Hôm nay,  

Phật Giáo Trước Những Thảm Cảnh Trên Thế Giới

19/10/200500:00:00(Xem: 5583)
- LTS. Người Phật Tử suy nghĩ thế naò về các thiên tai liên tục đang xảy ra" Thiền Giả Thích Trí Châu là bút hiệu của Thầy Thích Trí Châu, một Thiền Sư Việt Nam nhưng nối pháp dòng Vân Môn Trung Quốc, đang ngụ ở Quận Cam, lấy lý nhân duyên để giải thích về hiện tượng thiên tai liên tục như sau.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay chúng tôi muốn cùng quý vị suy gẫm về bài kệ thị tịch của thiền sư Vạn Hạnh thời vua Lê Lý thế kỷ thứ 11 ở Việt Nam và nhân đó nói về quan niệm của Phật Giáo trước những thảm cảnh trên thế giới.

Các thiền sư thì lúc nào cũng tìm cách khuyến khích chúng ta phải rốt ráo thực hành Thiền Định nhất là quý ngài luôn để lại những bài kệ thị tịch siêu tuyệt. Trước khi đi vào bài kệ tưởng cũng nên nhắc sơ qua về tiểu sử thiền sư Vạn Hạnh.

Thiền sư Vạn Hạnh thuộc dòng thứ 12 của hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci). Tỳ Ni Đa Lưu Chi là đệ tử của Tam Tổ Tăng Xán của Trung Hoa. Vâng lời thầy, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đi xuống phía nam để hoằng pháp, trước hết ngài đến Quảng Châu, sau đó đến năm 580 tây lịch thì ngài đến trụ trì và hoằng pháp tại chùa Pháp Vân ở làng Cổ Châu, huyện Long Biên, Việt Nam. Ngài ở lại đây truyền bá thiền tông được 14 năm thì thị tịch vào năm Giáp Thân 594. Ngài có một đệ tử truyền thừa là thiền sư Pháp Hiền (tịch năm 626).

Thiền Sư Vạn Hạnh là đệ tử của thiền sư Thiền Ông. Ngài là trụ trì của chùa Lục Tổ vào thời vua Lê Đại Hành và được vị vua này rất kính trọng. Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Lê Long Đĩnh giết anh là thái tử Lê Long Việt lên làm vua. Rất bệnh hoạn vì say mê tửu sắc, Long Đĩnh chỉ nằm khi lên triều nên được đặt tên là Lê Ngọa Triều. Vị vua này thi hành chánh sách thật bạo ngược, làm dân ai oán nên thiền sư Vạn Hạnh đã làm nhiều bài kệ và sấm đưa đến sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Thiền sư Vạn Hạnh thấm nhuần tư tưởng phá chấp trong kinh Kim Cang và Bát Nhã. Khi sắp thị tịch ngài hỏi các đệ tử là nên nương tựa vào đâu và ngài tự trả lời: "Tôi thì chẳng nương tựa vào nơi có thể nương tưa và cũng không nương tựa vào nơi không thể nương tựa." Sau đay là bài kệ thị tịch:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Có nghĩa là: Đời sống của chúng ta nó qua thật lẹ, như tia chớp trên trời, vừa chớp lên là đã tắt. Vừa mới thấy đây mà đã ra đi rồi.
Tất cả cây cối trở nên tốt tươi, đâm chồi nẩy nhụy khi mùa xuân đến rồi trở thành khô héo khi tới mùa thu.

Biết được sự biến đổi của vạn hữu nên khi thấy cuộc đời lên xuống thì đừng có sợ hãi. Vì thịnh suy cũng như hạt sương sớm ban mai trên đần ngọn cỏ, có đó rồi tan đó.

Đời sống đã thật ngắn ngủi mà cuộc đời ta còn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cứ tạo dựng lên rồi biến cố lại xẩy ra làm mất tất cả, nếu may mắn còn sống sót, cố công xây dựng lại rồi cũng có khi lại phải bỏ đi tất cả. Tất cả nhìn lại thì chỉ như một thoáng mây bay.

