Hôm nay,  

Giải Quyết Bạo Lực Iraq

03/05/200700:00:00(Xem: 3824)

  Hội nghị nhiều nước Trung Đông dự liệu vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này ở Ai Cập là một biến chuyển có nhiều ý nghĩa cho tình hình Iraq. Cuộc họp này nối tiếp một phiên họp chuẩn bị từ tháng 3 ở Baghdad, lúc đó chỉ có những đại diện cấp thấp tham gia. Lần này họp ở cấp cao, đáng chú ý nhất là có sự hiện diện của các Ngoại trưởng Mỹ, Iran và Syria. Mấy tháng trước đây, mặc dù có những lời khuyến cáo của một Ủy ban lưỡng đảng Mỹ, chính phủ Bush vẫn chống lại mọi cuộc thảo luận trực tiếp với Iran hoặc Syria. Nay Mỹ nói không loại trừ trường hợp nói chuyện tay đôi với Syria hay Iran bên lề hội nghị. Chủ đề chính của Hội nghị Ai Cập là tìm cách giải quyết nạn bạo lực đẫm máu ở Iraq do khủng bố gây ra.

Tuy nhiên hai ngày trước khi thảo luận chống khủng bố, những đòn khủng bố đã được đánh ra rồi. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản phúc trình hàng năm về nạn khủng bố trên thế giới. Và ở đây Iran bị chỉ đích danh là nước đứng hàng đầu trong việc bao dung và đỡ đầu cho nạn khủng bố đang diễn ra ở Iraq. Theo bản phúc trình, năm 2006 nạn khủng bố đã tăng 25%, làm số người chết tăng đến 40% so với năm 2005. Năm 2006 trên thế giới nói chung đã có 14,338 vụ khủng bố làm 20,498 người chết. Riêng ở Iraq có 6,630 vụ làm 13,340 người chết. Trước đây TT Bush vẫn gọi Iran là "một mối nguy đáng kể cho nền hòa bình thế giới". Ngoài việc Iran có dã tâm muốn chế tạo bom nguyên tử, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ còn vạch ra Iran là "nước đỡ đầu tích cực nhất" cho nạn khủng bố ở Iraq, vì những phần tử của chính quyền Iran - Vệ binh Cách mạng và Tình báo - đã yểm trợ cho nhiều nhóm khủng bố ở Iraq và nhiều nơi khác.

Bản phúc trình viết hai tổ chức đó "đã trực tiếp liên can đến việc đặt kế hoạch và ủng hộ các hành động khủng bố, cũng như liên tục hô hào thúc đẩy các nhóm khác, nhất là các nhóm Palestine và cán bộ lãnh đạo ở Syria và Hezbollah ở Lebanon, sử dụng phương pháp khủng bố để đạt những mục tiêu của họ. Vệ binh Cách mạng Iran đã liên hệ đến "các loại đạn xuyên thiết giáp, gây chết chóc cho quân đội đồng minh" và cùng với phong trào quá khích Hezbollah đã huấn luyện quân quá khích ở Iraq chế tạo bom. Đồng thời Iran "nắm vai trò nổi bật khuyến khích việc chống Do thái, qua những hô hào, hành động và tài chính".

Ngay sau khi bản phúc trình được công bố, Iran đã có phản ứng. Một phát ngôn nhân chính quyền Teheran nói Iran sẽ không thương thuyết với Mỹ nếu Mỹ không chấn dứt "phương pháp tiếp cận ác độc" với Iran. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Iran cho biết sẽ họp với các nước lân cận của Iraq cũng như nhóm 8 nước đại kỹ nghệ và Liên Âu để thảo luận tìm cách chấm dứt nạn bạo động ở Iraq. Mặc dù có bản phúc trình tố cáo Iran, không thấy nước này từ bỏ cuộc họp. Phát ngôn nhân Iran tuyên bố Washington muốn nói chuyện với Teheran vì Mỹ đang gặp khó khăn ở Iraq và cũng vì đã nhận thấy Iran là một thế lực đang lên trong khu vực. Theo hãng Thông tấn Iran, phát ngôn nhân nói: "Người Mỹ nhận thấy họ đang đối đầu với một thế lực có thực, có khả năng, bởi vì Iran đã tiến được vào lãnh vực kỹ thuật hạt nhân và có ý chí tiến thêm nữa. Đó chính là lý do Mỹ thấy cần phải nói chuyện với Iran".

