Hôm nay,  

Tội Ác: Tay Súng Điên Cuồng!

20/05/200800:00:00(Xem: 3145)

Một tên giết người hằng loạt hoạt động trên đường phố Nữu Ước, chuyên dùng một khẩu súng sáu 0.44 ly. Nạn nhân của hắn là các cô gái trẻ và những cặp tình nhân đang tình tự...
Mọi chuyện bắt đầu vào lúc một giờ sáng ngày 29 tháng Bảy năm 1976. Đêm ấy là một đêm mùa hè, trời thật nóng bức. Cô Donna Lauria, một chuyên viên y tế, 18 tuổi, và người bạn gái là Jody Valentine, 19 tuổi, đang ngồi trên băng trước của chiếc Oldsmobile đậu phía ngoài nhà Donna, nằm trên đường Buhre Avenue, trong khu Bronx của thành phố Nữu Ước, Hoa Kỳ.
Hai cô vừa tâm sự với nhau về bạn trai của mình xong, và khi Donna quay lại để mở cửa, cô nhìn thấy một người đàn ông trông còn rất trẻ, đang đứng trên vỉa hè cách xe chỉ có vài thước. Khi Donna đẩy cửa mở, tên này bỗng rút ra một khẩu súng trong túi giấy, quỳ ở tư thế bắn súng, không nói một lời, lảy cò liền.
Viên đạn đầu phá nát cửa kính xe phía Donna đang ngồi, và bắn trúng cổ Donna Laurie. Donna giơ cao tay che mặt, và viên đạn thứ nhì bắn nát khuỷu tay cô, chạy xuống đến gần cườm tay mới dừng lại. Donna té ngã nhào ra lề đường, làm cửa xe mở tung ra. Tên này lại bắn nữa, và viên đạn thứ ba bắn trúng đùi Jody Valenti. Cô thét lên và té ngã úp mặt vào tay lái. Đầu của Jody đè nặng lên kèn xe, làm xe phát ra tiếng kêu liên tục, vô hình chung đã trở thành tiếng còi báo động.
Người đầu tiên chạy ra xem là ông Mike Lauria, cha của Donna. Ông nhìn thấy con gái mình dang nằm giữa một vũng máu trên lề đường, và Jody đang đẩy cửa xe bò ra, miệng la hét: "Trời ơi! Chúng tôi đã bị bắn!"
Khi các xe cứu thương chạy đến đường Buhre Avenue thì cô Donna đã trút hơi thở cuối cùng vì vết thương quá nặng. Tuy vết thương của Jody không nặng lắm, nhưng cô bị khủng hoảng tinh thần mạnh đến nỗi, mãi đến nhiều giờ sau cô mới lấy lại đủ bình tĩnh để mô tả tên bắn người vô cớ cho cảnh sát rõ.
Theo Jody, hắn là một người đàn ông tuổi trạc ba mươi, da trắng, tóc đen và xoăn, mặt mày được cạo râu nhẵn nhụi. Cô chưa từng gặp hắn bao giờ, và tin là Donna cũng không biết tên này.
Không có nhân chứng nào khác đã chứng kiến vụ bắn người, nhưng một số người hàng xóm khi nghe tiếng súng chạy ra xem thì có nhìn thấy một chiếc xe hơi màu vàng loại sedan đậu sau xe Donna hối hả rú ga bỏ chạy sau vụ bắn người.

