Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến:giọt Nước Tràn Ly

07/06/200800:00:00(Xem: 4308)

Ai khủng bố ai ngoài trái đất.

Tôi nép bóng tôi sát chân tường.

Con ong cái kiến co mình lại.

Còn sống mà như đã tử thương.

Nguyễn Trọng Tạo (“Khủng Bố”)

Những trại trại cải tạo lao động, ở Việt Nam, thường không có điện.

Sinh hoạt, do đó, được phân chia rõ rệt: từ lúc mặt trời mọc cho đến khi lặn là thời gian dành cho “công tác.” Giữa khoảng thời gian đó, trại viên được “tùy nghi.”

Phải sống trong cảnh tối tăm mới thấy đêm dài, nhất là những đêm đông.  Có đêm, tôi khều thằng bạn nằm bên - hỏi nhỏ:

- Theo mày thì lúc nào, hay nơi nào, được coi là hạnh phúc nhất trên đời này"

- Bắc Mỹ Thuận.

Nó đáp nhẹ nhàng, và lẹ làng, không một giây do dự. Tôi ngớ người ra một lát – và chỉ một lát thôi – rồi nhớ ngay đến sông Tiền Giang, với những đám lục bình lơ lửng trên dòng nước đẫm màu phù sa, đang cuồn cuộn trôi nhanh trong nắng chiều vàng rực, giữa bến bờ xanh um - xa ngút mắt.

Trong lúc cả đoàn xe xếp hàng dài, chờ đến luợt xuống phà, người ta tấp nập ra vào những quán ăn nằm san sát bên đường. Không khí thơm lừng mùi gà nuớng, tôm nướng, heo nướng, bò nướng, cá nướng, chuột nướng…Không gian rực rỡ màu sắc của đủ loại trái cây quen thuộc, của miền Nam: khóm, mận, ổi, nhãn, soài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt … 

Duới phà chen lẫn với hành khách là những em bé bán hàng rong: xôi vị, cốm dẹp, nước dừa, bánh tằm bì, chuối nướng, chè đậu, gỏi gà, cháo vịt, nem nướng, chả chiên, mía hấp, bì cuốn, bún mắm, chả giò, đậu phụng, cà rem, trà đá, ốc gạo hấp lá gừng, ốc leng xào dừa, chim mía rô ti…

Tôi nuốt nước miếng cùng với ý nghĩ rằng: thằng em này … đang đói, và đói lắm. Nói tình ngay, vào thời điểm đó (những năm đầu sau ngày “giải phóng,” và gần cả hai thập niên sau nữa) cả nước đều đói cả - và đói lả-chứ chả riêng gì mấy đứa chúng tôi.

Thời đó, may quá, đã qua rồi. Cái đói, cùng với miếng ăn, không còn là điều ám ảnh thường trực đối với - phần lớn -  những người dân Việt.

Bắc Mỹ Thuận cũng không còn nữa. Thay vào đó là cây cầu Mỹ Thuận, tân kỳ và tráng lệ, một món quà tặng qúi báu và mắc giá của người dân Úc, đã lạnh lùng đưa những chuyến “đò ngang” đi vào …  lịch sử!

Đêm khác, tôi quay qua khều một thằng bạn khác, và cũng hỏi (nhỏ) một câu tương tự:

- Theo mày thì lúc nào hay nơi nào được coi là hạnh phúc nhất trên đời này"

- Đó là lúc giữa khuya. Đang nằm ngủ bỗng ghe tiếng tiếng xe thắng gấp, tiếng súng đạn lách cách, tiếng chân người rầm rập xông vào đập cửa nhà … bên cạnh! Nằm co rúm người lại, chờ đến khi thằng cha hàng xóm bị lôi đi. Sau đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm, không chỉ của riêng mình mà (có lẽ) của cả hàng trăm người khác nữa, đang trú ngụ trong cùng khu phố.  Rồi không khí yên ắng trở lại. Cứ y như thể là chưa hề có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra, cho bất cứ ai. Thiệt là hú vía!

- Đ… mẹ, sao hạnh phúc của mày nghe kỳ cục và… thất đức dữ vậy" 

Tôi chửi thề theo thói quen, và lên giọng đạo đức cho nó đã miệng, chớ thiệt tình khó chối được rằng hạnh phúc (theo như cách nói của thằng này) tuy có hơi …bất nhơn nhưng thực tế, và vừa trong tầm tay của mọi công dân - tại Việt Nam.

Ở xứ sở này - hơn nửa thế kỷ qua - mấy thế hệ kế tiếp nhau, đã sống dở (và chết dở) trong cái thứ niềm vui và hạnh phúc “đơn sơ” và « giản dị » như thế. Người Việt không còn ai dám ước ao được sống an lành, hay sung sướng nữa. Tất cả chỉ cầu mong được tạm yên thân, và đỡ khổ hơn tha nhân, là đã đủ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Đau khổ hay hạnh phúc, nghĩ cho cùng, vẫn thường tuỳ vào nhận thức (rất chủ quan và tương đối) của từng cá thể. Người ta có thể sống chui rúc trong một căn phòng mỗi bề 3 thước mà cả nhà vẫn thấy thoải mái và no đủ chỉ vì những người sống kề bên (cũng chừng đó nhân khẩu) nhưng chỉ đuợc phân cho có 2 mét ruỡi thôi, và tiêu chuẩn - thịt, mỡ, mắm, muối, gạo đường - của họ cũng ít hơn gia đình mình, chút xíu!

