Hôm nay,  

Như Lai Tạng Của Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền

06/05/200700:00:00(Xem: 4463)

Đọc Sách Mới: Như Lai Tạng Của Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền

Bìa sách Như Lai Tạng.

Xếp tập sách lại, cảm giác an lạc, thanh thản lạ thường. Tôi mới đọc xong "Như Lai Tạng". Vâng, mới đọc xong. Những hàng chữ vừa xếp lại vẫn còn in đậm trong trí. Những trang giấy tinh anh chuyên chở toàn ngôn ngữ Bát Nhã như nguyên vẹn đâu đây. Một trạng thái an bình, tĩnh lặng. Nắng mùa xuân nhảy múa trên mấy tàng cây. Những giọt nắng lấp lánh, ẩn tàng với sức sống nhiệm mầu, vi diệu vừa nhìn thấy trong tập sách "Như Lai Tạng".     

Vậy, "Như Lai Tạng" như thế nào"

Một cách ngắn gọn, thưa rằng: "Như Lai Tạng" gồm mười một bài viết về Chân Lý Phật Giáo. Bài nào cũng đáng đọc, cũng đáng suy gẫm. Còn như thế nào thì…chẳng thể nói bằng nhận thức của một cá nhân mà đủ, cứ đọc rồi sẽ biết. Mỗi người, tùy theo cách nhìn của mình, tùy theo nhu cầu của mình sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị và bổ ích.

Xin ghi lại ở đây, như một cách chia xẻ với bạn, những điều tôi nhận được khi đọc "Như Lai Tạng". Đây không phải là một bài phân tích, lại càng không dám là một bài phê bình, mà chỉ là những cảm xúc của riêng tôi, một người đọc sách, nhận thấy quyển sách có nhiều điều lợi lạc cho chúng ta, những người đang tìm kiếm con đường ra khỏi Sinh Tử. Quyển sách như một người bạn đồng hành thân thiết có thể sánh vai với chúng ta trên hành trình tìm kiếm Chân Lý. Quyển sách, cũng có thể giúp chúng ta hiểu và nếu thực hành kiên trì theo đúng sự chỉ dẫn trong sách thì một ngày nào đó ta sẽ chuyển được cái Thấy, cái Biết giới hạn, phân biệt của Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý là: có đến/có đi, có người/có ta thành Tính Thấy, Tính Biết đồng nhất, vốn ra ngoài Nhị Biên.

Tôi có cái thói quen là khi cầm bất cứ quyển sách nào lên, điều đầu tiên tôi làm là tìm mục lục, bởi đó là trang giấy nói lên gần hết những gì đọc giả muốn tìm nơi quyển sách. Trong "Như Lai Tạng", mục lục ở ngay đầu quyển sách, trang số 5. Tôi nhìn thấy có 11 bài viết mà "Như Lai Tạng" đứng số đầu tiên. Chắc tác giả phải hài lòng với bài viết này lắm cho nên mới xếp vào ngay là bài mở đầu, cũng là bài dài nhất trong tất cả các bài. Tôi nghĩ,  chắc bài này cũng quan trọng lắm cho nên tác giả mới dùng để làm tựa cho toàn quyển sách. Với những điều tiên đoán, tôi quyết định…để dành. Nên "Như Lai Tạng" là bài tôi sẽ đọc sau cùng! Đọc những bài sau trước, bài nào cũng có cái mời gọi riêng của nó, bài nào cũng có những ý nghĩa riêng của nó, bài nào cũng đem đến những lợi lạc chung cho người đọc.

Trước hết, tôi đọc bài cuối, "Phát Tang, Để Tang, Xả Tang". Cái tựa nghe có vẽ nhuốm màu tang tóc nhưng chẳng có tang tóc tí nào, mà trái lại, là viết cho những người đang sống. Một sự gợi ý vô cùng lợi lạc cho tất cả mọi người. Chủ ý của tác giả là muốn bàn bạc, góp ý với những người đang sống nhằm mang đến cho họ một cuộc sống an vui hơn, tốt đẹp hơn trước khi những điều tệ hại có thể xảy ra. Tác giả Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền đã mượn đề tài người đời thường quan tâm và sợ hãi nhất là cái chết mà đưa ra những suy tư cho chúng ta lưu ý để sống tử tế với những người chung quanh hơn, để tạo cho mọi người những niềm vui khi đang thực sự còn có nhau trên cõi đời này: "…tại sao chúng ta không xót thương nhau, không kính trọng nhau, không nhường nhịn, giúp đỡ nhau, không tiếc thương nhau ngay từ bây giờ, tức là chúng ta đang Phát Tang, đang Để Tang nhau khi còn đang sống, để sẽ không có những ân hận, hối tiếc cũng như những gì muốn chứng tỏ, muốn cho nhau không quá trễ…!"(trang 163)

