Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 106) (tiếp Theo...)

29/05/200800:00:00(Xem: 2910)
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sau khi cán bộ Ngô ra về, chúng tôi kéo nhau ra bờ suối bàn bạc chuyện đi ở. Tôi và anh Thu đều đồng ý, nhân cơ hội này phải đi Hồng Kông bằng mọi giá. Riêng anh Tiến thì vẫn khư khư giữ quyết định ở lại Trung Quốc để "đóng góp một cái gì đó" cho quê hương đất nước khi có được "cơ hội ngàn năm một thuở". Anh Tiến cũng ngỏ ý gửi chúng tôi người con trai tên H., 16 tuổi cho chúng tôi chăm nom trên đường tới Hồng Kông, để anh rảnh tay lo chuyện đại sự. Chuyện trò một hồi, cuối cùng anh Thu bảo tôi đi về trước báo tin cho gia đình bà Trà biết để lập danh sách những người đi người ở, rồi chờ anh cùng đi gặp cán bộ Ngô. Còn hai anh ở lại trò chuyện... Tôi đoán, khi ấy anh Thu tìm cách thuyết phục anh Tiến bỏ ý định ở lại Trung Quốc.

Được tôi báo tin chính phủ Trung Quốc giúp cho mọi người đi Hồng Kông, gia đình bà Trà rất mừng. Mọi người vui vẻ bàn tán, và trong thời gian ngắn tất cả đều đồng ý, chỉ có phụ nữ và con nít ở lại Trung Quốc chờ xuất cảnh chính thức, còn tất cả đều ghi tên đi Hồng Kông. Tôi ghi đầy đủ tên tuổi từng người trên một tờ giấy, rồi nôn nóng chờ anh Thu.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, hai anh trở lại. Anh Thu mặt đỏ bừng, còn anh Tiến thì vẫn giữ được vẻ thản nhiên ung dung cố hữu. Tôi đoán ngay, anh Thu không thành công. Quả nhiên, khi cầm danh sách tôi đã viết trong đó không có tên anh Tiến, anh Thu gật đầu không nói gì. Gấp tờ giấy làm tư, bỏ túi, anh Thu kéo tôi đi theo anh.

Trên đường đi, anh Thu buồn lắm, nên không nói gì. Qua những gì hai anh tâm sự trong những ngày tháng trước đó, tôi được biết hai anh quen thân nhau suốt mấy chục năm qua. Hoàn cảnh gia đình của hai anh cùng có những nỗi éo le riêng tư, nên cả hai anh đều đùm bọc, thương yêu nhau. Chỉ nguyên việc cả hai anh cùng vượt biên từ Sàigòn qua ngả Hải Phòng, Móng Cái, sang Trung Quốc, cũng đủ thấy tình thâm giao giữa hai anh sâu đậm như thế nào. Không ngờ, sau mấy chục năm ngọt bùi chia sẻ, khi đến Trung Quốc, chỉ vì khác biệt về quan niệm đấu tranh, hai anh đành phải chia tay, mỗi người một đường.

Đến chiêu đãi trạm khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi được đưa ngay vào phòng khách chờ cán bộ Ngô. Không đầy 5 phút sau, cán bộ Ngô tươi cười bước vô. Nét mặt của ông lúc này không còn vẻ thất vọng, buồn bực như trước. Trái lại, ông vui vẻ niềm nở bắt tay anh Thu và tôi, rồi lịch sự mời hai chúng tôi ngồi. Vừa ngồi xuống, cán bộ Ngô nói ngay:

- Sao, các anh đã có danh sách những người muốn đi Hồng Kông rồi phải không"

Anh Thu rút tờ giấy từ túi áo, mở ra, vuốt lại cho ngay ngắn rồi đưa cho cán bộ Ngô:

- Thưa cán bộ, trong danh sách này chúng tôi có tất cả 9 người muốn đi. Xin cán bộ cố gắng giúp đỡ, chúng tôi sẽ vĩnh viễn không quên ơn nghĩa của cán bộ.

