Hôm nay,  

Lần Đầu Tiên Trong Lịch Sử Toà Soạn Thành Toà Án

13/08/200700:00:00(Xem: 1667)

Đơn xin tại ngoại của thân chủ của LS Lê Đình Hồ được Toà Án Liên Bang thụ lý qua điện thoại tại toà soạn Sàigòn Times vào tối Thứ Sáu 3-8-2007
LGT: Trong lịch sử tư pháp thế giới xưa nay, có không thiếu chuyện kỳ quái, lạ lùng, đặc biệt... nhưng chắc chắn hiếm khi xảy ra chuyện quan toà xét xử qua điện thoại. Dĩ nhiên, lịch sử tư pháp thế giới cũng  hiếm khi có chuyện toà soạn của một tờ báo sắc tộc lại trở thành toà án liên bang. Vậy mà trên thực tế, cả hai điều hiếm hoi đó đã xảy ra: Tối Thứ Sáu, 3 tháng 8 vừa qua, đơn xin tại ngoại của thân chủ của LS Lê Đình Hồ đã chính thức được Toà Án Liên Bang thụ lý và chấp thuận qua điện thoại tại toà soạn báo Sàigòn Times! Nhận thấy đây là một sự kiện đặc biệt, hứng thú và bổ ích, Sàigòn Times đã phỏng vấn chớp nhoáng LS Lê Đình Hồ, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả nguyên văn bài phỏng vấn.

*

SGT: Được biết vào tối Thứ Sáu ngày 3 tháng 8 vừa qua, Toà Án Liên Bang Úc đã tiến hành vụ xét khẩn cấp ngoài giờ làm việc về đơn xin tại ngoại tại toà soạn Báo Sàigòn Times, trong đó LS là người đại diện cho thân chủ. Xin LS cho biết đầu đuôi của vụ án"
LS Lê Đình Hồ (LS LDH): Trước khi trả lời câu hỏi, tôi cần nêu rõ, đây là một phiên toà công khai, tuy nhiên, vì muốn tôn trọng đời sống riêng tư của thân chủ, nên chúng tôi xin miễn nêu danh tánh của thân chủ chúng tôi trong vụ việc này. Bây giờ trả lời câu hỏi, vụ việc này xảy ra vào năm 2005, khi thân chủ chúng tôi bị cáo buộc là vi phạm Điều 132(2A)(2) thuộc “DDạo Luật Bản Quyền” (Copyright Act 1968). Đạo Luật này vừa được tu chỉnh vào đầu năm 2007 nên việc xét xử bị chậm trễ khi điều khoản mà thân chủ chúng tôi phạm phải, khác biệt với điều khoản của Đạo Luật sau khi được tu chỉnh. Sự khác biệt ở đây chỉ là sự khác biệt về việc sắp xếp lại điều khoản của Đạo Luật, riêng nội dung và hình phạt vẫn không có gì khác biệt. Tội danh mà thân chủ của chúng tôi bị cáo buộc là “tội vi phạm bản quyền vì thủ đắc sản vật để bán hoặc cho mướn” (Breach copyright by possession of article for sale/hire). Các nhà lập pháp quy định tội danh này bao gồm nhiều hành vi khác biệt nhau, chẳng hạn như việc sao chép lậu lại software của các thảo chương rồi bán ra thị trường cho người tiêu thụ, việc in ấn lại sách để bán trên thị trường mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc nhà xuất bản, việc cho sao lại hoặc mua lại các đĩa nhạc hoặc phim ảnh mà không có sự đồng ý của các nhà sản xuất và nhiều hành vi tương tự khác đều có thể cấu thành tội danh này. Hình phạt tối đa cho tội danh này là 5 năm tù ở hoặc 550 “ddơn vị tiền phạt” (penalty unit), tương đương với $60,500.00, hoặc cả hai hình phạt. Đạo luật này là một đạo luật liên bang, vì thế khi vi phạm hoặc bị cáo buộc về tội danh này thì công tố viện liên bang sẽ đứng ra truy tố.
