Hôm nay,  

Người Đi Qua Đời Tôi

24/02/200800:00:00(Xem: 7246)

Tôi vào học trường Nữ trung học Nha Trang từ năm 1968 – 1975. Tính ra từ ngày rời trường cho đến nay (2007) là 32 năm rồi. Những người thầy và bạn học của tôi nay mỗi người một phương trời, một hoàn cảnh sống khác nhau, và kẻ còn người mất. Nhưng tôi tin rằng cũng như tôi, ai cũng có một tình cảm dạt dào và một hồi ức đẹp dành cho những tháng ngày còn sinh hoạt chung với nhau dưới một mái trường.

Nhiều khi lẩm cẩm tôi nghĩ - mỗi đời người đều có một đường biểu diễn tượng trưng. (Nếu lấy trục x biểu diễn cho thời gian, trục y biểu diễn cho vị trí của ta trên trái đất, và vẽ trên mặt phẳng cho dễ hình dung). Hãy tưởng tượng xem, đường biểu diễn của chúng ta phải có nhiều lúc gặp nhau hoặc cắt nhau lắm đấy.

Này nhé, đường biểu diễn của cha mẹ anh em mình thì chắc chắn lúc đầu phải trùng nhau rồi sau đó mới tách ra và mỗi đường chạy mỗi hướng. Đường của người phối ngẫu với mình thì từ chỗ nào đó bỗng dưng chạy xáp lại trùng với mình và trùng nhau cho đến cuối đời, hoặc cho đến lúc ly dị, hoặc một người biến mất trên cõi đời.

Còn đường biểu diễn của bạn bè" Thuở đi học trùng nhau được một đoạn, sau đó thì cũng mỗi đường một ngã. Sau này có khi tụi nó cắt nhau tại vài điểm thì đó là lúc bạn bè hội ngộ rồi cũng mạnh ai nấy đi. Hội và tan! Rồi sẽ đi vào quên lãng !

Trí nhớ của tôi phải nói là rất kém. Tôi đã và đang quên rất nhiều, rất nhiều những người thầy, người bạn từ thuở đi học hoặc những người bạn sau đó. Những người bạn học tôi vẫn còn liên lạc từ sau ngày rời trường thì khỏi nói. Còn có những người nghe tên chỉ thấy quen quen mà không tài nào nhớ lại mặt mũi vóc dáng hoặc đặc tính. Có người gặp mặt thì thấy quen quen mà lại quên tên và không biết quen lúc nào, ở đâu. Lại có những người hoặc tên mà khi nghe nhắc đến thấy lạ hoắc lạ huơ dường như họ chưa từng đi qua đời mình, mặc cho thiên hạ gợi nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Cho nên, nhân cơ hội còn chút ký ức, tôi gắng nhớ và ghi lại những ấn tượng và kỷ niệm của mình về những người thầy, người bạn đã từng hiện diện trong đời để mà lỡ một mai, tôi bị quên thêm nhiều thì còn có gì để mà nhớ mà thương. Và tôi mong rằng những hồi ức của tôi cũng giúp các bạn nhớ lại một phần nào về những ngày vui thời áo trắng thướt tha của chúng ta.

Và để tôn sư trọng đạo, tôi xin được phép viết về các thầy cô trước.

 

- Đầu tiên tôi muốn nhắc đến một người thầy đã mất. Đó là thầy Bùi Luận. Tôi chỉ còn nhớ thầy hơi mập mập, đeo kính lão (hình như tóc thầy hơi dựng dựng hay sao đó). Thầy dạy Toán tôi năm đệ ngũ (lớp 8). Thầy là em của thi sĩ Bùi Giáng. Thi sĩ Bùi Giáng, thầy Bùi Luận và một người anh nữa của thầy là Bùi Vịnh đều quen với Ba Má tôi. Còn con gái của thầy là Bùi Thu Hương lại học chung lớp với tôi từ lớp 10 cho đến 12.