BẮN NGƯỜI VÔ CỚ LẠI XẢY RA

Cảnh sát còn chưa tìm ra được dấu vết gì của tên sát nhân thì hắn lại ra tay một lần nữa vào ngày 23/10/1976, chỉ 12 tuần sau vụ bắn chết cô Donna Lauria. Mới đầu, cảnh sát không tìm thấy bằng cớ gì chứng tỏ hai vụ án có liên quan đến nhau. Lần này phạm trường là một khu vực khá sang trọng trong thành phố Nữu Ước là khu Queens, nơi dân trung lưu hay đến ở, và cách xa khu lao động Bronx đến mấy cây số.
Khi ấy cô Rosemary Keenan, đứa con gái 18 tuổi của một thám tử cảnh sát thành phố Nữu Ước là ông John Keenan, đã đi chơi và tâm tình với bạn trai là Carl Denaro, 20 tuổi, trong một quán rượu, suốt đêm ấy.
Carl sắp rời Nữu Ước để gia nhập ngành không quân Hoa Kỳ, vì vậy sau khi rời khỏi quán rượu, cặp tình nhân đậu chiếc Volkwasgen của họ lại trong một con đường vắng, để tiếp tục nói lời từ giã. Mải mê nói chuyện, họ không hề chú ý đến một người đàn ông đang bò lại từ đằng sau xe đến gần.
Carl để tóc kiểu híp py dài chấm vai, vì vậy khi nhìn đàng sau trông rất giống con gái. Có lẽ khi tên sát nhân móc súng bắn năm phát vào xe, hắn cũng có cùng một ý nghĩ như thế. Bốn viên đạn đầu phá tan các cửa kính xe, nhưng không trúng mục tiêu. Viên đạn thứ năm bắn nát đầu Carl Denaro khi anh hụp xuống để tránh miểng kiếng xe văng trúng.
Khi cảnh sát đến nơi, họ tìm thấy Rosemary không bị hề hấn gì, nhưng đang sợ hãi quá đỗi. Carl được chở tức thời đến bệnh viện, và mặc dầu vết thương trông thật ghê rợn, cuối cùng anh vẫn được cứu sống. Viên đạn đã phá nát xương sọ phía sau đầu, nhưng đã không chạy vào óc. Sau hai tháng điều trị, và được các nhà phẫu thuật gắn một tấm kim loại thế phần xương sọ bị bắn nát, Carl bình phục hoàn toàn.
Mãi đến một tháng sau ngày Carl bị bắn, lần đầu tiên cảnh sát mới nghi ngờ có một tên giết người hằng loạt đang hoạt động trong thành phố Nữu Ước.
Vào ngày 27/11/1976, khoảng gần 1 giờ khuya, em Donna DeMasi, 16 tuổi, và bạn là Joanne Lomino, 18 tuổi, đi bộ về nhà từ rạp chiếu bóng, sau khi vãn hát. Donna để ý thấy một người đàn ông đang đứng khuất sau bóng một cây đèn đường và lo sợ nói vợ bạn: "Này Joan, có một thằng cha đang theo dõi mình ở đàng kia kìa, Joan có nhìn thấy không" Trông hắn tướng cô hồn quá hà! Thôi mình đi nhanh lên một chút đi!"
Khi ấy hai cô gái chỉ còn cách nhà Joanne vài chục thước, thế nhưng khi họ rảo bước đi nhanh, họ nhận thấy tên đàn ông có tướng cô hồn cũng rảo bước theo sau. Khi hai cô về đến trước nhà và Joanne đang vội vã móc chìa khóa cửa trước, thì tên này bước đến gần hai cô, giả bộ hỏi đường: "Cô ơi! Làm ơn chỉ giúp tôi đường đến..."
Joanne và Donna vẫn còn rất lo sợ, không thèm trả lời hắn, và quay lưng lại, định mở cửa tiến vào nhà. Bỗng nhiên, người đàn ông móc khẩu súng từ trong lưng quần ra và bắn hai phát. Viên đạn đầu bắn gẫy cột sống của Joanne, viên thứ hai chạy xuyên phần dưới cổ Donna. Hai cô vẫn còn đủ sức để chạy té vào bụi cây, trong khi tên điên khùng bắn thêm ba phát nữa, nhưng đều hụt cả.
Cả hai được đưa đến bệnh viện Jewish Hospital trong vùng Queens để cấp cứu. Bác sĩ khám phá, Donna bị bắn gẫy một xương bả vai, nhưng cuối cùng được chữa lành hẳn. Còn Joanne kém may mắn, bị viên đạn bắn đứt tủy sống, vì vậy phải bị tê liệt suốt đời từ eo trở xuống chân.
Nay sự tương đồng giữa vụ bắn người này so với vụ bắn Lauria, Valenti trở nên thật rõ rệt. Trong cả hai trường hợp, nạn nhân đều rất trẻ đẹp và là dân gốc Ý Đại Lợi. Cả bốn người đều đang trên đường đi về nhà sau khi đi chơi khuya. Cả bốn đều bị một người đàn ông dùng khẩu súng sáu Bulldog 0.44 ly tấn công. Tuy nhiên có một điểm khác biệt là, Jody mô tả tên tấn công nàng là một người đàn ông có mái tóc đen xoăn, cắt ngắn, trong khi cả Joanne và Donna đều khai là tên bắn hai cô có máy tóc vàng dài chấm vai.
Một nhân chứng độc lập khác, đã nhìn thấy một người đàn ông xách súng chạy khỏi phạm trường, cũng mô tả hắn có tóc vàng dài chấm vai.

