Hôm nay,  

Phạm Huấn: ‘triệt Thoái’ Khỏi Cuộc Đời...

01/11/200500:00:00(Xem: 8448)
- Tôi coi Phạm Huấn như một người anh rất thân thiết. Một người anh văn nghệ hào hoa và rất chịu chơi. Tôi đã bàng hoàng khi nhận được tin chỉ vài giờ sau anh qua đời tại một nhà an dưỡng ở San Jose vào ngày 21 tháng 10 năm 2005, hưởng thọ 68 tuổi. Hình ảnh Phạm Huấn trong trí tưởng tôi luôn là một Phạm Huấn đầy sinh động, hoạt bát, lạc quan và bất cần đời, tức luôn coi cuộc đời như "pha", là câu nói thường xuyên của anh. Nhưng hình ảnh thật sự của Phạm Huấn đã khiến tôi ngỡ ngàng không tránh khỏi xúc động khi nhìn tấm hình Nam Lộc chụp chung với anh khi Lộc đến thăm anh tại nhà an dưỡng vào mùa Đông 2004. Đó là một Phạm Huấn tiều tụy, hốc hác và thê thảm cùng một trí nhớ sa sút. Bài viết ngắn này ghi lại một số kỷ niệm giữa anh và tôi, cũng như giữa anh và phong trào nhạc trẻ Việt Nam để tưởng nhớ đến một người anh đã hết lòng trong việc phát triển phong trào nhạc trẻ và nhất là tạo được cái duyên giữa nhạc trẻ và những người phục vụ trong quân ngũ.

Nói thẳng ra, nếu không có Phạm Huấn, lúc đó là thiếu tá phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cùng nhà thơ Hà Huyền Chi, tức đại úy Đặng Trí Hoàn nhúng tay vào thì Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế đầu tiên tại Việt Nam đã không có cơ hội được diễn ra tại sân vận động Hoa Lư vào ngày 29 tháng 5 năm 1971. Kéo theo sau đó là những buổi đại hội nhạc trẻ khác được tổ chức tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn với số khán giả tham dự trung bình khoảng 15 ngàn người, gấp ba số khán giả tại các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd tổ chức ngoài sân trường từ giữa thập niên 60. Phạm Huấn "nhúng tay" bằng cách nào " Dù gặp nhiều chống đối từ phía đối lập thời đó và ngay cả trong nội bộ Cục Tâm Lý Chiến, anh vẫn một mực khích lệ nhóm thực hiện chương trình chúng tôi - gồm Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, vv... - cứ việc "đường ta , ta cứ đi". Không phải sợ cái gì hết ráo. Anh đã dùng tờ tuần báo Diều Hâu của mình để yểm trợ cho Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Hoa Lư mang mục đích cứu trợ gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ đã hy sinh hay mất tích trên chiến trường Hạ Lào. Hàng trăm quân nhân thuộc các đơn vị chiến đấu đã được gửi tới tăng cường an ninh cho buổi đại hội lịch sử này, được đặt dưới sự chủ tọa của bà Nguyễn Văn Thiệu. Cuối cùng Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời tại sân Hoa Lư đã diễn ra suôn sẻ và đã trở thành buổi trình diễn đáng ghi nhớ nhất của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Và liên tiếp những năm sau, cái duyên giữa nhạc trẻ và quân đội đã dính liền qua những đại hội nhạc trẻ ngoài trời khác nằm trong mục đích Yểm Trợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ mỗi khi Tết đến. Chưa kể trước đó, cái duyên này đã được nhen nhúm với tướng Trần Văn Trung từ năm 1968 trong đại hội nhạc trẻ tổ chức tại rạp Thống Nhất, Sài Gòn.

Anh Phạm Huấn tìm gặp tôi tại vũ trường Ritz, trong thời gian tôi đang thực hiện những chương trình nhạc trẻ "Hippies À GoGo" tại đây, trong khi Nam Lộc cũng đang tổ chức những chương trình "SoulParty" tại vũ trường Queen Bee. Anh cho biết ý định của mình là tổ chức một buổi đai hội nhạc trẻ ngoài trời có tính cách quốc tế trong thời gian có rất nhiều ban nhạc trẻ ngoại quốc như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Phi Luât Tân, Nam Dương, Đại Hàn, vv... phục vụ cho những đơn vị quân đội đồng minh đang có mặt tại Việt Nam . Mặt khác anh muốn tạo cơ hội cho những ban nhạc trẻ Việt Nam có cơ hội tranh tài cùng những ban nhạc trẻ quốc tế khác. Nhưng mục đích chính anh cho biết là dùng số tiền thu được để cứu trợ cho gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường Hạ Lào. Trước mục đích mang nhiều ý nghĩa đó, tôi đã cùng Nam Lộc và các bạn Jo Marcel, Tùng Giang, vv...hội ý để cuối cùng đi đến quyết định chấp thuận lời đề nghị của anh Phạm Huấn. Vì chính anh em chúng tôi cũng đang có những ưu tư và cũng đang muốn kéo giới trẻ tham gia vào các sinh hoạt có tính cách văn hoá truyền thống cũng như xã hội, cộng đồng.

