Hôm nay,  

Suy Nghĩ Về Vài Hình Ảnh Đạo Sống Của Bà Mẹ VN Nhân Ngày Hiền Mẫu

09/05/200700:00:00(Xem: 3458)

  DẪN NHẬP

Nếu được hỏi "Sống trên đời, hình ảnh nào khắc sâu trong tâm khảm của con nhất"" Không người con nào mà không mau miệng trả lời "Hình ảnh mẹ con". Thật vậy, từ khi được sinh ra cho đến tuổi đi học và lớn lên, trưởng thành vào đời, hình ảnh gần gũi thân thương nhất vẫn là hình ảnh Mẹ, và tiếng "Mẹ" được người con kêu gọi và dùng nhiều nhất. Không Mẹ nào không thương con, không lo cho con. Từ miếng ăn, giấc ngủ, đến dìu dắt từng bước chân chập chững, cho đến việc săn sóc ốm đau, manh quần miếng áo, sách vở đi học...không việc gì mà không qua tay Mẹ. Cần cái gì thì hỏi Mẹ. Thiếu cái gì thì xin Mẹ. Muốn cái gì thì nói với Mẹ. Ngay cả những việc vui buồn, người con cũng thủ thỉ với Mẹ. Chính vì vậy mà người Mẹ bận bịu, vất vả nhất trong gia đình. Do đó người con rất thương Mẹ và tình Mẫu tử đậm đà thân thiết hơn bất cứ tình nào. Vì vậy người Mẹ được xã hội ca tụng, tôn vinh không những về tình thương của Mẹ đối với chồng con, mà cả những đức tính thể hiện trong cuộc sống gia đình.

Người Mẹ Việt Nam xưa kia thường được người đời đánh giá và ca tụng về tinh thần, về tính nết, về công ăn việc làm hơn là về hình dung, sắc đẹp bên ngoài. Cho nên người phụ nữ luôn trau giồi đức hạnh để trở thành người con gái thuần thục, nhu mì, hiền lành, giỏi công việc mà người đời gọi là người đàn bà lí tưởng. Mẹ được người đời ca tụng vì mẹ đã sống trọn đạo suốt cả cuộc đời từ tuổi ấu thơ với cha mẹ cho đến khi thành giathất với chồng với con. Cha ông ta bắt buộc mọi con dân trong xã hội Việt Nam xưa đều phải học và sống hợp với đạo làm người. Trong các đạo sống của tổ tiên vạch ra như đạo Vua tôi (Quân thần), đạo Cha con (Phụ tử), đạo Vợ chồng (Phu phụ), đạo Anh em (Huynh đệ), đạo Bạn bè (Bằng hữu), thì người đàn bà Việt Nam chỉ phải học và sống những gì liên quan đến đạo đàn bà, được cụ thể qua "Tam Tòng, Tứ Đức", để trở thành người phụ nữ, người vợ, người mẹ đảm đang và hết lòng hi sinh cho gia đình, cho chồng, cho con.

I - HÌNH ẢNH ĐẠO SỐNG CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM TRƯỚC 1975  

Hình ảnh đạo sống của bà Mẹ Việt Nam được thể hiện trong thời gian làm vợ, làm mẹ thì rất nhiều. Nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến vài hình ảnh đạo sống trổi bật nhất đã làm cho người phụ nữ Việt Nam xứng đáng được người đời ca tụng; đó là hình ảnh cần cù đảm đang trong công việc, hình ảnh hi sinh cho gia đình, và hình ảnh vẹn thủy vẹn chung với chồng.

A. HÌNH ẢNH BÀ MẸ CẦN CÙ, ĐẢM ĐANG TRONG CÔNG VIỆC

Nước ta là một nước nông nghiệp, và hầu hết người dân chuyên sống về nghề nông, về công việc đồng áng. Từ khi được sinh ra và lớn lên, con gái luôn sống trong thôn xóm dưới mái ấm gia đình, cùng sinh hoạt với cha mẹ, anh em trong một môi trường thân thương. Cả gia đình cùng làm lụng ngoài đồng từ sáng sớm tinh sương cho đền trời tối mới về, hoặc có khi người con gái phải gánh gồng hàng hóa theo mẹ buôn bán ngoài chợ, cũng đi từ tờ mờ sáng đến xế chiều mới đến nhà. Hơn nữa, có những gia đình nghèo mà con thì đẻ năm một, trọng trách con gái lại càng nặng nề hơn. Người con gái thường phải lo quần quật công việc suốt ngày, hết làm việc đến chăm sóc em, hết giả gạo, xây bắp đến mang cám cho heo ăn; hết giặt quần áo đến đi kiếm củi trên rừng về nấu cơm, đun nước... Cho nên người con gái đã học được tính siêng năng cần cù, đảm đang cho cha mẹ anh em từ lúc còn sống trong gia đình.

Vào tuổi ấu thơ, tuy là phận nữ nhi, nhưng các bà mẹ Việt Nam cũng thường dỗ dành con trong giấc ngủ vành nôi bằng giọng ru hời, để khuyến khích con gái mình sau này lớn lên nên bắt chước các bà Trưng, Bà Triệu, hầu được rạng mặt nở mày với thiên hạ:

"Con ơi, con ngủ cho lành,

Mẹ đi gánh nước rửa bành ông voi.

Muốn coi lên núi mà coi,

Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng".

Khi lớn lên, người con gái không phải chỉ được mẹ chỉ bảo để trở thành nội tướng đảm đang, mà còn phải học thêm quyền cước để phòng thân, để chống cướp, hoặc đi giết giặc cứu nước, cứu dân nữa:

"Ai vô Bình Định mà coi,

Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền".

Đến khi người phụ nữ xuất giá lấy chồng, sống theo chồng để xây dựng một mái ấm riêng, để thành một gia đình tự lập, tự quyết, thì lúc nào người vợ, người Mẹ cũng nghĩ đến sự no ấm, sự vui sướng cho chồng cho con. Do đó người vợ, người Mẹ cần cù, loay hoay với công việc hằng ngày, từ việc nhà đến việc gánh gồng buôn bán, hoặc đồng lao cộng khổ với chồng trong việc đồng áng:

- " Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa".

