Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

06/11/200700:00:00(Xem: 2323)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Trên đường về xà lim, lòng tôi trĩu nặng ưu tư, như vậy, vụ án của tôi vẫn chưa ổn. Chúng vẫn còn chưa tin. Vậy, với điều kiện có thể, một mặt chúng sẽ tăng cường nhiều biện pháp, thủ đoạn để khai thác tôi; mặt khác, chúng chỉ thị cho những bộ phận của chúng nằm vùng ở miền Nam tìm tòi những gì có liên quan, dính dáng đến tôi, để hòng làm sáng tỏ vụ án. Chỉ còn mong một điều, một điều không may cho tôi là tôi đã bị chúng phát hiện ngay ngày thứ 3, khi vừa tới Hà Nội. Nhưng, chính từ điểm bất lợi có tính cách quyết định này, mặt trái của sự việc ấy cũng có một điều lợi nhỏ cho tôi: Vì chúng đã theo dõi mọi hành động, đường đi nước bước của tôi từ những ngày đầu này, nên chúng rồi sẽ có thể tin được là tôi đã “không làm gì”, đúng như “lời tôi đã khai báo”. Tôi đã tự phân tích để xác định vấn đề theo chiều hướng như thế, và  điều đó cũng làm cho bệnh đau óc của tôi càng trầm trọng thêm.
Ngay chiều hôm ấy, có tiếng khóa loạch xoạch mở cửa buồng, tôi nhìn ra, một người chừng 30 tuổi ôm một túm bọc chăn màn lách cửa bước vào. Phía ngoài cửa buồng, tên Chiến nói với người mới:
- Anh hãy để chăn màn, quần áo của anh ở sàn bên này. Ra đi cung đã!
Anh đó ngơ ngác đặt bọc quần áo xuống, liếc nhìn hai chân của tôi đang trong cùm, rồi vội vàng ra theo tên Chiến.
Cửa đóng rồi, tôi nhìn thoáng sang bọc chăn màn. Vì lúng lúng vội vàng, anh đó đã để tung tóe cả ra. Tôi thấy rất nhiều bao diêm và thuốc lào, vài khúc bánh mì nhỏ, mấy cái kẹo giấy  Nhưng, thuốc lào và bao diêm đã thu hút hết tâm trí của tôi rồi. Tôi cũng băn khoăn chẳng hiểu anh này tội gì, vừa vào đã bị gọi đi cung ngay"
Một mặt, có người vào nằm thêm với mình, cũng đỡ buồn. Nhưng mặt khác, trong trường hợp tôi đang bị cùm hai chân, những buổi cơm nước, đổ bô, tôi sẽ không được mở cùm nữa. Như vậy, hai cái chân không được cử động, sẽ càng chóng bị liệt.
Gần hết giờ làm việc, cửa mở, anh đó đi cung về. Khi nãy, lúc tôi ra lấy cơm, tên Chiến bảo tôi lấy một gáo dừa nữa múc nước và cầm thêm một suất cơm vào cho anh mới. Vì vậy, suất cơm của anh tôi vẫn để ở cuối chỗ cái cùm bên phía sàn của anh. Sau khi cửa đóng, vì tôi đã có kinh nghiệm, nên bảo anh, khi thấy anh quay lại lúi húi định sắp xếp các thứ:
- Anh hãy ăn cơm đã. 15 phút nữa, cán bộ sẽ mở cửa bắt trả bát ngay!
Anh quay lại nhìn tôi, dáng vừa ngỡ ngàng lại vừa buồn buồn, hai mắt cứ mở to nhìn hai cái chân của tôi trong cùm:
- Tôi mệt lắm, không muốn ăn!
