Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Tâm Tư Người Lính Vnch Tỵ Nạn

30/11/200800:00:00(Xem: 4213)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Tâm tư người lính VNCH Tỵ Nạn - Mũ Xanh Nguyễn Minh Châu

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Mỗi năm tới ngày lễ Halloween là tôi nhớ đến ngày đầu tiên tôi bước chân đến mảnh đất tự do để tạm dung thân. Tôi đã được may mắn vô cùng, trong khi có hàng vạn người thật vô phước đã không bao giờ tìm được hai chữ Tự Do. Một số người đã bỏ mình vì bị chìm ghe bởi sóng to gió lớn của biển cả và một số người khác bị hải tặc hãm hại đến chết hoặc bị tàu của hải tặc đánh chìm. Trong số những người bất hạnh nầy có ông Cảnh, Phó quận hành chánh của tôi ở Đức Hoà bị chết chìm khi lội vào bờ biển của xứ Thai Lan và một ông Phó quận hành chánh khác của tôi bị bọn cướp Thái Lan ném xuống biển lúc ông đã chống đối lại khi chúng làm hại vợ ông. Vì tôn trọng người quá cố và không muốn gợi lại nỗi buồn và đau khổ cho gia đình ông nên tôi không tiện nêu tên.
Hai ông Phó quận nầy là hai vị Đốc sự hành chánh có khả năng nghề nghiệp và rất giỏi. Hai ông đã giúp tôi tôi rất nhiều về việc điều hành cơ quan hành chánh quận, xã và ấp. Tôi rất buồn vì Hai ông đều vắn số, nhưng tôi được nghe những cựu viên chức của quận Đức Hoà và Dĩ An cho biết là vợ con của các ông ấy đã có cuộc sống rất ổn định nơi xứ người. Vợ chồng chúng tôi xin chia mừng cùng các bà và các cháu. Chúng tôi nghĩ là hai ông cũng yên phận nơi chín suối.

Lộ trình vượt biển

Trong những tháng dài hơn một năm sống ẩn dật vì trốn Việt cộng địa phương do chúng muốn bắt tôi lại để trả thù khi tôi được VC Miền Bắc thả ra sớm hơn vì lý do tàn phế, vợ tôi đã tìm đường và đưa tôi đi vượt biển hai lần tại Nha Trang, nhưng bị bại lộ phải trở về Saigon và một lần thứ ba tại Cà Mau mà chuyến đi bị đình hoãn quá lâu nên chúng tôi đành bỏ cuộc.
Nhưng rồi cuối cùng lần thứ tư, tôi đi lọt trên chiếc thuyền con chỉ dài có hơn chín thước do người em trai của vợ tôi tổ chức đi ra cửa Vàm Láng, Gò Công. Tôi chỉ tốn tiền mua một cái hải bàn của ghe đánh cá thường dùng đi biển và tôi làm hoa tiêu để hướng dẫn con thuyền đi đến vùng vịnh Thái Lan.
Tất cả phụ nữ và con nít đều được giấu dưới khoang ghe, còn vài người đàn ông chúng tôi giả dạng dân đánh cá ngồi phía trên và thay phiên nhau lái ghe và tát nước khi những lượn sóng to đưa nước vào thuyền.
Chúng tôi xuất phát bằng xe đò từ bến Xóm Củi Chợ Lớn đến quận lỵ Cần Giuộc, rồi đi bộ đến bờ sông Cần Giuộc để lên ghe nhỏ và bắt đầu chuyến đi giữa ban ngày. Khi chiếc thuyền của chúng tôi bắt đầu nổ máy thì tên du kích trong làng phát giác biết được là ghe vượt biên bèn bắn mấy phát súng AK 47 để chận chúng tôi lại, nhưng anh tài công xả hết ga và chạy thoát.
Chúng tôi ra khỏi cửa biển lúc trời sẩm tối và còn thấy lờ mờ những ánh đèn của Thị xã Vũng Tàu. Nhưng, ánh đèn pha thật sáng trên đỉnh núi Lớn vẫn còn hiện rõ phía sau lưng chúng tôi. Nhờ cái đèn pha nầy mà tôi dễ định được vị trí của con thuyền và nhắm hướng ra khơi dễ dàng.
Tuy ghe nhỏ nhưng dùng đầu máy mạnh và chở ít người nên thuyền của chúng tôi đã mau đến vùng hải phận quốc tế rất an toàn vào lúc trưa ngày hôm sau. Tất cả trên ghe ai cũng đều thở phào nhẹ bổng vì chúng tôi đã thoát khỏi bàn tay khát máu của cộng sản.
Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng nếu có chết chìm trong chuyến hành trình trên biển chúng tôi cũng được chết giữa dòng nước trong lành hơn là chết tức tửi trong dòng nước hôi tanh mùi máu của bọn cộng sản Việt Nam. Bây giờ tôi cứ giữ con thuyền cho đúng hướng mà đi tiếp giữa vùng trời biển cả bao la rất đẹp. Chúng tôi đã qua khỏi những giờ phút sợ hãi. Bây giờ chúng tôi đang lênh đênh trên vùng biển quốc tế, tâm trí được thảnh thơi, tôi nghĩ ngay tới cái đèn pha Vũng Tàu và cám ơn nó đã giúp tôi làm điểm chuẩn để ra khơi.
Rồi một vài kỷ niệm vui buồn thoáng qua trong tâm tôi vì tôi đã nhớ lại là tại đỉnh núi Lớn nầy tôi đã lái chiếc xe Jeep lên đó vài lần để ngắm nhìn cảnh bình minh của biển Vũng Tàu thật là ngoạn mục. Lúc bấy giờ là đầu năm 1965, thời gian Tiểu đoàn 3 TQLC được nghỉ dưỡng quân tại Bãi Dâu, Vũng Tàu một tuần lễ sau cuộc hành quân mệt mỏi tại đảo Phú Quốc khoảng ba tháng và hành quân tại vùng núi rừng Bình Giã hai tháng.
Từ cuối năm 1964, chiến trường miền Nam bắt đầu gia tăng khi VC đã cho xâm nhập các đơn vị của chúng từ cấp Trung đoàn để mở các cuộc hành quân đánh phá các đơn vị của chúng ta. Bắt đầu là trận Bình giả (31/12/1964) rồi các trận Ba Gia, Phụng Dư, Đồng Xoài, Đức Cơ, Bố Đức, Pleime,... TĐ3 TQLC đang hành quân tại đảo Phú Quốc được cấp tốc không vận tiếp cứu cho TĐ4 TQLC tại Bình Gỉa. Cuộc hành quân truy kích các Trung đoàn Q761 và Q762 tại vùng Xuyên Mộc, Long Lễ, Bà Rịa. Sau đó được không vận ra vùng 2 Chiến thuật để giải tỏa áp lực của SĐ3 Sao vàng CSBV đang uy hiếp các quận Bồng Sơn, Tam Quan, An Lão, Phù Cát, Phù Mỹ v. v... thuộc tỉnh Bình Định. Nơi đây Trung tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy Chiến đoàn TQLC gồm có TĐ2, TĐ3 và TĐ4 TQLC đã làm cho SĐ 3 Sao vàng phải chịu nhiều tổn thất rất nặng nề tại các trận đánh đèo Bình Đê, Chợ Bộng thuộc quận Bồng Sơn... và chúng phải nể danh các đoàn quân TQLC/VN.
Các đơn vị Tổng trừ bị và thiện chiến phải hành quân liên miên trong những năm dài gian khổ để truy lùng và tiêu diệt quân cộng sản hoặc mở các cuộc hành quân tiếp viện. Tôi nhớ lại những thuở mà anh em chiến sĩ chúng tôi đã tung hoành trên bốn miền Chiến thuật và được dịp nhìn thấy nhiều cảnh rất đẹp của quê hương Việt Nam mà ngày hôm nay tôi bắt đầu phải bỏ xứ để ra đi không biết ngày trở về.
Đến khoảng 1 giờ sáng ngày thứ nhì, ghe nhỏ vẫn tiếp tục lướt sóng ngoài biển khơi thì bị một cơn mưa bảo với sóng to gió thổi mạnh. Nước vào ghe nên mọi đàn ông thanh niên phải ráng sức mà tát nước. Chúng tôi thấy cái chết trong gang tất. Nhưng tôi vẫn bình tỉnh điều khiển ghe cố gắng lướt sóng ngang mà đi tới.
Thật là may mắn, sau bốn ngày đêm lênh đênh trên biển chúng tôi vừa cạn hết nước uống thì được tàu đánh cá Thailand cứu vớt vì ông thuyền trưởng nhìn thấy chiếc ghe nhỏ quá mà có phụ nữ và trẻ con, nếu ông không giúp thì chắc chắn ghe không chịu nổi những lượn sóng to của đại dương, chúng tôi sẽ là mồi ngon của loài cá mập... Toán người vượt biển chúng tôi phải theo tàu họ đánh cá suốt hai tuần lễ rồi họ chở cá bán cho Singapore và luôn tiện thả thuyền nhân vào bờ. Trong hai tuần lễ trên tàu chúng tôi được họ nuôi ăn ở rất thoải mái và đối xử rất tử tế.
Lúc tàu đánh cá chạy gần tới bờ biển Singapore thì phi cơ tuần biển của nước nầy phát giác ra một số thuyền nhân nên báo cáo về nhà cầm quyền Singapore. Chúng tôi hồi hôp và nôn nóng cả ngày chờ đợi sự chấp thuận của chính quyền cho nhập cư hay không. Nhưng sau rốt Singapore chẳng cho tàu Thái vào hải cảng bán cá lại còn cho một chiếc tuần dương hạm kè chiếc tàu Thái trở về tới biên giới Thái và Mã Lai.
