Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

28/06/200900:00:00(Xem: 3496)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Y quay lại anh Khải, nhấn mạnh lần nữa: "Anh có đồng ý cái nguyên tắc, đó không"" Anh Khải cũng dõng dạc trả lời: "Tôi rất đồng ý!" Tên Tằng cười nửa miệng, y tiến sát anh Khải hơn, cầm cái ve áo của anh, y hằn học:
- Anh có làm được, cái áo này không"
Mặt anh Khải vừa đỏ mặt lên,vừa lắc đầu. Y lại chỉ đôi dép râu, anh Khải đang đi:
- Anh có làm được, đôi dép kia không"
Anh Khải lại lắc đầu! Y quay lại nói giọng đều đều.
- Cái kính anh đeo, bát cơm anh ăn, anh đều không làm được. Người khác đã làm cho anh! Vậy anh cũng phải có trách nhiệm, với người khác. Nghĩa là, anh cũng phải như mọi người dân, cũng phải đi nhân công, thủy lợi. Anh cũng phải đi nghĩa vụ quân sự, như mọi người!
Hầu hết anh em, trong đó có tôi đều ớ ra. Tôi định giơ tay phát biểu. Nhưng tôi chợt tự hiểu, tôi đành nuốt xuống, rồi ngồi yên. Tôi tin hầu hết anh em khác, cũng tự hiểu như tôi, kể cả anh Trần thế Khải.
Nếu được tự do bàn cãi tranh luận thì ai cũng thấy: Trong vấn đề liên đới xã hội, không một ai có thể làm hết mọi nhu cầu của mỗi người. Vậy người làm cái này, người làm cái kia tác động qua lại vậy thôi, chứ từ xưa có ai ăn bám ai đâu" Cho nên, người nào đặt câu hỏi như vậy, là không hiểu gì về sự tương quan của xã hội, nếu không nói là ngu! Nhưng đấy là tự do bàn cãi. Chứ anh là người dân trong chế độ VC, nhất là tù nữa thì phải biết điều, nó khác hẳn nhau đấy. Không biết thì dáng mà chịu, đừng có kêu trời!
Kết qủa buổi truy ép anh Khải: Anh nhận vi phạm nội quy đã viết thư thắc mắc điều sai trái. Anh phải nhận 2 tuần kỷ luật, 6 tháng không được viết thư và nhận qùa tiếp tế, của gia đình.
Do những chồng chéo liên hệ, để chế độ Độc tài CS còn duy trì, do đó chúng bị một số sức ép bên ngoài. Nên khoảng 1981 - 82 đa số các tu sĩ chủng sinh còn sống, được tha về. Người lập gia đình lấy vợ con, có người vẫn lén lút, tận hiến mình cho Chúa. Để rồi phải luồn lách, dưới nhiều hình thức, cuối cùng thụ phong linh mục "chui" được một số vị.
Phần anh Trần thế Khải, 1982 anh được về nhà ở đường Ngô Thời Nhiệm, anh tiếp tục tu ở nhà thờ Hàm Long. Rồi được thụ phong linh mục chui do đức giám mục Nguyễn Kim Điền. Sau đó được chính thức, về làm cha xứ ở nhà thờ cửa Bắc. Hai năm trước đây, đầu 2002, linh mục Khải bị " stroke" liệt hết nửa người, linh mục đã trở về nhà chung của nhà thờ lớn để dưỡng bệnh. Bố của anh, là ông Tứ Hải đã chết từ năm 1985.
Xin trở lại chuyện của tôi, với Tằng Toét. Trên đường vào trại, tôi vừa buồn vừa ức. Buồn vì sự việc đã rõ ràng, họ giấu mình, họ không muốn trả mình! Ức vì "Con dại cái mang" Bố mẹ có tài có của, thì con cái được nhờ! Ngược lại bố mẹ đã không khôn lanh, hiểu được kẻ thù, lại vô trách nhiệm, thì con cái ráng mà chịu. Nhất lại là những đứa con, đã bị bỏ rơi như tôi!
Tuy vẫn đi làm (không đi làm không được) nhưng lòng buồn rã rượi. Trong lòng lại cứ hình dung, các anh em biệt kích ở trại 1 bây giờ, đang tíu tít chìm ngập vào một trời mầu sắc huy hoàng, của miền Nam. Tôi cũng đã cho anh Bưởi và Lương biết sự tình. Chúng tôi cùng nhìn nhau, bằng đôi mắt đờ đẫn, không còn sinh khí.
