Hôm nay,  

Tình Hình Bão Ở Việt Nam

03/11/200500:00:00(Xem: 12554)

- Trong mùa bão năm nay, nhiều trận giông bão đã đổ bộ vào vùng duyên hải Việt Nam và gây nhiều thiệt hại vật chất cũng như nhân mạng. Bão Số 6 đổ bộ vào Nghệ An ngày 18 tháng 9. Kế đến là bão Số 7 đổ bộ vào Thanh Hóa ngày 27 tháng 9. Gần đây nhất, áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi miền Trung trong các ngày 7 đến 9 tháng 10 đã gây mưa to và lũ lụt lớn ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên. Để tìm hiểu thêm chi tiết về tình hình giông bão ở Việt Nam, Phóng viên Đỗ Hiếu, đài RFA, đã trao đổi với Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang. Ông là một kỹ sư công chánh chuyên nghiệp của tiểu bang California và cũng là một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1975, KS Quang là một chuyên viên phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn. Ông phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam cũng như công tác đo đạc thủy học và tiên đoán lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hỏi: Theo tin của các hãng thông tấn quốc tế, ngày 26 tháng 9, một trận bão có tên là Damrey đã đổ bộ vào thành phố Vạn Ninh trên đảo Hải Nam của Trung Hoa với sức gió lên đến 200 km/h khiến cho hòn đảo nầy bị mất điện hoàn toàn. Sau khi tràn qua đảo Hải Nam, trận bão nầy tiến vào vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào Việt Nam. Có phải bão Số 7 ở Việt Nam chính là bão Damrey không, thưa KS"

- Đáp: Dạ thưa, đúng như vậy.

Hỏi: Như vậy, tại sao nó lại có tên khác nhau"

- Đáp: Trung tâm Bão Tokyo thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản có nhiệm vụ đặt tên cho áp thấp nhiệt đới (tropical depression) hình thành trong vùng Tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông khi nó trở thành giông nhiệt đới (tropical storm) có sức gió trên 62 km/h. Tên được lấy theo thứ tự trong danh sách gồm 140 tên do 14 quốc gia thành viên của Ủy ban Bão thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (Word Meteorological Organization (WMO)) cung cấp. Damrey là cơn giông nhiệt đới thứ 18 được Trung tâm Bão Tokyo đặt tên, nhưng mỗi quốc gia mà giông nhiệt đới đi qua có thể đặt tên riêng. Thí dụ, ở Việt Nam, bão được gọi theo số thứ tự của giông nhiệt đới hình thành trong vùng biển Đông; do đó, bão Damrey có tên là bão Số 7. Còn Philippines thì có danh sách riêng, và bão Damrey được gọi là bão Labuyo.

Hỏi: KS có thể cho biết thêm chi tiết về danh sách tên bão trong vùng Tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông của Ủy ban Bão mà KS vừa đề cập không"

- Đáp: Danh sách tên bão hiện nay được áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2000 và hoàn toàn khác với các danh sách khác trên thế giới. Trong 14 quốc gia thành viên của Ủy ban Bão; gồm có Kampuchia, Trung Hoa, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Hong Kong, Nhật, Lào, Macau, Malaysia, Micronesia, Philippines, Thái Lan, Hoa Kỳ, và Việt Nam; mỗi quốc gia cung cấp 10 tên. Hầu hết là tên Á Châu, không những là tên người mà còn là tên của loài hoa, thú vật, chim chóc, cây cối, thức ăn, và tĩnh từ. Danh sách không được xếp theo mẫu tự của tên bão mà lại xếp theo mẫu tự của tên quốc gia, với Kampuchia (Cambodia) đứng đầu và Việt Nam đứng sau cùng. Damrey, tiếng Miên có nghĩa là con voi, đứng đầu; và Saola, tên một loài hươu quý ở Việt Nam, đứng cuối danh sách. Một số tên tiêu biểu khác như Wukong, Tề thiên của Trung Hoa; Pongsona, hoa trinh nữ của Bắc Triều Tiên; Kai-tak, phi trường cũ của Hồng Kông; Kujira, cá voi của Nhật; Namtheun, một con sông của Lào; Parma, thịt heo xào gan gà và nấm của Macau; Nangka, cây mít của Malaysia; Mitag, tên phái nữ của Micronesia; Malakas, mạnh của Philippines; Nabi, con bướm của Nam Triều Tiên; Durian, trái sầu riêng của Thái Lan; và Vicente, tên phái nam của Hoa Kỳ.