Ông thuyền trưởng không dám cho tàu đánh cá vào sát bờ để thả chúng tôi xuống đất liền và ông cũng căn dặn kỷ là không cho chánh quyền Thái biết là tàu của ông đã giúp chúng tôi. Ông cũng không cho biết danh tánh và địa chỉ của ông để sau nầy chúng tôi có thể liên lạc. Ông đích thân điều khiển thuỷ thủ đóng một chiếc bè cho chúng tôi đẩy vào. Phụ nữ và trẻ con ngồi trên bè, đàn ông và thanh niên cặp theo bè lội vào bờ.
Vì tay và chân mặt tôi bị yếu nên tôi đã đánh rớt chiếc túi nhỏ trong đựng bộ đồ tôi mặc lúc vượt biên và vài bộ đồ lót. Khi lên tới bờ thân tôi chỉ còn mỗi một chiếc quần đùi rách mông để che thân.
Tôi còn tiếc mãi bộ đồ tây nầy mà tôi đã từng mặc đi tù từ Nam ra Bắc, rồi mặc từ Bắc trở về Nam và mỗi lần chuyển trại tù cũng với bộ đồ nầy. Ba lần tìm đường vượt biển cũng bộ đồ nầy, rồi lần cuối cùng đi vượt biển lọt tôi cũng đã mặc lấy nó. Tôi dự định khi qua tới nước Mỹ sẽ giữ lấy bộ đồ phong trần nầy làm vật kỷ niệm qúi giá vô cùng, như một kỷ vật lịch sử của đoạn đường đời của tôi đầy gian truân.

Tới bến bờ tự do

Chúng tôi đến bến bờ Thái Lan an toàn và cảm thấy vui sướng vô cùng đến xúc động vì biết là mình còn sống. Tôi bèn hít một hơi thở thật dài và rất khoan khoái trên mảnh đất không có cộng sản. Từ nay tôi sẽ được sống an toàn và tự do mặc dù nơi vùng trời xa lạ. Tôi nghĩ chắc mọi thuyền nhân khác cũng như tôi rất vui mừng như được tái sinh vì đã thoát chết lúc đi biển.
Số phận tôi đã yên, nhưng vợ con tôi còn bị kẹt lại nên lòng vẫn ưu phiền vì nỗi nhớ vợ thương con và nỗi nhớ quê hương không biết bao giờ được trở lại. Tôi buồn lắm!
Nơi chúng tôi đổ bộ vào bờ là một quận ở tận cùng phía Nam của đất Thái, bên kia con sông thuộc vùng đất Mã Lai. Chính quyền địa phương cho toán thuyền nhân tạm trú trên một sân khấu công cộng dùng để trình diễn văn nghệ cho dân chúng xem vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần và sân khấu nầy nằm ngay trung tâm quận lỵ.
Nghe tin đồn thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam mới tới, dân Thái Lan nơi quận gồm có đàn ông, đàn bà và con nít lũ lượt đến xem chúng tôi mỗi lúc càng đông. Họ xí xô xí xào bằng tiếng Thái, chỉ chỏ đoàn người tỵ nạn và cười thích thú mà tôi không biết họ nói những gì. Tôi cũng bật cười vì tưởng chừng như họ đi xem chúng tôi như xem đoàn khỉ của một gánh xiệc. Chắc là dân nơi đây họ chưa thấy người Việt Nam bao giờ.
Từ người lớn tới đứa bé gái nhỏ hai tuổi trong toán thuyền nhân chúng tôi đều bơ phờ và hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ và thiếu nước uống. Thời tiết thì ngày thật nóng bức, đêm lại lạnh căm. Riêng tôi làm hoa tiêu nên phải ngồi trên mũi ghe suốt bốn ngày đêm dưới ánh mặt trời nóng cháy da và đêm lạnh nên mặt tôi bị nứt nẻ và nám đen như anh Chà Ấn Độ.
Một chuyện buồn cười mà tôi không bao giờ quên là mỗi khi tôi di chuyển qua lại trên "sân khấu" tôi phải lấy tay bụm cái mông lại vì cái quần càng rách to ra mỗi lần tôi xê dịch. Một cô giáo Thái ở nhà bên cạnh thấy tôi như vậy cô cười thương hại nên mang qua cho tôi cái quần tây cũ của cô màu vàng sáng chói, nhưng tôi cắt hai ống dài bỏ ra thành một cái quần short mặc vào cũng thoải mái.
Tôi cảm thấy tủi thân lắm! Vì mới năm nào trước đây mình là một cấp chỉ huy trong binh chủng TQLC, và một Quận trưởng đã chỉ huy một cơ quan hành chánh và đã từng chỉ huy bao nhiêu chiến sĩ thuộc quyền mà bây giờ tôi chỉ là một kẻ vô quốc tịch, vô gia cư và vô nghề nghiệp. Tôi không còn một manh áo để che thân. Nhưng, tôi hy vọng người Mỹ sẽ chấp nhận tôi vào đất nước của họ theo diện tỵ nạn và rồi từ đây tôi sẽ cố gắng vươn lên để tạo dựng lại cuộc sống mới.