Thân chủ chúng tôi bị cáo buộc và đã nhận tội. Sau đó được xét xử trước toà án sơ thẩm, toà án địa phương, tại Bankstown vào ngày 20 tháng 6 năm 2007. Hôm đó vị thẩm phán toạ xử đã đưa ra phán quyết buộc thân chủ chúng tôi “phải ở tù cuối tuần” (weekend detention) trong thời gian 6 tháng. Nhận thấy rằng đây là một bản án khá nặng cho thân chủ của chúng tôi, nên chúng tôi đã quyết định kháng án. Theo nguyên tắc hình sự, kháng án trong trường hợp này, chúng tôi phải trở lại toà, điều này có nghĩa là chúng tôi phải trở lại trước vị thẩm phán toạ xử về vụ việc này để báo cho vị thẩm phán này biết là chúng tôi đã nộp đơn chống lại phán quyết của ông ta, đồng thời đưa ra lý do để xin vị thẩm phán này chấp nhận cho thân chủ của chúng tôi được tại ngoại trong lúc chờ đợi kháng án. Thật là khó khăn cho cá nhân chúng tôi khi tình huống buộc phải trở lại trước vị thẩm phán đưa ra phán quyết xử phạt thân chủ của mình và trình bày cho vị thẩm phán này biết đó là một phán quyết khá nặng, và báo cho ông ta biết là mình đã nộp đơn kháng án, đồng thời xin ông ta hãy chấp nhận cho thân chủ được tại ngoại trong lúc chờ quyết định của toà phúc thẩm. Sau khi trình bày lý do, vị thẩm phán này đã đồng ý để cho thân chủ chúng tôi được “tại ngoại vô điều kiện” (unconditional bail) trong lúc chờ phán quyết của toà phúc thẩm. Sau đó, chúng tôi được Toà Án Bankstown cho biết là vụ việc sẽ được xét xử tại “Toà Án Vùng Campbelltown” (Campbelltown District Court) vào ngày 3 tháng 8 năm 2007. Tuy nhiên, vào ngày 2.8.2007 công tố viện liên bang cho biết rằng “Toà Án Vùng” có thể không có thẩm quyền tư pháp để xét xử phúc thẩm về vụ việc này. Sau khi thảo luận với công tố viện về một số điều khoản quy định trong “DDạo Luật Bản Quyền” chúng tôi quyết định là phải nộp thêm đơn kháng án tại Toà án Liên Bang để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra....
SGT: Xin được ngắt lời LS ở đây, vì có điểm LS cần làm sáng tỏ trước khi LS trình bầy tiếp. LS có thể cho biết lý do tại sao “Toà Án Vùng” không có thẩm quyền tư pháp để xét xử phúc thẩm về phán quyết này của toà án địa phương"
LS LDH: Đây là một sự vi phạm liên bang và Đạo Luật Bản Quyền đã có những điều khoản quy định về sự truy tố đối với những vi phạm này. Vì thế, vào ngày 3.8.2007, khi chúng tôi đến Toà Án Vùng Campbelltown, vị thẩm phán toạ xử cho biết là “Toà Án Vùng” không có thẩm quyền tư pháp để xét xử phúc thẩm về vụ việc này. Cá nhân chúng tôi có đệ trình cho vị thẩm phán toạ xử rằng nếu “Toà án Vùng” không có thẩm quyền để xét xử phúc thẩm về sự vi phạm này thì “sai lầm về thẩm quyền tư pháp này” (wrong jurisdiction) một phần do Toà Án Bankstown gây ra và yêu cầu vị thẩm phán toạ xử hành xử thẩm quyền của ông để cho phép thân chủ chúng tôi được tiếp tục tại ngoại trong lúc chờ phán quyết của Toà án Liên Bang. Tuy nhiên, vị chánh án tuyên bố là toà không có quyền xét xử đồng thời quyết định đưa vụ việc này lên Toà Án Liên Bang. Chúng tôi bèn đưa ra đề nghị rằng nếu “Toà Án Vùng” không cho thân chủ chúng tôi tiếp tục tại ngoại thì xin Toà đưa ra phán quyết để nội vụ được chuyển giao lại cho Toà Án Địa Phương Bankstown để toà án này quyết định về việc tại ngoại cho thân chủ của chúng tôi trong lúc chờ đợi kháng án. Tuy nhiên, vị Thẩm Phán toạ Xử cho rằng việc tại ngoại kể từ giờ phút này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Toà án Liên Bang.