Chúng ta hẳn đã kinh nghiệm qua các cảnh tang tóc trong chiến tranh, những cảnh đấu tố dã man rùng rợn như bắt người tự đào hố chôn sống mình, rồi khích động dân chúng đấu tố, ném đá cho đến chết trong cái gọi là tòa án nhân dân do Cộng Sản dựng lập sau khi chiếm được miền bắc VN năm 1954, những hố sâu chôn người tập thể trong thảm cảnh mùa hè đỏ lửa ở miền trung năm 1972, những cảnh bỏ của cải tài sản bồng bế nhau kiếm đường di tản ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975, rồi sau đó những cảnh liều chết bỏ quê hương ra đi trên những chiếc thuyền bé nhỏ mong manh vượt đại dương trong cảnh sóng gió giông bão hãi hùng.

Rồi chúng ta lại làm lại cuộc đời và ngày nay rất nhiều người trong chúng ta đã thành công vượt bực, con cháu học hành tấn tới, có bằng cấp cao và có những địa vị tốt trong xã hội mới này. Chúng ta hình như quên đi những thảm cảnh và những khó khăn trong quá khứ.

Gần đây rất nhiều thảm họa đã xẩy ra khắp nơi như chiến tranh Á Phú Hãn, chiến tranh giữa Do Thái và Palestine, chiến tranh Iraq, những thiên tai tật ách như những nạn động đất, bão tố lũ lụt, cháy rừng, dịch nhiễm trùng phổi cấp tíng (sars), dịch cúm gà, sóng thần Tsunami, v.v.. Và mới đây nữa cảnh bão Katrina đã tàn phá nhiều nơi trong ba tiểu bang Missisippi, Alabama và nhất là Lousiana, bão đã làm đổ bờ đê ngăn nước chung quanh thành phố New Orleans làm cả thành phố nổi tiếng đó chìm ngập trong lũ lụt. Chúng ta không khỏi cảm thấy kinh sợ và khởi lòng lân mẫn sót thương, sẵn sàng đóng góp tiền bạc và công sức để giúp đỡ những người thoát chết và tái thiết lại các thành phố hoang tàn đổ nát trong cơn thảm họa đó. Nhưng chúng ta hình như không bao giờ dám nghĩ đến những thảm cảnh đó một ngày nào đó sẽ xẩy đến cho chúng ta và những người thân yêu.

Chúng ta thường mong có một đời sống tốt đẹp và hạnh phúc, luôn mong muốn cầu xin cho được hưởng sung sướng thật nhiều. Chúng ta thường đến chùa để cầu chư Phật và chư bồ tát sót thương ban bố cho thật nhiều may mắn, cho được hạnh phúc vui vẻ, làm ăn buôn bán luôn phát đạt, con cháu thì luôn hiếu thảo, sống hòa thuận, học hành tấn tới, thi đâu đậu đó, kiếm được những việc làm tốt, có địa vị cao sang.

Chúng ta hẳn sẽ rất hoảng sợ hoặc nhiều khi thật kinh hòang nếu chúng ta bị rơi vào hòan cảnh nghiệt ngã, hoặc lũ lụt, động đất hoặc khi cơn bệnh ung thư ngặt nghèo đột nhiên xẩy đến cho chúng ta. Nhưng đối với các vị thiền sư thì dù có những việc gì xẩy ra thì cũng là thường thôi, không có gì phải sợ hãi cả.

Tất cả đều do nhân duyên mà chuyển hiện. Khi đầy đủ nhân duyên thì chuyện phải đến sẽ đến. Chúng ta đang sống hạnh phúc, gia đình sống quây quần nhưng con cái lớn lên, chúng nó phải đi xa vì sự học hành hoặc vì công danh sự nghiệp, chúng nó phải ra riêng vì lấy vợ, theo chồng. Thế là lại trống vắng, hai vợ chồng gìa lại phải cô quạnh tự mình lo lắng làm ăn, săn sóc nhau trong một căn nhà rộng lớn trống vắng.