Nhớ hồi đó để bắt đầu cho toán quỹ tích thầy có ra một bài toán:

“Hai nhà A, B cách nhau một khoảng cách là 100 mét. Hai nhà muốn đào một cái giếng để xài chung. Cái giếng phải cách nhà thứ nhất 60 mét và cách nhà thứ hai 70 mét. Vậy em nào có thể chỉ cho thấy cái giếng phải đào chỗ nào"”

Rồi thầy chấm trên bảng hai điểm A và B là hai cái nhà và nối bằng một đoạn thẳng cách nhau một khoảng đại khái như thế. Hết đứa học trò này rồi đứa học trò khác cứ lên chấm một điểm trên đoạn thẳng đó, cách nhà A 60 mét thì lại cách nhà B có 40 mét và nếu cách nhà B 70 mét thì cách nhà A có 30 mét. Thầy cứ lắc đầu. Bỗng dưng tôi nghĩ ra cách và giơ tay xin giải. Tôi lên bảng vẽ hai vòng tròn, vòng thứ nhất lấy tâm là điểm A, bán kính 60 mét và vòng thứ hai tâm là điểm B, bán kính 70 mét. Hai vòng gặp nhau tại hai điểm, chính là nơi đào giếng.

Dĩ nhiên là thầy khen nức nở và bạn bè phục lăn. Tôi cũng tự phục mình nữa là. Nhờ vụ đó mà sau này tôi mê toán, và học toán dữ lắm. Có điều, đến kỳ thi học kỳ hai, bài toán thầy ra tôi bị bí và chỉ được hai điểm. Cả lớp nhiều đứa cũng không giải được. Mặc dù thầy an ủi tôi một câu là “Học tài thi phận” nhưng tôi buồn lắm và không hiểu sao cứ nơm nớp lo sợ thầy mét Ba Má.

Cuối năm học, thầy bị tai biến mạch máu não chết bất ngờ. Tôi đã cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm như trút được một mối lo khi nghe tin thầy chết. Đến nay, gần 40 năm mà tôi vẫn thấy xấu hổ vì đã có cái cảm giác đó khi thầy mất. Cả lớp đi đưa quan tài thầy ra nghĩa trang, tôi đứng bên huyệt mà vừa thương thầy và tự mắng mình vì cái cảm giác ích kỷ đó. Con người ta vì một chút quyền lợi mà có thể có những tư tưởng hoặc hành động phi nhân tánh. Mặc dù không ai biết nhưng lương tâm của mình luôn lên án. Suốt đời!

 

- Người thầy kế tiếp là Thầy Bùi Ngoạn Lạc. Thầy Lạc là chồng của Bà Hiệu trưởng. Thầy Lạc dạy toán và là chủ nhiệm lớp tôi năm học đệ nhị (lớp 11) ban B. Thầy cao và ốm, giọng nói sang sảng. Tôi nhớ cứ sau những giờ Toán, còn mười lăm phút thầy hay kể về gương những danh nhân, những người học trò cũ của thầy đã thành tài và nhớ ơn thầy cũ mà viết thơ thăm hỏi hoặc về thăm…Thầy đã gieo trong lòng tôi một lòng khâm phục và muốn cũng thành danh như những nhân vật của thầy, và ghi nhớ lòng nhớ ơn thầy cô của các bậc anh chị đi trước.

Thầy Lạc đặt một cái luật cho lớp tôi là không được đi học trễ vào tiết học của thầy. Nếu thầy vào lớp rồi mà sau 5 phút còn có học trò vào lớp thì người đi trễ đó sẽ bị quì ngay trên ghế 5 phút. Có một lần tôi đi học trễ, vì sợ quì mà tôi đã cúp cua luôn cả 2 giờ toán của thầy. Buổi học đó thầy giảng về Đạo hàm, tôi đã phải về nhà tự nghiền ngẫm cho hiểu bài giảng và làm bài tập nhuần nhuyễn chuẩn bị cho những giờ toán sau đó.

Ngoài vụ quì gối vì vào lớp trễ, thầy còn phạt quì cho đứa nào bị thầy kêu trả lời câu hỏi bất ngờ trong lúc thầy giảng mà không trả lời được. Tưởng tượng bị quì như thế quê biết bao nhiêu, nên tôi phải chuẩn bị kỹ và tập trung nghe thầy giảng. Thường những giờ học khác đầu óc tôi đi mây về gió, nhưng giờ giảng của thầy tôi phải nhốt cái trí lãng đãng của tôi lại thật khổ hết sức. Cũng may tôi chưa bị quì lần nào. Tôi kể thằng con của tôi nghe một lần về luật lệ này nên nó cũng nhập tâm, lâu lâu lại nhắc đến thầy Lạc của Má.