Đúng vậy, đó là lời nhắc nhở những điều mà trong cuộc sống hối hả từng ngày nhiều người vô tình đã quên đi người thân chung quanh. Những việc đáng làm cứ lần lữa hẹn hết ngày này qua ngày khác mà không nhớ rằng thời gian qua rất nhanh, đến khi hốt hoảng nhận ra những việc đáng lẽ phải làm thì đã không còn có cơ hội nữa; Vì thế họ thường bị sống trong những dằn vặt, ray rứt khôn nguôi.

Là một người tĩnh lặng, luôn sống với thế giới nội tại một cách sâu xa, Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền muốn chia xẻ với mọi người rằng con người làm chủ cuộc sống của chính mình chứ không ai khác. Ta có an lạc ngay trên cõi đời này mà không phải đi tìm ở một cảnh giới nào đó xa xôi. Bằng cái Tâm buông xả và không chấp chước, mọi người ai cũng có thể tạo được cuộc sống hạnh phúc, an lạc cho chính mình và những người chung quanh mà không phải cầu đến một trợ lực nào ở bên ngoài. Không phải đợi đến lúc chết đi mới hưởng được cảnh giới Cực Lạc ở một nơi nào đó. Mà cực Lạc đang có ở ngay đây, ngay trong chúng ta, nơi cuộc sống này. Sở dĩ con người bị đau khổ, bị thất vọng vì Mê. Trong bài "Chết Đi Về Đâu", tác giả xác định: "…Khi Mê thì một cái Tâm mà chúng ta tự chia thành Sáu: Gọi là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, do đó mới có sáu nẻo Luân Hồi. Khi Ngộ thì chẳng có Một mà cũng chẳng có Sáu …"! (trang 139)

Bàng bạc trong suốt quyển sách, chúng ta sẽ thấy Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền luôn nhắc nhở mọi người gắng quay trở về, làm sao nhận ra và sống được với cái Tâm Thanh Tịnh sẵn có của mình: Cái Tâm không phân biệt, không so đo, không phải quấy, không hơn thua, không chia chẻ. Cái Tâm trong sáng, rỗng rang nhận biết mọi sự vật y như nó đang là. Cái Tâm mà theo tác giả: "…nó trường tồn như mặt trời luôn chiếu sáng, sở dĩ chúng ta nhìn nó lúc tối, lúc sáng là vì mây che mỏng hay dầy, cũng như Tâm phân biệt của chúng ta nhiều hay ít và tập khí sâu hay nông, mà tùy theo cho sự nhận ra Tự Tính nhanh hay chậm..".(Chỗ Một Niệm Chưa Sinh Chưa Phải Là Phật Tính, trang 127).

Ở một bài viết khác, "Lễ Tắm Phật", tác giả dùng sự trình bày giản dị mà rõ ràng để chỉ cho ta thấy là: "…Chúng ta cũng có Phật Tính, chỉ vì Vô Minh Tham, Sân, Si che lấp mà thôi. Nay chúng ta chịu Tu Hành, không cầu Phật bên ngoài mà tự hướng vào Nội Tâm, Tu sao để ông Phật của chúng ta hiện ra cùng là sửa đổi mọi thói hư, tật xấu, xả buông hết mọi tập khí: ích kỷ, ngạo mạn, ghét ghen, độc ác..v…v…Thì đó là một cách Tu đứng đắn nhất, đúng nghĩa nhất, và cũng chính là chúng ta đang Tự Tắm, đang Tự Thanh Tịnh Thân Tâm… (trang 101).