Trại tỵ nạn Sonkhla

Trong thời gian ở quận Tarkpay, Thailand, mỗi ngày toán thuyền nhân chúng tôi được chính quyền quận cung cấp thức ăn và chúng tôi cũng được dân chúng lai rai tiếp tế nên không sợ bị đói khát. Nhưng chúng tôi rất lo âu chờ đợi quyết định cho nhập cư hay không của chính quyền cao cấp hơn.
Sau ba tuần lễ ăn ở và làm trò vui cho dân chúng địa phương trên sân khấu công cộng của quận Tarkpay, đoàn thuyền nhân chúng tôi được chánh quyền Thái cho phép vào trại tỵ nạn Songkhla nằm phía Nam của Thủ Đô Bangkok. Thật là mừng vui không thể tả vì trước khi chúng tôi tới trại nầy cơ quan chánh quyền quận định cho chúng tôi tháp tùng một chiếc tàu chở chật ních người đi theo diện đăng ký để kéo ra khơi, vì lúc nầy họ không được phép nhận thuyền nhân nữa.
Trại Songkhla trước đây mấy năm nằm trong đất liền, nhưng nay vì dân số thuyền nhân càng ngày càng đông nên nhà cầm quyền Thái cho dời ra vùng đất trống nằm sát bờ biển có vị trí rộng rãi hơn. Những dãy nhà tôle không đủ để cho mấy thuyền nhân tới sau ở nên chúng tôi phải xin hoặc mượn tiền của những người tới trước có thân nhân trợ giúp để mua tre và lá xây dựng tạm những mái che mưa nắng và làm sạp để ngủ.
Điều kiện sống thật là dơ bẩn nên ruồi đầy dẫy khắp nơi dễ sanh ra nhiều thứ bịnh cho thuyền nhân. Trại không đủ nhà vệ sinh cung ứng cho số người quá đông đảo. Tội nghiệp cho một số người vì không thể sắp hàng dài lê thê phải đứng xa tít phía sau mà chờ đợi lâu, nên bất cần sự kín đáo riêng tư, họ ngồi đại ngoài đồng trống trải không có gì để che thân, trông thật là kỳ cục nhưng thật tội cho họ, không biết làm gì hơn trong lúc khẩn cấp quá đi.
Mỗi ngày những thuyền nhân được Cao Uỷ Tỵ Nạn cung cấp thức ăn như thịt cá và đường cát trắng tương đối đủ sống hằng ngày. Gạo Thái Lan trắng thơm ngon thì được cấp quá dư thừa. Tôi nhìn những đống cơm thừa cá cặn bị đổ bỏ phung phí mà cảm thấy tội nghiệp cho vợ con tôi bên nhà phải ăn bo bo cứng như đá và thiếu thức ăn, thiếu dinh dưỡng.
Tôi đã từng sống trong cảnh nghèo khổ lúc còn thơ ấu, nhưng chưa bao giờ thấy cái nạn thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu mọi nhu cầu cho cuộc sống của đồng bào Việt Nam quá khổ sở dưới sự thống trị của bọn cộng sản vô lương tâm.


Trong thời gian chờ đợi để được phỏng vấn tôi tận lực trau dồi Anh ngữ qua sách báo để ôn lại và học hỏi thêm từ ngữ Anh văn. Khả năng Anh văn của tôi chỉ có thể nói chuyện thông thường được chút ít nhờ trong thời gian làm việc phải tiếp xúc với cố vấn Mỹ. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng có chút căn bản hơn nhiều người không biết một chữ sinh ngữ Anh và Pháp. Có một số người mang sách vở Anh văn đến nhờ tôi giảng nghĩa và tôi rất sẵn lòng giúp đở đồng thời để học ôn lại luôn thể và họ quí trong tôi như một ông thầy dạy học.
Bây giờ tôi nhớ lại mà buồn cười cho cái thân tôi vì không khác gì câu chuyện mà người đời hay nói rằng "giữa một nhóm người mù thằng chột được làm vua".
Ngoài ra tôi cũng có dạy kèm Pháp văn mà tôi còn chút vốn vì lúc xưa đã học chương trình Pháp. Nhờ dạy kèm Anh và Pháp ngữ mà tôi được cung cấp mỗi ngày hai bữa cơm cũng đở đói lòng trong hoàn cảnh cô đơn nơi trại tỵ nạn.
Trong thời gian sống nơi trại Songkha tôi có viết thư cho vài bạn bè để báo tin mừng và thăm hỏi cùng với dụng ý muốn xin tiền để sắm một bộ đồ mặc đi Mỹ mà ngại ngùng không dám nói ra.