Tôi hiểu ngay, anh mới bị bắt, đầu óc còn đang căng thẳng đầy lo lắng, còn đâu bụng dạ thiết đến ăn uống, nhất lại là cơm tù. Trong khi ấy, bụng tôi vẫn đói, ăn cho đã bây giờ phải 3 suất! Nhưng, do lòng tự trọng, làm sao tôi dám mở miệng nói “ddể tôi ăn cho” được. Anh nhìn chân tôi, có vẻ băn khoăn hỏi:
- Anh làm sao mà bị cùm thế"
Thấy anh chả hiểu được tình tiết, nên tôi chỉ trả lời đơn giản:
- Tôi bị kỷ luật!
Tôi hỏi lại anh ngay:
- Anh bị bắt bao giờ"
- Một tuần rồi!
Tôi ngạc nhiên:
- Thế mấy ngày trước, anh bị giam ở đâu"
- Buồng số 9 ở ngoài trại chung!
- Bị bắt về tội gì"
- Tôi lái xe khách, đường Tây Bắc, chở hàng lậu.
Như vậy, anh này bị tôi hình sự. Vậy, tại sao phải vào xà lim" Tôi tỏ vẻ tình cảm, hỏi anh:
- Tội hình sự ít vào xà lim lắm. Vậy, đang ở trại chung, vì sao anh lại phải dọn vào đây"
Nét mặt anh cũng đăm chiêu:
- Tôi cũng chẳng hiểu sao nữa. Từ hôm tôi bị bắt vào, mới đi cung 3 lần. Xe tôi chỉ chở có 5 ký chè búp, có khi phải bị từ 3 tới 6 tháng.
Anh vẫn cứ nhìn hai cái chân tôi:
- Anh bị bắt về tội gì, cùm ghê thế"
Tôi đã suy đoán được vấn đề. Chắc hẳn là chúng sợ tôi lại tìm cách tự tử nếu để tôi một mình. Những tội chính trị khác cho vào giam với tôi, chúng xét thấy không có lợi. Cho nên, mang một anh hình sự vào nằm với tôi một thời gian, vô thưởng vô phạt. Như thế, anh này chắc cũng chẳng ở lâu với tôi. Nghĩ vậy, tôi trả lời:
- Tôi là giáo viên trường Phổ Thông Cấp II ở Phủ Lý. Tôi theo tư tưởng “xét lại”.
Anh cười hồn nhiên, vẻ vô tâm:
- Các anh làm chính trị ghê nhỉ!
Rồi như anh chẳng quan tâm đến vấn đề “chính chị, chính em”, anh nhìn suốt sàn tôi một lượt rồi hỏi:
- Anh có hút thuốc lào không"
- Cũng có hút chút ít, nhưng tôi chưa có gia đình tiếp tế!
Anh vồn vã, tự nhiên:
- Ồ, thuốc lào tôi thiếu gì! Anh hút phè ra thì thôi!
Vừa nói, anh vừa kéo ra một buộc 5 gói thuốc lào… Qua một lúc chuyện trò, tôi thấy anh kiến thức hạn hẹp, nhưng ở anh, thể hiện ra là một con người khinh bạc, giang hồ, vì thế tôi cũng tự nhiên:
- Tôi thấy anh có điếu đâu"
- Sẽ làm, có ngay! Làm bằng bao diêm, có cơm dán rồi.
Giữa lúc ấy, cửa mở. Tôi biết là phải trả bát. Bát cơm vẫn để nguyên, anh ta không ăn. Tôi vội giở cái quần đùi rách ra, nói:
- Anh hãy đổ suất cơm vào đây: đem trả, phí đi, vừa để tôi ăn, vừa dán điếu!
Anh đó, tên Đà, vừa đổ bát cơm vào chiếc quần lót rách tôi đang giơ ra, vừa trách tôi:
- Thế mà từ nãy anh không ăn. Tôi cũng quên không mời, không biết anh đói. Lúc trưa, tôi “quất” 3 cái bánh chưng con với khúc bánh mì, bây giờ hãy còn no.
