Hôm nay,  

Sổ Tay Thượng Đỉnh

05/04/200900:00:00(Xem: 4429)

Sổ Tay Thượng Đỉnh

Nguyễn Xuân Nghĩa
...Barack Oabma đi chăn mèo...
Bước ra khỏi Thượng đỉnh G20, Tổng thống Barack Obama sẽ còn ba Thượng đỉnh nữa.
Trước hết là hai ngày Thượng đỉnh của Minh ước NATO - và những gặp gỡ riêng với Tổng thống Pháp rồi Thủ tướng Đức, sau đó là hai ngày Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với Liên hiệp Âu Châu tại Praha, rồi hai ngày sáu và bảy là Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ - tại Ankara và Istanbul của xứ Turkey.
Khi ấy, ông sẽ phải biểu diễn nghệ thuật chăn mèo.
Nôm na là san bằng nhiều mâu thuẫn và gom lại lập trường phân tán của nhiều nước liên hệ vào một quan điểm thống nhất mà có lợi cho Hoa Kỳ. Chúng ta cần nhìn ra ngần ấy con mèo rất hoang của Obama.
****
Trước hết, truyền thông Hoa Kỳ nức nở ca tụng thượng đỉnh song phương Nga Mỹ khi ông Obama gặp Tổng thống Dimitri Medvedev một ngày trước thượng đỉnh G20.
Rằng đôi bên đã đạt thoả thuận về việc tài giản võ khí nguyên tử - như một biểu hiện của tinh thần ôn hoà của Obama. Một sự ngây thơ rất Mỹ!
Trong các đề tài gai góc của quan hệ Mỹ-Nga (tài giảm võ khí nguyên tử trong khuôn khổ của thỏa ước SALT sẽ mãn hạn cuối năm nay, thảo luận về hệ thống phòng thủ chiến lược BMD và hệ thống hoả tiễn chống phi đạn ABM, lồng vào việc can gián Iran và mượn đường tiếp vận vào A Phú Hãn, rồi vai trò của Nga và Mỹ trong an ninh Âu Châu, nghĩa là tương lai của Minh ước NATO), vụ tài giảm võ khí là hồ sơ đơn giản nhất, chỉ liên hệ đến quan hệ song phương giữa hai nước. Đấy chỉ là một món ăn chơi trước khi đi vào những chuyện chính, liên hệ đến nhiều quốc gia khác mà Hoa Kỳ khó đơn phương quyết định.
Obama phải nói chuyện với NATO và Âu Châu rồi mới quay về đàm phán tiếp với Liên bang Nga. Lúc ấy, ông sẽ phải chăn mèo để có một lập trường thống nhất với các đồng minh, trước khi đàm phán với đối thủ là Liên bang Nga - và Iran.
Sau buổi họp với Medvedev, Obama đã gặp các lãnh tụ khác bên lề Thượng đỉnh G20 và dù đã hoà giải quan điểm đối nghịch giữa Chủ tịch Ôn Gia Bảo với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (về chuyện thiên đường thuế - xin xem lại Sổ Tay Thượng Đỉnh thứ 4 ngày hôm qua), ông vẫn chưa thực sự thuyết phục được Sarkozy - hay chinh phục được nước Pháp.
Nhân hội nghị NATO tại Strasbourg của Pháp, hai vị nguyên thủ đã nức nở ca tụng lẫn nhau - trước sự trầm trồ của truyền thông Mỹ bị bệnh Obamê. Nhưng Tổng thống Sarkozy chỉ nói giọng ngoại giao mà không có cam kết gì về vấn đề Tổng thống Oabma thiết tha nhất: tăng viện cho chiến trường A Phú Hãn. Sarkozy không thể làm được điều ấy vì dân Pháp không muốn và lại đang thất vọng tràn trề về tình hình kinh tế.
Mà dân Pháp còn thất vọng nữa khi được biết Obama đã từ chối không viếng thăm Normandie và nghĩa trang của gần bảy ngàn binh lính Mỹ tử trận trong cuộc đổ bộ năm 1944. Lý do thoái thác của Toà Bạch Cung là... để khỏi làm Anh và Đức mất lòng! Họ còn khó chịu khi biết là Sarkozy muốn gặp riêng Obama tại Luân Đôn, trước Thượng đỉnh G20 - như đã gặp Medvedev và Hồ Cẩm Đào cùng nhiều lãnh tụ khác.
Tổng thống Sarkozy đã từ bỏ tham vọng tam phân thiên hạ - Nga-Mỹ-Pháp- của Charles de Gaulle và muốn tìm một vị trí cho nước Pháp thích hợp hơn với thực lực quốc gia và trở thành vị Tổng thống "thân Mỹ" nhất kể từ thời de Gaulle, Mitterrand và Chirac. Ông muốn là một đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ tại Âu Châu và... sẵn sàng gặp riêng Obama. Trước đó, từ tháng 11, Sarkozy đã muốn như vậy rồi, nhưng Tổng thống tân cử Obama mắc bận ở Chicago, nên ông Sarkozy chờ đợi hoài công và đành lủi thủi ra về.
Bây giờ, ông sẽ trả lời sao với công chúng Pháp là chuyện dân Mỹ... bất cần biết.
***
Sau Tổng thống Pháp, Obama gặp Thủ tướng Đức thì mới thấy Angela Merkel không là con mèo mà dữ như cọp.
Bà là sức mạnh im lìm trong Thượng đỉnh G20 - khiến quan điểm của Obama về chuyện tăng chi đã văng ra ngoài - và ý thức rất rõ vị trí địa dư lẫn sức mạnh kinh tế của nước Đức.