Thật vậy, qua cái nhìn của "Như Lai Tạng", chúng sinh đã sống với những tập khí, những thói hư tật xấu từ lâu đời lâu kiếp lắm rồi, không dễ gì một sớm một chiều mà buông bỏ được. Đã sinh ra là con người thì không ai hoàn toàn, cho nên chúng ta mới tìm con đường hướng thiện hầu đạt đến Chân Lý là Giác Ngộ và Giải Thoát. Trên con đường tìm Chân Lý, những suy tư, thắc mắc là con người từ đâu tới" Vũ Trụ ở đâu ra vẫn luôn là những vấn nạn mà cho đến nay chưa có một kết luận nào tạm cho là thành công. Hãy đọc tiếp trong bài viết chính:" …các Khoa Học Gia, các nhà Triết Học từ xưa tới nay dùng bộ óc và dùng toàn vật chất để tìm hiểu Vũ Trụ, Loài Người ở đâu ra. Có biết đâu rằng càng suy nghĩ, càng tìm hiểu, càng phân tích (Duy Vật Luận) thì lại càng đi lạc…"(Như Lai Tạng, trang 43). Tại sao vậy" Bởi vì Thân Tâm con người bất khả phân ly, nó ra ngoài sự tưởng tượng của chúng ta cho nên không thể dùng những hiểu biết thường tình của sự suy luận qua trí óc mà phân tích hay lý giải; Vì sự suy luận đó có giới hạn, không thể nào hoàn toàn mà chỉ đến được một phần của con người như :  Chủ thuyết "Duy Vật" thì cho rằng bản chất của Thế Giới là vật chất, trong khi chủ thuyết "Duy Tâm" thì ngược lại, lập luận rằng Thế Giới hình thành tốt hay xấu đều do kết quả sự biến đổi của Tâm. Cả hai chủ thuyết đều chưa rốt ráo vì chỉ nghiêng nặng về một phía. Trong khi Phật Giáo thì vượt lên trên cả hai chủ thuyết đó vì theo Bát Nhã "Thật Tướng của các Pháp là Vô Tướng và cũng là Hữu Tướng". Và Kinh Lăng Nghiêm thì "Tính không rời Tướng và Tướng không rời Tính". Bởi thế, trong bài viết này Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền đã nói rất chi tiết về Thân Tâm con người như Tứ Khoa, Thất Đại, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Bát Thức và Thập Nhị Nhân Duyên. Ngay ở phần đầu của "Như Lai Tạng" tác giả đã viết: "… khi hiểu biết rốt ráo về mình, rõ biết mình là ai, thì sẽ biết rõ Vũ Trụ, vạn vật, và cũng là mục đích đã được hoàn tất…." (Như Lai Tạng, trang 13). Tiếp theo đó, tác giả đã cho chúng ta rất nhiều chi tiết về Tứ Khoa và Thất Đại. Riêng phần Ngũ Uẩn có hơi phức tạp, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi từ thô tới tế, từ vật chất tới tinh thần như : Từ Ngũ Uẩn là những cái ngăn che không cho ta nhận ra được Chân Tính mình tác giả cho thấy tự chúng ta đã tạo ra Vọng Tâm để nó choán mất Tâm Tính của mình mà sinh ra Ngũ Trược, rồi Ngũ Vọng đến Bát Thức. Và chi tiết hơn, qua Bát Thức, Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền đã phân tích Ngũ Ấm một cách rất rõ ràng qua những nhiệm vụ và sự vận hành của nó. Đặc biệt là phần Ý Căn và Ý Thức rất khó hiểu, nhưng ở đây cũng được luận giải một cách rất rõ ràng và chi tiết mà chúng ta khó tìm ở cuốn sách nào khác.

Sau khi biết rõ về Thân Tâm chúng ta, tác giả đưa ra những phương pháp thực hành hầu giúp chúng ta thoát ra khỏi sự ràng buộc của vòng quay Luân Hồi Sinh Tử. Bởi vì theo Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, sống trong cuộc đời giống như là chúng ta đang sống trong một "cơn trường mộng", mà "cơn trường mộng" này không được nhắm mắt, mà là "cơn trường mộng" phải mở mắt.  "…Khi chiêm bao nhắm mắt còn không ai có thể chen vào được để mà giúp chúng ta Tỉnh Thức thì huống chi là chiêm bao mở mắt! Hay chính chúng ta đã tự Mê thì cũng chính chúng ta phải Tự Tỉnh, không gì khác được!..."(Tỉnh Mộng Đi Thôi, Trở Về Nguồn, trang 55). Mà muốn thoát ra khỏi cơn mộng dài đằng đẵng ấy thì phải làm sao" Theo tác giả thì ta phải nhận ra cái Chân Lý Tuyệt Đối, là "…cái mà Đức Phật tạm gọi là Phật Tính và mọi Tôn Giáo cũng đều có cái tên riêng để đặt và để gọi nó, nhưng dù đặt tên gì chăng nữa thì cũng không thể nào ra ngoài được cái Tướng mà Vô Tướng, Vô Tướng mà là Tướng, tức cái Thật Tướng của Bát Nhã…" (trang 57).

