Hôm nay,  

Ngày Nào Đoàn Quân Trở Về...

02/11/200500:00:00(Xem: 5750)
- LGT: Bài viết này nêu lên một vài khía cạnh của cuộc chiến Iraq, bày tỏ lý do vì sao điểm của TT Bush đi xuống. Bài này không nhất thiết phản ảnh quan điểm của VB.

Sáng thứ ba, 25 tháng 10, 2005, người lính Mỹ thứ 2000. trung sĩ nhất George Alexander Jr., gục ngã trên chiến trường Iraq. Trong khi quốc hội, khi những người dân Mỹ giành một phút lặng yên cho những người con yêu của đất nước hy sinh trong binh lửa, thì tổng thống George W. Bush xuất hiện trên truyền hình toàn quốc trong một bài nói chuyện tại căn cứ không quân Bolling, biện minh cho chính sách, biện minh cho cuộc chiến, cho những hy sinh, cho lý tưởng tự do mà ông đang theo đuổi. Đó là một nỗ lực thường xuyên của ông Bush, một nỗ lực có khi đi ngược lại lòng dân, ngược với thực tế, và qua nhiều lần trong hai năm qua, chỉ là những cố gắng vô ích.

Bài nói chuyện của ông Bush lần này, cũng như những bài khác, được soạn thảo công phu. Khi được đọc lên, ngập tràn những ngôn từ và âm điệu nhắc lại những triết thuyết về lòng ái quốc, danh dự, trách nhiệm, về chiến tranh và chiến thắng, về những điều cao cả mà ông và chính phủ của ông đang làm để xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho thế giới toàn cầu. Nhưng hình như bài diễn văn không được để ý tới nhiều, dầu đã được trực tiếp truyền hình trên mọi hệ thống lớn. Houston Chronicle đăng tin và tóm lược nội dung trên trang A13. Còn người dân thì dững dưng.

Người dân đã được nghe quá nhiều về những điều không muốn nghe. Chiến tranh chưa bao giờ thực sự đến trên đất Mỹ, và người Mỹ chưa bao giờ buộc phải hy sinh vì những lý do thực sự sống còn của đất nước. Nhưng các người lãnh đạo, hết chính quyền này qua chính quyền khác, vì nhiều nguyên nhân, luôn luôn có những lý do đẩy người dân vào những cuộc viễn chinh. Cái nguyên nhân cao cả, dễ hiểu nhất, là nước Mỹ trên cương vị cường quốc, có trách nhiệm liên đới về sự an nguy và hòa bình của thế giới, và để tồn tại, Mỹ quốc không thể tự cô lập. Biển cả không biến Mỹ quốc thành một ốc đảo ngăn cách hận thù và thị phi. Nhưng Mỹ quốc cũng đã đi vào chiến tranh vì những nguyên nhân thiếu rõ ràng, thiếu cao thượng, có thể là những lý do kinh tế, chủng tộc, vì áp lực tài phiệt, hay vì những âm mưu của những tập hợp quyền lực. Nếu muốn nói: Mỹ quốc là vùng đất tốt đẹp nhất để sống, điều đó cũng đúng. Nhưng Mỹ quốc cũng là vùng đất của những bất toàn. Bất toàn từ trong ý niệm tự do, dân chủ, bình đẳng, và an sinh. Bất toàn từ trong hệ thống chính quyền, sinh hoạt đảng phái, trong giáo dục dân trí. Nhưng nước Mỹ đã tồn tại một cách tốt đẹp trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày lập quốc, mặc cho những thành phần bị lảng quên, và những sai trái không bao giờ được sửa đổi. Ai cũng thấy điều đó. Thấy, nhưng nhiều khi không hiểu được cái lý do tồn tại và thăng tiến. Cái lý do đó thật đơn giản, Mỹ quốc là xứ sở của những dung sai, chịu đựng, a society of tolerance, dao động trong một mức độ không gây tác hại:Vun trồng cái tốt để che lấp điều tệ hại. Lấy cái năng động hóa giải cái tiêu cực, ù lì. Khai thác giai cấp trung lưu để nuôi sống người nghèo, và làm mạnh thêm cái cột sống tư bản, tài phiệt của chế độ. Và trên hết, là tinh thần trọng pháp, tuân hành pháp luật, dầu pháp luật còn nhiều sơ hở, dầu pháp luật vẫn dung dưỡng những thao túng, lộng hành, những lợi dụng, và lạm dụng. Một khi cái tốt nhiều hơn cái xấu, cái giàu nhiều hơn cái nghèo, và người nghèo còn có cơm ăn, áo mặc, một khi pháp luật còn được tôn trọng trong một mức độ khả chấp, thì cái đất nước này, cái chế độ này còn tồn tại. Hệ thống chính trị giành trọn quyền điều hành quốc gia cho tập thể cầm quyền. Người dân yên lòng, và đặt hết niềm tin, cũng như sinh mạng vào người lãnh đạo quốc gia, và hệ thống chính sách của đảng mà họ đã lựa chọn. Những bất mãn không được giải quyết bằng nổi dậy. Xứ sở này không là xứ sở của những cuộc cách mạng bạo lực, không là xứ sở của những người cầm súng. Bởi vậy, xứ sở này là xứ sở của ổn định.