Tôi và ít đứa bạn có học kèm thêm môn Toán ở nhà thầy. Tôi chỉ còn nhớ là trong số đó có Tuyết Lan, Hiếu, Thúy Nga, Thanh Tâm. Nhóm học thêm này ít lắm vì thầy dạy hơi nhanh và khó hơn các lớp dạy thêm khác như lớp của thầy Phước. Tuyết Lan và tôi đôi khi học xong còn được đánh cờ với thầy nữa.

Mỗi mùng ba Tết là các học trò cũ ghé lại nhà thầy chúc Tết và hàn huyên. Vui lắm. Tôi có tham dự một lần. Còn Tuyết Lan thì Tết năm nào cũng đến.

Nay gia đình của Thầy đang sinh sống ở tiểu bang California. Tôi chỉ liên lạc với thầy một lần rồi lặn luôn vì thấy mình học hành lở dở lang dang không ra gì. Tự trong thâm tâm thấy mình không đạt được kỳ vọng của Thầy dành cho đám học trò cưng thuở nào nên mặc cảm không dám gặp thầy nữa. Có điều tôi vẫn theo dõi và nhìn được hình ảnh của thầy và bà Hiệu trưởng từ các bạn ở xa gởi qua e-mail. Mong thầy cô mãi mãi bình an và nhiều sức khỏe.

 

- Người thầy thứ ba cũng dạy Toán là thầy Nguyễn Kế Thế. Thầy Thế ốm ốm, tóc lưa thưa. Thầy đã nghe lời và chìu đám học trò con gái mà phê cho chữ “CÓ KỶ LUẬT” bên cạnh con Zero VÔ KỶ LUẬT của thầy giám thị Tước (Trong truyện Ghét và Thương). Thầy Thế đã về bên kia thế giới.

Thầy Thế có cho chúng tôi một bài toán chứng minh một định lý có liên quan đến tam giác cân, và thầy cho phép cầu cứu những người khác. Cái đề đơn giản hết sức nhưng tôi và cả lớp làm cả tháng mà vẫn không chứng minh được, phải cầu cứu đến cậu của tôi là Thái Hồng Ngọc. Cậu tôi nói là hồi học Quốc học Huế, chỉ có một người học trò trong trường giải được bài toán này là bác sĩ Cao ở đường Trần Quí Cáp Nha Trang .

Tôi và Má đến nhà bác sĩ Cao để hỏi về bài toán, nhân tiện hai mẹ con đánh cờ với ổng luôn. Bác sĩ Cao nói với tôi :

- Cậu giải bài này lâu lắm rồi nay đã quên mất. Nhưng cậu sẽ ráng nhớ lại mà chỉ cho cháu.

Tôi cứ nghĩ ổng là bác sĩ trăm công ngàn chuyện, ai hơi đâu mà nhớ lại bài toán giải cho con cháu của bạn bè nhưng một tuần sau, bác sĩ Cao tới nhà tôi bảo:

- Cậu nghĩ ra một cách giải khác. Cách cũ cậu quên mất rồi.

Và ổng giải bài toán đó cho tôi. Tôi đem lên giải lại cho thầy và thầy đồng ý. Phải nói là tôi phục bác sĩ Cao sát đất, và cũng thương ổng nữa. Như thế chưa hết đâu! Một năm sau, bác sĩ Cao lại tìm tôi và nói:

- Cậu nhớ ra cách giải cũ rồi. Để cậu giải cho cháu coi nè.

Các bạn nghĩ sao về bác sĩ Cao" Có phải như thế mới xứng đáng là bác sĩ giỏi không"

 

- Người thầy kế là thầy Bùi Hữu Chấn, dạy môn Công dân giáo dục. Thầy Chấn ốm và cao. Tôi nhớ có một năm thi học kỳ, thầy cho một lớp thi ở bên trường Nữ trung học cũ. Tụi tôi (không nhớ đứa nào) núp ngoài cửa sổ, chép được đề và về chuyền tay nhau. Thế là mấy lớp còn lại đều học tủ và làm bài điểm cao hết sức. Đứa thấp nhất mà còn được đến 16/20 điểm. Thầy lấy làm lạ kêu một bạn học của chúng tôi là Phan Ngọc Thương lên hỏi vì thầy quen với Ba nó. Con Thương đã lần đầu tiên nói láo với thầy để bảo vệ cho các bạn. Tội nghiệp nó quá! Nhờ vậy đến giờ vẫn còn nhớ.