Tôi rất vui mừng nhận được một bức thư đầu tiên với số tiền $50 của Thượng sĩ Nguyễn Văn Phẳng, trước là Hạ sĩ quan thường vụ của Bộ chỉ huy Chi khu Dĩ An. Ông mừng rỡ khi nhận tin tôi nhắn trong báo Việt ngữ bên Mỹ gởi qua cho dân tỵ nạn đọc. Trong thư ông có lời xin lỗi tôi vì ông đã không tuân lịnh tôi ở lại cố thủ mà đào ngũ để xuống tàu di tản trước ngày 30 tháng 4.
Tôi rất thông cảm ông vì các nhà lãnh đạo cùng nhiều Tướng lãnh và sĩ quan cao cấp còn bỏ nước ra đi, Chi khu của chúng tôi có mất đi một Thượng sĩ mà nhằm nhò gì" Lý do mà ông Phẳng phải bỏ tôi ra đi mặc dù ông rất quí mến tôi là vì ông đã biết rõ sự gian manh của bọn Việt Minh mà ông thường hay kể cho vợ chồng chúng tôi nghe những gì ông đã chứng kiến vào những ngày cuối cùng của thời hạn di cư vô miền Nam sau Hiệp định Génève năm 1954. Lúc đó ông còn là binh sĩ của đơn vị Commando của Pháp ở ngoài Bắc.
Tôi cũng có nhận được năm mươi dollars của cựu Đô Đốc Cang gởi cho và $20 của anh Trung tá Nguyễn Thế Thứ, người đã thay thế chức Quận trưởng Dĩ An khoảng một năm và vào lúc cuối tôi lại trở về Dĩ An từ quận Đức Hoà. Một trăm bảy mươi dollars bên Thái lúc bấy giờ là một số tiền khá lớn đủ cho tôi sắm sửa và may quần áo.
Ngoài ra tôi chẳng được một chữ hồi âm nào của một vài anh bạn rất thân với vợ chồng chúng tôi và rất kính nể chúng tôi trước kia. Thật buồn! Lúc mình sa cơ rồi mới thấy rõ tình đời bạc trắng như vôi.
Ông Thượng sĩ Phẳng đã mất vì bịnh tim hơn mười năm nay tại thành phố Denver tiểu bang Colorado. Tôi vẫn còn nhớ thương ông rất nhiều vì lúc xưa ông rất gần gủi vợ chồng chúng tôi, và ông là cứu tinh của tôi trong lúc túng thiếu nơi trại tỵ nạn. Tôi cũng nhớ ơn cựu Đô đốc Cang và anh Thứ đã sốt sắn giúp đở tôi.

Phong trào phục quốc

Lúc nầy mọi người dân trong nước đều rất mong chờ một phong trào phục quốc từ bên ngoài về để quang phục quê hương đang sống dưới sự cai trị độc tài của loài quỉ đỏ. Đã có rất nhiều tin đồn trong nước rằng nơi nầy có ông Đại tá... đã trở về nước và đang chỉ huy một đoàn quân tại núi Bà Đen, Tây Ninh, nơi kia có một ông Tướng... về nước chỉ huy Sư đoàn TQLC tại khu rừng Sát vv...
Tôi là một cựu Trung tá với 21 năm trong quân đội và đã làm Quận trưởng tám năm nên tôi biết rất nhiều cấp chỉ huy trong quân đội và trong cơ quan hành chánh. Mặc dù một số đã di tản trước 30 tháng 4, nhưng cũng còn rất nhiều cấp chỉ huy ở lại trong nước. Riêng trong binh chủng TQLC mà tôi đã từng phục vụ, từ vị Tư Lịnh Phó Sư đoàn đến các Lữ đoàn trưởng và Tiểu đoàn trưởng hầu hết đã bị đi tù cải tạo, còn ai đâu mà chỉ huy binh lính. Khu rừng Sát sình lầy có vị trí nhỏ hẹp, chổ đâu mà cho binh lính của một Sư đoàn đóng quân. Chỉ có người thường dân không hiểu biết về quân sự mới tin những lời đồn nhảm đó mà thôi.
Trước khi vượt biển vợ chồng chúng tôi đã biết trước là thế nào cũng có phong trào nầy phong trào nọ và phục quốc v.v... bên các trại tỵ nạn. Vợ tôi đã tiên đoán chuyện sẽ xảy đến, nên có khuyên tôi rằng: Em thấy cuộc đời nhà binh của anh đã quá gian khổ, nào là thương tích bị tàn phế, đi tù rồi về nhà bị bắt lại thoát chết và sau đó sống ẩn dật quá khổ sở. Mấy đứa con nhỏ của chúng mình thì sống nheo nhóc, con đau em phải bán từ cái quần cái áo để mà lo thuốc men cho con. Anh thấy không, bây giờ gia đình mình tự gánh chịu đủ thứ vất vả trong cuộc sống đau đớn ê chề. Nếu anh qua tới Mỹ anh lo tìm việc làm để ổn định cuộc sống và gởi tiền về lo cho các con anh. Khi anh đã vượt biển lọt rồi, em cũng sẽ tìm cách dẫn con rời bỏ cái quê hương nầy mà theo anh để cho con chúng mình có một tương lai vững chắc. Em biết bọn cộng sản chúng nó không bao giờ cho con mình ngóc đầu lên nổi.
