Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

26/02/200800:00:00(Xem: 2976)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Chỉ ba ngày sau, tôi nghe thấy tiếng số 4 khi báo cáo xin thuốc đau bụng đi ngoài. Nghe qua tiếng nói, trọ trẹ như giọng Quảng Bình nhưng đã pha nhiều tiếng Bắc, tôi đoán số 4 sấp sỉ chỉ bằng tuổi tôi, nghĩa là khoảng 26, 27. Điều đó, càng gây cho tôi tò mò, nhất là tiếng giầy đặc biệt. Những ngày tới, tôi sẽ phải tìm được câu trả lời!
Sáng hôm sau, sau khi cơm nước xong, tôi đang chuẩn bị đánh một giấc ngủ ngày, bỗng từ ngoài sân có tiếng ồn ào của một đoàn người đi vào xà lim. Tôi nghĩ, lại có phái đoàn nào đó vào tham quan hai cái buồng của Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh" Nhưng, như mọi khi, phái đoàn tham quan thường đi vào Chủ Nhật; vậy nếu không phải, thì đây là đoàn gì"
Tôi bước gần ra phía cánh cửa. Áp sát tai vào chiếc cửa sổ nhỏ lắng nghe. Có tiếng mở buồng số 2, rồi lại buồng số 13. Tôi đoán không sai mà! Tôi đang chờ như mọi khi, sẽ lại có tiếng thuyết trình của một tên cán bộ tuyên huấn nào đó về tội ác của thực dân Pháp, đã giam hãm những người cách mạng, v.v… và v.v… Nhưng, cho tới khi cửa của hai buồng đó đóng lại, cũng không nghe thấy một tiếng nói" Thật là lạ, khác thường không giống mọi lần!
Tôi đang băn khoăn chưa hiểu đây là loại phái đoàn gì, tai vẫn áp vào cửa sổ nhỏ nghe ngóng; bất chợt, tôi giật thót người lại vì: “Xoạch!”, cửa sổ nhỏ của tôi mở ra. Tôi chỉ kịp lùi vào phía trong, ngơ ngác. Thoáng nhìn ra thấy lố nhố nhiều người, cả màu vàng đồng phục, lẫn thường phục.
Cửa lớn buồng tôi mở ra. Tôi càng ngỡ ngàng, và phản ứng tự nhiên là lùi lại sát tường phía đầu sàn. Thật là quá đột ngột, tôi không nghĩ là phái đoàn lại mở cửa buồng các tù nhân, nhất là lại chính buồng tôi, nên phải nói, tôi mất hẳn tự nhiên lúc đầu.
Đi đầu là một người mặc chiếc áo ka ki xám 4 túi, tóc đã điểm sương, chừng 50 tuổi. Hai hàng lông mày dầy, tua tủa lông đen như hai con sâu róm lớn đậu phía trên hai con mắt, làm cho đôi con ngươi màu tro của lão như thụt sâu vào, đẩy hai bên gò má gồ ra, càng làm cho nét mặt lão tựa như con khỉ đột, vữa dữ tợn, vừa nghiêm trang. Phía sau lão là hai tên Phó giám thị Thượng úy Trì và Lê, cùng lúc nhúc 5, 6 tên nữa phía bên ngoài. Hai tên Trì và Lê đeo đầy đủ quân hàm, thái độ tỏ ra sợ sệt, lễ phép với tên mặc ka ki xám.
Tên mặc áo thường phục này nhìn tôi một cách soi mói. Mắt y đột nhiên dịu xuống. Môi y rung rung, rồi nhếch ra cười nửa miệng:
-Anh có khỏe không"
Chẳng biết y là ai, nhưng thấy thái độ của tên Trì và Lê như vậy, nên tôi cũng phải tỏ ra ngoan ngoãn:
-Cám ơn ông, tôi khỏe!
Y quay lại nhìn hai tên Trì, Lê, rồi y cười thành tiếng, vừa gật gật đầu, vừa nói:
- Anh uống thuốc liều, một mình dám mò về Hà Nội!
Mặt y tươi hẳn lên, nhìn tôi. Tôi cũng nhìn y, định cười, nhưng môi tôi mím chặt, không trả lời y. Trong khi đó, hai tên Trì và Lê, mỗi tên đều tay nọ để lên mu bàn tay kia, úp vào phía dưới bụng mặt vẫn nghiêm trang lạnh lùng.
