Nguyên tác của Đại Thánh Sư Du Già Milarepa
(Bắt đầu từ ngày 21 tháng 9, 2007, phim về đạo sư Tây Tạng Milarepa sẽ được trình chiếu tại tại Quận Cam ở rạp S. Coast Village Cinemas. Đặc biệt, Viet Vajra Foundation kính mời quý đồng hương đến tham dự buổi tiếp tân, vấn đáp với đạo diễn Neten Chokling ở:
- Chủ Nhật 23 tháng 9, 2007 (11g. sáng) ở Việt Báo Gallery, 14841 Moran Street, Westminster, CA 92683. L/L (310) 638 -3827.
Sau đây là giới thiệu bản văn điển hình về Phật Pháp của ngài Milarepa.)
Rechungpa, cậu bé chăn dê và sau này trở thành đệ tử tâm truyền nhất của Milarepa, đã hội ngộ với đạo sư của mình năm lên 11 tuổi. Ngay giây phút nhìn thấy Milarepa lần đầu tiên trong đời, Rechungpa đã nhập định một cách bất chợt, và khi đứng lặng người chăm chú quan sát vị đạo sư du già không một mảnh vải che thân này, Rechungpa đã nảy sinh một kinh nghiệm hỷ lạc không thể nghĩ bàn. Về sau, chính Rechungpa là người đã được phó thác để ghi lại toàn bộ tiểu sử của Milarepa.
Một lần kia, khi đã trưởng thành, Rechungpa cuối cùng cũng đã được thầy cho phép ra đi với sứ mệnh đến , miền trung châu Tây-Tạng, nơi toạ lạc của kinh thành Lhasa. Trong bài thơ dưới đây, Milarepa khuyên dạy đệ tử những lời cuối cùng và cầu chúc những điều tốt lành cho Rechungpa.
Ôi Thầy!
Con ơi, con sẽ đến U châu hay không"
Bạch Thầy, nếu con đi đến U châu,
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về thức ăn.
Khi con có những ảo tưởng về thức ăn,
Hãy ăn thức ăn chánh định bất tận.
Hãy biết rằng tất cả những thực phẩm ngọt ngào đều hư nguỵ,
Và hãy xem tất cả huyễn tướng (appearance) như Pháp Thân.
*
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về áo y.
Khi con có những ảo tưởng về áo y,
Hãy mặc vào tấm áo lửa hỷ lạc bên trong.
Hãy biết rằng tất cả những món hàng dịu mềm đều hư nguỵ,
Và hãy xem tất cả huyễn tướng như Pháp Thân.
*
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về quê hương.
Khi con có những ảo tưởng về quê hương,
Hãy biến quê hương con thành quê hương chân lý.
Hãy biết rằng tất cả quê cha đều hư ngụy,
Và hãy xem tất cả huyễn tướng như Pháp Thân.
*
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về phú quý.
Khi con có những ảo tưởng về phú quý,
Hãy biến sự giàu sang của con thành Thất Bảo Ý.
Hãy biết rằng tất cả phú quý của thế gian
đều hư ngụy,
Và hãy xem tất cả huyễn tướng như Pháp Thân.
*
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về bạn bè.
Khi con có những ảo tưởng về bạn bè,
Hãy biến bạn bè thành suối nguồn trí tuệ tự nhiên tuôn chảy.
Hãy biết rằng tất cả bằng hữu thế gian
đều hư nguỵ,
Và hãy xem tất cả huyễn tướng như Pháp Thân.
*
Đôi khi con sẽ có những ảo tưởng về đạo sư.
Khi con có những ảo tưởng về đạo sư,
Hãy nguyện cầu đạo sư mãi mãi ngự trên
đỉnh đầu con,
Và hãy thiền quán về lửa ấm bên trong.
Đạo sư cũng chỉ là một giấc mơ hư ngụy.
Hãy biết rằng tất cả đều là ảo tưởng nghe con.
*
Núi Gampoden phương đông
Giống như hoàng đế ngự ngai vàng:
Lưng núi giống như màn lụa trắng,
Mặt núi giống như bảo vật quý giá chất chồng,
Đỉnh núi giống như vương miện ngọc ngà,
Bảy đỉnh đồi giống như bảy đại thần áo mão cúi chầu,
Và toàn thể giống như biểu tượng thiêng liêng bằng gỗ thếp vàng.
Trên đôi vai núi này là những nơi con phải [tu tập để] chuyển hoá.
Từ đó, con hãy đi hoá độ, làm lợi lạc chúng sinh.
Con ơi, con phải mau lên đường làm phận sự của con đi.
XUẤT XỨ: Nguyên tác của Đại Thánh Sư Du Già Milarepa. Bản Anh ngữ của Sir Humphrey Clarke. Bản Việt ngữ của Đỗ Đình Đồng, trích trong tập sách “Gửi Lại Trần Gian,” ấn bản của nhà xuất bản Hiện Đại in vào thập niên 1970 tại Saigon, Việt Nam.
Tâm-Bảo-Đàn hiệu đính năm 2007 để kỷ niệm buổi nói chuyện của Phật tử người Việt với đạo sư Neten Chokling Rinoche, đạo diễn phim điện ảnh Milarepa, tại San Jose và Westminster, California, Hoa Kỳ vào tháng 9, 2007. Tranh vẽ Rechungpa và Milarepa được lưu trữ tại: http://www.rinpoche.com/mp1.html
CHÚ THÍCH:
1- Lửa tam muội hay nội hỏa có khả năng đem đến trạng thái hỷ lạc cho tâm và năng nhiệt cho thân. Trong số đệ tử tâm truyền của đại dịch giả Marpa, Milarepa được sư phụ đặc biệt trao truyền cho pháp môn nội hoả (tumo) và nổi danh là đã chứng đắc được hoàn toàn pháp nội hoả, là một trong Sáu Pháp Du Già của Naropa.
2- Thất Bảo Ý hay Thất Giác Ý gồm có: (1) niệm tưởng thanh tịnh, (2) nhận thức thanh tịnh về giáo pháp, (3) tinh tấn, cố gắng hành trì thanh tịnh, (4) hoan hỷ, có được niềm vui thanh tịnh, (5) tịch mặc, khinh an, tự tại trong thanh tịnh, (6) an tâm, thiền định trong thanh tịnh, và (7) chứng nghiệm chân không siêu việt.
3- Lửa ấm ở đây ám chỉ những thành tựu hay chứng đắc do chính công phu tu tập của hành giả mà có. Cũng có ngụ ý là nội hỏa hay lửa tam muội.