Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (Tiếp Theo...)

28/07/200800:00:00(Xem: 3028)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Anh mặc bộ quần áo nâu, tuy cũ nhưng không có miếng vá nào; khác biệt với đại đa số tù, thường mặc là loại vải mầu xám xậm mà trại phát. Đặc biệt anh có đôi mắt lươn. Khi anh nhìn, tôi cứ tưởng như anh đang lim rim mơ màng. Cầm đĩa sắn, anh hơi ngập ngừng nhìn tôi:

- Anh thích ăn sắn lắm hả" Anh có ăn được nữa không"

Trời, sao lại hỏi lạ lùng như vậy. Tôi muốn nói là tôi còn thích hơn ăn cơm nữa ấy chứ! Nhưng tôi cũng hơi ngượng và chưa hiểu hết ý của anh nên cũng ngập ngừng, chậm rãi:

- Nhưng đó là phần của anh!

Anh nhìn tôi vẫn đôi mắt lim rim, rồi đặt ngay đĩa sắn vào cái rổ của tôi, nói kiểu coi pha cuộc đời:

- Tôi không ăn, anh thích thì cứ ăn. Tôi đã ăn sắn quá nhiều rồi!

Giọng anh nằng nặng của miền Nghệ An. Anh nói rồi bỏ đĩa sắn đấy đi luôn vào buồng. Tôi đang đắn đo thì Toàn đã nói nhỏ:

- Anh cứ ăn đi, Lê Sơn đấy! Anh ta vẫn không thích ăn sắn.

Tôi đang muốn hỏi "vậy anh ta ăn bằng cái gì" thì thoáng thấy tên cán bộ trực trại và tên Tân từ phía nhà trật tự bên cạnh nhà bếp, rảo bước đi lên, rồi vào buồng số II của chúng tôi. Mọi người ở sân, kể cả tôi và Toàn đều ngạc nhiên nhìn theo với những đôi mắt dè dặt, lấm lét. Mới mấy phút, tôi chưa kịp hỏi Toàn thì đã thấy một anh chừng 25 - 26 tuổi, da trắng trẻo, nét mặt đăm đăm ôm chăn và chiếc chiếu từ trong buồng đi ra. Tên Cẩn theo sát phía sau, rủng rẻng lắc chùm chìa khóa. Tôi chợt nhớ ra anh bạn này, người đã phát biểu "xin cảm ơn đảng cho soong cơm đầy" bữa chiều, lúc chia cơm hôm qua.

Tôi đã dõi nhìn theo bóng chiếc áo vàng của tên cán bộ Cẩn và túm chăn chiếu đi trước y, về phía cuối nhà số III; chỗ có một căn nhà nhỏ làm thụt vào gần phía hàng rào cấm của trại. Tên Tân nhận chùm chìa khóa từ tay tên Cẩn chạy lên trước, đến căn nhà đó mở cửa. Tôi quay lại nhìn Toàn như hỏi han, thì Toàn chỉ khẽ nói:

- Nhà kỷ luật!

Tôi còn định hỏi Toàn tiếp là anh ta tên gì và bị bắt vào tù vì tội gì v.v… Nhưng tôi thoáng cảm thấy một vấn đề: tại sao, từ tối hôm qua, đến sáng hôm nay, ai đã báo cáo cho cán bộ đã vào đưa anh ta đi cùm" Giòng liên tưởng của óc tôi cứ trôi mãi: vì sao mà nhiều người chỉ lấm lét nhìn tôi mà không ai dám đến trò chuyện" Vì sao bên ngoài thì máy bay Mỹ bắn phá như thế. Trong Nam thì trận chiến đang khốc liệt, thế mà từ hôm qua đến nay không có một ai, kể cả Nguyễn Huy Lân, Phan Thanh Vân; không hề một ai tò mò nhắc đến" Hầu như mọi người chỉ nói chuyện sinh hoạt, ăn, ngủ và lao động"

