Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

29/03/200900:00:00(Xem: 2178)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu tiếp môn “Không Thủ Đạo”, tức “Karatedo”.
Không Thủ Đạo có hai hình thức luyện tập cơ bản được gọi theo theo danh từ nguyên gốc là “Kata” (Hình: bài quyền) và “Kumite” (Tổ Thủ: kỹ thuật giao chiến). Tuy tất cả các môn sinh Không Thủ Đạo đều dựa vào nền tảng này để luyện tập võ thuật, nhưng theo dòng tiến hóa của thời đại, cách nhìn về “Kata” và “Kumite” đã có sự thay đổi. Xưa kia, hình thức luyện tập bài quyền được xem là mang tính giá trị cao, nhưng hiện nay kỹ thuật giao chiến được chú trọng hơn vì nhu cầu tranh tài qua các giải đấu.
“Kata” trong môn Không Thủ Đạo có nghĩa là các chiêu thức tổng hợp, tượng trưng cho bài mẫu chính yếu của những đòn thế tấn công hoặc phòng thủ. Vì vậy, khi biểu diễn bài quyền, không cần phải thi triển nhiều động tác chi tiết như các loại võ thuật khác. Tùy theo đặc tính của các hệ phái, phần biểu diễn bài quyền Không Thủ Đạo diễn ra rất nhanh chóng từ khoảng vài chục giây cho đến vài phút. Phần luyện tập bài quyền giúp cho môn sinh Không Thủ Đạo học được căn bản của những chiêu thức bao gồm các thế võ biến hóa để có thể ứng dụng trong thực tế khi giao đấu. Môn Không Thủ Đạo có khoảng bốn, năm chục bài quyền bao gồm một số chiêu thức đã bị thất truyền. Những bài quyền nổi danh của các hệ phái Không Thủ Đạo được lưu truyền rộng rãi hiện nay gồm có: Naifanchi, Bassai, Sasanku (phái Shuri: Thủ Lý), Sanchin, Seisan, Seicho (phái Naha: Na Bá) v.v…
Mặt khác, “Kumite” là phương pháp luyện tập kỹ thuật chiến đấu, chủ yếu là hai môn sinh giao chiến với nhau qua những đòn công thủ thực dụng và lần lượt thi triển các thế võ theo tuần tự của hai hình thức quy định là “Yakusoku Kumite” (kỹ thuật giao chiến quy ước) và “Jiyu Kumite” (kỹ thuật giao chiến tự do). Tuy những kỹ thuật giao chiến “Kumite” đã xuất hiện từ thời đại vương quốc Lưu Cầu nhưng không được hệ thống hóa rõ ràng, nên 12 chiêu thức về kỹ thuật giao chiến quy ước (Junihon Yakusoku Kumite) do võ sư Motobu Choki (1870-1944) sáng chế vào thời vua Đại Chính Thiên Hoàng, được xem là những thế võ khởi nguồn cổ xưa nhất của hình thức giao chiến trong môn Không Thủ Đạo cận đại.
Tương truyền, các môn sinh Không Thủ Đạo thời xưa của xứ Lưu Cầu khi luyện võ luôn để mình trần, mặc quần dài hoặc quần đùi, không mang giầy và các võ đường cũng hoạt động trong vòng bí mật. Vì vậy, Không Thủ Đạo chỉ được truyền thụ qua hình thức khẩu quyết hoặc biểu diễn các thế võ cho các môn sinh thực tập chứ không hề được ghi lại trong sách vở. Điều này cũng lý giải được nguyên nhân tại sao cho đến nay giới khảo cổ Nhật Bản vẫn chưa tìm được tài liệu thư tịch nào ghi chép về Không Thủ Đạo trong thời đại vương quốc Lưu Cầu. Ngoài ra, do đặc tính truyền khẩu và tập trung quan sát động tác khi luyện tập, nên ngay từ nền tảng cơ bản đã cho thấy Không Thủ Đạo là môn võ học chú trọng phần thực tập hơn lý thuyết với những chiêu thức biến hóa đặc sắc đòi hỏi nhiều công phu rèn luyện, được tập hợp trong các bài quyền chính yếu. Theo lời giải thích của võ sư Kyan Chotoku (1870-1945), ghi trong quyển “Quyền Pháp Khái Thuyết” (Kenpo Gaisetsu) do chính ông biên soạn thì: “Lý do các võ sinh thời xưa để mình trần khi luyện tập là muốn chứng minh thể lực cường tráng nhờ quá trình tu dưỡng môn Không Thủ Đạo. Đặc biệt, chiêu thức trong bài quyền Không Thủ Đạo được biến hóa linh động tùy theo từng trường phái võ học của các chi phái nên có nhiều thế võ tinh vi với chiêu số bao la bát ngát. Theo nghĩa rộng, muốn hoàn thành một bài quyền Không Thủ Đạo có nhiều võ sinh phải rèn luyện đến 3 năm mới được coi là nắm vững được những tinh hoa trọng yếu của chiêu thức”.