Tôi nghe những lời vợ tôi khuyên răn và giải thích mà cảm thấy thấm thía cho cuộc đời mình đã dấn thân 21 năm trong binh nghiệp và buồn rũ rượi muốn rơi nước mắt.
Thật đúng như sự tiên đoán của vợ chồng tôi, khi tôi mới bước chân vào trại Songkhla vài ngày thì có ông Lê Quốc Tuý từ bên Pháp qua, ông mời tôi và một số cựu sĩ quan, công chức và giáo chức đến Ban chỉ huy trại nghe ông ấy nói về tổ chức phục quốc của ông. Ông Tuý tự giới thiệu ông là cựu sĩ quan Không quân của thời Pháp và theo thành phần của chánh phủ Trần Văn Hữu sống lưu vong bên Pháp từ khi cố Tổng thống Ngô Đình Diệm về nước. Ông Tuý cũng cho biết là ông lãnh đạo phong trào nầy và lo về mặt ngoại giao, nên ông đi đến các trại tỵ nạn vận động và tuyển mộ binh lính. Ông cũng cho biết sẽ có hai cựu Tướng lãnh lo về việc chỉ huy mặt trận. Ông nầy nhờ quen biết với em của Phó Thủ tướng Thailand giới thiệu nên ông được tự do vào các trại tỵ nạn Thailand dễ dàng để mộ quân. Vì ông được biết tôi là cựu Trung tá Quận trưởng ra tù từ Yên Bái nên ông đưa ra vài hình ảnh của hai cựu Tướng lãnh mà tôi thường tiếp xúc trước kia và hình của hai cựu Đại tá bạn của tôi để chứng minh và để lấy lòng tin của đồng bào trong trại.
Tôi có hỏi ông Lê Quốc Tuý về thể thức đưa quân trở về Việt Nam bằng ngỏ nào và nước nào đứng ra yểm trợ phong trào nầy. Ông Tuý trả lời rằng: quân sẽ được đưa về từ ngả Cambodia và phong trào nầy do Trung cộng yểm trợ. Tôi có ý kiến sơ qua với ông ấy là hiện nay đã có cả chục Sư đoàn cộng sản Việt Nam đang chiếm đóng trên đất Miên thì không dễ gì những toán quân phục quốc qua lọt được cái hành lang đó. Một điều nữa mà tôi không đồng ý là miền Nam đã bị bọn cộng sản Việt Nam cưởng chiếm bây giờ lại nhờ thằng cộng sản Tàu giúp thì không khác nào chạy ô mồ lại mắc ô mả.
Sau đó vài tuần ông Tuý và anh cựu Đại tá bạn tôi đã bắt đầu trở vào trại Songkhla nhận người tình nguyện gia nhập phong trào và lập danh sách.
Lúc bấy giờ trong trại Songkhla rất sôi nổi về chuyện phục quốc. Có đa số ghi danh gia nhập là thanh niên, một ít cựu quân nhân các cấp mà lúc đó chỉ có vài cựu Đại uý còn đa số là Hạ sĩ quan và Binh sĩ. Mấy em thanh niên nầy chưa bao giờ đi lính và rất hãnh diện và tự hào với tiếng "người hùng sắp trở về cứu nước".
Tôi đã trả lời dứt khoát là tôi không tham gia, tuy nhiên các ông Tuý và Đại tá bạn tôi nhờ tôi trả lời dùm nếu anh em có hỏi thì tôi cho họ biết rằng mấy ông nầy là người của quốc gia thật sự để anh em đừng có nghi ngờ họ là những người do Việt cộng gài vào để bắt bớ ai có tinh thần phục quốc.
Có một số anh em cựu quân nhân hỏi tôi rằng: Ông thầy nhận xét thế nào" Tụi em rất muốn tham gia phong trào nầy và xin cho tụi em biết ý kiến là có được hay không"
Vì việc phục quốc là một cuộc chiến đấu có chính nghĩa cao cả mà tôi chưa biết hư thực ra sao nên tôi không có ý kiến là nên hay không nên tham gia. Nhưng tôi cảm thấy xót xa cho sự trở về của anh em và tôi chỉ nói với mấy em ấy rằng công cuộc phục quốc là đại chính nghĩa của người có lòng yêu nước nhưng mấy em cũng phải biết rằng con đường phục quốc sẽ đầy cam go và gian khổ lắm. Tuỳ sự lựa chọn của mấy em, tôi không khuyến khích mà cũng không ngăn cản.