Bao nhiêu vấn đề, trong cái không khí ngột ngạt, đầy đe dọa này. Trong cái mớ bòng bong câm lặng nhiều hố tối, rồi đây tôi sẽ phải tìm hiểu. Mới có hơn một ngày mà ngay cả tôi cũng đâm ra dè dặt với cả mọi người. Bao nhiêu những hiểu biết, bao nhiêu những cái tai nghe, mắt thấy. Mỗi người đang buộc chặt, câm nín, đè ép lại trong lòng. Còn một điều nữa càng làm cho tôi phải dè dặt, thận trọng. Buổi tối hôm qua, lúc tôi đang nói chuyện với anh Lân và Vân; ở mãi góc sàn trên phía đối diện, có một cậu còn rất trẻ, bộ mặt rất hiền lành. Tôi bắt gặp nhiều lần ánh mắt của cậu ta nhìn tôi: nửa như tò mò, nửa như thiện cảm. Sáng nay, trong lúc mọi người đang chạy ra, chạy vào lúc điểm xong, cậu ta đã đi sát vào người tôi nói nhỏ:

- Anh hãy coi chừng thằng Toàn!

Nói rồi, cậu ta đi luôn, để tôi cứ thỉnh thoảng phải để ý theo dõi cậu ta. Dù tôi chưa hề biết gì về cậu ta, ngay cả tên và tuổi.

Mải nghĩ suy về cảnh đời tù, tôi cảm thấy cả sân và hội trường đã thưa vắng hẳn người. Tôi nhìn lại Toàn thì cậu ta cũng đã đi từ lúc nào. Vội vàng, tôi mang chiếc rổ chiếc đĩa nhôm của anh bạn Lê Sơn đi vào buồng. Thì cũng là lúc một hồi kẻng nữa, từng tiếng một lại rền vang trong sương sớm. Đã bước gần vào tới cửa buồng, tôi còn ngoái lại liếc lên chòi gác phía cổng trại. Trong căn chòi nhỏ, thấp thoáng một tên bộ đội vũ trang đang cầm chiếc búa con, giang thẳng cánh, thong thả đập vào cái vỏ quả bom 50 kg treo lủng lẳng trong chòi. Cũng là lúc từ các buồng, tù nhân túa ra ngoài sân như vỡ tổ kiến càng.

Trong khi mọi người đổ xô ra thì tôi lại chen vào. Nhét vội cái rổ và chiếc đĩa nhôm lên cái kệ phía đầu giường rồi chạy ra.

Chương Chín: BUỔI LAO ĐỘNG BAN ĐẦU

Chỉ 2 phút sau, người đã ngồi xếp hàng kín cả sân trại. Mỗi toán được xếp hàng đôi và ngồi dọc theo chiều dài. Tôi lướt nhìn, đến gần một chục toán, họ ngồi im phăng phắc. Thoáng thấy Toàn, Vân, một số người quen mặt ngồi trong hàng và nhất là trông thấy Nguyễn Huy Lân đang đứng ở đầu toán, tôi bước đến người ở phía sau. Tôi nghiêng người khẽ hỏi một anh ngồi bên:

- Sao kẻng tập họp đi làm sớm thế, bây giờ là mấy giờ"

Quay lại, anh nói rành mạch:

- 6 giờ rưỡi, kẻng tập họp để 7 giờ thì xuất trại.

