Hôm nay,  

Tham Nhũng Tự Do Rong Chơi Giữa Đảng Và Nhà Nước

21/10/200500:00:00(Xem: 5151)
- Hoa Thịnh Đốn.- Tại kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khoá XI của Cộng sản Việt Nam khai mạc hôm 18-10 (05) có hiện tượng đáng chú ý: Thủ tướng Chính phủ báo cáo một đường, các Đại biểu Quốc hội nghĩ một nẻo nhưng cả hai đều chưa biết sẽ đi đường nào.

Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội nhận xét về thành quả xây dựng đất nước : “
Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là rất đáng trân trọng, nhưng chúng ta chưa thực sự bằng lòng, vì mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm lực; năng suất lao động xã hội chưa cao, hiệu quả đầu tư thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng chưa được đẩy lùi đáng kể. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội như tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm khống chế chưa có hiệu quả cao; ở nhiều nơi tình trạng ô nhiễm môi trường còn rất nghiêm trọng… Những tồn tại, yếu kém đó đang cản trở sự phát triển của đất nước ta.”

An hứa: “ Tại kỳ họp này, Quốc hội có nhiệm vụ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2005, phân tích những mặt được và chưa được, những thiếu sót, hạn chế, tìm ra nguyên nhân và đề ra những giải pháp khả thi góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại năm 2006 và kế hoạch 5 năm 2006-2010.”

Đây là lối nói chung chung, ba phải rất quen thuộc của Ban Thường vụ Quốc hội mà An đứng đầu khi nhận xét về Báo cáo của Chính phủ. Nó không có gì mới hơn so với các Báo cáo trước đây dù do Khải hay Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực trình bầy trước Quốc hội.

An còn cho biết, trong kỳ họp này: “ Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 14 dự án luật, trong đó có những đạo luật quan trọng mà nhân dân cả nước rất quan tâm, đòi hỏi cấp thiết ban hành như: Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo; Luật doanh nghiệp; Luật đầu tư; Luật đấu thầu… Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật và bộ luật khác để tiếp tục hoàn chỉnh và thông qua tại kỳ họp sau.”

Trong số này, hai Luật “Phòng, chống tham nhũng” và “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được dư luận chù ý theo dõi hơn cả vì Đảng và Nhà nước đã chứng tỏ không có khả năng thi hành Pháp lệnh chống Tham nhũng đã có từ mấy năm nay và các Nghị quyết về tiết kiệm và chống lãng phí trong các Công trình Xây dựng.

Vấn đề không phải khi có Luật mới thì tình trạng tham nhũng, lãng phí sẽ giảm mà là Nhà nước có làm tốt hơn hiện nay, sau khi đã có Luật, không " Bởi vì cả Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân đều đã nếm mùi hậu quả của tệ nạn cán bộ, đảng viên tham nhũng đang gây ra cho đất nước từ 30 năm qua, nhưng không có Lãnh đạo nào có khả năng chận đứng và chịu trách nhiệm diệt tận gốc để khỏi mất tiềm năng xây dựng đất nước.

Về việc này hãy nghe Võ Văn Kiệt, Cựu Thủ tướng nói với Báo chí tại hành lang Quốc hội trong buổi khai mạc (18-10-05) : “ Anh đứng đầu bất kỳ một Bộ, một vụ hay đứng đầu địa phương không dính líu tham nhũng. Nhưng còn trách nhiệm của anh đối với con người hoặc bộ phận trực tiếp của anh. Có những ông rất tốt làm Bộ trưởng, ông ấy không có dính gì tham nhũng cả nhưng cả Bộ của anh tan nát hết, tiêu cực không biết bao nhiêu"! Những trường hợp như vậy Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm gì" Tôi hy vọng Quốc hội lần này phải chỉ rất rõ ràng cụ thể".

Báo:- Đương nhiên, để xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nhưng chịu trách đến đâu, đến mức nào"
Đáp: “ Đến đâu, đến bước nào là tuỳ theo sự nghiêm trọng. Còn anh tham nhũng trực thuộc mình, lộng hành đến mức kéo dài ra thì trước hết phải nói thế này: Anh không có đủ khả năng quản lý, anh nghỉ đi cái đã! Còn chuyện xem xét trong mối quan hệ đó, sai phạm đến chừng nào, còn phải căn cứ vào mức độ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật để xử lý.”