Con người chúng ta bị chi phối bởi luật tuần hoàn, có những năm tháng thấy hăng hái, khỏe mạnh, làm ăn lúc nào cũng thành công. Có những khi thật chán chường vì sức khoẻ yếu kém, gia đình lục đục, làm ăn thì thất bại. Mọi sự đều tùy thuộc vào nhân duyên và nghiệp báo. Đời sống của chúng ta sung sướng hay khổ đau là đều do các nghiệp mà chúng ta đã làm. Tất cả những hành động hay suy nghĩ của chúng ta đều gieo xuống mảnh đất tâm của chúng ta một mầm mống hoặc một chất xúc tác. Mầm mống này có thể là xấu có thể là tốt. Chất xúc tác có thể làm tăng trưởng hoặc là làm suy thoái những mầm mống sẵn có nơi mảnh đất tâm. Đến một thời điểm nào đó mà các mầm mống tốt đơm hoa kết trái là lúc chúng ta được hưởng một đời sống vui vẻ và sung túc. Đến một thời điểm nào đó mà các mầm xấu chín mùi, thế là tai họa giáng lên đầu chúng ta. Tất cả các sung sướng hay khổ đau đều là hoa trái mà chúng ta đã gieo trồng trong nhiều năm tháng nơi mảnh đất tâm. Không có ai có thể gánh vác cho ta.

Đùng một cái sóng thần Tsunami nổi dậy, nếu ta có mặt tại đó thì thật khó mà thoát. Nhưng nếu ta không chiêu cảm những tai họa đó, nghĩa là những mầm xấu chưa kết trái thì dù ta ở tại nơi có sóng thần đó thì vì lẽ này hay lẽ khác ta cũng thoát khỏi tầm ảnh hưởng nguy hại của nó.

Nếu thật sự Phật có khả năng làm ngưng được những tai họa đó thì Phật đã làm rồi. Nhưng đó là do các cộng nghiệp mà chúng ta đã từng tích tụ qua nhiều năm tháng, những hận thù, đấu tranh và ganh ghét tích tụ đến nỗi trời đất phải nổi lên những trận cuồng phong long trời lở đất. Những nghiệp quả đó có khi tức khắc, có khi phải là kết quả của nhiều năm tháng hay nhiều đời. Chính vì thế mà ta thấy có rất nhiều trẻ thơ vô tội, rất nhiều những người thật hiền lành mà vẫn bị cuốn hút vào những tai họa khủng khiếp đó.


Chúng ta đang ở vào thời kỳ có nhiều tai ương và tật ách, chúng ta đã thấy những thảm họa xẩy đến dồn dập. Chúng ta thật sự thấy những tham vọng của những nhà tài phiệt, với những mánh khóe vơ vét tất cả các tài sản của bất cứ ai mà chúng có thể vơ vét được, chúng ta thấy những thủ đoạn của những nước giầu mạnh, của những kẻ cuồng tín, đưa ra những chiêu bài để che dấu những hành động chiến tranh và khủng bố của chúng. Những thái độ thù ngịch, đánh giết tiêu diệt lẫn nhau không chút thương sót khiến trời đất cũng phải nổi cơn thịnh nộ, là nguyên nhân cho những vụ động đất, cháy rừng, những cuồng phong bão táp, những rung chuyển dữ dội của vũ trụ.

Chúng ta không thể nào cưỡng lại được những nghiệp dữ đó cho nên dù có lo lắng thì chúng ta cũng chẳng làm gì được. Dù chúng ta có cầu nguyện hay không cầu nguyện thì những nghiệp nào đến thời kỳ trở thành quả thì ta vẫn phải nhận lãnh quả báo dù muốn hay không muốn. Chúng ta thấy rõ ràng trong trận bão Katrina vừa qua, các nhà thờ và các nhà chùa với các hình tượng của những vị thánh, những tượng đức mẹ và chúa, những tượng bồ tát và Phật mà chúng ta hằng tôn kính bái lạy cũng bị giông bão thổi tan tành, đổ ngã ngổn ngang, không chút nể sợ.

Chỉ có một cách tốt nhất là hãy gieo vào tâm ta những chủng tử tốt, hay gieo vào tâm ta một cái tâm siêu thoát. Hãy tưới tẩm hạt giống bồ đề nó tăng trưởng thật lớn mạnh, hãy làm một quyết tâm. Quyết tâm đó là nhất định đời đời kiếp kiếp sẽ tu hành cho đến khi giải thoát, trước là giải thoát cho ta sau đó là giúp những người khác thoát ra khỏi tầm kềm tỏa của những tai ương tật ách, thoát ra khỏi sự chi phối của sanh lão bệnh tử.