- "Ngày thì đem thóc ra phơi,

Tối lặn mặt trời, đổ thóc vào xây.

Một đêm là ba cối đầy,

Một tay xay giã, một tay giần sàng".

Có rất nhiều thiếu phụ, không ngại gian lao khổ cực, một mình cố gắng buôn tảo bán tần để kiếm tiền mua bút, sắm nghiên nuôi chồng ăn học cho tới khi đỗ đạt thành tài, để được làm bà nọ bà kia, rạng mặt rỡ mày với xóm làng, thiên hạ, để mong cùng hưởng vinh hoa phú quí với chồng:

"Em là con gái Phụng Thiên,

Bán rau sắm bút, mua nghiên cho chồng.

Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,

Bỏ công tắm tưới, vun trồng cho rau".

Người Mẹ không những cần cù lao động suốt ngày đêm, mà còn tỏ ra đảm đang, sắp xếp công việc để chu toàn bổn phận trong gia đình đâu ra đấy một cách tốt đẹp nữa. Người đàn bà Việt Nam, dù tốt đẹp duyên dáng như Công chúa Tiên Dung, dù sống trong gia đình quyền quí cao sang, một khi đã lập gia đình, cũng phải chia xẻ, gánh vác việc nhà cùng chồng, cũng phải làm tròn bổn phận người vợ trong việc nội trợ, cũng phải biết quán xuyến mọi việc ổn thỏa, tốt đẹp: 

"Sông sâu nước chảy làm vầy,

Ai xui em đến chốn này gặp anh"

Đào tơ sen ngó xanh xanh,

Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên.

Cho hay tiên lại gặp tiên,

Phụng hoàng há dễ đứng chen đàn gà"!

Khi vào thời loạn lạc binh biến, người chồng vì nghĩa vụ phải tòng quân giúp nước. Trước cảnh bịn rịn của vợ hiền, mẹ già, con thơ, người chồng phải khuyến khích vợ lo chu toàn bổn phận gia đình để mình yên tâm xông pha chiến trận giết giặc, cứu nước. Từ giây phút này. một mình người vợ, người mẹ phải lo đủ trăm việc. Công việc lao động liên tục hằng ngày của người Mẹ chẳng khác nào công việc kiếm ăn của con cò trên những cánh đồng ruộng lúa, trên những bãi biển nương dâu, cần cù tảo tần cả ngày lẫn đêm, không quản nắng mưa, không ngại gian khổ:  

  " Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

Nàng về nuôi cái cùng con,

Đề anh đi trẩy nước non Cao bằng".

Nhưng người chồng chỉ yên tâm nhập ngũ tòng quân, hăng hái quyết tâm phục vụ đất nước, quyết tâm ra đi tiêu diệt quân thù ngoài sa trường, cho đến khi được nghe chính lời người vợ khẳng định anh cứ an tâm ra đi vì cửa nhà đã có em chăm sóc. Kể từ đây, vai trò người Mẹ thật quan trọng. Một mình Mẹ phải đảm đang mọi việc: từ trọng trách chăm lo con cái, săn sóc mẹ già, trông nom lợn gà no đủ, đến việc lo toan sưu thuế cho gia đình một cách chu đáo và đầy đủ nữa. Người Mẹ phải làm việc quần quật hằng ngày, ít có thời giờ nghỉ ngơi. Không còn hình ảnh nào đáng thương mà cũng đáng nể trọng hơn hình ảnh một bà Mẹ dưới thời chinh chiến. Thật là một thân cò mảnh khảnh mà đa đoan:

- "Chàng ơi, phải lính thì đi,

Cửa nhà đơn chiếc, đã thời có em.

Anh đi em ở lại nhà,

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.

Lầm than bao quản nắng mưa,

Anh đi, anh liệu chen đua với đời".

- "Một mình lo tảo lo tần,

Lo phần sưu thuế, lo phần chồng con".

- "Con thơ tay ẵm, tay bồng,

Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông".

B. HÌNH ẢNH BÀ MẸ HI SINH CHO GIA ĐÌNH

Từ khi lấy chồng sống với gia đình nhà chồng, người phụ nữ mong làm sao cho tròn bổn phận làm vợ. Đến lúc có con, người mẹ dám hi sinh cả tánh mạng mình để bảo vệ gia đình. Nàng không nghĩ đền mình nhiều như thời con gái nữa, nhưng luôn nghĩ đến chồng, đến con. Về phần nàng, nàng không quam tâm mấy về việc trang điểm phấn son, ít chăm sóc vẻ đẹp của nàng như thời thanh xuân nữa. Nàng chấp nhận hi sinh tất cả cho chồng con được no đủ, sung sướng. Nàng chỉ chú trọng đến niềm vui tinh thần miễn sao hoàn tất được trách nhiệm vuông tròn của một người vợ, người Mẹ để cho chồng con sống hạnh phúc ấm êm dưới mái gia đình mà nàng cùng chồng đồng tâm hợp lực gầy dựng nên:

- "Chửa chồng nón thúng, quai thao,

Chồng rồi nón rách, quai nào thì quai".

Chửa chồng yếm thắm đeo hoa,

Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành".

- "Một ngày ba bữa cơm đèn,

Còn gì má phấn răng đen, hỡi chàng""

- "Có chồng chẳng được đi đâu,

Có con chẳng được đứng lâu nửa giờ".

 Có nhiều gia đình, chỉ một mình người vợ, người Mẹ lo buôn tần bán tảo mà nuôi cả nhà. Nàng tảo tần buôn bán ngược xuôi suốt ngày, ít có giờ nghỉ ngơi. Nhiều bà Mẹ lúc nào cũng thức dậy lúc 3, 4 giờ sáng để làm cơm cho gia đình rồi vội vã gồng gánh ra đi cho kịp phiên chợ. Bữa trưa ăn qua loa tại chợ, chiều tối mới về đến nhà, lo bữa cơm chiều cho chồng cho con xong, thì cũng đã đến 9, 10 giờ đêm. Nàng phải trèo đèo lội suối qua cồn hằng ngày để bươm chải kiếm thức ăn cho chồng con và gia đình. Nàng chịu hi sinh cá nhân để bảo toàn hạnh phúc gia đình. Nàng chấp nhận ân ái với chồng nửa đêm rồi phải gồng gánh ra đi khi trời chưa sáng trong lúc chồng con còn đang yên giấc:

 - "Nửa đêm ân ái cùng chồng,

Nửa đêm về sáng, gánh gồng ra đi".