Lúc đó là 12.20pm, nếu thân chủ chúng tôi không được tại ngoại thì ngay tối hôm đó, phải thi hành bản án tù cuối tuần, nghĩa là phải vô tù ngồi. Thế là chúng tôi phải lái xe từ vùng Campbelltown chở thân chủ cùng viên chức công tố quá giang về Sydney. Trên đường lái xe về lại Sydney tôi có trình bày hoàn cảnh, sự thiếu kinh nghiệm thương trường, cũng như sự chân thực của thân chủ chúng tôi và yêu cầu viên chức công tố không phản đối về vụ việc này. Ông ta đồng ý và yêu cầu chúng tôi báo ngay cho ông ta biết nếu Toà Án Liên Bang quyết định xét đơn xin tại ngoại để ông ta thay mặt công tố viện đến tham dự.
Khi chúng tôi đến Toà Án Liên Bang thì được nhân viên của toà cho biết là chúng tôi cần phải nộp đơn xin phép để được Toà xét xử về việc tại ngoại này. Nhận thấy rằng thủ tục pháp lý hành chánh quá phức tạp và chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ nữa là tất cả toà án sẽ đóng cửa. Tôi bèn quyết định trở về Toà Án Địa Phương Bankstown với hy vọng vị thẩm phán toạ xử trước đây sẽ cho phép thân chủ chúng tôi tiếp tục được tại ngoại trong lúc chờ quyết định xét đơn kháng án của Toà án Liên Bang.
Khi về đến Toà Án Bankstown, tôi nhận được điện thoại của Bà Chánh Lục Sự Toà Án Liên Bang xác nhận rằng việc tiếp tục được tại ngoại hay không là do quyết định của Toà án Bankstown. Tôi cám ơn và báo cho bà ta biết rằng chúng tôi đang có mặt tại Toà Án Bankstown. Thế là tôi yêu cầu được gặp Thẩm Phán Falzon để xin cho thân chủ chúng tôi tiếp tục được tại ngoại, nhưng không may cho chúng tôi là ngày Thứ Sáu 3.8.2007 đó là ngày phó hội của toàn thể các thẩm phán thuộc toà án địa phương tiểu bang NSW nên không có vị thẩm phán nào có mặt tại toà cả. Chúng tôi bèn trình bày vụ việc, đồng thời báo cho nhân viên của toà biết rằng Bà Chánh Lục Sự của Toà án Liên Bang xác nhận rằng thẩm quyền cho tiếp tục tại ngoại hay không là do Toà án Bankstown quyết định. Tôi đưa số điện thoại cùng danh tánh của Bà Chánh Lục Sự Toà Án Liên Bang để họ xác nhận điều đó, nhưng khi họ gọi thì không gặp được bà ta nên họ chỉ có thể để lại lời nhắn qua máy. Chúng tôi bèn giải thích cho nhân viên của toà biết là chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được và giờ đây nếu toà không thể giải quyết, thì toà cần phải xác nhận với cảnh sát về tình trạng được tiếp tục hưởng tại ngoại của thân chủ chúng tôi. Họ đã đồng ý về việc là sẽ xác nhận với cảnh sát về tình trạng này nếu có rắc rối xảy ra. Thế là tôi yên chí nói lời từ giã với thân chủ của chúng tôi trước khi toà đóng cửa, đồng thời dặn dò rằng nếu cảnh sát làm khó dễ thì yêu cầu họ liên lạc với tôi qua điện thoại di động.