Tôi không hỏi anh nữa, nhưng trong lòng tôi đang nghĩ ngợi: 5 giờ báo thức. Như vậy, chỉ có 1 giờ 30 phút mà bao nhiêu là việc, chả trách ai cũng nhanh nhẩu, nhớn nhác chạy như ma đuổi. Có nhiều con mắt nhìn về phía tôi, thậm chí nhiều người ngồi mải hàng trên còn ngoái lại. Có thể vì tôi là người tù mới đến trại. Hơn nữa, tôi vẫn còn mặc chiếc quần tergal mầu vàng và cái ruột áo bông còn tốt mà các cậu Phúc Thổ, Thọ Lột, Tiến Ga v.v… ở dưới Hỏa Lò đã trang bị cho. Loại quần áo này, làm khác hẳn với quần áo mầu xám xịt, hoặc nâu đất của anh em toàn trại. Bên ngoài cổng, một lũ công an vũ trang mặc quần áo xanh lá cây, đeo súng dài cũng đang đứng xếp hàng đôi một loạt. Cạnh đấy, một lũ công an mặc áo vàng mà lúc này gọi là quản giáo, đang đứng tùm hụm phía trong cổng. Một lúc sau, có lẽ chúng trao đổi, hoặc nhận chỉ thị chung gì đó, mỗi tên tản ra đến gặp toán trưởng từng toán tù.

Nhìn Lân ôm một chồng sổ sách đang đứng báo cáo với một tên cán bộ ở phía góc sân; tôi dự đoán có lẽ y là cán bộ của toán 2, tức toán của tôi. Nhất là, thấy y cứ liếc nhìn về phía tôi, hẳn Lân đã báo cáo với y có tù mới nhập toán. Tuy rằng, là cán bộ y đã phải biết trước Nguyễn Huy Lân nhiều ngày. Y khoảng 4 chục tuổi, có cái đầu cắt ngắn kiểu Tăng Gô làm cho mặt y hơi chất phác, không có vẻ ác ôn, láu lỉnh.

Trời sớm, chợt sáng bừng lên. Lơ đãng, tôi đưa mắt nhìn về phía Đông, mặt trời đã ngoi lên khỏi rừng nứa đến 3 gang tay, làm cho mầu đỏ nét chữ của khẩu hiệu: "Vì miền Nam ruột thịt, bộ đội đổ máu nơi chiến trường, nhân dân đổ mồ hôi trên đồng ruộng" tươi rói lên, tương phản với cái nền mầu trắng của tờ giấy dài, dán lên tấm phên nứa che giếng nước của trại. Tấm biểu ngữ ngay trước mặt như đập vào mắt những toán tù đang ngồi xếp hàng. Trời mùa Đông, nhưng hôm nay trong xanh. Một vài vạt mây trắng nằm trải dài trên những ngọn nứa xa xa như đang cố muốn ngóc đầu lên, để nhìn xuống sân trại xem đám tù ra quân; xả thân lao động vì miền Nam ruột thịt.

Chừng 20 phút sau, tên Cẩn và một tên cán bộ vũ trang đeo lon thiếu úy. Mỗi tên tay cầm một cuốn sổ, tay cầm cây bút đứng sát hai bên phía cổng trại. Tên Cẩn bắt đầu gọi từng toán một. Mỗi toán khi gọi đến tên, đều đứng hết dậy, rồi theo hàng đôi tiến ra phía cổng. Khi toán ra hết khỏi cổng trại, toán trưởng của toán đó, đứng lại báo cáo to nhân số xuất trại của toán mình; nếu phù hợp đúng với số người mà 2 tên đang điểm; khi đó, ở bên ngoài cổng sẽ có hai tên vũ trang đã được phân công từ trước, tách ra khỏi hàng, đeo súng đi theo toán tù đó.

Toán 2 và 3 là hai toán làm việc trong khu thủ công cách cổng trại chừng 150 mét, vì vậy thường được gọi sau cùng. Lúc toán 2 ra khỏi cổng trại, Lân, lão cán bộ áo vàng quản giáo và hai tên bộ đội vũ trang đi sát liền phía sau. Ra đến bên ngoài, tôi lại nhìn thấy con đường đất đỏ mà ngày hôm qua tên Y đã dẫn tôi vào đây. Nhìn chéo phía trái, cũng vẫn lá cờ máu đang ngơ ngác trên ngọn chiếc cột là một cây muồng to thật dài sơn trắng. Phía bên trong là một khu nhà, trong đó có một cái nhà khá to, tuy cũng vẫn là gỗ với nứa. Bên ngoài, phía trước có nhiều chậu cảnh và những luống hoa dài mà tôi đã đoán từ hôm qua, đó là nhà của giám thị và bọn cán bộ coi trại.