- "Bán hàng ăn những của ôi,

Chồng con có biết nỗi này hay không""

- " Thương chồng mà phải gắng công,

Nào ai xương sắt, da đồng chi đây""

- "Một ngày ba bận trèo cồn,

Còn gì mà đẹp, mà giòn hỡi anh""

C. HÌNH ẢNH BÀ MẸ VẸN THỦY CHUNG VỚI CHỒNG

 Đây là đức tính chỉ thấy ở những phụ nữ thời xưa sống trong gia đình lễ giáo. Đức tính này đòi hỏi người phụ nữ phải hi sinh nhiều, phải trả một giá chấp nhận thân xác đau thương, nội tâm dằn vặt, để bảo toàn danh dự cá nhân mình và gia đình dòng họ mình.

Khởi đầu, đôi trai gái gặp nhau trong những cơ hội giao duyên như cùng làm việc chung trên một cánh đồng, hoặc cùng tát nước dưới ánh trăng thanh, hay cùng liếc mắt đưa tình trên những chuyến đò sang sông, hoặc cùng cảm mến nhau trong những cuộc tranh tài ở đình làng với những điệu hát lời ca đối đáp... Khi đã chọn được người yêu lí tưởng, trước khi tiến tới hôn nhân, họ thường thề nguyền yêu nhau và sống với nhau suốt đời và không bao giờ lìa bỏ nhau cho dù tang thương biến hóa, vật đổi sao dời... trước sự chứng giám của trời đất. Sau khi kết hôn, vợ chồng còn củng cố lời thề nguyền trước kia với tấm lòng chân thành bằng cuộc sống lứa đôi chân thật để vợ chồng yêu nhau khăng khít hơn, hầu kiến tạo một gia đình đầm ấm và vững bền, để đóng góp công sức phục vụ cho xã hội và Giáo hội:

- " Tay bưng đĩa muối chấm gừng,

Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau".

- "Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ, mới sai lời thề".

- "Trời cao, đất rộng, em vọng lời nguyền,

Đất trời còn đó, em giữ tuyền thủy chung".

- "Chừng nào đá nát, vàng phai,

Biển hồ lấp cạn, mới sai lời thề".

Cuộc sống lứa đôi thường hay gặp những sự cám dỗ, những điều bất trắc xảy ra ngoài ý muốn có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào. Do đó, cuộc sống vợ chồng yêu nhau chân thật, nếu muốn Hôn nhân được bền vững, gia đình được an vui, vợ chồng thường hâm nóng tình yêu mỗi khi có cơ hội, nhất là trong những lúc vợ chồng cùng vui vẻ sinh hoạt, cùng đồng cam cộng khổ qua những công việc cụ thể do hai tâm hồn kết hợp tạo nên:

- "Rủ nhau xuống biển mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Em ơi! Chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau".

- "Đêm Hè gió mát trăng thanh,

Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng,

Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,

Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,

Trăm năm thề những bạc đầu,

Chớ ham phú quí, đi cầu trăng hoa".

Đã là vợ chồng sống với nhau, ai cũng mong ước chung sống trọn kiếp. Vợ chồng thường khó tránh được những việc lục đục do cuộc sống chung đụng mang lại. Đạo vợ chồng đòi hỏi sự chung thủy giữa hai người nam nữ với nhau. Nhưng có những việc xảy ra khó hàn gắn tình vợ chồng và có thể gây nên sự đổ vỡ để rồi vợ chồng phải xa lìa nhau. Vợ chồng xa nhau thì thật là đau khổ. Vợ chồng bỏ nhau thì gia đình tan vỡ. Cho nên, vì tình vợ chồng sống nương tựa với nhau trong bao tháng năm cùng trong một mái ấm gia đình, vì vợ chồng cũng đã chia xẻ cho nhau những chuyện vui buồn, cũng như đã trải qua những mùi chua ngọt, những cảnh êm đềm trong những chuỗi ngày bên nhau, vì vợ chồng đã cùng ăn một mâm, cùng nằm một giường, cùng thương yêu, giúp đỡ nhau trong cơn bệnh hoạn, trong cảnh mưa gió bão bùng, và hơn nữa, vợ chồng cũng đã có lời cam kết, thề hứa sống với nhau suốt đời...chẳng lẽ vì một chuyện nhỏ mà phải xa nhau thật không đáng tiếc sao" Do đó trong việc vợ chồng, thường người vợ, người Mẹ luôn chịu đựng, nhẫn nhục hi sinh để cố gắng sống với chồng với con cho hết kiếp: 

- "Xét ra trong đạo vợ chồng,

Cùng nhau nương cậy, đề phòng nắng mưa".

- "Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,

Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi".

- " Vợ chồng đầu gối, má kề,

Lòng nào mà bỏ, mà về cho đang""

- "Đôi lứa mình nặng nợ ba sinh,

Cùng chèo một chiếc thuyền tình cho vui.

Đôi duyên ta như Loan với Phượng,

Nỡ lòng nào để Phượng lìa cây"

Thà rằng chẳng biết thì thôi,

Biết chi gối chiếc, lẻ loi thêm phiền".

Đức tính quan trọng nhất của đàn bà con gái là phải sống đoan trang, trinh tiết và trung thành với chồng. Người con gái sống nhà chồng, làm dâu nhà chồng, luôn cố gắng sống sao cho gia đình, họ hàng nhà chồng thương mến, thì đời nàng cảm thấy vui sướng, an lành. Lấy chồng là chấp nhận số kiếp đã được an bài, nên người vợ thề nguyền sống trọn kiếp với chồng suốt đời.