Từ đó trở đi, anh Phạm Huấn và Hà Huyền Chi thường xuyên đến gặp chúng tôi, khi thì ở Ritz, khi thì tại căn phòng được coi như "trung tâm sinh hoạt nhạc trẻ" là căn phòng trên khách sạn Bồng Lai ( giữa phòng trà Kim Sơn và nhà hàng Thanh Thế ) của tôi, hoặc tại phòng báo chí của Cục Tâm Lý Chiến để bàn thảo về việc tổ chức. Địa điểm được ấn định là sân vận động Hoa Lư , nơi có thể qui tụ hàng chục ngàn người tham dự. Và ngày tổ chức sẽ là ngày 29 tháng 5 năm 1971, kéo dài từ sáng đến chiều. Từ khi chúng tôi bắt tay vào việc thì phong trào chống đối cũng bắt đầu nổi lên, đến từ sự tranh chấp chính trị vào thời đó giữa ông Nguyễn Cao Kỳ và tổng thống đương nhiệm Nguyễn Văn Thiệu cùng với nhiều tổ chức thuộc phe đối lập.

Đó là chưa kể đến sự bất đồng ý kiến ngay trong nội bộ Cục Tâm Lý Chiến, giữa hai nhóm có thể gọi là "cấp tiến" và "bảo thủ". Tuy nhiên cuối cùng, anh Phạm Huấn cùng những người ủng hộ anh đã thuyết phục được một số nhân vật thoạt đầu không đồng ý việc tổ chức một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ có tầm vóc qui mô như vậy trong thời kỳ chiến tranh đang sôi động.

Nhưng việc chống đội từ bên ngoài đã khiến nhóm thực hiện chương trình chúng tôi lo ngại. Nhưng Phạm Huấn nhất quyết không lùi bước và luôn yểm trợ tinh thần chúng tôi. Anh không tỏ ra có gì lo lắng để hàng tuần vẫn đến gặp chúng tôi vào ngày thứ năm để rủ đi... nhậu thịt dê tại cái quán nhỏ xíu đối diện với tòa đại sứ Cao Miên trên đường Phan Đình Phùng, góc Lê Văn Duyệt ( bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu, góc Cách Mạng Tháng 8 ) do vợ chồng một ông bà cụ khai thác. Kế hoạch đối phó với những chống đối được bàn luận ngay bên cạnh những đĩa tái dê, dê nướng, vv...thơm phức. Thiếu tá Phạm Huấn những lúc đó càng tỏ ra không một chút nao núng để khuyến khích chúng tôi không nên chùn bước. "Sợ chó gì! Mính làm thì cứ làm chứ!" hoặc "Công việc mình làm ý nghĩa như vậy thì sợ đếch thằng nào, mụ nào! Đứa nào có giỏi nhẩy ra làm một công việc yểm trợ như vậy coi!". Đó là những câu chúng tôi thường được nghe anh phát ngôn một cách rất hăng! Nhưng càng gần đến ngày tổ chức thì phong trào chống đối càng nổi lên rầm rộ. Những bài báo công kích cũng xuất hiện rất nhiều, trong số có loạt bài của linh mục Hoàng Yến, hội trưởng Hội Bảo Vệ Luân Lý, đi trên nhật báo Xây Dựng vào những ngày 9 và 10 tháng 5 năm 1971.

Trong đó, linh mục Hoàng Yến đã cố tình gọi đó là một Đại Hội Hippy và tỏ ý lo ngại trước những tệ đoan do phong trào này gây ra. Trong khi tên gọi chính thức là Ngày Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời, yểm trợ cho chương trình "Vành Khăn Sô" dành cho gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ Hạ Lào. Đối mặt với những bài báo tương tự, Phạm Huấn chỉ cười khẩy để đăng tải đều đặn những bài viết về chương trình đại hội, về mục đích cao đẹp của nó, cũng như luôn đề cao sự đóng góp tích cực của các anh chị em nghệ sĩ thuộc phong trào nhạc trẻ Việt Nam.