Sau khi hùng hồn tranh cử tại Berlin hồi tháng Bảy, Obama tưởng rằng cứ nói ngọt với Âu Châu rồi muốn đòi gì cũng được. Con nít! Nhiều người Mỹ khác cũng tưởng vậy, rằng Đức là một đồng minh kỳ cựu của Hoa Kỳ, cho nên nếu chịu khó nói chuyện ôn tồn thì sẽ được đầu máy kinh tế của cả Âu Châu ủng hộ.
Sự thật lại tai ngược hơn.
Đức đã từng là siêu cường một mình đương cự với cả hai khối Đông-Tây trong Thế chiến II và sau đó bị chia hai, bị cả hai đối thủ (Liên Xô và Hoa Kỳ) kiểm soát trong hơn nửa thế kỷ. Nay nước Đức đã thống nhất và trở thành cường quốc thực sự độc lập nên sẽ không công kênh nước Pháp lên cổ và cúi đầu nghe Mỹ khuyên dạy về dân chủ, kinh tế hoặc nên cương hay nhu với Liên bang Nga theo nhu cầu nhất thời và rất thất thường của Hoa Kỳ sau mỗi cuộc bầu cử.
Nước Đức đang tìm lại vị trí cũ, trong khuôn khổ NATO cũng được. Mà nếu Obama sẵn sàng đẩy lui NATO về hướng Tây thì Đức sẽ lo lấy thân. Và tất nhiên là không dễ dàng đáp ứng yêu cầu của Mỹ là tăng viện cho chiến trường A Phú Hãn. Nếu cần thỏa hiệp với Liên bang Nga, nước Đức và Thủ tướng Merkel không cần tới tài thông biện của Obama. Huống hồ là bà còn đang lo bầu cử!
Quan hệ Đức-Mỹ vì vậy đang lật qua một trang mới. Người có thể làm Barack Obama trở về với tay không có thể là Angela Merkel.
Vô cùng ly kỳ nên chúng ta sẽ còn phải trở lại vấn đề này.
***
Trước khi Tổng thống Barack Obama hoàn tất hai thượng đỉnh NATO và Âu-Mỹ để bay qua Ankara dự thượng đỉnh với lãnh đạo Turkey, xứ Thổ đã mở ra ba màn trình diễn rất lạ.
Thứ nhất là tổ chức thượng đỉnh tại thủ đô Ankara hôm mùng một giữa lãnh đạo của A Phú Hãn với Pakistan. Qua mùng ba thì thông báo sẽ tìm cách nối lại bang giao với một xứ cựu thù là Armenia và cùng ngày lại lật ngược quan điểm và bác bỏ đề nghị của các đại gia trong NATO về nhân vật sẽ làm Tổng thư ký của Minh ước này.
Hoa Kỳ đang lên cơn sốt về chuyện A Phú Hãn và hậu cứ tại Pakistan của khủng bố al-Qaeda. Thổ Nhĩ Kỳ bước vào nói chuyện với cả hai. Nhẹ gánh cho Obama" Chưa chắc. Hoa Kỳ đang đấu trí với Liên bang Nga thì Turkey nói chuyện với một đồng minh thân Nga là Armenia. Xứ này bị kẹt trong đất liền nên cần đường thông thương và nhân đó kiếm tiền với ống dẫn khí đặt trên lãnh thổ, để đưa khí đốt từ Azerbaijian tới tận Địa trung hải - qua cửa khẩu của Turkey.
Quyền lợi kinh tế lẫn địa dư chiến lược khiến cường quốc Hồi giáo, hậu thân của Đế quốc Thổ Ottoman, đã đi những nước cờ rất sáng với Armenia.
Và cũng ngang ngược không kém khi bác bỏ đề nghị bổ nhiệm Thủ tướng Đan Mạch làm Tổng thư ký NATO.
Đương kim Tổng thư ký (người Hoà Lan) là ông Jaap de Hoop Scheffer ngỏ ý muốn về hưu. Theo thông lệ, các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức đề nghị nhân vật sẽ thay thế. Họ tìm ra Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen và mọi việc coi như đã xong, theo thông lệ. Giờ chót, Thủ tướng Turkey là Receep Tayyip Erdogan bỗng phản đối, mà chỉ cần một thành viên NATO không đồng ý là chuyện ấy không thành!
Lý do phản đối có phần chính đáng, dù không nặng. Nhưng việc một thành viên (duy nhất là Hồi giáo, thuộc diện nửa Âu nửa Á) lại lắc đầu thì 60 năm nay NATO mới bị một lần!
Chỉ huy NATO thường là một tướng lãnh Hoa Kỳ, Tổng thư ký là nhà ngoại giao phải gói trọn ngần ấy quan điểm đối nghịch thành lập trường thống nhất của NATO, và thường là một nhân vật Âu Châu. Với Thủ tướng Đan Mạch - và với viễn ảnh có thể kéo thêm Thụy Điển hay Phần Lan vào NATO, như Ba Lan gợi ý - thì sự chọn lựa này quả là tối hảo. Bỗng dưng Turkey lại lắc!
Y như Cộng hoà Liên bang Đức của Thủ tướng Merkel, Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Erdogan ý thức được rất rõ vai trò bản lề và vị trí chiến lược của mình: xứ này không là đồng minh dễ bảo của Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã sẵn sàng hy sinh đồng minh để thoả hiệp với Nga hay Iran, bây giờ, một xứ không chấp nhận thân phận nhược tiểu và bác bỏ một ứng viên của Âu Châu. Giữa Âu và Thổ, Obama sẽ chiều ai và ép ai"
Tài hùng biện ở nhà của Obama đã thành trò vui trong cảnh chăn mèo quốc tế. Mà toàn lã những giống mèo rất cú cáo, có bản lãnh và không bị chứng tật Obamê.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.