Hôm nay,  

Thầy Cũ.. Trường Xưa

16/08/200800:00:00(Xem: 9730)
( Thân tặng quý NT và ND cựu hs LPK)

      ● P.ký  Tô văn Cấp(1955-1962)

Biến cố 30/4/75 làm đại đa số anh em chúng ta mất hết, đạn không còn mà súng cũng hư lại còn bị tống vào tù để lột cái quần, tẩy luôn cái não, nhưng trại tập trung đã không thành công về "tẩy não", càng tẩy, các não càng hãnh diện là quân nhân QLViệt Nam Cộng Hòa, riêng người viết vẫn vui với 3 điều đã đạt được:

_ Theo học và tốt nghiệp trường Trung Học Pétrus Trương vĩnh Ký….

_ Gia nhập và tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

_ Phục vụ trong Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa.

Mãi mãi hãnh diện là một quân nhân nên ngày nay tại hải ngoại, tôi tham dự đều đặn mọi sinh hoạt của hội cựu SVSQ Võ-Bị, hội ái-hữu TQLC, hôi cựu tù nhân. Đến đó, tôi được nói và nghe những kỷ niệm đời sống quân trường, được nói và nghe những tin tức về đồng đội, những vị chỉ huy ngày xưa, ai còn và ai đã ra đi, những bạn tù nào còn "cố thủ" trong các trại giam, nhưng chưa được nói và nghe chuyện học trò.

Mỗi lần có thông báo của hội cựu học sinh trường Pétrus Ký họp mặt thì lòng tôi lại "nao-nao" nhớ đến trường xưa, thầy cũ và lũ bạn quỷ-ma-học trò, tôi rất muốn đến tham dự nhưng chưa bao giờ gặp được " thằng quỷ" nào trên đất tạm dung này, tên tuổi các vị hoạt động trong hội thì toàn là Thầy-Cô và những người xa lạ, đó là lý do làm tôi ngại ngùng đến với hội.

Khi thấy tên Nguyễn hồng Đảnh trong danh sách ban tổ chức họp mặt lần 2001 làm cho tôi nhớ lại ngay hình ảnh thầy Đảnh hơn 40 năm về trước với áo sơ-mi trắng, cà-vạt xanh, quần ga-ba-din, mái tóc chải bi-ăng-tin bóng mượt ép hai bên và nụ cười "toe-toét" trên môi mỗi khi bước chân vào lớp học, nhẹ nhàng khoan thai đưa tay ra hiệu cho các trò ngồi xuống! Đẹp quá! Tôi bốc máy gọi cho thầy:

_ " Thưa tôi là C.. cựu học sinh L.P.Ký, xin được nói chuyện với thầy Đảnh".

_ " Tôi là Đảnh đây, nhưng không phải là thầy, có lẽ bạn lầm Đảnh này với Đảnh kia rồi, cả 2 Đảnh cùng lớp trùng tên nhưng khác họ, giáo sư Phạm ngọc Đảnh hiện ở bên Đức, còn công chức Đảnh là tôi hiện ở Bolsa, USA.

_ " Không thầy thì Huynh, quyền huynh thế phụ mà"

Anh Hồng-Đảnh rất vui vẻ và nhiệt tình trong câu chuyện làm tôi thấy ấm lòng, vài ngày sau anh gởi cho tôi cuốn đặc san Pétrus Ký năm 2000, kèm theo lời nhắn nhủ viết bài cho đặc san LPK, nhất là những kỷ niệm thời học sinh.

Trường Petrus Trương Vĩnh Ký ( nay là Lê Hồng Phong ) ( ảnh chụp tháng 1-2006)

Dành riêng một ngày Chủ nhật không làm gì cả chỉ để "nghiên cứu" bài vở và hình ảnh của cuốn sách "gối đầu giường", thật xúc động với những hình ảnh của trường xưa và nhất là khi nhận ra hai gương mặt quá quen thuộc, dù cho bao năm xa cách tôi vẫn thấy như các thầy đang ngồi nghiêm chỉnh trên ghế sau bàn giáo-sư, đó là hình của hai thầy Đảnh và thầy Thủ.

Thầy Phạm ngọc Đảnh thì lúc nào cũng tươm tất với nụ cười hiền lành, thầy Trần thượng Thủ đầy đủ bề ngang, khiêm tốn bề cao, không bao giờ dùng lược, thầy ký tên trong học bạ là T.T.T nên bọn học sinh chúng tôi gọi là thầy Ba-Tê.

Về nội dung cuốn đặc san thì toàn là bài của các Thầy Cô như đã được sửa soạn chọn lọc thật kỹ lưỡng trước khi vào lớp, nghiêm túc quá! Không tìm thấy chỗ nào có cái ồn-ào, cái nghịch ngợm và phá phách của tuổi học trò khiến tôi bị khớp, không dám gởi bài, không trả vốn trả lời gì cho huynh Phạm hồng Đảnh nữa và.. lặn luôn.