Học Công dân giáo dục là học đạo đức, học cách làm người. Vậy mà đám học trò của thầy lại học một đằng làm một nẻo, chắc giờ biết được thầy đau lòng lắm.

 

- Bà Hiệu trưởng của trường là bà Bùi Ngoạn Lạc. Bà đẹp như một nàng tiên diệu hiền. Tôi rất sợ bà, chẳng hiểu có phải là sự tôn kính dành cho một người Hiệu trưởng không nữa. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bà không làm Hiệu trưởng của trường mà “nhường ngôi” lại cho cô Tôn nữ Diệu Trang.

 

- Cô Thu dạy tôi môn Lý Hóa thời đệ nhất cấp tức từ lớp 6 đến lớp 9. Cô Thu ốm và hiền. Không hiểu sao tôi dốt môn này kinh khủng. Mấy cái công thức hóa học tôi nuốt không trôi nên ghét không thèm học bài luôn. Cứ mỗi lần làm bài kiểm tôi chỉ được 02 hoặc 03/20. Vì nó mà điểm trung bình của tôi bị kéo xuống.

Con Tuyết Lan thì giỏi môn này lắm. Nó lúc nào cũng được điểm cao. Còn tôi ngồi cạnh lại bị điểm thấp lủn chủn vì nó che bài rất kỹ. Chời ơi liếc qua thử mà không tài nào cọp được. Bạn bè thân mà nó cũng không ra tay giúp đỡ, còn tôi vì tự ái cũng không lên tiếng. Để cho nó thấy, đến giờ Toán làm bài kiểm, tôi chẳng bao giờ che bài mình, ai có muốn coi thì cho coi thả cửa. Nhưng Tuyết Lan nó giỏi đều mọi môn, chắc không thèm coi cọp đâu.

Năm 2003, tôi về Việt Nam đi Siêu thị ở Nha Trang có gặp lại cô nhưng cô không nhớ tôi. Học dở quá thì làm sao cô nhớ được, mà chẳng lẽ mình lại nhắc cô là hồi đó con ghét học môn Lý Hóa của cô lắm cô ơi.

 

- Thầy Đinh Thành Tiên còn bị học trò gọi là Điên Thành Tinh. Đầu năm học nghe nói thầy Đinh Thành Tiên mới đổi về trường sẽ dạy chúng tôi môn Sử nên cả lớp háo hức tò mò muốn xem mặt thầy mới thế nào. Thầy bước vào lớp với kính râm che mắt, áo ba-đờ-suy đen, xách cặp đen, mang giày cộp cộp đi vào lớp. Wow! Trông ông thầy y như điệp viên “007” thật là ngầu. Cả lớp đứng dậy chào thầy và thầy ra dấu cho mọi người ngồi xuống.

Rồi từ từ thầy để cặp lên bàn, cởi áo ba-đờ-suy khoác lên ghế, tháo kính ra để trên bàn, kéo ghế ra và ngồi xuống ghế. Cả lớp nín thở chiêm ngưỡng từng động tác ung dung một cách trịnh trọng của ông thầy điệp viên. Xong thầy nhìn xuống cả lớp và cất giọng oanh vàng:

- Các em mở vở ra học Sử.ử.ử.ử…

Chữ “sử” lên xuống với cách phát âm của người Qui Nhơn hay người Quảng gì đó, nghe lạ tai và mắc cười hết sức. Bọn tôi đứa nào đứa nấy bậm môi ráng nín cười. Điệp viên thần tượng nói giọng Nẫu nghe kỳ quá, không êm tai chút nào.

Thầy hiền lắm, mặc cho tụi học trò con gái nghịch ngợm giả giọng Nẫu lên trả bài. Con nhỏ trả bài thì làm hề, bên dưới cả bọn thì cười khúc khích. “Chửi cha không bằng giả tiếng”, tụi tôi đúng là quá lộng. Cũng may điệp viên không chấp nhất. Nghe nói thầy giờ đang sinh sống ở nước ngoài nhưng tôi không biết thầy đang ở nước nào.

