Hôm nay,  

Tội Ác: Những Nét Chữ Tố Cáo Thủ Phạm

17/06/200800:00:00(Xem: 2810)
Đa số việc kiểm soát tang chứng bình thường được tiến hành qua cách so sánh bằng mắt, đôi khi dùng thêm một kính hiển vi đơn giản để phụ vào. Nhưng này nay có những máy móc, dụng cụ tối tân khác, có thể giúp các chuyên gia pháp y nhìn thấy nhiều chi tiết hơn xưa. Đôi khi có những chi tiết bất ngờ nhất, mắt thường không thấy được, nhưng sau khi chạy qua máy, sẽ biến thành các chi tiết rất rõ ràng, và giúp nhà chức trách có tang chứng để tóm cổ thủ phạm, như các trường hợp điển hình dưới đây.

Hai anh em Arthur và Nizamodeen Hussein có lẽ sẽ rất ngạc nhiên khi họ được biết, ngay cả sau khi họ đã thủ tiêu xác nạn nhân không còn một vết tích gì, thế mà cuối cùng họ vẫn bị bắt và buộc tội sát nhân, với bằng chứng... chỉ là một tờ giấy trắng!

Vào ngày 29/9/1969, bà Muriel McKay, vợ của viên phó chủ tịch báo News Of The World, xuất bản tại Luân Đôn, Anh Quốc, bị bắt cóc từ nhà bà tại vùng Wimbledon. Sau khi tra lục số xe của hai tên bắt cóc bị nhân chứng ghi lại được, cảnh sát bắt giữ hai anh em bị tình nghi đã tiến hành vụ bắt cóc là Arthur và Nizamodeen Hossein. Khi khám trang trại ở vùng quê của họ, nhà chức trách tìm thấy một cuốn tập học trò. Cuốn tập được giao cho một chuyên gia dấu tay, và người này đã có thể chứng minh được rằng, nét chữ trên lá thư viết tay đòi tiền chuộc mạng cho Alice Mckay hoàn toàn trùng với những dấu ấn chìm trên mặt một trang tập học trò mặc dù trang giấy này hoàn toàn trắng tinh.

Các chuyên gia còn có thể chứng minh, bằng cách so sánh qua kính hiển vi, các đường kẻ, rìa giấy bị xé, và vị trí lỗ bấm giấy, cho thấy là tờ giấy đòi tiền chuộc mạng đã được xé ra từ cùng một cuốn tập.

Mảnh giấy trắng kể trên, cùng với một vài bằng chứng liên đới khác, đã đủ để kết tội hai anh em Hussein. Kết quả, Arthur và Nizamodeen Hussein bị án tù chung thân suốt đời, với tội danh đã bắt cóc và thủ tiêu bà Alice Mckay.

BỊ ĐƯA ĐI TREO CỔ

Khoảng 40 năm trước, William Henry Podmore cũng bị đưa đi treo cổ vì một bằng chứng tương tự. Vào tháng Giêng năm 1929, người ta tìm thấy thi thể bầm dập của cô Vivien Messiter nằm trên sàn của kho tồn trữ xăng dầu Wolf's Head tại thành phố Southampton, Anh Quốc. Các thám tử đến điều tra và tìm thấy một cuốn sổ biên nhận, trong đó chín trang đầu đã bị xé ra, bỏ trống. Tuy nhiên, trên trang thứ 10, người ta còn nhìn thấy khá rõ dấu ấn chìm của nét chữ viết tay từ trang thứ chín hằn lên, nội dung như sau: "28/10/1928. Công ty Cromer & Bartlett đã nhận từ công ty Wolf's Head Company tiền huê hồng bán 5 gallon dầu, với giá 6 Shilling, huê hồng là 2 Shilling. Người nhận: W. F. Thomas".

Sau khi soát lại, cảnh sát nhận ra công ty Cromer & Bartlett chỉ là một công ty ma, không có thực trên thương trường. Như thế ai cũng có thể  rút ra kết luận là có ai đó đã bòn rút tiền huê hồng từ công ty dầu bằng cách giả bán xăng cho công ty ma trên giấy tờ!