Cho nên, khi đã làm vợ, làm Mẹ, người con gái dù gặp hoàn cảnh khó khăn, đời sống nghèo nàn, cuộc sống lứa đôi trắc trở, người vợ vẫn cam chịu, an phận thủ thường với duyên nợ tiền định. Cho dầu có ai gièm pha hay quyến rủ bằng những lời hứa hẹn đường mật, bằng cách đem lại cuộc sống vật chất khá hơn, người vợ, người Mẹ vẫn cương quyết gạt bỏ tất cả, và tỏ ra một lòng chung thủy với chồng, vẫn yêu mến chồng con, sống vui vẻ với chồng như thuở nào, để bầu khí gia đình được đầm ấm và cuộc sống gia đình được hạnh phúc theo lời cam kết sống trăm tuổi bạc đầu:

- "Trăm năm trăm tuổi, may rủi một chồng,

Dầu ai thêu Phụng, vẽ Rồng mặc ai".

- "Chồng ta áo rách ta thương,

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người".

- " Trăm năm lòng gắn dạ ghi,

Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không".

II - HÌNH ẢNH ĐẠO SỐNG CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM SAU 1975

Biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã đưa dân Việt vào cảnh lầm than. Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam và thống trị cả nước với một chính sách cai trị hà khắc. Bọn họ thiết lập chế độ Chuyên chính Vô sản, rồi bắt tất cả các người đã và đang phục vụ cho chính quyền miền Nam, gọi là những người có nợ máu với Cách mạng với nhân dân, đi cải tạo và áp chế người dân bằng một guồng máy công an kềm kẹp, bằng một thể chế cải tạo Xã hội Chủ nghĩa để bóp nghẹt yết hầu người dân, bần cùng hóa người dân theo chính sách hộ khẩu, theo kiểu đổi tiền, theo cải cách ruộng đất và cải tạo Công -Thương nghiệp và đuổi dân đi vùng kinh tế mới... tạo cho xã hội hỗn loạn, nhân dân đói khổ lầm than, khiến con cái xa cha, vợ xa chồng, anh em cách biệt nhau.

Kể từ đó, trách nhiệm của những bà Mẹ Việt Nam trong gia đình lại càng vất vả nặng nề hơn. Bà Mẹ phải thay chồng gánh vác gia đình, chạy lo từng bữa ăn để nuôi con cái và thăm nuôi chồng. Nhưng cũng từ khi Cộng Sản cai trị cả nước Việt Nam, nền tảng gia đình bị đổ vỡ: lòng người thay đổi, con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố lẫn nhau, khiến gia đình sống trong cảnh đói khổ, cuộc sống mất an vui, tinh thần khủng hoảng, hoang mang bất ổn, cha con, vợ chồng, anh em, họ hàng sống trong sự nghi kị, dè dặt. Nội tâm bất an, mạng sống bị đe dọa vì không biết ngày nào bị bắt đem đi biệt tích hoặc bị giết. Cảnh mất của, mất tiền đã khiến nhiều người tự tử; cảnh mất cha, mất con, mất chồng, mất anh, mất em đã khiến gia đình li tán đau khổ. Lòng người thay đổi rồi đời sống cũng đổi thay và tình nghĩa vợ chồng cũng bị lung lay theo.

Bao nhiêu gia sản phải bán hết để đắp đổi nuôi con và thăm chồng theo cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Thế rồi những bà Mẹ đành phải dắt díu con cái đi kinh tế mới chỉ vì tin vào lời hứa suông của bọn cán bộ Cộng sản "Nếu gia đình nào đi kinh tế mới thì chồng sớm trở về". Đến vùng kinh tế mới, cái gì cũng chẳng có, chỉ có cây cỏ um tùm, đất sỏi khô cằn, thiếu mọi tiện nghi tối thiểu, lại không thể chống chọi lại với thiên nhiên hà khắc, khí hậu độc địa đang đe dọa bầy con nheo nhóc đói khổ, thất học, dở sống dở chết. Khổ ơi là khổ! Cuối cùng đành phải bồng bế nhau trở lại thành phố, ở đậu mái hiên nhà người. Thế là nhà mất, tiền của không còn và không thấy chồng trở về hoặc bặt tin chồng luôn. Nhưng vì đàn con thơ mà các bà Mẹ tiếp tục sống. Chính nhờ những bà Mẹ, bà vợ đảm đang, kéo cày thay trâu, chẳng ngại nắng mưa, chẳng quản sương gió, tảo tần buôn ngược bán xuôi, rong ruỗi hằng ngày với tấm thân gầy còm yếu đuối, để kiếm tiền nuôi gia đình, thăm nuôi chồng, nuôi con cái tạm sống qua ngày và còn nuôi con được tiếp tục học hành nữa:

"Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng" (Trần Tế Xương).

Có những bà Mẹ không sợ phong ba bão táp, chẳng quản hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, liều thân mang con vượt biển. Cũng có những bà Mẹ không sợ nanh vuốt của hùm beo, đạo tặc, vẫn dắt díu con thơ trèo đèo vượt núi, cố đem con vượt biên ra nước ngoài với hi vọng con cái có tương lai, cuộc sống tốt đẹp hơn. Quả thật! Nhờ sự cần cù lao động và chăm sóc gia đình chu đáo mà con cái bây giờ ở hải ngoại đã ăn học thành tài nên người, đã mang lại niềm vui cho các bà Mẹ. Nhưng người Mẹ Việt Nam cũng không được hưởng cái vui trọn vẹn, phần vì nhớ chồng, nhớ quê hương, phần vì buồn rầu về việc con cái ở hải ngoại " Cứng đầu, ít chịu vâng lời cha mẹ dạy bảo, tình nghĩa lơ là, không khép mình vào cuộc sống nhân-lễ-nghĩa, chẳng chịu tôn trọng cương thường đạo lí của cha ông…...". Thật là một nỗi đau lòng xót dạ cho những bà Mẹ Việt Nam nói riêng và những gia đình Việt Nam nói chung sống ở đất tạm dung.

Cũng may là các bà Mẹ sớm nhận ra được hậu quả của nền văn hóa - giáo dục Tây phương và xã hội Âu-Mỹ, một xã hội chú trọng đến vật chất, đề cao cá nhân chủ nghĩa và tự do luyến ái với cuộc sống buông thả, khiến con cái sống phóng khoáng, tự do, không ép mình vào khuôn khổ lễ giáo của gia đình, không quan tâm đến tình - nghĩa trong cuộc sống, thì thế nào dần dà con em cũng sẽ bị mất gốc quên nguồn, sẽ không biết tổ tiên mình là ai, thậm chí sẽ không còn biết mình là người nước nào nữa... nên các bà Mẹ đã quyết tâm khôi phục lại các đạo lí của tổ tiên, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc bằng cách cho con em đi học tiếng Việt.