Cán bộ Ngô không nói gì, chỉ im lặng nhìn thoáng qua tờ giấy, rồi ông gật gù nói nhỏ như nói với chính ông:
- Như vậy là "đồng chí" Tiến chấp nhận ở lại Trung Quốc" Tốt, đó là một quyết định sáng suốt của người chí sĩ yêu nước biết nắm lấy thời cơ...

Tôi để ý thấy cách xưng hô của cán bộ Ngô khác hẳn lúc trước. Trong khi ông vẫn gọi anh Tiến là "đồng chí" thì trái lại, với chúng tôi ông gọi là "các anh".

Cán bộ Ngô thong thả gấp tờ giấy làm tư, trao lại cho anh Thu và nói:

- Như tôi đã trình bầy với các anh, việc giúp cho các anh đi Hồng Kông là việc không chính thức của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi không thể giữ bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc này. Các anh về tổ chức một cuộc họp vào 1 giờ trưa ngày mai tại lán có đầy đủ cả 9 người trong danh sách này, sẽ có người thay mặt chúng tôi xuống "đả thông" tư tưởng cho cách anh lần chót rồi ngày mốt, các anh sẽ đi Bắc Hải với người đó. Các anh rõ chưa"

Chúng tôi ngạc nhiên, không thể ngờ mọi việc lại dễ dàng và trôi chảy nhanh chóng như vậy. Chúng tôi còn đang lúng túng, chưa kịp trả lời sao thì cán bộ Ngô đã đứng dậy nói:

- Tất cả chỉ có vậy. Bây giờ các anh có thể về.

*

Trưa hôm sau, tại phòng khách của lán, chúng tôi tất cả 9 người ngồi chờ người đại diện cán bộ Ngô tới "đả thông" tư tưởng. Hai chị em bà Trà cùng mấy người con và cháu gái đồng ý ở lại Trung Quốc chờ giấy xuất cảnh chính thức thì ngồi trong phòng ngủ phía bên phải của lán. Riêng anh Tiến thì có xe riêng chở lên chiêu đãi trạm họp với cán bộ cao cấp từ trung ương xuống. Tôi cũng chỉ biết phong phanh có như vậy, chứ không biết rõ cán bộ đó là ai, cao cấp như thế nào, và họ họp với anh Tiến về vấn đề gì.

Đúng 1 giờ trưa, một người Hoa ăn mặc lè phè bước vô phòng họp. Thấy ông, chúng tôi đều ngạc nhiên vì không ngờ đó là người đại diện cán bộ Ngô. Thay vì bộ đồ đồng phục của công an hoặc quân phục của quân đội Trung Quốc, như mọi cán bộ thường làm việc với chúng tôi, người đàn ông này mặc một bộ đồ dân sự nhàu nát, áo để ngoài quần, chân đi đôi dép nhựa, đầu đội chiếc mũ công nhân cũ, bạc màu. Ngoại trừ nước da trắng xanh, cặp mắt sáng và lông mày đen rậm chổi sể, còn ngoại hình và cách ăn mặc lè phè của ông trông giống hệt mấy người nông dân vùng thôn quê thường mang rau, trái, gia súc... lên chợ Phòng Thành bán mỗi khi có phiên chợ.

Ông gật đầu chào nhẹ tất cả chúng tôi, rồi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất ở đầu bàn. Không tự giới thiệu, cũng không hỏi han ai một câu, ông "đả thông tư tưởng" chúng tôi ngay bằng tiếng Việt rất sõi và giọng Hà Nội đặc sệt:

- Tất cả các anh muốn được chúng tôi giúp đỡ gửi gắm cho các chủ tầu đi Hồng Kông thì các anh phải nhớ kỹ những điểm quan trọng tôi sắp nói đây. Thứ nhất, các anh phải nhớ các anh là những người Việt vì bị cộng sản Việt Nam đàn áp nên phải trốn khỏi Việt Nam để đến Hồng Kông xin tỵ nạn, chứ không phải đến Trung Quốc. Trên đường đi, chẳng may gặp bão nên các anh phải ghé vô Trung Hoa tạm trú. Thứ hai là trong thời gian tạm trú ở Trung Hoa, các anh đã được chính phủ và nhân dân Trung Hoa đối xử tử tế, nhân đạo, được cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ. Vì vậy, trong tương lai khi đến bất cứ quốc gia nào, gặp bất cứ cơ quan truyền thông nào phỏng vấn hay bất cứ ai hỏi, các anh cũng phải nói sự thật về lòng nhân đạo và tử tế của chính phủ và nhân dân Trung Hoa. Thứ ba, khi xuống tàu thuyền ở Bắc Hải chuẩn bị đi Hồng Kông, các anh không được mang theo bất cứ giấy tờ hay thư từ gì của Trung Quốc, cũng như bất cứ sản phẩm gì của Trung Quốc. Mọi tiền bạc, đồ ăn thức uống, thuốc lá, hình ảnh, có dấu vết của Trung Quốc đều phải để lại cho người thân của các anh hoặc phải bị thiêu huỷ. Các anh cũng chỉ được mặc quần áo và mang theo đồ đạc của các anh từ Việt Nam. Những quần áo, đồ đạc mua được tại Trung Quốc, phải để lại hoặc bị thiêu huỷ. Các anh nhớ rõ ba điểm này và phải thi hành thật nghiêm chỉnh. Nếu chính quyền Hồng Kông phát hiện bất cứ thứ gì có liên quan đến Trung Quốc, họ sẽ tước bỏ tư cách tỵ nạn của các anh và đuổi các anh về Trung Quốc. Các anh nghe rõ chưa. Bây giờ các anh có hỏi gì không"

Anh Thu dơ tay nói:

- Thưa, những điều cán bộ nói chúng tôi đã nghe rõ và sẽ làm đầy đủ. Bây giờ cán bộ có thể cho chúng tôi biết, khi nào thì chúng tôi có thể lên đường đi Bắc Hải"

Người đàn ông trả lời ngay:

- Các anh chuẩn bị xong trong ngày hôm nay, sáng mai chúng ta sẽ lên đường. Điểm quan trọng nữa các anh phải nhớ là không được gọi tôi là cán bộ. Từ nay trở đi các anh chỉ gọi tôi là Bình và từ nay trở đi tôi sẽ đi cùng với các anh lên Bắc Hải, lo liệu mọi chuyện cho các anh.

Hải, cháu gọi bà Trà bằng bác, dơ tay hỏi:

- Thưa anh Bình, chúng tôi có phải mang tiền và đồ ăn theo không ạ"

Bình gật đầu:

- Các anh có quyền mang tiền, thức ăn của các anh theo. Tại Bắc Hải, các anh có thể tiêu pha mua sắm thoải mái. Nhưng một khi tàu rời Bắc Hải, trực chỉ Hồng Kông, tất cả tiền của Trung Quốc phải được trao lại. Thức ăn cũng vậy.

Hải hỏi tiếp:

- Vậy khi lên tàu, chúng tôi ăn uống bằng gì"

Bình xua tay:

- Chuyện đó các anh khỏi lo. Một khi chúng tôi đã gửi gắm các anh cho chủ tàu thì chủ tàu ăn gì, các anh ăn cái đó. Các anh không phải đóng góp gì cho chủ tàu cả. Chúng tôi lo tất cả mọi chuyện.

Tôi rụt rè hỏi:

- Thưa anh Bình, chúng tôi có phải đóng tiền gì cho chủ tàu không"

Bình lắc đầu:

- Các anh không phải đóng tiền bạc gì cả. Mọi chuyện chúng tôi đã thu xếp với chủ tàu, các anh chỉ việc xuống tàu rồi đi, có vậy thôi.

Hải thắc mắc:

- Chúng tôi có được ở chung trong một chiếc tàu không"

Bình gật đầu:

- Chúng tôi sẽ cố gắng thu xếp cho các anh được đi chung tàu. Nhưng điều đó không bảo đảm. Cho dù không được thì cũng không sao. Đến Hồng Kông rồi các anh cũng gặp lại nhau thôi.