Từ sau thời vua Minh Trị Thiên Hoàng, phương pháp luyện tập Không Thủ Đạo chuyển sang hình thức công khai khi được các võ sư đích thân truyền thụ tại các trường trung học và cao đẳng của vùng Okinawa. Đây cũng là thời kỳ các võ sư Không Thủ Đạo Okinawa bắt đầu thành lập các câu lạc bộ “Karate” trong mục đích trao đổi kiến thức võ học và biên soạn các tài liệu hướng dẫn phương pháp tập luyện.


Đến năm 1924, võ sư Funakoshi Gichin là người đầu tiên đưa ra những quy chế về đẳng cấp, võ phục, màu sắc đai đeo cho môn Không Thủ Đạo, sau khi ông tham khảo các chi tiết dựa vào hệ thống phân định của Nhu Đạo. Thời sơ kỳ, hệ phái của ông Funakoshi Gichin chỉ sử dụng đai đen dành cho những người đạt từ “nhất đẳng” đến “thập đẳng” và đai trắng dành cho những người nhập môn. Khoảng cách giữa đai đen và đai trắng có 3 cấp và thường dùng đai màu xanh lá cây, hoặc màu nâu, màu vàng v.v…tùy theo hệ phái. Hiện nay, vì chưa có sự thống nhất về quy chế màu đai hoặc danh xưng của đẳng cấp giữa các hệ phái nên môn Không Thủ Đạo vẫn dựa vào cách phân định tổng quát như sau
-Nhập môn: đai trắng
- Cấp 4: đai xanh lá cây, đai vàng, đai xanh dương, đai cam (tùy theo hệ phái)
- Cấp 3: đai xanh lá cây, đai nâu v.v… (tuỳ theo hệ phái)
- Cấp 2: đai nâu, đai xám, đai đỏ (tùy theo môn phái)
- Cấp 1: đai nâu
- Nhất đẳng - Thập đẳng: đai đen
Những người ở cấp “ngũ đẳng” và “lục đẳng” gọi là “Renshi” (Luyện Sĩ), cấp “thất đẳng” và “bát đẳng” gọi là “Kyoshi” (Giáo Sĩ), cấp “cửu đẳng” và “thập đẳng” gọi là “Hanshi” (Phạm Sĩ). Tuy nhiên, cũng có một số hệ phái không sử dụng các danh xưng này.
Sau khi được lưu truyền rộng rãi và thu hút nhiều võ sinh luyện tập trên toàn cõi Nhật Bản, Không Thủ Đạo còn tạo ảnh hưởng trên một số loại võ thuật và phát triển tại các quốc gia, và khu vực khác như sau:
Đại Hàn: Trong thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng, môn Không Thủ Đạo cũng được truyền sang bán đảo Cao Ly và được gọi theo tiếng địa phương là “Konsudo” hoặc “Tansudo”. Sau đó, từ những thế võ căn bản của Không Thủ Đạo, các chiêu thức dùng ngọn cước phối hợp với quyền thuật được hình thành và phát triển thành môn Đài Quyền Đạo “Taekwondo”.
Hoa Kỳ: Không Thủ Đạo được những quân nhân Hoa Kỳ trú đóng tại các căn cứ quân sự trên vùng đảo Okinawa và lãnh thổ Nhật Bản du nhập vào Hoa Kỳ. Sau khi về nước, những quân nhân này mở võ đường giảng dạy và nhân vật được xem như “vị cha đẻ của Không Thủ Đạo Hoa Kỳ” là ông Robert Trias (1923-1989).
Tại Hoa Kỳ, Không Thủ Đạo cũng được kết hợp với Quyền Anh và hình thành môn thể thao “Kickboxing” rất được ưa chuộng qua hình thức thi đấu chuyên nghiệp với đặc tính trong một hiệp phải ra chiêu sử dụng ngọn cước tấn công đối phương từ phần lưng trở lên ít nhất là 8 lần. Điều này phản ảnh quan niệm thiên hẳn về hệ phái “Không Thủ Đạo Trực Chiến” (Full Contact Karate) của các võ sư sáng lập Không Thủ Đạo Hoa Kỳ, vốn có tư tưởng thực dụng.
Châu Âu: Từ sau thập niên 1960, qua hình thức giao lưu văn hóa, một số võ sư Nhật Bản được biệt phái sang khu vực Châu Âu để truyền bá môn võ thuật Không Thủ Đạo. Trong số này, nổi tiếng nhất là võ sư Kanazawa Hirokazu của chi phái Tùng Thọ Quán giảng dạy tại Đức Quốc và Anh Quốc.