Chúng tôi thiết nghĩ chính Iran cũng cần nói chuyện với Mỹ. Trên bàn cờ ngoại giao quốc tế, hãy bỏ qua những cái vỏ bề ngoài và các luận điệu tâm lý chiến, để nhìn đến một sự thật đơn giản: khi hai bên muốn thương thuyết với nhau đó là vì mỗi bên đều mong kiếm lợi riêng cho mình. Mỹ muốn nói chuyện với Iran để mong sớm dẹp bỏ được nạn chiến tranh hệ phái, trừ diệt khủng bố, ổn định tình hình Iraq để bớt thiệt hại xương máu. Còn Iran muốn nói chuyện với Mỹ là vì một tham vọng lớn lao đã nằm sẵn trong lịch sử Hồi giáo: đưa ảnh hưởng hệ phái Shi-a và nền văn hóa Ba tư vào khu vực hệ phái Sun-ni của người Á rập. Iran muốn lợi dụng những khó khăn Mỹ gặp phải ở Iraq, dồn ép Mỹ phải chấp nhận cho Iran trực tiếp giải quyết nạn bạo lực để thực hiện tham vọng đó.

Iran đã có cơ may này nhờ hai biến chuyển lớn. Thứ nhất Mỹ đã hạ bệ Saddam Hussein, một tay độc tài tàn bạo nhưng cũng là người duy nhất trong hệ phái Sun-ni của Á rập đã tạo được một bức tường thành kiên cố ở Iraq ngăn chặn ngọn trào Shi-a mỗi ngày một lớn kể từ 400 năm trước, khi vua nước Ba Tư (tức Iran ngày nay) chấp nhận hệ phái Shi-a là tôn giáo chính thức của nước này. Đến năm 1979, khi cuộc Cách mạng Hồi giáo lập chế độ thần quyền Shi-a ở Iran, ngọn trào đã hăm dọa trực tiếp Iraq. Năm 1980, Saddam kiếm cớ lấn đất lấn biển của Iran, chiến tranh Răng-Rắc bùng nổ kéo dài đến năm 1988. Biến chuyển thứ hai là TT Bush đã cho dân Iraq đi bầu để xây dựng dân chủ. Rút cuộc người Shi-a thắng cử vì ở Iraq, dân Shi-a đông gấp hơn hai lần dân Sun-ni.

Trên thế giới ở các nước có Hồi giáo, hệ phái Sun-ni chiếm đại đa số. Chỉ riêng ở Iran, Shi-a chiếm đa số và ngay sát Iran là nước Iraq, Shi-a cũng chiếm đa số, trong khi toàn thể các nước Á Rập Trung Đông đa số là Sun-ni. Chính quyền Iraq ngày nay là chính quyền Shi-a. Còn người Kurd theo Sun-ni, nhưng từ thời Saddam dân Kurd đã ngầm liên hệ với Iran nên bị đàn áp thảm khốc. Và dân Á Rập Sun-ni chỉ là thiểu số. Chiến tranh hệ phái ngày nay là chiến tranh giữa những nhóm dân quân của hệ phái Shi-a và dư đảng Baath của hệ phái Sun-ni gốc quân lực của Saddam, nay được khủng bố al-Qaida tiếp tay.

Bây giờ nói giải quyết nạn bạo lực ở Iraq cũng giống như nói hòa giải hai hệ phái Shi-a và Sun-ni. Đó là một chuyện rất khó khăn và phức tạp, vì hận thù đã chồng chất từ lâu và ngày nay món nợ xương máu cũng đã quá lớn. Mỹ cũng không thể làm trung gian hòa giải, vì người hòa giải là người phải đứng ngoài cuộc, còn Mỹ đã đứng trong giữa cuộc. Tuy vậy vẫn còn một điểm hy vọng nhỏ. Đó là uy thế của các nước Á rập Sun-ni sát bên Iraq có thể làm quân bình với thế lực của Iran để tìm ra môt giải pháp ổn thỏa. Nghệ thuật Ngoại giao của bà Rice rất cần thiết trong lúc này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.