Mới được 3 - 4 ngày, một buổi sáng, Hường trực trại vào gọi tôi ôm chăn chiếu, chuyển về toán 6 (toán rau xanh). Tôi ôm chăn chiếu đi, và tự hiểu: Họ không cần nghề nghiệp gì cả, dù tôi có nghề mộc vững. Họ đầy ra chỗ cứt đái, đất cát, để tự ngẫm, tự thấy vì sao" Tôi ngồi đăm chiêu một lúc, rồi lòng như cứng lại: Không sao cả! Hãy gồng mình lên, đón nhận những trái đắng, mà mình đã tự nguyện gieo!
Toán rau, do một cán bộ tên Mão phụ trách, dáng y lùn lùn nhà quê đặc sệt. Tôi được phân công tưới, tiêu một số vườn cà, đậu, gánh gồng cứt, nước đái, ruồi, bọ tiếp xúc hàng ngày.
Có những buổi tôi đứng giữa trời bao la, bên cạnh những hố phân và nước tiểu, nghĩ suy: Một đời người của bất cứ ai, đều phải có những giai đoạn khó khăn, và những giai đoạn thuận tiện. Điều quan trọng khi gặp giai đoạn khó khăn, hãy vận dụng trí óc tìm ra phương cách, để chuyển đổi thành giai đoạn thuận tiện. Bây giờ, theo họ là tôi đang bị hành! Tại sao tôi không biết thưởng thức, cái tuyệt vời của thiên nhiên" Bình minh và hoàng hôn diệu kỳ" Mây chiều, gió núi và những sinh hoạt của sinh vật của đất trời, dù cho là con bọ, con bướm, con sóc, con trùng"
Rồi những ngày sau, tôi đã tìm ra những phương cách cải thiện: Cà luộc, cà nướng, đậu luộc, đậu nướng, mùa nào thức ấy, tôi qua mặt hầu hết! Khéo léo tôi kết hợp với anh Vàng Dơi, một người dân tộc Mèo, trong toán chúng tôi lại được về một tổ, cùng làm một công việc, thật là hết ý.
Đã có những con Cuốc gọi vào Hè; hàng ngày tôi chỉ đánh có cái quần đùi, còn trần trùng trục, ngoài vườn rau. Giữa thanh thiên bạch nhật, cán bộ, công an võ trang ngồi gác cả các khu vườn rau rộng. Tôi nằm ngửa, trườn vào giữa vườn ớt, vườn cà, (nếu ngồi sẽ thấy đầu nhấp nhô) tha hồ với tay chọn những qủa, ưng ý nhất.
Tôi chỉ mặc mỗi cái quần đùi, có 2 lý do: 1) Mọi người từ cán bộ trại, toán trưởng tự hiểu, tôi không thể giấu đút được, một cái gì; mà lại ra vẻ chịu khó lao động. 2) Tôi khâu một cái túi nhỏ dài chừng 18 - 20 phân, rộng 6 - 7 phân, miệng túi khâu liền vào cạp quần phía trong. Cái túi lủng lẳng, khoảng giữa "tổ chim". Thôi thì thượng vàng, hạ cám, toàn những thứ quốc cấm đầu mùa, vừa non, vừa ngon, kể cả ban giám thị cũng chưa có ăn, như ớt, cà, đậu v.v… Tôi cho vừa đủ vào túi, nhìn bên ngoài không có một hiện tượng khả nghi. Khi về cổng trại, cán bộ, cũng như trật tự thường chú ý khám xét, những anh quần áo rườm rà, ôm xách lềnh khềnh. Tôi chỉ mặc cái quần đùi, tay cầm một cái ca uống nước cũ mèm, nhiều khi tôi để vài cái rau già, có khi mở nắp đường hoàng v.v…
Tóm lại, giai đoạn này tôi không còn đói như trước đây, cơ thể của tôi còn được bồi dưỡng. Rau, trái ngon đầu mùa, thứ mà hơn một chục năm, cơ thể tôi không có (chỉ ăn muối rang là nhiều). Tôi cũng muốn cho, những bạn bè thân quen được hưởng ít nhiều, nên mới có cái túi bí mật trên. Một buổi vào giữa hay đầu tháng Tư, Tiệp sang tôi với đôi mắt long lanh, ghé tai tôi thì thầm:
- Anh nhận định rất đúng, hôm qua cán bộ gọi chúng em, họ chuẩn bị trao trả về miền Nam. Cán bộ căn dặn tuyệt đối không được nói, với bất cứ ai.