Phải chăng, từ lâu đời lâu kiếp, bằng một thói quen cố hữu, con người hay coi thường bản thân mình. Tự xem nhẹ hay chối bỏ chính mình để chuyên chú, mong mõi về một nơi nào đó Vô Hình Tướng mà ta cho là Cực Lạc hay Thiên Đàng. Ta luôn tin tưởng, cầu nguyện, van vái tới một Đấng Quyền Năng Tối Thượng (Vô Hình) có khả năng Linh Thiêng nào đó ban bố những điều ta mong muốn hay mang ta về cái thế giới Cực Lạc (Vô Hình) sau khi Chết. Ta luôn cầu khấn ở bên ngoài mà quên rằng cái Vô Hình Tướng đó nó ngay trong ta, nó hiện hữu nơi cái Thân có Hình Tướng này. Trong bài "Chết Đi Về Đâu", tác giả đã viết "…thế cho dù Hiện Tượng ra sao, Hình Dạng thế nào cũng không thể nào ra ngoài Cái Tướng mà là Vô Tướng. Vô Tướng mà là Tướng…(Thật Tướng) " (trang 150) và ở trang 151, một lần nữa, tác giả lại khẳng định: " Sắc Không chỉ là Một. Hữu Hình Vô Hình chẳng phải là Hai".  Khi ta lạy Phật, tượng Phật bên ngoài giúp cho ta hướng vào Nội Tâm để nhận ra Phật ở nơi ta vì "Như Lai Tạng" đã chứng minh rõ là trong ngoài y Một, Tính Tướng chẳng Hai cho nên Phật cũng là Ta, vì Phật Tính đã có sẵn ở  mọi người, mọi loài.

Sở dĩ ta chưa nhận ra cái Phật Tính vốn sẵn có nơi mình là vì ta còn vướng mắc những phiền não, do những Tham Sân Si của đời thường ngăn che. Nếu làm rơi đổ những ngăn che đó đi thì Phật Tính sẽ hiển lộ, như trong bài Phật Đản Sinh tác giả đã giải thích: "… Cái Bản Lai sẵn có của chúng ta nó không hề bị giới hạn mà cũng không hề bị gián đoạn nên nó phải là cùng khắp, mà đã là cùng khắp thì quả đúng là Phật Pháp không rời Thế Gian Pháp; Nghĩa là Phật Pháp không rời vũ trụ vạn vật, cũng là không rời Chúng Sinh, cho nên không có Chúng Sinh thì làm sao có Phật Pháp! Phật Pháp chẳng ngoài Chúng Sinh và Chúng Sinh chẳng ngoài Phật Pháp, do lẽ đó mà ai tu hành nghiêm chỉnh cũng sẽ thành Phật…(trang 94)"

Bảo rằng "Như Lai Tạng" là một quyển sách nhằm mang đến cho người đọc một cách nhìn nhân bản để tiến tới "Chân, Thiện, Mỹ" thì cũng đúng. Bảo rằng "Như Lai Tạng" là một quyển sách tìm hiểu về Thân Tâm con người để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với Chân Lý hầu đạt đến cứu cánh là Giải Thoát Giác Ngộ thì cũng đúng. Bảo rằng "Như Lai Tạng" là một quyển sách làm cho mọi người bớt nghĩ đến mình mà hãy nghĩ đến người, mang mọi người đến gần với nhau hơn thì cũng đúng. Bảo rằng "Như Lai Tạng" là quyển sách làm cho người đọc sống an nhàn hơn, hạnh phúc hơn ngay trên cõi đời này cũng không phải là sai. Không những trong một bài mà trong tất cả các bài…

Những ý tưởng nối tiếp nhau, đan xen nhau, bổ túc lẫn nhau để cho thấy chúng ta, con người không tầm thường tí nào mà nó là một tập hợp vi diệu vượt ngoài sức tưởng tượng của khối óc; Do đó chúng ta, tự mình có quyền định đoạt cách sống của mình,  tự mình có quyền quyết định tất cả mọi việc mình nghĩ, mọi việc mình làm…ngay cả việc mà mọi người lúc nào cũng tưởng mình không thể nào làm được là cái việc …thành Phật.