Nhà chức trách so sánh chữ ký W.F. Thomas với chữ ký của một người tên William F. Thomas tìm thấy trong một tấm đơn cất trong nhà trọ của cô Vivien Messiter. Đây là một đơn xin việc như là một người bán hàng cho công ty Wolf's Head.

Mặc dù Thomas đã dọn nhà khỏi địa chỉ để trong đơn khá lâu, nhưng cảnh sát vẫn truy tìm được tông tích của nghi can đến tận địa chỉ mới tại Liverpool. Tại đây nhà chức trách khám phá, tên thực của hắn là William Padmore.

Trong phiên tòa xử vụ án mạng cô Vivien Messiter tại Winchester Assizes, các chuyên viên pháp y đã có thể làm nổi rõ những dòng chữ chìm vô hình trên tờ hóa đơn trống số mười, bằng cách chụp ảnh nghiêng tấm biên lai và bóng đổ của thành nét chữ tự động nổi đen rõ lên, để chứng minh trước tòa, William đã gạt cô Messiter bằng cách khai là đã bán xăng cho một công ty không hề có thực là Cromer & Bartlett. Do đó, với những bằng chứng khác, y bị kết tội thủ phạm đã giết cô.

NÉT CHỮ VÔ HÌNH HẰN TRÊN GIẤY

Hai thí dụ kể trên trình bày một cách ngoạn mục một trong những kỹ năng tài tình của các chuyên gia về hồ sơ, giấy tờ, đó là kỹ thuật làm rõ những nét chữ "vô hình" in hằn trên mặt giấy. Kỹ thuật phân tích và nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ ở mức đơn giản, là một trong những kỹ thuật xưa nhất của ngành khoa học pháp y.

Ngay từ thời cổ La Mã, các bộ luật hình sự có điều khoản cho phép chấp nhận bằng chứng so sánh nét chữ viết tay trước tòa án. Tuy nhiên, chỉ đến thế kỹ thứ 19, khi khoa học tiến bộ hơn, và các nhà khảo cứu tìm ra những phương pháp xác minh thật khách quan và đáng tin cậy, lúc đó ngành khoa học phân tích, nghiên cứu giấy tờ, tài liệu để tìm bằng chứng mới bắt đầu được luật pháp chấp nhận một cách nghiêm chỉnh tại Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Thật sự, mặc dù trước đó nó đã được dùng như bằng chứng để kết án tội phạm trước tòa ở Mỹ, nhưng mãi đến năm 1913, các cuộc tranh luận sôi nổi về việc dùng nét chữ làm bằng chứng trước tòa có đáng tin cậy hay không mới được giải quyết dứt khoát, khi quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật cho phép chấp nhận bằng chứng so sánh nét chữ viết tay trước tòa.

Những trường hợp thông thường nhất cần đến kỹ năng của một chuyên gia so sánh nét chữ là khi người ta nghi ngờ có một nét chữ là nét chữ giả, và chuyên gia cần minh định xem, hai mẫu chữ viết tay ấy có phải được cùng một người viết hay không" Một nguyên tắc căn bản cần phải được tuân theo khi so sánh các giấy tờ hồ sơ, đó là phải so sánh hồ sơ, giấy tờ bị nghi là giả mạo, với hồ sơ, giấy tờ được biết CHẮC CHẮN là có chứa chữ ký hoặc nét chữ thật của tác giả thật sự.

Đặc tính cá biệt trong nét chữ viết tay của một người hoàn toàn tùy thuộc vào mối liên hệ hỗ tương giữa bộ óc, mắt và tay của người ấy. Nét chữ viết tay còn bị ảnh hưởng bởi trạng thái sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người viết, cũng như vị trí, tư thế đứng, ngồi, nằm... của người viết, và những sự kiện khác, có thể ảnh hưởng đến tốc độ viết.

Thật sự một người đôi khi có nhiều nét chữ khác nhau, thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Có thể nói, nếu ta tìm thấy hai chữ ký hoàn toàn giống hệt nhau không khác chút nào cả, thì ta nên nghi có một chữ ký trong số là chữ ký giả!