Riêng tại cựu đế quốc Liên Xô, Không Thủ Đạo trở thành một môn học được ưa chuộng tại các trường đại học ở Moscow từ giữa thập niên 1960, nhưng sau đó từ năm 1973 trở đi chính quyền Liên Xô đã nghiêm cấm tất cả các loại võ thuật và chỉ cho phép các võ sinh luyện tập môn đấu vật truyền thống “Sambo” của dân tộc Nga. Sau khi đế quốc Liên Xô bị sụp đổ, Không Thủ Đạo mới được tiếp tục truyền bá công khai tại Cộng Hòa Nga.
So với hình thức thi đấu để tranh giải hoặc thăng tiến đẳng cấp của hệ phái “Không Thủ Đạo Trực Chiến” rất phổ biến ở ngoại quốc, đa số các võ đường tại Nhật Bản hiện nay vẫn đi theo tôn chỉ và triết lý của hệ phái “Không Thủ Đạo Truyền Thống” trong mục đích duy trì những nét đặc sắc của môn Không Thủ Đạo cổ truyền. Ngoài việc luyện võ, các môn sinh thuộc hệ phái “Không Thủ Đạo Truyền Thống” luôn được huấn thị những điều tâm niệm đặt trên căn bản lễ nghĩa và tinh thần thượng võ. Vì vậy, hệ phái truyền thống rất ít khi tổ chức giải đấu hoặc những cuộc thi lên đai, thăng cấp. Các võ sư sẽ căn cứ quá trình luyện tập của môn sinh để phong đẳng cấp.
Ngoài ra, trong hệ phái “Không Thủ Đạo Truyền Thống” còn có chi nhánh “Không Thủ Đạo Cổ Truyền” (Koden Karate) vẫn còn giữ được bản sắc nguyên thủy của môn Không Thủ Đạo Okinawa với hình thức giảng dạy quyền pháp lẫn binh khí. Chi nhánh gồm có các phái tiêu biểu như: “Kojo” (Hồ Thành), “Motobu” (Bản Bộ), “Shindo” (Tâm Đạo) v.v...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
An Xá Quốc Tế vừa phát hành một bản cáo trạng gay gắt đối với những tập đoàn internet thống trị thế giới. Tổ chức có trụ sở tại London này cho rằng Facebook và Google cần phải bị bắt buộc từ bỏ mô hình kinh doanh dựa trên sự giám sát của mình, vì điều này là vi phạm nhân quyền.
Theo tin từ CBS: Cơ Quan An Toàn Giao Thông (TSA) hiện nay đang thử nghiệm những kỹ thuật mới, giúp cho việc kiểm tra an ninh tại các phi trường nhanh chóng hơn, giúp hành khách đỡ phải xếp hàng dài và chờ đợi lâu.
Theo CNN, hơn 1,000 bệnh nhân tại Bệnh Viện Goshen tiểu bang Indiana có thể đã phải tiếp xúc với vi khuẩn HIV, hepatitis C, hepatitis B, sau khi một lỗi sơ sót trong quá trình làm vệ sinh thiết bị phẫu thuật đã xảy ra.
WASHINGTON - Theo bản chép điều trần kín mới công bố ngày 26-11, nhân viên chuyên môn của phòng quản trị ngân sách (OMB) thuộc Bạch Ốc là Mark Sandy được 2 đồng sự cho hay “họ thôi việc tại OMB 1 phần vì hoang mang thấy quân việc Ukraine bị đình hoãn”.
WASHINGTON - 2 người thông thạo biết TT Trump đã được thông báo khiếu nại của “người thổi còi” về các thương lượng với Ukraine khi ngưng quyết định đình hoãn quân viện” hồi Tháng 9.
Cho tới gần đây, thăm dò dân ý mới nhất của CNN ghi nhận: 50% công dân Mỹ thấy là nên luận tội và truất phế Trump.
WASHINGTON - Thăm dò mới của CNN ghi: cựu PTT Joe Biden nhận được hậu thuẫn của 28% cử tri, là cao nhất trong các dự ứng viên TT của đảng Dân Chủ.
WASHINGTON - Thị trường việc qua cuối năm thứ 3 nhiệm kỳ TT của Donald Trump tiếp tục vững mạnh. Nhưng giới nghiên cứu nhận thấy điểm tiêu cực là việc làm chỉ tăng ở các vị trí lương thấp.
WASHINGTON - TT Trump tuyên bố hôm 27/11: băng đảng ma túy Sinaloa là khủng bố, có nghĩa là có thể bị tấn công bằng phi cơ không người lái UAV.
Việt Nam sẽ có 104 triệu dân vào năm 2030, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm Thứ Tư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.