Đầu năm 2003, nhân dịp về lo phần mộ cho thân phụ, tôi ghé thăm trường cũ lần đầu tiên sau 40 năm xa cách (62-03), tôi đã "lặng" người đi khi bước chân qua cổng trường, cắn chặt môi để khỏi khóc thành tiếng khi ngồi trên bậc cầu thang gỗ, chính nơi mà ngày xưa tôi đã ngồi khóc vì tụi nhóc học trò "Nam-Kỳ" kỳ thị, chọc ghẹo, phá phách một thằng "Bắc-Kỳ" con duy nhất cùng lớp đệ thất B1 niên khóa 55-56.
Ngoài cái cảm xúc riêng tư, tôi còn cảm nhận được nỗi buồn chung của bất cứ cựu học sinh nào khi nhìn lại trường mẹ, một bà mẹ già chỉ còn da bọc xương đương trong cơn hấp hối! Tôi nghĩ là nên kể lại những cảm xúc này cho những ai đã từng một thời là học sinh của ngôi trường PK thân yêu.

 Hơn nữa, theo tôi, đặc san tượng trưng cho một mái trường, trường học có thầy cô nghiêm túc thì cũng có lũ học trò phá phách, tụi nhỏ đệ thất nghịch ngợm vô hại, tụi đệ tam qủy quái và những ông "cụ non" lớp đệ nhất , đạc san cũng thế, có thầy thì cũng nên có trò, có cái trang nghiêm trong giờ học thì cũng nên có cảnh ồn-ào, vô trật tự của giờ ra chơi, của giờ tan trường.

Bài viết này như  một tên "..thứ ba học trò" xin tham dự cùng thầy cô, còn được tham dự hay không là tùy nơi huynh trưởng Phạm hồng Đảnh và đồng môn Lê thành Lân cùng tòan ban biên tập ĐS.LPK.

Đúng ra thì năm 1985, sau gần 10 năm theo học trường học-đại "Làm-Súc" (không phải đại học Nông Lâm Súc), may mắn không tốt nghiệp thành súc vật nên tôi đã có dịp trở lại thăm trường mẹ nhưng người bảo vệ đã không cho vô, buồn thay! Lần này, năm 2003, rút kinh nghiệm, tôi sai một tiểu đội 3 số 5 đi thám thính trước thì được đón rước ân cần, chấp thuận ngay, người ta còn ân cần “ rặn-rò “: "Muốn coi chỗ nào cũng được, muốn chụp thì chụp, muốn quay thì cứ thoải mái v.v.."! Tội nghiệp quá, muốn về thăm trường cũ cũng phải hối lộ!

Tôi đến thăm trường vào sáng Chủ nhật, từng bước..từng bước thầm, như sợ những hòn sỏi dưới chân làm mất đi sự yên tĩnh, tôi dừng chân ở giữa sân phía trước, nhìn đảo một vòng từ phải qua trái, rồi hình như có lực nào đó bắt tôi đứng yên, nhắm mắt lại, nghẹn lời, cổ họng co thắt thật đau.

Trường MẸ đây ư" Nơi tôi đã trải qua 7 năm học hành và tu luyện từ 55-62, mẹ tôi già quá rồi, răng long tóc bạc da nhăn nheo! Chưa yên, họ còn giải phẫu tàn phá dung nhan của NGỪƠI, cắt chỗ nọ, vá chỗ kia, thay tên đổi họ! Tôi sẽ phải thưa lại với các thầy cô và huynh đệ của tôi, hiện là những nhà phẫu thuật tài ba, những y bác sĩ mát tay, những thầy cãi giỏi, cùng tất cả những ai từng mài đũng quần trên ghế nhà trường rằng: "Trường Mẹ cần sống lại như xưa". Có nhìn tận mắt mới thấy hết cái tiều tụy, hom hem bệnh họan của bà Mẹ bị mất "giấy khai sinh" đang chờ các con đòi lại.

   Đứng từ ngoài đường Cộng Hòa nhìn vào thì sát ngay bên tay trái cổng chính, họ đã xây một căn nhà cho những người bảo vệ! Căn nhà nhếch nhác này che khuất tầm nhìn vào tiền sảnh, mất hết vẻ đẹp và trang nghiêm, giống như cô nữ sinh GL bị đổ chàm lên nửa khuôn mặt xinh tươi, chính diện đã luộm thuộm như thế thì các nơi khác ra sao" Cơn "gió hồng" nào đã thổi bay đi những nét trang nghiêm, cổ kính của trường tôi". Những cây bông sứ hoa trắng nhụy vàng xinh tươi ngày xưa nay đang trở thành những nàng cổ thụ già sống lây lất trong đám cỏ dại trông như  nhưng cây hoa đại ở các lầu đài hoang phế!

Tôi bước lên bậc tam cấp, đứng giữa hành lang, đây là dẫy hành lang đẹp nhất trong tất cả các trường trung học và đại học ở Saigòn khi xưa, những viên gạch men trắng đỏ không còn bóng láng nhưng vãn còn nét đẹp trang nghiêm và duyên dáng.

Tận cùng phía tay trái hành lang là khu văn phòng và là nơi hội họp của các giáo sư, ngoài cửa vẫn còn cái trống treo trên giá, không biết có phải cái trống gióng lên những tiếng "thùng thùng" báo hiệu giờ vào lớp từ hồi tôi còn học lớp đệ thất hay không" Tôi yêu những hồi trống khoan thai nhịp nhàng khi tan trường hơn là tiếng chuông điện rộn ràng chói tai.

Tận cùng hành lang phía tay phải cũng là khu văn phòng, có bàn giấy của cô Ngà, cô thường mặc áo dài lụa Hà Đông màu mỡ gà, lúc đầu cô là giáo sư dạy vạn vật lớp đệ thất, sau cô đổi lên làm việc văn phòng. Trò nào nghỉ học không xin phép trước, ngày hôm sau trở lại trường thì phải đến gặp cô với lá thư xin phép của phụ huynh. Nhiều khi cô biết đó là những lá thư giả mạo nhưng cô vẫn lờ đi với nụ cười bao dung:

_ " Chữ ký này không được giống lắm!"