Vào năm 1990, nhà triệu phú William Marsh Rice qua đời trên giường ngủ. Người vợ thứ nhì của ông cũng vừa từ trần cách đó không lâu, và vợ thứ nhất cũng đã về miền thượng giới lâu lắm rồi.

Khi nhà triệu phú Rice còn nằm hấp hối trên giường bệnh, con cháu và bà con thân thuộc của vợ thứ hai của ông nổi lên tranh giành gia tài sản của bà. Để giải quyết sự bất đồng ý kiến, họ mướn một luật sư tên gọi Albert T. Patrick đến giúp.

Có lẽ tiền bạc quá nhiều có ảnh hưởng xấu đối với những người ở gần chúng, vì vậy chẳng bao lâu sau nhà luật sư yếu lòng đã nghĩ ra cách chiếm một số lớn gia tài sự sản của dòng họ Rice cho chính mình! Nhưng cần có người đồng minh để giúp đỡ, hắn liền thuyết phục người hầu cận thân tín của nhà đại xì thẩu hợp tác để làm giàu. Chính người hầu thân tính tên là Charles Jones đã lén mò vào phòng ngủ của chủ, và dùng thuốc mê bịt mũi ông cho đến khi ông chết ngộp luôn trong giấc ngủ vì say thuốc!

Một ngày sau khi nhà triệu phú chết, nhà luật sư bất lương đến ngân hàng trình sáu chi phiếu có ghi nhiều số tiền lớn khác nhau để lãnh, dùng chữ ký giả của nhà triệu Rice để rút tiền trong trương mục của người mới qua đời ra cho mình.

Tất cả các chi phiếu đều có tên người nhận là ông luật sư bất lương Albert T Patrick, nhưng có một tấm vì thiếu chữ "l" nên người nhận thành ông Abert T Patrick thay vì Albert T Patrick. Người nhân viên ngân hàng yêu cầu ông luật sư ký nhận là tên Abert bị nhà triệu phú Rice viết lộn, và ký tên ông vào kế đó để làm bằng chứng là ông chấp nhận lời giải thích ấy.

Thế nhưng trong lúc hấp tấp, ông luật sư cũng phạm lại cùng một lỗi lầm, ký tên Abert thay vì Albert, và nét chữ của ông luật sư sao trông giống nét chữ của nhà triệu phú đến thế!

Lòng hoài nghi nổi dậy, nhân viên linh mẫn ấy bảo Albert chờ chút, rồi chạy đến trình bày với cấp trên, khi ông này điện thoại đến nhà ông triệu phú dể xác minh lại xem ông có viết chi phiếu cho ông luật sư Patrick Albert không, thì mới khám phá ra rằng, nhà triệu phú đã từ trần vào ngày hôm qua!

Sau đó Albert Patrick đưa ra một tờ di chúc, rõ ràng có chữ ký của nhà triệu phú quá cố, nội dung cho ông luật sư thân tín thừa hưởng phân nửa gia tài và là người quản lý số gia sản còn lại! Các chuyên gia nét chữ khám nghiệm kỹ lưỡng bốn chữ ký của nhà triệu phú phía dưới bốn trang di chúc thì thấy chúng giống y hệt nhau, không sai một nét. Nhưng với tình trạng bệnh hoạn gần đất xa trời, cộng với tuổi già sức yếu, tay chân run lẩy bẩy của ông, thì đây là một việc nhà triệu phú không có cách nào làm được, vì dù ông tập trung cố gắng cách nào đi nữa, nét chữ cũng sẽ không bao giờ có thể giống hệt nhau từ kích thước, đường nét lẫn hình dạng như thế được.

Khi nhà chức trách cho phóng lớn các chữ ký, và dùng một mạng lưới sọc ca rô vẽ trên kiếng trong suốt (thời ấy chưa có giấy bóng kiếng) chồng lên để dễ phân biệt từng phần của nét chữ, thì họ chứng minh rõ ràng cho bồi thẩm đoàn thấy là, các chữ ký chính là do ông luật sư tỉ mỉ đồ lại, vì bốn chữ ký chiếm cùng một vị trí trên mạng lưới sọc ca rô, không sai một ly.