Tôi đờ người suy nghĩ: vui, buồn, lẫn lộn. Bốn người được về, thì mừng cho anh em rồi, nhưng điều đó càng khoét sâu những nỗi niềm riêng, trong lòng mình.Tôi đề nghị hôm sau gặp lại Tiệp, rồi chuẩn bị, trang bị, tư tưởng, quyết tâm, phương cách kỹ thuật v.v…
Sau những thăm dò, gợi ý, Tôi và Tiệp đã bí mật thỏa thuận một kế hoạch, do khả năng vận động điều hành của Tiệp là chính: Để vớt vát phần nào danh dự cho vụ cướp phi công, ở Sơn Tây 11/1971 Mỹ đã thất bại chua cay. Để cổ vũ khích lệ cho những người có tinh thần chống đối, trong chính quyền cũng như, ngoài nhân dân. Chuẩn bị, dự trù, sơ lược: Phương tiện: Chỉ cần 3 máy bay trực thăng, loại cơ biến tối tân nhất, bất ngờ đột nhập từ phiá Lào sang. Hai cái, có nhiệm vụ bắn phá, kìm hãm mấy cơ sở bộ đội và Công An Nhân Dân, trong bán kính 5 km. Một cái, sẽ đáp xuống sân trại tù Phong Quang, Yên Bái để giải cứu chừng 8 - 12 người tù. Thời gian quy định tối đa 30 phút (Từ lúc đến tới lúc đi) vào đêm, từ 1 - 3 giờ ngày 15 mỗi tháng. Tám đến mười hai người này, dấu hiệu: Khăn trắng buộc cánh tay trái. Khẩu hiệu: Hỏi: Đi đâu" Đáp: Hải Phòng! Tám đến mười hai người này, ngoài những nhiệm vụ thức đêm của ngày 15 mỗi tháng, từ 1- 3 giờ, cùng hô hào, phá vách, phá cửa. Tùy mỗi người tù, tự ý giải quyết đời mình. Ngăn chặn bất cứ ai không đúng mật khẩu quy định, xông vào máy bay. Mục đích chính: Cổ vũ khích lệ cho những người có tinh thần chống VC, trong chính quyền cũng như ngoài nhân dân. Nếu thành công, 8-12 người tù thì nhỏ, nhưng về chính trị sẽ to lớn đến trăm, ngàn lần. Cuối cùng, tôi còn nhắc Tiệp: Về tới miền Nam, phải nỗ lực xúc tiến, nỗ lực ưu tiên cho kế hoạch.


Sáng ngày 20-5-1973, trước sân trại đông đầy các toán. Đông đủ cán bộ trại, có mấy cán bộ lạ, họ đã đọc tên 4 người: Đằng, Vinh, Tiệp, và Thuần được tha về miền Nam, theo hiệp nghị Paris, để hoà giải dân tộc. Bốn cậu đều được mặc quần áo nâu mới, một túi xách, tôi chỉ kịp thời nói riêng với Tiệp một câu:
- Tháng 7 bắt đầu!
Một chiếc comanca đã đợi sẵn ngoài cổng trại, phần tôi với bao công trình bí mật, chuẩn bị với các buồng. Những ai là hạt nhân, cốt cán đã được tôi luyện, thử thách.
Sau khi 4 người đi cũng có nguồn tin, có khi ra ngoài kia (cách trại 5 - 7 cây số) đã có xe khác đón đi. Hoặc chính chiếc comanca đó, ở cổng trại sẽ đưa các cậu, về một trại giam khác (Điều này trước đấy, đã xẩy ra nhiều ở các trại). Có những người tù được tuyên bố tha ở trại này, dăm ba năm sau lại gặp ở một trại khác.
Chừng 5 tháng sau ngày Tiệp về, có một em hình sự bí mật cho tôi biết: Do gia đình tiếp tế nghe đài ở Sài Gòn, Tiệp có họp báo ở SG, Tiệp được thăng cấp là trung úy. Nhưng còn chúng tôi, từ tháng 7-1973 cứ mòn mỏi, khắc khoải băn khoăn mãi, cho tới khi mất miền Nam, mới hiểu được gần đúng cái nguyên nhân tại sao!