Con cám ơn Cô, con đã trốn học nhiều lần không phải vì lười mà vì sợ giờ Pháp văn của thầy Phạm văn Ba. Con còn nhớ ngày đó cô và con cùng ở bên Khánh Hội, nhà cô ở đường Hoàng Diệu, còn nhà con ở hẻm 172/18 đường Lê quốc Hưng, sáng nào đi học con cũng đi ngang cửa nhà cô, không biết nay cô  có "còn . . ." và còn ở đó không"

Qua khỏi hành lang, bước vào sân chính giữa của trường thì.. ngay góc trái là một cái sàn gỗ, có lẽ dùng để làm sân khấu, tấm ván cong, miếng gỗ mục, đinh thì cái rụng cái lung lay! Hẳn là đã lâu ngày không có ai lên đó để nhẩy "son đố mì". Tôi không thể hiểu nổi về cái nhìn thẩm mỹ và trật tự của những người có trách nhiệm!

Chính giữa sân, trên trụ xi-măng đá mài, xưa kia là bức tượng của nhà bác học Petrus Trương vĩnh Ký, người thầy của đạo lý và văn chương nay bị "cuồng phong" gió chướng thổi bay mất rồi, thổi bay cả những gì thuộc về văn hóa ra khỏi ngôi trường thân yêu. Hơn 4 ngàn năm văn hiến mà không kiếm được một danh nhân nào xứng đáng đặt tên cho một ngôi trường mà phải dùng đến biểu tượng là nón cối dép râu! Quốc Tổ Hùng Vương còn bị kéo xuống cho bằng ngang phải lứa, "bác dựng nước, tôi giữ nước" thì nói chi tới những ngưới tuy cùng da vàng máu đỏ nhưng cái đầu không đỏ thì cho "tất tần tật" vào trại cải tạo. Không biết ông cụ Ký của chúng ta bị cải tạo ở nơi nao và bao giờ mới tiến bộ để được tha về" Bao giờ Cụ được trả về chỗ xưa!


_"Thôi, đừng đứng đó mà càm-ràm, họ chiếm chỗ của ta trong ngôi trường này, nhưng họ không bao giờ chiếm được chỗ của ta trong lòng các con, những cựu học sinh P.Ký, hãy đi thăm trường cũ đi".

Tôi nghe như có tiếng ai nhắc nhở khiến bừng tỉnh giấc mơ, người và cảnh vật đã thay đổi nhưng ngôi trường cũ tên Trường vĩnh Ký vẫn mãi mãi đẹp trong lòng mọi cựu học sinh, nơi đây đầy tình thương, bao dung và nhân ái và cũng đầy đủ kỷ luật nghiêm minh mà bất cứ học trò nào cũng "ngán" nhưng lại rất hãnh diện về điều đó.

Bẩy năm mài đũng quần nơi đây nên đi đến đâu tôi cũng gặp những hình ảnh quen thuộc thật xúc động, hành lang lát gạch men trắng đỏ chạy thẳng tắp, không một bóng dáng học trò, hình như đang trong giờ học, chỉ thấy có thầy Tổng giám thị Thử  và thầy giám thị Tập cắp tay sau lưng đi tới đi lui canh chừng những chú nhóc nhảy qua cửa sổ trốn học. Ngang qua mỗi lớp tôi nghe như có tiếng giảng bài của thầy cô trên bục, tiếng khúc khích của học trò dưới cuối lớp, từng khuôn mặt các bạn học cũ với những kỷ niệm lần lượt trở về.

Bước theo những bậc cầu thang gỗ lên lầu 2, tôi đứng trước phòng học đầu tiên, đây là lớp đệ thất B1 niên khóa 55-56, chính lớp học này là nơi tôi, một tên "Bắc Kỳ" duy nhất trong lớp, phải hứng chịu những chọc ghẹo do đồng môn "Nam Kỳ" gây ra mà cho tới nay, gần 50 năm sau những kỷ niệm đau khổ chưa quên, nhớ từng khuôn mặt của đám nhất quỷ nhì ma thứ ba là chúng, môi khi trông thấy tôi là bọn chúng la:

"Bắc Kỳ ăn cá rô cây! Bê-ka bắn súng NỤC".

Lúc đầu thấy chúng ồn ào làm tôi sợ chứ có biết cá rô cây và súng nục là cái gì đâu! Sau mới hiểu ra chúng nhạo báng sự nghèo nàn và nói ngọng giữa L&N làm tôi đau khổ thêm. Chưa hết  chúng còn ca hát:

_ " Từ Bắc zô Nam tay cầm bó rau, tay kia là sợi dây xích cùng với con cầy"!

Vì mới di cư từ Hải Phòng vào Saigòn, chưa thông thuộc đường đi nước bước, hơn nữa sở của anh tôi nằm trong thành "Ô-Ma" đối diện với trường PK, nghe bạn đồng sở nói rằng đó là trường công lập danh tiếng là anh tôi nộp đơn cho tôi thi vào lớp đệ thất, danh tiếng hay không chưa cần thiết, được học không phải đóng tiền là tốt rồi.