Trả bát xong, anh vào, lúi húi lấy hộp thuốc đánh răng bằng nhôm. Anh dùng tay bóp phía đầu ra, rồi chỉ bằng cái đầu cán bàn chải đánh răng, anh hì hục, loay hoay. Có lúc anh mài mài xuống sàn xi măng. Chỉ một lúc sau, đã có một chiếc nõ điếu bằng nhôm con con, xinh xắn. Anh lấy ra 3 bao diêm không. Anh dùng những tờ giấy bàn gói thuốc lào, phết bánh chưng dán 3 bao diêm vào với nhau để làm thân điếu. Vừa miệt mài làm, anh vừa chuyện trò với tôi.
Với thái độ lính tráng, bụi đời, anh vất sang tôi hai cái bánh:
- Đừng ăn cơm nguội đó nữa. Ăn mấy chiếc bánh này này!
Thấy anh chỉ có ba, bốn cái bánh, hơn nữa, rồi đây anh sẽ đói, nên tôi xua tay:
- Đừng phí phạm như vậy, anh Đà ạ! Còn dài ngày, rồi đây anh sẽ đói nhiều. Tôi ăn chỗ cơm này, tốt chán rồi!
Tôi ném trả lại cho anh 2 cái bánh. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, anh đã làm xong cái điếu vuông vắn, rất xinh. Anh “bắn” điếu thuốc đầu tiên với nét mặt thỏa mãn, say sưa. Rồi, anh đưa điếu, diêm và thuốc sang cho tôi. Điếu kiểu này, hút hơi khó khăn, vậy mà tôi cũng say đáo để.
Phải nói, đêm hôm đó tình cờ lại có thêm suất cơm, tôi ăn xong rồi nằm nghe cái bụng trổi lên những khúc nhạc đê mê, dịu dàng, êm tai. Con tì, con vị cũng rủ nhau tham gia vào buổi “dạ vũ” độc nhất vô nhị từ gần hai năm nay này. Mà quái, cái đầu của tôi hôm nay cũng như hưởng ứng ít nhiều với cuộc vui đó, vì thấy đỡ nhức hẳn đi…
Những ngày sau đó, qua những lúc trao đổi, chuyện trò, tôi hiểu được sơ sơ về anh. Anh đã đi bộ đội, và đã phục viên được 4 năm nay. Nhờ chạy vạy, xoay sở mạnh nên anh được lái xe đường trường vùng Tây Bắc. Anh có vợ và hai con. Theo anh, trên miền Bắc hiện nay, nghề lái xe khách đường dài là dễ kiếm ăn nhất, và nhất là nếu lại biết cách “móc ngoặc” với khách. Thỉnh thoảng chở giấu hàng lậu cho khách như chè, gạo, v.v… thì cũng kiếm ăn ra trò. Anh có khả năng kiếm ăn giỏi, nên tính anh rất rộng rãi, lính tráng, khác hẳn với tên Hoàn, tên Tân và cả anh Hoàng Hùng.

Chương 45: chuyển biến tinh thần

Một điều thật phấn chấn trong lòng tôi! Đúng 7 ngày sau khi bị cùm hai chân, hôm đó vào sáng thứ Ba, tôi đang nằm bơi lội trong nỗi sầu khổ đau vì hai cái chân mỏi nhức trong cùm, với cái đầu cứ cắn buốt từng cơn, bổng cửa buồng xịch mở. Tên Chiến bước vào, trước 4 con mắt mở to của tôi và anh Đà, không biết có chuyện gì với người nào trong chúng tôi. Tên Chiến nhìn tôi, vẻ trịnh trọng:
- Hôm nay, lệnh ban giám thị chỉ cùm anh một chân!
Tôi thấy như truyền vào cơ thể một nguồn sinh lực, vội vàng nhấc cùm và nhấc chân ra. Tôi ôm cái bô, cùng anh Đà đi vào nhà tắm. Trên đường đi, nhìn thoáng mặt tên Chiến, hôm nay tôi thấy mặt y trông thật dễ coi; hai con mắt y đăm đăm nhấp nháy nhìn tôi nhơn nhơn với cái vẻ như vừa ban ân huệ cho một người cùng khổ.
