Hôm nay,  

Bến Tre Bỏ Lúa Để Nuôi Tôm: Cả Tôm, Lúa Cùng Thua Bi Đát

16/06/200800:00:00(Xem: 5732)
Không thể trồng lúa trên đất lúa: Nước mặn và hoá chất khiến đồng lúa chết dần, chết mòn... Tình hình thê thảm của vùng đất từng là vựa lúa miền Tây Nam Bộ đã được báo nhà nứơc Tiếng Nói Việt Nam kể lại như sau.

Bản tin mở đầu với tình hình tổng quan: Khi phong trào phá lúa nuôi tôm đi vào giai đoạn thoái trào, những người nông dân ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đang phải đối mặt với việc không thể trồng lúa trên mảnh đất của mình.
Thế là, ruộng lúa thành "sân chơi" cho trâu, bò... Đó lời mô tả của báo Tiếng Nói Việt Nam.

 Mảnh ruộng khoảng nửa héc- ta của bà Võ Thị Tám, ấp 1 xã Thạnh Trị nằm cạnh đường giao thông của xã, vị trí rất thuận tiện cho việc canh tác, nhưng cỏ dại mọc um tùm. Hai năm nay, khi xung quanh người dân đào ao nuôi tôm sú thì diện tích đất này không làm lúa được phải bỏ hoang. Bà Võ Thị Tám tỏ ra bức xúc khi kể về chuyện này: "Ruộng này hồi  trước trúng lắm, nhưng từ khi có các ao nuôi tôm công nghiệp thì chẳng thể trồng lúa được vì bị chảy nước mặn qua, tôi phải bỏ hoang đã mấy vụ rồi. Cũng tính bỏ lúa để nuôi tôm sú, nhưng không có tiền, rủi thất bại làm sao trả nợ nổi"

Ông Trần Thanh Bình, người dân xã Đại Hòa Lộc cũng chung tâm tư với bà Tám: "Ruộng tôi loại 1 nhưng do họ nuôi tôm bơm nước mặn ra vào, hai năm qua tôi không cấy lúa được. Đất này hiện cỏ mọc phủ kín, bán chẳng ai mua".

Trường hợp như ông Bình, bà Tám không phải là cá biệt ở Bình Đại. Hàng trăm hộ dân khác tại nhiều xã ở huyện này đều rơi vào hoàn cảnh tương tự: phải từ bỏ mảnh đất của mình để chuyển sang ngành nghề khác. Những người nông dân bức xúc: trước đây khu này làm lúa một vụ ăn chắc, nhưng từ khi nhiều người dân địa phương chuyển sang nuôi tôm sú hay cho dân nơi khác đến thuê đất đào đầm nuôi tôm thì những mảnh còn lại lúa trồng xuống là chết. Nguyên nhân là do các đầm nuôi tôm xả nước mặn cùng lượng hóa chất xử lý rò rỉ qua ruộng làm chết lúa.

Trong khi đó, các hộ làm lúa do kinh tế còn khó khăn nên bà con chưa thể chuyển sang nuôi tôm. Vả lại, nuôi tôm sú tràn lan, không theo quy hoạch, kinh mương thủy lợi còn quá thưa thớt chưa phù hợp nên con tôm không đem lại hiệu quả như mong chờ. Có ruộng nhưng không sản xuất được nên số lao động chính trong những gia đình đều phải đi làm ăn xa hoặc làm thuê cho các  hộ nuôi tôm. Hàng trăm héc- ta ruộng, vì thế rơi vào cảnh hoang tàn cỏ mọc, trở thành "sân  chơi"  cho trâu, bò…

"Biết nhưng không có biện pháp khả thi"

Theo thống kê chưa đầy đủ của phòng nông nghiệp huyện Bình Đại, số diện tích đất đang "bỏ hoang" lên đến hơn 400 héc- ta. Tình trạng này diễn ra ở 9 xã, nhưng nhiều nhất là khu vực vùng trũng của xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Bình Thới, Thạnh Phước… Chính quyền địa phương đều biết tình trạng đó, nhưng không có giải pháp nào khả thi. Ông Đặng Hoàng Mít, Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị cho rằng: "Chẳng có giải pháp nào khả thi để khắc phục diện tích đất "chết" này. Có lẽ nên đầu tư hệ thống kênh mương, rồi quy hoạch nuôi thuỷ sản thôi".

Còn theo bà Đặng Thị Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại thì muốn xóa diện tích đất hoang này, phải nhân rộng mô hình "nuôi tôm xen trong ruộng lúa". Hiện nay, Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre có giúp địa phương triển khai dự án "FSPS" nhằm hỗ trợ dân nghèo nuôi thuỷ sản. Nhưng dự án này đang ở giai đoạn thí điểm và mỗi hộ dân chỉ được trợ vốn từ 5-6 triệu đồng. Số tiền đó sẽ chẳng thấm vào đâu nếu gặp một đợt dịch.

Đất nông nghiệp ở huyện Bình Đại đến nay chỉ còn khoảng 30.000 héc- ta và có nguy cơ càng bị thu hẹp dần do nuôi thuỷ sản tràn lan. Do đó, việc khắc phục những mảnh đất hoang và phục hồi những đầm nuôi tôm không hiệu quả để trồng lại cây lúa là rất cần thiết nhằm đảm bảo lương thực cho cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, những vùng đất "chết" ở Bình Đại là đất bị bạc màu do ảnh hưởng của nước mặn và hóa chất tràn ra từ các ao đầm nuôi tôm sú. Muốn cải tạo để trồng cây lúa trở lại không phải dễ dàng, còn khuyến khích người dân chuyển qua nuôi thuỷ sản lại càng nan giải. Bởi hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng và tình hình dịch bệnh đang bùng phát, nhiều hộ dân Bình Đại đang ôm nợ vì thuỷ sản.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.