi, hoàn cảnh của tôi đã thay đổi nhiều, không bi thảm và vô định như những lần chia tay trước khi còn mặc đồ lính. Những lần đó, tôi hoàn toàn không thể biết được ngày mai mình sẽ ra sao, có còn sống được hết ngày mai hay không. Còn bây giờ, tôi đã có được một gia đình êm ấm, một công ăn việc làm vững chắc và quan trọng nhất, được một vùng trời tự do bao phủ và che chở cả cuộc đời tôi, cả gia đình tôi. Nhưng đối với một người tu trì như chị tôi thì lần chia tay này cũng chẳng khác những lần trước lúc nào. Trước 75 hay sau 75 chẳng có gì khác với chị. 1975 chỉ là một năm như muôn năm khác. Đời chị vẫn là một chuổi ngày tiếp nối của một cuộc đời âm thầm khổ hạnh trong bốn bức tường của một tu viện xa hẳn với thế giới bên ngoài, với những bài cầu kinh buổi sáng sớm và buổi tối, những buổi lễ phải dậy từ lúc trời còn chưa sáng, những bài phúc âm, những bài kinh chiều, những bài ca êm dịu và trầm ấm ca tụng Thiên Chúa và Tình yêu của Thiên Chúa. Đơn giản và ngậm ngùi và chịu đựng. Tuy chị sống trong bốn bức tường của một tu viện nhỏ bé nhưng đối với chị, thế giới của chị to lớn và bao trùm luôn cả thế gian này, và hằng ngày chị cầu nguyện cho thế giới này được bình an và hạnh phúc...
30 tháng 4 năm này lại gần đến, tôi, một ông già 57 tuổi, nhớ nhà và không hiểu sao, chợt nghĩ đến cái bình kem không đông lạnh và những giọt nước mắt cùng bộ mặt sầu thảm của chị tôi năm nào. Năm đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được tình thương là gì, nhưng ngày hôm đó, nhờ nhìn được những giọt nước mắt của chị, tôi mới hiểu được thấm thía thế nào là tình tương, thế nào là sự hy sinh và đồng thời, chua chát thay, cũng hiểu được thế nào là sự thất vọng của một con người.
Sau này lớn lên, tôi cũng đã gặp nhiều lần ... kem không đông lạnh trong cuộc đời. Tôi đã có xây cất nhiều mộng mơ, nhiều kế hoạch làm nhiều chuyện lớn, nhưng cuối cùng, chuyện không thành được, giống như bình kem không đông lạnh của chị tôi ngày nào. Dĩ nhiên, tôi đau buồn và thất vọng nhưng tôi không bao giờ để cho tôi bị ngã lòng. Chỉ sau vài ngày là tôi tìm lại được sức mạnh và ý chí phấn đấu để tiếp tục cuộc đời, giống như chị tôi đã làm năm nào.
Và cũng bắt chước chị tôi, tôi sống cuộc đời mình tràn ngập tình thương. Tình thương gia đình, thương bạn bè, thương những người làm việc cũng sở, và cuối cùng, tình thương dành cho tổ quốc và đồng bào tôi.
Kết luận bài viết, tôi xin mượn một đoạn văn của nhà văn Nhất Linh ngày nào mà tôi coi là phương châm để sống trong zời mình: "Cụ Tú Lãm khẽ động môi thì thầm: "Thầy chết đi, chẳng có gì quý báu để lại cho các con, chỉ có ba thứ gia bảo quan trọng này: Đó là, giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc..."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.