Tên mặc áo ka ki xám đưa mắt nhìn suốt người tôi, rồi lại cười, y vừa quay ra, vừa nói:
-Thôi, chào anh!
Tên Dư đã đóng cửa. Đoàn người đã ra tới sân. Những tiếng xôn xao bàn tán nhỏ dần ra phía cổng xà lim. Tôi vẫn đứng yên trong buồng, với tư thế lúc nói chuyện với tên lạ mặt. Đầu óc tôi vẫn còn ngỡ ngàng chả biết y là ai" Y vào hỏi tôi mấy câu như vậy để làm gì" Có ảnh hưởng gì đến những ngày tới của tôi không"
Qua hiện tượng nhìn thấy khi nãy, y phải là một nhân vật có quyền hạn nhất định nào đó của ngành công an, mới khiến cho hai tên Trì và Lê không dám có một tiếng nói, dù là tên đó cười đùa nói với tôi mấy lần.
Hai hôm sau, là ngày tắm rửa. Chiều hôm đó, sau khi trả bát xong đã 4 giờ, tôi chờ tên Dư mở cửa cho ra lấy quần áo phơi ngoài dây.
Với những tên cán bộ khác, ngày tắm rửa, bữa cơm chiều, khi trả bát xong, các buồng đều phải báo cáo để ra lấy quần áo phơi ngoài sân. Khi ra, nếu quần áo còn ướt, thì để lại mai xin lấy. Chứ thường là đã trả bát (bữa chiều) rồi, chúng không mở cửa nữa. Nhưng, đối với tên Dư, có hơi khác…
Về cuối Thu, nhiều khi trời không còn cái nắng chói chang của mùa Hè; và có những ngày nhiều mây, gió nồm Nam, không có ánh nắng, nên quần áo, cái nào dầy, chả khô được. Vì vậy, tên Dư để cho mãi gần 5 giờ, đó là giờ tan tầm, trước khi bàn giao cho “ca” khác, y mời đi mở cửa cho từng buồng ra lấy quần áo. Nhờ vậy, quần áo thường được khô, đỡ hôi hám; nhất là đối với những buồng không có thân nhân tiếp tế, làm gì có xà bông. Một việc nhỏ đã nói lên con người của y.
Tôi đang hai tay chắp sau lưng, lững thững nhàn du đi bách bộ trong cái khung nền xà lim, giữa hai sàn, đầu óc đang chơi vơi, chẳng chuyên chú suy nghĩ một cái gì, tự nhiên cửa lớn buồng tôi mở. Tên Dư nói vừa đủ để tôi nghe:
-Cho anh ra sân chơi một lúc!
Ô! Sao lạ vậy!"... Đến nỗi tôi không tin vào cái tai của mình nữa. Tôi ở xà lim đã gần 4 năm rời. Chưa từng bao giờ thấy có cán bộ nào lại mở cho một buồng nào ra sân… chơi! Vì vậy, tôi phải mất mấy giây ngỡ ngàng, rồi vội vàng chạy ra sân.
Tên Dư vào bàn ngồi, lúi húi viết. Thấy ánh nắng vẫn còn một phần ba sân, tôi cởi rất nhanh áo, rồi đứng ra ánh nắng, ưỡn ngực cho ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào người.
Tôi vừa háo hức, hân hoan vặn vẹo người đàng trước, đàng sau, cạnh phải, cạnh trái cho những tia nắng chui rúc vào toàn cơ thể; tôi xắn cả quần lên, cho đôi chân cũng được hưởng cái món ăn tuyệt vời, từ gần 4 năm nay, không có!
Đã gần 4 năm nay, tôi hầu như chỉ ở trong ánh sáng lờ mờ của căn buồng, cho nên nỗi hưng phấn của tôi đã tràn ra ngoài. Tôi chưa thiết nhìn cảnh vật chung quanh, mặc dù tôi hiểu trời Thu tuyệt vời. Nhưng, hãy chờ đấy! Hãy cho cơ thể tôi đói khát ánh nắng lâu ngày, bây giờ, được ăn, được hưởng một bữa tràn trề đã!