“Vấn đề này không chỉ cá nhân chịu trách nhiệm mà còn tập thể đứng đầu. Trong mỗi Bộ có Ban cán sự Đảng. Trong ban cán sự không phải bình với nhau hết, người đứng đầu, anh vừa là Bộ trưởng, vừa là Bí thư. Trong một ngành nào đó, như giờ ngành dầu khí như thế, người đứng đầu ngành thế nào" Chủ tịch HĐQT làm gì" Tổng giám đốc làm gì" Anh bao che đã là sai nhưng anh buông xuôi để quân của anh ở dưới làm gì thì làm, như vậy anh quản lý cái gì…"”

Báo: “- Thưa ông, chuyện xử lý trách nhiệm lâu nay như thế nào"
Đáp: “ - Tôi thấy lâu nay xử lý trách nhiệm quá nhẹ. Có thể nói là không nghiêm, không đủ nghiêm! Các vụ việc vừa qua, chỉ có thể nói (xử lý) tương đối nghiêm chứ chưa thể hoàn toàn nghiêm, đó là vụ án Lã Thị Kim Oanh. Bộ trưởng, như anh Ngọ (Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ-PV) phải ra toà (với tư cách nhân chứng-PV). Rồi một số thứ trưởng (2 thứ trưởng Bộ NN&PTNT ra toà với tư cách bị cáo-PV) cũng vậy. Cho nên ta cứ bình thường như thế!”
“Phải dứt khoát, không để xảy ra chuyện như báo chí đôi khi thường nói mỉa là cứ làm rồi ''hạ cánh an toàn''. Thế không được đâu!”

Báo: -Làm ngơ không xử lý chính là "áo giáp" cho tiêu cực
Đáp: “ - Dân thắc mắc có những chuyện trắng đen rõ ràng, nhưng ai là người đứng ra xử lý" Chẳng hạn, gần đây ở Bộ GTVT xảy ra vụ đổ tàu E1, sai phạm ở Cụm cảng hàng không Miền Trung… nhưng Bộ trưởng đâu có làm sao"

“- Trước đây chúng ta cũng đã có những tiền lệ. (Các nước) xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều tiền lệ thế này, một thiệt hại đối với dân như cầu bị sập thì Bộ trưởng bị cách chức. Còn ở mình có chuyện như thế là do quản lý nhà nước không nghiêm đối với những người có trách nhiệm. Rồi mỗi ngày, số người chết vì TNGT không kém hơn hồi chiến tranh: 20-30 người chết/ngày, rồi bao nhiêu bị thương tật. Báo chí cũng phản ánh chuyện này nhưng tất cả do người đi đường sai. Gần như không có ngành nào nhận trách nhiệm sai. Ai cấp giấy phép lái xe" Ai kiểm tra phương tiện, ai vạch ra tuyến đường đi lại..."”

Báo: “ - Ông nhận thấy quyết tâm của Đảng thế nào, đã quyết tâm thật sự chưa"
Đáp : “- Cái đó mỗi cấp Đảng đều phải coi lại, có nghiêm không" Kỷ luật về đảng có, tại sao không xử lý" Có hạn chế gì đâu! Từ cảnh cáo đến đuổi ra khỏi Đảng, hạ cấp, giáng chức anh. Làm như thế là nghiêm chứ sao không nghiêm! Kỷ luật hành chính cũng rất nghiêm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Tất cả các vụ vụ việc xảy ra đó, tất cả mức kỷ luật đó trong phạm vi của người có đủ thẩm quyền.”

Báo: “ - Nghĩa là chúng ta chưa quyết tâm"
Đáp : “ - Nói quyết tâm thì cũng còn nhẹ quá…!”

Báo: “- Trong các cuộc lấy ý kiến cho Luật phòng, chống tham nhũng thì đại đa số đều cho rằng cần thành lập một Uỷ ban quốc gia về chống tham nhũng chứ không phải một Ban chỉ đạo mang tính chất kiêm nhiệm"
Đáp: “ - Cái đó cũng hay, nhưng trước hết phải xem cơ cấu ủy ban đó thế nào" Nhiều ủy ban rất to nhưng chẳng có quyền gì cả...”