Mới đầu chỉ bị buộc tội giả mạo chữ ký để lừa gạt lấy tiền, sau đó vị luật sư gia đình tín cẩn Patrick cùng người hầu cận trung tín Jones đã bị kết án sát nhân khi cuộc giải phẫu tử thi cho thấy nguyên nhân cái chết của nhà triệu phú hoàn toàn không phải tự nhiên.

NHỮNG LỖI CHÍNH TẢ TAI HẠI

Một lỗi chính tả tương tự như thế cũng đã giúp nhà chức trách bắt được một trong những tên giết người đẫm máu nhất nước Anh. Vào ngày 2 tháng 11 năm 1917, một công nhân quét đường tại Regent Square trong thủ đô Luân Đôn tìm thấy một bọc lớn nằm gần hàng rào của sân cỏ chính. Gói trong bọc là thân người và hai cánh tay của một phụ nữ.

Trong các tấm giấy gói thi hài, có một tấm với dòng chữ "Blodie Belgium" viết trên mặt, và có một dấu ấn của một tiệm giặt ủi, tìm đến tiệm giặt, nhà chức trách khám phá nạn nhân là bà Emilienne Gerard.

Madame Gerard bị mất tích đã ba hôm nay, và khi cảnh sát đến khám flat của bà, thì tìm thấy nhiều vết máu đã khô, một tờ giấy nợ 50 bảng Anh do Louis Voisin ký tên, và một tấm ảnh lồng kiếng của Voisin để trong phòng. Sau này người ta cho biết, Voisin chính là người tình của bà Gerard.

Voisin, một dân bán thịt gốc Bỉ, bị nhà chức trách bắt giữ và qua người thông dịch, được yêu cầu viết câu "Bloody Belgium" ra trên giấy. Với cách viết chậm chạp, gò nắn của một người ít học, người này viết chữ "Blodie Belgium" đến năm lần. Khi cảnh sát đến khám nhà của Voisin, họ tìm thấy dưới nhà hầm có một cái thùng chứa mạt cưa, trong đó có chôn cái đầu lâu và hai bàn tay bị chặt đứt lìa của bà Gerard.

Anh hàng thịt bị đưa ra tòa xử tội, và bị kết án tử hình.

Ông chánh thanh tra cảnh sát Frederick Porter Wensley, người chịu trách nhiệm thẩm vấn Voisin, cảm thấy rất ngần ngại khi ông thử nghiệm nét chữ viết tay của Voisin để tìm lỗi chính tả tương tự. Trong phiên tòa, trạng sư bảo vệ bị can lý luận rằng, xét tình cảnh khi Voisin bị bắt giữ, cuộc thử nghiệm ấy không thể được chấp nhận là công bằng để làm bằng chứng trước tòa. Tuy nhiên, theo chánh án, trong trường hợp của Voisin, cảnh sát có quyền làm như thế để xác minh rõ ràng ai là người viết tấm giấy, nếu Voisin vô tội, thì cuộc thí nghiệm ấy sẽ chứng tỏ ông ta vô tội, vì không có cách nào hai người cùng quen nạn nhân lại sai chánh tả một cách trùng lập ngẫu nhiên đến như vậy.

Trong những trường hợp khác, chuyên gia dấu tay sẽ được yêu cầu so sánh hai hoặc đôi khi nhiều hơn nữa, những mẫu nét chữ khác biệt, để xác định xem là có cùng một tác giả không. Những thí dụ điển hình cho trường hợp này là các bức thư nặc danh đe dọa và thư đòi tiền chuộc mạng. Bằng chứng loại này chỉ có giá trị pháp y nếu nhà chức trách tìm được một mẩu chữ viết CHẮC CHẮN là của người bị tình nghi để so sánh. Tuy thế, đôi khi chỉ từ một bút tích duy nhất thôi, nhà chức trách vẫn có thể cung cấp nhiều tin tức quan trọng để giúp giải quyết mối hoài nghi trong một vụ án.