VỤ BẮN NGƯỜI TẠI KHU QUEENS, NỮU ƯỚC

Vào đêm 29/1/1977, tám tuần sau vụ bắn Donna và Joanne, cô Christine Freund, 26 tuổi, đi chơi cùng bạn trai là anh John Diel, 30 tuổi. Sau khi xem xong bộ phim hay mới ra lò Rocky do tài tử mới nổi là Silvester Stallone đóng, họ đã đi ăn tối trong một quán rượu trong vùng Queens.
Đến nửa đêm, cặp nhân tình đậu chiếc xe Pontiac Firebird trong một con hẻm vắng để được tự do tình tự. Đêm ấy là một đêm trời mùa đông giá buốt, và hơi thở của cặp tình nhân nồng cháy làm mờ cả cửa kính xe. Bất ngờ một tiếng súng nổ vang rền và cửa kính xe phía hành khách ở đàng trước bị vỡ tung. Tiếp theo, thêm hai phát súng được bắn liên tục. Christine té ngã về phía trước, đầu bị trúng hai phát đạn.
Diel loạng choạng bước ra khỏi xe, không bị thương nhưng hoảng sợ đến bấn loạn cả người. Anh cố ra dấu chặn các xe chạy ngang lại để cầu cứu, nhưng không xe nào dám dừng lại cả. Cuối cùng có ai đó đã điện thoại báo cảnh sát, và một chiếc xe cứu thương tức tốc được gọi đến để chở Christine đến bệnh viện St John cấp cứu, nhưng vì vết thương quá trầm trọng, cô từ trần sau bốn giờ nằm mê man bất tỉnh trong phòng mổ.

NỮ SINH VIÊN BỊ BẮN VÀO MẶT

Vụ bắn người thứ năm xảy ra năm tuần sau đó, vào ngày 8/3/1977, trong một khu trung lưu của thành phố Nữu Ước là Forest Hills. Lúc ấy khoảng 7 giờ 30 phút tối, và cô Virginia Voskerichian, một sinh viên Nga Ngữ, đang đi bộ về nhà sau một ngày học bài và tham khảo sách vở trong thư viện của viện đại học Columbia. Cô đi dọc theo đường Exeter Street, tay ôm một chồng sách nặng.
Bất ngờ Virginia nhận ra mình mặt đối mặt với một người đàn ông trẻ tuổi, đang đi ngược hướng với mình. Virginia bước tránh sang một bên, nhưng thay vì bước đi, tên này lại móc súng chĩa vào đầu cô.
Virginia hoảng hồn cố đưa chồng sách lên che đầu, nhưng lúc ấy hung thủ chỉ đứng cách cô có khoảng một thước khi hắn bắn, nên tấm bia đỡ đạn ấy không có hiệu quả lắm.  Viên đạn bay xuyên qua chồng sách, đâm thủng môi trên của nạn nhân, làm nát răng cửa của cô, và dừng lại trong họng cô, kế bên cột sống. Virginia loạng choạng thụt lùi và té vào một bụi rậm gần đó, chết hầu như tức thời.
Khi cảnh sát đến đường Exeter St, một nhân chứng mô tả người đàn ông đã bỏ chạy từ phạm trường cho cảnh sát rõ. Đây là một người đàn ông trẻ, cao khoảng một thước bảy, và đeo mặt nạ balaclava.
Lời mô tả không được rõ rệt lắm, nên cảnh sát không thể nói chắc là vụ bắn người mới nhất này có liên quan đến mấy vụ bắn người tại Nữu Ước trong thời gian gần đây hay không" Nhưng đến ngày kế tiếp, mọi việc đều thay đổi một cách ngoạn mục.
Các chuyên viên về vũ khí sau khi khám xét chi tiết viên đạn lấy từ trong sọ Virginia ra thì nhận thấy chúng có cùng những vết trầy như những viên đạn đã thu được tại phạm trường trong các vụ bắn người trước đó, như thế chứng tỏ chúng đã được bắn ra từ cùng một khẩu súng.
Chỉ vài ngày sau vụ ám sát cô Virginia Voskerichian, cảnh sát công bố họ đã bắt đầu tiến hành Chiến Dịch Omega để lùng bắt thủ phạm, dùng một lực lượng đặc nhiệm đặt dưới quyền chỉ huy của phó thanh tra cảnh sát Timothy Downd. Nhiệm vụ duy nhất của họ là xác định và bắt giữ tên hung thủ mà họ đặt tên là Tên Sát Nhân Chuyên Dùng Súng Sáu 0.44 Ly.
Tức thời đội Omega nhận được hằng ngàn cú điện thoại của công chúng gọi đến báo tin về tên giết người. Vào lúc cao điểm, trung bình có đến 5,000 cú điện thoại báo tin một ngày! Đa số các cú điện thoại này là của những công dân có lòng tốt, có tinh thần trách nhiệm cộng đồng, muốn giúp nhà chức trách tìm ra thủ phạm. Nhưng xen lẫn với những người này, là hàng ngàn những người khùng khùng, dở dở ương ương, những kẻ thích nói dối, những người hay phá rối, những hàng xóm có thù hằn riêng tư tố ẩu để trả thù, những bà vợ bị chồng bỏ và những người háo danh, tự khai nhận mình là thủ phạm để được nổi tiếng!
Hậu quả là lực lượng không có đủ người làm việc để lọc lựa và theo dõi hết những đầu mối tình nghi từ đống tin tức khổng lồ và hỗn tạp ấy, thế nên cuối cùng không đạt được kết quả gì.
Phó thanh tra Dowd tin chắc rằng, nếu lực lượng của ông không thành công trong việc tìm ra hung thủ, thì hắn sẽ còn ra tay giết người nữa. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian để bắt tên sát nhân trước khi hắn lại ra tay. Nhưng cuối cùng cảnh sát đã thua cuộc. Vào ngày 17/4/1977, hung thủ lại xuất hiện và một vụ án mạng nữa lại xảy ra.