Tổ chức "Thanh Niên Trừ Gian" thuộc phe ông Nguyễn Cao Kỳ cũng tỏ ra hoạt động rất tích cực bằng cách cho người đi…...xé bỏ những posters của ngày đại hội!. Nhưng xé đến đâu lại được dán đến đó do sự điều động của Phạm Huấn! Cùng một lúc bà Ngô Bá Thành cũng dọa sẽ huy động một số lượng...ăn mày tới trước cửa sân Hoa Lư để phá đám ngày đại hội. Chưa kể một số hội đoàn thuộc phe đối lập đưa ra lời dọa dẫm sẽ có biểu tình. Nhưng kết qủa sau cùng ra sao, hẳn ai cũng biết! Riêng về mặt an ninh trật tự, Ngày Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời 29 tháng 5 năm 1971 đã diễn ra hoàn toàn tốt đẹp do tính kiên quyết và điều động chặt chẽ và khéo léo của Phạm Huấn. Cũng nhờ đó mặt nghệ thuật của chương trình đã được ghi nhận là rất thành công trước gần 20 ngàn khán giả! Một "sự cố" duy nhất: một khán giả trẻ đã lên cơn động kinh, có thể vì quá "hưng phấn "khi theo dõi chương trình sống động của Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời"

Tác giả Phạm Huấn của "Triệt Thoái Ban Mê Thuột" (và một số tác phẩm có tính cách lịch sử khác ) nay đã thật sự triệt thoái khỏi cuộc đời nhiều thăng trầm của anh sau khi rời Sài Gòn vào tháng 4 năm 75. Khi ra hải ngoại, tôi được em ruột anh là Phạm Long, một bạn thân và là một phóng viên tên tuổi, cho biết có thời gian anh Phạm Huấn hành nghề lái taxi ở Hawaii. Một thời gian sau anh về sống tại San Jose, và tôi đã có dịp gặp lại anh cách đây đã hơn 10 năm ở thành phố này, trong thời gian anh đang ở bên cạnh chị Hà. Và đúng là Phạm Huấn có duyên với nhạc trẻ khi chị Hà chính là chị ruột của Francoise Hằng, một trong những nữ ca sĩ đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam. Hai anh em nghồi đấu láo trước đĩa bánh ngọt và ly cà phê thay cho đĩa thịt dê và ly rượu nếp than và cùng nhau nhắc nhở về những kỷ niệm liên quan tới Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời tại sân Hoa Lư ngày nào mà tưởng chừng như mới diễn ra. Thật vui và thật cảm động.

Cách đây 6 năm, nhân dịp sang Orange County, nhờ nữ ca sĩ Mai Hương - một người bạn thân của anh - cho số điện thoại mới của anh ở San Jose, tôi đã gọi thăm anh và hẹn sẽ cố gắng lên thăm anh. Nhưng đó là lần cuối cùng tôi nghe được tiếng nói lúc đó vẫn còn sang sảng và vui vẻ của anh Phạm Huấn.

Rồi ngày 21 tháng 10 năm 2005 vừa qua, tôi đột ngột nhận được tin anh mới lìa đời vài tiếng đồng hồ trước đó trong một nhà an dưỡng ở San Jose. Buồn quá anh Huấn ơi! Anh đã "triệt thoái" khỏi cuộc đời này thật rồi! Nhưng cũng mừng anh đã không còn phải sống những ngày cuối cùng buồn thảm như vậy.

Cũng nhân dịp này tôi lại biết thêm một cái duyên khác của Phạm Huấn với nhạc trẻ: nhân viên phụ trách hồ sơ cho nhà an dưỡng này và là người thường xuyên thăm hỏi anh chính là tay trống Hiệp San của một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên của Việt Nam là Les Faucons Noirs!

Nam Lộc cũng đã rất xúc động khi nghe tôi báo tin buồn này. Lộc đã tỏ bầy tâm sự của mình về anh Phạm Huấn như sau:"Một trong những điểm quan trọng mà tôi học được ở nơi anh Phạm Huấn là nghị lực và sự cứng rắn cần có từ tâm hồn đến thể xác để sẵn sàng đối phó với mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Tôi còn nhớ vào những năm đầu của thập niên 1970, chúng tôi đã gặp biết bao nhiêu là sự kỳ thị, khó khăn và chống đối khi tổ chức những buổi Đại Hội Nhạc Trẻ ngoài trời, mặc dù luôn mang những mục đích xã hội rất cao đẹp. Nếu không có sự khuyến khích và hướng dẫn của Thiếu Tá Phạm Huấn cùng quý anh trong Cục Tâm Lý Chiến VNCH thời bấy giờ, chắc chúng tôi đã bỏ cuộc.

Sự thành công đó đã làm cho anh em chúng tôi cảm thấy tự tin hơn. Và những yếu tố này chính là hành trang cần thiết để chúng tôi bước vào đời với một tinh thần lạc quan và tích cực.

Vĩnh biệt anh Phạm Huấn!"

Tôi cũng vậy, xin vĩnh biệt anh! Thành thật chia buồn cùng chị Huấn, anh Phạm Hậu và các bạn Phạm Long, Phạm Hùng cùng những người thân của anh...

TRƯỜNG KỲ

(kyvu@hotmail.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.