Từ nay, chỉ phải cùm một chân, tôi nằm ngồi sẽ bớt được trăm phần khó khăn. Chỉ còn cái đầu, vẫn ngày đêm hành hạ tôi, như Phật Bà Quan Âm hành ông Tề Thiên Đại Thánh ngày xưa!
Những ngày sau đó, đầu tôi càng cắn nhức, nhiều lúc như muốn điên lên. Trước kia, thỉnh thoảng một tháng, có khi đôi ba tháng, tôi mới bị nhức đầu một lần. Tôi chỉ ngậm 1 viên Aspirine, hay Aspro, tan hết viên thuốc là khỏi. Nhưng, từ sau ngày tôi thắt cổ không chết, hậu quả đến với tôi là chứng bệnh quái ác này. Tôi cứ nằm miên man, vẫn không ngừng nghĩ suy vơi đầy. Tôi nhìn, rồi suy ngẫm, biết bao nhiêu gian khổ từ ngày tôi bị bắt. Biết bao nhiêu lần tôi sát nách với cái chết chỉ trong tấc gang. Giòng suy tư về những chìm nổi của kiếp người, cứ chảy dài trong tâm tưởng tôi.


Từ những thực tiễn đau thương, tôi thấy rằng: Đời một con người chỉ là một chuỗi dài những con dấu cộng giữa những giai đoạn thuận tiện và khó khăn. Khi ở giai đoạn thuận tiện, con người hớn hở, vui tươi, nụ cười không tắt trên môi. Ngược lại, khi ở giai đoạn khó khăn, mặt mày sầu héo khóc lóc, than van, oán trời, oán đất. Vậy, sự sầu héo, đau thương, rên rỉ này có thể thay đổi cái công thức của một đời người trên, trở thành chỉ là những giai đoạn thuận tiện được hay không" Hỏi là trả lời. Ai cũng thấy là không thể được, trừ phi không phải là người. Như vậy, sự sầu héo, rên rỉ đó đã không giải quyết được gì, còn mang một cái hại, tùy theo mức độ.
Trước nhất, khi anh sầu héo, chán nản, anh sẽ bi quan, tiêu cực mọi mặt trong cuộc sống. Mặt mày ủ dột như thần sầu. Ngay ngồi lên nằm xuống cũng chán chường, chậm chạp, nhìn đâu cũng thấy một mầu xám úa. Suốt ngày đêm chỉ thở vắn than dài, thì trí óc còn làm sao thoải mái khôn ngoan, minh mẫn để hòng tìm ra một phương cách cải tiến từ giai đoạn khó khăn sang thuận tiện" Huống chi, đã xông vào miền bão tố, vùng lửa đạn để chiến đấu. “Ngay những ai kia, đã chiến thắng mà không từng chiến bại" Ai khoe khôn, mà đã chẳng từng bị dại, đôi ba lần"”
Tôi đã sai lầm, sai lầm trầm trọng gần hai năm nay, cứ ngày đêm rên rỉ ngụp lặn trong biển sầu. Cuối cùng, không những tôi không giải quyết được vấn đề, mà còn đa mang thêm những di hại nữa. Phải dũng cảm chấp nhận mọi thương đau trên đường đi tới: Trên đường đi, nhiều cay đắng âm thầm. Hãy nhận lấy để dồn vào… sâu kín!
Bằng xương, bắng máu, tôi mới rút ra một thực tế: Không được phép chán cuộc sống này, bao giờ cũng phải trang bị tư tưởng lạc quan tích cực cho mình. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Pháp, nhưng không nhớ tên tác giả: “Quand on n’a pas ce que l’on aime; il faut aimer ce que l’on a!” (Khi mình không có cái mình thích, thì hãy thích cái mình có). Bây giờ tôi có cái gì" Ngày 2 bữa cơm ngon tuyệt vời. Mỗi bữa cơm, cứ thấp thỏm đợi chờ, mong ngóng. Rồi khi được hưởng thụ, có cái sướng vập vồ, khao khát mà khi còn ở ngoài đời, một bữa ăn sang nhất cũng không thú bằng, sướng bằng. Bởi vì trong thực tế, hạnh phúc của cuộc đời có cái tiêu chuẩn quái náo đâu. Cho nên, người xưa đã rút ra: “Tri túc, tiễn túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn, tiễn nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”.