Tôi may mắn được trúng tuyển thứ 18/320 trong số hơn 7 ngàn hoc sinh dự thi vào lớp đệ thất niên khóa 55-56. Niềm vui và hãnh diện của một gia đình " Bắc-Kỳ di cư" có con thi đậu vào trường trung học P.Ký thật là to lớn nhưng không ngờ đó lại là một đại họa đến với tôi, lo sợ khi tới trường, khóc trên đường về. Sau một tháng chịu đựng, tôi xin với gia đình cho tôi bỏ học, anh tôi buồn và thất vọng lắm nên anh an ủi:

_ " Cố gắng theo học một vài tuần nữa xem sao, bỏ học ở đó thì lấy tiền đâu cho em đi học tư" Không lẽ nghỉ học đi bán "cà-rem"!

Ở cái tuổi 13 mà được đi bán cà-rem thì vui rồi, tương lai đầy túi tiền, nhưng vẻ nghiêm nghị của người anh bắt buộc tôi phải tiếp tục con đường "thập tự giá"! Mỗi buổi sáng tôi phải đi bộ từ Khánh Hội, qua cầu Mống, dọc theo đường Nguyễn đức Chính, Phạm ngũ Lão, xuôi theo đường Võ-Tánh đến đường Cộng-Hòa, càng tới gần trường chân tôi như tê đi, không muốn bước thêm, rồi lững thững như một cái xác không hồn cũng vào tới lớp. Trong giờ học, khi ra chơi, lúc nào bên tai tôi cũng văng vẳng những câu: " Bắc-Kỳ ăn cá rô cây, bắn súng NỤC, cộng rau muống, từ Bắc zô Nam v.v..".

Nổi tiếng trong đám "quỷ sứ " chọc phá tôi là tên Nguyễn xuân Thanh, tóc hớt ngắn, má có nốt ruồi đen, giọng khàn khàn, nói luôn miệng làm bọt trắng cả hai bên mép, nghe đồn nó là bà con với thầy giám thị Tập, nên tôi ghét luôn thầy và đặt cho thầy cái tên " Bớ tí-Xồi".

Đồng lõa với tên Xuân-Thanh là " bè lũ ác ôn" mà cho tới nay tôi còn nhớ mặt đặt tên đến hơn 1/2 lớp, không hiểu vì lý do gì mà tôi nhớ dai họ và tên của chúng nó đến nhu thế" Có thể là do mối "hận ngàn thu". Kể ra thì dài dòng nhưng đã hơn 50 năm, nhắc đến " chúng mày" như một lời thăm hỏi chân thành thay cho mối thù xưa, dù là bạn đã lên trên Trời hay còn lang thang dưới đất khắp Năm Châu, xin một lần gọi tên các bạn sau đây:

_ " Cao hoàng Anh, Lê văn Ba, Ngô văn Bê *, Nguyễn ng Bửu, Đặng v Cảnh, Ng-đức Cần (vb*), Cẩn, Phạm thượng Chí(vb*), Nguyễn đồng Chí, Lê văn Chiểu (vb), Vương bình Dzương, Đạt, Đặng chiếu Điện, Lê dình Điển (vb*), Huỳnh văn Đởm, Bùi mạnh Đức, Đinh văn Hòa, Phạm đức Hòa, Hoàng, Huệ, Hùng, Hưng, Đinh văn Hơn (vb), Hoàng gia Hiếu (vb), Khoa (lé), Phan ngọc Khải, Khiết, Khôi, Lê văn Kiệt (vb), Lý chi Lan, Phạm huỳnh tam Lang, Phan thành Long (Long trên) Trần quốc Long, Huỳnh văn Ngày, Ngô văn Nô (vb*) Ngô minh Quan, Trần văn Quây, Bùi vĩnh Thạnh, Thắng, Nguyễn thành Tư, Nguyễn ngọc Tư (vbk20) Tô văn Thình, Lê quan Trường (vb), Nguyễn tấn Tờn, Nguyễn tấn Kinh, Hoàng-luyện-huỳnh-hữu-duy-Toản, Phan bá Vân v. v..

( vb: gia nhập khóa 19 VB, *  đã hy sinh vì Tổ Quốc mà tôi biết)

 Tôi nói họ đồng lõa với nhau vì chúng cùng la hét đập bàn cười nhạo báng mỗi khi giáo sư Pháp văn Phạm văn Ba bắt tôi đọc "đít-tê". Trường Ngô Quyền Hải phòng, thày dạy tôi đọc "Manh" (main) là bàn tay, "Ma-tanh" (matin) là buổi sáng còn trong Nam thì đọc là "Me" hay "Ma-te". Không những chỉ bị trò nhạo báng mà cả thầy cũng cười, thầy bắt tôi phân tích mệnh đề "a-na-li-zê gramatical"! Trời ơi là Trời! Tới giờ Pháp Văn của thầy Ba là như tôi sắp bị đem lên đoạn đầu đài, đó là lý do tôi trốn học.

 Ngoài chuyện nhạo báng tôi dốt tiếng Pháp, nói "nẫn-nộn" hai chữ L&N (mà sau 1975 tôi lại cười đồng hương BK của tôi), chúng còn dở thói vũ phu. Ngồi sau lưng tôi là các tên Nguyễn thành Tư, (Tư ống điếu) Nguyễn Ngọc Tư, (Tư xe-bò), Đỗ văn Minh, chúng cuộn giấy lén cài vào lưng quần tôi châm lửa đốt rồi tuyên bố đốt pháo cột đuôi trâu như trong truyện Tàu cho ngưu xung trận! Hận lắm nhưng đành ngậm miệng. Sau này khi tôi là Trâu-Điên (TĐ2/TQLC), tay cầm súng "NỤC", đi tìm chúng để trả thù bắn cho nát mông thì chúng đã là lính Hải Quân, lính K.Q có súng to và dài nên lại sợ, còn thằng về TQLC thì ..cùng tôi đi đánh nhau với "kẻ khác".   