SGT: Trở lại câu hỏi lúc đầu, xin LS cho biết lý do tại sao Toà án Liên Bang lại phải xét xử khẩn cấp ngoài giờ làm việc"
LS LDH: Theo thiển ý của chúng tôi, có lẽ sau khi Bà Chánh Lục Sự của Toà Án Liên Bang xét lại thủ tục và thẩm quyền tư pháp của Toà trong vụ việc này, có thể bà đã thấy được rằng toà án địa phương không còn thẩm quyền tư pháp trong trường hợp này, mà nếu không xét xử ngay thì thân chủ của tôi phải vô tù ngồi, nên bà đã sắp xếp để việc xét xử cho thân chủ của chúng tôi tiếp tục tại ngoại được tiến hành lập tức.
SGT: Bằng cách nào ông biết được rằng Toà sẽ xét xử vụ việc này sau giờ làm việc"
LS LDH: Hôm đó là chiều Thứ Sáu, sau khi từ giã thân chủ của chúng tôi vào lúc 5 giờ, điều mà tôi còn nghĩ ngợi là mình phải chuẩn bị đối phó với cảnh sát trong trường hợp thân chủ của chúng tôi gặp rắc rối. Riêng việc Toà cứu xét hoặc quyết định về việc tại ngoại vào giờ đó thì tôi không hề nghĩ đến.
SGT: Như ông đã đề cập ở trên là ông và thân chủ của ông đã từ giả nhau, thế thì làm sao lại có thể xét xử được"


LS LDH: Đúng vậy, thân chủ của chúng tôi thì đã ra về, riêng tôi sau giờ làm việc thường ghé lại toà soạn của báo SàiGòn Times để cố vấn những vấn đề có liền quan đến luật pháp cũng như chuẩn bị viết bài trả lời thắc mắc của độc giả qua mục Pháp Luật Phổ Thông mà tôi phụ trách trên báo SGT. Lúc đó vào khoảng 5 giờ 15 chiều, bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của Bà Chánh Lục Sự Toà án Liên Bang cho biết rằng trong vòng 5 phút nữa toà sẽ xét về việc xin được tiếp tục tại ngoại của thân chủ chúng tôi qua điện thoại. Tôi báo cho Bà Chánh Lục Sự biết rằng thân chủ của chúng tôi không có mặt ở đây. Bà ta nói rằng việc đó không đặt thành vấn đề, vì tôi có thể đại diện cho thân chủ, đồng thời hỏi tôi rằng số điện thoại nào thì tiện nhất trong việc xét xử này. Tôi yêu cầu bà ta gọi qua số điện thoại di động là tiện lợi nhất.
SGT: Sau đó, việc xét xử diễn tiến như thế nào"
LS LDH: Vào khoảng 5.20 chiều tôi nhận được điện thoại của vị phụ tá thẩm phán Toà Án Liên Bang. Vị này yêu cầu tôi giữ đường dây điện thoại để ông ta gắn thử speaker ở toà xem tôi có nghe rõ không và yêu cầu tôi nói thử qua điện thoại di động để xem âm thanh có nghe được qua speaker của Toà hay không. Sau khi thử xong ông ta bảo tôi giữ đường dây và thế là phiên Toà bắt đầu khai mạc.