Số câu hỏi-đáp giữa Báo chí và Võ Văn Kiệt được trích dẫn ở đây đã chứng minh một điều từ 30 năm qua ai cũng thấy, riêng đảng thì chưa. Đó là: Tham nhũng, kẻ xấu rành rành ra đấy nhưng Lãnh đạo thì cứ ì ra không nhúc nhích. Vì sợ hay bất lực thì cũng đã được từ trên xuống dưới trả lời bằng cách cứ mỗi lần có họp là tệ nạn Tham nhũng – Lãng phí lại được nhắc lại như một “thủ tục” phải có cho đầy đủ “lễ nghi quân cách” chẳng có tác dụng gì. Thành ra chuyện tham nhũng ở Việt Nam cũng đã được “đảng hóa” tất cả, không ai dám thắc mắc.

* “TUY NHIÊN” LÀ THẾ NÀO "
Cũng trong kỳ họp Quốc hội này, Phan Văn Khải –khi nói về Tham nhũng -- cũng chỉ biết nói cho xong “lễ nghi”: “Công tác quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, đã hình thành những yếu tố cơ bản của hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tiến bộ về tính công khai, minh bạch; an ninh chính trị - xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, việc làm trong sạch bộ máy và thực hiện dân chủ chưa đáp ứng được yêu cầu của dân, chưa tăng cường được trật tự kỷ cương trong bộ máy nhà nước và trong xã hội; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang rất phổ biến và nghiêm trọng chưa bị đẩy lùi khiến lòng dân không yên, có nhiều bất bình, gây cản trở lớn cho việc phát huy sức mạnh của dân và hiệu lực của Nhà nước.”

Rồi Khải lại hứa Chính phủ sẽ: “ Tiếp tục đổi mới chính sách thuế và phương thức hành thu để bảo đảm nguồn thu khi hạ thấp hàng rào thuế quan; thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sau khi được Quốc hội thông qua, trọng tâm là nâng cao hiệu quả đầu tư và chống đục khoét vốn đầu tư nhà nước..”

“ Kiên quyết thực hiện các biện pháp chống đục khoét vốn đầu tư nhà nước. Coi lĩnh vực đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước là một trọng điểm triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đấu thầu được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Hoàn chỉnh quy chế xác định trách nhiệm của chủ đầu tư đi đôi với xóa bỏ vòng khép kín các khâu thiết kế, thi công, giám sát đối với một dự án đầu tư trong các tổ chức thuộc một cơ quan chủ quản. Xúc tiến nhanh việc chuyển các tổ chức thiết kế, thi công, giám sát của Nhà nước thành công ty hoạt động độc lập.”
“ Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư ồ ạt, phân tán, không đồng bộ, không tính đến hiệu quả, gây lãng phí lớn. Chính phủ sẽ chỉ đạo việc tổng kết các công trình đã xây dựng trong 5 năm qua nhưng không sử dụng hoặc phát huy tác dụng rất hạn chế do chủ trương sai (như một số nhà máy, công trình giao thông, thủy nông, chợ, nhà văn hóa, công trình thể thao...), hoặc do không đồng bộ (như không cân đối giữa cầu và đường, giữa nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, cụm dân cư tránh lũ thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu, làm nhà máy mà không bảo đảm nguyên liệu, không tính đến tiêu thụ...), xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư (kể cả cấp trung ương) để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn tái diễn.”

Tất cả những chuyện “Kiên quyết” hay “Tiếp tục” sẽ làm việc này việc kia tốt hơn hiện nay cũng xưa như trái đất vì Nhà nước và Đảng đã nói như thế trong suốt cuộc hành trình dài của 20 năm Đổi mới, từ 1986 đến nay. Bao giờ chuyện “thành tích” cũng năm sau cao hơn năm trước, nhưng trên thực tế lại thụt lùi.