Mà thành Phật là gì" Tạm gọi là thành Phật vậy thôi chứ thật ra cũng không có Phật để thành! Đó là điều mà trong "Như Lai Tạng" tác giả muốn chỉ rõ cho chúng ta hiểu Phật là người đã vượt ra ngoài những Nhị Biên Tương Đối. Phật là người đã nhận ra được Chân Lý và sống với Chân Lý ấy. Phật là người đã Tỉnh Thức, đã dứt bỏ hết những tham đắm, chấp thủ; Đã xa rời những hơn thua, đã vượt lên trên sự đối đãi từ những định kiến thông thường của nhân loại nhưng lại không hề rời Vũ Trụ, nhân loại ấy! Nói như vậy không có nghĩa khi là Phật người ấy không còn biết phải trái, đúng sai nhưng cái Trí Tuệ nhận biết đó vượt qua tất cả những sự phân biệt thường tình của Thế Gian. "…cũng giống như chúng ta hết Vọng Tưởng Vô Minh thì tự động Tỉnh Mộng và thấy cái gì nó là cái đó, vẫn y nguyên (Như Thị) chứ có phải chuyển, phải lật, phải đập, phải phá cái gì đâu, vì Chân Tính không phải là vật thì làm sao có thể đập phá, hay tạo thành" Nó hoàn toàn vượt ngoài suy luận đối đãi, vượt ngoài có/không, thật/giả và đúng y Bát Nhã: Thân Tâm, Cảnh Giới Bát Nhã tự ra ngoài đối đãi:

Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc phi tâm, phi vật, vô Tu, vô Chứng, nhưng Tính không rời Tướng, Tướng không rời Tính, Phật Pháp không ngoài Thế Gian Pháp, chúng ta không ngoài Vũ Trụ Vạn Vật, Vũ Trụ Vạn Vật không ngoài chúng ta…"(Như Lai Tạng, trang 51).

Nhiều hành giã đã giải nghĩa và phân tích về Như Lai Tạng khiến người đọc càng thêm rối rắm và không hiểu. Riêng Tu Sĩ Thanh Tịnh Liên, Thích Nữ Chân Thiền thì chỉ thẳng Như Lai Tạng là gì và ở đâu" (Rất khế hợp với mạch Kinh Lăng Nghiêm, cũng như không khác với Tông Chỉ của Tổ Sư Thiền là: Bất Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Chỉ Thẳng Tâm Người, Kiến Tánh Thành Phật).

Trích dẫn nhiều đoạn văn, vì tôi muốn nói với bạn rằng quyển sách đã mang đến cho tôi quá nhiều điều bổ ích mà tôi muốn chia xẻ với bạn. Bạn nên đọc "Như Lai Tạng".

Hãy có một quyển đặt ở đầu giường để khi cần thì giở ra đọc. Hãy đọc bằng chính nhãn quan mình. Hãy đọc bằng chính tâm tư mình. Hãy đọc bằng sự hội nhập của chính mình vào từng hàng, từng chữ. Đọc đi, đọc lại và cứ đọc mãi cho đến khi nào vỡ lẽ ra rồi bạn sẽ thấy những điều tuyệt diệu mang đến cho bạn. Đến khi đó mặc dù bạn đang đọc, hy vọng bạn sẽ nhận ra là không có bạn, không có tôi; Không có người viết và cũng không có người đọc, bởi vì khi đã thấm nhuần Chân Lý thì: "….Mọi Sắc Tướng, Vũ Trụ vạn vật cũng như Thân Ngũ Uẩn của chúng ta tự là "KHÔNG" chứ không cần phải diệt rồi mới có "KHÔNG"…" (Như Lai Tạng, trang 52).