BỊ GIẾT KHI NGỒI TRONG XE

Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, cô Valentina Suriani và người bạn trai là Alexander Esau, đang ngồi tình tự trong chiếc xe Mercury Montego của Alexander, đậu trong một ngõ hẻm ở khu North Bronx, chỉ cách chỗ Donna Lauria bị bắn chín tháng trước đó có vài con đường. Hai người đang hôn nhau thật sôi nổi bỗng nhiên việc tình tự của họ bị phá vỡ một cách bất ngờ và thảm khốc trong tiếng súng rền vang và cánh cửa kiếng bị vỡ tung.
Hai viên đạn đầu phá tan phần đỉnh xương sọ của Valentina, gây cái chết tức khắc cho nạn nhân. Viên đạn thứ ba bắn trúng mặt Alexander. Anh cố gắng bò được ra khỏi xe trước khi bị ngất xỉu. 18 giờ sau, anh từ trần trong bệnh viện.

THƯ CỦA THỦ PHẠM GỬI CẢNH SÁT

Chẳng bao lâu sau vụ bắn Valentina và Alexander, cảnh sát lũ lượt kéo đến để truy tìm tang chứng tại phạm trường. Một cảnh sát viên để ý thấy một phong bì bị bỏ trên lề đường, nằm cách chiếc xe của nạn nhân vài thước. Không hề để ý đến các quy tắc lẽ ra phải theo trong việc thu thập tang chứng, người cảnh sát viên cẩu thả cầm bức thư mà không hề đeo găng tay.
Thư đề gửi cho đại úy Joseph Borelli, phó chỉ huy đội Omega, phụ tá của phó thanh tra Dowd. Đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên của tên giết người hằng loạt. Nhưng khi bức thư được đưa đến văn phòng giảo nghiệm pháp y của cảnh sát Nữu Ước, nó đã bị chuyền qua tay ít nhất tám người và những người này không hề đeo găng tay! Vì lý do đó nếu tác giả bức thư có để lại dấu tay đi nữa, thì dấu tay ấy đã bị xóa mất! Tuy nhiên, các chuyên gia pháp y vẫn tìm thấy một số dấu tay không trọn vẹn, chỉ có một phần nhỏ in hằn trên mặt giấy, vì dường như tác giả của bức thư chỉ dùng đầu ngón tay để nhón lá thư mà thôi.
Nội dung của bức thơ đã tiết lộ cho cảnh sát biết được nhiều điều. Đây là một bức thư dài bốn trang, viết tay bằng chữ in hoa, rất dài dòng văn tự, cách hành văn luộm thuộm, đầy giận dữ, và tự mô tả người viết.


