Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao -- Tiền Đạo

15/03/200900:00:00(Xem: 2016)

Câu Chuyện Thể Thao -- Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết môn “Trượt Băng Nghệ Thuật”, tức “Figure Skating”.
 Trượt băng nghệ thuật là môn thể thao biểu diễn các động tác nhảy múa trên sân băng dựa theo nền nhạc của nhạc khúc chủ được thể hiện qua những kỹ thuật chuyên môn gọi là “Step”, “Spin, “Jump” v.v..
 “Step” là những điệu múa liên tục đặt căn bản trên một số động tác nhất định, kết hợp sự chuyển động thân mình, hai tay và hai chân để tạo cảm giác cho người xem về đặc tính riêng biệt của người biểu diễn. “Spin” là kỹ thuật xoay vòng, đặt một chân làm trụ và chân còn lại dang ra thành đường thẳng góc với chân trụ. “Jump” là động tác bay người lên xoay vòng trên không trung.
Đúng như tên gọi “Figure Skating”, môn trượt băng nghệ thuật chính là những động tác diễn tả điệu bộ kèm theo các bước nhảy trên sân băng theo các đồ hình và được chia làm nhiều thể loại như: múa đơn (Single Skating), múa đôi (Pair Skating), nhảy trên băng (Ice Dance), trượt băng đội hình (Synchronized Skating). Tất cả thể loại của trượt băng nghệ thuật đều là những môn tranh tài chính thức tại Thế Vận Hội Mùa Đông.
Về phương diện lịch sử, môn trượt băng nghệ thuật bắt nguồn từ hình thức sử dụng các loại giày có gắn xương thú vật được chế biến để lướt đi trên mặt băng gọi là “Skate”, vốn là phương tiện di chuyển của những cư dân vùng Bắc Âu vào thời tiền sử. Dựa vào các chiếc giày trượt băng có gắn xương khổng tượng, xương nai hoặc xương ngựa được tìm thấy tại bán đảo Scandinavian (tức vị trí của Na Uy và Thụy Điển), Thụy Sĩ, Anh Quốc v.v.., các nhà khảo cổ học đã định được số tuổi của các loại xương thú vật và cho rằng khu vực Bắc Âu là nơi đầu tiên ứng dụng hình thức trượt băng bằng loại giày gắn xương thú để di chuyển. Đến thời trung cổ, hình thức trượt băng này được truyền bá đến phía Nam là các khu vực có nhiều ao hồ bị đóng băng vào mùa Đông như vùng Friesland của Hòa Lan hoặc vùng phụ cận khu Cambridgeshire của Anh Quốc v.v…
Riêng tại Hòa Lan, những công trình xây dựng kênh đào được thực hiện từ khoảng thế kỷ thứ 12, và đến thế kỷ thứ 17 đã hình thành một hệ thống kênh đào quy mô nối liền các đô thị. Do đó, khi mặt nước đóng băng vào mùa Đông, hình thức trượt băng “Skate” được sử dụng cho mục đích di chuyển và vui chơi giải trí. Trong khi giới nông dân chỉ xem “Skate” là một phương tiện di chuyển thuận tiện và nhanh chóng thì giai cấp quý tộc lại chú trọng những động tác ưu nhã, nhẹ nhàng mang tính cách nghệ thuật của hình thức trượt băng. Từ đó, giới quý tộc Hòa Lan đã nghĩ ra động tác trượt băng nghệ thuật căn bản đi theo hình cánh cung, liên tục chuyển hướng từ trái sang phải gọi là “Doutch Roll”, được xem là nguyên điểm của môn trượt băng nghệ thuật ngày nay. Sau đó, những động tác trượt băng nghệ thuật căn bản này được vẽ lại rồi truyền sang Scotland, Pháp, Đức và được giới quý tộc đương thời nghiên cứu, sáng chế thêm thành những điệu nhảy múa đa dạng.
Năm 1742, sự kiện câu lạc bộ trượt băng nghệ thuật đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Edinburgh-Anh Quốc đã thúc đẩy trào lưu sáng lập những câu lạc bộ khác tại các quốc gia lân cận. Trong bối cảnh phát triển môn trượt băng nghệ thuật mang sắc thái riêng biệt của từng trường phái trong khu vực Châu Âu, giải đấu “Figure Skating “ quốc tế đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Vienne của Áo Quốc vào năm 1882, khởi nguồn cho những cuộc tranh tài chính thức giữa các quốc gia yêu chuộng nghệ thuật nhảy múa trên băng. Sau đó 10 năm, “Liên Đoàn Trượt Băng Nghệ Thuật Quốc Tế” (ISU: International Skating Union) ra đời tại Scheveningen-Hòa Lan, với mục đích thống nhất các luật lệ quy định phương thức thi đấu và tổ chức những giải đấu mang tính cách quy mô quốc tế.
Vào năm 1896, giải “Vô Địch Trượt Băng Nghệ Thuật Thế Giới” (ISU World Figure Skating Championships) lần thứ Nhất diễn ra tại thành phố Saint Petersburg-Cộng Hòa Nga, nhưng chỉ dành riêng cho bộ môn đơn nam. Đến năm 1906, bộ môn đơn nữ được chính thức tranh tài trên sân băng Davos của Thụy Sĩ, và từ năm 1908 bộ môn múa đôi được đưa vào danh sách thi đấu của giải “Vô Địch Trượt Băng Nghệ Thuật Thế Giới”. Riêng về “Ice Dance” thì mãi đến năm 1952 mới trở thành môn tranh tài tại vũ đài thế giới.


