Hôm nay,  

Trai Cò Mổ Nhau

15/11/200700:00:00(Xem: 4803)

Bà Benazir Bhutto đòi tướng Pervez Musharraf phải từ chức Tổng Thống và cả chức Chỉ huy quân đội, Musharraf thẳng tay gạt bỏ. Sáng thứ tư 14-11 Musharraf nói sẽ từ chức Chỉ huy quân đội vào cuối tháng 11 và bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Thống như một thường dân, nhưng vẫn duy trì lệnh giới nghiêm qua cuộc bầu cử tháng 1-08. Dù vậy tình thế mỗi lúc một gay go thêm, tạo thành thế kẹt khó xử cho Mỹ. Trong khi đó Osama bin Laden và bọn thủ hạ khủng bố khoan khoái xoa tay ngồi nhìn. Dân Việt Nam có câu tục ngữ hóm hỉnh "Trai cò mổ nhau, ngư ông hưởng lợi". Hình ảnh này cũng có thể tiêu biểu cho mọi thế chiến lược đấu tranh chính trị và quân sự trên thế giới từ cổ đến kim. Đối phó với một kẻ thù chung, người ta không biết đoàn kết mà chỉ biết chia rẽ vì quyền lợi riêng tư, cá nhân và phe phái. Sự chia rẽ đó bắt nguồn từ những hận thù trong quá khứ, từ lòng tự ái và cao ngạo, đam mê lý tưởng lỗi thời, dễ bị kẻ thù lợi dụng dưới những hình thức quái đản nhất. Tuần này bà Bhutto vẫn còn bị giam lỏng tại gia ít nhất cho đến ngày thứ năm 15-11.

Bà Bhutto đã bị giam lỏng lần này là lần thứ hai trong vòng 5 ngày từ khi trở về nước, và lần này lệnh giam ghi là 7 ngày, trong khi rất nhiều người dân ủng hộ bà đã bị hàng trăm cảnh sát võ trang chống nổi loạn ngăn chặn khi họ lên đường dự định làm một cuộc biểu tình tuần hành dài 160 dậm từ tỉnh Punjab đến thủ đô Islamabad. Sau khi đòi Musharraf từ chức, bà Bhutto còn nói từ nay bà sẽ không nói chuyện với Musharraf về việc chia sẻ quyền hành như các giới chức Mỹ mong đợi. Mỹ muốn Musharraf làm Tổng Thống và từ bỏ chức vụ chỉ huy quân đội, còn bà Bhutto sẽ làm Thủ Tướng. Những sau khi bị giam lỏng thêm lần này, bà Bhutto nói bà nhất định sẽ không giữ chức vụ nào dưới quyền Musharraf.

Trong tình trạng gay go này, bà Bhutto nói để phục hồi nền dân chủ cho đất nước, đảng của bà sẽ tiếp tục liên minh với hai đảng đối lập chính, trong đó có đảng từng là đối thủ của bà là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của cựu Thủ tướng Nawaz Sharrif. Hôm thứ ba 900 Cảnh sát bao vây căn nhà của bà. Trong khi đó 3,500 cảnh sát võ trang bao vây thành phố Lahore, nơi đây hàng trăm đảng viên của đảng Dân chúng Pakistan (đảng của bà Bhutto) bị bắt giữ. Đảng đối lập Jamaat-e-Islaami cũng tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử nếu tình trạng giới nghiêm còn được duy trì. Như vậy không có chính đảng nào ủng hộ Musharraf, ngoài đảng quân sự của ông ta. Bà Bhutto đã hai lần làm Thủ Tướng, nhưng cả hai lần bà bị đuổi ra khỏi chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ. Còn ông Sharrif làm Thủ Tướng năm 1999, bị Musharraf đảo chính, trục xuất ra ngoại quốc.