Chẳng hạn như những chứng bệnh di căn của cán bộ đảng viên trong các chương trình Xây dựng cơ bản như dự án khống, lấy tiến thật; làm dở dang nhưng đã tiêu hết tiến rồi bỏ ngang xương, hoặc chưa “cắt băng khai trương” cầu đã nứt, đã lún chân móng, đã sập, lủng lỗ mất an toàn. Có nhiều chương trình còn tham gia vào “phong trào” đào lên lấp xuống nát cả nhà dân, đường phố rồi để đấy thách dân dám đi khiếu kiện.

Nhiều nhà máy đường, bãi cảng, chương trình bắt cá xa bờ tốn hàng nghìn tỉ bạc rồi bỏ trơ vơ cho chuột vào làm nhà cũng là chuyện thường tình ẩn chứa muôn nghìn đắng cay của đồng tiền của mồ hôi nước mắt nhân dân đã phải gánh chịu trong nhiều năm qua. Tổng số tiền đầu tư bằng Ngân sách Nhà nước đã bị mất toi trong nhiều năm là bao nhiêu, ngay cả Chính phủ cũng không biết. Chỉ thấy nói đến con số hơn 3,000 Tỷ bạc do các Công ty, doanh nghiệp Nhà nước tiêu phí vô tội vạ.

Vũ Khoan, Phó Thủ tướng nói với Báo chí hôm 18-10 (05) : “ Tôi phải nói ngay rằng, chống đục khoét là một trong nhiều mục tiêu của Chính phủ trong năm 2006. Tình hình đục khoét vốn ngân sách nhà nước là rất nghiêm trọng, Chính phủ rất quan tâm. Nếu nói về lãng phí thì đây chính là lĩnh vực lãng phí lớn nhất, chứ không phải là chuyện dùng xe hay điện thoại di động. Những cái đó cũng là lãng phí phải chấn chỉnh, nhưng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản mới là lớn.”

Lớn bằng nào, không ai biết chỉ biết rằng các Doanh nghiệp Nhà nước càng làm ăn lỗ, càng tồn tại lâu. Bụng anh cán bộ Giám đốc nào cũng ngày một phình ra,chỉ có dạ dầy của công nhân của anh là teo lại !
Tuy thế Khoan vẫn vuốt dân : “ Tình trạng lãng phí thì người dân và QH đã nói nhiều, ai cũng biết. Nhưng tới đây sẽ không có chuyện nể nang hay né tránh. Năm 2006 Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại rất cụ thể các công trình dự án trọng điểm trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng là các công trình trọng điểm của địa phương và trung ương. Kết quả của đợt kiểm tra này sẽ được báo cáo với QH ngay trong năm 2006 và sẽ có những địa chỉ cụ thể rõ ràng được nêu danh. Qua đó sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trương đầu tư, kể cả cấp trung ương để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn tái diễn.”

Có lẽ người dân trong nước sẽ mừng là phen này có vẻ như Nhà nước dám ra tay thật chứ không còn nói dỡn như trước. Nhưng hãy khoan, chưa nên mừng vội. Thời gian đã trả lời dân trong vố số trường hợp lãng phí công khai mà chẳng ai dám đi khiếu kiện!

* MỖI NGƯỜI MỘT VẺ
Trong báo cáo với Quốc hội thì Phan Văn Khải và Quốc hội lại không “đồng tình” với nhau.
Chẳng hạn như chuyện Khải nói: “ Qua tình hình 9 tháng đầu năm nay, với khả năng và quyết tâm phấn đấu trong quý IV, dự báo năm 2005 có thể đạt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2005; tổng sản phẩm trong nước (GDP) có khả năng đạt xấp xỉ mức phấn đấu rất cao mà Quốc hội đề ra (8,5%), nhanh hơn hẳn nhịp độ đạt được năm trước (7,79%); riêng chỉ số giá tiêu dùng không thực hiện được mức kiềm chế dưới 6,5%, song không gây biến động lớn về kinh tế . Nhìn tổng quát, có thể đánh giá năm 2005 đạt bước tiến mới về phát triển kinh tế - xã hội tương đối toàn diện.”

Trong khi Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên, lại đánh giá: “Năm 2005 còn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém.”

Báo cáo của Kiên viết : “ Nhịp độ tăng trưởng kinh tế tăng cao (dự kiến 8,4%), đuổi sát mục tiêu đề ra (8,5%) nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao. Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng vẫn là vốn và lao động; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, trong nền kinh tế còn ít, năng suất lao động xã hội thấp...”