Giải “Vô Địch Trượt Băng Nghệ Thuật Thế Giới” là một sân băng quốc tế, tập hợp các tuyển thủ mang đẳng cấp cao được ISU và Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế nhìn nhận tư cách tham dự qua những thành tích cá nhân trong quá khứ. Ngoài ra, mỗi quốc gia chỉ được đề cử tối đa 3 tuyển thủ tham dự các bộ môn. Cụ thể là 3 nam thi bộ môn đơn nam, 3 nữ thi bộ môn đơn nữ, 3 cặp thi bộ môn múa đôi và 3 cặp thi bộ môn nhảy trên băng.
Tại vũ đài Olympic, môn trượt băng nghệ thuật xuất hiện lần đầu vào Thế Vận Hội London 1908, sau đó trở thành môn tranh tài chính thức tại Thế Vận Hội Mùa Đông từ kỳ Thế Vận 1924 tổ chức tại thành phố Chamonix-Pháp Quốc.
Dụng cụ chính được sử dụng trong môn trượt băng nghệ thuật là giày trượt gọi là “Figure Skate”. Thông thường các tuyển thủ nam mang giày màu đen và tuyển thủ nữ mang giày màu trắng. Giày trượt được chế tạo bằng da hoặc plastic, dưới đế có gắn miếng kim loại hình cong như lưỡi dao gọi là “blade” để trượt trên băng, nặng khoảng 2kg. Phần lưỡi của miếng kim loại trực tiếp ma sát mặt băng được gọi là “edge” có bề dày từ 3mm đến 4mm và ở giữa có đường rãnh để giảm thiểu lực ma sát giúp cho các tuyển thủ lướt đi nhanh nhẹn trên mặt băng. Phần trước của miếng kim loại “blade” ở mũi giày có hình răng cưa gọi là “toe picks” hoặc “toe rakes”, được dùng trong các động tác biểu diễn kỹ thuật “Spin” và “Jump”. Trong kỹ thuật biểu diễn bộ môn “Compulsory Figure” (bộ môn biểu diễn độ chính xác và nghệ thuật của các điệu múa được quy định theo đồ hình), các tuyển thủ thường sử dụng giày trượt có miếng kim loại “blade” rất nhỏ hoặc loại giầy không có phần “toe picks”.
Căn bản của động tác trượt băng là một chân đặt trọng tâm thân người nghiêng theo bên trái hoặc bên phải của lưỡi “edge” và lướt đi trên mặt băng. Lúc đó, chân chạm mặt băng để trượt gọi là “Skating Leg”, còn một chân kia sau khi dùng sức đẩy cho thân người lướt tới trước thì giơ lên không chạm mặt băng được gọi là “Free Leg”. Các thế đi chuyển căn bản trên sân băng gồm: tiến về trước (forward), lùi về sau (backward), nghiêng sang trái (left), nghiêng sang phải (right).
Kế đến, trang phục cũng là một yếu tố quan trọng làm nổi bật nét mỹ thuật của những tuyển thủ biểu diễn trên sân băng qua sự kết hợp giữa các kiểu quần áo gọn nhẹ và dáng người thon thả. Vào thời sơ kỳ, y phục của các tuyển thủ nam được quy định gồm có quần tây bó sát chân, áo sơ mi đen, thắt cà vạt v.v…nhưng sau đó được thay đổi dần theo khuynh hướng chú trọng màu sắc rực rỡ và những trang phục phù hợp với các kiểu mẫu thời trang hiện đại. Tuy nhiên, các tuyển thủ vẫn phải tuân giữ nguyên tắc không sử dung màu sắc y phụ lòe loẹt hoặc đeo nhiều đồ trang sức. Về phái nữ thì để thích hợp cho những động tác biểu diễn kỹ thuật “jump” hoặc “spin”, các trang phục như “váy mini”, “áo leotard” (loại áo mỏng tay dài bó sát thân thể từ phần ngực đến đùi) v.v…được nhiều nữ tuyển thủ sử dụng. Riêng các nữ tuyển thủ biểu diễn bộ môn “Ice Dance” thì mặc loại váy dài. Ngoài ra, loại vớ bó sát chân gọi là “Tights” cũng là một trang phục chính của phái nữ trên các sân băng.
Môn trượt băng nghệ thuật được tranh tài trên sân băng hình chữ nhật có chu vi 60mX30m gọi là “Skate Rink”, với 4 góc sân được thiết kế thành đường tròn bán kính 8.5m để các tuyển thủ có thể lướt vòng quanh sân một cách dễ dàng. Hầu hết các giải đấu trượt băng nghệ thuật mang tính cách quốc tế đều được tổ chức trên sân băng trong hội trường có mái che nhưng cũng có một số trường hợp thi đấu trên sân băng nhân tạo ngoài trời tại vũ đài Thế Vận Hội.
Qua mỗi bộ môn tranh tài, các tuyển thủ được ban giám khảo chấm điểm theo quy định của hệ thống bảng tính điểm ISU có danh xưng bằng Ang ngữ là “ISU Judging System” hoặc còn gọi là “Code Of Points (CoP). Hệ thống bảng tính điểm này sẽ tổng hợp các loại điểm gồm: điểm kỹ thuật (technical), điểm yếu tố thành lập (composition), điểm khấu trừ khi bị lỗi (deduction), để quyết định thứ hạng của các tuyển thủ tranh tài. Kèm theo rất nhiều chi tiết cụ thể quy định cho từng trường hợp của các bộ môn, hệ thống bảng tính điểm ISU hiện nay được sửa đổi rất hoàn chỉnh sau khi trải qua nhiều giai đoạn cải thiện và được áp dụng chính thức từ năm 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.