Ngay phía bên phải đường theo một đường mòn khoảng dăm chục thước là một chiếc cổng bằng gỗ để mộc đã mốc đen xì vì mưa nắng. Bên trên là một chiếc biển đề: "Khu thủ công". Chiếc biển có lẽ đã mang nặng tuổi đời nên đã cong méo đi. Nét chữ đỏ nhiều chỗ sơn đã dộp lên như gỗ mục lâu ngày đang mọc nấm mèo.

Khi toán 2 đã vào hết trong sân khu thủ công, vẫn phải đứng xếp hàng đôi ở giữa sân. Anh Lân toán trưởng đi từ đầu toán xuống đến cuối, miệng lẩm bẩm, mắt nhìn từng đôi một. Sau đó, anh quay lại, tiến đến đứng nghiêm trước hai tên vũ trang, từ nãy vẫn đứng chờ ngay phía cuối toán:
- Báo cáo cán bộ, toán 2 điểm số 49 người, đủ!

Hai tên cùng lạnh lùng gật đầu. Bấy giờ toán mới tản mác , mỗi người chạy về cầu bào chỗ làm của mình. Tôi đang nhìn theo tên quản giáo toán đi phía trước, Lân ôm chồng sổ sách quầy quả đi theo sau về phía một chiếc nhà con, đầu tôi chợt nghĩ: mới có từ trong trại ra đây chỉ hơn một 100 mét, thế mà đã phải điểm lại, báo số. Thật là một nguyên tắc giáo điều!

Vì chưa được phân bổ công việc, trong khi tên cán bộ toán và Lân chắc còn đang hội ý trao đổi hay báo gì đó trong căn nhà con. Hơn nữa, mỗi người mỗi việc chả ai nói gì đến tôi, cho nên tôi đi lang thang trong lán nhìn những cảnh lạ của cuộc đời mới lạ.

Một không khí lao động hùng hục, ai cũng luôn chân, luôn tay cưa, đục, đẽo; thấy tôi đi qua cầu bào chỗ họ đang làm. Thỉnh thoảng mới có một anh ngẩng lên nhìn tôi, hơi mỉm cười như chào, rồi lại cúi xuống say mê vào với công việc. Thấy Toàn đang mắm môi, gò lưng cưa một miếng gỗ dầy, tôi rảo bước tiến lại. Toàn ngừng tay, ngẩng lên vừa hỏi tôi vừa thở:

- Anh Bình chưa được phân về tổ nào à"

Tôi tươi mặt trả lời Toàn là chưa và tôi định hỏi làm như thế này thì có mệt lắm không. Nhưng Toàn đã lại gò người xuống, chồm chồm cưa rọc như bổ củi. Thấy vậy, tôi khẽ gật đầu chào Toàn vì tôi đã liếc thấy Phan Thanh Vân đang dạng hếch chân ra trên cầu bào, tay cầm chiếc dùi đục to tướng, đang vẹo người nện lấy nện để vào cái đục ở trong tay kia. Một tay ngoáy đục, một tay anh nện liên hồi, tôi đến kề bên mà anh vẫn không thấy. Chờ một giây, tôi đành cao giọng, lên tiếng vì tiếng đục, tiếng cưa vẫn cứ chan chát:

- Làm gì mà ghê thế" Chắc Vân đã quên ngày cầm càng lướt gió rồi à"

Vân ngẩng lên, mặt đỏ gay, chắc anh đang mệt. Một mắt của anh ánh lên hơi cười rồi liếc nhanh một anh bào soàn soạt ở cầu bào bên cạnh. Anh cố lờ ý nói đùa của tôi mà chỉ hỏi:

- Trước đây anh đã biết tí gì về nghề mộc chưa"

Vẫn giọng đùa cợt, tôi hỏi lại Vân:

- Thế ngày xưa Vân có biết làm mộc không"

Vân hơi nhếch mép cười rồi lại giơ dùi lên tiếp tục nện. Tôi cảm thấy rằng nhiều người không dám nói chuyện trong khi lao động. Nghĩ vậy tôi rảo bước sang chiếc lán nhỏ, chỗ có lò rèn và mấy bác già đan lát. Tôi rẽ ra một lối đi nhỏ, rồi bước lên hè của căn lán lò rèn. Ở đó, tôi thấy một số bác già đang cúi xuống, mải mê đan những chiếc giành. Tôi khẽ lách chân để đi qua, nhưng mấy bác đã lục đục đứng cả dậy hơi cúi đầu lễ phép:

- Xin chào cán bộ ạ.

Tôi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu. Chỉ vì chiếc quần tergal màu vàng của tôi. Hẳn rằng các bác đang cắm cúi làm việc, thấp thoáng thấy chiếc ống quần mầu vàng, nên họ mới lầm như vậy. Tôi vừa đặt tay nhẹ vào một bàn tay nhăn nheo của một bác, vừa nói:

- Cháu cũng là tù đây mà bác!

Bác già hơi mở to mắt, rồi mấy bác cũng vừa cười vừa ngồi xuống, còn ngoái nhìn theo tôi mãi. Tôi thầm nghĩ: "thì ra cái mầu vàng ở đây cũng có oai thực".

Chương Mười:

NHỮNG NGÀY ĐẦU TRONG LÁN THỦ CÔNG

Sau đó, tôi định bước vào chỗ mấy ống bễ, thì phía lán của toán 2 đang ầm ầm những tiếng nói to như cãi nhau. Tôi vội vàng trở về lán vì cũng nhác thấy tên cán bộ toán và Lân đang từ trong buồng con đi ra và đang tiến về chỗ đám cãi nhau.

Một đám đông, độ mười mấy người trong đó có cả Phan Thanh Vân, Bùi Tâm Đồng cạnh chỗ một đống to vỏ bào ở góc sân. Có hai người đang đỏ mặt tía tai giằng co mấy tấm ván gỗ. Khi tên cán bộ đến, thì hai anh này đều bỏ tấm ván xuống rồi tranh nhau báo cáo. Tên cán bộ mặt đanh lại, chỉ vào người có dáng mảnh khảnh (sau này tôi mới biết tên anh là Châu), cho báo cáo trước. Anh Châu, tuy đã tỏ ra lễ phép nhưng vẫn còn toát ra nỗi uất giận trong giọng báo cáo:

- Báo cáo cán bộ, những tấm ván này, mấy hôm trước anh Lân toán trưởng đã phân về cho tổ chúng tôi. Chúng tôi chưa kịp lấy về thì tổ anh Vân hôm nay đã cho người ra khuân về.

Anh kia, người lùn tịt, hẳn là ở tổ Vân, cũng hấp tấp báo cáo:

- Thưa ông cán bộ, anh Châu đã nói không đúng, những tấm ván này, ngay từ tuần trước, tổ chúng tôi đã mất thời gian chọn lựa từ trong đống gỗ ra. Chúng tôi đã sắp xếp chuẩn bị từng khâu theo kế hoạch lao động của tổ chúng tôi.

Tên cán bộ nhăn mặt lại, dõng dạc giọng miền Nam:

- Bây giờ, không được ai dùng những tấm ván này. Tất cả hãy về chỗ, không được lãng phí thời gian trong lúc lao động.