Các chuyên gia tâm lý kết luận, tác giả là một người điên, hoặc một người nào đó muốn nhà chức trách tin rằng thủ phạm là một tên điên. Tác giả bức thư giận nhất là đã bị các chuyên gia tâm lý của cảnh sát gọi là kẻ thù đàn bà. Hắn phàn nàn: "Tôi rất buồn lòng vì các ông đã gọi tôi là một người ghét đàn bà. Tôi không phải là kẻ ghét đàn bà, nhưng tôi là một con quái vật. Tôi là "Con Của Sam". Tôi là một thằng bé vô loại. Khi cha tôi nhậu xỉn, ổng trở nên tàn ác, ổng về đánh vợ, đánh con. Đôi khi ổng trói tôi lại ở sau hè. Khi khác ổng nhốt tôi trong nhà xe. Sam thích uống máu nên ông chuyên ra lệnh cho tôi đi giết người... Đàng sau nhà tôi có một vài người đã an nghỉ nghìn thu. Đa số đều còn trẻ - bị hiếp và bị tàn sát - máu bị hút cạn - chỉ còn xương... Tôi cảm thấy mình là người ngoại cuộc. Tôi suy nghĩ khác đời, được sinh ra để giết người."
Đến cuối thư, hắn còn trêu chọc nhà chức trách: "Chú ý! Các cảnh sát chú ý! phải bắn tôi trước, bắn cho tôi chết trước, bằng không thì phải tránh mặt tôi nếu không muốn chết oan!"
Hắn kết thúc bức thư như sau: "Bây giờ đã đến lúc nói lời tạm biệt: xin tổng chào tất cả. Cảnh sát: hãy để ta ám ảnh các ngươi với những lời này: Ta sẽ trở lại! Ta sẽ trở lại, nghe rõ chưa! Nghĩa là đùng đùng đùng, tạch đùng - và ối chao! Người bạn sát nhân, Ông Quái Vật nhã giám."
Sự hiện hữu của bức thư được giữ trong vòng bí mật trong nhiều tuần lễ và được dùng để tạo nên một bức tranh tâm lý về tác giả của nó, cũng như để dễ dàng loại bỏ bọn ba trợn chuyên nghề đi tự thú trong những vụ án nổi tiếng.
Một trong số rất ít người ngoài lực lượng Omega được biết đến nội dung bức thư ấy là một ký giả kỳ cựu của tờ New York Daily News, ông Jimmy Breslin. Ông Breslin tôn trọng lời hứa là sẽ không tiết lộ nội dung bức thư cho đến khi cảnh sát bằng lòng công bố, nhưng trong các thiên phóng sự viết về vụ giết người hằng loạt này, ông có nhắc đến sự hiện hữu của bức thư.
Rõ ràng là tên sát nhân có đọc bài viết của ông Breslin, vì chỉ sáu tuần sau vụ bắn chết Valentina và Alexander, hắn gửi qua đường bưu điện một bức thư thứ nhì, đến cho ký giả Breslin. Trong thư hắn tuyên bố sẽ tiếp tục giết người nữa, và tiếp tục trêu chọc cảnh sát.
Khi báo New York Daily News cho xuất bản nội dung tóm gọn của bức thư này, thì số báo bán tăng lên đến mức kỷ lục là 1,116,000 tờ! Bấy giờ cả nước Mỹ đều giận dữ lên án tình trạng mất an ninh trong xứ, và đòi hỏi cảnh sát phải bắt cho bằng được thủ phạm. Nhưng cho đến lúc đó nhà chức trách vẫn chưa tìm ra được manh mối gì đáng kể để lần ra thủ phạm.