Bổ túc chuyện mới về thầy Đinh Thành Tiên (kỷ niệm của Chế Hồng Loan):

Số là có năm thầy Đinh thành Tiên dẫn các bạn trong đội bơi lội vào Cam ranh dự thi, trong số đó có người đẹp Chế Hồng Loan. Cô nàng tranh thủ ở Cam ranh có nhà bà con nên trốn ra nhà họ chơi và ngủ đêm ở đó. Đến sáng ngày mới lò dò vào trình diện thì bị thầy “chụp cổ mời đi ăn sáng” ngay. Hồng Loan hậm hực nói:

- Tao mới chui vô trình diện là “thằng chả” cho tao một cái hột vịt to tổ bố. Tao thù “thằng chả” hết sức dậy đó.

Nghe mà tê tái cả lòng không" Hổng phải tê tái cho Chế Hồng Loan nhà ta mà tê tái cho “thằng chả” kìa. Ngày nào trước mắt thầy thì dạ dạ thưa thưa cung kính lễ phép hết sức, sau lưng “xùng” lên là kêu bằng “thằng chả” liền. Thường thì mấy ông thầy trẻ chưa “dợ” mới bị kêu vậy thôi. Giờ thầy Tiên mà nghe được chắc sẽ tặng cô nàng Hồng Loan nhà ta thêm chục cái trứng vịt nữa mới đáng tội.

Kỳ thi bơi lội đó Chế Hồng Loan đoạt giải nhất mà tôi quên không hỏi nó có trả lại cái trứng vịt cho thầy không"

 

- Thầy Thái Huy Bào dạy chúng tôi môn Sử Địa. Thầy là chồng của cô Mỹ Hoàng. Thầy Bào hồi đó đẹp trai, nói giọng Bắc rất hay. Mỗi lần thầy giảng bài lũ con gái cứ im phăng phắc ngắm thầy và lắng nghe giọng Bắc ấm cúng quyến rũ. Vì thầy đã có vợ chứ không chắc cũng có vài cô học trò mê mẩn.

 

- Thầy Trần Văn Châu và cô Phan Thị Anh là một cặp vợ chồng cùng dạy môn Lý Hóa. Thầy Châu ốm và cao, cô Anh tròn trịa và đẹp phúc hậu. Trong thời gian dạy chúng tôi, cô cứ có bầu và sinh hoài thôi. Cô thầy đều hiền lắm. Tụi tôi rất thích học cô vì…được nghỉ hoài. Con cô đông nên tụi nó hay chia nhau nhức đầu sổ mũi, thế là cô giáo phải ở nhà săn sóc con.

Sau ngày 30-4-1975, cô bán một sạp đồ khô dưới chợ Đầm và hiện nay vẫn còn sống ở Nha Trang.

 

- Cô Mỹ Loan dạy English. Cô đẹp và model hết sức. Tôi nhớ cô đeo cặp kính màu hồng lợt, và hay mặc áo dài lửng lửng ngang đầu gối. Dáng cô cao và thon thả đẹp lắm. Tôi rất thích ngắm và thương cái miệng của cô. Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng miệng của cô với cái miệng của chim họa mi, có phải vì chim họa mi tượng trưng cho những gì xinh xắn dễ thương không" Thật ra mỏ chim nào cũng nhọn hoắc, ví vậy chẳng đúng tí nào.

Sau nghe nói cô đổi vào Sài Gòn và bây giờ cô đang sinh sống ở đâu tôi cũng không biết.

 

- Cô Bạch Vân dạy Nữ công gia chánh. Mỗi năm chúng tôi đều có giờ học Nữ công gia chánh. Con gái mà, phải biết may vá, thêu thùa, đan móc, nấu nướng chứ. Tôi rất thích học môn này, có điều tôi không có khiếu và còn làm biếng nữa. Học bao nhiêu năm chỉ nhớ và biết thêu mũi thêu xương cá, làm khăn tay….Còn thì đan len đều do Má tôi đan dùm từng cái tấc len, mũ len, và ngay cả áo len con nít.

Nhớ có một đêm, Má tôi phải thức suốt đêm để đan cho xong cái áo len vì ngày mai tới hạn nộp cho cô chấm điểm. Tôi thì ngủ vùi, lâu lâu thức dậy thấy Má đang cặm cụi đưa lên đưa xuống mũi kim đan thoăn thoắt mà thấy thương Má quá. Sau này, khi tôi sinh thằng con đầu, tôi đã cho nó dùng cái áo len này cho đến khi nó lớn không mặc vừa nữa.

Mỗi năm ở trường có tổ chức thi nấu ăn để học sinh trổ tài. Và có cả triển lãm thủ công. Tôi rất mê và nhớ hoài những món thủ công tinh xảo của các bạn.