GIẢ MẠO VĂN CHƯƠNG

Vì tính chất đặc biệt của tài liệu, hồ sơ, các tội ác liên quan đến nó không thuần túy chỉ là những án giết người, bạo động, mà thường có liên quan đến những vụ án có tính chất "trí thức", như lừa gạt, giả mạo hơn.

Một trong những vụ giả mạo nổi tiếng nhất là vụ viết giả cuốn tiểu sử của nhà tỷ phú Howard Hughes. Trong thời son trẻ, Howard Hughes là một thương gia rất thành công và được mọi kính nể, tôn sùng. Ông là một người có kiến thức và sở thích rất bao quát, từ việc chế tạo thử nghiệm chiếc phi cơ lớn nhất vào thời đó đến việc sản xuất phim ảnh tại Hoa Lệ Ước. Ông cũng là ngưòi đã sáng lập ra Học Viện Y Khoa Howard Hughes.

Đến năm 1950, bỗng nhiên nhà đại tài phiệt tỷ phú rút lui về ở ẩn, tránh hoàn toàn không tiếp xúc với người đời. Từ đấy, ông trở thành một người ở ẩn có tính tình lập dị, và trở nên nổi tiếng hơn cả lúc còn đang tung hoành ngang dọc.

Đến năm 1971, một nhà văn tên Clifford Irving đến dọ hỏi nhà xuất bản danh tiếng Hoa Kỳ là McGraw-Hill về việc viết một cuốn hồi ký của Howard Hughes. Irving trình ra một bức thư, bảo đây là thư viết tay của chính nhà tỷ phú, cho phép ông thay mặt mình mà viết cuốn tiểu sử chính thức, dựa vào các cuộc phỏng vấn và các bức thư viết tay có tính cách hồi tưởng của Howard Hughes.  Các chuyên gia của nhà xuất bản khám xét bức thư và tuyên bố đây là bức thư thực sự do chính Howard Hughes viết.

Trong khi đó, bà Irving, vợ của tác giả, vừa mới mở một trương mục tại Thụy Sĩ, lấy tên là H.R. Hughes. Riêng chồng bà và một người đồng bọn khác tên Richard Suskind thì bắt đầu tìm kiếm, tham khảo tài liệu và viết cuốn tiểu sử của Howard Hughes.

Đến lúc này, tạp chí tranh ảnh Life cũng đã ký giấy xin quyền xuất bản trích đoạn trước nội dung tóm lược của cuốn hồi ký, trả tiền huê hồng rất cao, sau khi các chuyên gia của tạp chí công nhận bức thư đúng là của Howard Hughes viết.

Chẳng bao lâu sau, cuốn hồi ký khổng lồ, dầy 1,000 trang, đã được ấn hành xong, được chứa trong các nhà kho của nhà xuất bản McGraw-Hill, chờ trình diện với thế giới, hy vọng sẽ gây tiếng vang lớn. Họ đã không thất vọng, vì khi cuốn hồi ký được tung ra bán, nó gây một tiếng vang rất lớn, nhất là đối với các luật sư của Howard Hughes. Họ tức thời phủ nhận cuốn hồi ký là do chính Howard Hughes khởi xướng và cho phép. Nhà xuất bản McGraw-Hill nhất định không chịu thua, trích dẫn các bức thư cho phép và những bằng chứng khác "có bút tích của chính nhà tỷ phú" để tự biện hộ.

Cuối cùng, chính Howard Hughes phải đích thân ra mặt phủ nhận, và các thủ bút thật sự của ông, cùng bản thảo cuốn sách, bức thư cho phép và nhiều giấy tờ tài liệu khác mà Irving bảo là của nhà tỷ phủ cung cấp, được gửi đến Phòng Thí Nghiệm Tội Pháp của Sở Bưu Điện Nữu Ước để khám nghiệm. Các chuyên gia tại đây nhanh chóng chứng minh rằng các thủ bút chân chính của Howard Hughes cung cấp rất khác với những bức thư và tài liệu giả tạo của Irving.

Kết quả, một trong những vụ giả mạo văn chương lớn nhất thế kỹ đã bị lật tẩy nhờ các chuyên gia xét nét chữ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.