Từ khi con em được cắp sách đến trường học Việt ngữ, tiếng Việt được sử dụng trong các sinh hoạt cộng đồng Việt, nhờ vậy mà các truyền thống tốt đẹp của tổ tiên được bảo tồn, các văn hóa của cha ông được duy trì, cuộc sống của dân Việt ở hải ngoại thắm đượm tình quê hương dân tộc hơn. Rồi các trường Việt ngữ được mở ra ngày càng nhiều đến bất cứ nơi nào có người Việt cư ngụ, con em đi học Việt ngữ ngày càng đông, đội ngũ giáo chức ngày càng hùng hậu, và hệ thống tổ chức trường sở ngày càng chặt chẽ và qui mô hơn. Ngoài ra, các bà Mẹ Việt Nam còn dấn thân tham gia vào các công tác xã hội và tôn giáo qua việc thành lập các hội đoàn như Hội Phụ Nữ, Hội Nữ Sinh Gia Long, Trưng Vương, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Maria... Công lao của các bà Mẹ Việt Nam, ngoài việc giữ bản sắc Việt cho con cái, còn duy trì được cộng đồng Việt ở hải ngoại cho dân tộc Việt nữa.

III - PHƯƠNG THỨC TRAU GIỒI ĐẠO SỐNG CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM

Nói chung, trong xã hội "Nam tôn nữ ti" của cha ông ta xưa kia, người đàn bà không đặt nặng trọng trách việc gánh vác sơn hà, nhưng chỉ cần học cách sống sao cho trọn đạo làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình là đủ. Người đời đánh giá phụ nữ qua cách biểu hiện những đức tính, qua cách làm tròn bổn phận của một người con, người vợ, người Mẹ theo qui định của một xã hội tôn trọng tinh thần hơn vật chất, tôn trọng đức hạnh, phẩm giá hơn hình thức bên ngoài. Để bổn phận được chu toàn, Người Mẹ Việt Nam xưa kia phải tu tâm dưỡng tính, phải trau giồi phẩm giá qua "Tam Tòng, Tứ Đức", và phải thực hành trong cuộc sống hằng ngày, để sau này trở thành một một bà nội trợ đảm đang, một người vợ, một bà Mẹ có cuộc sống tốt đẹp, gương mẫu trong gia đình và ngoài xã hội hầu trở nên tấm gương sáng cho con cái noi theo.

A. TRAU GIỒI TAM TÒNG

Ba điều người phụ nữ phải học và tòng theo: Khi còn sống với cha mẹ trong gia đình, người con phải vâng lời phục tùng cha mẹ; khi lập gia đình phải theo chồng và phục tùng chồng; khi chồng chết mà con còn nhỏ, phải ở vậy nuôi con khôn lớn thành gia thất (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).

1. Nhập gia tòng phụ:

Trong thời thơ ấu, sống dưới mái gia đình, tất cả những gì của con cái đều tùy thuộc cha mẹ. Con cái được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và lo lắng đủ điều. Chính vì vậy, con cái phải lấy sự hi sinh cho cha mẹ làm niềm vui, niềm hãnh diện để tự an ủi cho mình, và người con chỉ biết vâng phục, làm theo lời cha mẹ dạy bảo. Cha mẹ có quyền quyết định tất cả mọi việc của con cái, ngay cả việc hôn nhân trọng đại, cha mẹ cũng nhân danh gia qui mà quyết định cho con. Nữ nhi cũng vì gia đình, vì gia tộc mà chấp nhận sự an bài, sự lựa chọn vị lang quân của cha mẹ cho mình một cách vui vẻ:

- "Kiếm nơi nước vận cặm sào,

Chừng nào cha với mẹ định nơi nào, em sẽ hay".

- "Phụ mẫu sở sanh, phụ mẫu định,

Trong việc vợ chồng, chờ lệnh mẹ cha".

2. Xuất giá tòng phu:

Hôn hân là việc hệ trọng, việc thiêng liêng mà Thượng Đế ban cho loài người, nên "Trai khôn lấy vợ, gái lớn lấy chồng" là lẽ thường tình của con người; đó là việc sanh con nối dõi tông đường, lưu truyền nòi giống cho dân tộc để phụng sự xã hội và thờ phượng Chúa. Lúc còn nhỏ con gái sống với cha mẹ. Khi trưởng thành, nữ nhi phải lấy chồng, theo chồng, sống với chồng, thì phải vâng lời phục tùng chồng và cùng sống với chồng trọn kiếp. Người vợ phải biết trách nhiệm tương lai cuộc đời mình, phải biết đặt nặng trọng trách gia đình, và phải gắn bó, khăng khít, đồng tâm hiệp lực cùng chồng để tạo thành một gia đình biết tự lập, tự quyết hầu mang lại hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Người vợ cùng an hưởng những niềm vui sướng cũng như chia xẻ những nỗi khổ cực, buồn tủi với chồng. Hai vợ chồng "Tuy hai mà một, tuy một mà hai", phải cùng chung chí hướng xây dựng tổ ấm gia đình để góp phần xây dựng Quốc gia, xã hội và Giáo hội:

- " Theo cha theo mẹ đã đành,

Theo đôi theo lứa, mới thành thất gia"

- "Chữ rằng: chi tử vu qui,

Làm thân cón gái, phải đi theo chồng.

Đi đâu cho thiếp đi cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam".

- "Lấy chồng thì phải theo chồng,

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo".

Con người xưa nay luôn đặt niềm tin vào Đấng Thiêng Liêng vô hình, và tin tưởng số phận mình, cuộc đời mình hoàn toàn bị chi phối bởi định luật an bài của Đấng Tối Cao. Người phụ nữ Việt Nam còn tin rằng Hôn nhân là do duyên nợ mà thành, nên tự biết lấy chồng là chấp nhận định mệnh, là chìu theo số kiếp. Cuộc đời Hôn nhân của người con gái chỉ được quyết định một lần là quyết định vĩnh viễn, không thể dời đổi. Trong cuộc sống lứa đôi, nếu người vợ may mắn tìm thấy hạnh phúc viên mãn bên chồng, đó là diễm phúc của mình. Nhưng nếu lỡ gặp điều bất hạnh trong Hôn nhân, người vợ cũng phải nhẫn nhục sống trong cảnh an phận thủ thường, một lòng chung thủy và yêu mến chồng như thuở nào, để duy trì lời cam kết "sống cùng nhau đến trăm tuổi bạc đầu":

- "Con gái có hai bến sông,

Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ".