Hỏi: Còn việc ấn định cấp bão thì sao, thưa KS"

- Đáp: Dạ thưa, Việt Nam dùng thước Beaufort gồm có 12 cấp để ấn định cấp bão. Từ cấp 1 đến cấp 6, sức gió thấp hơn 50 km/h. Cấp 7 có sức gió 51-62 km/h, cấp 8 có sức gió 63-75 km/h, cấp 9 có sức gió 76-87 km/h, cấp 10 có sức gió 88-102 km/h, cấp 11 có sức gió 103-117 km/h, và cấp 12 có sức gió trên 117 km/h. Ngày nay, thước Beaufort thỉnh thoảng được nới thêm 4 cấp để ấn định bão có sức gió trên 117 km/h dựa theo thước Saffir-Simpson vẫn được dùng để ấn định cấp bão ở Đại Tây Dương. Cấp 13 có sức gió 118-153 km/h (tương đương với cấp 1 của thước Saffir-Simpson), cấp 14 có sức gió 154-177 km/h (tương đương với cấp 2 của thước Saffir-Simpson), cấp 15 có sức gió 178-209 km/h (tương đương với cấp 3 của thước Saffir-Simpson), và cấp 16 có sức gió 210-249 km/h (tương đương với cấp 4 của thước Saffir-Simpson).

Hỏi: Dựa theo tin tức ở trong nước, bão Số 7 đổ bộ vào Thanh Hóa vào cuối tháng 9 vừa qua là một trong những trận bão lớn nhất ở Việt Nam trong vòng 10 năm qua. So sánh với những trận bão lớn nầy, mức độ của bão Số 7 như thế nào"

- Đáp: Theo tin tức trong nước thì bão Số 7 là bão cấp 10-11 trên thước Beaufort với sức gió giật trên cấp 12, tức trên 117 km/h. Nhưng dựa theo dữ kiện của Trung tâm Cảnh báo Bão Hỗn hợp (Joint Typhoon Warning Center) của Hải quân Hoa Kỳ thì Damrey chỉ là một giông nhiệt đới trên thước Saffir-Simpson có sức gió dưới 90 km/h khi đổ bộ vào Việt Nam. Cũng theo dữ kiện của trung tâm nầy thì, trong vòng 10 năm qua, bão Zack, là bão cấp 2 trên thước Saffir-Simpson với sức gió 160 km/h đổ bộ vào miền Trung Việt Nam ngày 1 tháng 11 năm 1995, là bão lớn nhất ở Việt Nam. Bão Số 7 năm nay cũng nhỏ hơn bão Krovanh, tức bão Số 5 ở Việt Nam, là bão cấp 1 trên thước Saffir-Simpson, đã đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 25 tháng 8 năm 2003 với sức gió trên 144 km/h.

Hỏi: Còn tình hình giông bão ở Việt Nam ra sao, thưa KS"

- Đáp: Dựa theo dữ kiện của Trung tâm Cảnh báo Bão Hỗn hợp của Hải quân Hoa Kỳ, từ năm 1945 cho đến 2004, có tổng cộng 226 cơn giông bão đã đổ bộ vào Việt Nam gồm có 75 áp thấp nhiệt đới (có sức gió dưới 62 km/h), 124 giông nhiệt đới (có sức gió 62-117 km/h), 22 bão cấp 1 (có sức gió 118-152 km/h), và 5 bão cấp 2 (có sức gió 153-176 km/h). Tính trung bình, Việt Nam có khoảng 4 trận bão mỗi năm. Trong số nầy, có 81 trận ở miền Bắc, 140 trận ở miền Trung, và 5 trận ở miền Nam. Bão thường xảy ra vào tháng 8 (12 trận), tháng 9 (11 trận), tháng 10 và 11 (9 trận mỗi tháng), và tháng 7 (6 trận). Bão cũng xảy ra vào tháng 12 (4 trận), tháng 6 (3 trận), và tháng 5 (1 trận). Trận bão lớn nhất Việt Nam là bão Lola, một trận bão cấp 2 trên thước Saffir-Simpson (cấp 14 trên thước Beaufort), đổ bộ vào miền Trung vào ngày 8 tháng 12 năm 1993 với sức gió 168 km/h. Nhưng có những năm Việt Nam lại không có giông bão, thí dụ như 1949, 1950, 1958, 1976, và 2002.