SGT: Ông có thể cho biết việc xét xử qua điện thoại có phải theo những thủ tục như Toà xét xử bình thường hay không"
LS LDH: Tất cả các thủ tục đều theo nghi thức của một phiên xử bình thường, vì qua máy điện thoại ông cũng có thể nghe được 3 tiếng gõ vào cửa và lời tuyên bố là phiên toà bắt đầu khởi nhóm. Tiếp theo đó vị thẩm phán toạ xử đã gọi tên của người kháng án [tên thân chủ của chúng tôi được gọi]. Thông thường thì LS đại diện tiến đến bàn dành cho LS ngồi rồi tùy theo sự việc, dài, ngắn, hoặc thứ tự trước sau, hoặc theo sự thâm niên về tuổi tác rồi tuần tự đứng lên “mention” (đề cập đến, nói đến) tên của vụ kiện hoặc tên của thân chủ mà mình đại diện. Cũng có trường hợp toà gọi tên vụ kiện theo thứ tự hoặc theo sự sắp xếp riêng của toà. Sau khi vị thẩm phán toạ xử gọi tên, ở bên này đầu dây điện thoại, chúng tôi đã lên tiếng và nói rõ tên họ, xác nhận với Toà rằng chúng tôi là LS đại diện cho người kháng án, đồng thời báo cho Toà biết lý do tại sao không có sự hiện diện của thân chủ. Sau đó vị thẩm phán toạ xử đã đồng ý để cho chúng tôi trình bày vụ việc. Chúng tôi đã đưa ra tình huống và tội trạng mà thân chủ của chúng tôi đã phạm phải, đồng thời trình bày sơ qua về quyết định và các sự việc đã xảy ra trong ngày hôm đó. Sau đó chúng tôi đã đưa ra lời thỉnh cầu xin Toà cứu xét và quyết định để cho phép thân chủ của chúng tôi được tiếp tục tại ngoại trong lúc chờ đợi quyết định của Toà liên hệ đến việc kháng án này. Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, cho chúng tôi biết rằng Toà muốn cứu xét thỉnh cầu tại ngoại với điều kiện là có sự hiện diện của thân chủ của chúng tôi. Tôi trình bày với Toà là chúng tôi hiện ở tại Bankstown, còn thân chủ chúng tôi thì ở tận Bonnyrigg, nếu Toà đồng ý cho chúng tôi nửa giờ hoặc 40 phút thì chúng tôi có thể sắp xếp cho thân chủ của chúng tôi đến Bankstown để nghe Toà xử qua máy điện thoại. Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, đã đồng ý lời thỉnh cầu của chúng tôi và phiên Toà tạm ngưng vào lúc 5 giờ 40 chiều để chúng tôi sắp xếp cho thân chủ của chúng tôi đến để Toà cứu xét sự thỉnh cầu được tiếp tục tại ngoại.
SGT: Thân chủ của ông có đến kịp giờ để nghe Toà xử hay không"
LS LDH: Dạ kịp, vì lúc đó tôi liền gọi điện thoại và yêu cầu thân chủ của tôi hãy đến ngay toà soạn báo SàiGòn Times để Toà xét xử về yêu cầu được tiếp tục tại ngoại, và thân chủ của chúng tôi đến cũng vừa kịp lúc. Toà tái nhóm vào lúc 6 giờ 15 tối với sự có mặt của thân chủ chúng tôi. Toà yêu cầu thân chủ của chúng tôi xác nhận tên họ, sau đó bắt đầu việc xét lại thỉnh cầu xin được tại ngoại. Sau khi chúng tôi trình bày xong về toàn bộ nội vụ và các thủ tục đã trải qua tại Toà Án bankstown, Toà Campbelltown và tình cảnh của thân chủ chúng tôi, Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, đã nêu ra lý do tại sao lại có sự cứu xét ngoài giờ như vậy. Sau khi đưa ra quyết định cho phép thân chủ của chúng tôi được tiếp tục tại ngoại, Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, cho biết rằng sở dĩ Toà phải quyết định xét xử ngoài giờ như vậy vì sợ rằng thân chủ của chúng tôi có thể bị cảnh sát bắt bất cứ lúc nào trong đêm đó nếu không có quyết định này của Toà.
SGT: Làm thế nào Toà biết được rằng người phía bên này đầu dây điện thoại chính là thân chủ của ông"
LS LDH: Thì Toà yêu cầu thân chủ của chúng tôi phải xác nhận tên họ, đồng thời yêu cầu tôi chuyển dịch ra tiếng Việt về quyết định của Toà cho thân chủ nghe, và nếu hiểu thì phải nói cho Toà biết là “I do”.