 Con nhà nghèo, cái áo sơ-mi trắng bị chúng vẩy mục tím loang lổ nhưng vẫn mặc, rách sau lưng mẹ chưa kịp vá cũng vẫn phải mặc đi học, những tên Tư này đưa ngón tay vào móc cho rách thêm! Tôi đâu dám thưa thầy, giận tím gan mà đành mặc áo rách ra về, miệng lẩm bẩm chửi thề những thằng Tư-L. Cả ba tên này hiện nay đang định cư tại Houston TX và chúng tôi vẫn liên lạc với nhau để chửi thề.

Căn phòng 2 tầng bên tay trái, trước đây , là phòng Sinh Họat Hiệu đòan ( tức phòng làm việc của Ban Đại diện Học Sinh )

 Suốt đệ nhất tam cá nguyệt tôi mất tinh thần, như một con cù-lần lúc nào cũng gục mặt xuống bàn ở cuối lớp học, đội sổ liên tục khiến ông anh vừa ký vào sổ học bạ vừa thở dài lắc đầu buồn bã!

 Tôi cũng buồn lắm, nhưng dứt khoát là phải bỏ học thôi, có mấy thằng bạn hàng xóm ở hẻm 172 Lê quốc Hưng Khánh Hội đã chỉ cách đi bán cà-rem hoặc theo bọn chúng ra bến Nhà Rồng bám theo dây neo leo lên tàu phá phách, cảnh sát thương khẩu bắt gặp thì tụi tôi sẵn sàng "bờ lông-nhê" xuống sông, chúng dậy cho tôi hút thuốc lá Cotab, Craven "A". Máu du-côn con nít bến tầu Khánh Hội theo tôi vào lớp, không chịu làm con cù-lần nữa mà phải vùng lên để được đuổi học.

 Bước lên cầu thang mà lòng nặng trĩu, giờ Pháp Văn  đang chờ mà tôi có hiểu gì đâu! Đã vậy lại có một thằng cùng họ là Tô văn Thình giỏi Pháp Văn nhất lớp, khi Tô Cấp đứng im lặng cúi đầu thì thầy Ba gọi Tô văn Thình giảng cho tôi và cả lớp nghe. Tô này xấu hổ và giận lây sang Tô kia thì bỗng nghe có tiếng chọc ghẹo phía sau lưng:

 _ " Ê, ê Bắc Kỳ ăn cá rô cây ..".

 Như một cái máy, không cần biết người nói đó là ai, tôi vung mạnh cái cặc-táp về phía sau và trúng mặt hắn, đang đứng ở bậc thang phía trên, tôi co chân đạp vào ngực, nó lăn xuống chân cầu thang và gẫy mất một răng cửa nên sau này có biệt danh là Th..sún. Tôi bị trình diện thầy Tổng giám thị và thầy Hiệu Trưởng Trương.

 Tuy mới chỉ học lớp đệ thất nhưng vì muốn được đuổi học nên tôi không sợ như trước mà cãi lung tung, nào ngờ .. đã không bị đuổi mà các thầy còn bắt trò Thanh xin lỗi và hứa không được kỳ thị nữa. Nhưng để duy trì kỷ luật, cả 2 chúng tôi bị "cồng-sin" với 2 hột vịt đựng trong hộp (0-0), sáng Chủ nhật vào trường ngồi học 4 tiếng.

 Kể từ sau ngày đánh lộn, tôi hết bị chọc ghẹo, chuyện kỳ thị Bắc-Nam không còn trong đám học trò, chúng tôi chơi thân với nhau hơn, nhờ đó, từ vị trí đội sổ, thứ hạng trong học bạ của tôi nhích dần lên và trụ lại ở hàng "top-ten", rồi đậu trung học, tú tài 1, tú tài 2. Nếu như ở môi trường khác, không có tình thương và kỷ luật nghiêm minh thì có lẽ tôi đã trở thành đứa trẻ bụi đời ở bến tầu 6 kho Khánh Hội rồi, làm sao có được niềm hãnh diện là cựu hoc sinh Pétrus Ký để viết lại những kỷ niệm này.

 Con xin cám ơn thầy Hiệu Trưởng, thầy Tổng Giám Thị và tất cả các thầy cô đã dạy con trong 7 năm trời, xin kính dâng một nén nhang lên quý vị đã quy tiên, xin kính gửi lời chào, thăm hỏi và nhắc đến những thầy cô mà đã hơn 50 năm vẫn chưa quên.