Hỏi: Sau trận bão Katrina ở Hoa Kỳ, đã có những lập luận cho rằng hiện tượng hâm nóng toàn cầu (global warming) là một yếu tố làm cho bão xảy ra thường xuyên hơn và có cường độ càng ngày càng mạnh hơn. Lập luận nầy có đúng với tình trạng giông bão ở vùng Tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông không"

- Đáp: Theo một nghiên cứu dựa trên dữ kiện bão từ năm 1961 đến 2004 của đài Khảo sát Hồng Kông (Hong Kong Observatory), một cơ quan công quyền của Hồng Kông, thì giông bão trong vùng Tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông có những thời kỳ "tỉnh" và "động" tùy theo giao động ngắn hạn (vài ba năm) và dài hạn (vài mươi năm) của khí quyển trong vùng Thái Bình Dương. Những giao động ngắn hạn thì có liên quan đến hiện tượng El Nino và La Nina, với chu kỳ khoảng 3 năm. Những giao động dài hạn, với chu kỳ khoảng 18 năm, thì có liên quan đến giao động thời tiết ở Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vùng Tây bắc Thái Bình Dương ở trong thời kỳ "động" từ 1961 đến 1974 và từ 1989 đến 1997, và ở trong thời kỳ "tỉnh" từ 1975 đến 1988 và từ 1998 cho đến nay. Tương tự, vùng biển Đông ở trong thời kỳ "động" từ 1961 đến 1974 và từ 1990 đến 1996, và ở trong thời kỳ "tỉnh" từ 1975 đến 1989 và từ 1997 cho đến nay. Như vậy, lập luận cho rằng hiện tượng hâm nóng toàn cầu là một yếu tố làm cho bão xảy ra thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn đã không được kiểm chứng, ít ra là ở trong vùng Tây bắc Thái Bình Dương.

Hỏi: Còn giông bão ở Việt Nam có theo một chu kỳ tỉnh động nào không, thưa KS"

- Đáp: Dựa theo dữ kiện từ 1945 đến 2004 thì giông bão ở Việt Nam, nói chung, cũng theo một chu kỳ tỉnh động, nhưng chu kỳ bão ở Việt Nam thì khác với chu kỳ bão trong vùng Tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông. Từ 1945 đến 1961 là thời kỳ "tỉnh" với số trận bão trung bình hàng năm là 2,8. Từ 1962 đến 1998 là thời kỳ "động" với số trận bão trung bình hàng năm là 4,8. Tất cả 5 trận bão cấp 2 trên thước Saffir-Simpson đổ bộ vào Việt Nam (với sức gió 153-176 km/h) đều nằm trong thời kỳ "động" nầy. Từ 1999 cho đến nay, bão ở Việt Nam trở lại thời kỳ "tỉnh" với số trận bão trung bình hàng năm là 2,0.

Hỏi: Có thể nói bão là thiên tai gây thiệt hại nhiều nhất cho con người từ trước cho đến nay. Với bản năng sinh tồn, con người có tìm cách khống chế bão không, thưa KS"

- Đáp: Từ nhiều thập niên qua, các nhà khoa học trên thế giới đã tìm cách phá hủy các trận bão, hay ít ra, làm suy yếu khi chúng mới hình thành hoặc đã trở thành mối đe dọa cho con người. Nhiều phương pháp đã được nêu ra hoặc thật sự thử nghiệm như làm mát vùng tâm bão bằng mưa nhân tạo với silver iodide, làm mát mặt biển bằng tảng băng (icebergs) hoặc vật liệu hút nhiệt, làm mất cân bằng phóng xạ của môi trường bão bằng cách dùng than để hấp thu ánh sáng mặt trời, phá vỡ bão bằng bom nguyên tử, và dùng quạt khổng lồ để chận bão đi vào đất liền. Các thử nghiệm, thí dụ như dự án StormFury của Cơ quan Quản trị Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (National Oceanic and Atmospheric Administration), đã thất bại vì không thể lấn áp được nhiệt năng và động năng vô cùng to lớn của các trận bão, ngay cả lúc chúng vừa mới hình thành.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.