Bản tin của VNNet viết : “ Quốc hội năm vừa qua đã ra nghị quyết chống đầu tư dàn trải, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, lấy năm 2005 làm năm ''điểm'' thực hiện. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đức Kiên, chấp hành kỷ luật trong đầu tư chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện rõ nét.”

“Ông dẫn chứng: Năm 2005, dự kiến hoàn thành 600 công trình, dự án nhưng lại tăng trên 600 dự án, công trình mới. Công tác xử lý nợ đọng XDCB từ năm 2004 trở về trước đối với phần của Trung ương cơ bản đã được thanh toán từ tạm ứng ngân sách (4.278 tỷ đồng), số nợ thuộc trách nhiệm của địa phương theo báo cáo đã xử lý được trên 50% (3.698 tỷ đồng). Tuy nhiên, xét kỹ thì số nợ đọng trên thực tế của không ít địa phương còn cao hơn nhiều số đã báo cáo.”

“Vốn đầu tư vẫn dàn trải cho quá nhiều dự án, mục tiêu, còn phân bổ vốn cho các dự án chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, bố trí kế hoạch vốn vượt quá khả năng của nguồn vốn, tình trạng công trình dự án bị rút ruột xẩy ra nghiêm trọng tại một số ngành địa phương...”

Một số Đại biểu Quốc hội còn nghi vấn khả năng chống Tham nhũng của Chính phủ. Đại biểu Đặng Văn Xướng (đoàn Long An) nói : “ ''Báo chí nêu vụ việc tham nhũng to như voi, nhưng bị phù phép thành chuột nhắt rồi cho qua''. (VNNET 19-10-05)

“Theo đại biểu Trần Thanh Khiêm (Cà Mau), tiêu cực do giá cả cộng với tiêu cực, tham nhũng trong xã hội đã gây ra tâm lý không thuận chiều trong nhân dân. Tham nhũng không giảm mà một số nơi còn diễn ra nghiêm trọng.”

“ĐB Đỗ Trọng Ngoạn dẫn chứng thất thoát, lãng phí trong chương trình mía đường, đánh bắt xa bờ, trồng cây cà phê mất trắng; các vụ việc tiêu cực trong ngành dầu khí, Tổng công ty Hàng hải... đã rõ địa chỉ những thiếu xử lý kiên quyết.”

“ ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) thẳng thắn: ''Về tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ nói nhưng làm còn ít. Gần đây, có ông Vụ phó ngành thanh tra tiêu cực, dân chúng càng nghi ngại. Báo chí nêu vụ việc tham nhũng là voi nhưng sau đó bị phù phép thành chuột rồi cho qua''.

Còn về chuyện những con số phát triển đầy khích lệ của Việt Nam thì VNNET viết tiếp: “ ĐB Đỗ Trọng Ngoạn tỏ ra không vui vẻ gì với con số tăng trưởng 8,4% của năm 2005 với lý do: Tăng trưởng chủ yếu do bơm vốn, nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp.”

“ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) cũng tán đồng: ''Tăng lương không đủ bù tăng giá''. Nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng, giá cả leo thang đang gây khó khăn cho đời sống người dân. Nhầt là bà con nông dân, chịu cảnh ''mua đắt, bán rẻ'', chi phí xăng dầu, phân bón tăng trong khi nông sản đầu ra bị ép giá...”
Như thế là còn nhiều chuyện giữa Chính phủ và Quốc hội trong kỳ họp này. Nhưng không biết khi đã có điều qua tiếng lại như thế rồi họ sẽ có kết luận ra sao và làm thế nào cho dân nhờ "

Chẳng lẽ họp xong, ai về nhà nấy và chuyện đâu vẫn còn đó thì rồi cũng giống như chuyện Bộ trưởng ra trả lời chất vấn trước Quốc hội, dù đã tuyên bố nhận “khuyết điểm” nhưng vẫn ngồi nguyên, không bị ai cho về vườn thì chán mớ đời, thà đừng họp còn đỡ tốn tiền dân. -/-
Phạm Trần
(10/05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.