Bây giờ đây (March 04) anh chàng Tiệp ở nơi nào, còn sống hay đã đi về với gió bụi" Ở nước ngoài hay còn ở trong nước" Tại sao ngày ấy lại lơ là, bỏ quên hở Tiệp" Lý do nguyên nhân thì nhiều lắm! Nhưng tôi vẫn mong ước, muốn nghe đích xác vì sao" Để phần nào lấp đi những nỗi niềm, gần 2 năm vò xé khắc khoải của cõi lòng, của mỗi đêm ngày 15 mỗi tháng"
Dù ở cảnh ngộ nào, khi trong lòng có niềm hy vọng, thì tinh thần sảng khoái, nét mặt sẽ lộ đầy sinh khí. Tôi vẫn đi lao động hằng ngày, nhưng với một tinh thần năng nổ, lạc quan khác mọi khi.
Sáng nay, trời trong xanh, không một vẩn mây; ngước mắt nhìn khắp bầu trời, lòng tôi nao nao yêu trời, yêu đất, yêu thiên nhiên lạ thường. Bên cạnh một hố phân to, với những phân đánh đống trên bờ. Hôm nay tôi và anh Vàng Dơ, thay phiên nhau anh đi tưới, còn tôi đảo phân dưới hố, và đắp che lại những đống phân, ở trên bờ.
Trời cao lồng lộng, rừng rộng, núi cao, chỉ một mình tôi với trời. Đột nhiên nghe vi vu, re re như một tổ ong bị vỡ; rồi ríu rít, vù vù, một đàn sáo sậu đến 3, 4 chục con, bay sà đến đậu ở cây muồng mun, duy nhất của vườn rau, cạnh hố phân. Chẳng biết chúng có phiên họp, hay những cuộc hẹn hò gì, mà cứ như cái chợ.
Chúng nhẩy nhót lung tung, chuyền cành, mỏ thì ríu ra, ríu rít. Lại một đàn sẻ, cũng từ mãi phía căn nhà con, của cán bộ Mão, rào rào bay đến. Tôi vẫn cắm cúi giấn sâu cái cần đảo, xuống giữa hố, để đẩy những đống phân đóng cục lâu ngày. Chưa được mươi phút, một đàn sáo đá đến hơn chục con ở đâu cũng lướt đến.
Thấy khác thường, những ngày trước cũng có những đàn chim, mò đến cây muồng này, nhưng không nhiều như hôm nay. Ở trên cây, chúng nó cãi cọ nhau như mổ bò, nhưng dù sẻ hay sáo hầu hết chúng cứ chằm chằm, nhìn tôi đang đảo phân. Tôi có cảm tưởng, như chúng nó muốn nói gì với tôi. Nhìn những con bọ đang lềnh bềnh, bơi trên hố phân. Lại nhìn một đống bọ trắng hếu, chảy dài như một giòng suối con, từ trong đống phân chảy ra, tôi chợt hiểu, chính vì những chú bọ này. Tôi phải biết điều, nhìn lên cây muồng chỗ đám chim, như tôi muốn nói với chúng:
- Xin mời các qúy vị, tôi thật là dốt, tôi có biết đâu!
Tôi bỏ cần đảo phân, rồi chạy chui vào vườn ớt, ngồi im. Đúng như rằng, sau vài phút nghe ngóng, chúng rào rào chúng bay xuống hố phân, đống phân trông cứ như... một đàn chim rừng nhiều loại!
Thiên nhiên cũng lạ lùng! Đàn nào nó ra đàn nấy, không hề lẫn lộn, để ý nhìn, tôi chưa thấy con sẻ lại nói chuyện với con sáo. Hoặc ngay sáo sậu với sáo đá, chắc cũng cùng họ hàng giòng giống với nhau, vậy mà tôi cũng không thấy chúng hỏi han tâm tình với nhau, dù chỉ là lịch sự, xã giao. Anh Vàng Dơ đã quang gánh trở về, đàn chim vù vù tán loạn bay đi, sau khi đã làm sạch bữa tiệc thịnh soạn, do tôi mời.
Nhìn hai con chim Di bé tí đang luồn lách trong mấy cây ớt tìm sâu, tôi nghĩ tới tối hôm qua. Vì ở nhà B trong khu 1 tôi chợt nhớ chuyện của anh Bổn hôm nọ đã hô hoán trong đêm: "Nói dối được công nhận hợp pháp trong xã hội".