Gần 20 phút, lúc này, tôi mới kịp suy nghĩ. Tại sao tên Dư lại cho tôi cái đặc ân này" Và, tại sao y biết tôi thích ánh nắng đến cái độ say sưa thế này mà y cho"... Phải rồi, trước đây có mấy lần, khi ấy tôi vẫn còn bị cùm, y đã bắt gặp tôi ngồi trong buồng, giơ từng cánh tay nghểng đầu, ngửa cổ để đón nhận một chùm ánh sáng chỉ bằng quả cam nhỏ. Có thể vì vậy, y đã nảy ra ý định ban hạnh phúc cho một người, mà y không mất mát gì cả, chỉ mất chút công mở cửa thôi, chăng" Dù sao, tôi vẫn vô cùng biết ơn y. Không hiểu y có biết rằng, nhiều khi chỉ nhờ cơ thể một người được bồi dưỡng lúc này, lại là điều kiện để thoát khỏi những bệnh hoạn trầm kha về sau"
Để khỏi mất cái đặc ân này, nhất là hôm nay là lần đầu tiên y cho ra, có thể y phải theo dõi, nếu không có gì rắc rối, phiền hà, y mới cho ra tiếp sau này. Vì nghĩ như vậy, cho nên khi tôi thấy buồng số 14 và buồng số 10 thò đầu lên cười với tôi, rồi thụt xuống; tôi vẫn giữ vẻ nghiêm trang lạnh lùng.
Bỗng, tôi nhìn thấy trên dây phơi, ở khoảng giữa, có một cái áo “pa đờ suy” và hai cái “sơ mi” trắng còn mới tinh, tay áo có “măng sét” cẩn thận.
Dù nhìn từ xa, tôi cũng hiểu đó là áo “sơ mi” của nước ngoài, chứ ở miền Bắc, không ai có quần áo đó. Tôi nhìn thoáng cái dấu hiệu ở cổ áo, nhưng vì xa quá tôi không thể đọc được. Trí tò mò của tôi bị khích thích. Nét mặt vẫn bình thản, không tỏ vẻ gì khác lạ, tôi liếc nhìn về phía bàn Dư, y đang cúi viết. Tôi vờ đi bách bộ vòng quanh sân. Khi tới chỗ hai cái áo “sơ mi”, dù trước đây lúc còn ở Sài Gòn tôi cũng là tay ăn diện (ăn diện theo lối thanh niên học sinh), tôi phải thừa nhận hai cái áo “sơ mi” này thật tuyệt hảo với những đường cắt may điêu luyện, vải Popeline trắng chói mắt, dấu hiệu may cắt tại Paris. Hai cái khuy “măng sét” bằng hai hạt xoàn giả trông như thật.
Phải nói ngay ở Sài Gòn, hai chiếc “sơ mi” này cũng thuộc loại sang rồi, huống chi là ở miền Bắc, lại ở trong Hỏa Lò. Nó là vật không thể lẫn lộn, nó độc đáo, như chọc vào mắt hiếu kỳ của mọi người. Tôi còn phải ngây ngất nhìn, thì mắt những tên cán bộ chắc phải “ngứa”, rồi “nhức” lên chớ không chơi đâu.
Ai là người có những loại quần áo này" Có đem trộn lộn cũng không chệch vào đâu được nữa. Quần áo này phải đi đôi với tiếng giày cồm cộp hôm nọ, nghĩa là của buồng số 4. Vậy là, bao nhiêu câu hỏi lại hiện lên trong có tôi, càng gợi thêm tò mò về buồng số 4: Là loại người nào" Tại sao lại phải vào xà lim"... Nhiều điều dồn dập cuốn hút lòng tôi, nên tôi quên cả cảnh vật chiều Thu, mà bao nhiêu lâu mới có dịp để ngắm nhìn. Phải nói, hôm nay vừa được “cải thiện” mắt, mà tấm thân cũng được bồi dưỡng những món ăn tuyệt vời.
Tôi đang ngẩn ngơ ngụp lặn, bơi lội trong biển nắng, tên Dư ở bàn đã đứng dậy ra mép hè nhìn tôi, tay lúc lắc chùm chìa khóa:
-Lấy quần áo vào đi!
Tôi ngoan ngoãn, lẹ làng vơ quần áo trại của tôi, rồi đi vào buồng. Khi đi ngang qua y, tôi nhìn y bằng con mắt dìu dịu, tình cảm:
-Xin cảm ơn ông!
Ánh mắt y nhìn tôi cũng thiện cảm, nhưng không nói một lời. Tôi định gợi chuyện rồi hỏi y về người hôm trước vào buồng tôi là ai; nhưng, ý nghĩ cứ sắp sửa phát ra thành lời lại bị đè vào, vì tôi thấy thời cơ chưa thuận tiện cho những câu hỏi như vậy…
Người nữ gián điệp của Sài Gòn!.....