 Thầy Pháp Văn Phạm văn Ba là giáo sư tôi sợ nhất trong số các thầy cô mà tôi được học vì lý do tôi rất dốt môn này, nhưng nhờ con trai của thầy là Phạm thượng Chí (Chí Tây lai) khuyến khích tôi học thêm Pháp văn tại gia mà sau này tôi khá hơn, biết chia vẹc-bờ  "ira, irong, irê", tuy nhiên khi tôi vẫn không hiểu tại sao cái cà-vạt của ông Tây là giống cái "La", còn cái "sắc" bà Đầm cầm thì lại là giống đực "Le""

Một kỷ niệm khó quên với thầy Ba mà có lẽ nó ảnh hưởng đến tính nết tôi sau này khi thày bảo tôi dịch câu "table libre" ra tiếng Việt, mặc dù hiểu nghĩa "table" là cái bàn, còn "libre" là tự do, nhưng không biết dịch ra tiếng Việt sao cho xuôi tai. Không lẽ lại dịch là "cái bàn tự do"! Nghe tôi trình bày, thày nhíu mày nói:

_ "Sao trò tối dạ thế, "cái bàn tự do" là cái bàn còn trống, chưa có ai ngồi, người nào muốn ngồi vào thì cứ tự do, có thế thôi mà..".

Quả thực là tôi tối dạ và cho mãi đến bây giờ vẫn thế! Có phải vì tối dạ mà tôi rủ Phạm thượng Chí con thầy vào K.19 Võ Bị rồi nó đi ND và hy sinh vì TQ!

 Môn Anh Văn có thầy Đồ và thầy Thái, thầy Đồ không cho học sinh nói tiếng Việt trong giờ học, thầy luôn luôn nhắc nhở: "If  you want, put your hand  up". Mới chỉ bập bẹ "what is this" This is Jack, Jack is a boy, boy is a person, person is not a animal" thì làm sao biết nói bằng tiếng Anh câu muốn hỏi, thôi dành im lặng và vì thế cho đến nay tôi vẫn nói tiếng Mỹ bằng tay.

Thầy Thái thì lúc nào đầu tóc cũng chải láng coóng, sắc diện luôn "hồng hào", học trò của thầy phải viết lại tất cả những danh từ ở sau cuốn "6-bleu" và phần phiên âm quốc tế cong queo rồi thêm nghĩa tiếng Việt vào cho thành cuốn tự điển của mình!

 Dạy Sử Địa có 4 vị là cô Sâm hiền lành dễ thương, cô Thiên Hương trẻ đẹp, cô (bà) Dung không bao giờ cười, trò nào lên bảng cầm cục phấn vẽ con sông từ cửa sông trở lên nguồn là cô cho ăn hột-zịt muối. Khi phát bài thi, cô luôn gọi từ điểm thấp lên cao nên các trò hồi hộp ngồi chờ mong cô gọi tên mình cuối cùng.

Thầy Lê trọng Phỏng còn rất trẻ và phong lưu với áo sơ-mi gài mang-sết, thắt cà-vạt và đi cái xe đạp có vành cong-cong! Thầy chạy phía trước, trò thầy đạp xe theo sau trên đường Hồng thập Tự để xem cái bành xe sau của thầy "lắc lắc" thật dễ thương.

 Thầy Tạ-Ký và thầy Thái Chí dạy Việt  Văn, một lần trước giờ học của thầy Ký, tên Nguyên xuân Thanh (vần nó) vẽ trên bảng đen một bao gạo với chữ "100 kg" thật to, khi vào lớp thầy đứng ngắm bao gạo rồi lắc đầu mỉm cười mà không thèm hỏi thủ phạm là ai, chắc hẳn là thầy hài lòng với lối khôi hài của đám học trò quỷ quái.

 Thầy Thái Chí rất yêu trò và thương chó, thầy ở độc thân trong một villa cũ kỹ gần trường trung học kỹ thuật Cao Thắng, khi chúng tôi đến thăm thầy thì thấy có quá nhiều chó mèo, thức ăn và đồ phế thải vung vãi khắp nơi, môi trường không được thơm tho nên vài trò có ý định "heo" thầy một tay, bèn hỏi:

 _ "Sao không có ai dọn c .. vậy thầy""

 _ " Tao mà dọn những thứ đó thì ai soạn bài để dọn cái đầu tụi bay""

 Câu hỏi vô duyên của trò được thầy giải đáp quá là văn chương và thâm thúy, lúc đó tôi không biết lý do tại sao thầy sống độc thân mà lại nuôi nhiều pet, nay thì tôi hiểu và chắc nhiều trò ở vào tuổi 60 cũng muốn theo gương thầy cũ, vì trong đặc san P.ký 2000, cô (bà) Phượng có viết một đoạn như thế này:

 _ "If your dog is barking at the back door and your wife is yelling at the front door, who do you let in first""

_ " The dog,  of course, he will shut up once you let him in".

 Quả là chí lý, không ai hiểu nhau bằng chính các chị.

Hành lang nối liền văn phòng trường và phòng họp giáo sư

 Lý-Hóa có thầy Đảnh và Đính, cả hai còn rất trẻ và đẹp-zai, hình như mới tốt nghiệp từ trường bên cạnh (đại học sư phạm). Thầy Đảnh thì tóc tai mượt mà óng ả, miệng lúc nào cũng "toe-toét" cười, còn thầy Đính thì mốt hơn, mái tóc bồng bềnh, đôi bốt cao-cao, nghiêm nghị hơn, trò nghe tiếng giầy của thầy kêu "cộp-cộp" ngoài hành lang là ngưng đánh cờ ca-rô ngay, nếu để bị bắt thầy sẽ hỏi "H-O2" là chất gì" Trò nào nhanh nhẩu đoảng thưa thầy đó là Nước (H2O) là được ăn trứng ung ngay. Thú thật cho đến giờ này tôi cũng không biết "H-O2" là cái giống gì

 Thầy Bích, thầy Giỏi, thầy Quý, thầy Sum lo về thể chất, nhờ đôi bàn tay "nâng banh" chính xác nên thầy Bích tuyển tôi vào đội bóng chuyền, đấu với Dược khoa thua liền 3 séc. Đội tuyển đá banh của thầy Giỏi có Tam-Lang phòng thủ, Duy-Toản trung phong còn tôi thì nhờ kinh nghiệm lúc trước leo cửa sổ, trèo tường nhanh để trốn học giờ Pháp Văn nên thầy cho tôi chạy "biên ngoài" để lượm banh.

