Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Di Sản Của Thủ Tướng John Howard Khi Ra Đi!

20/11/200700:00:00(Xem: 2030)

Khi bày tỏ sự ân hận hối tiếc về một điều gì đó thì có phải người ta đã mặc nhiên nhận lỗi lầm, tự quy trách nhiệm cho mình về sự việc ấy hay không" Đấy là một vấn đề tưởng chừng như rất dễ hiểu, thế mà, theo John Howard thì chuyện bày tỏ sự hối tiếc về sự gia tăng lãi suất không đồng nghĩa với việc ông ngỏ lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.
Hôm Thứ Tư 7/11/07 vừa qua, sau khi Ngân Hàng Quốc Gia quyết định tăng lãi suất thêm 0.25% thì TT Howard đã tuyên bố: "Tôi sẽ nói với những người mượn tiền ở Úc bị ảnh hưởng vì sự thay đổi này tôi thật lấy làm tiếc về việc ấy và tôi ân hận về gánh nặng thêm nữa mà họ phải gánh chịu như một hệ quả” - “I would say to the borrowers of Australia who are affected by this change, I am sorry about that and I regret the additional burden that will be put upon them as a result”.
Ngay ngày hôm sau, khi giới truyền thông ồ ạt chạy tin trang nhất rằng John Howard ngỏ lời xin lỗi dân chúng Úc về việc lãi suất gia tăng thì ông vội vàng tuyên bố rằng ông không hề cáo lỗi với ai cả, và qua đó, phủ nhận trách nhiệm của mình trong việc lãi suất gia tăng. Ông nói: “Tôi nói rằng tôi lấy làm tiếc những vụ gia tăng lãi suất xảy ra. Tôi không nghĩ rằng tôi dùng từ “xin lỗi”. tôi nghĩ rằng có sự khác biệt giữa hai việc này. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã từng trải qua cuộc tranh luận (về sự khác biệt này) trong một vấn đề khác hẳn (về việc xin lỗi thổ dân Úc). Tôi hối tiếc khi lãi suất gia tăng bởi vì nó tạo một gánh nặng cho người dân Úc” - “I said I was sorry they occurred. I dont think I used the word apology. I think there is a difference between the two things. I think weve been through that debate before in the context of something else (Aboriginal affairs). ”Im sorry when interest rates go up because it does impose a burden on people."
Ông Howard cũng mạnh mồm lên án phe đối lập đã “chơi trò chữ nghĩa ngu xuẩn” (silly word game) để bóp méo xuyên tạc câu nói của ông. Thế nhưng, khi bị giới truyền thông truy đuổi ráo riết và yêu cầu ông giải thích sự khác biệt giữa “sorry” và “apology” thì ông Howard quạt mạnh một cách bực dọc rằng “tôi là thủ tướng chứ không phải là giáo viên Anh ngữ”. Sau đó ông chuyển hướng sang vấn đề khác.
Sự kiện này đã làm không ít người dân Úc ngao ngán lắc đầu chào thua trước sự lắt léo, vặn vẹo ngôn từ ấy. Những trang mạng của giới truyền thông chính mạch dành cho ý kiến độc giả, đã đầy dẫy những lời chê bai khiển trách ông Howard. Thậm chí có người sửa lại một câu truyện tiếu lâm nhằm để bày tỏ sự khinh mạn mà họ dành cho John Howard. Câu chuyện như sau.
Có một người Úc rất thánh thiện, khi qua đời được lên Thiên Đàng và được thánh Phê-rô dẫn đi một vòng cho biết nơi chốn. Khi đến trước một căn phòng có thật nhiều đồng hồ, chỉ đủ mọi thứ giờ giấc khác nhau, cái chạy, cái ngừng, cái nhanh cái chậm thì bà bèn hỏi thánh Phê rô những cái đồng hồ đó có phải để cho thấy sự khác biệt giữa Thiên Đường, Thế Gian, Luyện Ngục và Hoả Ngục hay không, thì được thánh Phê-rô cho biết: “DDấy là thước đo sự dối trá của con người trên trần thế. Này nhá, cái đứng yên bất động là thước đo Mẹ Têrêsa đấy. Bà là một người chân thật không hề dối trá gì cả. Còn cái có kim chỉ số 2 thì của cựu thủ tướng Gough Whitlam đấy. Ông này chỉ nói dối có 2 lần thôi"” Bà vội hỏi: “Thế thì cái nào của John Howard thưa ngài"”. Thánh Phê-rô lắc đầu: “Của ông ta không có ở đây”. Bà ngạc nhiên: “Thưa, vì sao vậy"” Thánh Phê-rô mỉm cười: “DDức Chúa Giê-su đã mang cái đồng hồ của John Howard về văn phòng để làm quạt máy rồi”.