Cho nên, khi người dân được lệnh cầm súng ra đi chiến đấu, lệnh đó phải được tuân hành. Dẫu sao, khi bản thân mình, khi để con em bỏ lại tất cả đàng sau, đi vào cõi chết, thì điều người dân muốn biết vẫn là: vì sao phải chết, cái trò chơi làm bạn với thần chết sẽ phải kéo dài bao lâu, và khi nào đoàn quân sẽ được trở về chốn cũ, which causes were worth fighting for, how long the fight should last, and when it was the time to go home, (Melvin Laird, nguyên bộ trưởng quốc phòng thời R. Nixon) . Điều đó, người lãnh đạo quốc gia phải trả lời cho người dân. Phải trả lời bằng những luận cứ, những con số, và dữ kiện rõ ràng. Không thể trả lời bằng những mỹ từ, lộng ngữ, hay xảo ngôn. Những điều tổng thống Bush nói trong bài diễn văn vừa rồi đã không được người dân đón nhận vì đã không đáp ứng những thắc mắc của người dân.

"Thời chiến, là thời của hy sinh, time of war, time of sacrifice."

"Mỗi cái chết là mỗi nỗi đau xé lòng, each loss of life is heartbreaking."

"Cách tốt nhất để vinh danh sự hy sinh của những chiến binh vừa nằm xuống là hoàn tất sứ mạng, đặt nền móng cho một nền hòa bình bằng cách trãi rộng tự do, the best way to honor the sacrifice of our fallen troops is to complete the mission and lay the foundation of peace by spreading freedom." Đó là sáo ngữ.

"Cuộc chiến này còn đòi hỏi thêm nhiều hy sinh, nhiều thời gian, và những quyết tâm, this war will require more sacrifice, more time, and more resolve."

"Không ai được đánh giá thấp những khó khăn trước mặt, cũng như không ai có quyền bỏ qua đi những lợi thế mà cuộc chiến này đang đem lại. No one should underestimate the difficulties ahead; not should they overlook the advantages we bring to this fight."

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Mức độ tín nhiệm của người dân giành cho ông Bush nay tụt xuống 37%.

Nhưng khi ông Bush, cũng trong bài diễn văn nói trên, tuyên bố "Tương lai của Iraq gắn liền với tương lai của Mỹ quốc, the future of Iraq links to the future of America", thì lời khẳng định đó có thể đã làm giật mình nhiều người. Tương lai của Iraq co thể gắn liền với tương lai chính trị của chính ông, của Jeff Bush, của đảng cộng hòa. Nhưng trong những hoàn cảnh, trạng huống bi thảm, người Mỹ sẽ biểu lộ sự chống đối, từ chối chết cho Iraq, từ chối hy sinh cho quyền lợi của tài phiệt, và ngay cả từ chối nằm xuống cho những lý tưởng cao đẹp nhất của con người. Trong ngôn ngữ của người Mỹ, không có từ phản bội.