Sau khi lập danh sách rồi hai ông trong tổ chức phục quốc thông báo ngày giờ họ sẽ cho xe vào trại để rước đoàn quân phục quốc xuất trại và lên đường. Tới ngày đã được ấn định, họ mang xe GMC vào trại và loa phóng thanh kêu gọi những người đã ghi tên lên trình diện tại Ban chỉ huy để được di chuyển ra khỏi trại Songkhla đi đến một nơi khác. Nhưng loa phóng thanh cứ gọi mãi mà chỉ có khoảng hơn một tiểu đội cựu quân nhân trình diện tại sân cờ, còn mấy trăm người khác trốn tránh không chịu ra trình diện.
Sau khi chính thức được nhận nhập cư tại Mỹ tôi được đưa về Bangkok để làm thủ tục và khám sức khoẻ trước khi sang Hoa Kỳ. Tôi có đến thăm hai anh cựu Đại tá trong Ban tham mưu phục quốc đang tạm trú tại một ngôi biệt thự ngay trung tâm Bangkok. Họ có cho tôi biết là một ngày nữa một vi cưu Tướng lãnh sẽ đến và ông nầy sẽ là Tư lịnh chỉ huy trực tiếp lực lượng phục quốc. Tôi có gặp lại mấy anh em đã sống trong trại Songkhla với tôi đã được đưa đến tạm đóng quân tại đây để chờ ông Tuý đến các trại tỵ nạn khác ở vùng biên giới Thái Miên tuyển thêm quân.
Lúc ấy tôi rất cảm thương mấy anh em nầy vì biết rằng anh em sẽ rất gian khổ và tôi kính phục vô cùng sự hy sinh lớn lao của anh em với tấm lòng yêu nước cao cả. Sau khi tôi qua Mỹ vài tháng thì hay tin ông Tuý và Bộ tham mưu hành quân gồm có hai cựu Tướng lãnh và các cựu Đại tá bạn của tôi đã bất đồng chánh kiến và tan rã. Tất cả những người trong mặt trận nầy đã trở về Mỹ.
Vài năm sau tôi nghe tin là phòng trào nầy đã về Việt Nam hoạt động và bị bại lộ nên đại sự không thành. Tuy nhiên tôi rất khâm phục tấm lòng của ông Tuý cùng những vị hết lòng yêu nước đã can đảm dấn thân vào cuộc quang phục quê hương. Tôi đã nghe tin tinh buồn là ông Tuý đã qua đời tại nước Pháp trong nhiều năm qua.

Chờ đợi phỏng vấn

Mỗi thuyền nhân phải qua cuộc phỏng vấn của các phái đoàn của nước mình muốn xin định cư tỵ nạn. Có người được đi theo diện bảo lãnh từ các nước mà thân nhân đang sống. Còn những cựu quân nhân như chúng tôi thì được người Mỹ chấp nhận cho định cư theo điều kiện ba.
Một điều làm tôi chán ngán và bất mãn vô cùng là những anh thuộc phái đoàn Mỹ phỏng vấn có những thái độ rất là bất công và không còn coi chúng tôi là những ngưới lính đồng minh của quân đội Mỹ đã chiến đấu sát cánh bên nhau trong thời chiến tranh Việt Nam trước đây.
Khi mới vào trại Songkhla tôi đã nghe nói rằng bên xứ Mỹ nầy: Nhứt là phái nữ, hai con nít, ba là ... rồi mới tới bọn đàn ông chúng tôi là hàng thứ kế. Mà quả thật như vậy, trong hai tháng ở Songkhla tôi nhận thấy những người phái nữ có chút nhan sắc mặn mà và dễ coi qua cặp mắt xanh của các anh phỏng vấn cũng là yếu tố để được chấp thuận cho định cư dễ dàng.
Trong khi đó những anh em cựu quân nhân bị hạch hỏi đủ điều mà tôi cho là quá đáng. Có những anh em sĩ quan trẻ bị mấy anh Mỹ trong ban phỏng vấn hạch hỏi rằng cây súng lục hiệu Colt 12 cân nặng bao nhiêu và dài mấy inches"
Tôi nghĩ thật cho buồn tủi cho người lính bại trận mất nước lưu vong. Thuyền nhân mới vừa bước chân tới bến bờ đất Thái như chết đi sống lại, thể xác và tinh thần còn tả tơi, tên tuổi của vợ con mình chưa chắc còn nhớ hay không mà làm gì nhớ những cái thứ lẩm cẩm nầy" Có một em cấp Thiếu uý than thở với tôi rằng: "Ông thầy ơi, họ bảo em tả hình dạng cây súng Colt thì em còn nhớ được, nhưng khi ông Mỹ hỏi em sức nặng và kích thước em nói trật nên họ nói em khai gian, họ nói em là sĩ quan tại sao không biết rõ kích thước của cây súng lục. Họ bảo em về chờ để xét lại rồi sẽ quyết định. Và mỗi lần được phỏng vấn lại phải mất mấy tháng nữa nên em nản quá!"