Đức Phật thị hiện ra đời, đã từ bỏ tất cả giầu sang phú quý, vợ đẹp con thơ, tìm lối tu hành giác ngộ, đã cho chúng ta thấy rằng cuôc đời này vui thì ít, đau khổ thì nhiều, hạnh phúc không bền lâu, có đó rồi mất đó, chỉ có sự tu hành giải thoát là an vui.

Các thiền sư thường nhắc nhở chúng ta phải lo chịu khó tu hành chứ đừng nấn ná chần chờ gì nữa. Chúng ta không biết ngày sau sẽ ra sao.

Hôm nay tôi không muốn làm cho quý vị hoảng sợ mà muốn quý vị suy gẫm để thấy trân quý cuộc sống hiện tại của chúng ta, trân quý được làm người và thấy rằng mình may mắn được sống trên một đất nước trù phú và tự do.

Đức Phật nói thật khó mà có được thân người vì chỉ với thân người chúng ta mới có được sự lựa chọn, chúng ta có quyền lựa làm điều lành lánh điều dữ, chúng ta có cái khả năng kiến tạo được tất cả những điều mà ta ước muốn. Với thân phận làm người ta có cái khả năng vượt ra ngoài sự kềm tỏa của nghiệp lực. Đức Phật đã làm được điều đó và ngài chắc chắn bảo đảm rằng nếu chúng ta tin tưởng khởi tâm nhất quyết thực hành theo đường lối Giới Định Huệ do ngài truyền trao thì chúng ta cũng sẽ như ngài, một ngày nào đó vượt qua chốn mê đến được bờ giải thoát.

Các loài vật chỉ làm theo bản năng, chẳng hạn loài chim chóc phải ăn các loài côn trùng, loài hổ báo và lang sói phải bắt ăn loài dê cừu thỏ sóc v.v.. Loài ma quỷ thì phải bị đói khát và chỉ nghĩ và làm những điều dữ. Chỉ có làm người ta mới có thể lựa chọn hoặc làm nghề săn bắn các loài thú hoang, chài lưới bắt các loài tôm cá và hải sản trong sông và ngoài biển cả, hoặc phát nguyện không làm bất cứ nghề nào đem đến sự khổ đau chết chóc đến các sinh linh khác. Ta có thể phát nguyện ăn chay trường và tránh làm các điều bất thiện đem đau khổ cho mọi loài.

Chính vì thế mà đức Phật nói có được thân người là rất khó. Chúng ta kém hiểu biết nên không thấy rằng chúng ta rất may mắn có được thân người. Đức Phật là người đã khai ngộ, ngài ví như con rùa mù trong biển cả, cứ một triệu năm thì trồi lên một lần, chỉ khi nào trồi lên và ngoi đầu vào được trong một bọng cây đang trôi lềnh bềnh trên mặt biển, thì khi ấy ta mới may mắn được làm thân người. Có thân làm người đã khó, biết được Phật pháp thì càng khó hơn. Biết được Phật pháp đã khó mà tin được Phật pháp lại thêm một lần khó. Tin được rồi mà thực hành được thì còn khó gấp trăm ngàn lần.

Với giới luật nhà Phật thì chúng ta có thể phát nguyện giữ năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ (nói dối) và không rượu chè hút sách. Hoặc ta có thể giữ mười giới bằng cách khai triển giới không vọng ngữ thành 4 giới: không nói lời lưỡng thiệt (nói hai đầu gây chia rẽ người này với người kia), không nói lời tục tằn thô lỗ (tức là luôn nói lời êm ái và hòa nhã), không nói lời bẩn thỉu dâm dật và không nói lời nịnh hót cộng thêm hai giới nữa là: không si mê và nóng giận.

Tóm lại 10 điều thiện là không tham lam ái dục, không sân hận bực tức, không si mê ngu muội, không làm điều gì gây chết chóc và não hại cho chính ta và muôn loài, không trộm cắp của ai, không nói lời thô lỗ tục tằn, không nói lời nịnh hót và thêu dệt, không nói lời hai lưỡi đâm thọc và không nói lời năng nổ khoác lác.