- "Trăm năm trăm tuổi, may rủi một chồng,

Dù ai thêu phụng, vẽ rồng mặc ai".

3. Phu tử tòng tử:

Người phụ nữ khi lập gia đình và đã có con, chẳng may người chồng qua đời, nếu con còn nhỏ cũng phải ở vậy nuôi con khôn lớn nên người để giữ đúng lời răn dạy của Thánh hiền "Phu tử tòng tử". Người đàn bà góa bụa, dầu còn son trẻ, cũng phải hi sinh hạnh phúc cá nhân, hi sinh cuộc đời còn lại của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng con cái đến khi thành tài, an bề gia thất. Người mẹ nên an vui với con trong tình mẫu tử theo tháng ngày để con được an vui, để tình mẹ con ngày càng được triển nở sâu đậm và thắm thiết trong một mái ấm gia đình:

- "Tam Tòng tích hãy còn ghi,

Bé nương cha mẹ, già thì nương con".

- "Trời mưa bong bóng phập phồng,

Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai""

B. TRAU GIỒI TỨ ĐỨC

Bốn đức tính căn bản người con gái phải tu rèn và sống để trở thành một người đàn bà, một người vợ, một người mẹ hoàn toàn, gương mẫu, xứng đáng với chức năng của mình: giỏi công việc nội trợ và buôn bán; biết ăn mặc và chăm sóc dung nhan; lời nói nhỏ nhẹ, êm ái, dịu dàng, uyển chuyển; ăn ở nết na, tính tình đoan trang, hòa ái, đôn hậu (công, dung, ngôn, hạnh). Nữ nhi được người đời đánh giá, suy xét dựa trên căn bản tứ đức; do đó, người con gái phải lo trau giồi đức hạnh hằng ngày để trở thành người phụ nữ toàn vẹn về các đức tính và phẩm giá:

"Phận gái tứ đức vẹn toàn,

Công, dung, ngôn, hạnh, giữ gìn chẳng sai".

1. Công:

Không cha mẹ nào lại không muốn cho con mình được vui sướng và thành công trên đường đời để cuộc sống hạnh phúc viên mãn, nên cha mẹ luôn quan tâm đến việc dạy con lúc còn sống trong gia đình. Riêng con gái đến tuổi trưởng thành, sắp bước vào ngưởng cửa Hôn nhân, người mẹ còn có bổn phận phải nhắc nhở, dạy bảo con đủ điều: từ cách ăn, nết ở, cho đến nghề nghiệp tự nuôi thân, việc sống với gia đình họ hàng nhà chồng, cũng như phương thức đồng lao cộng khổ giữa vợ chồng... để người con gái biết chu toàn bổn phận cá nhân và gia đình, hầu bảo vệ tổ ấm uyên ương xây dựng hạnh phúc tương lai trong cuộc sống:  

"Con ơi, mẹ bảo đây này:

Học buôn học bán cho tày người ta.

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Dù no dù đói cho tươi,

Quên ăn bớt ngủ, liệu bề lo toan.

Với quan niệm "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", cha ông ta cho rằng nghề nào cũng trọng cũng hay, nên bắt buộc con phải chuyên tâm theo học một nghề để tự mưu sinh. Người phụ nữ xưa kia không có cơ hội tham gia chính sự, chỉ cần chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ. Đối với công việc trong gia đình, người con gái, ngoài việc lo cơm nước gia đình, quản lí trông coi các việc trong nhà, biết việc kim chỉ vá may, thêu thùa, còn phải học thêm một nghề nhẹ nhàng hợp với khả năng như nghề làm bánh, nghề buôn bán... để phụ giúp chồng trong cơn túng thiếu, hoặc lỡ khi góa bụa, biết tự nuôi thân, nuôi con: 

"Nào nghề bánh trái những là,

Đến khi kị lạp trong nhà càng hay.

Bán buôn canh cửi kia thay,

Sanh nhai phải giữ trong tay một nghề.

Bây giờ chẳng liệu thì quê,

Mai sau cùng túng, không nghề làm ăn".

Cha mẹ thường khuyên con trai khi lập gia đình nên chọn người người con gái nào siêng năng, ham làm ăn, biết tháo vác trong công viiệc, để cùng chồng đồng tâm hợp lực xây dựng gia đình. Ham lấy một người vợ chỉ dùng dể trang sức thì chẳng khác nào đội một cái nón tốt đẹp mà không che mưa được:

"Đừng ham nón tốt dột mưa,

Đừng ham người tốt, mà thưa việc làm".

2. Dung:

Nhờ thấm nhuần luân lí của tổ tiên phối hợp với cuộc sống thiên nhiên, mà người Việt Nam mang trong mình một thứ triết lí sống tinh diệu và rất uyển chuyển để nuôi dưỡng sự tồn tại của mình. Người Việt thích vẻ đẹp tinh thần hơn vật chất, thích cái đẹp tự nhiên hơn giả tạo, thích thấy được cái chiều sâu tâm hồn hơn là phớt qua cái bề mặt hình thức.

Người phụ nữ cần phải cẩn trọng trong cách trang điểm và ăn mặc sao cho hợp với tinh thần của người Á đông, nhất là hợp với lối sống và suy nghĩ của người Việt Nam. Ăn mặc đơn sơ, phục sức đúng cách cũng làm tăng thêm vẻ đẹp cho nữ giới. Cách ăn mặc của đàn bà con gái, càng tự nhiên, kín đáo, càng tăng thêm vẻ đẹp và càng được quí trọng. Theo lối sống thực dụng, ăn chắc mặc bền hợp với bản chất cần cù lao động của người Việt Nam ta, cha ông thường chú trọng đến thực tế hơn hào nhoáng bên ngoài:

"Bậu đừng bảnh lảnh, đòi lảnh đòi lương,

Vải bô bậu mặc, thường thường thì thôi".