Buổi trưa hôm nay, gió bỗng nổi nhiều hơn, trời đã lành lạnh, xà lim mới cho mượn chăn, Vì thế sau khi ăn cơm sáng, buổi trưa tôi đã nằm đắp chăn cho ấm, rồi lim dim đi vào giấc ngủ ngày lúc nào cũng không hay.


Một lúc, tôi chợt giật mình tỉnh dậy, vẫn nằm im trong chăn, tôi lắng nghe: Ngoài tiếng gió rung những lá bàng ở ngoài sân, tôi đinh ninh không lầm là có nghe thấy, không những bằng tai mà còn bằng cảm giác, một tiếng động lịch kịch phía sàn bên kia tường. Nghĩa là bên buồng số 6. Chỗ sàn tôi nằm ở sát buồng số 6. Lạ, số 6 từ nửa tháng nay không có người mà!... Nói chung, xà lim dạo này tương đối vắng, có tới 3, 4 buồng không có người. Chính vì thế, khi nghe thấy tiếng động vào sàn, tôi ngạc nhiên. Nhưng vẫn nằm yên lặng, tôi cố vểnh tai chờ nghe có tiếng động nào khác không"
“Chả lẽ trong khi tôi đánh một giấc ngủ trưa, có người vào buồng số 6 mà tôi không biết" Tại sao mãi không vào, lại… đợi đến khi tôi ngủ mới vào"”, tôi tự nhủ. Rồi lại nghĩ cũng có thể vì mới thức giấc, thần kinh còn đang chơi vơi nên tưởng lầm như vậy chăng"
Cục kịch! Lần này thì rõ ràng rồi! Rõ ràng tiếng động của ai đó nằm bên kia tường giở mình. Phải rồi, một người bạn, một đồng loại, một sinh vật cũng nằm song song với mình, chỉ cách một bức tường dày 20 phân. (Tường ngăn giữa hai buồng dày 20 phân; còn tường trước và sau dày 50 phân).
Để tìm một nguồn an ủi, trong cái vắng lặng heo hút, lẻ loi; tôi rút tay ra khỏi chăn, gõ nhè nhẹ vào tường hai cái: Cạch! Cạch!
Im ắng như tờ. Vẫn chỉ có tiếng gió lướt thướt rì rào chui luồn qua mái ngói. Tôi lại gõ thêm hai tiếng nữa như chào, như gọi người bạn mới, nằm cạnh nhau… Cũng vẫn không có một âm thanh nào đáp lại!
Tôi suy nghĩ: Có lẽ, người bạn mới bị bắt vào, tâm hồn còn đang giao động, hoang mang; cho nên ai gõ, mặc ai, lòng đang đảo lộn đất trời, cuộc đời tan tác, vào tù rồi, còn thiết cái quái gì nữa!
Tôi thông cảm với người bạn mới, tâm trạng nghiêng ngả ngược xuôi khi cuộc đời rơi xuống hố, cho nên, tôi lại gõ nữa, như lời thăm hỏi an ủi của một người. Tôi vểnh tai lên nghe ngóng một lúc. Vẫn yên lặng như không có người. Tôi băn khoăn, thấp thỏm, chả lẽ tôi mơ" Hay, buồng bên ấy có… ma! Nghĩ như vậy thôi, chứ ngay ban ngày, ban mặt…
Tôi thấy mỏi người, liền xoay lại thế nằm quay sang phía khác, không hướng mặt vào tường nữa. Một lúc sau, hai mắt lim dim thả hồn lơ mơ vào giấc tỉnh say. Thình lình, một âm thanh vang lên như tiếng xiết, trượt mạnh vào tường của một vật gì bằng gỗ" Không nằm mơ! Tôi xoay hẳn thế nằm lại, và giơ tay gõ nhè nhẹ vào tường “cạch, cạch!”. Bây giờ thì có hai tiếng gõ đáp lại, rất nhẹ, và thưa. Chính lúc này, tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ nghe hai tiếng gõ mà lòng mình thấy vui hẳn lên. Với tay lấy cái lược sừng ở đầu sàn, tôi khua canh cách rốt rít vào tường như reo vui, như vỗ tay chào đón người bạn mới. Bên kia im lặng. Chừng nửa tiếng sau, tôi lại khe khẽ gõ hai tiếng nữa. Cũng có hai tiếng đáp lại, như hiểu ý định tôi nói gì.