Và, tôi cũng xin làm theo cụ Nguyễn Công Trứ. Theo sách sử, mãi tới năm 42 tuổi, cụ mới thành đạt. Còn trước đó, cụ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan, nghèo túng. Với “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”…. Trong những giai đoạn này, ngoài những giờ nhào nặn văn chương để chuẩn bị cho ngày tới, cụ phải tự tạo cho mình những cái cụ chưa có thể có, bằng cách tìm một lối thoát cho tinh thần. Nghĩa là siêu thoát, để quên cái thực tại bần hàn.
Tóm lại, nếu không có cái mình thích, hãy thích những cái mình có. Cái “có” của tôi trong cảnh này tuy cũng có, nhưng có phần hạn hẹp, tôi phải tạo nên “cái” tôi chưa có vậy. Do đó, tôi thả hồn bay khắp phương trời, tha hồ theo ý muốn; và tôi vẫn nhởn nhơ nhìn tụi cộng sản. “Mày bắt được tao, mày giam tao, cùm tao, nhưng đố tụi mày giam cùm được tư tưởng của tao đấy”.
Tôi nhớ đến một câu trứ danh của Madame de Maintenon: “Nếu khi nào anh bị đau khổ, bất hạnh, liều thuốc thần tuyệt vời để chữa khỏi, là anh hãy chỉ nghĩ đến những người đang khổ đau, bất hạnh hơn anh!”. (Quand vous vous trouvez malheureux, songez aux plus malheureux que vous; c’est un remède qu’est infaillible!).
Chỉ có một đêm mầy mò suy nghĩ, sáng hôm sau, tôi nhìn cuộc đời đã thay đổi hẳn, không cón cái mầu xám xịt, héo úa của mọi khi. Tinh thần của tôi được nâng cao rõ rệt. Nhân sinh quan của tôi thay đổi hẳn. Cũng từ đấy, tôi suy nghĩ đến cơ thể của mình. Tôi đang mang cái bệnh đau đầu quái ác này, lại không có thuốc chữa, vậy chính mình phải tự cứu lấy mình. Tôi nghĩ đến phương pháp Dưỡng Sinh (relaxation) của phương Tây, Yoga của Ấn Độ, Đề Khí Vận Công của nghiệp võ, và phương pháp Cốc Đại Phong của Trung Quốc. Tôi rút tỉa những tinh túy nhất, phù hợp với thực tế của cơ thể tôi trong điều kiện này. Tôi cũng lại nhớ đến phương pháp “Long Live” mà một tờ tuần báo Mỹ, đã có công phỏng vấn 100 cụ già nhất, ở khắp nơi trên thế giới (Tất nhiên toàn những cụ trên 100 tuổi cả), rồi đúc kết lại. Câu hỏi chính là: “Vì sao cụ sống lâu như thế"”. Tùy theo chủ quan của mỗi cụ. Các cụ trả lời từ nguyên nhân chính, đến nguyên nhân phụ. Sau đó, tôi trộn lộn tất cả, rồi tự rút ra một phương pháp tạm gọi là “A”, để áp dụng cho chính mình. Tôi cứ áp dụng, rồi lại bổ sung, hoặc sửa chữa, sao cho phải đạt được 3 điểm:
- Không mất nhiều thời gian.
- Đơn giản, có thể ở đâu và lúc nào cũng làm được.
- Hiệu quả cao nhất.