Đó là chuẩn tắc sinh hoạt, theo mô hình của một cái thang lật ngược, vào Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh. Cái thời đại thổ tả này, may thay, cũng đã qua luôn.

Nó qua đúng vào ngày 12 tháng 5 năm 2008. Hôm đó hai công dân Việt Nam (ông Nguyễn Việt Chiến và ông Nguyễn Văn Hải) bị công an đến lục nhà, rồi mang vào trại giam.

 Trong một xã hội mà bất cứ ai cũng đều có thể là một tù nhân dự khuyết thì một thường dân (khi khổng khi không) bị nhốt vô tù là chuyện bình thường - như vẫn xẩy ra hàng ngày, ở huyện - từ hơn nửa thế kỷ qua. Chỉ có điều đáng nói là diễn biến của vụ bắt bớ, vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, đã xẩy ra (hoàn toàn) khác trước.

Khi hai ông Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị lôi ra xe - tuyệt nhiên - không có ông (hay bà) hàng xóm nào cảm thấy … hạnh phúc, chỉ vì nạn nhân không phải là chính họ. Cũng không có người bạn đồng nghiệp nào - của hai nhân vật này - đã co rúm người lại vì sợ hãi, rồi thở phào nhẹ nhõm vì thấy mình vẫn còn được yên thân. Và mọi người đã không chịu sống  “yên ắng”, cứ như thể là không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, y như trước nữa.

Sụ hoang mang, sợ hãi cố hữu đã - đột ngột- biến mất. Đồng loạt, người dân - thuộc nhiều thành phần khác nhau - đều công khai bầy tỏ sự bất bình vaà giận dữ vì sự bạo ngược của nhà đương cuộc Việt Nam.

Báo Thanh Niên, số ra ngày 14 tháng 5 năm 2008, có bài “Phải Trả Tự Do Cho Các Nhà Báo Chân Chính”, xin được trích dẫn nhập đoạn mở đầu:

“Đã có hàng ngàn bạn đọc gửi thư về tịa soạn Thanh Niên phản đối việc bắt giam hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hải của Báo Tuổi Trẻ. Các đường điện thoại của Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước gần như bị nghẽn liên tục bởi ‘cơn bão’ điện thoại của bạn đọc bức xúc gọi tới. Tất cả đều toát lên một đòi hỏi: việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo là không có đầy đủ căn cứ xác đáng, không có lợi cho sự nghiệp chung, và cần trả lại tự do cho các anh càng sớm càng tốt…”

Cùng lúc, báo Tuổi Trẻ - số ra ngày 17 tháng 5 năm 2008 - cũng ngỏ lời “Cảm Ơn Bạn Đọc”, như sau:

“Bạn đọc thân mến, chúng tôi, những người làm báo Tuổi Trẻ, rất xúc động trước sự quan tâm của bạn đọc trước sự việc liên quan tới nhà báo Nguyễn Văn Hải. Hơn 2.000 cuộc điện thoại và mail tiếp tục gửi tới tòa soạn Tuổi Trẻ vào hai ngày 15 và 16-5 đã nói lên điều đó…”

“Và ngoài sự quan tâm chia sẻ, nhiều bạn đọc đã đến tòa soạn và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ đề nghị góp tiền để giúp gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải. Thay mặt những người làm báo Tuổi Trẻ và gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải, chúng tôi chân thành cảm ơn tấm lòng bạn đọc. Nhưng, chúng tôi xin phép được từ chối các khoản quyên góp của bạn đọc. Tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã, đang và sẽ có trách nhiệm hỗ trợ gia đình nhà báo Nguyễn Văn Hải một cách chu đáo nhất…”

Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, giới luật sư - những người tưởng như đã “tuyệt chủng” ở Viêt Nam - bỗng hồi sinh. Báo Thanh Niên, số thượng dẫn, đã tường thuật như sau:

“… luật sư Phan Trung Hồi (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hồng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao…”

Mọi người đồng tình lên tiếng về cái thái độ luật sư Lê Công Định gọi là sự “nhạo báng công lý” của nhà cầm quyền Hà Nội. Tôi không tin là ở VN cũng có công lý để bị nhạo báng. Có chăng chỉ là một thứ “hệ thống luật pháp nhợt nhạt” (theo như cách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và thường xuyên bị chà đạp, hay dầy xéo.

Con giun xéo mãi cũng oằn. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Dân Việt đã thẳng thắn lên tiếng đòi hỏi được sống một cuộc đời bình thường, trong một xã hội (cũng) bình thường – như đa phần nhân loại. Cái kiểu sống theo mô hình cái thang chổng ngược, từ đây, sẽ bị khước từ (vĩnh viễn) ở Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.