Cô Bạch Vân đang định cư ở Mỹ. Cô vẫn còn trắng bum như cụm mây trắng.

 

- Cô Thanh Trí dạy vẽ. Dáng cô cao lớn như Tây. Cô đẹp lắm, và trông rất sang. Tôi rất thích vẽ nhưng không có năng khiếu xuất sắc như nhỏ Hiếu. Có một lần cô cho đề vẽ trang trí một bình hoa. Tôi vẽ nháp cả 2 ngày, cuối cùng khi chấm bài cô hỏi tôi:

- Em lấy mẫu bình hoa này từ đâu vậy"

Tôi ấp úng nói với cô là do tự tay tôi vẽ ra chứ không lấy mẫu từ đâu cả. Vừa mừng vừa giận sao cô lại hiểu lầm như thế.

Cô đang ở Mỹ. Bao nhiêu năm mà trong hình thấy cô vẫn sang và đẹp.

 

- Cô Quỳnh Nga dạy tôi môn Sử Địa. Nhà cô là tiệm sách Thư quán ở Ngã Sáu rạp Tân Quang ngày xưa. Da cô trắng như bông bưởi. Cô giống người Nhật Bản lắm. Mỗi lần giảng bài cô hay kể thêm nhiều chuyện không có trong sách giáo khoa và khi ra bài kiểm tra thường hỏi về những chuyện kể thêm này lắm. Ngồi nghe cô giảng bài một lúc là tâm trí tôi lại bay bổng lên chín tầng mây ít khi ghi chép đầy đủ. Sau buổi học tôi thường phải mượn vở nháp của bạn bè mà ghi chép lại.

Mùa hè năm 1976 hay 77 gì đó, chúng tôi họp bạn bè cũ đi picnic ở Bãi Dừa gần Hòn Chồng thì gặp cô Quỳnh Nga và gia đình cũng đi picnic cùng chỗ. Cô trò ríu rít chào hỏi nhau. Nhớ hôm đó nước rút nên mấy đứa tôi rủ nhau lội qua Hòn Đỏ là một đảo nhỏ xíu gần Hòn Chồng. Gia đình cô cũng lội qua đó. Hai ngày sau nghe tin cô và gia đình đã đi vượt biên. Vậy là hôm đó là ngày cô ra đi. Gặp một bầy học trò chắc cô lo lắm đây. Lạng quạng bị lộ chứ chẳng chơi. Còn không mà cả một bầy đi hôi theo thì ghe nào mà chịu cho thấu.

Kỳ đó chuyến đi của cô thành công đến được bến bờ tự do. Tiệm sách Thư Quán bị nhà nước Cộng Sản tịch thu.

 


- Thầy Phạm Vinh dạy Anh văn. Tóc thầy nhiều, dựng và chỉa chỉa như lông nhím nên thầy còn có biệt danh là Thầy Vinh nhím. Thầy quen với cậu Ngọc tôi lắm nên tôi ráng học môn này cho đàng hoàng để khỏi bị mắng vốn. Có điều tôi không có khiếu Sinh ngữ nên không giỏi được.

Nhớ hồi đi học tôi hay mặc áo khoác dài che phủ cả mông vì lý do kỹ thuật của con gái đó mà. Mặc nhiều lần đến nỗi có hôm thầy hỏi tôi:

- Trò Thanh bị bịnh hay sao mà cứ mặc áo ấm hoài vậy"

Hồi đó mắc cở đâu dám nói thầy biết lý do. Mặc áo dài trắng tha thướt và đẹp nhưng nhiều khi cũng đau khổ lắm. Phải không các bạn"

 

- Cô Thu Cúc (cô Tổng giám thị)

Đứa học trò nào cũng sợ cô. Nghe chức vụ Tổng giám thị là thấy oai rồi. Cô hay bắt học sinh phải thêu huy hiệu trường trên áo; phải mặc áo lót bên trong áo dài. Lâu lâu cô đi kiểm tra đứa nào không tuân theo sẽ bị phạt. Con Nguyễn Nga cầm đầu mấy đứa thích điệu láu cá kiếm miếng vải trắng cất sẵn, khi nào cô đi kiểm tra thì nhét vào 2 bên eo chỗ lườn áo dài. Cô nhìn thấy không lòi thịt ra là chịu rồi. Cô vừa ra khỏi lớp là tụi nó lấy mảnh vải độn ra ngay rồi cười khoái chí lắm.