Giữ Giới rồi chúng ta cũng có thể phát tâm ngồi thiền. Ngồi thiền thì có rất nhiều pháp môn. Chúng ta phải học hỏi với một vị thầy dậy thiền có giới đức. Chỉ ngồi thiền thì ta mới hiểu rõ được tâm tư chúng ta, các ý tưởng trong tâm thức của chúng ta mới trổi dậy, ta mới phân loại cái ý nào là ác cần phải bỏ, cái ý nào là thiện cần làm tăng trưởng. Dần dần ta thanh lọc được tâm tưởng để niệm xấu không còn khởi lên nữa. Từ đó ta sẽ đi vào các pháp môn thiền định cao hơn như giữ tâm không phân biệt, chuyên chú vào hơi thở, quán các pháp như tứ niệm xứ (quán thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô ngã, pháp vô thường), ngũ đình tâm quán (năm pháp để đình chỉ cái tâm phiền não: quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán lục giới gồm có địa, thủy, hỏa phong, không và thức, và quán sổ tức) để làm tăng trưởng trí tuệ, tinh tấn tiếp tục tu trì để đưa tâm thức lên cảnh giới cao hơn. Đó là sơ lược tiến trình của sự tu theo Giới, Định và Huệ.

Chỉ tới chùa để cầu sám hối, để tụng kinh và nghe Pháp để phát khởi tín tâm thôi thì không đủ. Mà phát khởi tín tâm chỉ là căn bản đầu tiên trong năm điều căn bản nói trong giáo lý nhà Phật. Năm điều căn bản đó trong nhà Phật gọi là Ngũ Căn, gồm có Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ.

Do cái căn bản đầu tiên là phát khởi lòng tin, chúng ta phải tinh tấn cố gắng học hỏi giáo lý để củng cố lòng tin đó một ngày một thêm vững chắc, học hỏi kỹ càng các pháp môn thực hành nhờ đó biết được pháp môn thiền định nào thích hợp cho mình rồi gia công thực hành, nhờ thực hành thiền định mà đầu óc ta được chuyên chú, sự chú tâm tăng trưởng và do đó ta dễ lãnh hội những điều Phật muốn trao truyền trong các lời kinh.

Sự thực hành thiền tập thật là quan trọng và là cốt lõi trong việc tu trì đưa đến mục tiêu tối hậu là giải thoát, vì trong khi ngồi thiền các ý nghĩ thầm lặng và những việc làm thời xa xưa ẩn kín sâu trong tận đáy lòng mới trổi dậy, do đó mà ta mới biết rõ tất cả những tư tưởng và hành động mà ta đã và đương suy nghĩ và tạo tác. Nhờ đó ta quán chiếu được việc gì nên bỏ và việc gì nên tiếp tục làm tăng trưởng. Ta nhất quyết theo lời Phật dậy là không làm và nghĩ đến bất cứ điều gì ác và cố gắng làm tăng trưởng mọi điều hữu ích đem lại lợi lạc cho chúng ta và cho mọi người trong đời sống hiện tại và tương lai.

Cuộc sống thật mong manh và vô thường, nay có mai mất, hãy cố gắng tận dụng công sức trong khi hãy còn trẻ, hãy còn mạnh khỏe. Hãy làm một quyết tâm, hãy quyết tâm nương nơi thân người nhỏ bé và hạn hẹp này, cố gắng tạo mọi thiện duyên giúp ta vượt thoát khỏi mọi trở ngại của cám dỗ vô minh, nhất quyết phát bồ đề tâm, quyết chí theo đường lối Giới Định Huệ tu thiền cho đến khi được Giác Ngộ để có khả năng giúp người khác tu hành giải thoát ra khỏi căn nhà lửa của Sanh Tử Luân Hồi.
Xin kính chúc quý vị có được một quyết tâm vững chắc, nhất quyết tu hành theo đường Giới Định Huệ để đạt được mục đích cao cả nhất của kiếp làm người, đó là quét sạch được hết phiền não, đau khổ vô minh để đến được cái rốt ráo chân thật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thiền Giả Thích Trí Châu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.