Phương pháp “A” chỉ cần từ 15 đến 20 phút mỗi ngày. Nằm thẳng cẳng. Đầu không gối gì, để chân và tay ở tư thế hoàn toàn thoải mái, hơi thở đều đều, từ tốn, mắt nhắm lại. Lúc đó, sẽ thấy một mầu, có thể là mầu xanh, vàng, hồng, đỏ v.v… Dùng ý chí chế ngự sao cho chỉ còn một mầu duy nhất, hiện ra trong óc mình. Như vậy vừa đạt được tinh thần chế ngự mạnh, lại vừa giữ được óc nghỉ ngơi, không một sự việc gì có thể xâm nhập. Những ngày đầu hơi khó khăn, để chế ngự duy nhất một mầu. Nhưng với quyết tâm, sẽ làm được, và dần dần trở thành thói quen.
Tôi cứ thực hiện như vậy một cách nghiêm chỉnh. Vì không có đồng hồ, tôi phải nhẩm đếm 300 lần bằng hơi thở, để ước định thời gian tập. Sau này thế nào không biết chứ ngay trước mắt, tập xong, mở mắt ra, tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái, mắt sáng ra như sau khi chợp được một giấc ngủ ngon.
Còn về mặt tập thể dục. Tôi nghĩ rằng, trên đời này không có một vị thuốc nào, kể cả cao, sâm, nhung… có thể tốt, bổ bằng thể dục, với điều kiện làm sao cho đúng. Bởi vì, qua thực tiễn cuộc sống, kết hợp với sự suy lý phân tích, ta phải thấy: Ngay cơm gạo là thứ bổ nhất để nuôi sống con người, nhưng nếu ăn quá độ thì không bội thực, cũng làm cho con người mệt mỏi, tức bụng, còn yếu, mệt hơn khi chưa ăn. Tập thể dục, hay tập võ cũng vậy, đừng thấy người ta làm sao, rồi mình cũng làm thế. Cơ thể con người tuy có nhiều cái chung, nhưng cũng có nhiều cái riêng. Về mức độ, lại hoàn toàn khác nhau. Anh A ăn 3 bát cơm, không sao, rất khỏe, nhưng, anh B ăn 3 bát cơm, sẽ khó chịu, muốn bệnh. Anh A cử 10 lần tạ, khỏe ra, ngực, tay nở nang; anh B muốn cố gắng để cho sức khỏe bằng anh A, nên cũng tập như vậy, da tái lại, gầy đi, nhiều khi còn bị một số chứng bệnh về tim nữa.
Từ những suy luận trên, tôi tập một số động tác thể dục thích ứng với cơ thể ngồi tù một chỗ; ăn vừa không đủ no, vừa thiếu chất dinh dưỡng, lại bị cùm một, hoặc hai chân.
Một điều nữa, con người sống được là do hai yếu tố chính là thực phẩm và khí trời. Cả hai thứ đều cần thiết và gắn bó với nhau như một chất hữu cơ. Có thứ này mà thiếu thứ kia, con người cũng không sống được. Tuy vậy, về mặt nào đó, không khí cần thiết hơn. Cụ thể, nhịn ăn một vài ngày, không chết; nhưng chỉ cần thiếu không khí trong 10, 20 phút, là đời đi tong! Thế mà, không khí lại vô vàn, vô tận ngay chung quanh ta. Cộng sản chỉ có thể hành người tù về thực phẩm, về cái dạ dầy. Nhưng, về không khí, chúng đành chịu thua. Vậy, tôi phải biết lợi dụng tối đa không khí để bù lại phần nào, điều chúng muốn hành tôi về thực phẩm, và những mặt khác của sơ thể.