Tình thế căng thẳng khiến các nước đồng minh của Pakistan rất lo ngại. Theo tin AP, ngoại trưởng các nước trong khối Liên Hiệp Anh và cựu thuộc địa của Anh nói Pakistan sẽ bị loại ra khỏi tổ chức này, nếu lệnh giới nghiêm không bị bãi bỏ và Musharraf không từ chức vào ngày 22 tháng 11. Về phần Mỹ, một nhân viên cao cấp của bộ Ngoại giao là Thứ trưởng John Negroponte sẽ đến Pakistan vào ngày 16-11. Mấy ngày trước, Musharraf đã ấn định bầu cử Quốc hội toàn quốc vào ngày 9-1-08 nhưng không thấy nói gì đến việc bãi bỏ lệnh giới nghiêm. Một phát ngôn nhân của chính quyền Musharraf cho biết theo tin tức tình báo, bà Bhutto có thể là mục tiêu ám sát của các phe tranh đấu cực đoan. Điều này nhiều người coi là đúng, nhưng các giới quan sát lại cho rằng Musharraf đã lợi dụng chuyện đó để nắm thêm quyền độc đoán, nghiền nát các đảng đối lập. Musharraf nói ông muốn giữ lệnh giới nghiêm để có an ninh trong khi dân đi bỏ phiếu. Nhưng nếu vậy còn ai có thể tin đây là một cuộc bầu cử công bằng và tự do"

Vậy dân chúng Pakistan nghĩ sao" Đầu tuần nay đài BBC thuật lại lời một một vài người dân. Một sinh viên trẻ 22 tuổi nói tình hình rối loạn đã có từ lâu chớ không phải vì lệnh giới nghiêm. Thật ra trong mấy ngày giới nghiêm vừa qua không xẩy ra một vụ bom nổ hay bắn giết nào. Nhưng giới nghiêm chỉ là tạm thời, cần sớm chấm dứt. Một sinh viên khác mới tốt nghiệp Đại học Lahore nói chính anh đã tham gia các cuộc biểu tình ở Karachi chống giới nghiêm, cùng với các luật sư, sinh viên, chuyên viên và cả các bà nội trợ. Anh nói: "Nhóm chúng tôi không thuộc một chính đảng nào. Chúng tôi là dân, chỉ muốn phục hồi chế độ dân chủ, tư pháp và báo chí độc lập". Một ký giả làm phóng viên kinh tế cho TV Aaj nói: "Sau khi có giới nghiêm, kênh đài TV của tôi bị cắt. Tôi vẫn làm tin, đi làm phóng sự như thường ngày, nhưng chẳng có ai nghe hay xem được đài của chúng tôi. Ngoài đài do chính phủ kiểm soát, không còn đài TV tư nhân nào được phát sóng trong mấy ngày qua".

Ông Asma Jahangir, Chủ tịch Ủy hội Pakistan về Nhân quyền, nói: "Tôi đã bị giam lỏng tại gia trong 90 ngày. Tôi không được phép rời khỏi nhà và cũng không có ai được đến thăm tôi. Họ cũng tịch thu phôn di động của tôi và cắt luôn đường lên lưới Internet từ nhà tôi. Tôi cũng tự coi là được may mắn. Mấy người đồng nghiệp của tôi đã bị giam vào ngục, người nhà không được thăm gặp. Hiện nay có khoảng 4,000 luật sư và người hoạt động cho nhân quyền bị bắt. Ngày nào cũng có người trong giới luật học bị bắt. Hôm qua họ bắt 150 người. Mọi người tôi quen biết đều đã bị bắt hay đã trốn mất tăm".

Đa số dân Pakistan không thích lệnh giới nghiêm, vấn đề của Mỹ là làm sao dàn hòa được giữa hai địch thủ Musharraf và Bhutto vì Mỹ cần Musharraf để dẹp khủng bố và cũng cần Bhutto vì bà được dân chúng ủng hộ để xây dựng dân chủ. Theo dự liệu ngày thứ sáu ông Negroponte sẽ đến Pakistan, nhưng ngày thứ ba Đại sứ Mỹ Anne Patterson tại Pakistan nói lệnh giới nghiêm là một dấu hiệu "đáng ngại". Đáng ngại cho ai" Cho Musharraf hay cho Bhutto" Hay cho Mỹ" Hãy chờ xem. Chỉ có điều thật sự đáng ngại là bọn khủng bố cũng chờ cơ hội để đánh một đòn. Đòn gì" Mục tiêu nổ bom giết người chỉ là thứ yếu. Ưu tiên của chúng là làm thế nào gây chia rẽ thêm cho tình hình Pakistan nát bấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.