Đã có một thời, miền Nam Việt nam là tiền đồn chống cộng của thế giới tự do. Đã có một thời tương lai của miền Nam Việt nam là tương lai của thế giới tự do. Đã có một thời không ai nghĩ được Mỹ ( và thế giới tự do ) có thể bỏ rơi Việt nam. Nhưng rồi người Mỹ đã ra đi, mặc cho miền Nam rẩy chết trong tay cộng sản. Nếu không muốn phức tạp hóa lịch sử, không chủ tâm bóp méo lịch sử, thì cuộc chiến Việt nam phải được nhìn, được thấy đơn giản và rõ ràng như thế này:

Dân tộc Việt nam có truyền thống chống lại sự thống trị của ngoại bang. Với "1000 năm đô hộ thằng Tàu, một trăm năm đô hộ thằng Tây", người Việt đã không ngừng tranh đấu cho chủ quyền, độc lập cho đất nước. Chuyện chống Pháp, đánh Pháp có từ thời các vua triều Nguyễn, có nghĩa là đã có một sự kết hợp giũa lớp người cùng khổ và giai cấp trên trước ngay trong thời quân chủ chuyên chế trong một mục đích chung. Sau thế chiến thứ hai, những biến động và khuynh hướng chính trị mới đã tạo môi trường thuận lợi cho cuộc nổi dậy của toàn dân trong một cuộc kháng chiến chống Pháp. Cũng từ cuộc nổi dậy đó, những mầm mống phe phái bị chi phối bởi ý thức hệ bộc phát. Người Pháp rút chạy, để lại một đất nước chia đôi, và một bãi chiến trường cho những người Việt khác nhau chính kiến xâu xé lẫn nhau, bên kia là những người Việt cộng sản muốn nhuộm đỏ mọi miền đất nước, và bên này, những người Việt không cộng sản tự vệ để còn có được một vùng đất sống. Với sự thành hình của một thế giới lưỡng cực, và sự thắng lợi của phe cộng sản, cuộc chiến Việt nam, cuộc chiến cuối cùng còn sót lại sau Triều tiên, từ cục bộ, lần hồi leo thang thành một cuộc chiến quốc tế. Nhân danh tự do, người Mỹ đã hiện diện trong cuộc tranh chấp này từ những ngày đầu. Và kể từ năm 1964, khi những đoàn quân viễn chinh Mỹ ào ạt tràn vào Việt nam, trực tiếp tham chiến, thì cuộc chiến Việt nam đã thực sự trở thành một cuộc chiến của người Mỹ, không phải trên đất nước của họ, để giải quyết một nhu cầu chiến lược, và một mục tiêu đế quốc kinh tế. Rồi cũng vì những thay đổi chính sách và nhu cầu chiến lược, năm 1973, người Mỹ rút lui, để cái công cuộc chống lại cả một thế giới cộng sản cho một nhúm người nhỏ bé và nghèo nàn gánh vác. Năm 1975, người Việt miền Nam mất vùng đất sống. Người Mỹ không thua trong cuộc chiến Việt nam. Họ chỉ nửa chừng rời bỏ cuộc chơi.

Nhân danh tự do, nhân danh quyền sống, quyền làm người, người Mỹ đã biến cái đất nước Việt nam nhỏ bé thành một bãi chiến trường tàn khốc, dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh từ thượng cổ cho đến ngày nay. Nhân danh dân chủ, người Mỹ đã giết một tổng thống và những người anh em của ông. Nhân danh dân chủ, người Mỹ đã giành quyền làm chủ, đóng vai chủ nhân ông trong một thời đại thượng tôn chủ quyền, và sử sự với những người được họ gọi là đồng minh như những kẻ tôi tớ. Xin đừng đổ tội cho tham nhũng, cho lãnh đạo bất xứng, cho tinh thần chiến đấu, cho những chia rẽ nội bộ đã làm mất miền Nam. Đó chỉ là những nguyên nhân thứ yếu, được khai thác để khuất lấp một âm mưu, a conspiracy.