Tới bữa cơm chiều. Sau khi lấy cơm vào rồi, tôi cố chờ không ăn vội, lắng nghe. Khi cán bộ mở buồng số 6, lấy cơm xong, cửa đóng; tôi nghe rõ tiếng bát đặt lên cái cùm như tôi bên này. Tôi liền gõ tường liên tục 5, 6 tiếng nhẹ, như ý mời anh bạn xơi cơm. Anh cũng ríu rít gõ đáp lại. Chỉ là những tiếng động thay lời, mà tôi thấy lòng mình hân hoan, ấm áp hẳn lên. Khi ăn xong, tôi cũng gõ, và cũng có tiếng vồn vã trả lời. Rồi trả bát, vào buồng, lại đi nằm. Cứ thỉnh thoảng, tôi lại nhè nhẹ gõ hai tiếng vào tường như muốn hỏi anh bạn buồng bên đã ngủ chưa" Hay có buồn không"... Anh cũng luôn sốt sắng gõ đáp trả lời tôi. Dần dần rồi tôi đi vào giấc ngủ đêm thâu.
Ngủ được một giấc khá dài, tôi chợt choàng thức dậy. Đêm đã khuya, nhớ đến anh bạn nằm sát bên cạnh, tôi lại “cành cạch” hai tiếng thật nhẹ, để nếu đã ngủ, anh bạn cũng không vì thế mà mất giấc. Vẫn thấy hai tiếng trả lời. Rồi, tôi lại thiếp đi; được một chốc, lại tỉnh. Lại gõ, vẫn có tiếng trả lời. Tôi ngạc nhiên. Như vậy là anh bạn bên ấy không ngủ ư" Suốt đêm, cứ lúc nào chợt tỉnh, tôi gõ, cũng đều thấy tiếng gõ trả lời!"... Gần về sáng, tôi thấy thương người bạn cả đêm sầu héo không ngủ được, nên tôi lấy cái lược gõ liên tục 7, 8 cái liền. Vừa như trách anh sao không ngủ, vừa như an ủi đừng buồn nữa. Anh bạn cũng đáp ứng vồn vã như hiểu ý tôi.
Chính vì chẳng nói thành lời, nhất là trong cảnh heo hút, vắng lặng thế này, lòng tôi càng bị lôi cuốn.
Ngày hôm sau, tôi muốn chờ nghe tiếng nói của anh bạn với cán bộ để có chút ý niệm về anh. Nhưng, đến buồng anh, lúc đổ bô, cũng như khi lấy cơm, trả bát, tôi không hề nghe thấy một âm thanh gì khác, ngoài tiếng những bước chân xèn xẹt đi qua lại trước buồng tôi. Vì lòng háo hức, muốn biết về người bạn nằm cạnh buồng, nên chiều hôm đó, đợi khi mở buồng số 6 ra lấy cơm, tôi ghé đầu sát đất, để nhìn qua khe hở, rộng chừng độ nửa phân, giữa mép dưới cánh cửa và nền nhà. Hai đôi bàn chân mờ mờ bước qua trước cửa buồng tôi, một đôi bàn chân dép râu đen đen của tên cán bộ Dư; còn đôi bành chân kia: Đi dép Thái Lan, quai đỏ. Đôi bàn chân rất trắng và nhỏ… như của phụ nữ làm tôi giật mình. Phải chăng người nằm phía bên kia, chỉ cách nhau một bức tường dày 20 phân, vẫn đêm ngày gõ chuyện trò với tôi là một người… phụ nữ"
Vẫn như trước, tôi gõ mời xơi cơm. Ăn xong, lại gõ như chào đã ăn cơm cong. Bây giờ, bất cứ lúc nào tôi gõ là bên ấy lại gõ trả lời ngay.
Đêm hôm ấy, vào lúc nửa khuya, tôi chợt giật mình thức dậy, và tai nghe tiếng nức nở, nỉ non văng vẳng, lẫn vào tiếng gió rít của đêm thâu, nghe thật não nùng. Tiếng khóc, rõ ràng là âm thanh của một người nữ. Thổn thức, nấc lên từng cơn nghẹn ngào như cầu cứu, như van xin sự giúp đỡ của cuộc đời!