SGT: Tại sao ông không dùng đường dây điện thoại của toà soạn báo SàiGòn Times mà phải dùng mobile phone"
LS LDH: Chúng tôi rất muốn xử dụng đường dây của toà soạn báo SàiGòn Times cũng như speaker phone của toà soạn để nghe rõ ràng hơn, nhưng vì không muốn tạo ra quá nhiều phức tạp cho Toà khi chúng tôi đã yêu cầu Toà liên lạc qua số điện thoại di động của tôi. Hơn nữa, dùng điện thoại di động trong trường hợp này lợi hơn, vì nếu thân chủ của chúng tôi gặp rắc rối, hoặc xe bị hư dọc đường thì chúng tôi cũng có thể đến ngay nơi đó để phiên xử vẫn được tiến hành như đã được sắp xếp.
SGT: Thế ông có nhận được phán quyết của Toà sau phiên xử hay không"
LS LDH: Trong lúc cứu xét lời thỉnh cầu của chúng tôi, Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, đã yêu cầu người phụ tá gởi email về quyết định của ông đến cho chúng tôi, đồng thời ông cũng yêu cầu vị phụ tá scan bản gốc quyết định của Toà và chuyển qua máy fax cho chúng tôi.
SGT: Như vậy ông không cần bản chính về quyết định của Toà hay sao"
LS LDH: Phiên Toà gần 1 tiếng đồng hồ, và chính thức kết thúc vào lúc 7giờ 10 phút tối Thứ Sáu, khi vị Thẩm Phán Toà Án Liên Bang, Rares J, tuyên bố chấm dứt. Tuy nhiên, Bà Chánh Lục Sự của Toà cũng như vị phụ tá của Thẩm Phán Toà Án Liên Bang vẫn còn làm những thủ tục cần thiết, và yêu cầu chúng tôi hãy đến Toà Án Liên Bang vào sáng ngày Thứ bảy 4.8.2007 để nhận bản chính của án lệnh, hầu có đủ thì giờ để làm “bản khai hữu thệ” (affidavit) đệ nộp cho Toà và tống đạt cho công tố viện vào ngày Thứ Hai 6.8.2007. Vào lúc 7giờ 20 tối thì Bà Chánh Lục Sự cúp máy và yêu cầu tôi gọi lại cho bà ta trước 8 giờ nếu có bất cứ điều gì thắc mắc. Vào lúc 7 giờ 50 tối bà ta đã gọi lại hỏi tôi, tôi xác nhận không có vấn đề gì đồng thời cám ơn về sự sắp xếp của bà để phiên xử được tiến hành khẩn cấp trong trường hợp này, đặc biệt là Toà đã đưa ra quyết định đúng theo mong ước của thân chủ chúng tôi.
SGT: Ông có biết là khi nào toà sẽ thụ lý vụ kháng án này hay không" Và ông muốn toà thay thế hình phạt hiện thời bằng một hình phạt như thế nào mới được gọi là thích đáng cho thân chủ"
LS LDH: Toà sẽ thụ lý vụ kháng án này vào ngày Thứ Năm 9.8.2007. Thân chủ của chúng tôi là một người lương thiện, chưa bao giờ dính dáng đến pháp luật, hơn nữa ông ta là người đã lập gia đình và có 4 con còn nhỏ dại. Đặc biệt là khi biết được việc mình làm là không phù hợp với sự quy định đối với luật pháp của Úc, thân chủ của chúng tôi đã đến gặp người chủ shop và xin được hủy bỏ hợp đồng sớm, nhưng lời đề nghị đó đã không được chấp nhận, vì thế ông ta buộc lòng phải đóng cửa shop trước khi mãn hạn hợp đồng. Bản án tù cuối tuần hoàn toàn không thích hợp trong trường hợp này, vì thật là khó khăn cho thân chủ của chúng tôi khi phải trả lời những câu hỏi do những đứa bé đặt ra là tại sao ba phải đi đâu vào những ngày cuối tuần. Nếu trả lời đúng sự thật cho con cái, điều đó sẽ tạo nên những ấn tượng xấu xa, gieo những hình ảnh không mấy tốt đẹp, vào ký ức non dại cho những đứa bé đang được lớn lên trong một xã hội đầy nhân ái và tình người như nước Úc này. Ấn tượng không mấy tốt đẹp đó sẽ theo các em cho đến cuối cuộc đời mỗi lần nghĩ đến hình ảnh và cuộc đời thuộc người cha của mình. Điều này có thể tạo nên những mầm móng bất mãn, gây ảnh hưởng không mấy tốt đẹp cho tương lai của các em nói riêng, và xã hội của nước Úc nói chung. Vì thế, bản án thích hợp nhất đối với sự vi phạm này, và trong trường hợp này, là toà nên buộc thân chủ của chúng tôi phải làm những công tác phục vụ cộng đồng trong một thời gian nào đó. Đó chính là bản án mà chúng tôi đang nhắm tới.