Tuy dân chúng Úc ngày càng ít tín nhiệm TT John Howard hơn trước đây, nhưng không ai có thể chối cãi rằng John Howard đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi xã hội, chính trị và kinh tế Úc. Lần tổng tuyển cử này, cho dù tái đắc cử vẻ vang hay thất bại ê chề nhục nhã, sẽ là lần tổng tuyển cử cuối cùng trong cuộc đời chính trị của ông. Và vì thế, sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bản lược dịch bài nhận định của Shaun Carney, phụ tá chủ bút của nhật báo The Age, tựa đề “A Step To The Right” – Một Bước Về Bên Phải” được đăng tải trong tuần qua, để thấy được một số di sản mà chính phủ John Howard để lại cho xã hội và đất nước Úc - tốt hay xấu tuỳ quan điểm và nhận xét của từng cá nhân người đọc.

*

Các nhà lãnh tụ chính trị thường rất giống mấy cuốn phim khôi hài tình cảm nhẹ nhàng. Thoạt nghĩ đến thì thấy lôi cuốn, hấp dẫn, và thỉnh thoảng, khi được úp úp mở mở xem mấy đoạn chiếu thử quảng cáo thì người ta bèn nghĩ: “Chà, có lẽ dí dỏm hoặc cảm động hoặc khoan khoái nhẹ nhàng lắm đấy”. Thế rồi, khi người ta vào xem phim rồi thì mới thấy phim thực sự rất xoàng xĩnh, quá công thức kiểu mì ăn liền và có cấu trúc thật lỏng lẻo như hầu hết tất cả những cuốn phim khôi hài tình cảm nhẹ nhàng khác trên thị trường mà người ta đã quá nhàm. Qúy vị có thấy được điều mà tôi muốn nói đến qua sự so sánh này không"
Sự thật thì các nhà lãnh tụ, và giới chính trị gia nói chung, trước sau gì cũng sẽ làm người dân thất vọng bởi vì họ chỉ là con người và chính trị là một thứ công việc bừa bãi, rối rắm, khó kiềm chế. Một việc đã trở thành đặc tính trên chính trường quóc gia hiện đại là các chính phủ thường bị đưa vào dưới lăng kính của chủ nghĩa xét lại, và thông thường là từ chính phe cánh của họ. Trong khoảng giữa thập niên 80, rất lâu trước khi cựu thủ tướng Malcolm Fraser trở thành một thần tượng của những người chống đối John Howard thì ông đã từng bị rất nhiều người trong đảng Tự Do của ông – đặc biệt là những người hiện đang nắm chính quyền – chê bai cho rằng ông là một kẻ kém tài (underachiever) vốn đã không tạo được ảnh hưởng dài lâu qua các chính sách của ông trong suốt hơn bảy năm làm Thủ Tướng. Và đảng Lao Động đã bỏ ra rất nhiều năm ôm đầu than thở sau khi mất chính quyền năm 1996. Thay vì hãnh diện với  thời gian nắm chánh quyền dài lâu nhất trong lịch sử của đảng này thì họ lai cảm thấy tủi hổ về giai đoạn ấy. Chỉ có trong chiến dịch vận động bầu cử lần này, 11 năm sau đó, thì họ mới bắt đầu khẳng định chủ quyền của mình về những cải tổ kinh tế dưới thời hai ông Bob Hawke và Paul Keating.
Dĩ nhiên bây giờ vẫn còn qúa sớm để tính sổ thành bại của chính phủ Hoard. Liệu sự thử thách nảy sinh từ việc thất cử có khiến cho những người còn sống sót trong phe liên đảng chối bỏ thành tích của chính phủ Hoard hay không" Người ta hy vọng là không. Nếu sự thành công trên chính trường có thể được đo lường bằng tầm vóc của sự thay đổi mà một chính phủ đã mang đến cho một đất nước thì quả thật chính phủ liên đảng liên bang đã rất thành công. Sau bốn nhiệm kỳ, và vẫn còn tí hy vọng mong manh để giành được thêm một nhiệm kỳ thứ năm, và một luồng sinh khí dưới sự lèo lái của một lãnh tụ mới, chính phủ liên đảng có thể nhìn lại khoảng thời gian nắm quyền với sự hài lòng tột độ.


