Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

22/03/200900:00:00(Xem: 2337)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết môn “Không Thủ Đạo”, tức “Karatedo”.
“Không Thủ Đạo” là môn võ thuật mang đặc tính truyền thống của vùng đảo Okinawa, một đơn vị hành chánh cấp tỉnh ở vùng cực Nam của Nhật Bản, có danh xưng chính thức là “Karatedo” (Kara: Không, Te: Thủ, Do: Đạo) và thường được gọi vắn tắt là “Karate”. Ngoài các động tác cơ bản dùng tay chân để ra đòn, môn Không Thủ Đạo còn có những nét đặc trưng như sử dụng cùi chỏ, đầu gối và lực đẩy của lòng bàn tay, được thể hiện qua những thế đá liên hoàn, đấm chuyển thế từ dưới lên trên, khóa tay chân, quật ngã đối phương v.v…rất lợi hại trong thế cận chiến. Tuy có lịch sử hình thành lâu đời, nhưng Không Thủ Đạo chỉ bắt đầu lưu truyền từ Okinawa đến các tỉnh huyện khác của Nhật Bản từ thời vua Thiên Hoàng Đại Chính (Taisho Tenno, 1912-1926) và sau Đệ Nhị Thế Chiến mới thực sự lan rộng khắp thế giới.
Hiện nay, ngoài tính cách là môn võ thuật thực dụng dùng để tự vệ, Không Thủ Đạo còn trở thành môn thể thao hấp dẫn được phổ biến rộng rãi qua hai hình thức thi đấu theo những quy định riêng biệt trong những cuộc tranh tài quốc tế gồm: “Không Thủ Đạo Truyền Thống” (Dento Karate) và “Không Thủ Đạo Trực Chiến” (Full Contact Karate).
Hình thức thi đấu của “Không Thủ Đạo Truyền Thống” áp dụng quy tắc “Sundome” (Thốn Chỉ), tức không ra đòn trực tiếp và phải dừng lại các thế tấn công ở một cự ly nhất định hoặc giảm nội lực quyền cước ngay thời điểm sắp đấm, đá trúng người đối phương. Đây là lối so tài theo quan niệm của những bậc cao thủ chỉ cần ra quyền hoặc tung cước ở một mức độ vừa phải là có thể phân định cao thấp. Mặt khác, “Không Thủ Đạo Trực Chiến” là phương thức tranh tài không giới hạn cường lực hoặc cự ly tiếp chiến nên hai tuyển thủ có thể tấn công trực tiếp bằng các chiêu thức mãnh liệt và có thể sử dụng các dụng cụ phòng vệ như mũ an toàn, áo che ngực v.v…
Ngày nay, tuy Không Thủ Đạo là môn võ đặt trọng tâm vào kỹ thuật sử dụng quyền cước, nhưng từ nguồn gốc phát xuất xưa kia tại vùng Okinawa, môn Không Thủ Đạo được gọi là “Torite” (Thâu Thủ) vốn bao gồm cả những đòn thế bẻ khớp xương (Kansetu Wagi) và kỹ thuật ném người (Nage Wagi). Hơn nữa, Okinawa cũng nổi danh với môn Côn Thuật (Konjutsu) và Tiết Côn Thuật (Nunchaku) còn gọi là Nhị Côn Khúc, nên Không Thủ Đạo hiện đại được xem là môn tổng hợp những tinh hoa của các loại võ thuật đặc sắc của đảo Okinawa. Gần đây, một số chi phái Không Thủ Đạo tại Nhật Bản đang có nhiều nỗ lực sáng chế những động tác mới lạ để đưa vào hệ phái của họ nhằm bổ khuyết cho các thế võ bị thất truyền.