TÊN SÁT NHÂN TIẾP TỤC KHỦNG BỐ VÀ GIẾT NGƯỜI

Vào ngày 26/6/1977, ba tuần sau khi bức thư gửi ký giả Breslin được xuất bản, tên sát nhân lại ra tay bắn người. Nạn nhân là cô Judy Placido, 17 tuổi, mới tốt nghiệp trung học và bạn trai của cô là Sal Lupo. Cả hai bị bắn trọng thương trong khi đang đậu xe trong một hẻm vắng, và đang nhắc đến các vụ án bắn người tại Nữu Ước! May mắn cả hai sau đó đã được điều trị và phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Đến ngày 31/7/1977, tên hung thủ giết một nạn nhân cuối cùng trong đời hắn. Nạn nhân là cô Stacey Moskowitz, 21 tuổi, và bạn trai của cô là Robert Violente, bị bắn trọng thương.
Robert bị bắn hai phát vào mặt làm thủng màng nhĩ và bị mù suốt đời. Riêng người yêu của anh là cô Stacey vắn số hơn, bị bắn vào đầu và chết 36 tiếng đồng hồ sau khi được chở vào bệnh viện cấp cứu.
Một cặp tình nhân trẻ khác, đậu xe phía trước xe của nạn nhân vài thước, đã chứng kiến vụ bắn người bằng cách nhìn qua kính chiếu hậu. Họ nhìn thấy một người đàn ông tướng người khá to con tiến đến xe của Robert và Judy từ phía sau, quỳ xuống kế bên cửa sổ, và bắn ba phát vào xe. Sau đó hắn bỏ chạy vào trong một công viên ở gần đấy.
Một số nhân chứng khác khai là họ nhìn thấy một chiếc xe Volkswagen màu vàng đậu gần phạm trường và lưu ý là xe này đã vội vã phóng đi mất dạng sau khi án mạng xảy ra.
Nhưng một nhân chứng quan trọng nhất là bà Cecilia Davis thì đợi mãi đến hai ngày sau vụ bắn người mới dám ra trình cảnh sát, vì trước đó bà sợ tên sát nhân biết mặt bà sẽ tìm đến để giết người, diệt khẩu. Bà chắc chắn rằng không những bà đã nhìn tận mặt tên sát nhân, mà hắn cũng đã nhìn thấy bà và nhớ mặt bà!
Mãi đến khi bà tâm sự với một người bạn, và người này khuyên bà nên làm nhiệm vụ của một công dân, bà mới lấy hết can đảm đi gặp nhà chức trách, vào ngày 2/8/1977.
MỘT TÀI XẾ THIẾU KIÊN NHẪN
Vào đêm xảy ra án mạng, bà Cecilia được người bạn chở về nhà vào lúc 2 giờ sáng. Khi xe đậu trước chung cư, bà chưa xuống xe vội. Vì trời đêm, đường vắng, không sợ cản trở lưu thông, bà còn cà kê nói chuyện với bạn là tài xế đang ngồi chung xe. Một lúc sau, bà để ý thấy có một người đàn ông trẻ đi đến cửa chiếc xe Ford Galaxie màu vàng đậu kế bên cột nước cứu hỏa đàng sau xe bà. Hắn thò tay chụp lấy tờ giấy phạt vi cảnh, vò nát bỏ vào túi, rồi mở cửa xe leo vô.
Vài giây sau, chiếc xe chạy đến sau xe bà bạn, vì xe đậu choán đường, tài xế xe Ford Galaxie không vượt qua được, liền nổi nóng bóp còi inh ỏi. Bà Cecilia vội vã bước xuống để bạn lái xe đi, và khi bà bước đến cửa nhà, bỗng nổi tính tò mò, liền quay lại nhìn mặt người tài xế của chiếc Ford Glaxie vàng có tính tình nóng nảy ấy.
Vài phút sau, trước 2 giờ 30 sáng, bà dắt chó đi ra khỏi nhà để tập thể dục. Khi đi ngang qua nơi một lúc sau sẽ xảy ra án mạng, bà nhìn thấy ba chiếc xe đậu một dọc. Có một chiếc là của nạn nhân, một chiếc của nhân chứng và chiếc thứ ba là chiếc màu vàng.
Khi bà tập thể dục xong, trên đường về, bà nhìn thấy một người đàn ông tóc xoăn đen mặc quần Jean và áo choàng Jean đang đi băng qua đường từ chỗ ba chiếc xe đang đậu. Hắn Trợn mắt nhìn vào mặt bà, đầy vẻ đe dọa. Bà chắc chắn hắn chính là tài xế chiếc Ford Galaxie bà mới gặp lúc trước.