Kể từ tháng 3/1996 thì nếp sống của người dân trên toàn quốc đã hay đổi hẳn hòi. Nhịp sống trở một nên nhanh hơn, và một vài phương pháp truyền thông liên lạc của chúng ta cũng thay đổi gần như toàn diện. Mạng internet và điện thư email dạo ấy chỉ  là cách liên lạc làm dáng mà thôi. Điện thoại di động, bây giờ hết sức quan trọng trong những cuộc tranh đấu trên chính trường, thuở ấy cũng rất là hiếm hoi. Những thay đổi ấy đã làm thay đổi sự tranh luận trong chính trị. Những tay “bloggers” (LND: “web-loggers” -  những người viết bài thường xuyên rồi cho đăng tải trên trang nhà của mình trên mạng internet, gọi mời độc giả tham gia thảo luận, bình phẩm về bất kỳ một đề tài nào) và độc giả của họ lớn giọng mắng chửi đối phương từ sau những hàng rào chắn. Năm 1996 thì chu kỳ tin tức cập nhật là 24 giờ một lần. Còn bây giờ thì ít nhất có 3 hoặc 4 chu kỳ trong  khoảng thời gian 24 giờ: sáng sớm vào giờ điểm tâm, giữa buổi sáng, trưa và chiều tối. Bản chép lời đối thoại, video, thu âm, và ngay cả những câu bình luận hời hợt trong một buổi tiệc tùng họp mặt hoặc tin đồn trải qua ba bốn chặng vẫn được xem là tin tức sốt dẻo – bất kỳ một thứ gì để trám vào chỗ trống. Bây giờ mục đích chính của cuộc thi đua là làm cách nào hạ đối phương bằng lá bài tẩy hoặc gài bẫy để họ bị vấp ngã. Bây giờ chỉ có phong cách trình bày hoặc thời điểm tung ra chính sách mới là sự việc quan trọng nhất (LND: còn nội dung thì bị dồn vào hàng thứ yếu!)
John Howard, các tổng trưởng và nhân viên của ông, trong suốt gần hết các nhiệm kỳ qua hiểu thấu việc này hơn mọi người. Họ quản lý thật chặt chẽ những thông điệp chính trị căn bản của phe liên đảng, và không ai hơn được họ, mãi cho đến giai đoạn sau của nhiệm  kỳ này. Thế nhưng, nếu chúng ta xem xét về phong cách mà chính phủ Howard đã sử dụng sự hiểu biết này thì chúng ta sẽ thấy được ảnh hưởng của nó lên quốc gia này. Trong chính trị thì gần như không có gì là vĩnh cửu cả. Phần lớn những chính sách mà ông Howard đã ban hành và áp dụng dần dần rồi cũng sẽ bị làm loãng đi, nếu không phai là bị đào thải hẳn hoi. Thế nhưng, ảnh hưởng của chúng sẽ tồn tại.
Những thay đổi trên bến cảng sẽ tồn tại. Thuế trị giá gia tăng GST cũng sẽ ở lại. Và khoản tiền bồi hoàn cho những người có lợi tức cao đóng bảo hiểm y tế (halth insurance rebate) cũng thế. Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia (Reserve Bank Board) sẽ đề ra chính sách tiền tệ (monetary policy) một cách độc lập, không một vị thủ tướng nào trong tương lai có thể khoe khoang – như cựu thủ tướng Paul Keating đã từng làm – rằng họ đã nằm gọn trong túi của ông ta rồi. Sự bộc phát mạnh mẽ của hệ thống tư thục, vốn được đặc biệt khuyến khích qua  chính sách của chính phủ Howard, có thể sẽ bị làm chậm lại, nhưng chắc chắn sẽ không bị xoay ngược chiều. Nếu đảng Lao Động thắng cử vào ngày 24/11 tới đây thì chính sách WorkChoices sẽ bị thu hồi sửa đổi chứ không huỷ diệt hoàn toàn. Sự tấn công mãnh liệt trước đây của chính phủ Howard vào hệ thống định lương theo quy chế (award system) đã bảo đảm rằng hệ thống này không thể nào được phục hồi một cách đầy đủ ý nghĩa nữa, và đảng Lao động sẽ không cố tái dựng lại nó.
Việc tư hữu hoá công ty truyền thông Telstra dĩ nhiên là một sự đã rồi, và với những vụ tư hữu hoá khác, đã đóng góp cho cái mà chính phủ Howard thích xem là một xã hội của cổ đông viên (shareholder society). Tuy thực tế thì không phải rõ rệt như vậy, nhưng chắc chắn là một thứ phong tục văn hoá về sự mạo hiểm trong thương trường và trong việc đầu tư (enterprise and investment culture) đã được tháo cũi cởi xiềng dưới sự cầm quyền của phe liên đảng và phong tục văn hoá này có lẽ sẽ khó mà suy suyển.