Theo phát âm của vùng Okinawa trước đây vốn là vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu, 1429-1879), thì môn Không Thủ Đạo còn được gọi là “Tode” (Đường Thủ) qua ý nghĩa chữ “Thủ” biểu hiện môn quyền pháp cố hữu của vùng đất Lưu Cầu, và “Đường Thủ” hàm ý môn võ được truyền bá từ Trung Hoa. Vào năm Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno) thứ 34, tức năm 1901, khi môn “Tode” được đưa vào chương trình giáo dục tại các trường học ở tỉnh Okinawa thì tuy vẫn giữ nguyên chữ viết nhưng lại biển đổi cách đọc thành “Karate”. Sau đó, đến năm Minh Trị Thiên Hoàng thứ 38, vị võ sư Không Thủ Đạo lừng danh của Okinawa là ông Hanashiro Chomo bắt đầu dùng chữ “Không Thủ” kèm theo cách đọc “Karate” nên sau đó những nhà nghiên cứu lịch sử võ học Okinawa của trường đại học Keio đã chính thức sử dụng danh xưng “Không Thủ Đạo” từ năm Chiêu Hòa Thiên Hoàng (Showa Tenno) thứ 4, tức năm 1929. Căn cứ vào hình thức sử dụng tay không để thi triển quyền pháp và dựa theo những dẫn chứng lịch sử cho thấy môn Karate hoàn toàn không xuất xứ từ võ học Trung Hoa, nên việc thay đổi chữ viết từ “Đường Thủ” thành “Không Thủ” là điều hợp lý và càng làm nổi bật đặc tính truyền thống của môn võ thuật Nhật Bản.
Cho đến nay giới khảo cổ Nhật Bản vẫn chưa xác định được những di tích hay loại thư tịch nào của thời đại Lưu Cầu ghi chép về Không Thủ Đạo, vì vậy khi đề cập đến nguồn gốc lịch sử của môn võ thuật này các nhà nghiên cứu võ học thường dựa vào ba giả thuyết sau đây vốn là những câu chuyện tương truyền từ thời vua Minh Trị Thiên Hoàng:


Thứ nhất: vào năm 1392, có một đoàn mãi võ từ tỉnh Phúc Kiến thuộc nhà Đường di cư đến làng Kuninda xứ Lưu Cầu và truyền bá quyền thuật Trung Hoa. Từ đó, môn võ “Đường Thủ” xuất hiện rồi phát triển thành loại võ thuật đặc thù của vùng Okinawa. Tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử thì vào thế kỷ thứ 14, tại Trung Hoa quyền thuật vẫn chưa phát triển rộng rãi nên giả thuyết này không có căn cứ vững chắc.
Thứ hai: môn võ “Đường Thủ” xuất phát từ các điệu múa dân gian của xứ Lưu Cầu được gọi là “Mekata” (có nghĩa là nhảy múa), tức những điệu múa sử dụng đôi tay rất linh hoạt, bao gồm các động tác vừa ung dung nhẹ nhàng vừa biến hóa nhanh nhẹn. Giải thuyết này được ông Asato Anko, một võ sư Không Thủ Đạo lừng danh vùng Okinawa, đề xướng.
Thứ ba: bắt nguồn từ môn đấu vật của xứ Lưu Cầu có tên gọi là “Shima”, các thế võ nắm bắt thân người đối phương được kết hợp với “Nhu Thuật” chính tông của Nhật Bản rồi phát triển thành môn võ “Đường Thủ”.
Đến thời đại vua Chiêu Hòa Thiên Hoàng, một số võ sư tiêu biểu của làng võ Okinawa như Mabuni Kenwa, Miyagi Chojun, Toyama Kanken v.v…là những người có công đem tuyệt nghệ sở học Không Thủ Đạo truyền bá trên lãnh thổ Phù Tang. Sau đó, Không Thủ Đạo được tổ chức điều hành võ thuật của Nhật Bản đương thời là “Đại Nhật Bản Võ Đức Hội”, công nhận là một môn võ học chính thống của xứ Mặt Trời. Từ đó, Không Thủ Đạo ngày càng phát triển và trở thành môn võ thuật rất được yêu chuộng tại Nhật Bản, từng trải qua các giai đoạn chủ yếu như sau:
Năm 1954, võ đường Kanbukan (Hàn Võ Quán) tại Đông Kinh tổ chức giải “Vô Địch Không Thủ Đạo Toàn Quốc Nhật Bản” lần thứ nhất, cho phép các tuyển thủ sử dụng dụng cụ an toàn. Trước đó, tuy “Liên Đoàn Không Thủ Đạo Nhật Bản” được thành lập vào năm 1950, nhưng mãi đến 1957 mới tổ chức lần đầu tiên giải đấu vô địch toàn quốc theo hình thức “Không Thủ Đạo Truyền Thống”, áp dụng luật lệ “Sundome”.