Tôi nhớ lại, khi tôi vào lớp Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, họ đo “pi nhê”. Khi đo vòng ngực, bắt thở hết ra để đo, rồi hít vào thật đầy, đo. Hai lần đo cộng lại chia đôi. Khoảng cách, thở ra hít vào của mỗi người khác nhau. Có người thì 3, 4 hay 5 phân; cá biệt, có anh tới 8, 9 phân. Sự rộng, hẹp này, hoàn toàn không phụ thuộc vào người có ngực nở, to con hay nhỏ con. Người ta gọi khoảng cách đó là khoảng “Sống” của mỗi người. Có người to con, khoảng “Sống” lại nhỏ hơn người bé con. Như vậy, nếu việc gì làm cần sự dẻo dai, bền bỉ, lâu mệt, người có khoảng “Sống” lớn sẽ hơn người có khoảng “Sống” nhỏ. Thí dụ như chạy, hay trèo núi chẳng hạn, nhiều người to con, trông rất “văm”, thế mà chỉ một lúc là phờ râu tôm.
Ai cũng biết, phổi con người thở ra thán khí (CO2): khí dơ, có hại; và hít vào là dưỡng khí (O2). Vậy, lá phổi cũng như miếng vải trắng, muốn nhuộm được tốt nhất, phải giặt sạch chất dơ bẩn. Nghĩ như vậy, mỗi buổi sáng, tôi đứng một chân xuống đất, tập một số động tác, và bắt đầu tập thở. Trước hết, tôi thở ra, từ từ, rất dài; hết hơi rồi. Nhưng trong phổi còn thán khí nhưng đọng, chưa ra hết, tôi lại tiếp tục thở ra cho đến khi không còn thở ra được nữa. Bấy giờ, tôi mới hít vào và cố gắng hít thật nhiều cho căng lồng ngực. Để cho các tế bào phổi đủ thời gian tiếp nhận hết dưỡng khí, tôi lại ưỡn ngực, ngưng một, hai giây, rồi mới từ từ thở ra. Cứ như vậy, 10 lần thôi.
Điều quan trọng nhất là không cần tập nhiều, (vì tập nhiều thường mất nhiều thời gian nên chóng chán) nhưng phải tập thường xuyên, ngày nào cũng tập. Tất cả chỉ mất 10 hay 15 phút. Tôi thấy cơ thể mình có tiến triển theo chiều hướng tốt. Tinh thần cũng vậy. Thế là tôi nâng quyết tâm, dù thế nào, ngày nào cũng sẽ tập như vậy, như rửa mặt và ăn cơm, cho tới khi chết. Chỉ bỏ tập trong trường hợp bị ốm bịnh, không ăn được cơm.
Từ đấy, ngày nào cũng vậy, dù buồn vui, dù gặp bao nhiêu chuyện bất ngờ, căng thẳng, tôi vẫn giữ quyết tâm tập thể dục và một lần làm phương pháp “A”. Thậm chí, có điều kiện nằm không, mỗi ngày tôi làm phương pháp “A” hai lần. Một lần buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Một điều lợi tôi thấy ngay là trước khi ngủ, tập xong, gối đầu lên gối, chỉ 5, 10 phút là ngủ ngay. Óc không căng thẳng như mọi khi cứ trằn trọc 2, 3 tiếng vẫn không ngủ được. Hơn nữa, tôi thấy bệnh quái ác nhức đầu của mình có vẻ giảm đi, những cơn đau đầu thưa dần.
Anh Đà ở buồng tôi chừng hơn 20 ngày… Một hôm, vào buổi chiều, tên Chiến mở cửa bảo anh ôm hết quần áo ra trại chung. Vì chân bị cùm, tôi không thể giúp đỡ dọn với anh, đành rằng trong tù chả có quái gì nhiều, nhưng nó cũng là một hành động tình cảm khi anh đi, và tôi không có hy vọng gặp lại nhau nữa. Do đó, tôi chỉ ngồi nhìn anh gấp chăn màn, bằng ánh mắt tiễn chào lưu luyến.
Trước mặt tên Chiến, anh cầm một gói thuốc lào, cái điếu, và một bao diêm đưa cho tôi:
- Anh giữ cái điếu này lại mà hút, tôi được ra trại chung!