Do muốn tìm hiểu sự việc, nên phải qua một số anh, cuối cùng phải có anh Bằng trật tự, tôi đã một lần trực tiếp nói chuyện với anh Bổn, nên đã hiểu sơ về anh. Anh là Trần Phú Bổn, trung đội trưởng du kích, đặc công của huyện Nghĩa Đàn (Quê của HCM), tỉnh Nghệ An. Anh cũng là phó bí thư chi đoàn thanh niên CS (sau này mới đổi thành đoàn thanh niên HCM).
Trong đợt chống phá ngăn chặn, "đồng bào di cư vào Nam, theo Mỹ Diệm" (1954), anh là trưởng đoàn đặc công của Huyện. Nhiệm vụ của đoàn là tìm mọi phương cách ngăn cản (tuyên truyền, phao những tin thất thiệt, kể cả bạo động: đốt nhà, bắt cóc trẻ con, thủ tiêu v.v…). Làm sao thực hiện hữu hiệu ngăn chận, những người công giáo, "theo Mỹ Diệm vào Nam".
Anh tâm sự: Trong qúa trình thực hiện công tác, anh ra lệnh cho từng tổ, đôi khi chính anh dẫn một tổ đi làm nhiệm vu, vì lòng hăng say phục vụ công tác khi ấy. Anh nói như than thở những câu chỉ vì khi ấy, tôi cũng như nhiều thanh niên khác qúa tin vào cái bánh họ vẽ ra! Không những họ nói láo, nói bịp với người dân, họ còn bịp cả nhau nữa: Bàn giấy này bịp bàn giấy kia; cơ quan này bịp cơ quan kia; tổng bí thư bịp bộ chính trị, bộ chính trị bịp ủy ban trung ương, trung ương bịp tỉnh, giám đốc v.v… Nghĩa là cả một xã hội nói láo, ai cũng biết, nhưng không ai thắc mắc. Tôi đã hăng say đốt nhà, có khi phải thủ tiêu người để lập công với Đảng! Cuối cùng anh nói:
- Rồi đây, tôi sẽ phải làm một cái gì để đền tội, của tôi! Tóm lại, anh và cả tổ 3 người bị bắt đêm 29-3-1955 (Hãy còn khu vực 300 ngày Hải Phòng). Do ông cha và đám thanh niên công giáo một họ đạo... Họ trói chúng tôi cho tới sáng. Cơ quan của huyện xuống, tôi và đồng chí huyện ủy đã nháy nhau. Tôi tưởng họ sẽ dẫn về huyện là xong, nhưng họ đã dẫn vào trại giam. Chúng tôi chờ ở trại giam cả tuần không thấy gì. Tôi gọi lão trực trại vào, bảo y mở cửa để chúng tôi ra, y cứ lừ lừ nhìn, tôi tức mình chửi cho một chập, rồi cứ thế chúng đưa hết trại này đến trại kia. Ở trong tù, tai nghe, mắt thấy rồi có điều kiện ngẫm suy, tôi đã sáng mắt ra hiểu được nhiều vấn đề trong bóng đêm của địa ngục, tôi điên, tôi đã chửi ráo. Hai người kia cùng tổ, bây giờ không biết ở đâu, tôi bị đưa về trại này hơn 5 năm rồi.
Sau khi nghe hiểu biết về anh Bổn, tôi nghĩ anh đã phạm vào một cái tội qúa nặng nề, trong tay CS. Đó là cái tội "không thể tha!" Trong xã hội CS, có một loại người bị cái tội này. Nếu không tha Bổn chỉ có một mình anh ta khổ cực, gia đình vợ con anh ta nhớ thương khổ đau. Tha anh ta thì mất chính trị (đảng sai làm, rồi bỏ tù) thiệt hại cho Đảng. Chưa nói, nếu anh ta lại đem cái hiểu biết đó cho nhiều người biết, thì còn bị thiệt hại nguy hiểm đến chừng nào.
Kỳ này lại càng có nhiều trại chuyển tù về đây; trại thì mươi người; trại thì vài chục người v.v… Tôi có cảm nghĩ CS đã ký hiệp nghị Paris, chúng suy đoán có thể rồi đây có các phái đoàn Quốc tế sẽ đến quan hệ, xem xét, du lịch, tham quan v.v…Vậy phải dẹp bớt trại giam. Lọc lõi những trại nào, thành phần, tội lỗi xét ra không nguy hại lắm thì cho về. Bởi vì có cho về cũng chỉ là cho chúng ra cái lồng lớn hơn, mà thôi. Khi tình hình cần thiết thì lại bắt vào, chứ chúng chạy đi đâu được! Còn những tên nào xét ra không thể tha, chưa thể tha v.v... Hãy dồn chúng vào một số trại đặc biệt, còn thì phá bỏ bớt trại giam đi.