Năm 1963, vị võ sư sáng lập hệ phái “Quyền Pháp Không Thủ Đạo Nhật Bản” (Nippon Kenpo Karatedo) là ông Yamada Tstsuo đã đứng ra tổ chức giải đấu vô địch toàn quốc lần đầu tiên cho phép các tuyển thủ sử dụng găng tay. tại hội trường “Korakuen Hall”, một vũ đài truyền thống của Nhật Bản.
Năm 1964, các tổ chức vận hành Không Thủ Đạo Nhật Bản kết hợp thành “Liên Đoàn Không Thủ Đạo Toàn Nhật Bản” (Zen Nippon Karatedo Renmei)
Năm 1964, Liên Đoàn Không Thủ Đạo Toàn Nhật Bản tổ chức giải đấu “Vô Địch Không Thủ Đạo Toàn Quốc” lần thứ nhất theo hình thức áp dụng luật “Sundome”, tại vũ đài hàng đầu của Nhật Bản là “Võ Đạo Quán” (Budokan).
Vào cùng năm 1964, vị võ sư sáng lập võ đường “Kyoukushin Karate” (Chân Cực Không Thủ) là ông Oyama Masutatsu vốn phản bác hình thức thi đấu của “Không Thủ Đạo Truyền Thống” nên đứng ra tổ chức giải đấu vô địch cấp toàn quốc tại “Hội Quán Thể Dục Đông Kinh” (Tokyo Taiiku Kan) nhưng không cho phép sử dụng bất cứ dụng cụ an toàn nào. Hơn nữa, các tuyển thủ còn được dùng quyền cước ra đòn tấn công trực tiếp ngoại trừ những chiêu thức đá vào mặt đối phương. Giải đấu này đã gây chấn động trong giới Không Thủ Đạo Nhật Bản và khởi nguồn cho hình thức thi đấu môn “Không Thủ Đạo Trực Chiến”.
Năm 1965, Liên Đoàn Không Thủ Đạo Toàn Nhật Bản tổ chức giải “ Vô Địch Không Thủ Đạo Thế Giới” lần đầu tiên.
Trong bối cảnh hình thành các giải đấu thường niên và được hệ thống hóa ngày càng chặt chẽ hơn, môn Không Thủ Đạo cũng bắt đầu chia ra thành nhiều chi phái tùy theo đặc tính võ thuật của những võ đường tại Nhật Bản. Vào năm 1948, các môn đệ của tổ sư Funakoshi Gichin thuộc võ đường Toshokan (Tùng Thọ Quán) là một hệ phái Không Thủ Đạo lớn nhất Nhật Bản, đứng ra thành lập “Hiệp Hội Không Thủ Đạo Nhật Bản” và đến tháng 10/1957 được Bộ Giáo Dục Nhật Bản chính thức công nhận là một đoàn thể hoạt động với tính cách văn hoá. Tuy nhiên, dưới trướng của tổ sư Funakoshi Gichin cũng có một số đệ tử không tán thành chủ trương “thể thao hóa” môn Không Thủ Đạo nên đã tái thành lập hệ phái “Toshokai” "Tùng Thọ Hội” vào năm 1958. Ngoài ra, còn có rất nhiều chi phái lần lượt ra đời trong giai đoạn này nên đã tạo thành một khuôn mặt đa dạng cho môn Không Thủ Đạo Nhật Bản.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.