Sau cuộc chiến mà đồng minh đã tháo chạy và bỏ lại một miền Nam đau khổ và chúng tôi, những cựu quân nhân và công chức của chế độ cũ bị đày đoạ trong các trại tù khổ sai, mất cả nhân phẩm của con người. Các vị cựu lãnh đạo của miền Nam, các cấp chỉ huy cũ trong Quân đội của chúng tôi có lẽ vì bận lo ổn định cuộc sống mới nơi xứ người nên không có thì giờ mà nghĩ đến việc cứu sống sống sinh mạng anh em trong tù. Nước Mỹ đồng minh và cả thế giới đều quên lãng chúng tôi, mặc tình cho bọn cộng sản tha hồ đày đoạ.
Chúng tôi đã từng ngày mong ngóng và lắng nghe những tiếng nói của thế giới bên ngoài với lương tri nhân loại sẽ binh vực và cứu giúp chúng tôi. Nhưng niềm mong đợi của chúng tôi chỉ là sự tuyệt vọng. Tôi tưởng chừng như Việt Nam lúc bấy giờ bị bức màn sắt ly cách với thế giới bên ngoài. Tha hồ cho bọn cộng sản là kẻ chiến thắng mặc tình thao túng. Người dân Việt không thể sống nổi dưới chế độ của chúng phải đánh liều mạng sống mà vượt trùng dương bằng những chiếc thuyền con để đổi lấy hai chữ tự do.
Chúng tôi là cựu quân nhân đã bị tù đày cộng sản thật là nhục nhã, bây giờ cũng cảm thấy nhục lắm vì phải xin xỏ để được một nước thứ ba chấp nhận cho định cư tỵ nạn. Khi lên gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn vài em chiến sĩ trẻ nhẹ dạ cũng muốn xón lên rồi, bởi vì nếu bị bác lần phỏng vấn nầy là phải chờ đợi thêm một thời gian mấy tháng dài mới được gọi phỏng vấn lại.
Tôi may mắn được anh cựu Thiếu tá Mỹ giúp đở tận tình. Lúc bấy giờ ông ấy là Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thailand. Lúc xưa ông không có phục vụ tại Việt Nam, nhưng ông có làm cố vấn cho Quân đội Cao Miên. Ông nghe nói có một cựu Trung tá của QLVNCH đã đi tù ngoài Bắc mới vào trại. Ông ta đã mời tôi lên văn phòng để hỏi tình hình trại tù ra sao. Tôi kể lại rõ ràng tất cả những tình trạng mà tôi đã sống ngoài Yên Bái. Tôi có khai cấp bực và chức vụ cũ, khai cả ba huy chương Mỹ mà tôi nghĩ rằng cũng là yếu tố để chứng minh. Tôi cũng có cho biết rằng trong thời gian tôi làm Quận trưởng Dĩ An, Biên Hoà, ông Đại sứ hiện tại tên White House tại Bangkok là Lãnh sự tại Biên Hoà trước năm 1975. Vị Cao uỷ nầy rất tin lời khai của tôi và ông đã tận tình giúp tôi. Tôi vẫn còn nhớ chiếc áo thun TQLC mà ông đã tặng tôi. Ông cũng giúp tôi ưu tiên được phỏng vấn thật sớm.
Trong thời gian khoảng hai tháng tại trại Songkha tôi đã chứng kiến tận mắt và nghe tận tai những hành động man rợ của bọn hải tặc Thái. Lúc đó có vô số người đã chết vì bị hảm hiếp hoặc bị đắm chìm giữa lòng đại dương thật quá đau thương chỉ vì hai chữ Tự Do.
Trong những năm chiến tranh, các chiến sĩ đồng đội của tôi đã phải bỏ nhiều xương máu trong chiến cuộc vì chiến đấu cho chính nghĩa tự do, nhưng nay cũng vì đi tìm một cuộc sống tự do mà anh em chiến hữu chúng tôi lại tiếp tục hy sinh máu xương thêm nữa trên đường vượt biển. Những hậu quả nầy là do bọn cộng sản bạo tàn gây ra cho một dân tộc triền miên đau khổ.
Sau cùng tôi được một gia đình Mỹ bảo trợ và tôi cảm thấy vui, buồn và lo âu lẫn lộn. Tôi rất vui là sắp bước chân lên vùng đất tự do. Tôi lo là vì qua xứ Mỹ văn minh mà không có nghề nghiệp gì và chân tay lại không được khoẻ mạnh như người bình thường. Tôi vẫn còn nỗi ưu phiền là vợ và con còn kẹt lại bên nhà mà đến nay đã xa nhau mấy tháng rồi vẫn chưa có tin tức. Tôi không biết chuyện gì xảy ra cho vợ con tôi"
Và tôi không quên những anh em chiến hữu của tôi còn lại trong trại tỵ nạn đang hồi họp chờ đợi phái đoàn Mỹ chấp thuận cho định cư càng sớm càng tốt. Nếu vì lý do gì mà họ bị kẹt lại sáu tháng, một năm hoặc hai năm thật là thời gian uổng phí cho cuộc đời.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.