Mọi người đều dãn ra, đâu trở về đấy, không còn một tiếng ho hay hắng dặng. Nhìn và nghe cảnh này, tôi cũng chịu. Có lẽ tôi không hay chưa hiểu nổi vì sao. Tôi đang định chuồn ra phía sau để tránh mặt tên cán bộ thì Lân đã trông thấy. Nhìn tôi, Lân cao giọng:

- Anh Bình lên cho cán bộ gặp!

Tên cán bộ liếc nhìn tôi như ý bảo theo y, rồi quay lưng lại đi về phía căn nhà con. Tôi lặng lẽ, chậm chạp đi theo phía sau y. Khi tới cửa, tôi ngừng lại, thì y đã chỉ chiếc ghế đẩu trước bàn của y rồi nhìn tôi nhẹ nhàng:

- Anh vào ngồi đây!

Y cúi xuống, lật qua mấy tờ ở tập sổ hay hồ sơ ở trước mặt, đoạn ngẩng lên nhìn tôi, thong thả:

- Anh tên gì"

- Dạ thưa, Đặng Chí Bình.

Y lại nhìn xuống cuốn sổ. Tôi liếc nhìn toàn bộ trong chiếc phòng con. Trong góc chỉ có một chiếc tủ con bằng gỗ mộc, một cánh khép hờ. Trên mặt tủ, một cành hoa giấy mầu vàng nhạt, chắc vì lâu ngày nên đã xỉn lại. Bên cạnh là một chiếc lọ mực Waterman cũ kỹ không có nắp. Trên vách, phía sau lưng y, tấm hình tên Hồ già dán vào vách nứa. Đôi mắt lão lờ đờ vàng kệch vì tấm tranh đã sờn mép. Bên dưới có khẩu hiệu viết tay: "Hồ chủ tịch muôn năm", nét chữ còn mới, rất mềm. Nhất là hai bông hồng hai bên vẽ thật tươi, đầy sinh động, nhìn như hoa thật. Tôi cứ lơ đãng nhìn hai đóa hồng, trong lòng thầm ca ngợi người họa sĩ thì y lại hỏi:

- Trước đây, anh có biết tí gì về nghề mộc không"

Câu hỏi giống hệt anh chàng Phan Thanh Vân, tôi vội trả lời:

- Thưa, tôi không biết!

- Anh có nghề gì"

Tôi vừa lắc đầu, vừa nói "không". Y hơi cau mày, hỏi tiếp:

- Vậy trước đây ở miền Nam, anh làm nghề gì"

Tôi định nói, tôi biết làm nghề thợ vàng, nhưng tôi trả lời:

- Trong Nam, tôi chỉ đi học!

Mặt y có vẻ hơi dịu lại. Chiếc môi xam xám của y hơi rung rung. Nhìn tôi có vẻ nhẹ nhàng, tay y gập tập sổ lại, nói với một giọng mà tôi cảm thấy chân thành:

- Hiện nay ban giám thị chiếu cố cho anh hưởng 15 kg chất bột một tháng. Anh phải ra sức tích cực cải tạo lao động, nghiêm chỉnh chấp hành mọi điều khoản nội quy trại đã đề ra; ra sức phấn đấu trong lao động và học tập tiến bộ. Bây giờ anh xuống gặp anh Lân, toán trưởng đưa anh về tổ anh Quý.

Qua dáng dấp, cách nói, cách nhìn của y, tôi cứ cảm thấy y tương đối có tấm lòng thẳng thắn, bộc trực của người miền Nam. Cho nên tôi cũng nhìn lại y bằng ánh mắt dìu dịu tình người trước khi chào y và đi xuống lán.