Khi cán bộ Bình nói không phải trả tiền cho chủ tàu, tôi rất mừng, vì như vậy, tôi nghĩ tôi sẽ không phải dùng đến số tiền $500 "nhân dân tệ" của ông bà Trần cho, mặc dù trong lòng tôi mãi mãi nhớ đến ân tình sâu nặng mà ông bà Trần đã giúp đỡ trong những ngày tháng tôi ở Trung Quốc.

Tôi quen ông bà Trần ngay sau khi đặt chân đến Phòng Thành. Bà Trần lúc đó bán ở cửa hàng "bách hóa tổng hợp" duy nhất của thị trấn Phòng Thành và cũng là người duy nhất biết nói tiếng Việt, nhưng theo lời của bà, không một ai ở Phòng Thành biết điều đó, ngoại trừ chồng của bà.

Tôi còn nhớ khi đó, trong một chuyến đi dạo cho biết phố xá Phòng Thành, chúng tôi có ghé thăm cửa hàng "bách hóa tổng hợp" và tình cờ được trò chuyện với bà. Sau đó, bà mời chúng tôi ghé nhà chơi, trò chuyện thân mật và đối xử với chúng tôi rất tốt. Trong những lần ghé thăm gia đình, ông bà có ân cần hỏi chuyện nên tôi cũng kể cho ông bà nghe về những khốn khổ mà tôi đã trải qua trên đường vượt biên tới Trung Quốc. Vì vậy, ông bà Trần rất thương yêu tôi, coi tôi như con. Khi hay tin chúng tôi phải chờ đợi nhiều năm mới có thể đoàn tụ với gia đình ở ngoại quốc, ông bà Trần đã mách nước cho tôi "vượt biên" bằng cách lên Bắc Hải trả tiền cho chủ tàu để đến Hồng Kông. Ông bà Trần đã đưa cho tôi số tiền $500 đồng Trung Quốc và còn cho tôi địa chỉ của một người em họ ở Bắc Hải để họ có thể hướng dẫn tôi đường đi nước bước khi tới Bắc Hải. Nhưng ngay khi mới chân ướt chân ráo đặt chân tới Bắc Hải, tôi đã được gặp ông Phùng và được ông Phùng chỉ dẫn tỉ mỉ nên không kịp gặp người em họ của bà Trần.

Tôi biết, $500 đồng là số tiền lớn ở Trung Quốc thời bấy giờ. Số tiền đó tương đương gần 2 năm lương của một công nhân viên chức, và là tất cả vốn liếng dành dụm của ông bà Trần. Vì vậy, tôi  rất cảm động khi thấy ông bà Trần đưa cho tôi số tiền đó, nhưng tôi một mực từ chối. Sau đó, ông bà Trần bảo, nếu tôi ngại ngùng không muốn nhận sự giúp đỡ của ông bà, thì hãy coi ông bà như là nghĩa phụ nghĩa mẫu, để có thể thoải mái nhận sự giúp đỡ của ông bà. Còn nếu như tôi thấy ông bà không xứng đáng là nghĩa phụ, nghĩa mẫu thì hãy coi đó là số tiền ông bà cho tôi vay, sau này ra đến nước ngoài, có điều kiện thì gửi trả cho ông bà.

Cuối cùng, trước tình nghĩa sâu đậm và tấm lòng tốt của ông bà, tôi đã cầm số tiền đó khi đi Bắc Hải. Lúc ấy tôi đã thầm hứa, cố gắng không tiêu dùng đến số tiền đó bằng mọi giá. Nay nghe tin chính miệng cán bộ Bình nói không phải trả tiền cho chủ tàu, tôi mừng quá. Như vậy là tôi có thể an tâm trao trả số tiền $500 đồng cho ông bà Trần và ông bà Trần cũng không phải lo lắng gì khi nhận lại số tiền đó.