Tôi xúc động trước tấm lòng của anh, dù vậy, tôi vẫn nói:
- Anh mang điếu đi theo để hút, vì đó cũng là kỷ niệm của anh!
Anh cười, giọng phớt đời:
- Ồ, ngoài trại chung thiếu gì. Anh em đông, nhiều người có.
Tên Chiến thò cổ vào quát:
- Mau lên, dềnh dàng mãi!
Anh ôm bọc chăn màn ra còn ngoái cổ lại:
- Anh ở lại khỏe!
Cửa đóng rồi, tôi vẫn còn mân mê cái điếu, suy nghĩ mãi về ân tình của một người cùng khổ, tặng cho một người khốn cùng khác.
Tôi lại trở về tình trạng ở một mình. Tên Chiến có lẽ hàng ngày quan sát thái độ của tôi, thấy tôi năng nổ lạc quan, không còn ủ rĩ lầm lì, đến độ con ruồi đậu vào mũi cũng không buồn đuổi. Tất nhiên, y đã có báo cáo với cấp trên, và chúng thấy chẳng cần người ở với tôi, vì tôi chẳng tự tử nữa. Ngay chính ánh mắt của y bây giờ, tôi nhìn hàng ngày cũng dường như có chút thiện cảm, không lạnh lùng, ác cảm như trước. Trong những lần ra đổ bô, lấy cơm, trả bát, nhiều lúc bắt gặp ánh mắt của y nhìn tôi với vẻ tò mò. Tôi hơi băn khoăn, không hiểu y có ý định gì đối với tôi, trong khi bản chất của y là một kẻ phớt đời, nói ít mà làm mạnh. Buồng nào tỏ ra ngang bướng, y trị đến nơi. Y nghiêm như vậy nên xà lim rất im lặng. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 12 sắp đến năm nay 2019, là tháng cuối cùng trước khi Hiệp Ước Thành Đô được áp dụng. Năm tới, 2020, Việt Nam sẽ chánh thức do Nhà cầm quyền Tàu Cộng kiểm soát …... Con đường đấu tranh để Việt Nam thoát khỏi quỷ đạo Cộng Sản Tàu e rằng bế tắc!
Lời Tòa Soạn: Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Trong khi nhiều người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên lập công ty, bơm tiền mua nhà đất ào ạt tại các thành phố du lịch ven biển, xem như đầu tư bất động sản và xây khu nghỉ dưỡng… một số công ty khác lặng lẽ thâu tóm, mua lại nhiều công ty Việt Nam để nắm chặt cổ họng nền kinh tế Việt…
Tội phạm Trung Quốc đóng giả cảnh sát, công tố viên để lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang Đông Nam Á khi bị trấn áp tại quê nhà.
COPENHAGEN - Đan Mạch nhận trọng trách dẫn đầu kế hoạch huấn luyện không tác chiến tại Iraq từ cuối năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), các hãng sản xuất xe hơi Mỹ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc trong năm 2018.
Tăng sĩ Phật Giáo Thiền Tông Gregory Filson đang đạp xe xuyên qua nước Mỹ trong một nỗ lực nối kết với đất mẹ và nâng cao ý thức về bệnh Alzheimer’s.
Cảnh Sát Tiểu Bang Massachussetts trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm Spot, một loại robot chó, được chế tạo bởi Boston Dynamics, để tham gia các đơn vị tháo dỡ bom.
Giá nhà tại 20 thành phố Hoa Kỳ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9, cho thấy tín hiệu rằng giá trị nhà đang ổn định ở mức cao, và nhu cầu nhà ở vẫn cao. Đây là đợt tăng giá đầu tiên kể từ năm 2018.
Ronna McDaniel – Chủ Tịch Uy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC)- đã tuyên bố hôm 26/11 rằng: hành động đầu tiên của tỉ phú Michael Bloomberg khi chính thức tuyên bố tranh cử ửng viên tổng thống đảng Dân Chủ không khác nào cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.