Trong cái thị trấn đó thanh thiếu niên mới 16 hay 17 tuổi đã sinh con. Những đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch đã trở thành bố mẹ. Sau khi có con, chúng nghỉ học, không có công ăn việc làm và đẩy xe trẻ con đi lang thang khắp các siêu thị, các hàng quán giống như người ta an nhàn đi chơi vào mỗi cuối tuần. Những cặp vợ chồng dưới tuổi thành niên đó sống trong những căn hộ tồi tàn không thua gì những gia đình của các nước thứ ba, và là mảnh đất tốt cho bạo hành gia đình và tội ác phát triển. Trong cái thị trấn đó cư dân gần đây đã hình thành tâm lý nghi kỵ những người lạ mặt. Người ta liếc nhìn một cách thiếu thân thiện những chiếc xe hơi lạ vụt ngang qua, người ta ngậm câm khi người lạ hỏi quá nhiều câu hỏi, lưng người ta quay lại như một thái độ từ chối người xa lạ và miệng buông ra những lời nhận xét độc địa như rắn rít.
Cái không khí quỷ ám đó bắt đầu trầm trọng hẳn lên từ sau khi xảy ra vụ giết hại đứa trẻ bảy tháng tuổi tên là Jordan Anderson Smith tại vùng Ashmont vào ngày 15.2. Đứa bé đã chết một cái chết đau đớn vì bị tra tấn một cách có hệ thống. Cho đến bây giờ chẳng có ai bị truy tố và vụ án vẫn đang là một đường hầm không lối thoát. Trong hồ sơ những kẻ khả nghi, cảnh sát chỉ cho hai nghi can chính. Thứ nhất là mẹ của đứa bé Louise Anderson, một bà mẹ ba con dù rằng chưa đến tuổi 25 và bạn tình của cô ta là Chris Hoerler, 23 tuổi. Cả hai đã khai với cảnh sát là họ không làm chuyện ác nhân thất đức đó.
Tại Ashmont cái tâm lý thù ghét những người lạ của dân cư địa phương đã làm cảnh sát không thể phá vỡ bức tường im lặng trong khi đi tìm những bằng chứng của vụ sát nhân. Những thám tử cảnh sát vẫn tiếp tục con đường khó khăn của họ với niềm tin rằng nạn nhân là một đứa bé vô tội không có khả năng tự vệ và thế nào cũng có người tự nguyện phá vỡ bức tường im lặng và cung cấp cho cảnh sát một đường dây múi nhợ nào đó để lần ra thủ phạm. Thám tử Kerrie Lewis cho biết nhiều người tại thị trấn Ashmont lo sợ rằng những lời khai của họ liên quan đến vụ án sẽ có những tác động bất lợi cho thị trấn vốn yên tĩnh này. Tuy nhiên cũng chẳng có người dân nào tại đây giải thích thế nào là những tác động bất lợi của những lời khai.
Một số ít ỏi cư dân của thị trấn Ashmont đồng ý nói với cảnh sát điều gì đó đều yêu cầu không được tiết lộ danh tánh của họ. Một phụ nữ nói với cảnh sát rằng bà ta sống cách nơi xảy ra vụ sát nhân bốn con đường. Vừa nói người phụ nữ vừa chuyển túi mua sắm qua tay khác và vội vàng bước đi không ngoái lại. Câu cuối cùng cảnh sát có thể nghe bà ta nói là vụ sát nhân đã có một ảnh hưởng đáng sợ lên toàn thể dân cư của Ashmont. Nhiều người khác chỉ đơn giản trả lời là họ không muốn thảo luận gì về những việc xảy ra trong thị trấn. Bên ngoài khách sạn một ông bố non choẹt đang đứng lột giấy gói kẹo cho đứa con và lảng tránh không nhìn vào mắt của những người qua lại. Anh ta đứng chống tay vào một bức tường dơ bẩn có những dòng chữ sơn còn dơ bẩn hơn: "Đ.M. mày, Đ.M.tao, Đ.M. cuộc đời". Phía bên trái của dòng chữ dơ dáy là dòng chữ nhỏ hơn của một cô gái tên là Leonie tuyên bố tình yêu với chàng trai Hoerler, dưới ghi rõ năm 1996.
Hiệu trưởng của trường trung học địa phương là Col Feather, một giáo viên ăn mặc kỳ dị và bê bối từ chối không nói chuyện về tỷ lệ thanh thiếu niên có thai quá cao của thị trấn. 13.5 các bà mẹ sinh con tại bệnh viên Wagga Base năm ngoái là những thiếu nữ dưới 19 tuổi. Vị hiệu trưởng đưa hai tay lên trời và nói một câu không ai cãi vào đâu được: "Chúng tôi chỉ muốn nói đến những chuyện vui và tích cực."
Wagga Wagga là một thị trấn lớn, xinh đẹp với dân cư chừng 60 ngàn người. Chung quanh thị trấn có nhiều vườn nho xinh tươi và những vườn hồng rực rỡ. Phố xá cũng đông vui phải mất hết cả tiếng đồng hồ đi bộ mới viếng thăm được toàn bộ những cửa hiệu của thị trấn. Trung tâm thị trấn Ashmont chia làm hai. Một bên là thành phần giàu có hơn với những căn nhà đẹp, tươm tất và những chiếc xe hơi đời mới đậu trên lối đi. Phần còn lại của Ashmont là những căn nhà ổ chuột xiêu vẹo, không có hàng rào và cũng chẳng có một bông hoa nào trong những khu vườn trơ trụi đất. Tại Wagga Wagga còn có một số công ăn việc làm liên quan đến các nông trại, còn tại Ashmont dân cư tại đây chủ yếu là dân thất nghiệp. Đàn ông chỉ biết tụ tập uống bia, đánh bạc, hút xách và nói chuyện tiếu lâm tục tĩu.
Đây chính là vùng đất của những kẻ nghèo lười biếng, những tay chuyên đục vách đào tường đi ăn trộm và phá hoại các công trình văn hóa. Không may nạn nhân Jordan Anderson Smith đã được sinh ra trong chính thị trấn này. Cha của bé Jordan là một nam sinh 17 tuổi tên là Cecil Smith. Smith quen biết với Louise Anderson trong một buổi tiệc và bắt đầu ăn nằm với nhau. Lúc đó Anderson đã có bầu với một thanh niên khác và sinh ra một đứa con trai tên là Broody một tuần sau khi gặp Smith. Đồng thời Louise Anderson cũng đã có một đứa con trai khác tên là Jason mà cha của đứa bé sống ở vùng Werribee, Melbourne. Gã này là bạn thân của cha của đứa bé tên Broody. Sau khi Louise Anderson sinh xong, Smith bỏ nhà dọn về sống với Louise Anderson trong một căn nhà nhỏ trên đường Blakemore Avenue, cách trung tâm mua sắm Ashmont chưa tới một tầm ném đá.