SGT: Tiện đây chúng tôi muốn hỏi LS là cách đây mấy tuần lễ báo chí có đăng tải về việc ông được yêu cầu lên tận Cairns, thuộc miền bắc Tiểu Bang Queensland, để xin tại ngoại cho một người Việt Nam bị bắt giữ ở trên đó, nhưng lời thỉnh cầu của ông đã bị toà bác bỏ. Ông có thể cho độc giả báo SGT biết về vụ việc đó được không"
LS LDH: Đầu đuôi câu chuyện đó như thế này. Cách đây hơn 2 tuần lễ chúng tôi được yêu cầu lên vùng Cairns để xin cho một người Việt được tại ngoại. Chúng tôi nhận lời vì người này là thân chủ của chúng tôi trước đây. Mặc dầu báo chí Úc đã khai thác về những tội trạng mà cô ta đã bị cáo buộc, vụ này rất phức tạp, tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng có những chi tiết tế nhị thuộc về đời tư của thân chủ mà chúng tôi có nhiệm vụ không được tiết lộ. Tôi xác nhận là tôi có đến Cairns để nộp đơn xin tại ngoại với số tiền là $7,000.00 đến $10,000.00 nhưng lời thỉnh cầu và những lý do yêu cầu cho cô ta được tại ngoại đã bị toà bác bỏ. Sau đó một luật sư người Úc tại Cairns đã đại diện cho cô ta để xin tại ngoại với số tiền thế chân là $30,000 nhưng toà cũng không chấp nhận thỉnh cầu và đề nghị đó. Chúng tôi vẫn tin tưởng là cô ta sẽ được tha miễn trong thời gian tới.
SGT: Câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết tại sao một luật sư hành nghề tại Sydney mà vẫn được quyền đại diện cho thân chủ tranh cãi các vụ tranh tụng tại các tiểu bang khác.
LS LDH: Luật pháp không ngăn cấm một LS hành nghề tại tiểu bang này đại diện cho thân chủ để tranh tụng trước một toà án tại một tiểu bang khác. Tuy nhiên, việc đại diện để tranh cãi cho thân chủ nằm ngoài quản hạt tư pháp của một LS đang đăng ký hành nghề đòi hỏi LS đó phải “xin phép toà” [xin phép vị thẩm phán toạ xử] (seek leave to appear) để được đại diện cho thân chủ của mình trong vụ kiện đó. Thông thường thì vị thẩm phán toạ xử sẽ cho phép LS đó được quyền đại diện để tranh cãi. Vấn đề được đặt ra ở đây là (1) liệu LS đó có đủ khả năng, hoặc thông hiểu được luật pháp tại quản hạt tư pháp đó hầu tranh cãi cho thân chủ của mình hay không; (2) Vấn đề không phải là sợ toà không cho phép đại diện mà vấn đề là liệu một LS hành nghề tại một tiểu bang khác có được những người ở tiểu bang này mướn để đại diện hầu tranh cãi hay cho họ hay không"
SGT: Chân thành cảm ơn LS.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.