CẢNH SÁT PHĂNG RA THỦ PHẠM

Mới đầu thám tử Strano, người được gửi đến phỏng vấn bà Cecilia, không chú ý đến lời khai của bà và chiếc Ford Galaxie lắm, vì có nhiều nhân chứng khác đã nhìn thấy chiếc Volkswagen vàng chạy biến khỏi phạm trường kia mà. Nhưng một khi đã vượt qua được sự sợ hãi và dám ra làm chứng, bà Cecilia tỏ ra rất "ngoan cố", không chịu để cảnh sát xem thường lời khai của mình được.
Vì sự đòi hỏi dai dẳng của bà, cuối cùng thám tử Strano quyết định bỏ thời giờ đi lục lại hồ sơ của tất cả các giấy phạt vi cảnh mà cảnh sát địa phương đã biên phạt trong đêm ấy để làm vui lòng bà nhân chứng quá cứng đầu, nhiều chuyện!
Vì lúc ấy mọi người đều tin là tài xế chiếc xe Volkswagen mới chính là thủ phạm, việc tra lục hồ sơ phạt vi cảnh được tiến hành rất chậm chạp. Mãi đến ngày 9/8/1977, nghĩa là 10 ngày sau vụ bắn chết cô Judy, cảnh sát mới tìm ra giấy biên phạt vi cảnh chiếc xe Ford Galaxie vàng.
Giấy phạt được viết lúc 2 giờ 18 phút sáng ngày 31 tháng Bảy 1977. Giấy tờ đăng bộ của xe cho thấy, chủ xe tên là David Berkowitz, ở số 35 đường Pine St, thuộc vùng Yonkers, Nữu Ước.
Thám tử James Justus của biệt đội Omega được giao nhiệm vụ soát lại hồ sơ lý lịch David. James điện thoại đến tổng hành dinh cảnh sát vùng Yonkers để hỏi thêm cho tiết xem David có tiền án gì không, vì hắn sống tại đấy. Người điện thoại viên tiếp chuyện với James là cô Wheat Car. James báo cho cô Wheat Carr biết là mình đang dọ hỏi về tên David Berkowitz vì tình nghi hắn có nhúng tay vào các vụ giết người hàng loạt đang làm náo loạn cả thành phố Nữu Ước.
Cô Wheat Carr lặng người vì kinh ngạc, chỉ thốt được một tiếng: "Trời đất quỷ thần ơi!"
Mãi một lúc sau cô mới lấy lại được bình tĩnh và giải thích, không những tổng hành dinh cảnh sát Yonkers biết rõ về hắn, mà chính gia đình cô cũng biết rành về hắn. Berkowitz là hàng xóm của ông Sam Carr cha của cô Wheat Carr. Trong vòng mấy tháng nay, David đã liên tục khủng bố và đe dọa tinh thần gia đình cô.
Hắn đã gửi nhiều bức thư nặc danh đe dọa, đã chế bom xăng châm lửa quăng vào nhà cha cô mấy lượt, đã bắn bị thương con chó nhà cô nuôi và đã lớn tiếng vu cáo là gia đình cô có phép phù thủy trù ếm hắn!
Dĩ nhiên là cha cô đã đi thưa cảnh sát, nhưng vì thiếu bằng chứng, nên cảnh sát không làm gì được. Nhiều người hàng xóm khác cũng đã từng đệ đơn than phiền về tên hàng xóm khó ưa David Berkowitz với cảnh sát. Những lời than phiền này bao gồm đủ tội, từ việc có hành vi, cử chỉ đe dọa đến việc phá hoại ngấm ngầm, nhưng vì tổng hành dinh vùng Yonkers không có đủ nhân lực, họ chỉ tập trung việc điều tra vào những vụ án nghiêm trọng mà thôi, không thèm phí công sức để giải quyết việc hàng xóm chửi lộn!

DAVID BERKOWITZ BỊ SA LƯỚI PHÁP LUẬT

Cho đến lúc này, lực lượng Omega vẫn chưa tin người hàng xóm trời đánh David Berkowitz chính là tên giết người hằng loạt, vì vậy, vào ngày 10/8/1977, họ chỉ phái hai thám tử hạng thường là Ed Zigo và John Longo đến Yonkers phỏng vấn David Berkowitz, gọi là để phòng hờ mà thôi.
Khi hai nhà thám tử đến chỗ trú ngụ của David Berkowitz trên đường Pine St, điều họ lưu ý đến đầu tiên là chiếc xe Ford Galaxie màu vàng của hắn đậu trước tòa chung cư. Thám tử Zigo quyết định nạy cửa khám xe trước cho chắc ăn.
Ông tìm thấy một chiếc bị để ở băng sau, có chứa một khẩu súng trường bán tự động Commamdo Mark 111 cùng bốn băng đạn; một khẩu shot gun hiệu Inthaca, và hai khẩu súng trường 0.22 ly. Sau đó Zigo lục trong chỗ để găng tay ở phía trước và tìm thấy một phong thư. Trên bì thư, được viết nắn nót bằng nét chữ in hoa, là tên của phó thanh tra cảnh sát Timothy Dowd, lãnh đạo nhóm Omega!
Bây giờ thám tử Zigo không còn cảm thấy nghi ngờ gì nữa, liền tức tốc gọi điện về tổng hành dinh của lực lượng Omega, thông báo: "Chúng tôi đã tìm ra thủ phạm!"
Chẳng bao lâu sau, các sĩ quan cảnh sát khác của lực lượng Omega đã có mặt tại Pine St. Họ chắc là Berkowitz còn ở trong chung cư, và chắc chắn hắn có vũ trang, tiến vào ngay rất nguy hiểm, vì sẽ xảy ra chuyện bắn nhau, vì vậy liền quyết định chờ đợi bên ngoài cho đến khi hắn cần đi ra ngoài.
Sáu tiếng đồng hồ sau, vào lúc 10 giờ tối, David Berkowitz, một người đàn ông trẻ, tướng người khá đẫy đà, tóc đen, da trắng, bước ra khỏi phòng và tiến về hướng chiếc xe Ford Galaxie vàng. Hắn đang xách một túi giấy màu nâu, có hình tam giác. Các thám tử ẩn quanh biết rõ túi giấy đựng vật gì. Họ kiên nhẫn chờ đến khi Berkowitz đã ngồi vào xe, đang mở máy, thì thám tử William Gardella mới bước nhanh đến, gõ vào cửa kiếng, chĩa súng và thét to: "Ngồi yên! Cấm nhúc nhích! Cảnh sát!"