Cỡ năm 2006 cô Cúc và chồng là thầy Ngân có qua Mỹ du lịch thăm bạn bè. Trong hình chụp chung với các thầy cô thấy hai người trông tươi và khỏe lắm.

 

- Thầy Nguyễn văn Chương dạy Anh văn lớp 12 B tụi tôi. Thuở đó trông thầy rất đẹp trai, nhìn thấy có một vẻ gì đó rất thâm trầm và sâu sắc, chính chắn. Tôi còn nhớ giọng thầy ấm và hay lắm.

Trong lớp tôi có một nữ sinh rất giỏi môn Anh ngữ, lớn hơn tụi tôi vài ba tuổi nên tụi tôi hay kêu là chị Th. Chị Th kiếm đủ cách để gợi sự chú ý của Thầy và nhìn thầy với một ánh mắt sao sao đó. Kỳ lắm! Theo tụi tôi nhận xét thì hình như chị Th rất thương thầy Chương, một tình thương hơi đặc biệt một tí. Nữ sinh cảm thầy là chuyện thường thôi vì ở cái tuổi mới lớn đó nhiều cô đã ôm ấp những hình ảnh lãng mạn trong tim rồi. Vấn đề là có cơ hội để phát triển không thôi. Chị Th thì để ý đến thầy nhưng chắc là tình đơn phương vì thầy đã có gia đình rồi và rất đàng hoàng. Sau tháng 4 năm 75, chị Th không trở về trường nữa. Không biết chị đã di tản sau khi mất nước hay đã buồn tình đi tu"

Cỡ năm 1980 mấy chị em tôi có rủ nhau tới nhà thầy học thêm môn English. Còn má tôi sau này về dạy trường Âu Cơ chung với cô Như Nguyện vợ thầy. Cô Nguyện và Má tôi hai người thường hay bịnh hoạn ốm yếu mà thời điểm đó ai cũng khổ nên thông cảm với nhau lắm. Bây giờ thầy cô vẫn còn sống ở Việt Nam.

 

- Thầy Diên dạy Văn (nay đã mất). Thầy hiền lắm nên tụi học trò hay lợi dụng giờ thầy dạy để ăn vặt trong lớp. Nhớ có hôm tụi tôi còn dám ăn xoài chấm muối ớt trong lúc thầy giảng bài nữa chứ. Cái mùi xoài xanh chua chua bay thơm phứt làm thầy cũng thèm hay sao đó mà lâu lâu thấy thầy nuốt nước miếng. Cũng tội thầy thật! Thầy thèm mà hổng dám xin, còn học trò thì sẵn sàng chia xẻ nhưng hổng dám mời…

Ăn vụng trong lớp là một tuyệt thú của học sinh. Ngậm đồ ăn trong miệng, chờ thầy quay chỗ khác thì nhai lia lịa mà sao không có tiếng động, hoặc giả vờ lấy tay chống cằm che miệng rồi lâu lâu nhai một cái nhè nhẹ, mắt nhìn thầy một cách ngây thơ đắm đuối như đang nuốt từng lời thầy giảng (thật ra là đang canh me để nhai thôi).

Hồi đi học tôi rất mê ăn vụng bánh tráng khoai lang. Này nhé, dấu cái bánh dưới học bàn, rồi xé một miếng nhỏ nhỏ; canh khi nào thầy quay lưng rồi bỏ nhanh vào miệng. Ngậm một lúc khỏi cần nhai miếng bánh sẽ mềm và rã ra trong miệng. Cái vị ngòn ngọt, thơm thơm sẽ tan ra và thấm dần từng tí, từng tí. Rồi, phải canh thầy hay cô một lần nữa mới được nuốt đấy nhé, bởi vì nhìn cái cổ mình giựt giựt là bị lộ tẩy ngay thôi. Thôi, không tả nữa, bởi vì sao mà thấy thèm chảy nước miếng rồi nè.

 

- Thầy Phạm Tấn Phước dạy Toán. Thầy rất to con, hổng hiểu sao lại bị đặt tên là thầy Phước Xích Lô. Có phải vì cái xích lô thì kềnh càng hơn cái xe đạp" Thầy cũng hiền, không nghiêm khắc với học trò.

Thầy mở lớp dạy thêm môn Toán ở nhà. Lớp học thêm này lúc nào cũng đông học trò lắm. Học trò rất mến thầy ở cái tính bình dị hòa đồng với học sinh.