 Vị thầy đáng kính và quan trọng đối với lớp B chúng tôi là thầy Nguyễn văn Binh, thầy không giảng lý thuyết, cũng không bắt học trò trả bài, nhưng trò nào cũng phải cố gắng hết sức, phải giải cho được những bài toán ở trang sau cuốn "bốt-xê".

 Vừa vào lớp là thầy gọi một trò lên bảng giải bài toán mà thầy đã cho tuần trước, nhiều khi gặp bài toán khó, cả thầy lẫn trò cùng bóp trán suy nghĩ, thầy thật bình dân cùng trò tranh luận đúng sai, cuối cùng, nếu không có lối thoát thì lúc đó thầy mới mang bửu bối ra; Đó là tập tài liệu phương pháp giải những bài toán khó do thầy biên sọan rất công phu và dự tính sẽ in thành sách sau này.

 Ban B thì toán quan trọng nhất, hệ số 3, trúng bài toán coi như đạt 50% đoạn đường, học với thầy Binh không có vấn đề trúng tủ, vì thế kỳ thi tú tài 1B năm 1961, học trò lớp đệ nhị B1 của thầy đậu 95%.

Đậu bình và bình thứ là những tên: Trương bá Hùng, Trương trung Nguyên, Trương quang Tuấn, Cao thanh Tòng, Lê quan Trường, Phan ngọc Khải, Trần xuân Kiêm, Bùi vĩnh Thạnh v.v..

Đậu hạng thứ gồm có: Tô văn Cấp, Lê đình Điển, Đinh văn Hơn, Ngô duy Khiêm, Lý chi Lan, Lý Trần tôn Thân, Lê văn Kiệt, Nguyễn thành Tư, Phan chi Hảo, Trần xuân Lộc, Nguyễn hữu Nhất, Đoàn văn Chấp, Đinh văn Hòa, Phạm đức Hòa, Nguyễn tấn Hưng, Trần văn Quây, Lâm trường Thương, Đặng chiếu Điện, Nguyễn võ Kỵ, Lý thành Phương, Trịnh Thành, Lê văn Chiểu, Võ thạnh Thời, Huỳnh văn Ngày, Hoàng-luyện-huỳnh-hữu-duy-Toản v.v..

 Chỉ còn nhớ được bí nhiêu thôi, trong số người kể trên, có tên đã ra đi, người còn lại thì đang "từng bước từng bước thầm" không cần chờ "người yêu đến" mà từ từ tiến đến mục tiêu cuối cùng! Ước chi gặp nhau để ôn chuyện cũ. Nếu không, xin hẹn tất cả về tề tựu đông đủ vào niên khóa 20055-56, kỷ niệm 100 năm nhập học lớp đệ thất B1 (55-56) dưới mái trường Lycée Pétrus Trương vĩnh Ký, viết tắt là L.P.K.
        Cháu chắt cụ Gia-Long thường trù ẻo L.P.K là "Lũ phơi khô", tưởng nói chơi cho vui, nào ngờ độc mồm độc miệng ngày nay đã trở thành sự thật, tuy mới bước vào tuổi lục tuần thôi mà trò P.Ký nào cũng khô như .. cá mắm, khô kể cả thể chất lẫn tình cảm. Kẹt ở chỗ cụ Ký, cụ GL lại kết thông-gia nên nếu chúng tôi bị "khô khan" thì không phải lỗi ở chúng tôi, thiệt hại chung chớ riêng một mình ai đâu!

Đứng dựa lan-can trên lầu, chỗ ngày xưa chúng tôi vẫn dựa trong giờ ra chơi, nhìn qua dẫy lầu đối diện, nhìn xuống sân trường, những bộ đồng phục áo trắng quần xanh đi đâu cả rồi" Một toán em nhỏ quàng khăn đỏ đang tập múa hát theo bản nhạc "Sóc-măm-Bô", bản nhạc tôi quá quen thuộc trong những ngày ở núi rừng Việt Bắc khiến tôi không còn hào hứng thâu và chụp những tấm hình như dự định. Đi xuống lầu, vòng ra cửa sau, cái cửa mà 50 năm về trước chúng tôi chen chúc xô đẩy tranh nhau mỗi khi tan trường.

Bẩy năm ra vào cổng này mà nay tôi không còn nhận ra đâu là đâu! Tứ bề bị bịt kín bởi những căn nhà lầu của công nhân viên ("), không còn nhìn thấy khu trường đại học, trường Chu văn An (cũ), không thấy thư viện Quốc Gia, sân vận động, bãi dất trống nơi các "vận động viên" của thầy Bích tụ tập ngốn bò khô, đổ xí-ngầu-lắc, uống nước mía, nước đá nhậng. Các bạn còn nhớ nước đá nhậng là gì không" Nước đá bào thật nhuyễn, nhận vào ly cho chặt, nhỏ vào đó vài giọt xi-rô đỏ, vừa đi vừa mút là chúng ta có được đôi môi mọng đỏ, đâu cần phải len lén bôi tí son lên môi khi đi học.