Ảnh hưởng của chính phủ Howard trong những cuộc tranh cãi về giá trị văn hoá đạo đức (values debates) – những cuộc tranh cãi vốn được xem như chiến tranh văn hoá – sẽ tồn tại được bao nhiêu, và bao lâu, thì phải chờ tương lai định đoạt. Vì hệ thống chính trị của chúng ta, mặc dù có một cơ chế quốc hội đa nguyên (pluralistic parliamentary structure), nhưng lại được dựa trên căn bản được ăn cả ngã về không nên chính quyền đương nhiệm có toàn quyền ảnh hưởng đến phong cách mà các vấn đề xã hội được thảo luận, bàn cãi. Cái chủ nghĩa ái quốc mà John Howard đang thúc đẩy – vốn bắt nguồn từ tham muốn vô tận (relentless desire) của ông trong việc thuật lại lịch sử Úc như một câu truyện dài đầy tính phấn khích – có thể sẽ còn phảng phất nhưng có thể sẽ không tồn tại được theo thể thức mà ông mong muốn.
Thế nhưng, sự đề cao giá trị và tầm vóc quan trọng của quân đội mà chính phủ Howard đã khởi xướng – qua những thí dụ điển hình như việc liên tục xiển dương không ngừng nghỉ Ngày ANZAC, việc các nhà lãnh đạo chính trị tham dự những buổi lễ lạc của quân đội, và ngay cả việc chọn lựa một quân nhân vào chức vụ Toàn Quyền – có lẽ sẽ  tiếp tục tồn tại bất kể phe nào thắng cử. Mối đe doạ liên tục về khủng bố trên toàn cầu đã biến việc này thành một sự hiển nhiên.
Việc đảng Lao Động khư khư nắm chặt vào cách quản trị tài chánh quốc gia của tổng trưởng kinh tế Peter Costello, đặc biệt trong việc giữ cho ngân sách luôn được thặng dư, vô hình trung là một sự ngợi khen thành thật nhất về tai năng của ông, mặc dù ông có thể không đồng ý với sự nhận xét này trong cuộc vật lộn cam go sanh tử cho sự nghiệp chính trị của chính ông. Nhưng thật ra thì chính nhờ ông mà những điều này đã trở thành chuyện bình thường.
Tương tự như vậy, việc chính phủ Howard áp dụng chương trình work-for-the-dole (buộc người thất nghiệp phải làm việc thiện nguyện hoặc huấn nghệ mới được hưởng trợ cấp), vốn đưa ra thêm một điều kiện trách nhiệm khác mà quần chúng đòi hỏi, bây giờ là một căn bản chung cho cả hai phe. Và hệ thống trợ cấp gia đình (family payment) của chính phủ Howard cũng thế. Một vài người phê bình rằng đó là một loại phúc lợi xã hội cho dân trung lưu (middle class welfare), thế nhưng, chắc chắn không phe nào sẽ dám đạp đổ thúng gạo ấy cả.
Tất cả những sự phê phán, chê trách đảng Lao động vì chiến lược “tớ-cũng-thế” (me-tooism) đều không thấy được trọng tâm của vấn đề. Trong năm 1996, đảng Tự Do, dưới sự lãnh đạo của John Howard đã sử dụng chiến lược y như vậy để đánh bại đảng Lao Động. Ông Kevin Rudd hiểu rõ việc này chẳng những qua việc quan sát ông Howard lúc bấy giờ mà còn qua việc nhìn thấy ông Tony Blair xử dụng chiến lược này một năm sau đó để giành thắng lợi ở Anh Quốc.
Khi người ta không nắm chính quyền hơn 10 năm thì phương cách duy nhất để chứng minh sự khả tín về kinh tế của mình là việc áp dụng những phương pháp mà đối phương sử dụng, miễn sao kinh tế tiếp tục phát triển. Và đấy là tình hình kinh tế hiện nay, cũng như tình hình kinh tế năm 1996 vậy.
Trên một bình diện nào đó thì chuyện này quả thật là một chuyện rõ ràng quá sức tệ. Thế nhưng, trên một phương diện khác, đấy là dấu hiệu cho thấy chính trị ở Úc quả thật chỉ xoay quanh việc bồi đắp thêm về những gì thật sự đáng giá từ người tiền nhiệm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.