Bây giờ, cũng nhân danh tự do, người Mỹ khởi động cuộc viễn chinh Iraq. Tự do không phải là một sản phẩm ngoại nhập, một món hàng xuất nhập cảng. Tự do, cũng như dân chủ, chỉ có thể có được bằng trưởng thành tri thức và ý thức, qua một tiến trình dân sinh, dân trí, đến tự người dân, tự nỗ lực cá nhân và tập thể của một dân tộc. Người dân thế nào, thể chế thế đó. Chaque peuple a le gouvernement qu'il merite. Không thể áp đặt tự do, hoằng dương dân chủ bằng lật đổ, thay đổi thể chế, cá nhân lãnh đạo, hay hệ thống cầm quyền. Những gì đang xẩy ra ngày hôm nay tại Iraq, cũng đã xẩy ra 40 năm trước tại Việt nam. Nhiều người, nhiều nhà báo, nhiều chính trị gia, chiến lược gia vẫn cho rằng Iraq là một Việt nam thứ hai, một thảm kịch được lặp lại. Thực sự Iraq hôm nay không là một Việt nam 40 năm trước, khác từ nguyên nhân và cái just cause của cuộc chiến, địa lý chính trị, khả năng và ý chí chiến đấu, hệ thống chính quyền, cho đến bản sắc dân tộc.

Trung đông ung thối, tàn nhẫn, bất công, và tụt hậu ngày hôm nay là sản phẩm được dung dưỡng lâu ngày của tây phương. Những người hồi giáo ưa chuộng hòa bình, dung dị đã phải cúi đầu cam chịu ách thống trị của đế quốc, của các dòng họ được gọi là hoàng tộc từ nhiều thế kỷ. Đất nước bị khai thác đến tận cùng bởi giai tầng thống trị và tư bản, nhân quyền bị chà đạp, niềm tin tôn giáo bị sử dụng như công cụ kiềm hãm tự do cá nhân, kéo lùi tiến bộ. Thêm vào đó, 50 năm qua, những đối xử bất công trong chính sách Do thái - Palestine, nói riêng, và hồi giáo nói chung, đã đẩy tình hình trung đông đến chỗ tức nước vỡ bờ, khiến những người hồi giáo phải vùng lên. Khủng bố chỉ là một hình thái chiến tranh của những kẻ bị dồn đến chân tường, tuyệt vọng cùng cực. Không phải vì điên khùng, hay cuồng tín mà những kẻ khủng bố tấn công World Trade Center, Pentagone, hay Shansville, Pa. Cũng không vì chán sống mà hết người này đến người khác lái xe bom cho nỗ các công thự, giết hàng ngàn người được xem la phản đạo. Cuộc chiến khủng bố không phát xuất từ Bagdad, mà tự tâm khảm của mỗi người dân hồi giáo bị dồn ép và khinh khi. Cái sự thật hiển hiện đó của cuộc chiến Iraq ngày hôm nay ai cũng đã thấy.

Sau khi đã tiêu tốn hàng trăm tỷ mỹ kim trong một thời gian kỷ lục, hy sinh 2000 nhân mạng, chính phủ Mỹ đã đưa được Saddam Hussein ra tòa, khai sinh được một hiến pháp, thành lập được một quân đội khoác trên mình bộ fatigue sản phẩm từ Mỹ quốc, nhưng không có được 1% khả năng chiến đấu, và một chính quyền bù nhìn tại Iraq. Tổng thống Bush cho đó là một thành công lớn lao. Trong sự thành công đó, 4,500 công ty Mỹ, kể cả những đại tổ hợp, đang giành dựt nhau những lợi nhuận trong chương trình tái thiết và bình định. Sự hiện diện của 150 ngàn lính Mỹ giờ đây chỉ còn là một cần thiết cho hoạt động của tài phiệt.

Tương lai Iraq là tương lai Mỹ quốc! Cho đến một ngày, khi đất đã khô, và dòng sông đã cạn nước, đoàn quân viễn chinh sẽ trở về.

Ngày mai tươi sáng kia

Khi đoàn quân trở về

...

Ngày mai tươi vui

Nhưng giữa thủ đô ai đó ngậm ngùi

Bao mái tóc xanh cuốn vành khăn tang

Bao má nhăn nheo lệ ứa chan hòa

Chờ chồng mong con ngày về chiến thắng

Trong toán quân về đếm thiếu những ai

... (theo một bài nhạc viết trong thời kháng chiến).

Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận

tvn200

Oct 31, 2005.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.