Trưa hôm qua, tôi đang nằm nghỉ mươi, mười lăm phút để chiều đi làm, thì nghe mấy người ở cổng khu hô hoán:
- Các anh ơi! Có ra xem vua tù không"
Nghe lạ tai, tôi cũng mò ra. Ở sân trại chính có hơn chục người ôm chăn chiếu: Họ chỉ một anh tóc đã có sợi bạc, gọi bằng bác thì qúa trẻ, vì cái mặt chỉ hơn 5 chục. Họ bảo anh đó là Tôn Thất Tần người tù từ 1945. Nghĩ mình đã tù 11 năm, đã thấy là lâu, anh Bổn 18 năm rồi. So với một đời người đã thấy ghê sợ; nhưng Tôn thất Tần 28 năm mà vẫn còn ở trong tù, thì đáng là vua rồi. Khó có ai hơn, vì có ai đó, thì phải chết rồi còn đâu! Nghĩ như vậy, tôi định có bữa nào sang làm quen.
Nhạc vàng quê hương
Nhiều chuyện qúa, sáng nay lại nghe bên khu 2, có nhóm nghệ sĩ nhạc vàng đồi trụy của Hà Nội, mới chuyển đến. Rồi còn nghe nói có một tướng phỉ, khỏe như con gấu là Lý Cà Sa cũng mới chuyển về v.v… Từ từ tôi sẽ tìm cách đến thăm hỏi, khi có đìều kiện sau này. Chỉ vài ngày sau, tôi đã mò sang chỗ nhóm "nhạc vàng" ở nhà B khu 2. Có thể vì 2 lý do: Cùng dân 36 phố phường mí nhau. Cùng một quan điểm yêu nhạc tình êm dịu, quê hương; trữ tình pha chút lãng tử, hải hồ cho nên tôi và nhóm " nhạc vàng" dễ thân nhau. Nhóm này gồm có 4 cậu, tên mỗi cậu đều có một đặc danh đi theo: Toán Xồm (Nguyễn Thắng Toán, Guitar kèn). Đắc Sọ (trống). Thành Tai Voi (kèn). Lộc Vàng (Nguyễn Văn Lộc, ca).
Nhóm "nhạc vàng" bị bắt năm 1967 cũng là năm có vụ án "xét lại hiện đại". Toán Xồm là đầu vụ, một phiên tòa ở Hà Nội đã xử năm 1969, CS gọi là nhóm "nghệ sĩ nhạc vàng đồi trụy". Kết qủa Toán Xồm 15 năm, Đắc Sọ 12 năm, Thành Tai Voi 10 năm và Lộc Vàng 10 năm. Toán người nhỏ tí, có cái mũi như lai Tây, Toán học trường Tây, nhưng vì yêu văn nghệ, thích đàn hát nên học hành chẳng ra sao. Vì vậy, bắt đầu khoảng 57 - 58 một số cậu choai choai không có tiền, đàn đúm, còn đói ăn nữa nên đã tụ tập một nhóm nhỏ yêu nghệ thuật, yêu ca nhạc. Lúc đầu chỉ hát "nhạc xanh" là nhạc của các nước XHCN phương Tây. Ban nhạc của các cậu thường vào chơi trong những buổi tiệc tùng, liên hoan ở các sứ quán Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Sô v.v… Được vài năm, nhưng cũng đói rách. Khoảng 61- 62 lũ choai choai Hà Nội có phong trào bí mật nghe đài Sài Gòn. Bài hát nào mới ở SG, chỉ vài ngày sau chúng đã lén lút, ca cho nhau nghe ở Hà Nội rồi như: Đời là vạn ngày sầu.... biết tìm vui chốn nào... Ta yêu nhau đi thôi!.... Duyên tình ta xé... làm đôi... Hoặc: Tầu Đêm Năm Cũ... Thực ra dạo ấy và cho tới cả bây giờ tôi cũng không biết những bài hát đó tác giả là ai" Nhưng ngay trong trại Phong Quang vào những ngày thứ Bẩy, Chủ nhật một ấm chè rẻ tiền (chè cám) 5, 7 người có chút tâm hồn văn nghệ tụ tập (lén lút) ca hát, với một cây đàn tự chế. Khi thấy "áo vàng" vào khu, các cậu đổi "gam" ngay, thành những bài hát VC. (còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.