CHẾT ĐẾN GÁY MÀ VẪN CÒN CƯỜI MỈM CHI!

Berkowitz không tỏ ra quan tâm lo lắng hoặc sợ hãi gì cả. Thám tử Gardella nhớ lại: "Hắn chỉ quay lại nhìn chúng tôi, mỉm cười! Hắn có một nụ cười khùng khùng điên điên điểm trên môi cứ như hắn đang chơi trò hú tim!"
Berkowitz tiếp tục mỉm cười với thám tử Gardella, trong khi thám tử John Falotico mở cửa xe và dí mũi súng sáu 0.38 ly vào màng tang hắn. Hắn bước ra khỏi xe, và đặt hai tay trên đầu xe, chân dang rộng.
Falotico hỏi: "Bây giờ tao mới bắt được mày, vậy mầy là ai đây""
Berkowitz trả lời: "Mầy biết mà, còn hỏi làm gì""
"Không, tao không biết, mầy hãy nói cho tao nghe thử xem""
Berkowitz cười tươi như hoa nở, tuyên bố: "Tao là Sam".
Lập tức, cảnh sát điệu tên nhân viên bưu điện 24 tuổi, có dáng người đẫy đà về tổng hành dinh. Tại đây, hắn vui vẻ thú nhận hết tất cả các vụ giết người hắn đã làm, bắt đầu với Donna Lauria, và kết thúc với cái chết của Stacey Moskowitz. Hắn diễn tả thật chi tiết từng vụ án mạng, làm cảnh sát hoàn toàn không còn nghi là hắn nhận ẩu nữa.
Berkowitz rất muốn giải thích cho mọi người hiểu lý do vì đâu đã khiến hắn giết người. Lúc ấy hắn đang làm theo lệnh của ông hàng xóm là Sam Carr, vì vậy hắn mới lấy biệt danh là Con Của Sam! Tuy nhiên, những lệnh này
không được nhận trực tiếp từ ông Sam, mà truyền qua con chó quỷ sứ của Sam, thuộc giống chó Labrador màu đen, có tên là Harvey. Đây chính là con chó mà David đã bắn cho bị thương mấy tháng trước đó!
Mặc cho những lời tuyên bố điên khùng của David, các luật sư biện hộ cho hắn đã không thuyết phục được chánh án tòa sơ thẩm là hắn bị điên. Có nhiều nhà tâm lý học và phân tâm học danh tiếng được mời đến khám bệnh tâm thần của David đều tuyên bố, hắn chỉ giả bộ điên khùng chứ thật ra còn tỉnh táo lắm, đủ thông minh để ra hầu toà.
Trong phiên tòa ngày 23/8/1977, David Berkowitz thú nhận hết sáu tội danh sát nhân và tám tội danh cố sát. Vì đã nhận tội, hắn không phải ra trước bồi thẩm đoàn để xét xử tiếp xem có tội hay không có tội. Trước tội danh đã quá rõ ràng và chính bị cáo cũng đã nhận tội, chánh án tuyên bố David Berkowitz lãnh nhận một án tù tổng cộng 365 năm tù ở, và sẽ không bao giờ được tha.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.