Tôi ngồi bật dậy, xác định hướng của tiếng khóc. Đúng là bên buồng số 6. Tôi vội vàng gõ mạnh mấy cái vào tường như hỏi tại sao lại khóc" Hãy nín đi thôi! Không có tiếng trả lời và tiếng khóc cũng ngừng bặt. Để động viên và an ủi, tôi gõ dồn dập thêm mấy cái. Có tiếng gõ trả lời, và đặc biệt là không còn khóc nữa, như hiểu ý.
Tôi suy nghĩ một cách chủ quan rằng, có thể trong khi tôi ngủ, người bạn tù nữ ở buồng bên đã gõ gọi, mà tôi không biết; rồi người bạn tù tự dưng cảm thấy tủi thân, giữa đêm khuya vắng lặng không ngủ được, nghĩ đến thân gái sa chân vào chốn ngục tù. Chung quanh im lìm, heo hút như nghĩa địa tha ma, chỉ thấy bốn bức tường lạnh lẽo và hai cái cùm to đen xì nằm im ỉm. Một nỗi cô đơn dâng lên, chỉ còn biết khóc.
Chợt một ý nghĩ đến với tôi: Người nữ này tội gì" Chính trị hay hình sự" Ở Hỏa Lò đã gần 4 năm, tôi chưa thấy người phụ nữ nào bị giam một mình ở xà lim cả. Phải nói, xà lim lúc ban ngày đã vậy, huống chi ban đêm, nhất là những đêm mưa dầm gió bấc không ngủ được, cứ trằn trọc một mình một bóng trong căn buồng hẹp vắng vẻ, cô liêu, chỉ nghe những tiếng rên la, hoặc tiếng hét trong cơn mê sảng của các buồng khác; ngay đàn ông cũng ít người chịu đựng được nổi, huống hồ là đàn bà. Do đó, thường chúng phải giam hai người để dựa vào nhau những lúc tối lửa tắt đèn; hoặc giả để không vì chán nản và tuyệt vọng quá mức mà nảy ra ý định tự tử. Thế mà bây giờ lại chỉ có mỗi một phụ nữ trong buồng số 6" Buồng này, tôi đã từng ở, và cũng là nơi tôi đã có kỷ niệm trốn tù bất thành. Buồng đó ở đúng chỗ gẫy khúc của xà lim, nên rộng hơn các buồng khác một chút. Vì vậy, nỗi hoang vắng lại càng lớn thêm ra. Một mình, cứ ngồi đấy suốt đêm, ngày, chỉ có thối ruột ra thôi.
Nhận thấy tiếng gõ của mình làm cho buồng số 6 ngưng tiếng khóc, tôi nảy ra ý định phải tìm cách liên lạc được với buồng số 6, để an ủi và hiểu rõ về người bạn tù “láng giềng” này. Nếu liều lên tiếng hỏi, dù có theo dõi được sự ra vào của cán bộ để không sợ bị bắt; nhưng, kinh nghiệm đã qua cho biết, trong xà lim không phải là không có những loại người của Cộng Sản cho vào nằm cùng buồng, dùng khổ nhục kế, để moi tin, để khai thác cũng như điều tra một người nào đó, hoặc qua những lời đối thoại hỏi han nhau giữa các buồng… Như vậy, che giấu được cán bộ xà lim, nhưng chấp pháp vẫn biết tôi có liên lạc với buồng số 6. Phần khác, buồng số 6 là phụ nữ, các buồng khác họ cũng muốn nói chuyện với buồng số 6, nhưng số 6 không chịu trả lời; vậy càng bất tiện nếu tôi lên tiếng. Tôi nằm nghĩ ngợi, suy tính. Cuối cùng, tôi nghĩ thử đánh kiểu “morse” xem sao, có thể số 6 hiểu lối đánh này. Vì lối này khá thông dụng, ngay trong Hướng Đạo cũng có dạy. Nghĩ thế, tôi lồm cồm bò dậy. Bằng sống chiếc lược sừng nhỏ, với khuỷu đốt ngón tay, tôi hỏi: “Ai đấy"”, im lặng một lúc, rôi tôi nghe tiếng bàn tay xoa xoa lên tường, như trả lời không hiểu.