Toàn bộ những ý tưởng phủ trùm lên "Như Lai Tạng" chỉ là phương tiện, không ngoài mục đích dẫn dắt chúng ta quay trở về với chính mình, để làm sao nhận ra trong cái Thân Thất Đại giả hợp này còn có một cái thường hằng bất sinh bất diệt, và cũng để giúp chúng ta làm sao nhận ra bằng cái cảm nhận của chính mình là "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc". Tất cả những bài viết, cũng không ngoài ý muốn nhắc nhở cho chúng ta hiểu biết rõ ràng về chính Thân Tâm chúng ta hầu chọn cho mình một con đường ngắn nhất để tu tập. Trong suốt quyển sách, những đoạn văn dường như không có mục đích để lại âm hưởng của người tạo ra nó mà chỉ muốn trao đến chúng ta, người đọc, những lời chia sẻ chân tình của một người thân đi trước một đoạn đường, bỗng nhiên quay nhìn lại phía sau và thương cho người còn đang mãi mê với trò chơi Sinh Tử.

"Như Lai Tạng" là một quyển sách hơi khác nhiều quyển sách tôi đã đọc. Tác giả mượn những đề tài thật giản dị, thật đời thường để trao đổi và dẫn dắt người đọc đến những suy tư hầu đạt tới cứu cánh cao đẹp của cuộc đời là "Chân, Thiện, Mỹ".  Những bài viết độc lập với nhau nên dễ chọn để đọc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, để chắc chắn là ta hiểu và hiểu trọn vẹn những bài viết thì không nên đọc ngay bài đầu mà nên đọc từ dưới đọc lên. Chọn bài cuối hay bài giữa đọc trước, bài đầu nên đọc sau cùng vì "Như Lai Tạng" hơi dài cho nên phải rất là chú tâm khi đọc. Đó là bài viết gần như  tổng hợp toàn vẹn về Thân Tâm con người, có nhiều chi tiết và những danh từ Phật Giáo chuyên biệt. Quen và hiểu những bài sau thì khi đọc "Như Lai Tạng" ta sẽ hiểu dễ dàng và rốt ráo hơn.  Bài nào tôi cũng đọc đi đọc lại nhiều lần, Đọc đến đoạn nào hay thì tôi gấp sách lại, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm với bản thân mình, rồi lại mở ra đọc tiếp. Mở ra, gấp lại, đọc tới đọc lui mà không cảm thấy nhàm chán.

Cuốn "Như Lai Tạng" mõng vừa đủ để cầm thoải mái trên tay. Dầy vừa đủ để có cái trang trọng và lịch sự của một quyển sách tầm cỡ. Bìa đẹp và trang nhã với bức tranh màu rất "Thiền" của Họa Sĩ Khánh Trường. Lời văn thanh thoát, dễ hiểu cho thấy sự sâu xa của người viết. Và…trên tất cả, là tấm lòng thiết tha vô bờ của tác giả trong ước nguyện dẫn dắt chúng ta, những người khát khao đi tìm Chân Lý, đạt đến cái tận cùng là Tâm Bát Nhã…

Thuyền bè đã sẵn, Kim Chỉ Nam cũng có trong tay, chèo chống làm sao để sang được bến bờ bên kia là phần của chính chúng ta…Đó là cách nói ngắn gọn mà mọi người thường dùng khi khuyến khích nhau cố gắng tinh tấn trong việc tu học. Tuy nhiên, qua "Như Lai Tạng", bạn sẽ thấy rõ hơn rằng: Chỉ cần có quyết tâm, không quản ngại khó khăn; Lúc nào cũng kiên nhẫn, bền bĩ để tự thắng cái Bản Ngã Nhị Biên của chính mình thì sẽ chẳng còn thấy bờ bên này hay bờ bên kia, cũng như chẳng Đến chẳng Đi mà chính "Như Lai Tạng Sắc Không" vốn sẳn nơi chúng ta vậy. 

Trịnh Gia Mỹ

Chú Thích:

Như Lai Tạng do Thiền Viện Sùng Nghiêm vừa mới ấn hành năm 2007.

WebSite: www.thienviensungnghiem.com

Phone: (714) 636-0118

Như Lai Tạng do Nhà sách Tự Lực Tổng Phát Hành.

WebSite:  www.tuluc.com

Phone: (714) 531-5290

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.