Theo truyền thống vẻ đẹp Đông phương, người xưa quan niệm "Cái nết đánh chết cái đẹp", nên cha mẹ luôn khuyên bảo con phải giữ gìn đức hạnh, ăn ở nết na trong cuộc sống. Con gái thuộc phái đẹp. Nhưng theo phong tục Việt Nam, vẻ đẹp mĩ miều, duyên dáng của người con gái thường được đánh giá dựa trên sắc đẹp tự nhiên bởi Trời sanh ra, chứ không căn cứ vào sắc đẹp giả tạo do phấn son điểm tô. Những lớp son phấn bên ngoài chỉ che giấu tạm bợ sự nhăn nheo của làn da tàn úa. Sắc đẹp chỉ là phần hình thức, đức hạnh mới là phần nội dung, phần tinh thần của con người. Sắc đẹp rồi cũng tàn phai theo thời gian, chỉ có đức hạnh mới tồn tại với nữ giới. Dung mạo của nữ nhi nếu biết trang điểm, chải chuốt theo tự nhiên, càng làm tăng vẻ đẹp thuần thục hơn vẻ đẹp diêm dúa do phấn son mang lại. Do đó, cha ông ta thường đánh giá người phụ nữ qua tính nết hơn là nhan sắc, dựa trên bản chất con người hơn là hình thức bên ngoài:

"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người"

3. Ngôn:

Lời nói thường do bẩm sinh và còn phản ảnh được tâm tạng và bản chất của con người. Phụ nữ với thân phận liễu yếu đào tơ, nên cần ăn nói dịu dàng, nhỏ nhẹ và chậm rãi. Theo tâm lí người đời, những người có giọng nói thanh tao, nhẹ nhàng, êm ái...được quần chúng ưa thích, ngưỡng mộ hơn những người có giọng nói gay gắt, bộp chộp, dằn cộc. Người con gái chẳng may khi sinh ra có lời nói vồn vã, hấp tấp với giọng điệu chanh chua, gắt gỏng...phải biết tập ăn nói và luyện giọng sao cho êm tai gợi cảm, dễ nghe, dễ đi vào lòng người, để trở thành người đàn bà dễ thương, dễ mến:

- "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".

- "Lời thanh nói tiếng cũng thanh,

Chuông kêu nếu đánh bên vành, cũng kêu".

Lời nói như mũi tên bắn đi, có tác dụng khó lường, nên người đời thường cẩn trọng trong lời nói. Một lời nói bất cẩn hoăc vô trách nhiệm có thể gây tai hại trầm trọng cho kẻ khác, hoặc người khác có thể hiểu lầm rồi gây ác cảm với mình. Người đời, nhất là phụ nữ phải luôn suy nghĩ, cân nhắc ăn nói làm sao để khỏi mất hòa khí mà còn tạo được thiện cảm với người chung quanh, để thêm bạn bớt thù. Cho dù trong cơn bực tức, khó chịu, yểu điệu thục nữ cũng phải luôn tỏ ra bình tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử hiền hòa, cảm thông cởi mở, để giải tỏa những nỗi bất hòa, những điều ẩn uất, hầu tái tạo được bầu khí thân mật, vui vẻ:

"Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói, cho vừa lòng nhau".

4. Hạnh:

Ở thời nào cũng vậy, nếu xét về tiêu chuẩn của phụ nữ, đức "Hạnh" được xem là đức tính quan trọng trong những đức tính của người đàn bà. Người thiếu nữ, dù dung nhan mĩ miều, đẹp đẽ quyến rủ, nhưng tính nết xấu xa, lăng loàn...vẫn bị người đời khinh miệt, xa lánh. Sắc đẹp đến đâu rồi cũng tàn phai theo tháng năm. Nhưng đức "Hạnh" biết chăm bón, vun bồi lại càng rộ nở theo thời gian. Cách ăn mặc của đàn bà con gái càng tự nhiên, kín đáo, càng được quí trọng. Do đó, cha ông ta thường thường chọn vợ cho con cháu dựa trên yếu tố đức "Hạnh" hơn là nhan sắc. Những người con gái ăn mặc theo lối hở hang, tủn mủn, lõa lồa, đã không được người đời tán thưởng, trái lại còn bị mỉa mai, chê trách nặng lời:

"Cá lên khỏi nước cá khô,

Làm thân con gái, lõa lồ ai khen""

Người xưa rất đặt nặng vấn đề tiết hạnh của người con gái. Đức "Hạnh" của người phụ nữ phải được gìn giữ trong suốt cuộc đời của mình từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ khi còn nhỏ đến khi lấy chồng và đến chết. Người con gái mà lẳng lơ, thất tiết thì bị người đời khinh bạc, không những chính bản thân nạn nhân, mà còn là một nỗi nhục cho gia tộc nữa, nên cha mẹ luôn răn dạy con gái phải biết xa lánh những nơi tửu điếm ăn chơi, chớ đam mê vào đường tình ái lăng loàn...Người con gái, vì muốn bảo toàn danh phẩm cá nhân và gia đình, gia tộc, phải luôn tâm tâm niệm và ghi nhớ lời căn dặn của mẹ:

"Lúc em bước chân ra,

Mẹ ở nhà có dặn:

Công sinh thành là nặng,

Điều tình ái là khinh,

Hãy đừng tham sắc đắm tình,

Lánh xa tửu điếm, trà đình chớ vô".

Cha mẹ nuôi con thấy con càng lớn càng mừng. Nhưng niềm vui của cha mẹ không được trọn vẹn, bởi vì con cái càng lớn cha mẹ càng thêm lo, nhất là con gái. Người mẹ lo sợ không làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Nếu chẳng may con cái hư đốn, người mẹ thường ray rứt về trách nhiệm "Con hư tại mẹ". Riêng đối với con gái, điều mong ước của người mẹ trước thời gian con lập gia đình hay về nhà chồng, là không bao giờ muốn nghe con gái thủ thỉ bên tai "Má ơi, con má hư rồi, má đừng trang điểm, phấn giồi uổng công". Do vậy, người mẹ luôn nhắc nhở căn dặn con gái tỉ mỉ về đức "Hạnh" nhất là cách giữ gìn "Trinh tiết". Nữ nhi không được tự do luyến ái và dễ dãi nhẹ dạ, nhưng phải biết giữ mình, biết khước từ những lời tán tỉnh đường mật của những chàng trai chuyên thả lời ong bướm, để khỏi thất tiết mà ân hận suốt đời:

- "Hoa thơm mất nhụy đi rồi,

Còn thơm đâu nữa, mà người ước mong""

- "Hoa thơm mất nhụy đi rồi,

Dẫu rằng trang điểm, cũng thời vô duyên"!