Vậy là số 6 không biết lối đánh “morse”, tôi hơi nản lòng. Nhưng, chợt nảy ra một phương pháp khác…
Trước hết, tôi gõ nói về ngày bị bắt của tôi. Nếu số 6 thông minh, hiểu được, sẽ trả lời tôi ngày bị bắt của số 6. Đêm khuya, hơi lành lạnh, tôi lấy cái chăn khoác lên người. Rồi bắt đầu, tôi gõ hai tiếng: "Cạch, cạch!”. Sau khi số 6 cũng gõ hai tiếng trả lời như mọi khi, cũng có nghĩa là lúc này số 6 đang lắng tai nghe. Tôi lại lấy sống chiếc lược sừng để gõ, vì tay gõ mãi cũng thấy đau đau. Tôi bắt đầu gõ: "Cạch cạch… 24 lần, ngừng lại; gõ tiếp 6 lần, ngừng lại; 1 lần, ngừng; 9 lần, ngừng, 6 lần, ngừng; 2 lần, ngừng. Tôi chờ đợi, nghe bên kia tường có âm thanh rê đi rê lại, hình như của một cái cán quạt thì phải, như có ý nói là không hiểu, chưa hiểu!
Tôi lập lại một lượt như trên. Vẫn tiếng rê ở trên tường. Tôi hiểu “vạn sự khởi đầu nan” là chuyện thường tình; vậy cần phải kiên trì, đừng nản lòng. Từ suy nghĩ này, tôi lại gõ đúng như trên một lượt nữa. Im lặng. Tôi ngồi bên này tường, hình dung ở bên kia, số 6 đôi mắt đang tuy mở, nhưng sẽ chẳng nhìn thấy một cái gì rõ, chỉ vì óc đang bận suy tính về những tiếng gõ của tôi ở trên tường. Chợt, tiếng cán quạt đập rối rít vào tường một lúc, rồi ngừng lại. Và bắt đầu gõ: 24-6-1962. Mắt tôi lúc này hẳn sáng lên, tay tôi cũng cuống quít đập cả lược, cả tay vào tường (dĩ nhiên tôi cũng kềm chế để âm thanh tiếng đập cũng như tiếng gõ không quá lớn đến độ các buồng khác cũng nghe thấy rõ). Vừa mừng vì số 6 đã hiểu, lại vừa thích thú vì số 6 tỏ ra thông minh. Sau đó, số 6 gõ hai tiếng: "Cạch cạch”. Tuy không quy định, nhưng tự nhiên hai tiếng gõ bây giờ như thay cho hai tiếng gọi nói chuyện. Tôi đáp lại hai tiếng như trả lời: “Sẵn sàng”! Rồi, số 6 gõ 18 rồi ngừng; 10 rồi ngừng; 19 rồi ngừng, 6 rồi ngừng; 5 rồi ngừng. Tôi đập chiếc lược lia lịa vào tường mừng rỡ. Như vậy, số 6 đã bị bắt hơn một tháng rồi. Hôm nay, 18-10-1965. Và, cũng có nghĩa là số 6 đã hiểu tôi bị bắt đến nay đã 3 năm rưỡi rồi.
Tôi gõ tiếp: Ngày, tháng, năm sinh của tôi. Tôi được trả lời: Ngày, tháng, năm sinh của số 6. Số 6 năm nay đã 37 tuổi. Hơn tôi những 10 tuổi.
Điều buồn là đến đây, cách nói chuyện kiểu này gặp trở ngại. Tôi muốn hỏi tên số 6, và bị bắt về tội gì, v.v… nhưng đành chịu. Thật là tức, suốt đêm ngày ngồi không, mà chẳng nói chuyện với nhau được.
Bần thần nghĩ ngợi một lúc, chợt trong đầu tôi lóe lên một tia sáng. Phương pháp này tuy hơi mất công lúc đầu; nhưng khi quen, cũng tạm được. Ngay “morse” khi mới tập, cũng nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng, cứ dùng mãi, đánh mãi, sẽ quen và trở thành gần như nói chuyện bình thường vậy. Muốn nói chuyện tạm được với nhau, cách gì cũng phải qua vần a, b, c…Ở đây, hãy dùng vần chữ Việt, 23 chữ cái: A, B, C, v.v… Vậy A: 1, B: 2, C: 3, v.v… cho tới Y: 24. Để giản đơn và ngắn gọn hơn cứ 10 là một tiếng “thình” của gót bàn tay đập vào tường. Thí dụ: Chữ “Y” là thình thình, cạch, cạch, cạch, cạch. Chữ “K” là thình; chữ “N” là thình, cạch, cạch, cạch, v.v…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.