Vừa xuống đến lán, anh Lân từ một cầu bào phía đầu lán đã đi lại phía tôi. Sau khi tôi nói với anh là cán bộ phân công tôi về tổ anh Quý, nhưng anh tỏ vẻ như đã biết rồi. Anh vẫy tay tôi đi theo vào một căn nhà xép làm nối liền với lán về phía sau. Đi qua một cái giậu gỗ thấp, vừa bước lên mấy bực thềm tôi đã thấy anh Lê Sơn, người đã cho tôi suất sắn sáng hôm nay; chiếc đĩa nhôm của anh tôi vẫn còn giữ. Anh đang cúi khòm người xuống nền đất viết, kẻ một khẩu hiệu lên một miếng bìa mầu trắng vừa to, vừa dài. Đây đó những hộp sơn, những bút vẽ để bừa bãi. Chung quanh vách, trên bàn còn treo nhiều băng khẩu hiệu vẫn còn tươi mầu mực, chắc là đang để cho khô.

Lán phụ này tuy có hai gian, nhưng chỉ thấy có hai người làm việc. Anh Lân vào gặp một anh phía trong cũng đang lúi húi quét sơn, hay dầu bóng vào một cái đầu giường còn mới nốt bào. Thấy Lân đến, anh đó đã đứng lên, tôi hơi ngạc nhiên vì anh chỉ có một tay. Anh Lân chỉ tay về phía tôi, quay nói với anh đó vẻ đầy thân tình:

- Bình nó về tổ Quý đấy nhé!

Từ nãy tới giờ, tôi đang băn khoăn; sao tự nhiên hôm nay Lân đối với tôi có vẻ vồn vã, thân tình hơn thì Lân đã hạ thấp giọng làm tôi đã hơi hiểu:

- Như vậy là Bình cũng ở trong Nam ra à"

Nghe thấy thế, Lê Sơn và Quý đều liếc nhìn lại phía tôi, Lân vẫn vừa cười, vừa nói tiếp:

- Thấy cậu ăn mặc chỉnh tề, tưởng cậu là cán bộ hay sinh viên du học bị bắt chứ, ai ngờ!

Trong khi nói thế, mắt anh ta vẫn cứ nhìn trân trân vào chỗ hàm dưới thiếu mấy cái răng cửa của tôi. Lê Sơn, từ lúc tôi vào vẫn cặm cụi tô vẽ, bây giờ đứng hẳn lên niềm nở, vẫn giọng Nghệ An nặng chình chịch:

- Hay quá, đang bù đầu, vào đây làm với anh em mình cho vui.

Khi Lân đã quay ra, trở xuống lán mộc thì anh Quý nhìn tôi nói nhỏ nhẻ, tuy cũng giọng miền Trung:

- Bình được vào tổ này là hay đấy! Đây là tổ vernie chỉ có tôi và Lê Sơn. Khi nào công việc nhiều thì mới gọi thêm người phụ, bình thường chỉ có hai người, nên văn nghệ lắm; không rắc rối, sinh hoạt như những tổ khác.

Nhìn thoáng qua công việc làm, tuy không phải năng khiếu của tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy thích thú hơn là đi học mộc. Hơn nữa, thấy hai người tính tình cởi mở, gần gũi đã làm giảm hẳn nỗi nặng nề, lắng lo trong lòng tôi lúc mới bước chân vào khu thủ công này; cho nên tôi cũng tỏ sự chân thành:

- Những việc này tôi chưa hề biết làm, mong các anh chỉ dẫn dần dần cho.

Lê Sơn chỉ bức khẩu hiệu đang kẻ dở dưới sàn hỏi tôi:

- Những chữ này chắc anh kẻ, viết thừa sức"

Tôi đang nhìn chăm chú một cành hồng tươi roi rói, còn thắm au lên mầu mực mới. Những chiếc lá uốn éo, mềm mại tự nhiên, những cánh hoa lả lướt lung linh làm tôi cảm thấy như có làn hương ngan ngát, thoang thoảng của một cành hồng nở rộ đón Xuân sớm. Cho nên khi nghe câu anh hỏi, tôi chỉ lắc đầu và hỏi lại anh một cách trầm trồ:

- Thế hai đóa hồng trên buồng ông cán bộ cũng do anh vẽ đó ư"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.