Sự thực, tôi không phải là người sợ nhận ân tình sâu nặng của những người đã thực lòng thương yêu tôi. Nhìn lại cuộc đời của tôi trong suốt mấy chục năm, tôi thấy kể từ khi tôi biết nghĩ, mỗi khi tôi gặp khốn khó, bi thương, luôn luôn có những người chân tình hết lòng giúp đỡ. Nếu vì sợ sợi dây ân nghĩa trói buộc, hay coi sự giúp đỡ là món nợ khó trả, để tôi từ chối mọi sự giúp đỡ thì làm sao tôi có thể sống sót đến ngày nay" Vì vậy, trong thâm tâm, tôi luôn luôn nghĩ, nếu tôi gặp khó khăn, mà có người thực lòng giúp, tôi sẵn sàng nhận và sẽ mãi mãi ghi tâm khắc cốt những tấm lòng đó, những con người đó, để sau này, khi có điều kiện, tôi sẽ đền đáp ơn nghĩa cho chính những người đó, hoặc cho những người khác gặp hoàn cảnh không may mắn mà tôi gặp trên đường đời.

Ngay tối hôm đó, tôi đến gặp ông bà Trần để gửi lại số tiền, và cho biết, ngày mai, chúng tôi sẽ đi Bắc Hải. Hay tin sắp chia tay, ông bà Trần rất buồn. Ông bà đã chuẩn bị sẵn cho tôi đầy đủ quần áo, đồ ăn thức uống, thuốc bổ, thuốc chống say sóng, thuốc chống muỗi... và cả hơn chục cây nhân sâm, loại dùng riêng cho quân đội. Nhưng vì không được phép mang bất cứ thứ gì có dấu ấn của Trung Quốc, nên tôi chỉ có thể nhận gói thuốc say sóng và gói nhân sâm của ông bà Trần. Từ đó đến nay đã ngót 30 năm trôi qua, và trong 30 năm đó cuộc đời tôi đã trải qua không biết bao nhiêu thay đổi, mấy lần dọn nhà,... nhưng tôi vẫn giữ những cây nhân sâm ngay trong ngăn kéo làm việc bên tay phải. Mỗi lần mở ngăn kéo, trông thấy mấy cây nhân sâm, hình ảnh của ông bà Trần lại hiện về, và lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của ngày xưa...

Tôi còn nhớ, sau khi đến trại tỵ nạn Hồng Kông, được ra ngoài đi làm, tôi có ghé thăm gia đình người em gái của ông bà Trần ở ngay Cửu Long, và nhận được lá thư ông bà Trần gửi. Trong thư có đoạn: "Từ ngày con đến chơi, nói những chuyện tri tâm, nhà tràn đầy sức sống, ai cũng có hạnh phúc và nụ cười. Hôm nay, con đi rồi, về đến nhà, thấy trống vắng vô cùng, ba má buồn vô hạn, mọi việc không muốn làm, cơm không muốn ăn, đã đau lòng lại càng thêm đau lòng... Thú thực, từ trong đáy lòng, ba má chẳng muốn con đi khỏi Phòng Thành, nhưng vì nghĩ đến tương lai và tiền đồ của con, nên ba má tận tình một lòng giúp đỡ con... Con ơi! Qua sông vượt biển, nhớ uống thuốc để khỏi say sóng, đói phải ăn no, lạnh phải mặc ấm, nên chú ý đến thân thể... Đến nơi an toàn, chị em được gặp nhau, khi đó con mới có một hạnh phúc thực sự, và ba má mới thấy lòng thanh thản, được hạnh phúc cùng với con..."

Hôm nay ngồi kể lại những kỷ niệm xưa, được chép lại những dòng chữ này, tôi bồi hồi xúc động, nước mắt rưng rưng... để rồi thấy chính mình gục đầu thổn thức nhớ tới ông bà Trần, những nhân dáng cũ, những ân tình trùng điệp tôi đã được ân thưởng trong cuộc đời của tôi... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.