Nhớ có lần tôi kiếm đâu được một cái hình hoạt họa chụp một người nhỏ con chút xíu đang đạp xích lô chở một người khổng lồ. Tôi đã đề hai câu thơ bên dưới rồi đưa tặng thầy:

Thầy Tân thì đạp xích lô.

Chở Phạm Tấn Phước đi vô nhà tù!!!

Thầy Ngô Công Tân dạy Triết. Thầy Phước to con bao nhiêu thì thầy Tân tỉ lệ nghịch với thầy bấy nhiêu nên tôi mới ghép hai người như thế. Thầy Phước coi cái hình mà cười quá trời.

Thầy bị bịnh mất sớm. Không ngờ thầy to con như vậy mà cũng bị mấy cái con vi trùng nhỏ xíu quật ngã.

 

- Thầy Nguyễn Hữu Nam dạy môn thể thao của lớp tôi mấy năm liền. Tôi và Thủy Tiên là hai đứa ốm nhất lớp, năm nào cũng bị tụi nó bầu làm trưởng và phó ban Thể dục Thể thao. Cứ mỗi lần tựu trường, khi thầy Nam hoặc thầy cô nào khác dạy môn thể dục vào lớp bữa đầu tiên là tôi sợ lắm. Vì thầy cô hay hỏi:

- Ai là Trưởng và Phó ban Thể thao của lớp"

Tụi nó đồng xướng to tên của hai đứa tôi ngay lập tức như suốt đời chỉ chờ cơ hội này:

- Lê Đình Thủy Tiên và Mai Thái Vân Thanh.

Rồi đến khi hai con cò ma bẻn lẻn đứng lên là tụi nó cười ầm trời một cách khả ố hết sức. Thầy Nam cũng mắc cười khi thấy bản mặt quê độ và tiu nghỉu của hai đứa tôi. Được vài năm sau Thầy biết ý tụi nó không hỏi nữa. Hồi đó được ốm mà không biết hãnh diện, để giờ lớn tuổi cứ đi nhịn ăn tập thể dục để kiếm lại cái eo thon đó mà làm sao có được.

Mà mấy con nhỏ lớp tôi nó quái quỉ lắm. Nhớ hồi đó con Liêm bị lang ben ăn trên mặt nhìn không được “sạch sẽ” cho lắm thì tụi nó bầu làm “trưởng ban vệ sinh”. Con Tuyết Lan nghịch như quỉ thì tụi nó bầu làm “trưởng ban trật tự” – chỉ để cười ha hả mỗi lần giới thiệu ban điều hành lớp vào ngày đầu năm.

Bây giờ tôi cũng quên không biết thầy Nam có lỗi gì với học sinh mà một đứa nào đó đã tặng cho Thầy hai câu thơ phỏng theo bài “Điếu vợ chàng Trương” của Lê Thánh Tôn:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói lam,

Đít ai như đít của thầy Nam…

Cả bọn cứ rỉ tai nhau rồi khúc khích cười. Không biết bây giờ Thầy Nam sống ở đâu nữa"

 

Ngoài các thầy cô kể trên mà tôi đã có những kỷ niệm đặc biệt khó quên, tôi còn học rất nhiều thầy cô khác nữa như thầy Đỗ Khế dạy Toán (học trò gọi lái là Để Khố), thầy Đoàn Cầu dạy Pháp Văn, cô Võ Thị Cung dạy Anh văn, cô Hải dạy Anh văn, cô Tuyết dạy văn (nghe nói cô đã chết vì bịnh), thầy Hy dạy Pháp văn, thầy Thận dạy Lý Hóa, thầy Dũng dạy Anh văn, thầy Ngô Công Tân dạy Triết (hiện đang ở Milpitas - Cali), thầy Lại dạy Văn, thầy Ý dạy Vạn vật, cô Túy Trúc dạy Toán, .…

 

Có điều tôi quên mất không nhớ ra có kỷ niệm đặc biệt nào để kể ra đây nên thôi xin phép chấm dứt câu chuyện về các thầy cô để bắt qua chương khác kể “tội” bạn bè. Tuy nhiên nếu các bạn có thêm những kỷ niệm khó quên nào với các thầy cô chúng ta thì hãy bật mí và chia xẻ cho mọi người thưởng thức với nhe.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.