Bức tượng ( hiện nay ) không phải là Tượng cụ Trương Vĩnh Ký nữa .

 Hai hàng cây sao cao vút vẫn còn (may quá)! Vẫn thả những cánh hoa xoay chong chóng, nhưng những dẫy nhà để xe đạp của học sinh không còn nữa mà là những dẫy nhà lầu của ai ("). Từ  những hàng cây sao vào tới chân tường các lớp học ngày xưa thì nay nhu bãi hoang với vài mái tôn ngả nghiêng trên những cọc gỗ siêu vẹo!

Nhớ lại khu vưc để xe, ngày xưa đa số là xe đạp, loáng thoáng một vài xe mobylette, solex, sash, torpedo, chưa có xe honda, đây là nơi giải quyết ân oán giang hồ, trò Bê.Ka thế cô phục kích "lũ ác ôn", kẻ yếu trừng trị kẻ mạnh. Chỉ một cây kim băng thôi, đi nhẹ một đường "nhất kim chỉ" là có quyền nhếch mép mỉn cười nhìn địch thủ nhăn nhó đẩy xe đi vá. Thế võ này gọi là "vê-lô xì-lốp" được mang từ Liên Sô về.

Bây giờ họ không cần nhà để xe nữa, tận dụng lề đường mặt tiền nhà trường làm bãi .. để xe, còn bộ hành, khách đi đường thì phải đi dưới đường là đúng rồi chớ tại sao lại đi trên vỉa hè" Kách (cái) mệnh là như thế!

Trước khi trở về thăm trường, trí tưởng tượng của tôi vẫn là ngôi trường nguy nga nằm trên đường Cộng Hòa với những cậu học trò áo trắng quần xanh, mang trên nắp túi áo "anh-xin" bản đồ nước Việt Nam, cây viết và văn bằng cuốn lại, đẹp hơn huy hiệu hình hoa mai vàng ..  nhiiiiiêù. Những hình ảnh quen thuộc đáng yêu làm tôi háo hức nôn nóng phải về thăm trường cũ như đứa con xa nhà lâu ngày mong về thăm cha mẹ hay lãng mạng một tí, cậu P.Ký đi du học Mỹ mong về để thăm người yêu.

Nhưng thật buồn như khi người thân đã mất, trường mẹ bị bệnh nan y! Thực ra ai cũng đoán được điều đó nhưng mong quá hóa ảo.

Kính thưa quý thầy cô, thưa các huynh trưởng cùng các bạn đồng môn, có nhìn tận mắt mới thấy xót xa và sự phục hồi sức khỏe cho trường Mẹ là cần thiết. Những ai đã từng dậy và theo học tại ngôi trường này, dù lâu hay mau, dù thành đạt hay chỉ là những công nhân, quân nhân, dù xu hướng chính trị có khác nhau nhưng mọi người đều phải có trách nhiệm ít nhiều về cái tên trường trung học Pétrus Trương vĩnh Ký.

Một lời kêu gọi nhiều người hưởng ứng, một chữ ký đòi lại tên trường sẽ có ngàn ngàn chữ  ký tiếp theo, cho dù người đối thoại với chúng ta mang máy trợ thính với cái nút nghe luôn luôn văn về OFF, nhưng rồi có lúc máy nghe hết pin, chắc chắn trong tương lai, chúng ta lại được gọi tên Người. Lúc đó thầy mang hộp sơn, trò cầm cây cọ, chúng ta cùng về vẽ lại bảng tên, sơn lại mái trường.

Một tập thể chỉ có cựu học sinh P.Ký, không có ông nọ bà kia, không có anh Năm chị Sáu, không có ông trưởng bà phó, chỉ có tiếng kêu cứu của Thầy và Trò thì sẽ vọng lên tới Thiên Đình. Tin tưởng vào lòng người, nào xin mời quý thầy và đồng môn:

_ "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, lên đường tươi sáng, ta cùng đồng lòng điểm tô ..non sông & trường xưa".

Lời cuối xin quý thầy cô và đồng môm tha thứ  cho những lầm lỗi và thiếu sót, xin gởi lời thăm và nhớ lại "những ngày xưa thân ái".

Viết thêm: Bài này đã được đăng ở đặc san P.Ký 2005 Nam CA, nhờ vậy một số bạn cũ đã đọc và liên lạc với người viết. Nhân dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong 5-2006, anh chị Cao hoàng Anh cùng 2 cháu gái từ San José, anh chị Ngô minh Quang từ Phoenix Az, anh chị Nguyễn xuân Thanh từ Oklahoma cùng về Little Saigòn gặp Tô văn Cấp. Gần nửa thế kỷ trải qua bao sóng gió nay gặp lại nhau không còn gì cảm động bằng! Tất cả  "mày-tao" và cùng nói, nói nhiều như đám trẻ mà không để ai nghe, những trò P.ký đều được nhắc đến tên  trong dịp này.

Xin các bạn nối nhịp cầu qua các địa chỉ email sau đây:
1/ Cao hoàng Anh: Chanh42@yahoo.com
2/ Ngô minh Quan: Quango41@intergate.com
3/ Nguyễn ngọc Tư: Tungocnguyen20@yahoo.com
4/ Tô văn Cấp: Lecaliboy@aol.com
5/ Phan thanh Long: Thanh.long@wanadoo.fr
6/ Nguyen thanh Tu (Tuti): Tunguyenttt@hotmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.