- "Chớ nghe quân tử nói giòn,

Rồi mà có lúc ẵm con một mình".

KẾT LUẬN

Sở dĩ người Mẹ Việt Nam được người đời ca tụng không phải vì tài cao học rộng, mà do cách hành sử, cách sống của người Mẹ đúng theo đạo sống của người phụ nữ, hợp với tinh thần Việt Nam, thể hiện cuộc sống tình nghĩa, nêu cao phẩm giá người đàn bà cũng như nhân phẩm của một người Mẹ. Hình ảnh bà Mẹ Việt Nam được đẹp đẽ, hiền hòa và cao quí đáng được chiêm ngưỡng không phải tự nhiên mà có, nhưng phải được dày công tôi luyện, uốn nắn từ gia đình, rồi được nền giáo dục nhân bản giáo huấn và xã hội bồi đắp thêm. Không người con nào lại không cảm thấy sung sướng và hãnh diện về người Mẹ mình được người đời ca tụng Mẹ khi còn sống, và nhất là được xã hội tôn vinh là tiết phụ sau khi chết. Kẻ hạnh phúc nhất là còn có Mẹ sống với con trên đời. Có Mẹ là có tất cả. Có Mẹ con không sợ thiếu chi. Qua hình ảnh Mẹ, con thấy hiện rõ đầy đủ nét sắc sảo, đáng quí, đáng mến nhất của lòng con:

"Mẹ là giòng suối dịu hiền,

Mẹ là bài hát thần tiên,

Là bóng mát trên cao,

Là mắt sáng trăng sao.

Là ánh đuốc trong đêm, con lạc lối...".

Điều bất hạnh nhất, thiếu may mắn nhất cho người con là Mẹ còn đó mà con không được gặp Mẹ, không được sống gần Mẹ. Mẹ thiếu con, Mẹ cũng buồn tẻ; con xa Mẹ, con cũng không yên. Người con bị giam hãm trong lao tù, thì nhớ Mẹ, mong từng ngày để được gặp Mẹ, nhưng không bao giờ được gặp. Hình ảnh người Mẹ hằng mong ngóng, đợi chờ từng giây phút để gặp mặt đứa con thân yêu trở về từ trại cải tạo, cũng thật là bi thảm. Một ngày Mẹ con không gặp mặt nhau thì lòng buồn rười rượi như thiếu những tia nắng vàng vào buổi chiều Thu, khiến bầu trời âm u vắng lạnh. Không nỗi đau buồn nào lớn hơn nỗi đau buồn của người con khi Mẹ lìa đời. Ngày Mẹ ra đi vĩnh viễn khiến lòng con tê tái, mặt rũ u buồn, và con cảm thấy dường như trời đất tối sầm lại. Không có mẹ đời con là ngõ cụt. Mất Mẹ rồi đời con sẽ thiếu thốn, điêu linh. Ôi! Những hình ảnh dịu hiền tỏa hương ngọt ngào như lọn mía ngọt bùi, như nải chuối buồng cau trong cơn đói khát, giờ đây đã không còn nữa. Ôi! Những hình ảnh thân thương như nắng ấm sưởi lòng con cô quạnh, đã một thời ghi khắc sâu trong lòng, giờ đây đã biến mất.

Không ai lại không nhớ những hình ảnh của những người Mẹ Việt Nam đã tận tụy suốt đời hi sinh lo cho chồng cho con để gia đình được hạnh phúc yên vui: hình ảnh "Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con nằm", hình ảnh "Đêm năm canh mẹ ru con ngủ", cùng với những hình ảnh khác của những người vợ, người Mẹ đã làm tròn phận sự của kẻ nội tướng, lo đầy đủ công việc cho gia đình, nuôi cha mẹ già yếu, dạy dỗ con thơ, giúp chồng thành danh phận; trong đó không thể thiếu hình ảnh những bà vợ Tú Xương, những bà mẹ Phan Bội Châu, hình ảnh Mẹ Maria ở gia đình Nazareth, Mẹ Têrê xa ở Calcutta... Ở Mỹ, người ta cũng dành một ngày để tôn vinh Mẹ. Nhưng con muốn Mẹ được tôn vinh hằng ngày, hằng giờ như thời con sống dưới mái gia đình ấm cúng và đầy ắp tình thương của Mẹ như thuở trước ở quê nhà, để thỏa tấm lòng hiếu hạnh và biết ơn của con đối với Mẹ.

Bà Mẹ Việt Nam đáng được con cái và người đời tôn vinh không những trong lúc còn sống mà ngay cả sau khi đã qua đời nữa. Lúc còn sống, nhân ngày lễ Mẹ, đoàn con và cháu chắt cùng quây quần thỏ thẻ những lời cám ơn Mẹ, chúc cho Mẹ sống lâu trăm tuổi, an hưởng tuổi già cùng chung vui với con cháu, rồi trao tặng Mẹ những hoa hồng thắm tươi với những món quà và món ăn mà Mẹ thích nhất, để đền đáp phần nào công ơn nuôi dưỡng to lớn như sông dài, biển rộng của Mẹ đối với con cái trong lúc sanh tiền. Đối với những bà mẹ đã quá vãng, con cháu nên bày tỏ lòng biết ơn bằng cách cầu nguyện, xin lễ, bày cỗ mà Mẹ ưa thích với nhang đèn nghi ngút tỏa hương thơm quyện lấy những đóa hoa hồng trắng trên bàn thờ trang trọng.

Thật tội nghiệp cho những bà Mẹ bây giờ ở Việt Nam không được một ngày nhớ ơn, một lần tôn vinh dưới chế độ CS!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.